Chương 4

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Được người giới thiệu, Hoàng tìm đến nhà một người sưu tập gốm ở Tuy Hoà để mua tượng sơn thần do nghệ nhân Vương triều Vijaya làm ra. Tới nơi thì chủ nhà nói đã bán mất rồi. Đang thất vọng bỗng Hoàng nhìn thấy trên bàn một con cá bằng gốm men lam rất đẹp. Anh cầm lên xem và nhận ra là gốm Chu đậu từ thời Mạc. Có vẻ như chủ nhà chưa hiểu được giá trị của nó nên mới để trên bàn như thế. Hoàng liền hỏi mua:

- Anh có bán con cá này không?

- Anh thích à? Tôi bán cho anh một chỉ vàng đó!

Hoàng biết thừa chủ nhà thấy anh hỏi nên mới thách cao vậy chứ chắc chắn anh ta không biết giá trị của nó. Giới chơi đồ cổ trong nước lúc này không chuộng gốm bản địa mà chỉ đi tìm gốm Trung quốc hoặc Thái lan.

- Vậy tôi mua. Tôi nói thật với anh nha, tôi biết anh mua con cá này với giá rất rẻ, chưa tới 150 ngàn đồng đâu. Nhưng tôi thích thì tôi mua, anh nói giá nào tôi mua giá đó, không trả giá.

Chủ nhà cười:
- Trong giới buôn đồ cổ chúng ta, người giỏi không phải là người biết phân biệt thật giả, mà phải là người biết mua và biết bán.

Anh này giỏi nắm bắt tâm lý người mua, nhưng Hoàng thì khác, anh biết giá trị thực của món đồ và biết sẽ bán cho ai. Anh không cần phải ép giá người bán cho anh khi mà anh thấy mình sẽ bán được gấp nhiều lần như thế. “Mình kiếm được tiền thì cũng không để người khác thiệt thòi”, Hoàng nghĩ vậy.

Ngày nào Hoàng cũng lấy con cá ra ngắm nghía. Nó đẹp mỹ mãn về cả tạo hình lẫn màu men. Mặc dù anh dành gần hết tình yêu của mình cho gốm Gò sành, nhưng vẻ đẹp của con cá này vẫn cuốn hút anh đến kỳ lạ. Chẳng thế mà gốm Chu đậu được các nhà sưu tập Indonesia săn lùng như vậy.

***

Ông Pak, một nhà nghiên cứu gốm cổ người Indonesia, tìm đến Hoàng vào một buổi chiều nắng rực rỡ, gió biển thổi vào lồng lộng. Vì biết ông Pak là người am hiểu sâu rộng nên Hoàng mời ông ra hiên ngồi uống nước, mục đích muốn gợi chuyện để trao đổi thêm kiến thức với ông. Hoàng nâng con cá gốm lên và nói:

- Ông nhìn xem, kỹ thuật men diễn tả trọn vẹn gam màu xanh lam đặc trưng của gốm Chu Đậu!

Nhưng ông Pak chỉ gật đầu không bình luận gì. Từ đầu đến cuối buổi mua bán, ông Pak chỉ lặng lẽ quan sát cổ vật cũng như người bán, không thể hiện là thích hay không thích. Hoàng định giá con cá đó là 15 ngàn đô la. Ông Pak quay nhìn người đi cùng ra hiệu lấy tiền trả. Chỉ đến khi ra về, ông Pak mới nói một câu duy nhất:

- Tôi biết giá trị của nó. Ở nhà tôi hiện nay đã có hơn 100 hiện vật gốm hoa lam Chu đậu.

Hoàng giật mình, choáng váng khi nghe ông Pak nói. Đúng là cóc mở miệng. Con cóc quanh năm nằm yên không hó hé nửa tiếng, nhưng hễ mở miệng là trời gầm. Hơn một trăm cổ vật quý của Việt Nam nằm trong tay 1 nhà sưu tập nước ngoài. Có bao nhiêu nhà sưu tập như thế? Hoàng chợt nhận ra một điều mà bao lâu nay anh nông nổi không nghĩ đến: biết bao nhiêu cổ vật quý đã qua tay anh để đến tay những nhà sưu tập nước ngoài? Chính anh đã góp một phần lớn vào hiểm hoạ “chảy máu” cổ vật quý của Việt Nam, những giá trị ông cha để lại cho thế hệ sau.  Anh bỗng thấy rùng mình, nổi da gà. Chắc chắn có một thế lực vô hình đã khiến ông Pak nói ra câu đó, thôi thúc anh phải làm điều gì đó cho quê hương.

Ông Pak đi lâu rồi mà Hoàng vẫn ngồi lặng dưới hiên nhà, những tia nắng cuối ngày cũng đã tắt. Anh đã kiếm được rất nhiều tiền, có một tài sản lớn, nhưng thực sự anh không phải là người coi trọng giá trị của đồng tiền. Anh kiếm tiền vì mục đích báo hiếu với cha. Ngày Hoàng còn nhỏ, hàng ngày cha anh vẫn bắt anh đọc thuộc lòng một câu “Tôi là Nguyễn Lưu Hoàng, con trai của ông Nguyễn Kiểm, người giàu nhất huyện Phù Mỹ. Lớn lên tôi phải giàu hơn cha tôi, vì con hơn cha là nhà có phúc”.

Anh nghĩ, sau này anh chết, anh chẳng cần mong ra biển lớn, mà chỉ cần là một nắm tro rắc trên dòng suối Lưu Hoàng quê anh, dòng suối mà anh mang tên. Chỉ vậy thôi. Điều anh muốn để lại cho đời sau là những kiến thức của anh, tất cả những nghiên cứu của anh về văn hoá Chăm. Nhưng giờ đây, anh thấy mình có thêm một nghĩa vụ quan trọng nữa: giữ lại những cổ vật quý của người Chăm, những minh chứng của một nền văn hoá lớn nay đã suy tàn.

Hoàng bắt đầu thu mua tất cả cổ vật gốm Gò sành, giá bao nhiêu cũng mua, không mặc cả bao giờ. Tuy nhiên, những cổ vật này còn lại trong dân rất ít mà bị phân tán khắp nơi, trong tay các nhà buôn đồ cổ. Khi thấy Hoàng ráo riết săn lùng, họ liền tăng giá rất cao. Nhưng điều đó không ngăn được niềm đam mê của anh. Những năm qua, nhiều khi anh tâm tư không xác định được mục đích sống của mình. Tiền anh có quá nhiều, nhiều đến mức không tưởng tượng nổi, sức khoẻ cũng có thừa. Anh không còn biết làm gì để sung sướng hạnh phúc hơn nữa, cuộc đời chẳng còn gì để mà mơ ước nữa. Nhưng từ khi bắt đầu đi sâu nghiên cứu về loại gốm tráng men ngọc Gò Sành và gom góp sưu tầm các cổ vật với ước nguyện mở một bảo tàng tư nhân, anh mới biết được mục đích, ý nghĩa của đời mình.

Có bao nhiêu tiền kiếm được từ trước, Hoàng đốt hết vào mua gốm cổ. Anh sẵn sàng bỏ ra số tiền tương đương với giá trị 1 ngôi nhà mặt phố để mua một chiếc bát gốm men ngọc. Số lượng cổ vật anh gom về căn nhà của mình đã lên tới hàng nghìn món, trong đó rất nhiều món tuyệt đẹp, đặc sắc và vô cùng quý hiếm, có một không hai. Và số tiền cả triệu USD mà Hoàng từng có trong thời hoàng kim buôn bán cổ vật cũng đã bị anh tiêu sạch vào việc mua gốm cổ Gò Sành.

Rất nhiều nhà sưu tầm, đại gia, cả các chuyên gia, bảo tàng Nhà nước đến gặp anh, đòi mua những cổ vật đó với giá cả tỷ bạc, nhưng anh nhất định không bán. Ai cũng nói anh bị hồn người Hời (người Chăm cổ) ám rồi.

***

Giới sưu tầm cổ vật đồn nhau rằng ông Cầm ở Đập Đá đang giữ một chiếc bình Gốm men ngọc tuyệt đẹp thuộc Vương triều Vijaya. Vừa mới nghe nói vậy, không chần chừ một giây, Hoàng lên xe phóng ngược về phía An nhơn ngay trong chiều nhá nhem và bụng đang đói cồn cào.

Đến cổng nhà ông Cầm, Hoàng bỗng thấy hồi hộp lạ lùng, tim đập mạnh. Những tia sáng cuối cùng của ngày phản chiếu trên bức tường nhà ông Cầm loang lổ đầy hư ảo.

Ông Cầm lấy chiếc bình ra cho Hoàng xem.
Đó là chiếc bình ngự dụng, kiểu thời Tống thế kỷ 11, được sản xuất tại làng Gò Sành. Hoàng chạm vào chiếc bình và cảm thấy tay mình run lên bần bật. Anh biết giá trị của nó, biết rằng có đào cả thế giới này lên cũng không thấy chiếc thứ hai. Nhưng đó không phải là điều làm anh run. Anh cảm nhận có một năng lượng kỳ lạ toả ra từ chiếc bình.

- Ông bán chiếc bình này bao nhiêu?
Hoàng hỏi.

- Anh trả tôi bao nhiêu? Ông Cầm hỏi lại.

- Tôi định giá chiếc bình này là 1 lượng vàng. Ông đồng ý không?

Ông Cầm lắc đầu cười không trả lời.

- Tôi là người rành về gốm Chăm thế nào chắc ông biết rồi. Giá này tôi trả cho ông là rất cao đó, ông không bán cho ai được hơn thế đâu.

Tất cả số tiền còn lại của Hoàng tương đương với một lượng vàng. Nếu ông Cầm đòi cao hơn thì Hoàng cũng không đủ tiền để trả. Cuối cùng Hoàng đành đi về, trong lòng vô cùng bứt rứt.

Như một kẻ nghiện, Hoàng liên tục tìm về nhà ông Cầm để được ngắm nhìn chiếc bình đó, khát khao còn hơn cả thời 17 tuổi tìm đến nhà thầy Quốc xin học võ để được nhìn thấy Xuân. Dù không đủ tiền nhưng anh vẫn có ý mua bằng được. Anh đã trả giá tới 5 lượng vàng rồi mà ông Cầm vẫn không chịu bán.

Thấy anh nhiều đêm trằn trọc không ngủ được, vợ anh hỏi:

- Anh có chuyện gì vậy?

- Có một chiếc bình gốm cổ Gò Sành kỳ lạ lắm, nó như có linh hồn vậy. Anh muốn mua nó mà ông chủ không bán. Và nếu bán thì anh cũng không đủ tiền.

Hương, vợ Hoàng, đang mang bầu đứa con đầu lòng ở tháng cuối cùng. Cô đang làm việc cho một dự án của Worldbank. Thấy chồng trăn trở như vậy, cô thương lắm. Hoàng luôn là một người đàn ông tài giỏi, hào sảng trong mắt cô.

- Anh này, em được Worldbank cho 5000 đô la tiền thai sản, nhưng em không cần đến đâu. Em sẽ về quê sinh con, ở đó với ba má, nhà đầy tôm cá, toàn đồ ngon bổ. Anh lấy số tiền đó mà mua chiếc bình gốm định mệnh kia.

Hoàng xúc động ôm chặt vợ thì thầm:
- Kiếp này anh nợ em nhiều lắm...

Đêm khuya, Hương đã ngủ say, còn Hoàng vẫn trằn trọc. Anh bị chiếc bình men ngọc ám ảnh mãi. Bỗng Hương ú ớ rồi hét lên. Hoàng vội lay vợ dậy.

- Ôi em nằm mơ anh là ông vua Chăm, trong tay anh cầm một chiếc bình gốm. Rồi em thấy lửa cháy...

- Vậy sao em? Mơ thấy lửa cháy là báo cho sự thành công sắp tới đó. Thực ra gốm tráng men không phải gốc của người Chăm cổ, mà họ tiếp thu kỹ thuật của người Hoa. Nhờ có cuộc cách mạng lửa, nhiệt độ nung từ 600 độ C được nâng lên 1200 độ, mới tạo ra được những sản phẩm gốm nghệ thuật Gò sành. Đây chắc là điềm báo anh sẽ mua được chiếc bình gốm rồi vợ ơi.

Hoàng vùng dậy, lao đi trong đêm như một kẻ mộng du. Anh đến nhà ông Cầm đập cửa ầm ầm và gào thét:
- Sao ông cứ làm khó dễ cho tôi thế? Sao ông không bán cho tôi? Ông bán bao nhiêu thì phải nói ra chứ, không tôi đốt nhà ông bây giờ?

Ông Cầm thấy thái độ Hoàng như vậy liền nói:
- Thực ra không phải tôi muốn ép giá ông đâu, mà vì chiếc bình này là vật gia bảo tổ tiên nhiều đời, nên tôi không biết định giá thế nào. Nay thấy anh yêu nó như vậy, tôi đồng ý bán cho anh với giá mà anh đã đặt ra. Thực ra chiếc bình đâu có giá trị lớn bằng mấy ngôi nhà như thế. Thôi tôi bớt cho anh, chỉ lấy 4 lượng vàng thôi.
Thế là Hoàng mua được chiếc bình quý, chiếc bình định mệnh của anh.

Chỉ vài ngày sau, Hoàng choáng váng chi nghe tin ông Cầm đột ngột qua đời. Phải chăng vì ông đã bán đi cổ vật của tổ tiên? Nghĩ đến đó, Hoàng thấy lạnh hết cả xương sống.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro