Hồi 2: Thư trong sổ. ( chuyện mẹ thằng Tĩnh, phần kế )

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Vội lấy tay áo chùi nước mắt, sụt sịt vài tiếng rồi thôi. Nắng mặt trời lúc ba giờ chiều chiếu sáng rực rỡ cả căn phòng khách. Cửa chính của căn nhà lớn lắm, bằng gỗ xịn cả đấy, sáng chiều thì ông bà lệnh cứ mở ra cho nhà thoáng đãng, có tối thì đóng lại thôi. Nên thành thử ánh nắng cứ bao bọc cả phòng khách, nhìn có chút gì đó buồn buồn, nuối tiếc điều gì đó. Sàn nhà cũng sáng rực lên, cả cái cầu thang để lên lầu nằm sau cái truyền hình cũng rực rỡ hẳn. Vào sâu căn nhà thì bắt gặp dãy hành lang, có mấy cái đèn vàng được treo trên tường. Tổng cộng bốn căn phòng ngủ ở đó, hai phòng hai bên, phòng cho dì Năm, phòng cho Tư Mười, phòng cho mẹ thằng Tĩnh, phòng cuối để trống, chắc là cho vài vị khách khứa, bà con mà xuất thân không cao, hay không có địa vị của hai ông bà. Sau này thì thành phòng của thằng Tĩnh, vì bà Hải chuớng mắt nó, không muốn nó dùng căn phòng nào ở trên lầu, cho nó chỗ ăn, chỗ ngủ ở cái nhà này là bà ấy đã miễn cuỡng lắm rồi. Đi hết hành lang đó là phòng ăn và cả phòng thờ tổ tiên. Bà Hải nghĩ, tổ tiên thấy con cháu cùng nhau xum vầy, ăn cùng nhau trên một bàn cơm, thì mới là phúc. Bả cũng chẳng có quan tâm tới cái việc kiêng kị, hay phong tục như thế nào, miễn bả thấy thích là bả quyết hết. Bàn thờ tổ tiên thì đặt phía bên phải, đối diện là cửa sổ, bự lắm, mỗi sáng bình minh lên là ánh nắng như muốn nuốt chửng phía sau nhà,nhưng chiều chiều thì lại hơi tối. Bàn ăn được điêu khắc rất đẹp, nghe nói ông Quý mua ở đâu tuốt ngoài Bắc, ổng thích chơi hàng gỗ nên trong nhà có thứ gì có thể làm bằng gỗ, ổng thay cả ngay, dĩ nhiên bà Hải phải cho phép, ổng mới được làm như vậy. Cái bàn đặt chính giữa căn phòng, có chừng sáu cái ghế chung quanh. Đối diện cái bàn, là cửa sau, cái cửa này cho bọn gia nhân bưng đồ ăn từ bếp lên. Bước ra khỏi cửa đó là sân vườn, đi cả chục bước mới tới nhà dưới ( nhà bếp). Ông bà nhà này ít khi đãi khác ở phòng ăn, phía trước nhà có khoảng đất rộng, ổng bả thường thuê sạp, bàn ghế bày đó mà đãi khách thôi. Nhỡ có trời mưa thì mới bất quá mời khách vào dưới phòng ăn, vì ổng bả ngại để cho khách khứa đông đúc vào nhà, lỡ có mất mát thứ gì, biết làm sao được, chỉ có vài ông vài bà quan to chức lớn, ổng bả mới mời vào phòng ăn đãi tiệc.
Nhưng mẹ thằng Tĩnh không xuống dưới nhà ăn để ngó nghiên gì cả, đằng nào đến tối cổ cũng phải xuống đó, phụ dọn dẹp sửa soạn bữa tối cho ông bà chủ. Bây giờ nhà không có ai, có mỗi ông chủ chui vào phòng đọc sách, dì Năm nói ổng hay ở lì trong phòng đó lắm, tới tận bốn năm giờ chiều mới xuống nhà để sang nhà hàng xóm chơi đánh cờ. Bây giờ chỉ mới có ba giờ chiều, lại có cái nết tự cao tự đại, muốn gì phải được nấy từ nhỏ của cổ, cổ muốn biết, cổ tò mò muốn khám phá căn nhà, là cổ phải làm, phải tìm cách làm cho bằng được. Rón rén bước thật nhẹ lên cầu thang, mắt thì láo liên xung quang, lên tới tầng thứ hai thì cổ thoát được khỏi cái nóng của ánh nắng mặt trời, trên tầng hai chỉ có cửa và đèn treo trên vách tường, chỉ có một cái cửa sổ nhưng nó không nằm ở phía nắng mặt trời chiếu vào. Có hai cánh cửa cách xa nhau trên mảng tường rộng lớn, đối diện cái cầu thang cô bước lên. Trên cánh cửa có cái tấm bảng nhỏ mạ vàng được điêu khắc vài dòng chữ in nghiên trông rất nghệ, mẹ thằng Tĩnh nhẹ nhàng tiến về phía cánh cửa đầu tiên, đọc dòng chữ ở trên đó: "Phòng Sách". À, ra là phòng mà ông Quý dùng để làm việc và cả đọc sách. Ông Quý đang ở trỏng, có cho cả vàng cô cũng không dám bước vào đó ở thời điểm này, ngày trước thằng Sáu mới tới làm, không rành phép tắc ở cái nhà này, nó lên chào ông Quý một tiếng cho ông biết mặt, biết tên ai ngờ vào ngay lúc ổng đang nghiên cứu cái vớ vẩn linh tinh gì đó của ổng, thế là bị chửi té tát cho một trận và còn bị trừ nửa tháng lương nữa chứ. Mẹ thằng Tĩnh không nghĩ gì nữa, khẽ khàng bước sang cánh cửa kế bên, cách cánh cửa đầu tiên cũng vài bước chân, rồi đọc chữ trên tấm bảng được mạ vàng, gắn trên cái cửa đó. Cái dòng chữ nghiêng nghiêng làm tim mẹ nó trùng xuống, trong cái lồng ngực của cổ tự nhiên cảm giác có ai đó dùng tay bóp nghẹn: " Văn Thanh". Trong một giây phút nào đó, cổ nghĩ về anh Thanh của cổ, người mà đã hứa hẹn cổ, giờ như thế nào, ở đâu, cổ không biết, cổ chỉ biết tên ảnh, chỉ một chữ: "Thanh". Cổ biết phòng này của con ông bà chủ đã mất sớm, vì lúc nhận việc bà chủ có dặn dò cô không cần dọn dẹp cũng như không cần bước chân vào phòng con trai bả ở lầu hai. Nhưng có như thế nào cổ cũng không ngờ rằng con trai của ông bà cũng tên là Thanh, cái tên mà đã làm cô rung động đầu đời. Mẹ thằng Tĩnh cũng mặc kệ lời bả dặn, vì giờ này bả có ở nhà đâu, ông Quý thì ở phòng kế bên, chắc lại nghiên cứu ba cái vớ vẩn của ổng. Cái tên "Thanh" thôi thúc trí tò mò lẫn cái sự ấn tượng về tên Thanh của mẹ thằng Tĩnh, và mẹ nó mở cửa bước vào mà không cần suy nghĩ thêm về điều gì nữa.
Căn phòng bài trí cũng giản dị, tươm tất, tuy cậu nhà đã mất được vài năm nhưng căn phòng vẫn thơm tho, sạch sẽ không khác gì lúc sinh tiền cậu vẫn giữ căn phòng như vậy, chỉ khác là căn phòng lạnh lẽo lắm, trông buồn lắm. Màu của bức tường được sơn màu xanh biển nhạt, có cái cửa sổ ở phía đối diện cửa phòng, nhưng nằm phía tay phải. Nhìn từ cái cửa sổ ấy có thể thấy phía sau vườn và cả nhà bếp nữa. Cái giường khá rộng, được đóng bằng gỗ, nằm sát bên cửa sổ. Phía trên cái giường là tấm nệm được bọc tấm vải màu xanh coban, cái chăn màu xám để đắp được xếp gọn ở đầu giường, đặt trên cái gối xám. Đối diện bên hông chiếc giường là tủ quần áo bự lắm, cũng được làm bằng gỗ. Phía chân giường là cái bộ bàn ghế kiêm tủ sách mà cậu chủ thường dùng để học và đọc sách khi cậu còn sống. Trên kệ sách chỉ toàn là sách luật, chắc cha cậu làm luật sư nên cũng mong muốn cậu theo cái nghề này. Mẹ thằng Tĩnh choáng ngợp với số lượng sách đó, mẹ nó nghĩ rằng đọc sách là việc kinh khủng nhất trên đời này, bởi vậy học xong hết lớp mười, mẹ nó chẳng có ý định học lên đại học, nên mới xin ông bà Hội Đồng ở cái làng mẹ nó ở dưới Huế, cũng là ông bà ngoại của thằng Tĩnh, thôi không học nữa. Ổng bả cũng chỉ có một đứa con gái, lúc đầu cũng hơi buồn rầu nhưng sau cùng nghĩ phận con gái cần gì học nhiều, chỉ cần biết chữ, dạy cho cổ nữ công gia chánh, kiếm một mối hôn sự tốt, ấy thế là đủ rồi. Mẹ thằng Tĩnh không nhìn kệ sách nữa, liếc mắt xuống cái bàn học, trên bàn cũng chỉ có mấy cuốn sổ dày cộm mà cậu Thanh để lại khi còn sống, và một khung hình lồng bức ảnh trắng đen cậu Thanh chụp khi tốt nghiệp cấp ba cùng với vợ chồng ông Quý. Mẹ nó tò mò không biết cậu Thanh trông như thế nào, mới tiến lại gần bàn học để có thể nhìn bức ảnh đó rõ hơn.
