Chương 6

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hà nội, 2004...

Sau buổi hội thảo, Hoàng xách máy ảnh đi dạo phố. Anh rẽ vào đền Ngọc sơn. Không gian cổ kính hoà lẫn với thiên nhiên thơ mộng của nơi đây luôn thu hút anh. Có lẽ người Hà nội đã quá quen với khung cảnh này nên khó cảm nhận được hết vẻ đẹp tuyệt tác của nó như anh. Dấu vết của ngàn năm lịch sử văn hiến như được ghi đậm trên từng bờ tường, từng mái ngói, cùng với chiếc cầu Thê Húc cong cong bắc ngang từ bờ đến cổng đền Ngọc Sơn khiến khu quần thể danh lam thắng cảnh này có một vẻ đẹp vô cùng đặc biệt, vừa cổ kính, lộng lẫy, lại vừa lạ lẫm nhưng cũng rất thân thuộc.

Hoàng không vội chụp ảnh ngay mà đi vào đền thắp nhang trước để tỏ lòng thành kính. Anh tới lễ ở đền chính bằng lối cửa bên, rồi tiếp tục theo thứ tự từ phải sang trái và đi sâu vào trong. Lễ xong, anh đi ra ngoài bắt đầu bấm máy. Ở sau quầy bán đồ lưu niệm, Hoàng nhìn thấy một cô gái với mái tóc dài suôn mượt, trong tà áo dài trắng mềm mại thuớt tha. Cô đang cúi xuống lựa đồ cho khách nên anh không nhìn thấy mặt. Hoàng bước tới định xin phép chụp ảnh thì đúng lúc cô ngẩng mặt lên. Anh bất ngờ bắt gặp đôi mắt sáng lóng lánh màu hổ phách 6 năm trước đã dẫn bước chân anh vào chùa Kim sơn. Toàn thân Hoàng chùng xuống, miệng lắp bắp không nói lên lời:

- Tố Như phải không?

- Chú Hoàng!

Tố Như reo lên với giọng trong trẻo y như ngày nào. Nhưng vẻ bề ngoài thì Như đã khác hoàn toàn. Cô bé ốm nhom ốm nhách ngày xưa đã trở thành một cô gái vô cùng xinh đẹp với thân hình căng đầy sức sống khiến Hoàng bối rối.

- Trời ơi sao hôm đó con biến mất lẹ quá làm chú không kịp cảm ơn con. Chú còn ngỡ là mơ chứ không phải thật, chú tưởng con là Thiên sứ từ trên trời rơi xuống...

- Con thấy chú như mê đi vậy, con chào chú ra về mà chú không trả lời con, cứ đứng ngẩn người trước tấm bia.

- Nhờ có con mà chú biết rồi gắn bó với chùa Kim sơn đó. Mặc dù chú đã góp công xây dựng một vườn Mai ở đó, nhưng Tết năm nào chú cũng gửi một cây Mai quý ra để dâng lên các nghĩa sĩ Tây Sơn.

Vừa lúc đó có khách đến hỏi mua đồ lưu niệm. Hoàng vội nói:

- Thôi con bán hàng đi, chú đi chụp hình, đợi con hết giờ làm rồi chúng ta nói chuyện nghen.

- Vâng con sắp hết giờ làm rồi, chú đợi con nhé.

Giọng Hà nội nghe nhẹ nhàng và dễ thương làm sao! Nói là đi chụp ảnh Đền nhưng Hoàng cứ quanh quẩn gần quầy lưu niệm nơi Như đang đứng. Vẻ đẹp thuần khiết, thánh thiện bà kín đáo của cô gái Hà Thành này đã cuốn hút ống kính của anh. Thỉnh thoảng Tố Như quay về anh và mỉm cười. Hoàng cảm thấy nụ cười ấy quen thuộc quá đỗi, như thể anh đã biết Như từ thuở nào rồi. Mà có thể cái “thuở nào” ấy đúng là từ “thuở nào” thật, có nghĩa là từ kiếp trước hay vài kiếp trước nữa.

Hoàng nhìn đồng hồ đeo tay: đã hơn 5 giờ chiều, còn gần một giờ nữa Đền Ngọc sơn mới đóng cửa, nhưng khách tham quan đã về hết và không còn ai tới. Hoàng bước tới quầy nói chuyện với Tố Như.

- Sao, năm đó con có thi đỗ đại học không?

- Dạ có.

- Linh hồn của nghĩa quân Tây sơn đã hỗ trợ cho con đó. Vậy con ra trường rồi phải không?

- Con mới ra trường năm ngoái, nhưng không xin được việc làm nên tạm thời con xin bán hàng ở đây. Người ta cần người biết ngoại ngữ. Lúc chú bước vào, nhìn chú cao lớn vậy con đã rất mừng tưởng có khách nước ngoài tới mua hàng.

Hoàng bật cười vì câu nói của Như. Nhưng anh bỗng thấy thương cô bé quá. Học hành vất vả bao nhiêu năm, giờ đứng đây trông ngóng từng người khách nước ngoài tới mua đồ lưu niệm. Anh muốn làm điều gì đó giúp cô, nhưng chưa biết làm sao.

-  Chú nói này, nếu tối nay con rảnh, con dẫn chú đi ăn món ăn Hà nội được không? Mai chú về Bình định rồi.

Như đồng ý. Hết giờ làm, cô dẫn Hoàng đi ăn nộm bò khô ở phố Hồ Hoàn Kiếm, rồi sang Bún thang Cầu Gỗ. Hoàng rất thích thú với những quán ăn đường phố này. Vừa ăn, anh vừa nói về Bình Định, rồi lịch sử gốm Chăm. Như nhìn anh đầy ngưỡng mộ và xúc động.

Trước khi ra về, Như nói:

- Quê chú ở xa quá, con không thể hình dung được nó như thế nào.

- Vậy mỗi ngày chú sẽ gửi cho con một bức hình quê chú nghen.

***

Giữ lời hứa, ngày nào Hoàng cũng gửi ảnh cho Như qua email. Bức ảnh đầu tiên là một con suối với dòng nước vàng óng ánh, tuôn chảy trong một màu xanh bất tận của cánh rừng già. Hoàng viết:

“Năm 1960, bệnh dịch hoành hành, làm chết rất nhiều người. Ông Nguyễn Kiểm chở một ghe bầu đầy muối vào Bình thuận để bán. (Ghe bầu là cách phát âm của người Nam bộ từ “Prau”, có nghĩa là thuyền, của người Chăm). Sau đó ông không mua hàng để chở về như thường lệ, mà ông thuê người đi vào núi, nơi có một dòng suối thần để lấy nước ở đó, chất lên ghe mang về. Dòng suối có màu Lưu Hoàng nên người dân ở đó gọi là suối Lưu Hoàng. Nghe nói rằng nước suối ở đây rất thần kỳ, ai bệnh gì uống vào cũng khỏi.

Khi về tới làng Dương Liễu, người ta không cho ông vào. Để tránh lây nhiễm, họ đã quyết định “cách ly”, nội bất xuất, ngoại bất nhập.  Ông Nguyễn Kiểm nói lớn:

- Hãy cho tôi vào để tôi chữa bệnh cho mọi người.

Người Nam bộ có tính cách phóng khoáng, coi trọng tình làng nghĩ xóm, nên khi nghe nói vậy họ cho ông vào ngay. Ông mang nước đến từng nhà người bệnh và cho họ uống. Chỉ vài ngày sau, toàn bộ dân làng khỏi bệnh. Họ tôn ông Nguyễn Kiểm lên làm ông Thánh và biết ơn ông. Cuối năm đó, con trai đầu lòng của ông ra đời, và ông đặt tên con là Nguyễn Lưu Hoàng.”

Viết xong bức thư, Hoàng bỗng thấy xúc động vô cùng. Câu chuyện này anh được nghe mẹ kể, nhưng anh chưa bao giờ kể lại nó cho ai.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro