Chương 5: Khuyết tật

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Ngày nào cũng được ăn một bát cơm nóng do chính tay người mình yêu thương nấu là mong ước cả đời của ta, con giúp ta hoàn thành nó được không?"

"Chỉ cần người tiếp tục sống, con nguyện sẽ làm tất cả vì người!"

"Có người sinh ra, có kẻ chết đi, tất cả đều là quy luật, không có gì phải tiếc nuối. Ta sẽ lên thiên đàng để bầu bạn với cậu ấy, sẽ vui sướng nói rằng cuối cùng con đã chấp nhận ta, sẽ nói lời xin lỗi vì chẳng thể cùng con đi đến cuối con đường."

[...]

Giấy dự tuyển đã được gửi lại, tôi cười trừ trước mấy câu nói quan tâm của ông hiệu trưởng. Nhìn gương mặt già nua nhưng đôi mắt vẫn tinh anh giống như thú dữ trong đêm đen xoáy sâu vào tôi, chắc hẳn trước khi về hưu ông ta vẫn muốn lưu lại chút danh tiếng cho trường nên rất mong tôi gặt được thành công lớn.

Chà, xoay đi xoay lại vẫn về chủ đề giải thưởng. Miệng thì luôn nói đừng học nhiều mà kiệt sức nhưng lại liệt kê rất nhiều những ưu ái cho trường và cho tôi khi có tên trên bảng vàng. Ý tứ là phải nố lực hết mình, đem vinh quang về để ông ta được nở mày nở mặt.

Rất nhiều người cho rằng được đặt chân đến ngôi trường ôn thi quốc gia hẳn là rất vinh dự. Có lẽ phân nửa những người có tên trong danh sách xuống tỉnh đều là con nhà giàu. Cũng phải thôi, ai mà chẳng muốn được nhắc đến với một tiểu sử đẹp đẽ, cha mẹ sẽ dùng mọi cách để con mình chiếm được vị trí tốt nhất, chỉ cần họ có khả năng. Lời khen của mọi người xung quanh khiến cho cái mũi họ phồng to rồi quên đi bản thân dùng cách gì để đạt được mục đích ban đầu.

Nhà tôi cũng gọi là có của ăn của để. Mẹ làm bên ngoại giao cho một công ty nên thường xuyên đi công tác, dượng làm trưởng phòng kế toán, công việc khá thuận lợi. Tôi không phải sống trong cảnh túng thiếu, gia đình luôn đáp ứng nhu cầu vật chất của tôi.

Nhiều người cho rằng tôi quả là hạnh phúc nhưng chẳng bao giờ, tôi cảm nhận được sự ấm áp của tình thương. Từ bé, tôi đã tỏ ra rất độc lập và biết điều, vì thế mẹ không hề đắn đo, số lần ở khách sạn còn nhiều hơn ở nhà. Tôi chẳng có kỉ niệm sâu sắc gì với bà, đôi khi tôi còn bị bà lãng quên trước bộn bề cuộc sống.

Chẳng lẽ đứa trẻ ngoan ngoãn, không khóc không quậy thì sự quan tâm, chăm sóc sẽ không chú ý đến nó? Thật đáng buồn làm sao, đổi lại cảm giác yên lòng cho cha mẹ là thờ ơ, lạnh nhạt. Đừng lấy lí do bận bịu để bao biện cho hành vi vô tâm, đến lúc nào đó người ấy sẽ không còn cần bạn nữa. Giống như tôi giờ đây đã tắt ngọn đèn chờ đợi mỗi đêm, ngủ ngon trên giường dù cô độc trong ngôi nhà lạnh lẽo.

Kí ức thuở nhỏ của tôi rất mờ nhạt, dường như tôi cảm nhận nó không tồn tại. Tôi có tuổi thơ hạnh phúc? Có bạn bè? Có thanh mai trúc mã? Trong tâm thức của tôi nhận định là có nhưng dẫn chứng sự việc ấy lại mơ hồ, như có như không.

Nhiều lúc tôi bất lực với bản thân. Đến kí ức cũng bị cắt xén, tôi còn có thể níu giữ cái gì bên mình?

[...]

Quá trình ôn thi vẻn vẹn hai tháng. Trường A ở vị trí trung tâm tỉnh tôi ở, cách nhà tôi những mười lăm cây số. Người ở xa có thể lựa chọn nghỉ lại tại kí túc xá trường, còn tôi thà đi đi lại lại suốt quãng đường dài còn hơn yên giấc tại nơi lạ lẫm. Mẹ khuyên tôi học nội trú, bà chẳng hề lo lắng đứa con gái hướng nội này không thể thích nghi được môi trường mới. Cũng phải thôi, tôi quá hoàn hảo tới mức bà chẳng phải bận tâm.

Dĩ nhiên tôi vẫn giữ vững ý định ban đầu. Dượng thở dài tiếc nuối vì không mua xe ô tô để đưa đón tôi dễ dàng hơn. Vốn nhà tôi gần công ty ông làm, mẹ xuất ngoại thường xuyên nên ô tô bị loại khỏi danh sách những thứ cần thiết.

Tôi không cần ông ta phải suy nghĩ về việc đó, giá như cha ở đây thì có lẽ mọi chuyện đã đơn giản hơn.

Cuối cùng mẹ quyết định sẽ mua xe máy cho tôi, bà nói không ai có thời gian để chở tôi mỗi ngày. Cứ coi như là vậy đi, người đàn bà của công việc.

Hôm nay là ngày đầu tiên tôi xuống tỉnh học. Trường A không hổ là một trong những ngôi trường tốt nhất ở Việt Nam, xứng tầm với danh tiếng của nó. Dòng người tấp nập qua lại, tôi lẻ loi dắt xe để vào lán. Sau đó các anh chị tình nguyện viên đứng bên ngoài phát giấy chỉ dẫn cho tôi để tìm tới nơi tụ họp.

Lúc được phân vào lớp ôn Hóa, không khí bớt nhộn nhịp hẳn. Hồi hộp, mong chờ, bình tĩnh, lo sợ,... muôn vàn vẻ mặt được thể hiện. Có thể nói, tôi trong số đó là bình lặng nhất, lòng không chút gợn sóng. Tuy tôi chẳng kì vọng nhiều nhưng chắc chắn sẽ phấn đấu bằng toàn bộ khả năng của mình.

Một khi đã đặt chân vào cái gì, hãy hết mình chứ đừng làm cho có. Hời hợt, lơ đãng chỉ khiến thời gian bỏ sông bỏ bể mà thôi. Mỗi khắc đều là vàng là bạc, tôi sẽ không lãng phí một giây phút nào, chiếm lĩnh mọi kiến thức dù đó chẳng phải việc tôi yêu thích.

Không làm thì thôi, đã làm thì phải cho ra trò! Mẹ đã từng nói như vậy.

Một cụ bà bước vào lớp, nở nụ cười hiền. Tôi bất ngờ, nhà nước từ khi nào mà thiếu người tới mức phải hành người già lao động vậy? Mọi người cũng ngạc nhiên không kém, một số phần tử kiêu ngạo còn bất mãn vì cái đầu tóc bạc trắng kia có thể giúp họ giác ngộ cái gì cơ chứ?

Cụ già vẫn hiền hòa, coi lời đàm tiều như cát bụi rồi thong thả, "Chào mừng các con đã đến với lớp học của ta. Ta là Huệ, rất vui vì được kề vai sát cánh với các con để chiến đấu với kì thi khó khăn nhưng không kém phần kì thú phía trước!"

Một học sinh giơ tay, nói lớn: "Xin hỏi cụ có vào nhầm phòng không? Giờ này khéo bà con đang ngồi trò chuyện với hàng xóm, cụ có muốn hòa chung câu chuyện với họ?"

Sau đó cậu ta quay xuống ngoác miệng cười thật to với đám bạn như muốn khoe thành tích. Tôi không khỏi thấy thất vọng, tại sao tôi phải đồng hành với thể loại này trong cuộc chiến này? Nếu có thể đứng trên bục giảng kia, chắn hẳn trình độ cụ già không thể dùng đầu óc non nớt của chúng tôi đánh giá được. Hãy nhìn đi, cụ đâu có mảy may để ý tới câu nói ngu ngốc, đôi mắt vẫn bao dung quan sát đứa trẻ đang diễn trò hề.

Có lẽ cậu học sinh kia đã vào đây bằng cách mà ai-cũng-biết, thật đáng thương khi bộ óc bã đậu của cậu ta đã phô diễn tất cả những điều cha mẹ cậu muốn chôn giấu.

Đợi tiếng ồn lắng xuống, cụ mới cất tiếng: "Các con biết Hutchinson-Gilford Progeria Syndrome – Hội chứng già trước tuổi chứ?"

Cả lớp ngơ ngác trước cái tên dài ngoằng cụ vừa thốt ra, cái tên này tôi từng được nghe nhưng không hiểu rõ về nó lắm. Bỗng chốc tôi hiểu ra điều cụ muốn nói, không khỏi cảm thán một tiếng, y học thật đa dạng.

"Ta là một trong những nạn nhân của căn bệnh đó. Năm nay ta mới ba lăm tuổi mà thôi nhưng sẽ không có ai công nhận điều đó nếu chưa hiểu biết nhiều."

Tôi phụt cười, liếc mắt sang cậu bạn cợt nhả vừa nãy, liệu cậu ta còn dây thần kinh xấu hổ không hay nó cũng bay biến như cái não của cậu rồi?

"Các con hãy yên tâm, trí tuệ ta tuy chẳng cao siêu nhưng đủ để giúp các con lĩnh hội hết toàn bộ tri thức cần có để đi thi. Nếu trong quá trình dạy, ta mắc phải lỗi lầm mà các con phát hiện được, ta chấp nhận từ bỏ chức vụ giáo viên này nên các con yên tâm nhé!"

Xem ra tôi đến đúng nơi, tìm đúng người rồi. Lời nói cụ vô thức hình thành một vụ cá cược mà mấy ai dám đem cần câu cơm của mình đặt lên bàn cờ đâu, chắc hẳn cái đầu kia không phải thứ tầm thường, hoặc cũng có thể cụ vô cùng tin tưởng bản thân.

Xin lỗi vì tôi không thể gọi một tiếng "cô", làn da nhăn nheo kia khiến tôi chưa thể thích ứng được với cách xưng hô đó.

Sau đó cụ yêu cầu chúng tôi đứng lên tự giới thiệu về mình. Điểm danh một lượt, thiếu mất hai người làm nụ cười của cụ nhạt dần, có lẽ cụ ghét những người đi muộn, nhất là vào buổi đầu tiên. Lát sau, cửa dưới được mở ra, một người đàn ông bước vào. Ban đầu tôi còn tưởng là cộng sự tới giúp cụ nhưng người đó đã đẩy một chiếc xe lăn vào lớp, tôi biết rằng mình đã nhầm.

Một cậu thanh niên với mái tóc bù xù, làn da bạc nhợt trông thật yếu ớt. Đôi chân vô lực đặt trên bàn để, áo sơ mi trắng tinh với cổ áo thẳng tắp. Tuy nhìn cậu ta khá gọn gàng, sạch sẽ nhưng tôi không thể thấy được một tia sức sống thanh xuân ở cậu. Cậu ta cúi đầu nên tôi chưa quan sát toàn bộ khuôn mặt nhưng nhìn đôi môi trắng bệch như người chết kia, tôi biết điều không nhìn chằm chằm vô người ta nữa. Một người khuyết tật hoàn toàn không muốn bản thân họ thành tâm điểm hay sinh vật lạ cho mọi người chiêm ngưỡng.

Người đàn ông mặc vest đen cúi chào cụ giáo, gương mặt bất biến dù ai ở đây cũng kinh ngạc trước dung nhan của cụ. Một vệ sĩ được đào tạo qua trường lớp chắc chắn kiểm soát cảm xúc tốt hơn mấy đứa trẻ con chúng tôi. Anh ta nhỏ nhẹ thưa: "Xin lỗi cô vì sự chậm trễ của tôi. Trên đường gặp một số trục trặc nên chúng tôi không thể đến đúng giờ, mong cô thứ lỗi."

Cụ giáo phất tay, anh ta nhanh chóng đẩy cậu thanh niên đến chỗ ngồi, gập người tiêu chuẩn rồi rời khỏi phòng học. Trước khi đi tôi cảm nhận được người đàn ông đó nhìn tôi rồi cười nhẹ, thoáng qua nhưng khiến tôi đứng hình. Tôi... quen anh ta sao?

Từ đầu đến giờ cậu thanh niên vẫn chưa có phản ứng nào khác ngoài cúi gằm mặt xuống dưới. Cụ giáo trực tiếp bỏ qua cậu, lát sau không thấy người thứ hai đến liền bắt đầu dạy học. Tôi chăm chú nghe giảng, chỉ cần vài phút lơ là thì chút nữa tôi sẽ phải chật vật vì đống tri thức kia bắt đầu lộn xộn.

Đến lúc nghỉ giữa giờ, tôi mới có thể thả lỏng được cơ thể. Quả thật, cụ giáo kia chẳng phải dạng xoàng, giảng bài không ngừng nghỉ, giáo án cũng chẳng cần đọc. Dường như cụ đã hòa nhập vào những con chữ, khảm sâu kiến thức Hóa Học vào trong não, sách giảng kia chỉ là phù du.

Lúc bước ra khỏi phòng vệ sinh nữ, không biết từ bao giờ mà cậu thanh niên đã xuất hiện trước WC nam, chắc chiếc xe lăn kia có chức năng tự động di chuyển. Nhưng ngó thấy những bậc thang kia, tôi bật cười. May sao cậu ta không nghe thấy.

Vốn tôi sẽ mặc kệ cậu và đi về chỗ ngồi nhưng tiếng xì xào bàn tán đã thu hút tôi.

"Thật tội nghiệp, chắc hẳn cậu ta phải khốn khổ lắm!"

"Chiếc xe lăn đó trông không rẻ đâu, công tử đấy."

"Đáng thương quá!"

"Cậu ta không vô WC được kìa, bọn mình giúp cậu ta đi."

Trong mắt họ ngập tràn thương hại, có phần còn tỏ ra khinh thường, những cậu ấm cô chiêu này lại có dịp phô bày bản tính thương người rồi.

Tôi quay lại thì đụng mắt với cậu, chợt quả đồng hồ tôi cầm trên tay rơi bộp xuống đất phát ra âm thanh chói tai. Đôi mắt ấy, vừa thân thuộc vừa xa lạ. Nhưng thật lạnh, đôi mắt của một kẻ mất hết hi vọng vào cuộc sống, đôi mắt của một người trầm cảm nặng nề, hệt như tôi của hai năm trước. Lông mày rậm nhíu chặt, mi mắt sụp xuống tăng thêm phần u ám cho cậu.

Cậu ta đang sống hay chỉ tồn tại?

--- 

Lưu ý: Tớ chưa ôn thi quốc gia bao giờ nên hình thức ôn thi là do tớ bịa ra, không có thật nhé!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro