Chương 10

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng



Chương 10: Sương 
Từ ngày bé, đàn bà sanh ra đã được dạy phải hội đủ tam tòng tứ đức.
Tam tòng thời tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử.
Tứ đức ấy công dung ngôn hạnh phải vẹn toàn.
Kiếp đàn bà bị bảy điều kia bủa vây mà khốn cùng, suy kiệt vẫn phải cố thủ thân.
Mớ học thuyết cách tân, giao thời thoáng hơn cho đàn bà về nhiều mặt. Đàn bà đã có thể tự do ái tình, tìm hiểu người thương trước rồi mới tính duyên trăm năm, chẳng phải mù mờ theo lối cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Đàn bà đã có thể mặc đồ tây xách bóp đầm đến công sở rồi vung bút ký xoèn xoẹt vào mớ giấy tờ cần công chứng. Đàn bà đã quần là áo lượt đến chốn vũ trường, tiệm nhảy hay ra quán ngồi đeo mắt kính hớp ngụm café latté ngòn ngọt. Đàn bà ấy tân thời.
Nhưng được bao nhiêu người tân thời như vậy?
Ngay từ tấm bé, ba má đã chẳng cho con gái mình cái tư tưởng được thoát kiếp đàn bà. Ba từng nói một câu ám mãi vào tuổi thơ và tâm trí tôi, "Đàn bà cần chi học cao? Khôn quá đàn ông sợ, ai mà dám cưới" .
Theo đó, đàn ông vốn dĩ sợ đàn bà thông minh hơn mình, bởi họ sẽ nhìn thấu được lòng dạ của đàn ông. Còn đàn ông? Trong mắt họ đàn bà giản đơn, bởi họ từ đầu vốn đã chẳng quan tâm đàn bà nghĩ gì, cần gì. Ấy nhưng đã có bậc học giả triết lý rằng: "Đừng so sánh lòng dạ đàn bà và biển sâu, vì đáy biển còn có thể dò, lòng dạ đàn bà thì không thể chạm tới."
Nói vậy đủ hiểu người ta sợ hãi trước lòng dạ đàn bà đến thế nào.
Từ khi nhận thức được rằng mình là một người đàn bà, tôi vẫn thường hay suy nghĩ về tương lai. Thì sẽ lấy chồng, sẽ sanh con, sẽ ở nhà tề gia nội trợ. Ôi, cái ước mơ giản dị và bình thường của tất cả những người trót sanh ra trong phận đàn bà. Nhưng đời có bao giờ cho con người ta được toại nguyện, cuộc đời tôi rẽ theo một hướng chẳng bao giờ lường trước được.
Tôi cũng đã có chồng, thậm chí được là vợ của một nhà giàu, nổi tiếng, là mợ tư nhà ông Thành. Tôi nghiễm nhiên trở thành người nhà quyền quý, cao sang, biết bao người vọng trọng. Tôi thành đàn bà, nhưng oan nghiệt thay lại là một con đàn bà còn trinh. Mấy năm làm dâu, chưa một lần tôi được gần gũi chồng thật sự. Bất quá, vợ chồng tôi cũng chỉ dừng lại ở những cái hôn, những vòng tay siết chặt, hay những bàn tay mơn trớn, vuốt ve, bởi một sự thật phũ phàng, chồng tôi mắc chứng suy dương, nôm na là "trên muốn ra trận mà dưới lại thối lui".
Đã chạy chữa khắp nơi, tây tàu nam đông dược gì cũng kinh qua, nhưng tình hình vẫn chẳng được cải thiện, thôi thì tôi cũng đành cam phận làm con dâu nhà giàu đặng nở mặt nở mày, chứ để vỡ lở ra, kẻ mất mặt nhất chẳng phải chồng tôi mà chính là con đàn bà may mắn có được ông chồng như vậy.
Dăm bữa ngồi chuyện vãn cùng mấy bà phu nhân nhà giàu khác, họ bàn chuyện thiên hạ chán chê, tỉ như ông sở trưởng này vừa sắm chiếc Chevrolet đặng chở nhơn tình đi du hí, hay phu nhân ông cảnh ty nọ có lần bị bắt gặp cặp kê cùng thằng thanh niên đáng tuổi con mình, rồi khi chuyện nhà người khác đã nhàm, chúng tôi bắt đầu lôi đến chuyện ái tình, giường chiếu ra đặng mua vui ba khắc.
Phàm cái gì cấm, người ta lại thích lén lút thưởng ngoạn, đàn bà thời nay mặc dầu đã tân thời, đã hiện đại lắm rồi thế nhưng nói chuyện phòng the mà chẳng ngại ngần, ấy chỉ có lũ cavalière ở vũ trường. Chứ điều ấy mà thoát ra từ miệng bậc quyền quý cao sang, dân tình người ta đánh giá chết. Thế nên chỉ khi tụ họp, chỉ toàn đàn bà cùng nhau mới dám kể nhau nghe, sẻ chia rồi khoái trá.
Người thì khúc khích cười khi nói chồng mình cứ hì hục tựa trâu, chả biết tới cảm giác của mình. Bà thì lại tự hào ông chồng là kẻ có "tay nghề", rồi lại đâm hốt hoảng khi nghe bà khác bảo biết đâu cái tay nghề đó học từ đám gái làng chơi. Không khéo lại rước bệnh phong tình về nhà. Người ngại ngùng bởi chồng thích kiểu này, tư thế nọ, rồi lại "Chồng em cứ mỗi cái kiểu truyền thống mà làm" .
Cái dục tính, cái ái tình ăn sâu vào máu con người ta từ ngày xửa ngày xưa, chỉ là đàn bà khôn khéo nên chẳng dám tỏ bày ra bên ngoài, chứ đâu phải chẳng tường tận như ai.
Nhưng tới lượt mình bị hỏi, tôi chỉ biết bẽn lẽn, cúi đầu, vờ như mắc cỡ, ngại ngần không muốn tham gia câu chuyện. Chứ thật sự, tôi có biết cái gì đâu đặng mà nói. Chả lẽ cứ huỵch toẹt ra rằng lấy chồng vài năm rồi mà vẫn còn trinh trắng? Để rồi cuối buổi, ngồi trên xe về nhà, nhìn thấy vài cặp vợ chồng dắt con dạo phố, tôi lại thở dài cho kiếp phận của mình. Với tôi, làm một người vợ đúng nghĩa đã khó, huống chi là được làm mẹ.
Cứ tưởng không được thỏa thê về mặt ái tình, ít ra cũng được chăm lo về mặt tình cảm, ấy vậy mà chồng tôi, cậu tư Nghĩa suốt ngày chỉ biết vùi đầu vào những canh bạc thâu đêm suốt sáng. Nhỏ thì vài ngàn một ván tam cúc, lớn thì vài chục ngàn một lần tài xỉu, hạnh phúc của tôi cũng bị chồng thẩy tưng tưng như mớ xí ngầu, lúc ít, lúc nhiều chẳng biết đàng nào đoán trước.
Cũng là phận đàn bà, cũng vào làm dâu, cũng chung phận không sanh con được, nhưng tôi ganh tị với chị Nguyệt, bà chị họ của tôi, vợ anh ba Lễ. Nếu là nhan sắc, tôi đâu thua kém gì chị, nếu là óc tính toán, chưa chắc chị hơn tôi, thậm chí tôi có thể sanh con, chỉ vì anh Nghĩa không thể, còn chị Nguyệt thì chính chị không thể có con. Vậy thì tại sao chị Nguyệt có thể thành cánh tay phải của anh hai, trong khi tôi thì cứ như một con người làm không công trong cái nhà này?
Ban đầu tôi cũng đã định sẽ sống yên thân, an phận. Có cơm ăn, có tiền xài, có danh tiếng, sung sướng được lúc nào hay lúc đó. Nhưng càng ngày sự chán nản khi cứ phải sống vật vờ lại khiến tôi chẳng thể chịu được. Chưa kể, sau những chuyện xảy ra, căn nhà này càng trở nên ma quái, ghê rợn.
Ban đầu là những lời bàn tán về hồn ma bà Dung, má chồng hay trở về thăm ba trong đêm trăng rằm. Rồi đến cái chết thê thảm của con Sen, anh ba thì trở nên điên dại phải đưa vào viện tâm thần. Sau hàng loạt những chuyện xảy ra, không hiểu có phải linh cảm đàn bà mách bảo, nhưng lúc nào tôi cũng có cảm giác sẽ còn người chết. Nếu không cẩn thận, biết đâu người đó lại là tôi.
Ý nghĩ đó càng ngày càng làm tôi bất an, lúc nào cũng thom thóp trong lòng. Dò xét hết người này đến người nọ, nghe tiếng đồ vật rơi cũng giật mình, hoảng hốt. Cứ kéo dài, không khéo trước khi chết, tôi đã thành người điên như anh ba.
Cũng là từ lúc anh ba được đưa vào nhà thương Biên Hoà, trong nhà phân tách ra làm nhiều nhóm. Anh hai và chị ba cứ suốt ngày thậm thụt, xì xầm to nhỏ ra chiều nhiều bí mật. Thằng út, cô Lan, thằng Tâm, bà Linh cũng hay ngồi to nhỏ nói chuyện. Thằng Tài thì vẫn lầm lì ít nói như trước giờ, nhưng có lúc tôi thấy nó với bà nhỏ liếc mắt đưa tình cùng nhau, chắc cũng phường gian tình mèo mả gì đây.
Ngay cả chồng tôi, mặc dầu mấy ngày nay đã không ra ngoài cờ bạc, nhưng cứ hễ ở nhà là lại như lén lút dòm ngó người này người kia, hỏi tới lại lắc đầu bảo không có chuyện gì, tôi đừng khéo lo. Cuộc sống nặng nề cứ đeo bám làm cho lòng khó chịu vô vàn.
Hay tôi nên bỏ đi cho rồi?
Đêm nằm cạnh chồng, tôi hỏi bâng quơ:
- Nếu tôi bỏ đi thì mình sẽ làm gì?
- Bỏ đi? Là đi đâu?
- Thì tôi cứ đi, không sống chung cùng mình nữa.
- Nếu mình thật sự muốn vậy, tôi sẽ để mình đi.
- Sao mình không cản tôi?
- Tôi vốn dĩ không mang được hạnh phúc vẹn toàn cho mình, cớ chi cố giữ mình đặng làm mình khổ?
Tôi ngước nhìn chồng. Thấy người nóng hừng hực, cái khao khát, cái rạo rực thúc giục của dục tính lại nghèn nghẹn trong lòng. Chồng tôi nuốt nước miếng khó nhọc rồi quay lưng vào tường, nói cái gì đó lí nhí trong cuống họng.
- Thôi, ngủ sớm đi mình, tôi mệt rồi.
Tôi nhìn theo tấm lưng chồng rồi quay mặt về hướng đối diện, tấm tức khóc. Có lẽ, ngày tôi đi không còn xa nữa.
***
Tôi gom mớ quần áo đã dọn sẵn bỏ vào túi xách. Vòng vàng, nữ trang ngày đám cưới được tặng vẫn còn nhiều, nếu bán đi cũng được số vốn kha khá, đủ để mở quán nhỏ buôn bán, sống những ngày còn lại của đời mình. Nếu may mắn, có lẽ ở nơi sinh sống mới, tôi sẽ tìm được một người yêu thương và có thể mang lại niềm vui thực sự cho bản thân.
Hôm nay trăng tròn, ba tháng trước vào ngày này con Sen đã bị giết chết. Lúc nhìn má nó quần áo lấm lem, lam lũ lên cầm hũ tro cốt nó về, khóc ngất đi, tôi chạnh lòng thương. Cái kiếp đàn bà sao mà tệ bạc quá, thành cát bụi rồi hóa ra nhiều khi lại hên. Chiều đó nghe theo lời tôi, má con Sen đem tro cốt nó ra bờ kênh Bến Nghé rải xuống, cho con nhỏ về với gió trời. Kiếp đàn bà sống vốn đã chẳng thể tự do, thôi thì tới lúc chết đi, cho hương hồn nó thỏa sức muốn bay đi đâu thì bay cũng là an ủi, thỏa nguyện.
Từ ngày con Sen chết, người trong nhà lại càng sợ đêm rằm, lúc nào cũng cố ở trong phòng, không dám ra ngoài vì lo lắng sẽ gặp ma quỷ hại người. Chính vì vậy chọn cách bỏ nhà đi trong đêm nay là tốt nhất. Tôi định bụng sẽ kiếm căn phòng trọ ngủ cho qua đêm, sáng mai bắt xe sớm về Cần Thơ tìm nơi sinh sống. Lần trước gặp má con Sen, tôi đã hỏi thăm hoàn cảnh ở đó để tính trước nơi sẽ sống những ngày tiếp theo. Đàn bà gả đi rồi, sao dám tự ý trở về nhà ba má, còn nếu bị nhà chồng trả về, thì coi như hết đời, không chỉ nhục nhã cho bản thân mà còn cho cả tông ti dòng họ. Thế nên thà bỏ xứ đi xa, họa là may ra có đường sinh sống.
Tôi xách túi xách lên rồi nhẹ nhàng xuống nhà dưới, khéo léo đi ra đường bằng ngõ sau để không ai chú ý. Con hẻm vắng lặng chỉ có dăm ba ánh đèn lác đác, đi hết con hẻm nhỏ này sẽ ra đường lớn, lúc đó có thể bắt xe được.
Đi được chừng nửa con hẻm, tôi nghe có tiếng bước chân sau lưng mình. Tiếng chân ban đầu nho nhỏ, rồi lớn dần, như đang cố gắng đuổi theo tôi. Giờ này mà còn ai lại đuổi theo mình, chẳng phải trộm cướp cũng là bọn dâm tà. Nghĩ đến đây tôi càng thêm hoảng sợ, cố gắng bước nhanh hơn, chân gần như cố chạy thoát thân. Chỉ còn chừng một đoạn nữa là đi hết con hẻm này, thì tiếng bước chân kia đã gần kề bên, bỗng dưng có tiếng gọi:
- Sương ơi! Mình chờ tôi một chút.
Là tiếng anh Nghĩa.
Tôi quay người lại nhìn, trong bóng tối chập choạng, thấy chồng đứng nhìn, gương mặt lẩn khuất trong bóng tối nhưng chẳng thể che được sự đau buồn đương mang.
- Mình nhất quyết sẽ đi sao?
- Tôi... tôi xin lỗi mình.
- Tôi hiểu, mình chẳng cần xin lỗi tôi đâu. Tôi phải là người xin lỗi mình mới đúng, bao năm nay, đã làm khổ mình nhiều rồi. Đây, tôi có chuẩn bị thêm chút tiền để mình đem theo. Hay... mình vào nhà nghỉ, sáng mai hãy đi đặng an toàn hơn.
- Sao mình biết tôi sẽ đi?
- Dù gì, làm vợ chồng cũng đã mấy năm, tôi chẳng thể hiểu mình thì thực chẳng xứng làm chồng. - Anh Nghĩa bỗng chùng giọng. - Mà... tôi quả thực chẳng xứng làm chồng mình. Nếu mình đã quyết, thì thôi mình đi cho sớm, bớt đi những ngày đau khổ.
Anh Nghĩa cúi đầu chào tôi, rồi quay lưng đi về phía nhà. Tôi nhìn theo bóng anh xa dần tắt hẳn trong con hẻm tối. Tôi sẽ đi, sẽ bỏ đi tới cái tự do mà bấy lâu nay hằng mơ ước. Muốn nhấc chân đi mà nặng trịch, chẳng thể toại lòng.
- Mình ơi... tôi xin lỗi... mình ơi. Tôi không bỏ mình đi đâu.
Anh Nghĩa quay lại, ôm tôi vào lòng, rồi nhẹ nhàng dìu tôi vào nhà.
- Thôi, khuya rồi, lên phòng nghỉ ngơi đi mình.
Xét cho cùng, tôi cũng là một con đàn bà và cái bản năng yếu đuối, muốn dựa dẫm vào một người đàn ông hình như đã ăn sâu vào tâm thức.
Sau quyết định ở lại, tình cảm của tôi và anh Nghĩa đã có thể tốt hơn. Mặc dầu chuyện giường gối vẫn chưa thể cải thiện, nhưng ít ra đã tâm tình cùng nhau nhiều chuyện khác. Một trong những chuyện đó là bí mật của gia đình này. Thật không thể tin nổi, không lẽ anh hai lại là con ma đã giết chết Sen, còn ba, còn mùi nhang trầm, lời nói của anh ba trong cơn dở dại, làm sao một người đôi mắt mờ như ba có thể giết người? Vậy giữa anh hai và ba, ai mới thực sự là kẻ thủ ác? Để giúp anh Nghĩa, tôi cũng bắt đầu hay để ý nhòm ngó anh hai.
Sáng nay, đã tầm bảy giờ nhưng tôi vẫn chưa thấy anh hai chuẩn bị ra hiệu buôn như mọi ngày. Một lát sau, thằng Tài tới gặp tôi.
- Mợ tư, sáng giờ mợ có gặp cậu hai không? Sao giờ này cậu chưa xuống ra tiệm, tôi với mợ ba chờ nãy giờ.
- Vậy à, tôi cũng không thấy, thôi để lên phòng cậu hai coi sao.
Căn phòng trên tầng hai của cậu vẫn đang im ỉm, tôi gõ cửa phòng, gọi khẽ nhưng chẳng thấy tiếng trả lời, nên mới đẩy nhẹ cửa vào phòng. Tôi thấy anh hai vẫn đang còn nằm trên giường, một chiếc gối nhỏ chắn ngay ngực, chắc đêm qua lại đi tiếp khách khuya rồi về ngủ mê mệt đến giờ này, nghĩ vậy tôi bèn lại lay người gọi dậy.
Nhưng vừa chạm vào người anh hai tôi đã thấy hoảng hồn, cơ thể anh sao lạnh ngắt, mắt nhắm nghiền, mặt thì xanh xao. Thấy có sự bất lành, tôi vội mở chiếc gối nhỏ trên người anh ra thì hỡi ơi, chiếc áo nâu anh mặc đang ướt đẫm máu.
Anh hai chết rồi!
***
- Tôi... cậu Tài nhờ tôi lên kêu anh hai đi làm, nên tôi mới lên phòng anh hai, cửa lúc đó không khóa, đẩy nhẹ là đã vào được bên trong. Ban đầu thấy anh hai nằm trên giường, tôi nghĩ ngủ say quá nên mới tới lay dậy, nhưng... tới mới thấy là anh hai đã chết.
Giọng mợ tư đứt quãng khi kể lại những gì mình đã thấy cho thầy Long, cảnh ty trưởng nghe. Cũng lúc đó, một ông cảnh ty khác đi cùng cậu tư từ trên lầu xuống.
- Sao rồi? Mày với cậu tư đã kiểm tra phòng cậu hai coi có mất mát gì chưa?
- Tôi đã coi qua, nhưng mọi thứ dường như vẫn còn y nguyên, cũng không thấy có vẻ như từng bị lục lạo qua. - Cậu Tư trả lời thay cho tay cảnh ty kia.
Mợ ba lên tiếng:
- Hôm qua anh hai có đi lấy tiền của ông A Mùi xong, không biết chú tư có thấy số tiền đó không, tới mấy trăm ngàn bạc lận.
- Không, tôi không để ý vì đâu biết có số tiền đó. Hay thím ba lên cùng tôi coi lại một lần đi.
Tay cảnh ty một lần nữa dắt cậu tư và mợ ba lên phòng cậu hai, lát sau họ trở xuống báo hung tin.
- Số tiền đó cậu hai thường cất trong hộc tủ cuối cùng trên bàn làm việc, chìa khóa cẩn thận đặt dưới tấm thảm lót phòng, ban nãy mở ra coi thì không cánh mà bay.
"Không lẽ đây lại là một vụ giết người do ăn trộm mà bị phát hiện? Nhưng có thằng trộm nào lại biết tiền của người ta để đâu rồi lấy chính xác mà không cần lục lọi, lại vào đúng phòng của người giàu nhất nhà. Không khéo, vụ này lại là do người trong nhà gây ra."
Nghĩ vậy, nhưng thầy Long vẫn nói khác đi để tránh người nhà hoảng hốt:
- Vụ này còn nhiều uẩn khúc, không khéo lại là vụ trộm giết người như con Sen đợt rồi, để tôi về tra thêm chứng cớ rồi sẽ báo lại với nhà sau.
Khi tiễn thầy Long ra cửa, cậu tư hỏi:
- Thầy có coi qua xác anh hai chưa? Theo thầy nghĩ thì vụ này là sao?
- Dưới cổ cậu hai có một lằn hằn bầm tím, chắc là bị siết bằng dây dẫn đến chết. Trên người bị đâm một nhát dao ngay tim, chắc kẻ giết người có thù oán sâu nặng với cậu hai lắm nên mới ra tay độc ác dữ vậy. Nhưng có cái này tôi nói riêng với cậu tư, theo hiện trạng cho thấy, có thể cậu hai bị chính người trong nhà này giết.
- Người nhà này? Ý thầy là sao?
- Tôi chưa dám khẳng định, chỉ phỏng đoán như vậy. Đêm qua cậu tư làm gì?
- Trời! Bây giờ ông nghi ngờ tôi giết anh hai mình sao?
- Không, không, chẳng qua là một câu hỏi thôi.
- Tối qua tôi với vợ tôi bên nhau, tận sáng mới dậy.
- Ừ, còn mấy người khác, cậu biết chứ?
- Làm sao tôi biết được, nhà này mỗi người một phòng, như anh hai, chết trong phòng mà tận sáng mới có người biết.
- Vậy đêm qua cậu có nghe tiếng động gì lạ không?
- Tôi cũng không nhớ rõ, sau cái chết của con Sen, nhà này ai cũng sợ hãi, ít dám ra ngoài vào ban đêm.
- Cảm ơn cậu, ngày mai tôi sẽ mời từng người về ty để thẩm tra cho đúng luật. Cậu báo trước để mọi người chuẩn bị.
Thầy Long ra về, để lại cậu tư với nỗi hoài nghi lớn trong lòng. Ngay khi có chút manh mối từ cậu hai, thì đùng một cái, cậu đã bị hại. Chợt nhớ đến cái ô trống dưới sàn phòng cậu hai, cậu tư liền vội vã đi xem coi sao. Nhưng cái ô trống có bộ sườn xám trắng cùng cây trâm ngọc nay đã trống không. Có ai đó đã nhanh tay lấy những thứ đó đi trước. Vậy hiện tại, mọi việc chỉ còn có thể bắt đầu từ chỗ ông Thành. Mặc dầu lòng vẫn còn buồn vô hạn về cái chết của anh trai, nhưng cậu tư vẫn tự nhủ bản thân phải đích thân tìm ra chân tướng mọi việc, trừng trị thích đáng kẻ đã giết người trong căn nhà này.
Nhưng trước mắt lại có một chuyện làm cậu tư và cậu út cãi nhau, đó là có nên cho ông Thành biết về cái chết của cậu hai không.
- Trước sau gì ba cũng biết, vậy thì nói luôn cho rồi, giấu làm chi. - Cậu tư cương quyết.
- Nhưng mấy hôm trước ba đã mệt vì chuyện của anh ba, bây giờ anh nói thêm chuyện này, bộ anh muốn ba đi theo anh hai luôn sao? - Cậu út cũng nhất nhất phản đối.
Chả biết ai đúng ai sai, nhưng đa số mọi người trong nhà đều đồng ý là cho ông biết ngay lúc này, vì dù gì thì cũng phải nói cho ông hay. Mắc công để lâu, ông lại trách mọi người đã giấu giếm. Nhưng ai đi nói với ông Thành mới là quan trọng, trong lúc mọi người còn đang đùn đẩy lẫn nhau, cậu tư đã nhận mình sẽ là người đó. Cậu tính sẽ nhân dịp này đặng điều tra kĩ hơn về chuyện mùi nhang trầm nên cũng chủ ý muốn vào gặp ông một mình, không cần ai theo cùng.
***
- Con xin lỗi, dạo này con ít lên thăm ba.
- Ừ, cậu tư bận công lên việc xuống ở mấy sòng bạc, làm sao có nhiều thời gian lên thăm thằng già này. Vậy hôm nay cậu kiếm tôi có việc chi?
- Con chỉ muốn hỏi ba về mùi nhang trầm ba hay đốt trong phòng thôi.
- Mùi nhang đó có chuyện gì sao?
- Lần trước con vào phòng ba, thấy mùi nhang thơm quá nên muốn hỏi cho biết. Có lần con thấy trên người anh hai cũng có mùi nhang đó.
- Mùi nhang trầm này đặc biệt rất thơm, không phải ở đâu cũng mua được, ngày trước là phải đặt tận bên Tàu đem qua đây, nhưng do má bây thích nên tao chẳng tiếc chi. Hồi xưa, mấy đứa tụi bây cũng ngủ trong cái mùi nhang trầm này, quần áo tụi bây nhiều khi cũng còn mùi nhang ám lên.
- Dạ, còn có chuyện con muốn thưa cùng ba.
- Chuyện gì?
- Là chuyện của anh hai.
- Thằng Nhân? Thằng Nhân có chuyện gì mà sao không tự lên đây nói với tao mà phải nhờ bây?
- Dạ... anh hai... không lên được.
- Anh hai... mất rồi.
- Mày... mày nói cái gì? Thằng Nhân... nó... nó làm sao?
- Dạ... anh hai bị người ta hại chết... hồi đêm qua.
Cậu tư chỉ nói được tới đó thì phải nhào tới đỡ lấy ông Thành vừa ngất đi, ngã người từ trên ghế xuống. Nếu không có cậu tư nhanh tay, biết đâu, lại có thêm một người chết nữa trong nhà này. Mà căn nhà này khi mất đi cậu hai, chắc sẽ còn gặp nhiều biến cố hơn

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro