3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chủ nhật là ngày duy nhất nhà của Phụng có gần như đầy đủ các thành viên. Tám người họ người thì nằm, người thì ngồi trong căn trọ nhỏ tối tăm, nhỏ bé. Phụng thức dậy lúc tám giờ sáng nhưng cảm giác lại lâng lâng, mơ hồ như chỉ mới sáu giờ; phải đợi đến khi má đi lại xóc một bên áo lôi Phụng dậy thì nó mới tỉnh hẳn để đi đánh răng rửa mặt.

Ba Phụng hôm qua nhậu đến đêm khuya, về trước nhà lại ói một bãi lớn, làm cho má Phụng phải dùng cả thùng nước mới dội sạch. Đến sáng, cả nhà lại không có đủ nước để sử dụng. Má Phụng liền xách cái thùng cạn đặt trước mặt người đàn ông đang nằm nửa tỉnh nửa mê rồi quát: "Đi xuống dưới giếng chị Hiền xách nước về nhanh lên." Người đàn ông rên la một hồi mới chịu bật dậy, nhấc từng bước chân mệt mỏi vào nhà tắm, khạc một bãi nước miếng rồi mới chịu quay ra xách chiếc thùng nước làm theo lời của vợ. "Đúng là thằng chồng khó ưa, thằng chồng trời đánh". Nghe vậy, người đàn ông mặt đỏ lừ lừ, ném chiếc thùng xuống rồi chỉ tay vào vợ mình: "Bà ngon bà nói lại coi." Rồi như dự đoán của những đứa con, hai vợ chồng lại làm một trận ầm ĩ trước xóm giềng, tiện thể vạch áo cho người xem lưng, xem cả những thứ xấu xí, văng tục mà họ cố tình phơi ra.

Gây một hồi lâu, trong xóm vọng lại tiếng một người đàn ông trung niên: "Vợ chồng ông Sang có người kiếm nè, đừng có gây lộn nữa". Cả hai theo quán tính nhìn ra cái con đường nhỏ hẹp dẫn vào khu trọ, một bóng dáng mảnh mai cùng tiếng dép chà xát xuống mặt đất đang đi lưng thững về phía họ.

"Cô giáo Ánh? Cô tới tìm tụi tui chi vậy."

Nghe mẹ nhắc đến cô Ánh, Phụng đặt em xuống đất rồi ngó đầu từ trong nhà nhìn ra để xem có chuyện gì.

"Dạ, con tới để tìm em Phụng."

"Cô tìm nó chi? Hay nó quậy phá gì chỗ cô hả? Cô nói tui được rồi, để tui cho nó một trận".

"Dạ hỏng có cô ơi, con muốn tìm Phụng để cho bé mấy cuốn sách...."

Chưa kịp dứt lời, má Phụng đã chen ngang:

"Dạ thôi thôi cô ơi, tụi tui nhà chật rồi, không có chỗ để thêm sách báo nữa, cô đem về hay cho đứa khác đi nha. Có nhiều đứa đáng đi học hơn con của tụi tui."

"Đâu phải vậy đâu cô, con thấy Phụng cũng lớn rồi, mà không biết chữ nghĩa gì, tội bé lắm cô. Nếu nhà cô chật thì con gửi bé một cuốn thôi cũng được."

Trong khi má đang phân vân, Phụng liền chạy ra, xoè hai tay đón cuốn sách "Tập đọc lớp 1" một cách vui vẻ rồi gật đầu lia lịa cảm ơn. Nhìn thấy Phụng vui như vậy. Ánh bất giác nở nụ cười tươi:

"Chắc cô cũng không muốn con mình khổ đúng hong. Nếu vậy thì cô cứ gửi các bé đi học nha cô, con sẽ xin...."

"Cô chỉ là giáo viên thực tập, cô mà xin được thì tui cùi". Má Phụng đáp lại bằng một giọng điệu khó chịu, sau đó lườm người đàn ông đang đứng ở góc nhà một cái rồi bước vào trong.

Phụng ôm cuốn sách mới nhận vào lòng, đi đến dựng cái thùng nước đang nằm lăn lóc giữa đường rồi quay người đi vào trong. Nhìn theo bóng lưng của Phụng, Ánh cảm thấy xót xa cho nó, cũng như xót xa cho những mảnh đời đang phải từ bỏ việc học tập vì cơm áo gạo tiền.

(....)

Ánh ngồi trên chiếc xe ba gác quen thuộc từ trường về đến căn trọ. Nhưng có vẻ như xóm Hưng Long hôm nay lại bừa bộn hơn mọi ngày khi có một chiếc ghế đẩu màu đỏ đang nằm chắn ngay con hẻm nhỏ và có một chiếc khác gần đó đã bị gãy mất hai chân. Đột ngột, từ trong hẻm có một bóng dáng thấp bé đang lao ra với tiếng khóc thất thanh, tay nó cầm một quyển sách được dán bìa bao kĩ lưỡng. Đằng sau nó là một hình bóng khác cao lớn hơn, tay như đang cầm một thứ gì đó rượt theo.

"Phụng?". Ánh vộng vàng tháo hai đôi cao gót ra, để một bên đường và chạy lại giấu con bé vào đằng sau lưng mình. Nó khóc lớn, nấc từng tiếng, nước mắt chảy đầm đìa, những giọt khô lại hằn thành đường nét rõ ràng trên gương mặt.

"Cô bình tĩnh lại đi cô, đừng đánh em tội nghiệp"

"Cô giáo đi ra, để tui dạy con tui, cô không có quyền xen vào". Giọng má Phụng gằn lại, hậm hực vô cùng đau đớn.

"Dạ có gì mình từ từ nói nha cô..."

"Không được! Mày đi ra đây con quỷ cái."

Má Phụng cầm đầu chổi lông gà, giơ cán chổi quất mạnh vào đằng sau, lướt 1 đường trong không khí tạo ra tiếng kêu vun vút. Ánh nắm hai tay Phụng lách qua một bên, làm cho cán chổi vô tình đánh vào chân cô. Má Phụng cũng không câu nệ gì, tiếp tục vung đòn về phía sau, Ánh lại nắm lấy vạt áo Phụng lách qua một bên khác. Vừa tránh đòn, Phụng khóc ré lên, khiến cho Ánh rối trí, lòng nóng như bị lửa đốt. Có những nhát đánh đau quá, Ánh nhăn mặt nhưng vẫn giữ chặt Phụng sau lưng mình. Một hồi sau, má Phụng mới chịu ném cây chổi lông gà xuống đất rồi bỏ vào trong. Phụng mới cúi xuống nhặt quyển sách lên, quyển "Tập đọc lớp 1" mà Ánh tặng nó. Nhưng cái bìa đã bị rách do nó đạp trung khi tránh đòn. Phụng lại tiếp tục khóc, nó khóc không lớn như vừa nãy nhưng từng tiếng nấc lại cất lên vô cùng đau đớn. Ánh ngồi sụp xuống, nhìn chằm chằm vào Phụng, vừa thở hộc hồng nhưng cũng như chuẩn bị mếu máo.

"Thôi con, lát qua nhà cô cho cuốn khác."

Ánh bật khóc, nước mắt nhỏ xuống những viên đá lát đường làm cho chúng đổi màu. Ánh nhặt lấy chiếc dép đã đứt quai của Phụng rồi nhẹ nhàng lấy tay đẩy đầu Phụng vào lòng mình. Hai người ôm nhau một hồi dưới nền đất, tiếng khóc len lỏi khắp xóm, làm não lòng biết bao nhiêu con người chứng kiến.

Tiếng nước sôi ré lên, Ánh bỏ cây viết xuống, lật đật chạy lại tắt bếp. Ánh xé một gói mì mua ở gần trước bỏ vào tô, chế nước sôi vào rồi lấy cái dĩa to đậy lên.

"Con chờ một chút cho mì nở nha".

Phụng ngồi co ro một góc nhà, hai tay cầm quyển sách ôm vào lòng. Mặt nó lấm lem, có một lằn đỏ gần khoé miệng, hai con mắt lờ đờ nhìn chằm chằm vào tấm phản nâu sẫm. Ánh vào trong nhà tắm, lấy khăn nhúng một ít nước rồi lau mặt cho Phụng. Sau đó, cô vỗ lưng ra hiệu cho Phụng lại bàn ăn mì.

Phụng ăn ngon lành, nó húp nhanh đến mức Ánh còn sợ nó bị nước sôi làm phỏng lưỡi. Nhìn cái điệu bộ ăn mì của nó, Ánh lùi lại đằng sau, lấy tay gạt đi giọt nước mắt còn đọng lại trong khoé mắt. Chưa bao giờ Ánh được chứng kiến những điều này trên trường lớp, cũng chưa bao giờ Ánh hiểu sâu sắc về cuộc sống khó khăn của những đứa trẻ nghèo khó như bây giờ. Và cũng chưa bao giờ Ánh nhận thức rõ ràng lương tâm của một nhà giáo dục như lúc này.

"Chiều con có rảnh không Phụng?"

"Dạ hồi đó con hay đi lụm ve chai vào buổi chiều. Nhưng giờ con không lụm nữa tại bán không có bao nhiêu tiền." Phụng vừa nhai vừa trả lời.

"Nếu rảnh thì con qua nhà cô, cô dạy con học."

Nghe xong câu đó, Phụng dằn đôi đũa xuống bàn, quay mặt nhìn vào đôi mắt Ánh, nó như cảm nhận được sự quan tâm của Ánh dành cho mình nên vui lắm. Nó lao vào lòng Ánh làm cho Ánh giật mình hơi chúi người về phía sau, nhưng sau đó lại khiến niềm hạnh phúc như lan toả khắp người của cô giáo trẻ. Ánh xoa đầu nó, bất giác nhìn vào bóng đèn dây tóc đang cháy sáng mờ mờ trên trần; có lẽ rồi một ngày nào đó em cũng sẽ có thể tự thắp sáng cho số phận của mình, như cách Ánh đã từng làm khi quyết tâm theo đuổi nghề dạy chữ.

Nhà trường hỗ trợ cho Ánh một khoản chi phí để đi lại, Ánh dùng toàn bộ số tiền đó để ra tiệm tạp hoá thị trấn, mua cho Phụng một quyển tập, hai cây viết chì, gôm và đồ chuốt. Buổi học diễn ra dưới ánh đèn tờ mờ của căn trọ ẩm thấp. Vì không có bảng nên Ánh dùng phấn viết lên một mảng tường gồ ghề, tiếng phấn kêu loẹt xoẹt nhưng không một ai khó chịu về nó. Trong buổi chiều chạng vạng êm ả, căn trọ của cô giáo Ánh vang lên những tiếng đọc bài to rõ, đều đặn, phấn chấn. Những người trong xóm cũng mừng thầm: "Rốt cuộc cũng có thêm một đứa biết chữ, thêm một đứa bớt khổ."

Tuy đọc chưa sõi nhưng Phụng lại rất thích sách. Phụng thường canh lúc ba má không có nhà, chạy qua tìm cô Ánh để mượn mấy quyển truyện thiếu nhi về đọc. Phụng đọc chậm, có khi một truyện dài vỏn vẹn hai trăm chữ nhưng nó đọc đến tận một tiếng. Rồi lúc má về bất tử, Phụng lại dấu quyển truyện xuống dưới gối của mình, đến đêm lại ra dưới góc đèn đường mà đọc. Cuộc sống của Ánh từ thời điểm đó cũng vất vả hơn khi phải dạy ở trên trường, rồi lại soạn giáo án, phải tự chăm lo cho cuộc sống mình, và đặc biệt phải dạy không công cho Phụng. Nhưng không hiểu sao Ánh lại cảm thấy hạnh phúc, hạnh phúc như có thêm một đứa con tinh thần trong cuộc đời của mình.

Trong một buổi học, Ánh đã giảng cho Phụng nghe về lý do vì sao ta lại có nước mắt. Nước mắt xuất hiện khi chúng ta gặp phải nỗi đau, mất mát, cũng có thể là khi chúng ta vỡ oà, hạnh phúc. Nước mắt thật sự có giá trị vì nó chứng tỏ rằng ta là con người, một con người có cảm xúc giữ thế gian đầy hỷ - nộ - ái - ố này. Phụng băn khoăn với Ánh:

"Nước mắt có màu không cô Ánh?"

"Nước mắt trong suốt, không có màu đâu con."

"Cô nói bậy, nước mắt có màu, con thấy được màu của chúng"

Ánh bất ngờ, liền yêu cầu Phụng đưa ra lý do.

"Em út con nó sướng lắm, chỉ có ăn với ngủ, nước mắt của nó trong veo. Còn chị năm của con thì hay bị má đánh, nước mắt chỉ đục ngầu à."

"Sao con thấy được hay vậy?"

"Tại cô không hay thấy người ta khóc, chứ còn con, ngày nào cũng thấy có người khóc. Họ khóc vì nhiều lý do, như chú Năm là khóc do thua đề, bà Hiền khóc là do trống phòng trọ nhiều quá, má con khóc là do hết tiền, con với chị năm khóc do hay bị má đánh. Nhìn người khác khóc riết, con thấy mỗi người lại khóc theo một kiểu riêng."

Ánh nghe xong liền nhìn sang một hướng khác, lặng người đi một hồi lâu thì Phụng lại nói tiếp:

"Vậy còn con, nước mắt của con màu gì?"

Ánh nhìn Phụng, nhìn thấy gương mặt ngây thơ đang hơi nghiêng đầu qua phải. Bốn mắt cùng nhìn nhau, cả hai như đang ngắm nghía chính bộ dạng của mình trong con ngươi của đối phương. Nó long lanh, óng ánh và đượm buồn.

"Cô muốn nước mắt của con mang màu hạnh phúc."

Phụng nghe xong liền chau mày, băn khoăn:

"Màu hạnh phúc là sao cô?"

Ánh liền cười, đưa tay sờ lên má Phụng: "Tức là con chỉ được khóc về chuyện vui, không còn nỗi buồn nào có thể làm con đau khổ nữa."

Phụng dường như cũng hiểu ý, liền nở một nụ cười, đôi mắt nó híp lại làm cho một giọt lệ rỏ xuống từ khoé mắt. Người ta có thể giả dối, nhưng đôi mắt của họ thì không. Họ có thể che giấu cảm xúc của mình, nhưng nước mắt của họ là thứ thành thật nhất.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro