Phần 1-5

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ý nghĩ về cha mẹ khiến tôi âu sầu tới tận khi lên giường. Vú bảo rằng suy tưởng lung tung làm tôi trắng nhợt yếu ớt, nhưng chỉ ngay câu sau bà có thể quở mắng vì tôi đi bêu nắng làm hỏng nước da trắng ấy. Bà chẳng bao giờ thấy có vấn đề gì với việc đưa ra những ý kiến đối chọi nhau chan chát như vậy. Đôi lúc tôi ước mình có khả năng suy nghĩ tích cực trong mọi trường hợp như bà. Cha từng nhận định rằng, sở dĩ vú có thể dễ dàng tự hòa giải các xung đột của bản thân là vì trong đầu bà chứa toán quan điểm của người xưa, toàn những triết lý dân gian gò bó nhưng khiến bà an tâm. Tôi thấy nhận xét như thế thì hơi quá. Vú cũng có suy nghĩ của riêng mình chứ, chỉ là không cùng kiểu suy nghĩ với cha thôi. Tâm trí bà nhảy cóc từ những gì thực tế nhất sang những gì mê tín nhất. Chẳng hiểu sao, tôi có thể dung hòa ổn thỏa thế giới của vú và thế giới của cha, nhưng tôi tự hỏi vậy bản thân mình suy nghĩ kiểu gì? Tôi cứ miên man mãi như thế trước khi chìm dần vào giấc ngủ.

Tôi đang ở trong một vườn đào. Lá xanh đến nhức mắt và quả trắng hồng như thạch cao lúc lỉu trên cành. Những gốc đào giống hệt nhau về hình dáng và kích thước, như thể được sao chép hàng loạt từ một bức họa. Cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên, đất Malaya này chẳng có lấy một gốc đào, nhưng tôi đã từng nhìn thấy đào trong tranh Tàu. Càng lúc tôi càng hoảng loạn, khi nhận ra hễ mình dõi mắt đến đâu thì vườn đào lại trải rộng đến đó, những hình ảnh giống hệt nhau cứ thế nhân lên dần. Từ sau tàng cây, vọng lại tiếng hí kịch, hệt như vở diễn hôm nay ở dinh thự nhà họ Lim. Âm thanh văng vẳng, lúc có lúc không, như thể phát ra từ chốn xa xôi lắm. Chẳng có xúc cảm hay sức sống gì trong khúc nhạc ấy. Rồi gánh hát giới thiệu sự xuất hiện của không ai khác, mà chính là Lim Tian Ching. Y hiện thân, trên tay cầm một cành hoa đào.

"Li Lan thân mến! Ta tặng em lễ vật là cành đào này được không?"

Y giơ nó ra trước mặt tôi, nhưng tôi thì kinh sợ đến mức câm nín, như thể không khí đã đông cứng trong phổi.

"Sao vậy? Chẳng nói nổi một lời với ta ư? Em không biết ta mong được gặp em đến nhường nào đâu. Vì Thất tịch là lễ tình nhân mà." Tôi miễn cưỡng bước cạnh y dưới những tán cây, còn y i chuyển theo một cách khác người, tôi cố hết sức để lờ đi chi tiết đó.

"Làm sao anh lại biết tôi?" Tôi hỏi.

"Năm ngoái ta nhìn thấy em ở hội thuyền rồng. Em ngồi trên bến thả bánh bao xuống nước, thật tao nhã và xinh đẹp!"

Hơi sững sờ, tôi cố nhớ lại, quả thật năm ngoái tôi có cùng cha dự lễ kỷ niệm ngày giỗ của một đại thi hào trầm mình xuống sông. Để tỏ lòng tiếc thương, người dân thả bánh bao theo dòng nước với ước nguyện cá tôm đừng rỉa xác ông.

Lim Tian Ching tiếp lời, "Ôi người ta thương mến, xin em đừng nhíu mày, sẽ làm xấu dung mạo tuyệt thế của em mất. Thực sự, tôi chẳng thể nào quên được em, mà quanh ta đâu thiếu bóng giai nhân." Y ba hoa. "Có điều gì đó ở em thật đặc biệt, thật cao sang. Có lẽ em giống cha em. Ta nghe nói trước khi bị đậu mùa, ông ấy rất tuấn tú."

Nhầm tưởng sự im lặng của tôi là tán thành, y tiếp tục những lời tán tỉnh nực cười.

"Ta phải đi dò hỏi khắp nơi xem em là ai. Họ cho ta biết em là con gái nhà họ Pan. Nếu không ra cơ sự này..." Nói đến đây trông y buồn bã. "...Thì ta đã hỏi cưới em từ lâu rồi. Nhưng không sao, chẳng có gì phải buồn. Giờ chúng ta có vô vàn thời gian để bù lại.

Tôi lắc đầu.

"Li Lan, ta chỉ nói lời ngay thẳng thôi." Y nói. "Em có bằng lòng làm vợ ta không?"

"Không!" Tôi gắng hết sức để thốt nên lời.

Trông y có vẻ tổn thương. "Từ từ... Em đừng trả lời vội. Ta biết lẽ ra phải thưa với cha em trước khi gặp em. Thật ra ta nhờ mẹ lấy giúp ta một món đồ từ trang phục của em để chúng ta có thể gặp gỡ."

Tâm trí tôi lập tức nhớ về chiếc nơ mà Lim phu nhân đã hỏi xin vào ngày đầu gặp gỡ. Tôi nghẹn họng, cổ khô khốc như thể nhồi đầy quả bông gạo, loại quả cho sợi để nhồi ruột chăn gối.

"Tôi không thể lấy anh được."

Lim Tian Ching nhíu mày, "Ta biết với tình thế hiện tại thì không dễ dàng gì cho đôi ta..." Y phẩy tay như thể không muốn nói rõ, rồi tiếp tục, "Nhưng không thành vấn đề. Nhiều đôi uyên ương đã cố gắng vượt qua thảm cảnh này."

"Không!"

"Em nói không là sao?" Y lộ vẻ bực bội. "Chúng ta sẽ có một hôn lễ long trọng. Rồi mình sẽ được ở bên nhau mãi mãi." Nói xong, y mỉm cười. Một nụ cười xấu xí ngây ngốc. Không khí như muốn bật tung khỏi lồng ngực tôi. Những cây đào hòa lẫn vào nhau thành một biển xanh xanh hồng hồng. Văng vẳng bên tai tôi là tiếng Lim Tian Ching gào thét, nhưng tôi gắng hết sức kéo mình ra khỏi giấc mộng, cuối cùng thấy mình ngồi bật dậy trên giường, run rẩy và ướt đẫm mồ hôi.

Tôi muốn nôn ra, muốn khạc nhổ cho hết cảm giác kinh tởm từ cuộc gặp gỡ vừa rồi. Dù luôn được cha dạy dỗ tận tình rằng không có ma quỷ, nhưng lần này tôi phải thú nhận rằng vú đã đúng. Hồn ma của Lim Tian Ching vừa viếng thăm tôi trong mộng. Sự hiện diện của vị khách không mời mà đến ấy khiến tâm hồn tôi chẳng bình yên được nữa. Tôi hoảng loạn nằm co trên giường, trùm chăn kín mít, mặc kệ cái nóng đêm hè thiêu đốt cho đến tận bình minh.

Sáng hôm sau, tôi nằm trên giường một lúc lâu, tự hỏi liệu mình có mất trí không. Có một ông điên hay lang thang ở khu phố nhà tôi, thân hình trơ xương khoác vài miếng giẻ rách. Ông ta vừa đi vừa lẩm bẩm, đồng tử co lại, đôi mắt trắng dã như một loài chim điên dại. Tôi từng cho ông ta vài xu. Có lần ông ta đút túi, có lần ông ta liếm, lại có lần ném văng đi. Vú kể ông ta từng nói chuyện với người chết. Chẳng nhẽ tôi sẽ trở thành một người như thế sao? Tôi chưa từng nghe nói trong gia tộc mình có ai bị điên, mọi người chỉ xì xào về sự mạt vận của dòng họ. Sự thật là vú và lão Wang đầu bếp hay kiêng kị những điều hết sức kỳ quặc, ví như không bao giờ đi bằng cầu thang chính trong nhà. Nhưng tôi lớn lên cùng sự mê tín của họ nên đã sớm quen với điều đó. Tôi rất sợ bóng tối, nó khiến tôi cảm thấy như thể cái chết luôn hiện hữu quanh mình. Tất nhiên những suy nghĩ này rất ngốc nghếch. Theo Phật giáo, sự sống là tiếp nối của cái chết theo một vòng luân hồi không có điểm dừng. Chúng tôi đều theo đạo Phật, tôi cho là vậy, thậm chí cha, dù thấm nhuần tư tưởng Nho giáo, cũng chưa bao giờ dám khinh khi Phật học. Tôi tự dặn lòng rằng đó chỉ là một giấc mơ, không hơn không kém.

Xuống nhà, vừa nhìn thấy tôi vú đã xuýt xoa cằn nhằn, nhưng bà chỉ nghĩ vẻ mệt mỏi trên gương mặt tôi là do đêm qua chơi đùa quá hưng phấn. Tôi cố ra vẻ hào hứng khi bà hỏi han về buổi tiệc. Được một lúc, tôi hỏi bà về Yan Hong.

"Con gái của bà hai?" Vú hỏi. "Chính là cô tiểu thư nhất quyết đòi cưới người mình yêu? Chuyện đó ầm ĩ lắm, tôi nghe đám người hầu kể thế. Chàng trai tuy nghèo kiết xác nhưng được cái gia đình gia giáo, cũng may."

"Sao chị ấy lại lấy được anh ấy ạ?"

"Ôi chao! Theo cách cổ điển nhất ấy mà. Cô ấy có thai. Làm sao họ dàn xếp được thì tôi cũng chịu, nhưng người ta đã trách móc mẹ cô ấy vì chuyện đó. Họ bảo rằng vì thế mà bà hai qua đời."

"Con tưởng là do sốt rét mà."

"À, một cách nói tránh thôi. Nhưng theo vú thì có vẻ phu nhân không thiết sống nữa. Sau khi phu nhân tạ thế, người nhà thấy tội lỗi quá bèn chấp nhận cuộc hôn nhân. Cưới hỏi xong, chàng trai đi Hong Kong du học, còn tiểu thư thì ở đây sinh con. Khi anh ta trở về, họ có thêm hai đứa trẻ nữa."

Vậy là mẹ Yan Hong đã đánh đổi mạng sống của mình lấy hạnh phúc cho con gái. Thật là một câu chuyện buồn, đồng thời giải thích tại sao những đứa con của Yan Hong lại cách nhau nhiều tuổi đến vậy. Nghĩ lại đêm qua, thấy Yan Hong hoàn toàn viên mãn và hạnh phúc, tôi ghen tị biết bao với cuộc hôn nhân của chị. Xem ra chẳng điều gì thực sự giống như vẻ bề ngoài.

Suốt buổi chiều tôi nằm dài trên chiếc chõng tre dưới nhà. Sàn thư phòng lát gạch hoa vẫn mát mẻ ngay cả khi trời nóng rực. Tôi không thể tưởng tượng được những người làm cu li làm việc trong hầm thiếc phải chịu đựng thế nào. Tỉ lệ tử vong vô cùng cao, nhưng từ đại lục, họ vẫn lũ lượt ngồi tàu vượt biển, cùng với những người Ấn từ Madras và Chennai, đến đây để làm việc trong các đồn điền cao su, cà phê. Tôi vẫn thường tự hỏi cảm giác lên thuyền chu du đến những vùng đất xa xôi sẽ thế nào. Tian Bai đã từng đi, và tôi cũng muốn sang phía Đông thăm Moluccas, đến Hong Kong, thậm chí Nhật Bản. Nhưng những chuyến hải trình ấy không dành cho tôi.

Tôi cứ nghĩ vẩn vơ cho đến khi vú mang vào một gói nhỏ do nhà họ Lim gửi tới. "Gì vậy ạ?" Tôi hỏi. Nó được bọc bằng giấy màu nâu, thắt dây gai. Tôi cầm lên bằng hai tay, hơi cau mày. Sau cơn ác mộng đêm trước, tôi nghi ngờ bất cứ thứ gì dính dáng đến ngôi nhà ấy. Hóa ra đó chỉ là một mảnh vải batik, in họa tiết màu chàm và hồng phấn đẹp vô cùng, kèm một tấm thiệp từ Yan Hong.

Em quên phần thưởng của cuộc thi xâu kim này.

Hy vọng sớm được gặp lại em.

Chúc em có nhiều niềm vui...

"Đẹp quá!" Vú tấm tắc.

Đối với bà, điều tuyệt vời nhất ở buổi tiệc là tôi đã thắng cuộc thi xâu kim. Tôi phải kể đi kể lại đến mấy lần và nghe bà ba hoa về chuyện ấy với lão Wong đầu bếp. Tôi chưa bao giờ giỏi nữ công gia chánh, đồ rằng vú cũng buồn vì chuyện đó. "Suốt ngày đọc sách!" Bà mắng mỏ và tước ngay cuốn sách khỏi tay tôi mỗi khi nhìn thấy. "Rồi có ngày hỏng mắt!" Một lần tôi cự nự rằng thêu thùa tác hại cũng không kém nhưng bà chẳng thèm nghe. Ngoài một lời cầu hôn, mảnh vải này là điều tuyệt nhất tôi có thể mang về cho bà.

Và mặc dù chẳng muốn thừa nhận, nhưng tôi cũng thấy vừa lòng với nó. Tôi giũ nhẹ mảnh vải, và một thứ lấp lánh rơi ra từ các nếp gấp.

"Cái gì đấy?" Vú hỏi ngay, không gì qua được cặp mắt sắc bén của bà.

"Đồng hồ bỏ túi ạ."

"Cái này cũng là phần thưởng à?" Đó là một chiếc đồng hồ bỏ túi của nam giới bằng đồng thau, mặt tròn và kim chỉ giờ tinh xảo. "Kỳ lạ thật. Trông không giống đồ mới. Mà tại sao Yan Hong lại tặng cô đồng hồ nhỉ? Xui xẻo lắm." Trông bà cáu kỉnh.

Người Hoa chúng tôi không thích tặng và nhận một số thứ làm quà vì lý do mê tín: dao, vì tượng trưng cho sự phân ly; khăn tay, vì báo trước chuyện buồn khóc than; và đồng hồ, vì đo đếm những ngày còn lại của cuộc đời. Nếu được tặng những thứ ấy, người nhận thường trả một ít tiền, để giả vờ như thể họ mua chúng chứ không phải được tặng. Tim tôi đập thình thịch, mạnh đến mức sợ bị vú nghe thấy. Tôi chắc chắn mình từng nhìn thấy chiếc đồng hồ này.

"Chắc nó lỡ rơi vào đấy ạ." Tôi đáp.

"Bất cẩn thế!" Bà nói. "Nếu không phải đồ của cô thì đừng có giữ."

"Lần sau gặp Yan Hong con sẽ hỏi lại ạ."

Mặc vú đứng đó lắc đầu, tôi chạy biến về phòng mình, nhìn ngắm thứ vừa nhận được. Vú nói đúng, đây chẳng phải đồng hồ mới. Có vài vết xước quanh mặt và không thấy sợi xích đâu. Càng nhìn tôi càng chắc chắn đây là chiếc đồng hồ Tian Bai đang sửa hôm chúng tôi gặp gỡ.

Trong những cuốn tiểu thuyết mà tôi từng đọc, nhân vật chính luôn xuýt xoa trước những tín vật họ nhận được, dù đó chỉ là một cây trâm, một nghiên mực hay thậm chí một chiếc hài của người con gái bó chân. Tôi vẫn luôn chê họ thật ngớ ngẩn. Nhưng lúc này, tôi ấp chiếc đồng hồ giữa hai lòng bàn tay, tiếng tích tắc đều đều như nhịp tim của con chim non. Tôi thả chiếc đồng hồ vào túi áo. Món quà bất ngờ làm tôi vui thầm đến hết ngày, và chỉ đến khi màn đêm buông xuống, tôi mới dần lo lắng vì giấc mộng ban đêm. Sau bữa tối, tôi loanh quanh mãi dưới bếp, đến mức lão Wong phải cầm hót rác xua tôi lên nhà.

Tôi dợm bước xuống phòng vú để chuyện trò thì nhớ ra đêm nay bà được nghỉ. Đôi khi bà sẽ nghỉ ngơi, đi thăm bạn bè và chơi mạt chược. Khi còn nhỏ, tôi thường đòi đi theo, đến thế giới của các bà vú, nghe họ tán chuyện giữa những ván bài. Chúng tôi lẻn vào khu người hầu qua lối cổng sau, và tôi sẽ ngồi nghe cho đến khi buồn ngủ rũ mắt, sau đó vú cõng tôi về nhà. Tôi chắc chắn không bao giờ cha biết về những chuyến đi chơi này. Vừa bước lên cầu thang, tôi vừa ước ao mình bé lại, một lần nữa được vô tư thiếp đi trong vòng tay những người yêu thương mình. Tôi lên giường, mở rộng cửa sổ. Không khí ban đêm mát lạnh và nồm ẩm như sắp mưa. Tôi nằm trên giường mà tỉnh như sáo. Tôi sợ. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#reup