Chương 1 - 11/01/2022

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ngoài kia vẫn còn đó những lời chửi rủa chua cay,

Ai biết LGBT chúng tôi cũng là con người,

Vẫn tồn tại...

Vẫn thổn thức những nỗi niềm riêng!

Ngược theo dòng chảy của thời gian, trở về Hà Nam quê tôi những năm cuối 80 - đầu 90 của thế kỷ trước, hai màu đen trắng hòa trong những thước phim xưa cũ của đất nước Việt Nam mới giành được hòa bình như bao trọn lấy từng xóm làng, ôm lấy Lý Nhân còn nghèo khó có người con gái Nam Xương một thân mang bao nỗi niềm oan ức, có làng Vũ Đại – Nam Cao nổi danh anh Chí, cô Nở một thời.

Đón bố về trong một buổi chiều muộn, cái mùa mưa rơi lạnh giá của tháng mười hai lặng gió làm lòng người chết lặng trong dòng nước mắt nhạt nhòa. Đồng đội đưa bố về trên chiếc xe màu xanh lục bốn bánh, chiếc quan tài có phủ lá cờ Tổ Quốc hai màu đỏ thắm cũng theo đó được đặt vào trong căn nhà ba gian làm bằng bùn đất. Người phụ nữ đầu búi lọn tóc dài phía sau đã xõa xuống khuôn mặt, hai gò má hốc hác xanh xao lại lăn dài hai dòng nước mắt nóng rát. Hai bàn tay gầy gầy, mẹ khụy gục xuống lá cờ Tổ Quốc, lặng lẽ ôm vào nắp quan tài, hai dòng lệ trắng lại trực trào tuôn rơi, mẹ gào lên trong mất mát vụn vỡ.

"Sao anh nói anh đi Tết năm nữa anh về. Sao anh nói anh về để bế con của chúng ta cơ mà? A...a...a...hu hu hu hu!" Thằng bé nhỏ mới được bốn tuổi nấp trong góc nhà, nhìn thấy mẹ nó gào khóc cũng không kìm được mà òa khóc theo, anh trai tôi bé lọt thỏm, ôm vào người mẹ gào lên giữa nhà.

"Điệp ơi, sao anh lại không giữ lời hứa với em. Hu hu hu hu hu!"

"Anh hy sinh trên đường làm nhiệm vụ, chiếc xe đã gặp nạn." Người lính cụ Hồ mang trên mình bộ quân phục màu xanh của Sư đoàn 356 ngả mũ, cúi người không nhìn mẹ tôi. Đồng đội bố hai hàng đứng nghiêm chỉnh, tất cả đồng loạt cúi người lặng lẽ. Bên ngoài sân nhỏ, hàng xóm xung quanh đã đứng chật lối vào, thì thào to nhỏ tiếc thương cho người con gái mới hai mươi sáu tuổi xuân đã góa phụ chồng. Mẹ hai tay ôm vào chiếc bụng bầu mới được ba tháng tuổi, hai mắt lại nhòa đi đau đớn.

"Đây là thư tay, khăn len cùng chút đồ đạc cuối cùng của anh để lại." Đồng đội bố đưa tay lật mở chiếc hòm gỗ cũ kỹ, bên trong có bức thư tay bố mới viết từ tháng trước, một đôi dép cao su đen cùng hai chiếc khăn len màu xanh xám, một cái vẫn còn đang dở dang sợi chỉ lục.

"Mến ơi đêm nay anh lại thao thức không ngủ được, chiến tranh biên giới thì lại đang vào những năm cuối quyết liệt, anh nhớ em, nhớ tuần trước em lên Sư đoàn thăm anh. Nhớ ngày em đi về, em nắm tay anh đặt vào chiếc bụng nhô, không biết là thằng cu hay con vịt, mà thằng cu hay con vịt thì đứa nào anh cũng thích. Anh có đan len vào đêm muộn, vài tháng trước anh về thăm em, anh lại chưa đan xong. Anh gửi em hai cái, cho cả thằng cu Tiến, Tết hai năm nữa anh lại về với mẹ con em."

Bố tôi cừ lắm mọi người biết không, bố bảo bố là người chiến sĩ cụ Hồ, bố đi chiến tranh biên giới Việt-Trung, bao giờ biên giới hòa bình, bố mang đôi dép cao su cùng chiếc mũ cối về cho mẹ con chúng tôi. Bố ơi, biên giới còn đó chiến tranh, con còn chưa ra đời...vậy mà bố đã về với mẹ rồi, vĩnh viễn từ nay về với mẹ, về với quê hương Hà Nam Ninh rồi.

Ngày tang lễ bố, mẹ tôi hai mắt nhạt nhòa, người ta cắt cho anh trai tôi dây chuối khô bện thành vòng tròn buộc lên đầu, vải tang trắng cùng chiếc gậy tre, anh đứng lặng lẽ, hai mắt mở to tròn, bàn tay nhỏ chống gậy cứ thế mà đứng bên ban thờ để dân làng vào thắp hương viếng bố. Anh tôi vừa đứng vừa đưa tay lau nước mắt, một đứa bé bốn tuổi vẫn chưa biết sự đời, vẫn chưa biết vì sao lại có nhiều người đến nhà mình, vẫn chưa biết vì sao bố lại nằm trong chiếc quan tài kia và vì sao mẹ và anh lại phải mặc áo tang trắng. Mẹ tôi khóc, anh tôi khóc và tôi...cũng khóc trong bụng mẹ.

Bố tôi mất vào mùa đông thì đến mùa hạ, cái nắng nhẹ của tháng năm có cây hoa hòe bên bậc cửa nhà bếp lợp cói dạ nở hoa, mẹ...sinh tôi ra. Thằng cu sinh thiếu một tháng mà nặng những hai cân bảy, miệng khóc oe oe đòi bú sữa. Mấy cô y tá ở Trạm y tế xã bế tôi trên tay quấn cho ba bốn cái tã xanh đặt vào ngực mẹ, bác trưởng Trạm cười cười chấm cho nốt ruồi đỏ trên trán, hai thằng cu nhà anh Điệp, thằng nào cũng giống bố nó.

Xóm làng quê tôi ngày xưa nghèo đói lắm, Việt Nam những năm cuối 80, tăng gia sản xuất cả năm mà vẫn chẳng đủ ăn đủ mặc. Năm tám mấy xã tôi có chia lại đất cho nhân dân, nhà tôi được cấp lại hai sào thổ cư với ba sào ruộng. Đất bồi ngoài bãi cũng chia đều cho nhân dân sản xuất, thành ra nhà tôi cũng được chia hai sào ở ngoài đê sông Hồng. Nhà thì nghèo, bố đi bộ đội hy sinh cũng có chút lương trợ cấp của chính quyền, nhưng trợ cấp đến năm tôi vào lớp ba thì cũng thôi, mẹ tôi một mình gồng gánh nuôi hai đứa con ăn học, làm lụng vất vả từ sáng sớm đến tối muộn ngoài đồng, cấy cây lúa, trồng cây khoai mà nuôi con.

Ngày mẹ sinh tôi, nhà có mười cái tã cũ, tã cũ cũng là dùng lại, bác Lan hàng xóm xin được mấy cái tã mới của cô cháu dâu mang sang cho mẹ. Dân làng đến thăm bà đẻ có người cho chục trứng gà, có người cho vài cân gạo. Họ hỏi mẹ tôi đặt tên cho thằng cu là gì, sinh con ra bốn, năm tháng mà mẹ vẫn chưa lên xã làm giấy khai sinh cho tôi được. Thân thể yếu mà tôi lười ăn lười bú, vất vả cho mẹ vô cùng. Bác trưởng thôn biết nhà chúng tôi từ trước, bác mang cả giấy khai sinh vào nhà bảo làm hộ cho. Bác hỏi:

"Thế cái Mến, mày muốn đặt thằng cu tên gì?"

Mẹ tôi nhìn đứa con trai vẫn đang đỏ hỏn ngủ say, cũng không biết đặt tên con là gì. Trước kia có bố, mẹ bảo để bố đặt tên, vậy mà tôi bố còn chưa kịp bế, tên tôi bố còn chưa kịp đặt thì bố đã đi rồi.

Bác nhìn tôi tỉnh dậy, ngáp mấy cái thật to nằm dài trong lòng mẹ, lại chuẩn bị giẫy giụa đòi bế đi dong, bác cười bảo:

"Tao có một người bạn chiến sĩ cùng chiến trường B năm xưa, nó rất tài giỏi, kiên cường chiến đấu vì độc lập giải phóng miền Nam cho đất nước, người lính ấy tên chỉ có hai chữ, hai chữ mà làm cả Binh đoàn phải ngợi khen. Nó tên hai chữ Hoàng Duy. Ghép với họ Nguyễn của bố nó nữa, sau này thằng cu lớn lên nhất định sẽ tài giỏi, sống báo hiếu với cha mẹ, sống có ích với quê hương."

"Đặt cho nó cái tên...Nguyễn Hoàng Duy đi!"




Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro