Chương 4: Đóa hoa xanh lục

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Sắc màu ấy tượng trưng cho đôi trai gái kiên cường, cứng cỏi với trái tim nồng nhiệt tình yêu bị lãng quên. Loài hoa ấy là biểu tượng của mối lương duyên bất diệt dù sắc xanh có tàn phai."

[...]

"Vì sao em vứt bỏ giấy dự tuyển? Em có biết làm vậy là ném đi cơ hội phát triển của em cũng như bộ mặt nhà trường không?"

"Em không thích, học cực lắm!"

Tôi thẳng thừng. Ôn thi quốc gia vừa khổ cực vừa áp lực, việc gì tôi phải chuốc phiền phức vào người? Thức trắng đêm, mắt như muốn long khỏi tròng cùng cơ thể tê mỏi để đổi lại một cái giấy chứng nhận, không đáng. Hơn nữa, nếu không gặt hái được gì, chắc chắn mọi cố gắng của tôi sẽ bị phủ nhận. Người ta chỉ nhìn vào kết quả mà chẳng cần biết quá trình để đạt được nó gian khổ đến mức nào. Chỉ cần không ra gì, thế nào câu cửa miệng của hiệu trưởng là: "Con bé cũng chưa cố gắng hết sức."

Nhìn gương mặt chủ nhiệm như muốn bùng nổ, tôi vẫn bình thản như không. Họ chỉ muốn được vinh danh, nở mày nở mặt với giáo viên hay các trường khác mà chẳng cần để ý đến cảm nhận của học sinh. Tôi từng biết được có trường hợp học sinh phải truyền nước vì gánh nặng kiến thức đè trên vai. Không chỉ vậy, mọi người còn ngăn cấm chị ấy nghỉ ngơi, hậu quả là chị phát điên rồi dừng chân ở bệnh viện tâm thần, tương lai tươi đẹp cứ thế khép lại.

Tôi không muốn bản thân trở thành nạn nhân thứ hai nên phải né cái trọng trách này ngay lập tức. Bề ngoài tưởng chừng là một cơ hội hiếm có, thật ra lại nổi khổ không thể thốt thành lời. Chắc hẳn nhà trường cũng biết điều đó nhưng không chịu thông cảm cho học sinh mà tiếp tục lặp lại sự chèn ép ấy, chỉ vì một cái bảng xếp hạng với cái được gọi là "bộ mặt" hào nhoáng.

"Em!" Chủ nhiệm gằn một tiếng. Cô ta đang phải chịu sức ép của nhà trường, nếu đứa trẻ này không chịu đi xuống tỉnh học, chắc chắn cô ta sẽ không được vào biên chế, nặng hơn là nhà trường tìm cách làm cô biến khỏi bục giảng.

Tôi hiểu hết những khó khăn mà chủ nhiệm phải đối mặt nhưng vốn dĩ, nó chưa ảnh hưởng đển tôi nhiều. Vì thế tôi không quan tâm, tuy đã gắn bó hai năm nhưng với tôi, người chủ nhiệm này chưa thật tâm cho lắm. Nói trắng ra, cô ta chẳng phải người tốt lành gì. Lúc nào cũng đặt lợi ích bản thân lên hàng đầu, lần này tôi cũng muốn cho cô nếm thử cái cảm giác chơ vơ, tiến không được mà lùi chẳng xong.

"Ngày mai mời phụ huynh của em lên đây gặp tôi."

"Mẹ em đã đi công tác ở Ý từ ngày hôm qua."

"Còn cha em?"

"Cha em mất rồi ạ." Tôi thản nhiên. Cả lớp đang chăm chú lắng nghe đoạn hội thoại giữa tôi và chủ nhiệm không khỏi ngạc nhiên. Rất ít ai trong lớp biết về hoàn cảnh gia đình tôi hoặc là, chỉ có mình con Ly mà thôi. Chủ nhiệm bất ngờ không kém, nhưng rất nhanh cô ta đáp lại: "Trên giấy khai sinh vẫn có tên của cha em và hiện giờ, ông ấy đang giữ chức vụ trưởng phòng trong một doanh nghiệp nào đó phải không?"

"Đó là dượng em thưa cô, mong cô sửa lại cho đúng."

"Tôi không cần biết. Ngay hôm sau, em phải đưa người giám hộ của em đến gặp tôi." Chủ nhiệm dường như đã mất kiên nhẫn, nhanh chóng xua tay đuổi tôi về chỗ, sau đó xoa xoa thái dương ra vẻ mệt mỏi. Tôi thong thả đi giữa những tiếng rì rầm của bạn cùng lớp, không có cảm xúc gì nhiều.

Buổi học cứ thế kết thúc, bỗng nhiên tôi trở thành tâm điểm chú ý của cả trường, chẳng thích ứng nổi.

Hôm nay con Ly không đi, thật chán! Thú thật là thiếu đi tiếng cười trong trẻo của nó, cuộc sống tôi lại trở về sắc màu ảm đạm. Lên cấp ba, tôi mới có dịp làm quen với Ly và cũng đã được hai năm làm bạn bên nhau. Nhưng nó chưa bao giờ dẫn tôi về nhà hay giới thiệu với bố mẹ nó, tất cả những gì tôi biết về nó chỉ là bề nổi. Tôi với nó rất ít khi ngồi lại nói chuyện, luyên thuyên về mấy điều vặt vãnh thường ngày. Nhưng chỉ cần nhìn sâu vào đôi mắt của đối phương, không hiểu sao chúng tôi đều thấu rõ nỗi niềm hay cảm xúc của nhau. Vì thế nên tôi mới nhận định rằng trong cái sự thanh thuần ấy, chắc chắn bộn bề cuộc sống không thể chạm tới một cọng tóc của Ly.

Chúng tôi thường ngồi trên cây cổ thụ, ngơ ngẩn ngắm hoàng hôn cùng nhau. Nếu như mệt mỏi quá, tôi sẽ tựa vào đôi vai nhỏ nhắn mà vững chắc kia, thiếp đi. Ly cho tôi cảm giác an toàn, dù đang vắt vẻo trên cao nhưng tôi không sợ sẽ bị ngã xuống. Vì tôi có cây bảo vệ, có Ly ở bên.

[...]

Hôm nay tôi về nhà sớm, dượng vẫn chưa tan làm. Hồi trước tôi bận đi ôn tỉnh hoặc không muốn đụng mặt với ông nên thường có mặt ở nhà khá muộn. Để đáp lại công sức của ông sáng nay, tôi quyết định sẽ nấu một bữa ra trò.

Mẹ và dượng hay đi công tác nên mỗi khi họ không có ở nhà, tay nghề nấu nướng của tôi lại nâng lên một bậc. Nhìn tủ lạnh sơ sài, tôi quyết định sẽ ra siêu thị mua một số nguyên liệu, tiện thể tống tủ vài loại hoa quả tươi.

Vừa bước ra khỏi cửa, tôi chợt nhận ra một bông hoa được đặt trên hàng rào nhà mình. Đối lập với màu trắng của gạch ốp, sắc xanh của nó nổi bật rõ rệt. Hoa màu xanh dương, tôi chưa thấy bao giờ, xung quanh đây có lẽ cũng không có ai trồng loài hoa này. Với lại, lúc tôi về nhà hoàn toàn không nhận thấy nó xuất hiện ở đây.

Tôi cầm hoa lên, áp vào chóp mũi. Một mùi thơm nhẹ nhàng, khá "ấm". Không rõ rệt như hương nhài, hương thơm của nó chỉ thoang thoảng, chưa để ý kĩ sẽ chẳng thể nhận thấy. Hoa hình chuông, canh mỏng tang, giống như một loài cỏ dại mọc ven đường, không để lại ấn tượng cho người xem.

Hình như... tôi đã từng nhìn thấy loài hoa này, nhưng đã quên mất là khi nào. Khi nhận ra đầu mình hơi nhói đau, tôi đoán rằng bản thân vô vọng trong việc tìm nguồn gốc của nó rồi. Mỗi khi tôi cố gắng lục lại đống kí ức mờ nhạt, thân thể bắt đầu phản ứng bài xích hành động ấy. Vì thế tôi đành dừng công cuộc tìm kiếm lại, tôi còn chưa muốn bị hành hạ bởi cơn đau đầu đâu.

Đặt bông hoa về chỗ cũ, tôi vội vã rời đi mà không biết ở đằng xa, một bóng hình vẫn luôn quan sát tôi, âm thầm mỉm cười.

[...]

Màn đêm đen kịt xen lẫn với cơn mưa rả rích, thỉnh thoảng có vài tia chớp xẹt qua trên bầu trời. Đã hơn mười giờ tối, giờ tan tầm đã qua rất lâu rồi mà dượng vẫn chưa về, thức ăn cũng nguội ngắt rồi.Tôi thở dài, ban đầu đã căn chuẩn thời gian ông trở về, nào ngờ tính đi tính lại cũng không bằng ông trời tính.

Hay là ông ta biết tôi sẽ về nhà nấu cơm nên cố tình về muộn? Điều vô lý như vậy sao tôi có thể nghĩ ra chứ!

Lúc sau, tiếng mở cửa vang lên, dượng cả người mỏi mệt xuất hiện. Tôi cho đồ ăn vào lò vi sóng hâm nóng lại, mong rằng mùi vị nó sẽ không quá khác so với ban đầu. Ông vội vã đi vào phòng ngủ, cởi chiếc cà vạt, tắm rửa một lượt để trút hết những căng thẳng sau một ngày làm việc dài.

Tôi ngồi đợi dượng, không khỏi buồn ngủ. Dượng bước vào căn bếp, không khỏi kinh ngạc trước mùi thơm quyến rũ trên bàn. Tôi mời ông một câu như phép tắc hàng ngày rồi cúi đầu ăn. Dượng nghi hoặc, nhìn tôi trân trân không động đũa.

"Con đợi ta sao?"

"Không hẳn. Nay tôi về muộn nên vừa mới nấu cơm xong."

Dượng mỉm cười, xoa xoa đầu tôi. Tôi cũng không tránh, tập trung ăn nốt miếng cá rán.

"Con nấu ngon như mẹ con vậy."

"Thế à? Cảm ơn."

"Cũng lâu rồi cha mới được ăn bữa cơm nóng hổi, công việc tất bật quá..."

[...]

Chưa êm đềm được bao lâu, một cuộc điện thoại đã phá tan bầu không khí ấm cúng của chúng tôi. Khi nghe điện thoại, dượng hơi nhíu mày tỏ vẻ khó chịu nhưng giọng nói vẫn không hề đổi, một màu hòa nhã giống như thương trường đã tu luyện ra một vỏ bọc hoàn hảo cho ông. Qua cuộc trò chuyện, tôi nhận ra ngay đầu dây bên kia là bà giáo chủ nhiệm, không khỏi bật cười thành tiếng.

Xem ra buổi tối này lại đầy sóng gió rồi.

Dượng cúp máy, nở nụ cười mà tôi nghĩ đó chắc hẳn không có chút thương nghiệp nào. Tôi giương đôi mắt trân trân nhìn ông, bặm môi suy tính xem lát nữa phải chối từ thế nào. Ông chầm chậm trở về chỗ cũ rồi hỏi tôi: "Con có nghĩ đây là một cơ hội không?"

Tôi hơi bất ngờ trước thái độ dịu dàng của dượng nhưng vẫn quả quyết, "Không, ôn thi quốc gia rất áp lực."

"Con có muốn ra biển không? Ở đó, con sẽ gặp được rất nhiều thứ thú vị, những thứ lớn lao hơn cái ao làng này. Ta không bắt ép con phải đạt được giải gì mà chỉ mong đây sẽ là một chuyến đi, một trải nghiệm đáng nhớ dành cho con."

Tôi im lặng, dượng nói không phải không đúng. Tôi có phần tò mò về biển lớn ngoài kia, nhưng đa phần bị gánh nặng học hành nhấn chìm. Vốn là một con bé cứng đầu, tôi vẫn chưa thật sự xác định con đường đúng đắn mà mình nên đi, "Tôi cần thời gian để suy nghĩ."

"Con gái à, nếu lỡ mất cơ hội, nó sẽ không đến lần hai đâu. Ta ngày ấy rất khao khát được đi học nhưng sự học của ta đã... kết thúc sau mười hai năm cố gắng."

"Cha mẹ không cho ông đi học tiếp sao?"

Dượng thở dài, ánh mắt đầy hoài niệm, "Năm ấy ta nhận được thư mời của một trường đại học danh tiếng, ông bà đã xé nát tờ giấy đó và cấm túc ta trong phòng. Dù đã trốn được ra bến xe nhưng cuối cùng ta cũng không thoát được phận làm kẻ khom lưng cho người khác. Con người lúc đó cho rằng học là việc vô ích, chẳng bằng đi làm kiếm tiền nuôi thân. Chính suy nghĩ thiển cận đó đã giết chết bao anh tài, giết chết bao hi vọng về một tương lai tươi đẹp của một chàng thanh niên mới lớn. Ta không muốn lặp lại trường hợp hối tiếc ấy, không được trải qua cuộc sống sinh viên là một thiếu sót rất lớn của đời người. Con hãy cố gắng, cha sẽ ở đằng sau ủng hộ con."

Miếng cơm nghẹn ắng nơi cổ họng, bỗng chốc tôi thấy mắt mình mờ đi. Quả thật, được học là một cái gì đó rất thiêng liêng mà bao người ước ao, có lẽ trong thâm tâm tôi đã có sự lựa chọn cho bản thân rồi. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro