Phần 1-3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đêm đó tôi lên giường sớm, mệt nhoài nhưng có phần hưng phấn. Trời rất nóng nhưng tôi vẫn đóng cửa chớp lại. Vú không thích tôi mở cửa sổ quá rộng vào ban đêm, bất kể sự ngột ngạt vào những đêm lặng gió. Bà nói không khí ban đêm không lành.

Khi đèn dầu cạn, ánh trăng dần tràn vào phòng, phủ lên mọi vật một màng sáng nhạt dịu mắt. Người Hoa coi mặt trăng là âm, đầy tính nữ và những năng lượng âm cực, trái ngược với mặt trời là dương, biểu trưng cho nam tính. Tôi rất thích mặt trăng cùng vầng sáng bàng bạc dịu dàng của nó. Trăng mơ màng tha thướt, lại xảo quyệt mưu mô, thế nên những thứ trót lăn vào ngóc ngách trong phòng gần như sẽ mất tăm mất tích, và những cuốn sách đọc dưới ánh trăng bỗng như chứa đựng biết bao câu chuyện thần kỳ, tuy đến ban mai lại bốc hơi không còn chút dấu vết. Vú luôn cấm tôi khâu vá dưới ánh trăng để khỏi mờ mắt, thế thì còn ai muốn cưới tôi nữa.

Nếu phải kết hôn, tôi nghĩ lấy một người như anh chàng tôi gặp hôm nay cũng không tệ. Tôi tua đi tua lại trong đầu cảnh chúng tôi gặp nhau, mường tượng lại chất giọng và những lời ngắn gọn tự tin của anh. Tôi thích cách nói năng nghiêm túc ấy, không hề có vẻ bề trên thường thấy ở mấy người bạn của cha. Ý nghĩ có thể chia sẻ niềm yêu thích thậm chí cả mối lo âu của mình với anh làm tôi rung động. Nếu tôi là đàn ông và cảm mến một nàng hầu gái, tôi sẽ chẳng chần chừ mà lập tức chuộc thân cho nàng. Đàn ông làm thế như cơm bữa. Nhưng phụ nữ lại khác. Tôi chưa từng chứng kiến, nhưng đã nghe kể không ít về những thê thiếp cả gan ngoại tình rồi bị bóp cổ đến chết, hay bị cắt mũi, cắt tai rồi đẩy ra đường lang thang. Tôi không thể gặp chàng trai trẻ ấy thêm lần nào nữa, càng không thể nuôi tình ý gì với anh. Dù cha dễ tính nhường nào, ông cũng chẳng bao giờ cho phép tôi kết hôn với một người hầu.

Tôi thở dài. Toi chẳng biết gì về anh, tất cả chỉ là phỏng đoán cùng hy vọng mơ hồ. Dù tôi có kết hôn, chồng tôi cũng sẽ là một người xa lạ. Các tiểu thư lá ngọc cành vàng thường chẳng quan trọng hóa điều này. Nhiều người trong số họ được hứa hôn từ sớm, vài người may mắn gặp được ý trung nhân trong những dịp hội hè và kịp yêu đương trước khi thành thân. Riêng với nhà tôi thì không. Lối sống lánh trần của cha làm tan tác hết bè bạn, đừng nói đến việc nhận lời hứa hôn vơi con trai nhà ai. Lần đầu tiên trong đời, tôi hoàn toàn hiểu được vì sao vú luôn bực tức với cha về vấn đề đó. Nhận ra sự bỏ bê của cha mình, trái tim tôi nhói lên đau đớn. Viễn cảnh hôn nhân của tôi hoàn toàn mù mịt, có lẽ tôi sẽ phải chịu cảnh cô đơn lẻ bóng suốt đời, mãi mãi không thoát khỏi cơ hàn, và không được tận hưởng niềm hạnh phúc làm mẹ. Nghĩ tới đây, tôi chỉ biết vùi đầu vào gối vải mỏng, khóc cho đến khi thiếp đi.

Đêm đó tôi mơ một giấc mơ kỳ lạ. Tôi dạo bước trong dinh thự nhà họ Lim, mọi vật đều yên ắng tĩnh lặng. Trời sáng rõ, nhưng không phải vì nắng, mà do dải sương trắng giữa ban ngày. Cũng giống màn sương ấy, khung cảnh mờ dần khi tôi bước qua, như thể phía sau tôi được phủ một màng phim trắng mỏng. Y như sáng nay, tôi rảo bước qua các sân vườn cắt tỉa gọn gàng, các hành lang tối mờ, các phòng ốc rộng dài thênh thang, chỉ là lần này không nghe thấy tiếng nói chuyện rì rầm hay trông thấy bóng dáng người hầu qua lại. Nhưng ngay lập tức, tôi biết chắc rằng không chỉ có mình mình ở đây. Ai đó đang dõi theo tôi, lén nhìn tôi qua khe cửa, hay qua những con tiện lan can trên tầng cao. Tôi bắt đầu rảo chân chạy, hết hành lang này tới hành lang khác, cho đến khi khung cảnh xung quanh trở nên giống nhau một cách đáng sợ.

Cuối cùng tôi đến khoảnh sân có ao sen, giống hệt khoảnh sân tôi bắt gặp sáng nay, chỉ khác là những đóa sen này trông không thật chút nào, chúng cắm trên bùn như những nắm nhang. Tôi đứng sững lại, đang tự hỏi phải làm gì thì một bóng người lướt vụt qua bên cạnh. Quay phắt lại, tôi bắt gặp một người đàn ông lạ mặt. Y mặc kiểu áo cổ xưa, dài đến gót chân. Đôi bàn chân ngắn và to bè quái dị xỏ trong đôi giày mũi nhọn màu đen. Trang phục màu mè sặc sỡ nhưng khuôn mặt không có gì đặc biệt, tròn vành vạnh với chiếc cằm nhỏ và lỗ chỗ sẹo trứng cá. Y nhìn tôi với nụ cười ngượng nghịu.

"Li Lan!" Y thốt lên, "Mãi ta mới được gặp lại em!"

"Anh là ai?" Tôi hỏi.

"Em không nhớ ta đúng không? Đã quá lâu rồi. Nhưng ta thì chẳng thể quên được em. Làm sao có thể?" Y ba hoa, "Cặp mày thanh thoát như cánh ngài, đôi môi đỏ mịn như hoa dâm bụt."

Nhìn vẻ hớn hở ấy, tôi chợt lợm giọng. "Tôi muốn về nhà."

"Ôi không Li Lan," y đáp, "Em ngồi xuống đi đã. Em có biết ta đã chờ giây phút này bao lâu rồi không."

Y phẩy tay, một chiếc bàn ê hề thức ăn hiện ra. Nào gà luộc, hoa quả, mứt dừa và đủ thứ bánh trái trên đời. Cũng giống quần áo y, chúng được nhuộm màu sặc sỡ và trông chẳng ngon lành chút nào. Cam vàng chóe như tô phẩm, bánh lá dứa xanh xỉn như màu biển cả trước cơn dông... Tất cả chất thành đống cứng nhắc, trông chẳng khác gì đồ vàng mã. Y ấn vào tay tôi một tách trà.

"Tôi không khát." Tôi đáp.

"Ta biết em xấu hổ," kẻ điên rồ kia đáp lại, "Nhưng ta sẽ tự rót cho mình một chén. Thấy không? Ngon mà?"

Y thích thú nhấp từng ngụm, "Li Lan, em à. Em không biết ta là ai sao? Ta chính là Lim Tian Ching! Người thừa kế của nhà họ Lim. Ta đến để rước em đây."

Càng lúc tôi càng lợm giọng, đầu óc quay cuồng.

"Chẳng phải anh chết rồi sao?"

Tôi vừa dứt lời, khung cảnh liền co rúm lại như bị vò nhàu. Màu sắc vụt biến mất, các đường nét mờ dần. Rồi sau đó, như tiếng bật của dây đàn gỗ getah perca, mọi thứ khôi phục như cũ. Ánh sáng trắng mông lung và đồ ăn thức uống trên bàn lại sáng rỡ. Lim Tian Ching nhắm chặt mắt lại, bộ dạng vô cùng đau đớn.

"Em à," y nói. "Ta biết chuyện này khiến em choáng váng, nhưng chúng ta đừng đề cập đến điều đó nữa nhé."

Tôi kiên quyết lắc đầu.

"Ta biết em là một cô gái mềm yếu," y tiếp tục. "Ta không muốn làm em phiền muộn. Thôi, để lần sau chúng ta thử lại."

Y mỉm cười rồi tan biến.

Tôi cố sức ép mình dậy, chật vật hệt như đang cố len lỏi qua một rừng đước. Cuối cùng, đống sắc màu lòe loẹt cũng nhạt dần, tôi hổn hển choàng tỉnh, giật mình nhận ra ánh trăng nhàn nhạt đang phủ lên người, hai tay tê dại vì bưng chặt lấy trán.

Đêm đó tôi gần như không thể ngủ thêm nữa. Thân thể đầm đìa mồ hôi, tim đập thình thịch. Tôi chỉ muốn chạy tới cuối hành lang và bò lên giường vú như hồi nhỏ. Dạo ấy tôi thường ngủ với vú, dễ chịu hít ngửi mùi dầu lan trắng sực nức mà vú vẫn xoa hai bên thái dương để khỏi nhức đầu. Nhưng giờ mà xuống đó, hẳn vú sẽ lo lắng, còn tôi sẽ phải nghe mắng mỏ, rồi chịu đựng cả đống mẹo dân gian để chữa trị. Chưa kể vú vô cùng mê tín, chỉ cần hé răng nhắc đến Lim Tian Ching thôi cũng đủ khiến bà lo âu mấy ngày liền. Gần sáng tôi mới thiếp đi được một chút.

Tôi vốn định kể cho vú nghe về giấc mơ đêm qua, nhưng khi trời sáng hẳn, nỗi sợ hãi cũng tan biến. Đó có thể chỉ là hậu quả của cơn ám ảnh sau cuộc viếng thăm dinh thự nhà họ Lim, tôi tự nhủ, hoặc do ăn quá nhiều đồ bổ béo. Và tôi cũng chẳng dám thú nhận với vú rằng mình đã nghĩ đến chuyện hôn nhân trước khi đi ngủ. Cuộc gặp gỡ với chàng trai trẻ sửa đồng hồ làm tôi thấy hơi tội lỗi.

Đêm hôm sau, tôi run rẩy bò lên giường, nhưng may thay chẳng gặp mộng mị gì. Vài đêm vô sự cứ thế trôi qua, tôi bèn gạt chuyện kia ra khỏi đầu, nhưng tâm trí lại vướng bận chuyện khác. Dù đã cố hết sức, tôi vẫn không tài nào quên được anh chàng sửa đồng hồ. Tôi nghĩ mãi về kiến thức của anh, và lấy làm tiếc là một người như vậy lại mang phận tôi đòi. Tôi bâng khuâng tưởng tượng cảm giác khi được chạm tay vào mái tóc ngắn tinh tươm ấy. Hễ rảnh rỗi, tôi lại ngắm đường nét khuôn mặt mình trong chiếc gương sơn mài nhỏ mẹ để lại. Cha chẳng mấy khi để ý đến vẻ ngoài của tôi. Ông thích nghe tôi nhận xét về những bức họa và thích xem tôi viết thư pháp hơn. Thảng hoặc, cha nói rằng tôi rất giống mẹ, kèm theo vẻ mặt đau lòng hơn là hạnh phúc, dứt lời ông cũng giấu mình vào đâu đó luôn. Vú thì hiếm khi khen, thường chỉ rặt chê bai, nhưng tôi biết nếu cần thiết, bà sẽ sẵn sàng lao mình vào bánh xe bò vì tôi.

"Vú à," vài ngày sau tôi hỏi. "Mẹ con có quan hệ họ hàng thế nào với Lim phu nhân?"

Chúng tôi đang trên đường về nhà sau khi đi mua ít vải vóc. Chẳng biết bằng cách thần kỳ nào mà vú xoay xở ra tiền. Quá xấu hổ, tôi chẳng dám hỏi xem có phải bà lấy khoản tích cóp riêng để phung phí cho những thứ phù phiếm này không. Các bà vú luôn dành dụm tiền lương để dưỡng già. Họ thuộc một giai cấp đặc biệt trong đám kẻ hầu người hạ, được mệnh danh là "người mặc đồ đen trắng" vì thường vận áo cổ tàu màu trắng phối với quần vải đen. Họ không có chồng, hoặc đã mất chồng, không con cái và cũng chẳng có cách kiếm tiền nào khác. Khi quyết định trở thành vú nuôi, họ cắt tóc ngắn ngang cằm và gia nhập một hội phụ nữ đặc biệt. Họ đóng hội phí, gửi tiền kiếm được vào đây, đổi lại, khi kết thúc cuộc đời phục dịch, họ sẽ về ngôi nhà chung và được lo cơm ăn áo mặc đến lúc chết. Đây cũng là một trong số ít lựa chọn dành cho những người phụ nữ không gia đình, không con cái chăm lo lúc về già.