Tim mẹ thằng Tĩnh lúc này muốn vỡ ra thành trăm mảnh, trong đầu mẹ nó cứ như cái trống trường bị người ta vỗ liên tục, chẳng có thể suy nghĩ được gì nữa, cả hai lỗ tai cũng ù ù, nước mắt tự nhiên trào lúc nào mà bản thân mẹ thằng Tĩnh cũng không hay, nhưng mẹ nó không khóc òa lên, vì mọi thứ nhanh quá, đường đột quá, không biết làm thế nào. Đôi mắt rươm rướm nước mắt đó đảo đi đảo lại liên tục, cứ liếc sang lên trên ở phía trái rồi lại sang phải, mẹ thằng Tĩnh như không tin vào mắt mình nữa. Mẹ nó muốn ngồi xụp xuống đất, nhưng không hiểu sao hai chân cứ cứng đờ lại. Cuối cùng, dường như trong mẹ thằng Tĩnh có cái gì đó, mẹ nó cầm bức ảnh lên rồi lấy mấy ngón tay xoa xoa cậu thanh niên trong bức hình đó, rồi giọng run run thốt lên:
- Anh Thanh.

Lúc này nước mắt đã rơi làm ướt đi tấm kính của khuôn hình đó. À, thì ra anh Thanh năm nào tình tứ với mẹ thằng Tĩnh một thời ở xứ Huế mộng mơ, người đã hứa với cổ rằng sẽ là chỗ dựa cho cổ cả đời. Mới ngày nào cổ tiễn ảnh lên chuyến tàu về Sài Gòn, rồi ảnh hứa sẽ quay trở lại tìm cổ, hỏi cưới cổ. Ấy vậy mà đó là lần gặp cuối cùng của mẹ thằng Tĩnh với cậu thanh niên ấy, không chỉ tiễn anh về Sài Gòn mà còn là tiễn anh đi đến một nơi rất xa, không bao giờ có thể trở lại bên cô nữa.
Chỉ có thể lấy tay che lại để không thể khóc thành tiếng, mẹ Tĩnh ôm chặt bức hình vào lòng. Có nằm mơ thế nào cũng không ngờ được cô và anh Thanh gặp lại nhau trong tình huống đắng cay như vậy, lại còn ở chính cái nhà mà cô đang làm việc. Cô nghĩ sao đời cô khổ thế. Đời cô đã khóc khi gia đạo suy sụp. Đời cô đã khóc thương cho cha mẹ mình. Nếu không nhờ anh Thanh ở bên cạnh cô năm ấy, cô nghĩ rằng chẳng thà cô chết đi còn hơn. Vậy mà ông trời tàn nhẫn, lại bắt cô phải khóc cho mối tình đầu dang dở. Đặt bức ảnh xuống bàn, cô chẳng còn bận tâm lau đi nước mắt trên gương mặt ửng hồng của cô, không biết linh tính điều gì, mà cô lại cầm cuốn sổ dày cộm đặt trên bàn học. Cuốn sổ ấy nặng trịch, bự gấp ba gấp bốn so với cái bàn tay mềm mại của mẹ Tĩnh, cuốn sổ đề cái chữ tiếng Pháp mà cô không hiểu được, vừa mở ra thì có hàng đống giấy tờ rơi xuống đất. Mẹ thằng Tĩnh vội đặt cuốn sổ ấy trên bàn và khum xuống xếp lại đống giấy tờ ấy. Mấy cái tờ giấy được đánh bằng máy đánh chữ, chằng chịt chữ Pháp, nhưng riêng trong đống lộn xộn ấy là một bao thư đã cũ, giấy đã ngã vàng, trên đó không có con tem nào được dán, chắc là anh chưa kịp dán thì anh đi rồi, chỉ có dòng chữ nét thanh nét đậm được đề rất gọn gàng, nắn nón:
" Hoàng Gia Bình, con gái ông bà Hội Đồng, làng Kim Long, Thành Phố Huế"
Mẹ thằng Tĩnh nhận ra được cái tên trên dòng chữ ấy, đó là tên ông bà Hội Đồng đã đặt cho mẹ nó, mong muốn mẹ nó sau này có thể cùng gia đình nhỏ của cổ bình bình an an sống qua ngày, nên mới gọi là Gia Bình. Trong lòng lại muốn vỡ ra lần nữa, nhưng cũng không thể, vì tâm trạng mẹ nó bây giờ như có ai đó đã đoạt tính mạng đi một nữa. Mẹ nó kẹp xấp giấy thừa vào cuốn sổ, rồi cổ ngồi xuống giường. Tuy rằng căn phòng giờ đây, hơi ấm của anh Thanh không còn vương vấn lại ở đây một chút gì dù cái hương thơm mà cậu chủ thích sử dụng vẫn luôn thơm ngát cả căn phòng, nhưng mẹ nó biết, anh Thanh mà mẹ nó luôn thương nhớ, lúc nào cũng nằm trong ở trái tim của cổ. Nhẹ nhàng mở bìa thư ra, chắc có lẽ đã lâu rồi, nên keo dán ở trên đó bung ra không còn dính nữa, bức thư được xếp gọn gàng trong phong bì thư đó, ngay cả những dòng chữ mà anh Thanh viết cũng hệt như tính cách của anh, gọn gàng và cẩn thận:
"Sài Gòn, nhớ thương em. Hoàng Gia Bình của anh. Dạo này em thế nào ? Sức khoẻ vẫn tốt chứ, đôi mắt em có cón uớt đẫm lệ khi lần đầu tiên anh nhìn thấy em không ? Và.....Em có còn nhớ đến anh không ?
Ta gặp nhau lần đầu tiên giữa màu tím trắng cùng hương thơm nhẹ nhàng của loài hoa xoan rất đỗi dịu dàng xứ Huế. Hoa đẹp, hoa lãng mạn đến thế, nhưng em lại đau buồn.
Đó là một buổi chiều đầu tiên trong đời, anh biết rung động là như thế nào. Rung động với dáng vẻ thướt tha, kiêu kì trong bộ áo dài hợp với nắng chiều xứ Huế. Rung động cái cách em vội lâu đi giọt nướt mắt khi anh đến gần đưa cho em chiếc khăn tay. Em bảo em không thích nhận đồ của người lạ, rồi tự lấy tay áo mình lau đi những giọt nướt mắt trên làn da trắng hồng của em.
Giọng nói con gái xứ Huế như em rất ngọt ngào, anh rất thích. Mà đúng hơn, nếu đó là em, thì cái gì anh cũng thích, thích những gì là của em.
Đã được ba tháng kể từ khi anh chào tạm biệt em lên Sài Gòn, anh nhớ em rất nhiều. Anh đã thưa chuyện tụi mình cho cậu mợ nghe. ( chú thích: cha mẹ ngày xưa còn gọi là cậu mợ) Nhưng cậu mợ phản đối lắm, đó cũng là lần đầu tiên trong đời anh cãi lại cậu mợ. Anh tệ lắm phải không ?
Cậu bảo anh không hiểu chuyện, chẳng có tư chất, uổng công cậu mợ nuôi nấng anh bao nhiêu năm nay. Cậu bảo anh hãy vào trường Luật ở Sài Gòn. Cậu nói nhà mợ sẽ sắp xếp công việc cho anh sau khi anh ra trường. Mợ thì khóc lóc bảo rằng muốn lo cho anh thôi. Thấy mợ khóc, anh cũng xiêu lòng chấp nhận đăng kí học trường Luật theo lời cậu lời mợ cho tròn đạo hiếu của người làm con, chứ anh nào đâu thích học cái ngành này.
Cuộc đời anh chứng kiến bao nhiêu chuyện cậu làm, cả ông bà đằng ngoại, những điều đó không phải là điều anh muốn. Nhưng biết làm sao được, phận làm con thì phải nghe theo sắp xếp của cha mẹ.
Nhưng còn chuyện cưới em anh vẫn kiên quyết, em hãy chờ anh thuyết phục cậu mợ anh rồi sẽ ra cưới em nhé.
Xin lỗi em rất nhiều, nhớ thương em rất nhiều.
Và hãy chờ anh....
Nguyễn Văn Thanh, Thanh của em."
(Còn tiếp)
________________________________
Like page https://www.facebook.com/gocnhodethitham/ để ủng hộ tụi mình nhé. ❤️

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro