Phần 4 - Ảo ảnh của Giếng đào

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Rốt cuộc thì Trung không những phải chia sẻ bữa trưa với con thỏ mà trên đường về còn phải xách nó trên tay vì nó đã mỏi chân rồi. Đi nửa đường thì anh nhận được điện thoại từ Hiên. Anh vừa bắt máy, chưa kịp nói gì thì Hiên đã hớn hở, "Thế cuối cùng hôm nay anh đi đâu đấy? Kể tôi nghe với! À thôi đừng kể vội, để tôi tới chỗ anh rồi anh kể trực tiếp cho tôi! Nghe vậy nó cuốn hơn. Giờ anh đang ở đâu, tôi đến!"

"Cô không phải đi làm sao?"

"Anh nghĩ tôi về nhà là để đi làm sao? Tôi rảnh lắm. Thế anh đang ở đâu?"

Thế sao nãy kêu bận chứ, Trung nghĩ. Anh nhìn xung quanh để miêu tả lại cảnh vật. "Tôi đang đứng giữa ba cái cây. Bên phải có hai cái; bên trái một cái."

"Anh nói thế thì tôi biết được anh ở đâu?"

Trung mới quan sát thêm, rồi tả lại chính xác nhất có thể. "Ở phía xa có bờ biển và nhiều thuyền neo đậu. Ở phía sau tôi có nhiều núi."

Tiếng thở dài đườn đượt xuất hiện từ đầu dây bên kia. "Thôi; thôi; không cần tả nữa. Giờ nói tôi nghe, anh đang ở trên núi hay ở đâu?"

"Tôi vừa bước qua một đồi trồng keo."

"Ồ. Anh đang ở dưới chân đồi phải không? Chắc là bên gần bưu điện rồi, vì anh bảo anh nhìn thấy biển. Tôi biết chỗ đó ở đâu rồi. Ở đó chỉ có một đường bộ thôi, anh cứ đi men đường bộ tới chỗ có biển cẩn thận động vật hoang dã qua đường ấy. Cái biển màu vàng có hình con hươu ấy. Tôi đạp xe tới liền." Nói rồi, Hiên cúp máy.

Không một nơi nào trên đảo này có tên sao, Trung nghĩ. Giờ anh mới nhận ra là nãy giờ đi lại, anh cũng không thấy một biển chỉ dẫn đường hay biển ghi tên địa danh nào. Mà ngẫm Hiên cũng giỏi thật, nói tới đồi keo là biết ngay nó ở đâu.

Trung đi bộ một lúc nữa thì thấy chỗ mà Hiên hẹn anh. Anh đặt con thỏ xuống đất, và nó không đi mất mà đứng cạnh anh đợi cùng. Trung ngồi thụp xuống mặt đất ngay dưới biển báo, giờ mới thấy hối hận vì mình không mang theo cặp tai nghe nhạc.

Khi Hiên tới nơi—một lần nữa vừa đạp một chiếc xe vừa đẩy theo một chiếc khác—đôi mắt cô sáng lên lập tức và mọi sự chú ý đổ dồn về con thỏ bên cạnh Trung. Cô dựng xe đạp bên lề đường, chạy vội tới chỗ con thỏ mà bế nó lên, ôm vào lòng, xoa đầu xoa lưng các kiểu. "Trời ơi, em yêu xinh quá đi! Em ở với ông cụ non này có buồn chán lắm không em? Lại đây chị cho đồ ăn ăn này!" Con thỏ đôi mắt choàng mở, khi bị Hiên lắc đi lắc lại thì nhìn Trung cầu cứu. Trung chỉ cười trừ. Đã tới lúc nó phải nhận quả báo vì những gì nó đã làm với anh.

Hiên hỏi Trung hôm nay đã làm gì, và Trung thuật lại toàn bộ những điều đã xảy ra. Anh còn chẳng nghĩ rằng Hiên sẽ tin và khá chắc cùng lắm cô sẽ khen anh là một nhà kể chuyện tài ba, nhưng cô lắng nghe chăm chú từ đầu đến cuối. Trung nói xong, cô mới chép miệng, "Tiếc quá! Tôi không được nhìn cầu vồng tận mắt. Biết vậy tôi bỏ việc ra với anh."

"Cô thực sự tin khi tôi nói một con thỏ đã dẫn tối nhặt bảy nhúm lông bảy màu và biến nó thành cầu vồng sao?"

"Tại sao không chứ?" Hiên điềm nhiên đáp. "Đây là đảo Lĩnh mà. Điều gì cũng có thể xảy ra. Mà nói tới sự lạ . . ." Cô đứng phắt dậy, chìa tay ra kéo Trung dậy theo. "Đi theo tôi. Tôi cho anh xem thứ này." Rồi cô bế con thỏ lên và đặt nó vào chiếc giỏ trước xe đạp của cô. "Nào bé yêu, lên đây với chị nào." Rốt cuộc, cô vẫn chưa cho nó đồ ăn.

Nhưng con thỏ cứ nhoài người ra khỏi giỏ, có vẻ như đòi sang ngồi bên giỏ của Trung.

"Anh làm gì nó mà nó mê mẩn anh thế này hả?" Hiên mới nhìn Trung cười tủm tỉm.

"Nó có khác gì con đợ không chứ." Trung thở dài. "Tôi muốn cho cô luôn đấy, còn không được đây."

Cuối cùng thì con thỏ ngồi trong giỏ xe của Trung. Hai người họ đạp xuống dốc, và lần này Hiên dẫn Trung đi vào con đường nhánh ngõ nhỏ, đi sâu vào làng dân. Họ dong xe qua những ngôi nhà gạch cũ san sát nhau, được bao bọc bởi những lũy tre và bờ tường đất. Ngôi làng dựa lưng vào một sườn đồi và nhìn ra một con hồ nước ngọt mà Trung còn không biết là tồn tại.

"Dân đảo vẫn phải nhập nước khoáng từ đất liền vào," Hiên nói. "Nước trong hồ có lọc cũng chỉ đủ cung cấp cho làng này thôi. Mà mấy khu như khu anh đang sống ấy, giờ họ cũng uống nước đóng chai và mua đồ siêu thị cả rồi. Thì hiện đại chắc cũng an toàn hơn mà."

Ở góc của con hồ là một gò đất, ở trên gò đất có một chiếc giếng khoan. Hai bên miệng giếng khoan sừng sững hai bức tượng rồng bằng đá, thân dài ngoằng, uốn lượn, mặt đối mặt nhau. Hiên chỉ lên đó mà nói, "Dân làng không uống nước ở đó đâu."

"Vì nước hồ đã đủ rồi sao?" Trung hỏi.

"Không. Nước hồ còn chẳng cùng mạch với nước ở giếng đó. Giếng đó sâu lắm, nó dẫn thẳng xuống long mạch đó. Để tôi cho anh xem."

Lên gò đất không đi được xe đạp, nên Trung bế con thỏ lên, đi theo sau Hiên.

Vừa đi, Hiên vừa nói, "Đây là một giếng rồng đó. Nghe tương truyền hồi xưa có một đạo sĩ tìm thấy long mạch ở đây, mới bảo dân làng đào giếng này. Họ đào ba ngày ba đêm không ngừng nghỉ mới tới được mạch nước đó. Thế nhưng khi chạm mạch nước rồi, một chiếc cọc bằng thạch anh đột nhiên chui lên từ lòng đất, kèm theo đó là nước bắn lên như pháo hoa luôn!" Cô lấy hai tay chụm lại, rồi xòe ngón tay ra, miêu tả pháo nổ. "Anh sẽ thấy cái cột đó; nó vẫn còn chứ không đi đâu cả."

Họ đi tới trước miệng giếng. Nhìn xuống, quả nhiên Trung thấy vô cùng sâu, phải tới ít nhất mười mét. Nước ở dưới đó đen kịt vì ánh nắng không chạm tới, nhưng anh có thể nhìn thấy đỉnh chiếc cọc bằng thạch anh phản chiếu lại bảy sắc cầu vồng ở trên không trung, như thể một viên kim cương ẩn trong than chì.

"Ở đây không treo gầu múc nước nhỉ," Trung nói.

"Thì người dân không uống nước mà. Nước ở đây thực ra là từ miệng giao long mà ra đó. Thần rồng sẽ nuốt chửng mọi thứ anh thả xuống. Anh mà uống nước thì nước cũng ăn thịt anh từ bên trong luôn." Hiên giơ hai tay ra như con báo vồ mồi, giả vờ dọa nạt.

"Thật sao?" Trung vuốt ve con thỏ trên tay. Nó có vẻ khoái được vuốt lắm, vì mắt nó lim dim, miệng kêu vài tiếng gừ gừ nhỏ.

"Anh cứ thử thả một cái gì đấy mà xem. Đảm bảo lúc nhìn xuống không thấy đâu luôn." Chợt nhận ra điều gì đó, Hiên vội xua tay. "Nhưng mà đừng có ném đá sỏi xuống đó! Kẻo thần rồng nước lại tưởng anh chọc giận thần."

"Thế thả gì thì được?"

"Người qua đường nếu có đồng xu lẻ thì họ thả đồng xu. Không thì nhành hoa ngọn cỏ cũng được. Nếu mất mùa hay hạn hán thì họ làm lễ hiến dâng linh đình lắm. Trước đây dân đảo còn tế cả động vật sống cơ."

Trung ngừng vuốt, nhìn xuống con thỏ. "Thế thì phải thả con khốn nạn này xuống thôi." Nó giật mình thon thót, mở choàng mắt, vội cựa quậy, đôi mắt lần này lại mở to nhìn Hiên cầu cứu.

"Ơ. Nó yêu anh vậy mà anh cứ tính vứt bỏ nó đi," Hiên nói, rồi nhặt một chiếc lá từ dưới đất lên. "Anh thả chiếc lá này xuống mà xem."

Trung nhận lấy chiếc lá từ tay Hiên. Đây là một vật khá ổn để thả xuống, vì nó sẽ nổi trên mặt nước chứ không chìm, khiến Trung dễ bề quan sát.

Anh thả chiếc lá. Nó lả lướt rơi dần xuống đáy giếng. Nhưng khi rơi quá đỉnh chiếc cọc thạch anh và chạm vào làn nước đen kịt, nó . . . biến mất. Như bị nuốt chửng vào trong bóng tối. Mặt nước còn chẳng chút lay động.

"Đó. Tôi đã bảo mà!" Hiên chắp tay vào nhau.

Chuyện gì vừa xảy ra vậy? Hay mình nhìn nhầm? Lần này, Trung tìm một thứ lớn hơn và dễ quan sát hơn. Anh lấy một chiếc khăn quàng cổ ra và thả xuống.

"Ô. Khách hôm nay của thần rồng hơi bị sộp nha," Hiên trêu chọc.

"Tôi có nhiều khăn quàng cổ lắm. Mà cũng sắp vào hè rồi mà," Trung đáp, rồi thả tay. Cũng vừa rơi qua đỉnh cọc, chiếc khăn cũng biến mất không tăm hơi.

Lại là ảo giác quang học sao? Có một số cách giải thích cho hiện tượng một vật thể dường như biến mất trước mắt người. Một khả năng là chúng đột nhiên trở nên trong suốt, cho phép chúng hòa vào trong phông nền. Có thể có một chất hóa học nào đó đã tác động vào chiếc khăn, khiến cho nó biến thành trong suốt như vậy. Kể cả ban nãy với cầu vồng cũng thế. Liệu đã có chất gì trong không khí khiến anh bị hoang tưởng chăng? Hay anh vẫn đang hoang tưởng từ tận nãy tới giờ? Chất đó mạnh tới mức khiến Hiên cũng hoang tưởng cùng anh luôn.

Trung cứ chằm chằm nhìn xuống chiếc giếng, tìm lời giải thích, phải tới khi Hiên kéo tay anh mấy lần anh mới tỉnh ra.

"Nào, đi thôi đi thôi!" Hiên hớn hở nói. "Tôi còn nhiều chỗ hay ho để chỉ cho anh và cô bạn nhỏ này nữa lắm! Mà cô ấy có tên chưa?"

"Chưa. Mà tôi không rõ nó là đực hay cái đâu," Trung đáp, đầu óc vẫn chưa rời được khỏi chuyện vừa xảy ra ở cái giếng vừa nãy.

"Về rồi ta kiểm tra. Rồi đặt tên luôn thể! Giờ nhé, tôi phải dẫn anh đi chỗ này. Đây mới thực sự là một bí ẩn không có lời giải luôn!" Hiên nói, nhấn mạnh từng lời từng chữ với một giọng bí hiểm.

Cuối cùng, bí ẩn không có lời giải của cô là bát bún cá của hàng bác Hòa, chồng cô Yến. Bí ẩn ở đây là về việc làm thế nào bát bún cá có thể ngon tới vậy.

***

*Sự tích về Thần Nông và giếng rồng

Có một câu chuyện thần thoại nổi tiếng của Trung Quốc về việc một chiếc cọc gỗ hóa rồng. Chiếc cọc gỗ được thần nông nghiệp Thần Nông cắm xuống sông Hoàng Hà. Thần Nông là một nhân vật huyền thoại trong thần thoại Trung Quốc, người được cho là đã dạy người dân cách trồng trọt và sử dụng thảo dược. Ông được cho là đã đặt cọc gỗ xuống sông để kiểm soát lũ lụt đang gây hại cho người dân và mùa màng của họ. Theo thời gian, chiếc cọc biến thành một con rồng, và con rồng gắn liền với sức mạnh của nước, thứ mang lại cả lợi ích lẫn hiểm nguy. Việc cọc gỗ hóa rồng tượng trưng cho sự biến đổi hỗn loạn thành trật tự và sức mạnh của tự nhiên để mang lại cả sự sống và sự hủy diệt.

Ở một số vùng của Trung Quốc, các điệu múa rồng và cuộc đua thuyền rồng được tổ chức để tôn vinh sức mạnh của rồng trên mặt nước. Ngoài ra, rồng thường gắn liền với những cơn mưa và các lễ cầu mưa trong thời kỳ hạn hán. Vì rồng được coi là chúa tể của nước và mưa, người ta tin rằng nó có sức mạnh kiểm soát dòng chảy của các con sông và đảm bảo sự phù nhiêu của các cánh đồng. Điều này dẫn đến sự phát triển của một hệ thống tưới tiêu nhằm khai thác sức mạnh của rồng và nguồn nước mà nó kiểm soát vì lợi ích của nông dân và mùa màng. Một trong những tập tục nổi tiếng là tục đào giếng rồng hoặc hồ rồng, được cho là nguồn nước tinh khiết đã được ban phước bởi rồng. Những con giếng này được coi là địa điểm linh thiêng và được sử dụng để tưới cây trồng và cung cấp nước cho cộng đồng địa phương.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro