Chương 3. Thiên Vị Lộ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Chính Ngọ, mặt trời treo giữa đỉnh đầu. Tiếng ngựa xe dồn dã. Tiếng bước chân người qua lại nối tiếp không ngớt. Ông chủ nọ mời chào khách hàng. Tiểu nhị bưng rượu thịt. Khách nhân nâng ly cụng chén. Cả một khu phố tràn ngập mùi thơm của các món ăn.

Thiên Vị lộ tên như chính nó, là một giao lộ tấp nập bậc nhất bên trong Tam Thập Lục lộ, tọa lạc ngay tại cửa ngõ phía Bắc Kinh thành.

Tại kinh sư không biết từ bao giờ đã lưu truyền một câu: "Tam Thập Lục lộ là huyết mạch của Kinh thành. Thiên vị là huyết mạch của Tam Thập Lục lộ".

Một ngã tư trải rộng chừng nửa dặm vuông, lại mang trên mình giá trị liên thành như vậy. Chỉ bởi đơn giản một điều, Thiên Vị lộ kinh doanh một thứ mà tất cả con người sống trên đời này đều phải dùng tới hàng ngày: Thức ăn. 

Người ta đồn đãi, từ những bữa cơm gia đình, những cuộc gặp gỡ kết giao, những bữa tiệc rượu tiệc như chúc thọ, tiệc tất nhiên, khai xuân… cho đến những buổi yến tiệc của các bậc quan lại trong triều. Tất cả đều từng ít nhất một lần có bóng dáng Thiên Vị.

Nhưng có một điều mà chỉ những người có thân phận đặc biệt mới biết được, Thiên Vị lộ đã không ít lần là nơi diễn ra các buổi thiết đãi sứ giả các nước lân bang. Cho đến những bữa ăn của Hoàng tộc trong cung cũng từng qua tay Thiên Vị.

Đó là giá trị của Thiên Vị. Đứng sừng sững giữa Kinh thành một trăm năm, chứng kiến một cuộc chuyển giao quyền lực, thay đổi triều đại.

Thứ Thiên Vị lộ kinh doanh là ẩm thực. Cho nên bất kể là ai, thân phận như thế nào. Chỉ cần đói bụng muốn ăn, khi đến Thiên Vị lộ đều là khách hàng. Tất cả đều  sẽ được phục vụ theo tiêu chuẩn trăm năm qua của Thiên Vị.

Dĩ nhiên Thiên Vị lộ cũng có phân biệt từng nơi cho khách hàng của mình. Bốn con phố, hơn một trăm hàng quán, tửu lầu lớn nhỏ. Từ những sạp bán thịt nướng vỉa hè, cho đến những tòa ngũ lâu đồ sộ, đủ sức phục vụ mọi tầng lớp, mọi yêu cầu của các bậc "Thượng đế".

Bất kể hàng quán nào tại Thiên Vị lộ, thì món ăn tại đó đều là mỹ vị. Điều này được minh chứng qua câu vè của người dân trong lẫn ngoài thành: Không ăn tại Thiên Vị, không phải người kinh sư.

Giá trị món ăn, tiêu chuẩn phục vụ đều phải chiếu theo quy tắc của Thiên Vị. Điểm khác biệt duy nhất tại những hàng quán nơi này là giá. Giá cả của mỗi cửa hàng phụ thuộc vào vị trí của nó tại Thiên Vị lộ.

Ngồi ăn trên tầng cao nhất tại những tòa ngũ lâu với độ cao mười lăm trượng, thực khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh Kinh đô náo nhiệt. Một bên là dòng sông Tô bốn mùa xanh ngát, uốn lượn như một dải lụa. Xa xa là Tây Hồ mênh mông sóng nước.

Dãy phố còn lại là những  quán vỉa hè, sạp hàng di động. Đối diện là hàng liễu rủ lá thướt tha bên bờ tả ngạn sông Tô.

Chính giữa giao lộ Thiên vị có một cây gạo khổng lồ mọc bên bờ sông. Tán cây vượt qua cả con phố, vươn ra tới giữa sông. Ngay bên cạnh cây gạo lại là một quán trà.

Quán trà không lớn lắm, có hai tầng, cửa quán hướng phía bờ sông Tô. Tầng thứ hai vừa hay chạm tới cành thấp nhất của cây gạo.

Tại Thiên Vị lộ có không nhiều lắm quán trà. Nơi đây trà không phải thức ăn. Nhưng lại là nước uống được ưa chuộng nhất hàng ngày. Đặc biệt là những lúc rảnh rỗi hoặc sau mỗi bữa cơm. Cho nên mỗi dãy phố đều sẽ có hai ba quán trà mọc lên xen kẽ.

Mà quán trà ngay tại trung tâm Thiên Vị lộ, dưới gốc cây gạo cổ thụ nổi bật như vậy, tự nhiên sẽ được khách hàng chú ý hơn cả. Mỗi ngày quán trà này đều mở cửa từ lúc mặt trời mọc cho tới khi đêm tối mọi người chuẩn bị chìm vào giấc ngủ, liên tục tám canh giờ.

Nghe nói quán trà này đã được dựng lên ở đây từ hơn một trăm năm trước. Trước cả khi Thiên Vị lộ vang danh khắp Kinh thành. Trải qua trăm năm cùng với danh tiếng Thiên Vị lộ, quán trà này vẫn đứng ở đó, chỉ kinh doanh duy nhất một thứ: Trà.

Chính vì chỉ là một quán trà bình thường như vậy nên người ta vẫn luôn không chú ý đến nó. Quên đi nó đã mọc ra như thế nào, ở đây bao lâu, trải qua những sự kiện lịch sử gì. Quán trà này đã trở thành một họa tiết nhỏ trong bức tranh Kinh sư hào nhoáng như vậy.

Khách nhân tới đây uống trà, kẻ đến người đi hạng người nào cũng có. Người thích yên tĩnh sẽ chọn cho mình góc xa xa bên bờ sông Tô, nhâm nhi chén trà thả hồn theo dòng nước.

Kẻ thích ồn ả sẽ tụ tập lại một bàn mà náo nhiệt với nhau từng hồi, sau đó ngửa cổ uống một  chén trà lớn rồi sảng khoái cười to.

Lại có người nhiều chuyện thì xúm lại với nhau rôm rả nửa ngày, nói ra đủ thứ tin tức vừa mới biết, bàn tán xôn xao.

Cũng có người qua đường ghé lại, uống một chén xóa đi cơn khát, rồi vội vã rời đi.

Dưới ánh nắng mặt trời, bóng cây gạo trải rộng khắp quán trà. Khách nhân từng bàn to nhỏ trò chuyện dưới tàng cây râm mát.

Lúc này có hai thớt khoái mã trước sau phi tới, dừng lại bên khoảng đất trống trước cửa quán. Hai nam nhân ăn vận theo lối võ gia, phân biệt một thân hắc bạch từ trên lưng ngựa nhẹ nhàng nhảy xuống. Nếu ai tinh ý sẽ nhận thấy, vào lúc đôi chân họ chạm lên mặt đất không hề phát ra một tiếng động nhỏ, ngay cả bụi bặm xung quanh cũng không có tác động tới.

Sau khi cột dây cương vào gốc cây liễu, hai người hướng cửa chính quán trà bước thẳng vào trong.

Vừa thấy hai người nọ, một lão nhân chừng ngoài sáu mươi thần sắc đôn hậu, trên tay đang cầm ấm trà mới pha nhẹ nhàng cất giọng: 

"Hai vị uống trà gì?"

Nam nhân áo đen đáp ngắn gọn: 

"Trà mạn, nóng".

Khóe mắt ông lão pha trà khẽ động, trên môi lại nở nụ cười: 

"Mời lên trên lầu".

Hai người nọ gật đầu, sau đó bước thẳng lên tầng hai. Ông lão hướng một người phục vụ đang bưng trà cho khách lên tiếng gọi: "Tiểu Nghĩa"

Một chàng trai chừng hai mươi bốn tuổi, khuôn mặt sáng lạn, trên người mặc bộ đồ tiểu nhị, hai tay bưng khay trà vẫn đang bốc hơi ấm chạy tới: "Trần lão, gọi cháu có việc gì?"

Lão Trần lại hỏi: "Ông chủ hôm nay có đến không".

Tiểu Nghĩa đáp ngay: "Muộn nhất là sau khi mặt trời lặn, chủ nhân sẽ đến".

Lão Trần im lặng giây lát, sau đó bảo tiểu Nghĩa bưng trà cho khách rồi hướng lầu hai cất bước. Tiểu Nghĩa sau khi đợi Trần Lão đi khuất, đôi mắt hiện lên nét nghiêm nghị. Ngay sau đó quay mặt, vội vàng nói với một bàn khách nọ đang giục mang trà: "Trà tới ngay đây".

Lầu hai quán trà là một căn phòng rộng rãi chứa được tám bàn uống trà. Bên trên là một mái tre lợp ngói mũi cổ kính được bốn cây cột gỗ lớn trơn bóng chống đỡ. Xung quanh có hàng rào gỗ cao tới nửa thân người, điêu khắc tinh xảo. Không gian cực kỳ khoáng đạt. Một mặt dựa vào thân cây gạo đồ sộ, ba mặt còn lại trực tiếp nhìn thấy khung cảnh Thiên vị lộ sầm uất, cùng dòng sông Tô xanh mát.

Lúc này vẫn còn một bàn để trống. Hai nam nhân lên tới nơi thì liếc mắt quan sát một lượt, sau đó ngồi xuống bàn trống duy nhất. Khách uống trà nơi đây thấy có người tới cũng không để ý nhiều, cười nói vui vẻ tiếp tục câu chuyện của mình.

Lão Trần cũng đã mang khay trà đi lên. Đi thẳng tới chỗ hai vị khách nọ. Trên khay trà có hai ấm riêng biệt. Một là nước sôi, ấm còn lại là trà mới pha.

Lão Trần lấy hai chiếc cốc uống trà có sẵn trên bàn đặt vào khay, đoạn rót nước sôi tới hai phần ba cốc. Sau đó lắc nhẹ, rồi đổ hết nước ở hai cốc xuống ống chứa dưới chân bàn. Tiếp đó là động tác rót trà thành thục. Cuối cùng đưa chén tới chỗ ngồi của hai nam nhân. Lão Trần mỉm cười, nói: "Mời hai vị dùng trà".

Hai người gật đầu một cái, rồi cùng nhau đưa chén trà lên miệng. Mũi hít hít khói trà bốc lên sau đó mới nhấp một ngụm.

Lão Trần vẫn đứng bình thản đứng một bên xem hai vị khách nọ uống trà.

Qua một đoạn, nam nhân áo trắng lên tiếng: "Trà ngon. Mỗi lần tới đây đều được uống trà ngon như vậy". Rồi cất tiếng cười khoan khoái. Người áo đen lại hỏi: "Trà này là chủ quán pha hay sao?".

Lão Trần thật thà đáp: "Hôm nay ông chủ đi vắng chưa có tới quán. Trà này là do ông già tôi đây pha". 

Người áo trắng lên tiếng: "Mỗi ngày đều là Trần lão pha trà cho khách ư?"

Lão Trần gật gù đáp: "Đúng vậy. Bình thường ông chủ sẽ không đến đây mỗi ngày. Mọi việc đều giao cho lão đây xử lý. Ngoại trừ lúc có việc quan trọng như tiếp khách quý, nhập trà ngon, ông chủ mới đích thân đến."

Vài vị khách bên cạnh nghe thấy cuộc trò chuyện bàn này cũng phụ họa theo: "Lão Trần nói đúng đấy. Chúng tôi đây đều uống trà tại nơi này còn nhiều hơn uống nước ở nhà mình, mà cũng chỉ vài lần thấy qua chủ quán".

Một người tiếp lời: "Không sai. Chủ quán này tôi cũng mới gặp qua hai lần. Là một nam nhân còn trẻ. Có vẻ trầm tính. Nhưng trông cũng rất được".

Lại một người nói: "Tôi nghe nói, ông chủ này hình như là ba mươi tuổi, tiếp nhận lại quán trà từ Phúc lão vào một năm trước.

Phúc lão cũng chính là chủ cũ của lão Trần đây". Một người khác cũng không chịu kém cạnh, cười cười nói: "Tôi còn biết, ông chủ hiện nay dù đã ba mươi, nhưng vẫn là một thân nam nhân nguyên vẹn". Mọi người nghe nói như vậy đều cười ồ lên vui vẻ.

Lão Trần đứng ở đó nghe họ bàn tán về ông chủ mình chẳng hề thấy khó chịu, ngược lại trên mặt lại hiện rõ nét tươi cười hiền hậu. Bởi lão hiểu rõ, đây chính là một trong vô số đề tài hằng ngày được người ta nói trên bàn trà, bàn rượu.

Lão đã sống mấy chục năm tại nơi này, trải qua đủ loại sự việc, có người nào, câu chuyện nào mà lão chưa từng gặp. Hơn nữa lão biết rõ ông chủ bây giờ của lão là một người như thế nào. Nghĩ đến ông chủ, ánh mắt của lão càng thêm phần tôn kính.

Hai người khách nghe đến đây cũng không hỏi thêm câu gì lại tiếp tục uống trà. Lúc sau, một người lên tiếng: "Trên đường tới đây, tôi nghe nói sắp tới có một đoàn thương nhân phương Bắc sẽ đến Kinh thành". 

Người còn lại nói ngay: "Chính vì tôi cũng nghe được tin tức này nên mới rủ anh tới đây trước một chuyến. Để thăm dò xem thực hư chuyện này".

Người kia lại nói: "Có một người chuyên thu mua trái cây mang lên vùng biên giới cho hay, lần này đoàn thương nhân phương Bắc kia sang đây sẽ đem theo một số bảo vật nước họ tới Kinh thành bán đấu giá".

"Ồ! Không biết là loại bảo vật gì? Đáng giá như thế nào ?". Nam nhân áo trắng vẻ mặt tò mò hỏi. 

Người áo đen lắc đầu đáp: "Không biết. Tôi chỉ nghe được lần này một đoàn có đến hơn hai mươi người. Lại còn thuê hẳn một đội bảo tiêu bên nước mình hộ tống. Hình như là Uy Phong tiêu cục"

Bốn chữ  sau cùng thốt ra, người áo trắng lập tức kinh ngạc: "Có phải Uy Phong tiêu cục tại trấn Quảng Sơn?"

"Chính là vậy". Áo đen chắc chắn khẳng định.

Mà lúc này khách nhân trên lầu cũng nghe được câu chuyện từ hai người nọ. Bọn họ đều xôn xao túm lại, anh hỏi tôi, tôi hỏi bạn, mỗi người một câu. Thoáng chốc cả gian phòng lại trở nên nhộn nhịp.

Việc thương nhân các nước lân bang đến Kinh thành không phải là chuyện hiếm những năm gần đây. Bây giờ thiên hạ thái bình. Vùng biên giới cũng không thấy có xảy ra xung đột gì lớn. Cuộc sống dân chúng quanh vùng Kinh sư ấm no, yên ổn. Cho nên mỗi khi có sự kiện gì đặc biệt mọi người đều rất háo hức ngóng chờ.

Thương nhân nước ngoài tới Kinh thành chắc chắn là việc thu hút sự quan tâm từ mọi tầng lớp. Bởi mỗi lần đoàn thương nhân kia đến đây. Đều sẽ thông qua sự cho phép của triều đình mà đứng ra thu mua lượng lớn hàng hóa của dân chúng trong ngoài thành.

Giá cả họ đưa ra cũng cao hơn so với giá bán ở trong nước. Số lượng thương nhân tới càng đông, đồng nghĩa với việc hàng hóa thu mua càng nhiều. Mà thi thoảng có đoàn thương nhân sẽ đem một số hàng hóa bên nước họ sang để trao đổi, hoặc bán trực tiếp cho người dân. Hình thức sẽ tùy thuộc vào loại hàng hóa mà họ đem theo. Nếu là đồ vật có giá trị cao, sẽ được bán theo hình thức công khai. Người nào trả giá cao nhất sẽ được sở hữu. Số tiền bán bảo vật của thương nhân kia sẽ được chia làm hai phần. Một nửa thuộc về người bán. Nửa còn lại sẽ giao nộp cho triều đình xung vào ngân khố. Triều đình sẽ dùng số tiền này để sử dụng vào mục đích kiến thiết đất nước như cứu tế, cấp cho quân đội, hoặc xây dựng mở mang đường xá. Đây là một luật lệ được lập ra cách đây gần một trăm năm. Được ghi trong "Bộ luật Hình Thư".

Một người đàn ông trung niên ăn mặc quý phái đứng dậy cất tiếng hỏi: "Vị huynh đệ này, cho Khang mỗ hỏi. Không rõ là khi nào đoàn thương nhân kia sẽ đến Kinh thành?".

Người khách áo đen đưa hai tay đáp lễ, nói: "Tôi nghe nói ngày rằm tháng này họ đến ải Nam Sơn. Xem chừng qua hai ngày đi ngựa sẽ tới Kinh thành". 

Vị khách tên Khang kia nghe vậy gật gù tỏ vẻ hài lòng: "Ồ. Đa tạ huynh đệ". 

"Ngài Khang không cần khách sáo. Hai người chúng tôi đây chỉ là ngẫu nhiên nghe được chuyện này. Nếu tin tức này chính xác, tin rằng chẳng mấy nữa sẽ có cáo thị của triều đình hướng dân chúng trong thành thông tri". Nam nhân áo đen vừa nói, vừa dơ bàn tay thể hiện sự khẳng định.

"Đúng vậy. Đúng vậy". Những người còn lại đều thi nhau nói. Sau đó lại bàn tán xem lần này đoàn thương nhân phương Bắc kia sẽ đem tới loại bảo vật gì, thu mua bao nhiêu hàng hóa. Cả căn lầu cứ thế náo nhiệt một hồi lâu.

Lão Trần vẫn ở lại rót thêm trà cho khách mà chưa rời đi. Toàn bộ câu chuyện vừa qua lão đều nghe hết thảy. Chỉ là trên mặt lão vẫn hiện rõ nét bình thản tự nhiên. Nó giống như chỉ là một câu chuyện mà lão vẫn nghe qua mỗi ngày.

Qua ba bốn tuần trà , khách nhân dần dần đứng dậy trả tiền ra về. Hiện tại cũng đã đến thời gian bước vào công việc buổi chiều. Ai nấy đều mang tâm trạng hứng khởi. Hai nam nhân nọ cũng cất tiếng chào lão Trần một câu, rồi lên ngựa theo hướng lúc tới đây phóng đi. 

Tiểu Nghĩa đang tất bật thu dọn cốc chén, thấy lão Trần bước tới liền cười nói: "Trần lão, hôm nay quán thật đông khách".

" Vất vả cho cháu rồi. Thu dọn xong vào bên trong nghỉ ngơi. Già này trông quán đợi ông chủ đến". Lão Trần ôn tồn bảo.

Tiểu Nghĩa đáp: "Cái này đâu có là gì. Vẫn là ông nên nghỉ trước. Khi nào chủ nhân đến, cháu sẽ gọi ông".

Lão Trần xoa xoa đầu tiểu Nghĩa nói: "Tiểu tử này, cháu còn không nghe lời. Già đây có chuyện cần ông chủ định đoạt. Sắp tới thằng nhóc cháu sẽ phải bận rộn hơn đấy".

Nghe vậy đôi mắt Tiểu Nghĩa sáng lên vài phần, cười đáp: "A! Vậy được. Cháu chỉ sợ rảnh rỗi quá thôi".

Lão Trần cũng mỉm cười hài lòng gật gật không đáp.

Tiểu Nghĩa xoay người đi tới bàn trà bên cạnh, chỉ thấy anh ta khua tay lên một cái, toàn bộ cốc chén trên mặt bàn chớp mắt đã nằm gọn trong bàn tay. Động tác vô cùng nhẹ nhàng. Bỏ cốc chén vào trong rổ, tiểu Nghĩa bước tới những bàn còn lại. Mỗi bàn đều là một lần đưa tay ra, mặt bàn đã sạch sẽ trống trơn.

Lão Trần im lặng đi về phía gốc cây Gạo. Ở đó có một cái võng đan bằng dây thừng. Đứng ở một đầu chiếc võng, lão Trần co bàn chân trái đặt lên đầu gối chân phải, hai bàn tay đan chéo đặt sau gáy, đôi mắt nhắm lại rồi chầm chậm ngả người xuống. Đến khi phần đầu và lưng sắp chạm tới, lưới võng cũng từ từ mở rộng ra. Lúc này chỉ có mũi giày vải  chân phải lão là đặt trên nền đất, cả người như lơ lửng như một tầng sương mờ. Đột nhiên lão co chân phải một cái, cả người nhẹ nhàng nằm gọn trong tấm lưới bện bằng dây tơ. Chiếc võng nhẹ nhàng  đung đưa từng nhịp đều đều.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro