Chương 5: Tống Dương Thành

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng




Chương 5: Tống Dương Thành

Nửa đêm, thâm cung vắng lặng như tờ. An Lạc cung ban ngày vốn đã là một nơi yên tĩnh, giờ lại càng im ắng. Dường như, chỉ một chiếc lá khô rơi xuống cũng có thể nghe thấy rõ ràng. Cái cảm giác này thực hiu quạnh. Nếu như phía tẩm điện không còn sáng đèn, hẳn là người không biết sẽ nghĩ đây là một cung điện chết đã bị bỏ hoang từ rất lâu.

An Dương bật dậy khỏi giường, cả người mồ hôi như tắm. Rõ ràng mới đầu thu, chàng lại thấy buốt lạnh kỳ lạ. Tim đập mạnh như muốn nhảy vọt ra khỏi lồng ngực cho thấy chủ nhân của nó đã kích động đến nhường nào. Từng tiếng thở dốc nặng nề dội vào đêm tối. An Dương nắm chặt ngực áo, đè nén từng đợt quặn thắt nơi lồng ngực phập phồng mãnh liệt. Chàng cố gắng ổn định lại nhịp thở của mình.

Hơn chục năm qua đi, vậy mà giấc mộng này vẫn từng ngày lại từng ngày ám ảnh chàng. Không có một đêm nào ngon giấc.

Mười lăm năm trước, chàng mới chín tuổi đã phải chứng kiến cả nhà diệt vong trong biển lửa, trong gươm đao, trong máu và nước mắt. Chín tuổi, nước mất, nhà tan. Chín tuổi, từ Thái tử trong một đêm liền biến thành kẻ lưu vong. Chín tuổi, chàng mất tất cả.

Kể ra, quả thật là một câu chuyện dài. Vậy mà chỉ trong một cái chớp mắt, đã mười lăm năm. An Dương vốn là Thái tử nước Phong, Tống Dương Thành. Tương truyền, vào ngày Hoàng hậu hạ sinh Thái Tử, nước Phong vốn hạn hán nửa năm trời lại đổ cơn mưa rào. Năm đó, mùa màng bội thu. Đến tận ba năm tiếp theo, đất nước no đủ, không bệnh dịch, không chiến tranh. Tống Dương Thành vừa sinh đã nhận hết mọi sự vinh sủng của đất trời, càng lớn càng sáng sủa lanh lợi, trí tuệ kiệt xuất cùng dung nhan thiên phú nổi danh bốn bể, được xưng tụng rằng thiên hạ trăm năm chỉ có một người.

Những tưởng ông trời ưu ái chàng như vậy thì cũng sẽ cho chàng một đời vinh hoa yên ấm, nhưng mọi sự nào có như mơ.

Nước Phong là một đất nước nhỏ nằm cạnh Đại Thiên quốc, vốn đã quy phụng Đại Thiên từ lâu, hàng năm đều đặn tiến cống không hề lơ là. Hoàng đế nước Phong ưa chuộng hòa bình, lại cũng hiểu nếu chiến tranh xảy ra thì đất nước nhỏ bé của ông cũng không thể chống đỡ. Vậy nên, biết bao đời nay, nước Phong vẫn dựa vào Đại Thiên mà sống, không hề có ý nghĩ gì không an phận.

Năm nọ, sứ thần nước Phong phụng mệnh Hoàng đế đem lễ vật sang Đại Thiên quốc theo hạn, trong đó có một đôi chim hoàng anh bảy sắc quý hiếm mới tìm thấy, đặc biệt đem dâng. Thế nhưng, khi Ngôn Hoàng Đại Đế mở hộp gấm, bên trong lại chỉ còn lại hai con chim chết. Ngôn Hoàng Đại Đế nổi giận, cho rằng nước Phong có ý phỉ báng triều đình Đại Thiên, lại tặng đôi chim hoàng anh chết để trù phá đế hậu, hạ chỉ đem quân chinh phạt.

Tai họa bất ngờ giáng xuống khiến Hoàng đế nước Phong không kịp trở tay. Người rộng lượng sẽ cho rằng do đường xa không tránh được bất trắc, người còn mệt mỏi huống chi là một đôi chim. Nào có đơn giản như vậy, Ngôn Hoàng Đại Đế tham vọng bành trướng, hai mươi năm trị vì đã làm đất đai Đại Thiên rộng ra không ít, hẳn là đã có ý định đem lãnh thổ nước Phong gộp lại thành một với Đại Thiên quốc từ lâu. Chỉ là ông không ngờ rằng, sự quy hàng đời truyền đời của nước Phong không ngăn được thảm cảnh này.

Đêm ấy, hoàng cung nước Phong chìm trong biển lửa. Mọi thứ hỗn loạn đau thương không sao kể xiết. Tống Dương Thành trốn trong tủ quần áo, cả người run bần bật. Bên tai chàng là tiếng gào thét, tiếng khóc than ai oán không phân rõ của ai với ai. Tiếng gươm đao giáo mác, tiếng hô hào của binh lính Đại Thiên, tiếng gào thét của con dân nước Phong vang vọng đến cả tẩm cung. Có lẽ, ấy là tiếng khóc của nước Phong bên bờ vực diệt vong.

Trên khuôn mặt trắng nõn của một đứa trẻ chín tuổi lúc ấy đã vương đầy máu của người thân, quần áo đắt tiền trên người cũng xộc xệch nhuốm một mảng máu lớn. Không phải máu của Tống Dương Thành mà là máu của mẫu hậu vì bảo vệ chàng, đưa thân mình nhận lấy hàng chục nhát chém từ binh sĩ Đại Thiên. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, bà nắm chặt tay chàng thì thẩm:

- Thành nhi, con nhất định phải sống. Con chính là hoàng tộc, là nước Phong.


Chàng không thể quên cảm giác nằm dưới xác mẫu hậu, nhận thức rõ ràng thân thể bà dần lạnh đi. Máu của mẫu hậu thấm qua quần áo chàng, chạm đến từng tấc da thớ thịt.

Nép trong tủ, bỗng chàng nghe thấy tiếng kêu thảm thiết. Qua khe cửa nhỏ hẹp, Tống Dương Thành thấy hoàng tỷ mình bị một đám binh lính lôi vào phòng. Nàng khóc lóc, kêu cứu trong tuyệt vọng, cầu xin chúng cho nàng một con đường sống. Nhưng không, bọn chúng ấn nàng xuống đất, thi nhau làm nhục nàng. Giọng nàng yếu dần rồi tan đi. Hoàng tỷ chết rồi. Người chàng trân trọng yêu thương nhất đời cũng chết. Nàng chết vì bị một đám đàn ông thay phiên nhau chà đạp giày xéo. Chết trong nhục nhã. Chết khi mới mười sáu xuân xanh.

Tống Dương Thành chỉ ước mình bị mù, bị điếc để không phải chứng kiến khung cảnh đang diễn ra trước mắt. Không thể khóc, không thể gào lên, cũng không thể bảo vệ bất kì một ai. Đau đớn, bất lực, phẫn uất, căm hận. Mọi cảm xúc nổ tung trong cơ thể một đứa bé chín tuổi. Tất cả những điều tốt đẹp vỡ vụn trong một đêm binh biến.

Chàng được Trung Đại tướng quân hộ tống đi trốn theo lời dặn của phụ hoàng. Ông tự tay đốt trụi tẩm cung của Thái tử, cũng cẩn thận sắp xếp xác một đứa trẻ có hình dáng tương đồng với Tống Dương Thành trong biển lửa Đông Cung. Thái tử Tống Dương Thành năm ấy chết trong chiến tranh nước Phong, mọi thứ về chàng sau đó chỉ còn lại là truyền kỳ trong nhân gian.

Ký ức cuồn cuộn như con sóng dữ chưa ngày nào lặng. Trong đầu chàng lại hiện ra ánh mắt Mễ Xuy trước khi chết. Thật buồn cười, chàng sống qua chừng ấy năm, chẳng phải chỉ là một chiếc rương sống để hết thảy mọi người chất vào hận thù hay sao? Chàng là nước Phong. Chàng là nước Phong. Chàng chính là nước Phong.

Tống Dương Thành Thái tử chưa bao giờ chết. Nước Phong cũng vậy.

Bất chợt, hình ảnh một người lóe lên như sao bằng lướt qua màn đêm tối.

"Ta nhất định sẽ yêu chàng thật lâu..."

An Dương nhắm mắt, không rõ trong lòng mình là loại cảm xúc gì. Khi không biết nàng là ai, chàng cũng đã nghĩ sẽ yêu nàng lâu thật lâu. Chỉ cần trả xong nợ nước, thù nhà...

Trớ trêu thay, người An Dương từng đầu ấp tay gối, yêu thương chiều chuộng lại mang dòng máu của kẻ thù. Nàng lớn lên bằng máu và nước mắt của nhân dân nước Phong, của phụ hoàng, mẫu hậu, của những người chàng yêu thương.

"Nàng không biết, ta ghê tởm nàng, cũng ghê tởm chính mình."


..................


Cần Chính Điện trải qua một buổi sáng căng thẳng. Các vị đại thần lũ lượt kéo nhau rời khỏi điện, âm thầm lau mồ hôi. Dạo gần đây đột nhiên không chỉ huyện Hải Châu vùng Tây Nam Đại Thiên quốc xuất hiện dịch bệnh làm chết đến hàng trăm người mà phía Tây Bắc vốn dĩ quanh năm mưa thuận gió hòa nay lại hạn hán. Khi thông tin về đến triều đình, tình trạng thiếu nước đã kéo dài được ba tháng có lẻ. Dịch bệnh lan rộng, mùa màng có nguy cơ thất bát, người chết thì về với đất mà người sống thì đói kém. Bần cùng sinh đạo tặc. Trộm cắp, cướp bóc, giết người cũng bắt đầu phát sinh.

Bị dồn đến đường cùng thì thỏ cũng cắn càn, huống chi là con người. Nếu tình hình này không được xử lý nhanh chóng, nạn dân càng ngày càng tăng, tất sẽ dồn vào các thành trì xung quanh. Mà trước nay đất nước ổn định, các thành đều không có phương án ứng phó từ trước. Nhân dân khổ cực, sống trong chết chóc và tệ nạn thì nổi loạn là điều có thể đoán trước.

Từng lời nói của Trần Thừa tướng lúc thượng triều cứ văng vẳng bên tai các đại thần, khiến họ không rét mà run. Cục diện đất nước thế này mới chỉ vừa diễn ra, ấy vậy mà hắn đã nhìn trước được cả một đoạn dài. Con người này cũng quá đáng sợ rồi.

Không chỉ thế, một từ "nổi loạn" đại nghịch bất đạo mà Trần Thừa tướng có thể nói ra trước mặt Duyệt Đế nhẹ nhàng như kể chuyện, mỗi câu mỗi chữ đều đanh thép rõ ràng, thực làm người ta choáng váng. Qua mấy năm Duyệt Đế trị vì, quan quân trong triều đình Đại Thiên đã thay máu quá nửa, mà phần lớn đều là môn sinh của Thừa tướng. Hiện giờ chỉ còn một số ít là các đại thần lớn tuổi từ thời Tiên đế, sự trung thành của họ đối với triều đại họ Ngôn là không có gì bàn cãi. Tuy nhiên, lâu lâu lên triều lại phải tim đập chân run, thon thót lo sợ thì cơ số cũng nghĩ đến chuyện cáo lão hồi hương, bồi dưỡng đồ đệ mà nhường lại vị trí cho đám người trẻ có tài.

Lại kể gần đây, trong thiên hạ bắt đầu xuất hiện lời đồn đại rằng Đại Thiên quốc sắp đến hồi sụp đổ vì để giang sơn xã tắc vào tay nữ nhân. Từ khi khai thiên lập địa, nào có triều đại nào nữ tử trị vì mà kéo dài được lâu? Đã sinh ra là phận nữ nhân thì tuyệt đối không thể làm vua. Như thế có khác nào để đất nước dưới váy đàn bà? Gió bão không bằng gió miệng, lời đồn thổi cứ người này truyền tai người kia mà phát tán. Lại cộng thêm dịch bệnh, hạn hán, người ta càng tin tưởng lời đồn "nữ nhân xưng vương, thiên hạ tất loạn". Mà cũng thôi đi, vị Duyệt Đế kia ở trên cao chắc chưa nghe được mấy lời này. Tốt hơn hết là đừng nên nghe thấy, tránh cho tâm trạng không vui rồi bầu trời kinh thành cũng khó tránh âm u.


Phía trong Cần Chính Điện hiện giờ chỉ còn lại Trần Thừa tướng cùng Duyệt Đế. Tất cả cung nữ, thái giám đều đã cho lui.

Trần Dao vô cùng quy củ đứng dưới điện nhìn người trên ghế rồng sau khi đối diện với một đống rối rắm vẫn một mặt bình thản. Nàng thong thả đứng dậy, vuốt thẳng nếp nhăn trên long bào, lại thong thả bước từng bước đi xuống phía hắn. Bước chân nàng không nhanh không chậm, tiến ra ngoài sảnh Cần Chính Điện. Hắn im lặng đi theo sau nàng.

Nơi thiết triều của Đại Thiên quốc được xây cao hẳn so với các nơi khác trong cung. Đứng ngoài sảnh, dõi mắt ra xa là có thể nhìn thấy trùng trùng cung cấm tôn nghiêm tráng lệ.

- Thừa tướng nhìn xem, đây là hoàng cung của trẫm. Bên ngoài tường thành là giang sơn của trẫm. Có phải không?

- Đại Thiên hùng mạnh trong bốn nước chính là của bệ hạ. - Trần Dao đáp lời. Một câu nói của hắn, vừa đáp lời Ngôn Dung, cũng như vừa mang vài tầng ý khác.

Ngôn Dung quay đầu nhìn thẳng vào mắt hắn, hồi lâu sau mới chậm rãi nói:

- Trần Dao, những điều khanh sắp nghe, hãy thề trên sinh mạng của trẫm rằng khanh nhất định phải làm được. Nhất định.


..................

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro