NGƯỜI LẠ TRONG NHÀ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Người lạ trong nhà mang theo một nỗi sợ hãi mơ hồ và sự cô đơn tới đáng sợ. Nỗi cô đơn đó đối lập với một cuộc sống hạnh phúc lủng lỗ chỗ khiến người ta không khỏi rùng mình. Mình từng đọc qua vài tác phẩm do nhà văn người Pháp viết, không biết có phải là do số phận hay không những tất cả các tác phẩm này đều có sự miêu tả hoa mỹ tới mức dài dòng, mặc dù việc miêu tả rất mượt và mềm mại nhưng nó cũng khiến mình cảm thấy chán nản ít nhiều khi đọc. Người lạ trong nhà thì không thế, tác giả tập trung và xoáy sâu vào trong tâm tư của từng nhân vật với câu văn gãy gọn nhất, đắt giá nhất. Cô khơi gợi lên những nỗi đau, quá khứ, ước mơ và hão vọng của từng nhân vật trong truyện trong một không gian bó hẹp, với những mối quan hệ bó hẹp, và nỗi cô đơn của bó hẹp, đầy cô đọng.

Nhà Massé có hai đứa bé, và người vợ thì đang quá tải với trách nhiệm của mình. Cô và chồng được tác giả mô tả bằng hình ảnh những đứa trẻ cố tròng vào cái áo rộng quá khổ đối với mình, và đúng là như vậy thật! Đúng cho cả những con người đi đi lại lại ngoài phố, đúng cho những ông bố, bà mẹ vừa cố gắng chăm lo cho đứa con ỏn ẻn của mình mà trong lòng thì luôn cáu bẳn đòi hỏi sự tự do. Sự tự do mà họ đã đánh mất khi quyết định lập gia đình và sử dụng lòng ích kỉ của mình để tạo ra những đứa trẻ, rồi sau đó thì bỏ mặc chúng với một người vú nuôi hay bảo mẫu vớ được ngoài hè phố, trong khi vẫn hớn hở khoe khoang rằng mình vẫn đang chăm sóc rất tốt cho con cái của họ. 

Bối cảnh chủ yếu của Người lạ trong nhà rất chật hẹp, nó chỉ xoay quanh cuộc sống của ba con người – nhị vị phụ huynh và Louise, người trông trẻ. Trong đó, tác giả chú tâm xoáy sâu vào sự biến chuyển tâm lý của Louise nhất. Người đàn bà đã quá tứ tuần, có một tuổi thơ bất hạnh, sinh ra đứa con không mong muốn, gặp một tên chồng đần độn đổ nợ và thất bại trong việc giáo dục con gái mình trong khi luôn được khen ngợi trong việc giáo dục những đứa trẻ ở nơi bà làm vú nuôi. Tất cả lý lịch nhân vật Louise được phô bày từng chút một, như giọt rượu đỏ máu nhỏ xuống chầm chậm và chạm vào vành ly đã vỡ nát. Louise khao khát một nơi dành riêng cho mình, êm ái, an toàn và được yêu thương, vô cùng thoải mái. Tác giả đã gọi rằng bà ta muốn có một cái ổ, một cái kén nằm trong lòng gia đình của người chủ đã thuê mình. Louise thèm khát một cuộc sống hoàn toàn khác biệt, một cuộc sống mà suốt hơn nửa đời người bà chỉ có thể ngước lên để nhìn ngắm nó.

Ngược lại đối với vợ chồng nhà Massé, Myriam Massé phát rồ lên vì những đứa trẻ. Cuộc sống bị tù túng khiến cô tưởng chừng mình đang bị giam cầm bởi tiếng thét của đứa con gái lớn Mila và giọng khóc ré lên của thằng nhỏ Adam. Cuộc sống của cô vốn dĩ phải tuyệt vời hơn thế, cô khao khát trở về bên chiếc bàn tố tụng và đứng trước vành đai tranh luận của phiên toà. Cô yêu lũ trẻ nhưng cũng căm thù chúng đã tước mất sự tự do vốn có của mình, cô và chồng – Paul Massé, loay hoay tìm một giải pháp thuận cả đôi đường: thuê một vú nuôi, một người mà họ có thể phó thác cuộc sống và tuổi thơ của cả hai đứa con mình, một người có thể lãnh nhận toàn bộ trách nhiệm làm cha và mẹ của họ, để họ có thể vùng vẫy với đôi cánh sau lưng và cười mãn nguyện với niềm vui thích. Họ đã thuê Louise.

Người lạ trong nhà là một câu chuyện đặt câu hỏi cho trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái. Phụ huynh có trách nhiệm nuôi nấng những đứa trẻ, đó là gánh nặng về kinh tế đã được đặt lên vai họ. Và bên cạnh đó, họ cũng có trách nhiệm dạy dỗ chúng, chia sẻ tuổi thơ cùng với chúng, đó là gánh nặng về tâm lý. Nhưng không phải ai cũng có thể dung hoà được cả hai gánh nặng, bản chất của con người đều khao khát tự do và ai cũng trở nên vị kỉ khi vòng thoải mái của mình bị xâm phạm. Ngay cả khi sự xâm phạm đó đến từ con cái của họ. 

Câu chuyện bắt đầu bằng một kết cục, nhưng lại là khởi đầu của những vấn đề vừa cũ, vừa mới. Những vấn đề xã hội mãi mà vẫn chưa giải quyết được. Người lạ trong nhà cũng nêu bật lên những lợi ích lẫn hậu quả của việc lơi là trách nhiệm, của việc quá vị kỉ và của việc cố gắng phó mặc gánh nặng của mình lên vai kẻ khác. Nhân vật Louise của Người lạ trong nhà được đào sâu đến độ vô cùng chân thật, đến mức người ta cảm thấy tội ác của bà chẳng là gì so với sự vô trách nhiệm của Paul và Myriam Massé cả. Bà là hung thủ, cũng là nạn nhân. Cặp vợ chồng Massé chính là nạn nhân, mà cũng là hung thủ. Chỉ có những đứa trẻ, những đứa trẻ được tạo ra bởi sự vị kỉ và lòng ham muốn của người lớn, rồi bị vứt bỏ giống như một món đồ chơi cũ nát, được chuyền từ tay người này sang người khác như một "cục trách nhiệm" rắc rối khó coi, mới là nạn nhân thực sự của cả câu chuyện. Nhưng cái chết của chúng là một thảm hoạ thương cảm, hay ta nên mừng rỡ vì giờ đây chúng đã thoát khỏi chức danh của mình, thoát khỏi vị thế mà chúng bị nhét vào bởi những người phụ huynh vị kỉ?

Người lạ trong nhà mang lại rất nhiều cảm xúc, rất nhiều suy tư. Đến nỗi ngay cả khi gấp sách lại, nó cũng sẽ để một vết hằn sâu trong tâm trí người đọc. Rất sâu, rất lâu sau đó.

Đánh giá: 9/10.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro