Phần 1-2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi cố sức gạt lời đề nghị quái gở của nhà họ Lim ra khỏi đầu. Vì dẫu sao, chẳng ai mong muốn một lời cầu thân đầu đời như thế cả. Tôi biết rồi một ngày kia tôi sẽ phải kết hôn, và ngày đó càng lúc càng gần, những cuộc sống hiện tại vẫn thoải mái lắm. So với ở Trung Hoa, nếp sống ở Malaya đã bớt gò bó đi nhiều. Phụ nữ gốc Hoa sinh ra ở đây đều không phải bó chân. Những dân tộc khác thấy tục bó chân thật kỳ quặc và xấu xí, nó khiến phụ nữ trở thành tàn tật, thậm chí còn không đủ sức để làm việc nhà. Người Hoa xuất hiện ở Malacca trước cả khi người Bồ Đào Nha đặt chân lên đây vào ba trăm năm trước, song những người gốc Hoa đầu tiên bôn ba sang xứ này làm ăn lại không hề mang theo phụ nữ. Vài người trong số họ lấy người Mã Lai, và sự pha trộn giữa hai dòng máu tạo nên tộc người Peranakan.

Về sau dân nhập cư đem theo phụ nữ già nua, đã ly hôn hoặc góa bụa từ quê nhà sang, vì ngoài những người này, chẳng ai bằng lòng lênh đênh trên chuyến đi dài lê thê hung hiểm. Thế nên ở đây chúng tôi sống khá thoáng, những cô gái chưa chồng con nhà gia giáo vẫn có thể đi dạo ngoài phố, tất nhiên là phải đi cùng người giám hộ. Dù cha dành niềm đam mê bất tận cho văn hóa Trung Hoa, nhưng thực tế, Đế quốc Anh mới là giai cấp thống trị ở Malacca. Họ đặt ra luật pháp và thể chế, thiết lập các cơ quan công quyền và mở trường dạy tiếng Anh cho người bản địa. Hầu hết nam thanh niên nơi đây đều mơ ước được trở thành viên chức nhà nước để phục vụ mẫu quốc.

Tôi thắc mắc điều gì đã xảy ra với anh chàng Lim Tian Ching yểu mệnh, liệu anh ta có từng mơ ước được làm viên chức như thế không, hay công việc ấy chỉ là hạng tép riu đối với một người thừa kế giàu có. Cha anh ta nổi danh vì sở hữu hàng loạt mỏ thiếc cùng rất nhiều đồn điền cao su, cà phê. Tôi cũng tự hỏi lí do khiến gia đình đó tiếp cận cha, vì tôi thực sự không hề quen biết đứa con xấu số của họ.

Suốt vài ngày tiếp theo, tôi tìm mọi cách để cha kể thêm về cuộc nói chuyện với nhà họ Lim, nhưng ông chẳng hé nửa ;ời, chỉ ẩn mình trong thư phòng, mà tôi dám chắc là để hút thuốc phiện. Cha có phần ngượng ngập, như thể hối hận vì đã kể điều đó với tôi. Vú cũng không để cha yên. Không có gan thể hiện ra mặt, vú bèn quanh quẩn trong nhà với cây phất trần, đập bên nọ phẩy bên kia, lẩm bẩm càu nhàu. Bất lực vì sự dồn ép của vú, cuối cùng cha chọn cách phủ một tờ báo lên mặt, giả vờ ngủ.

Mọi chuyện tiếp diễn như thế, làm tôi tưởng sự việc kia đã trôi qua. Thế nhưng vài ngày sau, chúng tôi nhận được tin từ nhà họ Lim. Đích thân Lim phu nhân có lời mời tôi đến chơi mạt chược.

"Ơ, cháu không biết chơi ạ." Tôi buột miệng trước khi kịp ngăn mình lại.

Người hầu được cử sang mời mỉm cười nói rằng tôi vẫn có thể đến, ngồi xem cũng được. Mà quả thật, tôi cũng rất hào hứng muốn xem bên trong dinh thự nhà họ Lim ra sao. Mặc dù tỏ vẻ nhăn nhó, nhưng vú vẫn nhặng xị lên về trang phục và đầu tóc của tôi. Vú vốn thích can dự vào chuyện người khác, nên được chính tay bà nuôi nấng, e rằng tôi cũng nhiễm một phần tính cách ấy.

"Này, nếu đằng nào cũng phải đi thì chí ít đưng để họ coi thường mình!" Vú nói và lấy ra chiếc váy đẹp thứ nhì của tôi. Tôi có hai chiếc váy đẹp: một chiếc dệt bằng tơ mỏng màu tử đinh hương thêu hoa bìm bịp trên cổ và tay áo, một chiếc màu lục nhạt với họa tiết bươm bướm. Cả hai đều do mẹ để lại, đã lâu lắm rồi tôi không có quần áo mới. Bình thường tôi hay mặc những chếc xường xám thô dài, rộng rãi, hoặc samfoo (loại trang phục dành cho các cô gái lao động). Thế nên khi nào hai chiếc váy kia sờn rách, tôi sẽ tháo phần cổ và tay thêu họa tiết ra để đính vào chiếc khác.

"Nên chải kiểu tóc nào cho cô bây giờ nhỉ?" Vú băn khoăn, quên ráo rằng vừa nãy còn gay gắt phản đối cuộc viếng thăm. Tóc tôi thường tết thành hai bím gọn gàng, nhưng vào những dịp đặc biệt, vú sẽ bới cao tóc tôi và cài trâm lên. Những lúc ấy đầu tôi đau điếng vì vú sẽ siết chặt tay, đảm bảo không để sợi nào xổ ra ngoài. Bước lùi ra sau, vú ngắm nghía tác phẩm của mình, rồi cài thêm lên tóc tôi vài cây trâm vàng đính bươm bướm bằng ngọc. Sau đó, vú đeo vào cổ tôi năm sợi dây chuyền: hai sợi vàng, một sợi mặt đính ngọc hồng lựu, một sợi mặt đính ngọc trai nước ngọt (1), cuối cùng là một sợi xỏ qua miếng ngọc bội lớn. Tất cả đều là trang sức mẹ để lại. Tôi muốn gãy cổ đến nơi vì phải đeo nhiều như vậy, nhưng như thế vẫn chẳng là gì so với chỗ vòng vèo những người giàu có hay đeo. Phụ nữ chỉ có mấy món trang sức phòng thân, nên ngay cả những người nghèo nhất ở đây cũng mang vòng, nhẫn hay khuyên tai vàng như của để dành. Còn những người giàu có... Chà, tôi chờ xem Lim phu nhân ăn vận thế nào.

(1) Ngọc trai nước ngọt, nuôi ở hồ, sông. Kích thước viên ngọc từ rất nhỏ đến trung bình với đường kính vào khoảng 4-6mm. (Mọi chú thích trong đây đều là của dịch giả)

Nhà họ Lim ở vùng ngoại ô, cách biệt hẳn với khu sầm uất ở phố Jonker và Heeren, nơi các cửa hiệu Hà Lan cũ đã được sang tay cho đám buôn giàu có người Hoa. Tôi nghe nói họ Lim cũng có nhiều sản nghiệp như vậy, nhưng tư gia chính của họ đã chuyển sang khu Klebang, không xa nhà tôi lắm và ở gần các dinh cơ mới đang ngày ngày mọc lên của giới nhà giàu. Khác với các biệt thự hay nhà nhỏ một tầng của người Âu, nghe đồn tư gia này vô cùng rộng lớn với rất nhiều kẻ hầu người hạ, chuồng trại gia súc, cùng những bãi cỏ xanh rì trải dài bát ngát, tóm lại là theo đúng phong cách Trung Hoa: nguy nga, đường bệ. Vú gọi xe kéo, mặc dù tôi nghĩ như thế thật hoang phí vì chúng tôi hoàn toàn có thể đi bộ. Nhưng vú bảo, đường cũng khá xa, đến đó với bộ dạng mướt mồ hôi và lấm lem bụi đất thì thật chẳng ra sao.

Chúng tôi khởi hành vào lúc ánh dương đang tàn dần. Hơi nóng bốc lên từ mặt đất hòa cùng tầng tầng bụ mù trắng xóa. Phu xe chạy nhịp nhàng, mồ hôi chảy thành dòng trên lưng. Tôi thấy thương cho dân cu li, họ phải vắt kiệt sức mình để kiếm sống, công việc này vất vả quá đỗi, cho dù còn khá hơn thợ mỏ thiếc, nghe đồn người đó đi hai thì chỉ một người sống sót trở về. Những người phu xe thường gầy trơ xương, lồng ngực lõm xuống, da dẻ dày như da thuộc, bàn chân trần chai sạn chẳng khác gì móng ngựa. Nhưng cách những kẻ xa lạ ấy nhìn tôi chằm chằm khiến tôi khó chịu. Tất nhiên, tôi chưa bao bao giờ được ra khỏi nhà một mình, và hễ ra đường đều phải khuất mặt dưới tán dù bằng giấy dầu.

Tôi không kịp nghĩ ngợi vẩn vơ thêm nữa, vì xe đã dừng trước cửa họ Lim. Vú dặn phu xe đợi ở ngoài, còn tôi đăm đắm nhìn cánh cửa gỗ lim đang từ từ mở ra mà không gây nên tiếng động, bên kia cửa là một người hầu đứng im phăng phắc.

Chúng tôi băng qua khu vườn có những chậu sứ trồng hoa giấy bày thành hàng đẹp mắt. Tính riêng số chậu đã đắt giá lắm rồi, chúng được chuyển từ Trung Hoa sang, trong những chiếc hòm nhồi đầy lá trà để tránh sứt mẻ. Men lam trắng ánh lên trong veo giống mấy món đồ sứ nhỏ mà cha tôi vẫn lưu giữ. Đồ sứ quý báu nhường này mà để mặc ngoài trời cho dầm mưa dãi nắng, tôi thật ấn tượng về sự giàu có của họ. Hoặc đó chính là điều họ muốn. Chúng tôi đứng đợi ở tiền sảnh rộng rãi trong lúc người hầu đi vào bẩm báo. Sàn nhà lát gạch đen trắng như bàn cờ, cầu thang gỗ tếch có lan can bao quanh, và cơ man nào là đồng hồ.

Những chiếc đồng hồ lần đầu tôi nhìn thấy, với đủ mọi kiểu dáng, trưng bày khắp nơi. Những chiếc cỡ đại đặt trên sàn, những chiếc nhỏ hơn nằm trên bàn gỗ kê sát tường. Có đồng hồ cúc cu, đồng hồ sứ, đồng hồ mạ vàng tinh xảo, có cả một chiếc bé xíu chỉ bằng quả trứng cút. Mặt kính loang loáng với những chi tiết bằng đồng lấp lánh dưới ánh sáng. Tất cả đều đang tích tắc nhịp điệu ngân vang của thời gian. Và có lẽ, chẳng có phút giây nào qua đi mà không được ghi dấu trong ngôi nhà này.

Tôi còn đang mải chiêm ngưỡng chúng, người hầu đã trở lại, dẫn chúng tôi qua một dãy phòng ốc dài. Giống các dinh thự Trung Hoa nói chung, dinh thự này có nhiều sân vườn và hành lang nối dài quanh co. Chúng tôi băng qua khu vườn đầy hòn non bộ sắp thành tiểu cảnh công phu và các lan can bày bạt ngàn đồ cổ, cuối cùng nghe thấy tiếng phụ nữ ríu rít và tiếng lách cách của quân bài mạt chược. Ở đó có năm bàn mạt chược cùng các quý phu nhân phục sức hoa lệ đến mức tôi thấy tự ti vì quần áo của mình. Tôi dán mắt vào đầu bàn, nơi người hầu đang nói thầm bên tai một phụ nữ mà tôi đoán là Lim phu nhân. Thoạt nhìn, tôi thoáng chút thất vọng. Đi lòng vòng mãi mới đến được đây nên trí tưởng tượng bay cao bay xa quá, tôi đã cho rằng Lim phu nhân hẳn không thua kém gì Thiên Hậu. Tuy vậy, bà chỉ là một phụ nữ đứng tuổi béo bụng bình thường. Bà ăn mặc rất sang trọng, nhưng lại chọn chếc váy dài baju panjang màu tím than để tỏ rõ mình đang chịu tang. Anh con trai đã mất được chín tháng, kỳ chịu tang chắc là một năm. Trông bà thậm chí còn kém sắc hơn người bên cạnh, cũng mặc đồ tang nhưng màu lam và trắng, may kiểu kebaya với những đường cắt tinh tế, vài chiếc trâm cài trên tóc khiến bà ta trở nên lộng lẫy như một loài bướm sặc sỡ. Đúng ra tôi sẽ nghĩ bà mới là chủ nhân căn nhà, nếu không vì bà, cũng như tất thảy những người còn lại trên bàn, đều phải liếc nhìn Lim phu nhân để đoán ý. Về sau tôi mới biết bà là bà ba.

"Ta mừng vì con đã đến," Lim phu nhân nói. Giọng bà nhẹ nhàng, trẻ trung đến bất ngờ, nghe như tiếng gù gù của bồ câu, tôi phải cố lắng tai mới nghe được lời bà giữa những tiếng chuyện trò ồn ã xung quanh.

"Con cảm ơn dì." Tôi đáp, "dì" là cách xưng hô tôn kính chúng tôi dành cho những phụ nữ lớn tuổi xấp xỉ mẹ mình, nhưng tôi không chắc nên gật hay cúi đầu. Giá mà tôi chú tâm nhiều hơn đến lễ nghi phép tắc.

"Ta quen mẹ con từ lúc chưa chồng, lúc chúng ta còn nhỏ." Thấy tôi ngạc nhiên ra mặt, Lim phu nhân cười khẽ. "Mẹ con chưa kể bao giờ sao? Cô ấy và ta là chị em họ xa." Lần đầu tiên tôi nghe chuyện này. "Đáng lẽ ta phải thăm hỏi con sớm hơn. Ta thật có lỗi."

Xung quanh bà, ván mạt chược mới lại bắt đầu với tiếng quân bài lách cách liên hồi. Bà ra hiệu cho người hầu mang một chiếc ghế đẩu khảm đá hoa cương đến bên cạnh. "Li Lan, con lại đây. Ta nghe nói con không biết chơi mạt chược, nhưng có lẽ con sẽ thích xem."

Thế là tôi ngồi cạnh bà, nhìn những quân mạt chược trong lúc bà đặt cửa, và nhấm nháp mấy món đồ ngọt mà nhà bếp liên tục mang lên. Họ có các loại bánh kuih tôi yêu thích - một dạng bánh nyonya mềm làm bằng bột nếp đem hấp, bên trong là nhân đường thốt nốt và dừa nạo. Có cả bánh bích quy cuộn xinh xắn với cái tên mĩ miều là "những lá thư tình" cùng với bánh tart dứa làm từ bột hảo hạng. Hạt dưa sấy đựng trong hũ được truyền khắp bàn, cùng với xoài và đu đủ cắt lát. Đã rất lâu rồi tôi không được thưởng thức những món ấy ở nhà, và tôi không thể ngăn mình bốc nhúp như một đứa trẻ. Một lát sau, vú lui xuống bếp xem có giúp được gì không, vắng ánh mắt không đồng tình của bà, tôi thỏa thích nhấm nháp.

Đôi lúc, Lim phu nhân quay sang thì thầm với tôi. Giọng bà nhẹ đến mức thật ra tôi chẳng nghe thấy gì mấy. Tôi khẽ cười và gật đầu, mắt thì nhìn quanh với sự tò mò không giấu giếm. Tôi hiếm khi được ra ngoài thăm thú. Nếu mẹ còn sống, tôi có thể ngồi cạnh bà thế này, nhìn trộm qua vai bà những quân mạt chược bằng ngà và nghe lỏm mấy câu chuyện trà dư tửu hậu. Đám phụ nữ thêm gia vị cho cuộc chuyện trò bằng cách kín đáo nhắc đến những nhân vật và địa điểm quan trọng. Họ vô tình nhắc đến một vụ nợ nần cờ bạc nghe chừng khá rùm beng.

Lim phu nhân có lẽ đoán được rằng tôi rất ngây ngô, hoặc ít ra cũng không tinh ý lắm. Tôi bắt gặp ánh mắt sắc bén của bà đôi khi liếc nhìn mình. Kì lạ ở chỗ, biểu hiện của tôi có vẻ khiến bà yên tâm. Nhưng mãi về sau tôi mới hiểu tại sao bà lại vừa lòng với sự vụng dại đó. Xung quanh chúng tôi, các quý bà trò chuyện rôm rả và đặt cửa, lắc vàng lắc ngọc kêu tinh tang khi họ xuống bài. Bà ba đã chuyển sang chơi bàn khác, thật đáng tiếc vì tôi muốn được nhìn ngắm bà thêm một chút nữa. Bà rất đẹp, tuy nổi danh khắt khe, theo như vú nghe đám người hầu bàn tán trước đó. Tôi không thấy bóng dáng bà hai đâu. Nghe đồn rằng Lim lão gia, với đặc quyền của một đại gia giàu sang quyền quý, còn nuôi rất nhiều vợ lẽ nàng hầu mà chẳng thiết cưới xin. Ông có bốn người con trai khác mẹ nhưng không còn một mụn con trai nào. Hai người con trai chết ngay khi vừa mới lọt lòng và người cuối cùng, Lim Tian Ching, thì được chôn cất chưa đầy một năm trước. Tôi từng hỏi vú tại sao anh ta chết, nhưng bà nhất quyết không trả lời, bảo rằng chẳng có lí do gì tôi phải biết, vì đằng nào tôi cũng không lấy anh ta. Và thế là, người thừa kế duy nhất trong nhà giờ là một người cháu họ của Lim lão gia.

"Thật ra theo lý cậu ấy mới đúng là người thừa kế." Vú đã nói vậy trên đường đến đây.

"Là sao ạ?"

"Cậu ấy là con người anh trai cả của Lim lão gia. Lão gia chỉ là con thứ. Ông ấy tiếp quản cơ ngơi khi anh trai mình qua đời, và hứa sẽ nuôi dạy con trai của anh mình trở thành người thừa kế. Năm tháng trôi qua, người ta đồn rằng có lẽ Lim lão gia không muốn con đẻ của mình phải chịu thiệt. Nhưng giờ có nói thì cũng để làm gì? Lão gia chẳng còn đứa con trai ruột nào nữa rồi."

Chẳng hiểu sao càng nghe về những quan hệ rối ren ấy tôi lại càng thích thú. Đó là thế giới phù hoa đầy lôi cuốn, giống miêu tả trong những cuốn tiểu thuyết rẻ tiền mà cha vẫn chê bai thẳng thừng. Tất nhiên vú cũng một mực phản đối, dù tôi biết thật ra bà rất ham mê, vì đó là một thế giới khác với gia cảnh nghèo túng của chúng tôi. Cả nhà tằn tiện năm này qua năm khác, dùng đi dùng lại đồ cũ và đừng mơ đến việc mua những thứ đẹp đẽ mới mẻ. Điều đáng buồn nhất là cha chẳng bao giờ làm gì hết. Ông không còn ra ngoài kiếm mối giao thương hay quản lí công việc làm ăn. Ông từ bỏ tất cả và nhốt mình trong thư phòng, chép đi chép lại những áng thơ yêu thích hoặc sáng tác những bài luận mơ hồ. Cuối cùng, chính chúng tôi cũng cảm thấy bị giam hãm cùng ông.

"Trông con hơi buồn." Giọng Lim phu nhân làm tôi bừng tỉnh. Có vẻ không gì qua được mắt bà. Màu mắt bà hơi nhạt so với mắt người Hoa, đồng tử nhỏ và tròn xoe như mắt chim.

Tôi hơi đỏ mặt, "Dinh thự náo nhiệt hơn nhiều so với nhà con ạ."

"Thế con có thích ở đây không?" Bà hỏi.

Tôi gật đầu.

"Nói ta nghe xem, con có người thương chưa?"

"Chưa ạ." Tôi cúi gằm, chăm chăm nhìn tay mình.

"À, một cô gái trẻ đúng là không nên nói nhiều." Bà thoáng cười. "Con à, ta hy vọng con không thấy phiền vì ta hỏi quá nhiều. Con làm ta nhớ đến mẹ con, và cả khi ta còn son rỗi."

Tôi cố kìm lại để không hỏi về các cô con gái của bà. Có vài thiếu nữ ngồi ở bàn khác, nhưng tôi được giới thiệu nhanh đến mức chẳng kịp nhớ ai là cháu gái, ai là bạn hay tiểu thư nhà này.

Hội mạt chược vẫn tiếp tục, vì không biết chơi, một lúc sau tôi thấy hơi chán. Khi tôi xin phép đi rửa tay, Lim phu nhân vẫy tay gọi một người hầu tới hộ tống. Bà đang chơi dở một ván gay cấn, và tôi hy vọng bà cứ tập trung như thế một lúc nữa. Người hầu dẫn tôi đi qua vài khúc quanh, đến một cánh cửa bằng gỗ dầu nặng trịch. Khi đã xong, tôi hơi hé cửa. Người hầu vẫn bình tĩnh đợi bên ngoài. Đúng lúc này có tiếng gọi từ cuối hành lang, người hâu liếc nhìn cánh cửa tôi đang đứng sau, rồi chạy vội đi trả lời.

Hơi hồi hộp, tôi lẻn ra ngoài. Ngôi nhà có nhiều phòng, nhìn ra những khoảnh sân xinh xinh. Tôi đi qua một phòng khách nhỏ, rồi đến một phòng khách khác có bàn đá cẩm thạch, đang bày biện đồ ăn. Nghe thấy tiếng nói, tôi rẽ vội xuống một hành lang dẫn ra khoảnh sân có ao nhỏ, trên mặt nước là những bông sen trắng sứ nghiêng đầu phủ bóng xuống những phiến lá xanh. Sự tĩnh lặng mơ màng tràn ngập không gian. Tôi biết mình phải trở về trước khi có người đi tìm, nhưng không nỡ cất bước.

Đang mải ngắm nghía những đài sen trông như vòi ô doa, tôi chợt nghe thấy tiếng tinh tang của kim loại. Có khi tôi đã quay về chỗ bày đồng hồ lúc nãy. Đi gần tới đó, tôi lén nhìn vào căn phòng trông như một hư phòng. Cánh cửa mở hướng ra sân, nhưng bên trong vẫn tối tăm lạnh lẽo. Trong khoảnh khắc mắt nhập nhèm vì chưa quen với thay đổi độ sáng, tôi vấp phải một người đang làm việc bên bàn. Đó là một chàng traitrer mặc bộ đồ tuềnh toàng bằng vải thô màu chàm. Những bánh răng và trục quay nhỏ nằm la liệt trên mặt bàn và dưới đất, lăn cả vào góc phòng.

"Xin lỗi tiểu thư..." Anh ngẩng lên nhìn tôi với vẻ hối lỗi.

"Tôi nghe thấy tiếng chuông ngân." Tôi ngượng ngùng, ra sức giúp anh thu dọn.

"Cô cũng thích đồng hồ à?"

"Tôi chẳng biết gì nhiều về chúng."

