Phần 1 Malaya 1893

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

                                                                         1

Một buổi tối, cha ướm hỏi liệu tôi có muốn làm cô dâu ma không. Ướm hỏi có lẽ không phải là từ chính xác để dùng trong trường hợp này. Lúc ấy chúng tôi đang ở trong thư phòng của ông.

Tôi lật từng trang báo, cha nằm trên chiếc chõng tre. Đó là một ngày oi bức. Ngọn đèn dầu leo lét, những con ngài lượn từng vòng biếng nhác giữa không gian ẩm ướt.

"Cha vừa nói gì cơ ạ?"

Cha đang hút thuốc phiện. Mới là tẩu đầu, nên tôi đồ rằng ông vẫn còn khá tỉnh táo. Cha là một nhà nho, có đôi mắt buồn và làn da rỗ sần sùi như vỏ cam sành. Gia đình tôi từng khá giàu có, nhưng vài năm gần đây, cơ ngơi lụn bại dần đến độ giờ chỉ còn ngấp nghé ở tầng lớp trung lưu.

"Cô dâu ma, Li Lan ạ."

Tôi nín thở lật trang báo. Chẳng thể biết được khi nào cha nói đùa, khi nào nói thật, đôi khi tôi nghĩ, ngay ông cũng không biết chính xác. Cha thường coi nhẹ những vấn đề nghiêm trọng, ví như thu nhập ngày càng ít ỏi của gia đình. Ông bảo rằng thời tiết nóng nực thế này thì mặc áo sờn vải rách cũng chẳng sao. Thế nhưng những lúc khác, khi chìm đắm trong khói thuốc phiện mê mị, ông lại trở nên lặng im và lơ đãng.

"Hôm nay cha nhận được lời cầu thân." Ông nói ngắn gọn. "Cha nghĩ con cũng nên được biết."

"Ai hỏi cưới con ạ?"

"Nhà họ Lim."

Nhà họ Lim là một trong những gia tộc giàu có nhất trên mảnh đất Malacca này. Malacca là một hải cảng, một đầu mối thông thương lâu đời ở phương Đông. Trong vài trăm năm qua, mảnh đất này lần lượt nằm dưới sự cai trị của Bồ Đào Nha, Hà Lan và cuối cùng là Đế quốc Anh. Những khu nhà thấp lợp mái đỏ nằm rải rác quanh bờ vịnh, từng hàng dừa mọc san sát nhau, trải dài mãi vào đất liền, nối với rừng rậm bao phủ gần hết vùng Malaya, chẳng khác gì biển cả xanh biếc cuộn sóng. Thị trấn Malacca vẫn vô cùng yên bình, mơ màng dưới vầng mặt trời nhiệt đới như những ngày xưa huy hoàng, khi nơi đây từng là hòn ngọc sáng giữa chuỗi thành phố cảng dọc eo biển Malacca. Dần dà, với sự xuất hiện của tàu thủy hơi nước, vị thế của thị trấn này ngày một phai nhạt.

Tuy nhiên, so với những ngôi làng trong rừng, Malacca vẫn là hình ảnh thu nhỏ của nền văn minh đô thị. Dù đã chịu sự tàn phá của quân đội Bồ Đào Nha, chúng tôi vẫn có bưu điện, tòa thị chính Stadthuys, hai khu chợ và một bệnh viện. Thực chất, Malacca là nơi chính quyền Anh chiếm đóng để cai trị toàn vùng. Mặc dù vậy, khi so sánh về những gì đọc được về các thành phố lớn như Thượng Hải, Calcutta, hay London, tôi thấy nơi này chẳng đáng được nhắc tới. Theo lời người nhân viên bưu điện từng kể với em gái lão đầu bếp nhà tôi, London là trung tâm của thế giới, là trái tim của đế chế huy hoàng trải khắp từ Đông sang Tây, nơi mặt trời không bao giờ lặn. Chúng tôi ở Malaya này, bị cai trị từ hòn đảo xa xôi ấy. Tôi còn nghe nói ở đó lạnh lẽo ẩm ướt quanh năm.

Dù có rất nhiều chủng tộc định cư ở đây từ nhiều thế hệ: người Mã Lai, người Hoa, người Ấn, cùng một số ít lái buôn người Do Thái và Ả Rập, nhưng chúng tôi vẫn giữ nền nếp sinh hoạt và trang phục truyền thống của dân tộc mình. Cha tôi nói được tiếng Mã Lai và chút ít tiếng Anh, nhưng ông vẫn tìm đọc sách báo tiếng Trung. Ông nội tôi đã bỏ quê hương bản quán, sang đây buôn bán rồi trở nên giàu có, tiếc rằng gia sản ấy đến tay cha đã hao dần. Nếu không thì chẳng đời nào ông lại màng đến lời cầu thân của nhà họ Lim.

"Họ có một người con trai đã chết cách đây vài tháng. Một chàng trai trẻ tên là Lim Tian Ching. Con có nhớ cậu ta không?"

Tôi đoán mình từng gặp Lim Tian Ching một vài lần vào dịp lễ hội. Ngoài cái mác danh gia vọng tộc, anh ta chẳng để lại chút ấn tượng nào. "Chắc anh ta vẫn còn trẻ ạ?"

"Cha nghĩ là không hơn con nhiều tuổi."

"Tại sao anh ta chết?"

"Họ bảo vì bị sốt. Dù gì đi nữa, nếu con đồng ý thì cậu ta sẽ là vị hôn phu của con." Cha cẩn trọng đáp lời, nhưng hình như lời vừa thốt ra ông đã lập tức thấy hối hận.

"Và họ muốn con lấy anh ta ạ?"

Tôi lơ đãng chạm phải nghiên mực làm nó đổ ra bàn, mực tàu loang trên mặt giấy báo, nhuộm lên một màu đen tang tóc. Từ lâu rồi tục lệ đám cưới cho người đã khuất không còn phổ biến nữa, nếu có họa chăng chỉ để an ủi vong linh kẻ xấu số. Một người thiếp sinh hạ được con trai, khi chết đi có thể được cưới gả đàng hoàng để trở thành chính thất. Hay hai người yêu nhau nhưng chết thảm có thể được tổ chức hôn lễ để đoàn tụ nơi chín suối. Tôi chỉ mới nghe đến vậy. Còn gả một người sống cho một người chết thì thật hiếm lạ, mà thật ra là cực kỳ hi hữu.

Cha xoa mặt. Tôi nghe kể rằng cha mình từng rất điển trai cho đến khi mắc bệnh đậu mùa. Trong vòng hai tuần, da ông trở nên dày cui như da cá sấu, và rỗ như tổ ong vò. Từ một người quảng giao, ông thu mình lại, phó mặc công việc kinh doanh của gia đình cho người ngoài quản lý, đắm chìm trong thi thơ nhạc họa. Có lẽ mọi chuyện không tệ đến mức này nếu trận dịch ấy không cướp mất mẹ tôi, để lại tôi chưa đầy bốn tuổi. Bệnh đậu mùa đi qua tôi với di chứng duy nhất là vết sẹo sau tai trái. Một bà thầy bói phán rằng tôi thật tốt số, nhưng có thể chỉ do bà lạc quan mà thôi.

"Ừ, họ muốn hỏi cưới con."

"Sao lại là con?"

"Cha chỉ biết là họ hỏi rằng, có phải cha có cô con gái tên là Li Lam không, và con đã kết hôn hay chưa thôi."

"Cha à, con nghĩ mình không thích hợp với cuộc hôn nhân này." Tôi thô bạo kỳ cọ lớp mực đen khỏi mặt bàn, như thể cố gạt đi chủ đề mà cha đang nói. Và làm sao họ lại biết tên tôi chứ?

Tôi đang định hỏi thì cha lại lên tiếng, "Sao, con không muốn trở thành góa phụ khi chưa đầy 18 tuổi chứ gì? Không muốn cả đời sống trong phủ họ Lim tha hồ ăn sung mặc sướng hả? À, nhưng chắc sẽ không được mặc những màu tươi sáng đâu." Ông cười thiểu não. "Tất nhiên là cha chưa đồng ý. Cha đâu dám làm thế? Nếu con không màng đến tình yêu và con cái thì cuộc hôn phối này cũng không tệ đâu. Từ giờ đến hết đời con chẳng phải lo cái ăn cái mặc nữa."

"Giờ chúng ta nghèo lắm rồi hả cha?" Tôi hỏi. Sự túng thiếu đã bủa vây gia đình tôi bao nhiêu năm trời, như một con sóng trực xô tới nhấn chìm tất cả.

"À, đến hôm nay thì chúng ta chẳng còn tiền mà mua nước đá nữa kìa."

Người ta có thể mua một cục nước đá ở tiệm của người Anh, vùi kỹ trong mạt cưa và bọc kín bằng giấy dầu. Đó là thứ còn sót lại từ những kho hàng bên kia bán cầu được chuyên chở đến đây bằng tàu thủy hơi nước, đá sạch chất đầy khoang tàu để bảo quản thực phẩm tươi sống. Sau khi dỡ hàng, đá sẽ được bán cho bất kỳ ai muốn mua chút giá lạnh phương Tây. Bà vú kể rằng, ngày xưa cha từng mua cả trái cây nhập ngoại cho mẹ, mua những trái táo và lê vun trồng ở xứ ôn đới. Tôi chẳng còn chút ký ức nào về việc ấy, dù vậy, tôi vẫn thích nhai rôm rốp chút đá lạnh thi thoảng mua được, vừa nhai vừa mơ tưởng chính mình đang trải qua hành trình đến chốn lạnh lẽo xa hoa ấy.

Tôi bỏ mặc cha với tẩu thuốc phiện của ông. Hồi nhỏ, tôi từng đứng hàng giờ liền trong thư phòng để học thuộc lòng mấy bài thơ, hay mài mực cho cha luyện thư pháp, nhưng chuyện nữ công gia chánh để làm vợ hiền dâu thảo thì tôi rất kém. Tôi thêu thùa dở tệ, và không biết làm sao để quán xuyến một gia đình. Vú đã làm tất cả những gì có thể, nhưng kiến thức của bà còn có hạn. Tôi vẫn hay mường tượng cuộc sống của mình sẽ thế nào nếu mẹ còn sống.

Tôi vừa rời phòng, vú đã chộp ngay lấy tôi. Bà chờ sẵn ngoài cửa khiến tôi giật mình. "Cha cô hỏi gì vậy?"

Bà vú của tôi già nua và vô cùng bé nhỏ, nhỏ đến mức trông chỉ như đứa trẻ. Bà vừa bảo thủ vừa nóng tính, nhưng yêu thương tôi hết lòng. Bà vốn là vú nuôi của mẹ trước khi tôi ra đời. Đáng lý bà nên nghỉ hưu từ lâu rồi, nhưng bà vẫn quanh quẩn trong nhà, mặc quần đen áo trắng, tất tả khắp nơi như một món đồ chơi chạy bằng dây cót.

"Không có gì ạ." Tôi đáp.

"Hay có ai cầu thân?" Với một người luôn than thở mình vừa già cả lại vừa nghễnh ngãng thì quả thật bà còn thính tai chán. Bà có thể đập trúng con gián chạy trong phòng tối mà chẳng cần nhìn thấy nó.

"Cũng không hẳn ạ." Thấy bà có vẻ không tin, tôi nói thêm, "Nghe như một trò đua thì đúng hơn."

"Đùa á? Từ bao giờ chuyện hôn nhân của cô lại thành một trò đùa? Hôn nhân là việc trọng đại, quyết định toàn bộ tương lai, vận mệnh và con cái của người phụ nữ..."

"Nhưng đây không phải hôn nhân thực sự đâu ạ."

"Làm thiếp à? Ai đó hỏi cô về làm thiếp hả?" Bà lắc đầu quầy quậy, "Không, không, cô chủ nhỏ của tôi. Cô phải được làm vợ cả."

"Không phải làm lẽ đâu ạ."

"Thế ai hỏi cưới cô?"

"Nhà họ Lim ạ."

Mắt bà trợn lớn làm tôi chợt nghĩ đến loài vượn cáo trong rừng với cặp mắt to cộ. "Nhà họ Lim! Ôi cô chủ nhỏ của tôi, cô sinh ra đẹp như cánh bướm thế này quả nhiên không phí hoài rồi." Và cứ thế bà huyên thuyên đủ thứ. Tôi lắng nghe, vừa nực cười vừa bực mình, bà kể lể đủ mọi phẩm chất tốt đẹp của tôi mà trước giờ tôi chưa từng nghe bà nhắc đến, rồi bà đột nhiên khựng lại. "Con trai nhà họ Lim vừa chết cơ mà nhỉ? À, nhưng vẫn còn một người cháu. Hẳn cậu ta sẽ là người thừa kế."

"Không ạ, họ hỏi cưới cho con trai." Tôi ngập ngừng đáp, cảm thấy như thể vừa phản bọi cha mình khi thừa nhận rằng suy nghĩ của ông thật hoang đường hết sức. Phản ứng của vú đúng như tôi dự đoán. Cha nghĩ gì không biết? Sao nhà họ Lim dám lăng nhục nhà chúng tôi như thế?

"Đừng lo vú ạ. Cha con sẽ không đồng ý đâu."

"Cô không hiểu rồi! Thế này xui xẻo lắm. Cô không biết điều đó có nghĩa gì à?" Vóc dáng nhỏ bé của bà run lên vì tức giận. "Lẽ ra cha cô không nên nói ra mới phải, dù chỉ là đùa chăng nữa."

"Con cũng không buồn đâu." Tôi khoanh tay.

"Ôi chao, giá như mẹ cô còn sống! Lần này cha cô đi quá xa rồi."

Mặc dù đã tìm đủ mọi cách để xoa dịu vú, tôi vẫn thấy áy náy cho đến tận lúc che đèn lại cho bớt sáng để đi ngủ. Ngôi nhà của chúng tôi rộng lớn và cũ kỹ, từ khi gia cảnh đi xuống, chỉ còn chưa đầy một phần mười người hầu được giữ lại để chăm sóc dọn dẹp. Vào thời ông nội, nhà lúc nào cũng đông người. Ông có một bà vợ, hai bà thiếp, và vài cô con gái. Người con trai duy nhất vẫn còn sống chính là cha. Các bà đều đã mất, các cô đi lấy chồng từ lâu, đám anh em họ tôi hay chơi cùng hồi nhỏ đã chuyển đến Penang, họ hàng bên nội của tôi đều định cư ở đó. Cùng với sự suy vi của gia đình, ngày càng nhiều căn phòng phải buông rèm khóa cửa. Đôi khi tôi cũng nhớ về cái thời ngôi nhà tấp nập khách khứa và kẻ hầu người hạ, đó là trước khi cha xa lánh xã hội và nhu nhược nghe theo lời dối gạt của những đối tác bất minh. Thỉnh thoảng vú vẫn nhắc về thời ấy, và luôn kết thúc bằng việc chửi rủa sự xuẩn ngốc của cha, sự khốn nạn của bạn bè ông, và nhất là thần đậu mùa vì đã gây ra tất cả những bất hạnh này.

Tôi không chắc mình có tin vào thần đậu mùa không. Việc một vị thần phải hạ mình đi qua ngõ và thổi căn bệnh đậu mùa vào con người có vẻ hơi phi lý. Lời giảng giải của các bác sĩ ngoại quốc ở bệnh viện về căn nguyên phát dịch khiến tôi tin tưởng hơn nhiều. Đôi lúc tôi nghĩ mình nên theo Công giáo, như những quý cô người Anh vẫn đến nhà thờ Ăng-lê vào mỗi ngày Chủ nhật. Tôi chưa được vào trong bao giờ, nhưng nhìn từ bên ngoài thì nhà thờ trông thật yên bình. Và khu mộ phần cạnh đấy, với những thảm cỏ xanh gọn ghẽ và loạt bia mộ nằm ngay ngắn thẳng hàng dưới tàng hoa sứ trong dễ chịu hơn nhiều so với nghĩa trang của người Hoa bên sườn đồi.

Chúng tôi đến nghĩa trang vào tiết Thanh minh, lễ của người âm, để quét tước mộ phần, thắp hương và cúng bái ông bà tổ tiên. Những ngôi mộ hoặc trông như ngôi nhà nhỏ, hoặc như chiếc ghế bành lớn, hai bên đều có phần xòe ra như đôi cánh bao quanh hương án nhỏ. Đường lên đồi xum xuê cỏ dại và lalang, một loại cỏ thân dài, lá sắc như dao có thể làm đứt tay nếu chẳng may chạm phải. Xung quanh là vài nấm mộ hoang, hương tàn khí lạnh. Ý nghĩ phải giới thiệu mình là một góa phụ với người lạ làm tôi rùng mình. Và chính xác thì việc kết hôn với một hồn ma có ý nghĩa gì? Cha đã coi đó là một trò đùa. Vú lại càng không đề cập tới, bà mê tín đến độ tin rằng nếu nói ra miệng điều gì thì sớm muộn điều ấy cũng sẽ xảy ra thật. Còn bản thân tôi chỉ có thể ước rằng mình không bao giờ phải biết đến nó.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#reup