Tôi nghi vú đã dùng hết tiền tiết kiệm của mình cho tôi. Nếu thế thật thì hổ thẹn quá. Nhà chủ mà kiệt quệ, vú có thể xin làm chỗ khác hoặc đơn giản là nghỉ hưu. Bà cũng đến tuổi rồi. Nhìn dáng hình còm cõi của vú, tôi không thể kìm nén xúc động. Dù nhiều khi vú nghiêm khắc thái quá, làm tôi chỉ muốn thoát khỏi sự kìm kẹp của bà, nhưng tôi biết bà nhất mực thương tôi.

"Mẹ cô và Lim phu nhân là chị em học cách nhau hai ba đời, nếu vú nhớ không nhầm." Bà trả lời.

"Nhưng phu nhân nói như thể biết rõ mẹ con lắm."

"Cũng có thể. Nhưng vú không nghĩ là họ thân thiết đâu, nếu không vú đã phải nhớ rõ. Lim phu nhân là tiểu thư nhà họ Ong. Họ làm giàu bằng cách xây đường cho người Anh."

"Bà ấy nói hồi nhỏ họ hay chơi đùa với nhau."

"Thật à? Có thể có vài lần, nhưng bà ấy không chơi trong đám bạn thân của mẹ cô, điều này vú chắc chắn."

"Sao phu nhân lại nói thế nhỉ?"

"Ai mà biết được mấy bà lớn nghĩ gì?" vú đột nhiên mỉm cười, da mặt nhăn nheo như con rùa biển. "Chắc có lý do riêng. Đầy tớ kể rằng ông bà chủ cũng không tệ. Tất nhiên họ vẫn còn thương tiếc cậu con trai. Cậu ta ra đi năm ngoái, để lại nỗi mất mát khôn cùng."

"Bà ấy còn người con nào khác không?"

"Còn hai người con trai chết lúc mới sinh và mấy cô con gái của bà hai bà ba nữa."

"Con mới thấy bà ba thôi ạ, chưa thấy bóng dáng bà hai."

"Bà ấy mất bốn năm trước vì bệnh sốt rét rồi."

Sốt rét là căn bệnh kinh hoàng đối với cư dân Malaya, ủ mầm dai dẳng trong mạch máu người. Người Mã Lai đốt khói để xua đuổi nó, người Hindu thì dâng lên các vị thần của họ vòng hoa bện từ nhài và cúc vàng để cầu xin che chở. Còn người Anh lại bảo đó là căn bệnh truyền nhiễm từ loài muỗi. Nghĩ đến côn trùng, tôi lại không khỏi nhớ đến bà ba cùng những chiếc trâm cài tóc sáng loáng.

"Bà ba thật nổi bật, vú nhỉ." Tôi nói.

"Người đàn bà đó à! Trước khi lấy được lão gia, bà ta chỉ là một ả vô danh. Chẳng ai biết bà ta từ đâu đến. Chắc từ một thị trấn phương Nam xa xôi nào đó, có khi là Johore hay tận Singapore cũng nên."

"Các bà có hòa thuận với nhau không nhỉ?"

Chỉ những người đàn ông giàu có mới đủ tiền để lấy nhiều vợ, mà tục lệ này cũng đang mai một dần do giới cai trị không tán đồng, đặc biệt là các phụ nữ Anh - các bà đầm, phản ứng rất gay gắt. Đơn giản là họ sợ đức lang quân của mình bị đồng hóa, rồi nạp thêm thê thiếp người bản địa. Tôi không thể lên án họ vì điều đó. Bản thân tôi cũng không vu sướng gì nếu phải làm bà hai, bà ba, bà tư... Tôi thà chạy trốn, tham gia hiệp hội các bà vú cho xong.

"Cũng tương đối hòa thuận. Nhưng họ ganh đua xem ai có thể sinh con nối dõi. May cho Lim phu nhân, xem ra bà ấy là người duy nhất có thế."

"Thế người con trai duy nhất, Lim Tian Ching ấy, anh ta thế nào ạ?" Tôi thấy ớn lạnh khi nhớ lại giấc mơ, dù cái nóng ban ngày vẫn đang thiêu đốt. Vú thường tránh nhắc đến cái tên ấy, nhưng tôi nghĩ hôm nay tôi có thể moi được chút thông tin từ bà.

"Hư đốn lắm, là vú nghe nói."

"Con cũng nghĩ thế." Tôi buột miệng, may mà bà có vẻ không để ý.

"Họ bảo cậu ta thua xa người anh họ. Ôi chao, nói đến cậu ta làm gì. Tốt nhất là không nên bàn tán về người đã khuất."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#reup