"À, nếu không có những bánh răng, và cả thứ này nữa, đồng hồ sẽ không hoạt động được." Anh thu nhặt những linh kiện sáng bóng bên trong một chiếc đồng hồ bỏ túi bắng đồng, dùng nhíp gắp hai bánh răng bé tí xíu rồi đặt chúng cạnh nhau.

"Anh có sửa được không?" Lẽ ra tôi không nên nói chuyện với một chàng trai trẻ, dù chirlaf người ở đi chăng nữa, nhưng anh đã lại chúi đầu vào công việc khiến tôi cảm thấy nhẹ nhõm hẳn.

"Tuy không phải chuyên gia nhưng tôi có thể lắp lại. Ông tôi đã từng dạy tôi."

"Một kĩ năng hữu ích đấy nhỉ." Tôi đáp. "Anh nên mở một cửa tiệm riêng."

Nghe vậy, anh ngước lên nhìn tôi với vẻ giễu cợt, rồi mỉm cười. Khi cười, hai hàng lông mày rậm của anh hơi nhíu lại, và khóe mắt có vài nếp nhăn. Tôi thấy má mình thoáng nóng rực.

"Anh thường vệ sinh toàn bộ số đồng hồ này à?"

"Thỉnh thoảng. Còn thì tôi chủ yếu lo liệu sổ sách cùng vài việc lặt vặt." Anh nhìn thẳng vào tôi. "Tôi đã thấy cô đứng cạnh ao sen lúc nãy."

"Thế à?" Để giấu nỗi ngượng ngùng, tôi hỏi. "Tại sao ngôi nhà này lại có nhiều đồng hồ đến vậy?"

"Có người nói đó là một thú vui, đúng hơn là nỗi ám ảnh của lão gia quá cố. Ông là người đã sưu tập tất cả những chiếc đồng hồ này. Ông không ngừng tìm kiếm cho đến khi tậu thêm được một loại đồng hồ mới."

"Sao ông lại hứng thú với chúng đến vậy?"

"À, đồng hồ cơ học chính xác hơn hẳn loại đồng hồ nước vốn chỉ giờ bằng cách nhỏ từng giọt nước, hay chỉ giờ bằng nến vốn dùng sáp để đánh dấu mốc thời gian. Đồng hồ phương Tây chính xác đến độ có thể dùng chúng để xác định kinh độ khi lái tàu, thay vì chỉ dựa vào vĩ độ. Cô có biết là gì không?"

Thực tế tôi có biết. Cha đã từng giải thích với tôi rằng, vị trí trên hải đồ được xác định theo cả chiều ngang và chiều dọc. "Vậy trước đây, chúng ta không thể lái tàu theo kinh độ hay sao?"

"Không thể, trong quá khứ, các tuyến đường biển quan trọng đều được định vị theo vĩ độ. Bởi đó là cách dễ nhất để đánh dấu đường đi. Nhưng hãy thử tưởng tượng cô đang lênh đênh trên biển, tất cả những gì cô có trong tay là một chiếc kính lục phân và một chiếc la bàn. Cô cần biết chính xác bây giờ là mấy giờ để xác định được vị trí mặt trời. Đó là lí do tại sao đồng hồ lại thực sự diệu kì. Nhờ đồng hồ mà người Bồ Đào Nha đã vượt biển sang tận nửa kia thế giới."

"Tại sao chúng ta không làm thế?" Tôi hỏi, "Tại sao chúng ta không xâm lược họ trước khi họ đặt chân đến Malaya?"

"À, Malaya chỉ là một vùng đất lạc hậu và bị cô lập. Nhưng Trung Hoa đã làm thế đấy. Hải đội nhà Minh từng đi thuyền sang tận châu Phi, chỉ dựa vào vĩ độ và đám hoa tiêu bản địa am tường vùng biển."

"Đúng rồi." Tôi hào hứng đáp. "Trong sách viết rằng, họ thậm chí còn đem một con hươu cao cổ về dâng hoàng đế. Nhưng ngài chẳng có hứng thú gì với vùng đất hoang vu đó."

"Và bây giờ Trung Hoa suy vi, còn Malaya chỉ là một trong các thuộc địa của phương Tây. "

Lời anh nói thấm chút cay đắng, làm tôi khá tò mò vì tóc anh dược cắt ngắn chứ không cạo trọc hay để đuôi sam dài, kiểu tóc mà nhiều người Hoa vẫn giữ gìn ngay cả khi đã rời xa tổ quốc. Mái đầu này cho thấy hoạc anh thuộc tầng lớp mạt hạng nhất, hoặc đơn giản muốn phá bỏ tập tục truyền thống. Nhưng anh chỉ cười, "Còn nhiều điều phải học hỏi người Anh lắm."

Tôi muốn hỏi han anh thêm nữa, nhưng chợt nhận ra mình đã đi quá lâu. Dẫu anh hết sức lịch thiệp thì vẫn thật không hay khi nói chuyện với một chàng trai trẻ, dù chàng trai đó là người ở đi chăng nữa.

"Tôi phải đi rồi."

"Từ từ đã, tiểu thư. Cô có biết mình đang đi đâu không?"

"Lúc nãy tôi ở chỗ chơi mạt chược."

"Tôi đưa cô về nhé?" Anh dợm đứng dậy khỏi bàn, và tôi không thể không nhận thấy cử động của anh thật thanh thoát.

"Không, không cần đâu." Càng nghĩ về hành động của mình, tôi càng thấy xấu hổ và đoán chắc rằng mọi người đang hớt hải tìm mình. Tôi gần như chạy khỏi căn phòng. Lướt qua vài đoạn hành lang, tôi nhận ra mình đang ở phần khác của ngôi nhà. Nhưng rốt cuộc tôi vẫn gặp may chán. Đang tần ngần đứng đó thì cô người hầu dẫn tôi đi rửa tay lúc nãy lại xuất hiện.

"Ôi tiểu thư," cô nói, "Tôi đi một lúc mà quay về đã không thấy cô đâu."

"Thật xin lỗi." Tôi đáp, vuốt phẳng sống áo. "Tôi đi lạc mất."

Chúng tôi trở lại phòng mạt chược, cuộc chơi vẫn đang tiếp diễn. Tôi ngồi vào chỗ, nhưng Lim phu nhân dường như không để ý. Từ số phỉnh chất đống trước mặt bà, có thể đoán đực bà đang thắng lớn. Được một lúc, tôi khách sáo xin phép ra về, nhưng bất ngờ thay, Lim phu nhân đứng dậy tiễn tôi.

Trên đường ra cổng chính, chúng tôi đi qua một người hầu đang sắp vàng mã để chuẩn bị đốt trong sân. Vàng mã là những hình nộm nhỏ bện bằng dây và giấy màu sặc sỡ gửi xuống âm tào địa phủ cho người chết: nào là ngựa, xe, lầu gác, người hầu, thức ăn, hàng xấp tiền âm phủ, thậm chí cả đồ nội thất, tất cả đều làm bằng giấy. Có phần hơi kỳ quặc khi nhìn thấy đồ vàng mã vào lúc này, vì chúng thường chỉ được chuẩn bị khi có tang hoặc đến tiết Thanh minh. Thật ra những người sùng tín vẫn đốt vàng mã quanh năm để kính dâng tổ tiên mà chẳng cần dịp gì cả, vì nếu thiếu chúng, người đã khuất chỉ là kẻ ăn xin nơi địa phủ. Ai không có con cháu nhang khói hoặc không được chôn cất tủ tế thì sẽ mãi mãi là ma đói lang thang, không thể đầu thai. Chỉ đến tiết Thanh minh, khi thiên hạ tế lễ cho cô hồn dã quỷ thì những linh hồn tội nghiệp ấy mới nhận được chút ít. Tôi vốn sợ hãi chuyện ma mọi địa phủ nên chỉ liếc thật nhanh đống vàng mã, dù chúng được làm rất công phu với màu sắc bắt mắt và kiểu dáng y như thật.

Bước đi bên cạnh Lim phu nhân, tôi lén ngắm nghía bà. Khoảnh sân sáng chưng soi rõ bọng mắt to và cặp má hơi xệ của bà. Trông bà mệt mỏi khó tả, mặc dù có vẻ bà đang gồng mình chống lại sự yếu đuối ấy.

"Cha con dạo này sao rồi?" Bà hỏi.

"Ông ấy khỏe ạ, cảm ơn dì."

"Ông ấy đã có kế hoạch gì cho con chưa?"

Tôi nghiêng đầu, "Con chưa thấy cha nói gì ạ."

"Nhưng con đã đến tuổi cập kê rồi. Một cô gái như con hẳn phải có nhiều người muốn dạm hỏi."

"Không đâu dì à. Cha con gần như sống ẩn dật ấy mà." Và chẳng còn giàu có nữa, tôi tự nhủ.

Lim phu nhân thở dài, "Ta nhờ con một việc nhé."

Tai tôi vểnh lên, và nghe được một yêu cầu có vẻ vô hại nhưng rất lạ lùng. "Con cho ta một chiếc nơ kẹp trên tóc được không? Ta muốn phối nó với tấm áo baju mới."

"Vâng, tất nhiên là được ạ." Tôi tháo chiếc nơ khỏi đầu. Nó chẳng có gì đặc biệt, một màu hồng hết sức bình thường, nhưng tôi nào dám trái ý bà? Bà nắm lấy nó, đôi bàn tay hơi run.

"Dì vẫn ổn chứ ạ?" Tôi lấy can đảm hỏi thăm.

"Dạo này ta thấy hơi khó ngủ." Bà đáp bằng chất giọng nhẹ bẫng. "Nhưng ta nghĩ sẽ qua nhanh thôi."

Chúng tôi vừa yên vị trên xe kéo, vú bắt đầu quở trách, "Sao cô lại cư xử khó ưa như thế? Ăn hết thức này đến món khác rồi ngồi đực mặt ra, chẳng biết mắt với miệng cô cái nào lớn hơn nữa! Có khi họ coi cô như con ngỗng cũng nên. Sao cô không lấy lòng phu nhân, kể ra vài chuyện hay ho rồi tâng bốc bà ấy? Trời, cô cư xử như một con bé nhà quê chứ chẳng phải tiểu thư nhà họ Pan."

"Vú cũng có bảo con dễ ưa bao giờ đâu!" Tôi đáp, thấy hơi phật ý, mặc dù còn may là bà xuống bếp đúng lúc tôi đi dạo loanh quanh.

"Dễ ưa á? Cô vốn dễ ưa đấy chứ. Cô biết cắt những con bướm giấy và ngâm thơ sớm hơn tất cả những đứa trẻ trong phố. Vú chẳng nói vì không muốn cô được chiều quá sinh hư thôi."

Lại là lý thuyết điển hình của vú. Nhưng đầu bà đang sôi sục những lời bàn tán nghe được dưới bếp nên dễ dàng bị đánh lạc hướng, nhất là khi tôi kể Lim phu nhân muốn lấy một chiếc nơ trên đầu tôi. "Hỏi cái nơ thì cũng kỳ quá nhỉ, bà ấy không may quần áo mới suốt mấy tháng trời rồi. Có thể khi hết kỳ chịu tang, họ sẽ tổ chức hôn lễ cho người cháu trai."

"Anh ta chưa kết hôn ạ?"

"Còn chưa hứa hôn bao giờ. Họ nói rằng đáng lẽ lão gia phải tìm ý trung nhân cho cậu ấy trước, nhưng ông ta gác lại để tìm đám tốt cho con trai mình đã."

"Thật bất công."

"Ôi chao, đời là thế mà! Bây giờ con trai đã chết, họ lại thấy tội lỗi vì đã không lo cho cháu sớm. Họ muốn mau chóng có người thừa kế. Người cháu này mà chết thì chẳng có ai thừa kế cả."

Tôi khá hứng thú với câu chuyện, nhưng tâm trí vẫn vẩn vơ nghĩ về cuộc gặp gỡ lúc chiều. "Vú à, ai trông coi những chiếc đồng hồ trong nhà đó vậy?"

"Đồng hồ á? Một kẻ hầu người hạ, vú đoán vậy. Sao cô lại muốn biết?"

"Con chỉ tò mò thôi."

"Cô biết không, đám người hầu thì thào rằng Lim phu nhân rất thích cô." Vú kể. "Bà ấy hỏi thăm rất nhiều về cô và gia đình chúng ta."

"Có phải vì cuộc hôn nhân với người đã mất không ạ?" Hình ảnh đống vàng mã hiện lên trong óc khiến tôi rùng mình.

"Ai mà biết được cơ chứ!" Vú bỗng nổi giận. "Họ nói chuyện riêng với cha cô thôi. Có khi ông chủ hiểu nhầm thì sao. Hút từng ấy thuốc phiện cơ mà!"

Dù có hút bao nhiêu thì cũng không thể lú lẫn đến mức hiểu nhầm chuyện đó được, tôi nghĩ, nhưng chỉ đáp, "Lim phu nhân cũng hỏi han con ạ."

"Hỏi thế nào?"

"Con đã có ý trung nhân chưa, hứa hôn với ai chưa."

Trông vú mãn nguyện như một con mèo vừa bắt được thạch sùng. "Đấy! Nhà họ Lim quá giàu rồi nên có lẽ họ quan tâm đến nền nếp gia phong hơn là của cải tài sản."

Tôi cố chỉ ra cho bà thấy chẳng có lý gì họ lại bỏ qua một tiểu thư con nhà quyền quý để chọn tôi. Nhưng điều đó cũng không giải thích nổi nỗi bất an mơ hồ trong khi tôi ở cạnh Lim phu nhân. Dẫu vậy, vú vẫn mơ mộng hão huyền.

"Chúng ta phải cho cô xuất đầu lộ diện nhiều hơn. Nếu người ta biết cô đang được nhà Lim ngấp nghé, có khi còn nhận được nhiều lời cầu thân hơn ấy chứ." Vú rất lanh trí trong một số chuyện, nếu làm nghề nông, hẳn bà sẽ là người chăn vịt tuyệt vời. "Ngày mai chúng ta phải đi mua vải để may quần áo mới cho cô."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#reup