Chương 12: Dáng vẻ của một người đàn ông quyến rũ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đàn ông quyến rũ nhất là khi anh ta tập trung làm việc, khi trả tiền cho người phụ nữ của anh ta và khi tự tay nấu những món ăn cho những người mà anh ta yêu thương.

#nhonhahuuy

***

Tối nay Hoàng sẽ tới nhà Như làm bữa cơm với các món Bình Định mời hai mẹ con. Với Hoàng, nấu ăn vừa là sở thích vừa là tập luyện. Lão Tử đã nói rằng, một người đàn ông mà giỏi nấu bếp chắc chắn sẽ giỏi tổ chức trận đấu, bởi vì việc này đòi hỏi sự tinh tế trong việc lựa chọn và kết hợp các loại nguyên liệu, lựa chọn thời điểm thích hợp, nhiệt độ thích hợp để tạo nên một món ăn có đủ cả hương lẫn vị. Riêng việc phi hành tỏi thôi cũng không hề đơn giản, phải làm sao cho dậy mùi thơm ở mức cao nhất. Lửa nhỏ quá thì không thơm, lửa to quá thì khét. Trong lúc nấu thì phải sắp xếp sao cho quy trình liên hoàn, các món được đưa ra cùng một lúc nóng hổi, không có món nào bị nguội, và lúc nấu xong nồi niêu xoong chảo không lanh tanh bành. Không biết các võ sư khác có để ý đến điều này hay không, nhưng Hoàng được sư phụ luyện cho từ nhỏ và anh thấy nó thực sự giúp anh nâng cao trực cảm và đầu óc tổ chức.

Dựa trên khả năng tìm kiếm nguyên liệu ở Hà Nội, Hoàng dự định sẽ làm 2 món: Cá nấu ám và gà nướng Chế Bồng Nga, còn tráng miệng sẽ là món bánh nước mắt Huyền Trân, rất thích hợp cho thời tiết nắng nóng này.

Sáng nay Hoàng phải chạy qua mấy chợ mới tìm được chuối chát, tức là loại chuối hột còn xanh chứ không phải loại chuối xanh thông thường mà người Hà nội hay dùng. Không có gà ngủ cây của Bình Định thì anh thay bằng gà tre. Cá quả thay cho cá Cững. Khế xanh, rau ngổ, bồng sàng (rau thì là) ở Hà Nội rất sẵn rồi.

Mọi nguyên liệu đã được sơ chế trước khi mang đến nhà Như. Riêng món bánh Nước mắt Huyền Trân thì Hoàng làm sẵn từ nhà.

Nhà Như ở chung cư Ngọc Khánh, ngay gần nhà anh. Đó là một căn hộ rất rộng và đẹp, có cửa sổ nhìn xuống hồ. Sau khi li hôn, chồng Như đã để lại căn hộ này cho hai mẹ con.

- Con chào bác đi! Như dịu dàng nói với con.

Bé Mai bẽn lẽn nấp sau sofa lí nhí:

- Cháu chào bác.

Hoàng xúc động nhìn con gái của Như, cô bé có tên đệm của anh: Hoàng Mai. Anh ước gì bé là con của anh và Như.

Khuôn mặt và đôi mắt của bé y hệt mẹ, cả tính cách rụt rè nhút nhát cũng vậy luôn. Hoàng chợt nhớ lại hình ảnh Như lần đầu anh gặp và so sánh với hành động của Như đêm mưa 6 năm trước, một sự thay đổi bất ngờ! Anh nghĩ, chắc chỉ một lát nữa thôi, anh sẽ làm quen với bé Mai và bé sẽ vui thích chơi với anh cho mà xem. Anh không giỏi trong việc tán tỉnh phụ nữ nhưng với người già và con trẻ, anh như có phép thuật vậy.

Quả không sai, chỉ 5 phút sau là bé Mai đã cười như nắc nẻ, chạy đuổi anh vòng quanh nhà rồi.

- Mai này, bây giờ bác sẽ nấu một bữa tối thật đặc biệt để mời con, mẹ Như và bà Nâu nghen.

Mai ngẩn người ra vẻ tiếc nuối. Như bế con lên và gọi bà Nâu đưa bé về phòng chơi.

Trong bếp chỉ còn lại hai người. Bỗng Hoàng thấy run run. Lạ thật, lần đầu tiên anh có cảm giác này. Trước kia, trong bất kỳ trường hợp nào, phụ nữ chưa bao giờ bao trùm toàn bộ tâm lý anh như thế này. Vậy mà mấy ngày hôm nay, anh không làm được việc gì khác ngoài việc nghĩ về Như. Anh quyết định sẽ dành toàn bộ thời gian còn lại ở Hà nội cho cô.

Hoàng hỏi Như lấy cho anh một số dụng cụ làm bếp mà anh cần, rồi lấy đồ từ trong túi ra đặt lên bàn bếp. Anh nói trong khi xếp gà đã ướp sẵn đầy đủ gia vị vào khay nướng:

- Đây là món gà nướng Chế Bồng Nga.

- Tên lạ quá! Em chưa bao giờ biết đến. Như ngạc nhiên nói.

- Chắc chắn rồi, vì món này anh tự nghĩ ra công thức, tự đặt tên mà. Theo truyền thuyết, Chế Bồng Nga, vị vua kiệt xuất của Chiêm Thành rất nghiện ăn gà nướng. Năm 1390, Chế Bồng Nga đem hơn 100 chiến thuyền đến thị sát trên sông Hải Triều. Một hôm, đầu bếp lỡ nướng gà bị cháy, sợ bị Chế Bồng Nga xử trảm nên chạy trốn, bơi qua sông báo cho tướng Trần Khát Chân của Đại Việt biết là thuyền ngự của vua Chiêm sơn màu xanh lục. Khi mấy trăm chiến thuyền của Chế Bồng Nga kéo tới, Khát Chân cho tập trung súng bắn xối xả vào chiếc thuyền ngự, Chế Bồng Nga bị trúng đạn chết. Chuyện này sử sách không nói đến nhưng anh tìm hiểu mới biết được. Như vậy mới thấy Chế Bồng Nga thích ăn gà nướng đến mức nào. Sau đó anh nghiên cứu tìm hiểu xem điều gì đã làm nên món gà huyền thoại ấy. Cuối cùng anh đã tìm ra, đó chính là lá é trắng, nguyên liệu làm nên linh hồn của món ăn này. Lá é trắng của Bình Định khác hẳn với lá é trắng của Gia Lai hay Đà Lạt. Nó từng là thứ gia vị tiến vua Chăm, nên còn được gọi là cây tiến thực. Nó có mùi thơm đặc biệt của chanh và sả. Từ đó anh chế biến ra một loại gia vị ướp gà nướng, được làm từ muối trắng, lá é khô, dầu phộng, à quên dầu lạc. Nếu người lớn ăn thì cho thêm ớt hiểm, nhưng vì có bé Mai nên anh không cho vào.

Hoàng lấy một lọ thuỷ tinh nhỏ và đưa cho Như:

- Đây là gia vị ướp gà anh, anh tặng em. Em có thể dùng để ướp gà nướng, để chấm gà luộc, hoặc cho vào lẩu gà đều được. Anh làm sẵn từ Bình định mang ra đó. Lá é trắng có nhiều tác dụng trị bệnh như chữa đau bụng, trướng bụng, ăn không tiêu, cảm, cúm, sốt, đau đầu, các loại viêm

Như tròn mắt nhìn Hoàng thán phục. Đến món ăn anh cũng bỏ công nhiên cứu kỹ lưỡng tường tận đến như vậy.

- Anh làm em tò mò muốn được thưởng thức ngay lập tức.

Hoàng nhìn cô mỉm cười với ánh mắt tràn đầy yêu thương làm cô tan chảy. Cho khay gà vào lò nướng xong, anh bắt đầu làm món Cá ám.

- Cá ám là món gì vậy anh?

- Là món canh cá kiểu Bình định, nhưng nấu ít nước chứ không như món canh của Hà Nội.

- Vậy mà em cứ nghĩ là món cá hun khói, vì ám làm em nghĩ là ám khói.

Như cười, Hoàng cũng cười theo. Anh đặt chảo lên bếp để chiên cá.

- Cá này anh đã ướp sẵn rồi à? Như hỏi

- Ừ anh ướp với nghệ và củ nén rồi.

- Củ nén là củ gì anh?

- Là củ hành tăm, có nhiều tác dụng chữa bệnh lắm: các bệnh về tiêu hoá và đường hô hấp.

- Món nào của anh cũng là bài thuốc vậy thì anh chẳng bao giờ lo ốm đau đâu nhỉ.

- Ừ anh không biết ốm đau là gì hết em à. Ăn uống, tập luyện giúp anh có một sức khoẻ tốt.

Vừa chiên cá, Hoàng vừa đặt một nồi nước bên cạnh và đun sôi lên. Khi cá đã sém vàng hai mặt, anh cho nước sôi vào săm sắp mặt cá. Tiếp đến anh cho chuối ,khế xanh ,cà chua đã chuẩn bị vào đun nhỏ lửa.

- 15 phút nữa là xong! Hoàng nói và đưa cho Như 2 quả dưa chuột: Em gọt vỏ dưa leo dùm anh nghen. Để không bị lẫn hương vị của các món ăn, ta sẽ ăn dưa leo xen kẽ, như vậy nó sẽ làm sạch hết mùi vị của món trước còn trong miệng, và như vậy ta có thể cảm nhận được món khác tốt hơn.

Trong lúc Như gọt vỏ dưa chuột, Hoàng mở lò nướng và lật mặt gà, mùi thơm rất đặc biệt toả ra vô cùng hấp dẫn. Như hít hà:

- Thơm quá! Nhưng anh chú ý đừng làm cháy rồi phản bội em nhé!

Hoàng bật cười nhìn Như một cách dịu dàng nhưng giọng nói rất kiên quyết:

- Không bao giờ! Anh hứa.

Như có vẻ rất xúc động vì điều đó. Cô bối rối đưa 2 quả dưa chuột đã gọt vỏ xong cho Hoàng. Tay cô chạm vào tay anh và họ nhìn vào mắt nhau.

Anh nếm món canh cá, thấy nó đã thấm đậm vị chát của chuối, vị chua của khế và cà chua... Hoàng tắt bếp, múc canh ra bát và cho một ít rau ngổ xắt nhỏ lên trên. Như giúp anh chuyển ra bàn ăn. Món gà lúc này cũng đã hoàn thành. Anh bày ra đĩa. Thêm một đĩa rau sống và dưa chuột thái lát. Một bát gia vị lá é để chấm gà. Chưa đầy 30 phút bữa cơm đã hoàn tất, nóng hổi, thơm nức mũi.

Cả nhà ngồi vào bàn ăn. Bà Nâu gỡ xương giúp bé Mai. Lạ miệng nên bé ăn rất ngon lành. Đó là phần thưởng tuyệt vời đối với Hoàng. Mai cũng xuýt xoa khen món ăn ngon làm anh vui lắm.

- Canh rất ngon, đậm đà, lại có chút vị chát rất đặc biệt! Như nói.

- Đúng vậy, canh chua của Miền Nam có vị vừa chua vừa ngọt, vì khí hậu nắng nóng nên cần chua để giải nhiệt, ngọt để bổ sung năng lượng. Miền Trung thì nắng gắt, gió lào, khô, nên thoát mồ hôi nhiều, mất muối, nên ăn mặn, canh cũng lấy mặn làm đầu vị. Miền Bắc thì có đủ 4 mùa nên vị giác dưới đầu lưỡi hài hòa ổn định. Riêng Bình định thì canh lấy chát làm đầu vị, bởi vì người Bình định coi trọng tính chất chữa bệnh của thực phẩm. Công dụng của chuối chát là: ương huyết, thoái nhiệt, giải độc, sát trùng, tiêu cơm và giải phiền khát.

- Hay quá! Hôm nay nghe anh nói em mới thấy mình ăn uống thật thiếu khoa học. Em quyết định từ hôm nay sẽ lựa chọn thực phầm vì sức khoẻ.

Kết thúc bữa ăn, bà Nâu dọn bàn. Hoàng lấy món bánh trong tủ lạnh ra.

- Đây là bánh Nước mắt Huyền Trân, cũng là tên anh tự đặt, công thức cũng của anh luôn. Nó được làm từ hạt é, hạt ư, mủ Trôm và rau câu, một loại rau câu đặc biệt chỉ có trong 2 tháng mùa bão ở Bình định thôi, nên việc đi kiếm rất khó và nguy hiểm, nhưng công dụng của nó thì tuyệt vời lắm. Còn công dụng của mấy nguyên liệu kia em tự tìm hiểu nghen, không thì anh nói nhiều quá làm em tẩu hoả nhập ma mất.

- Vậy tại sao anh đặt tên bánh là Nước mắt Huyền trân? Như hỏi

- À bởi vì có một nguyên liệu rất quan trọng ở đây, đó là nước suối Lưu Hoàng. Em còn nhớ chuyện anh kể cho em khi xưa không?

- Em nhớ! Như xúc động trả lời.

- Công chúa Huyền Trân của nước Đại Việt lấy vua Chế Mân của nước Chiêm thành. Sau hôn lễ họ đi nghỉ tuần trăng mật bên dòng suối thiêng này. Huyền Trân đã khóc vì xúc động trước tình cảm nồng hậu của người dân ở đây, bà đã đặt tên cho dòng suối là Lưu Hoàng. Hồi anh gửi ảnh cho em là anh chưa biết về truyền thuyết này. Nhưng ngay sau đó anh đi tìm hiểu và biết được, rồi sử dụng nước suối đó để tạo nên món bánh này.

Món bánh tuy nhìn không đẹp như các loại bánh ngọt bày bán ở tiệm, nhưng khi nếm thử mới thấy hương vị tuyệt vời của nó, thơm ngon mát lạnh. Cả Như và con gái đều khen tấm tắc. Hoàng thấy trong lòng vui như hội, anh mơ ước đến một ngày, anh sẽ được chăm sóc gia đình nhỏ này hàng ngày.

Khi Hoàng ra về, Như tiễn anh ra cửa. Có vẻ như cô mong đợi một nụ hôn tạm biệt, nhưng anh chỉ ôm cô và hôn nhẹ lên tóc. Sau những gì họ đã trải qua, anh vẫn muốn đợi đến thời điểm đẹp nhất để điều đó xảy ra.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro