Chương 8

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Chương 8 Nghĩa
Tôi nhìn theo bóng chiếc xe hơi đi khuất hẳn rồi trở lên phòng. Vậy là anh ba đã được người ta đưa vào nhà thương Biên Hòa sống chung với những người điên. Còn tôi tiếp tục ở lại căn nhà này, đối diện với những người tỉnh táo, bề ngoài xinh đẹp, khôn ngoan, nhưng chưa chắc tâm thần của họ không bệnh hoạn.
Trong nhà này thì anh ba là người tôi tin tưởng, yêu thương nhất. Hai anh em cách nhau chỉ vài tuổi, tính tình, suy nghĩ có nhiều điểm tương đồng, nên dễ thông cảm và hiểu cho nhau. Ngay từ lúc còn cắp sách đi học, chúng tôi đã sớm ngày giúp đỡ nhau, chẳng giống như lúc nào cũng xa cách, lạnh lùng như anh hai. Trong mắt nhiều người, anh ba là kẻ ăn chơi trác táng, thích rượu chè, gái gú, nhưng tôi hiểu, anh ba ra nông nỗi như vậy là do bất đắc chí và buồn. Bất đắc chí vì bởi mặc dù cùng là cậu chủ hiệu buôn Phát Đạt, nhưng tất cả chuyện làm ăn đều do anh hai nắm giữ, chúng tôi trong mắt người đời chỉ là những kẻ hữu danh vô thực, chó cậy hơi chủ mà làm càn. Người ta cúi đầu chào cũng là vì cái uy quyền của anh hai, của ba. Còn sự vụ chị ba thì mọi người cũng đã biết, tôi chẳng cần nhọc công kể lại.
Mặc dù cũng là anh em, nhưng giữa anh hai và chúng tôi dường như lúc nào cũng có một khoảng cách. Chưa bao giờ tôi muốn nói chuyện nhiều với anh hai, ngay cả khi có khó khăn thay vì tìm đến sự giúp đỡ của gia đình thì cố gắng giải quyết một mình cho xong. Có lẽ vì anh hai phải lo làm ăn từ sớm, thêm vào đó, gần chục năm nay, ba trở bệnh nặng, giao mọi chuyện trong nhà cho anh giải quyết, nên lúc nào đầu óc anh cũng chỉ có công việc và công việc, dần dần trở thành khô khan, khó gần, rồi từ từ thành độc đoán và gia trưởng. Nhiều lúc, anh cho tôi cảm giác trong mắt anh, tôi hay anh ba, thằng út, cũng chỉ là những kẻ ăn bám trong căn nhà này.
Nếu như tôi là anh hai, tôi sẽ rất vui mừng khi có người giúp đỡ, gánh vác giùm mình công việc, nhất là người thân trong nhà có thể tin tưởng và trông cậy được. Nhưng anh hai không như vậy, lúc nào anh cũng sợ người khác nhúng tay vào việc của mình, sợ hư hỏng, sợ trễ nải. Lần nào cũng một câu: "Hai mươi năm nay hiệu buôn Phát Đạt lấy chữ tín để kiếm cơm, trễ một ngày cũng là tự tay mình phá biển hiệu, sao tao dám để bây làm bừa".
Cũng có lúc tôi và anh ba ra phụ, nhưng chưa được ba bảy hăm mốt ngày đã bỏ cuộc. Ban đầu chẳng rõ nguyên nhân nên tôi gặng hỏi, anh ba được dịp trút nỗi lòng.
- Mày nghĩ coi, tao vừa ngồi xuống, lật cuốn sổ ra định nhìn sơ qua thì anh hai đã nhào tới, nói tao ra kiểm hàng đi, sổ sách để ổng coi được rồi. Tao vừa ra kiểm hàng, có mấy cái biên mục không hiểu lắm, hỏi ổng, ổng lại gạt qua, nói tao đi phụ người ta khiêng hàng, để lát chị ba mày ra kiểm cũng được. Vợ tao thì làm chủ, còn tao đi khiêng hàng, nhục chịu sao thấu, nên tao bỏ về. Ổng kêu tao lại, chửi cho một trận, nói mới có chút khó đã nản. Nếu là mày thì mày làm nữa không?
- Anh thông cảm, chắc là do anh hai bận quá, nhiều việc lu bu nên mới bực mình như vậy.
- Lu bu gì, dù gì tao cũng là em của ổng. Tao thấy ổng không muốn ai đụng vào công việc thì đúng hơn, dù là anh em cùng một nhà đi chăng nữa, mày không tin thì mày thử ra làm đi rồi biết.
Nghe lời anh ba, tôi cũng ra hiệu buôn phụ. Lúc đầu khi nghe tôi ngỏ ý, anh hai ngạc nhiên vô cùng, nhìn tôi với con mắt lo ngại, không tin tưởng, nhưng cuối cùng cũng chấp nhận, vì đâu có lý do để từ chối. Mới ra hiệu buôn, tôi đã có hàng đống việc để làm, nhưng đúng như lời anh ba nói, toàn những việc lặt vặt như bưng bê, lau chùi, coi hàng, hối thúc người này người kia. Còn những thứ liên quan tới tính toán, thu chi, thì nhất quyết anh hai không cho động vào. Tranh thủ lúc nghỉ trưa, tôi thử ngồi vào bàn, mở một cuốn sổ coi thử, nhưng vừa lật được vài trang thì anh hai đã đi tới, vẻ mặt khó chịu. Đúng là có chuyện gì đó kì lạ đang diễn ra.
Thêm vào đó, tôi còn thấy một chuyện mà không biết có nên nói lại với anh ba không. Đó là anh hai và chị ba Nguyệt. Chuyện này khi vừa ra ngoài tiệm, tôi đã nghe đám người làm xì xầm bàn tán ra vô, người ta nói anh hai mới là chồng của chị Nguyệt. Mặc dầu biết đó là lời của những kẻ ác miệng, nhưng không có lửa làm sao có khói. Có lần tôi thấy anh hai và chị ba đứng nói chuyện gì đó với nhau mà vẻ mặt hai người rất căng thẳng. Rồi khi tôi vừa bước tới gần họ lập tức im lặng, nói vài ba câu về hàng hóa, chị ba mỉm cười, gật đầu chào tôi rồi vội vàng bỏ đi. Thử hỏi như vậy làm sao người ta không dị nghị.
Hay đúng thật là anh hai và chị ba có chuyện mờ ám, không cho người khác biết được và đó là nguyên nhân vì sao anh ba bị đẩy ra xa khỏi những công việc của tiệm. Nếu là như thế, nhất định tôi sẽ làm cho mọi chuyện sáng tỏ.
Linh cảm cho tôi biết, trong nhà còn rất nhiều chuyện mờ ám không thể để người khác biết, ngay cả với chính người nhà. Mà người biết tất cả những chuyện đó, hay nói đúng hơn là đứng sau dàn xếp chính là anh Hai. Tôi đem suy nghĩ của mình bàn tính với anh ba, tuyệt nhiên tránh nói về việc chị ba Nguyệt.
- Tao nghĩ chưa chắc là vậy, bởi tao đã lén coi thử sổ sách, mọi thứ bình thường, thu chi rất rõ ràng, đâu có gì là mờ ám.
- Nhưng tại sao anh hai cứ cản, không cho mình phụ những việc chính, mà toàn bắt làm những chuyện lặt vặt. Em cũng từng nghĩ là anh hai không muốn mình làm việc, để ba thấy anh và em ăn chơi lêu lỏng, rồi sau này... ba không để gia tài cho.
- Gia tài? Ý mày là tài sản nhà này đó hả?
- Ừ, em nghĩ vậy, em thấy anh hai lo là ba sẽ chia phần cho anh và em, rồi mình đem đi ăn chơi hết, nên anh hai...
- Vậy thì ổng bị cái gia tài này làm cho điên rồi. Mà theo mày, tài sản nhà mình nhiều không mà ổng phải nhọc công làm ghê vậy?
- Em cũng có biết chính xác là bao nhiêu đâu. Nhưng mà anh nghĩ coi, hai mươi năm qua hiệu buôn nhà mình kiếm được bao nhiêu là tiền, chưa kể là quá chừng đất đai khắp lục tỉnh Nam Kỳ, thêm căn nhà hiện tại, ngót nghét cũng đủ cho người ta sống mấy đời.
- Như vậy thì nhiều thật, nhưng mà tao không cần, nếu thật sự anh hai muốn chiếm hết đống của cải đó cho riêng mình, thì ổng không xứng làm con người.
Chưa đầy một tháng sau lần nói chuyện đó, anh ba gặp chuyện và trở nên điên dại. Rồi một tháng sau nữa người ta chở anh đi. Có nhiều chuyện trùng hợp và nhanh chóng tới mức không thể tin đó chỉ là ngẫu nhiên. Nhất là sau khi tôi nghe anh hai dặn mọi người không được nói chuyện của anh ba cho người ngoài biết. Trong những ngày anh ba bị bệnh nhưng còn nằm nhà, tôi kín đáo quan sát chị ba và anh hai, nhận thấy hai người càng lúc càng gắn bó nhiều hơn. Họ hay nhỏ to, rầm rì nói chuyện, mà khi có người nào khác tới gần thì lại tản đi, coi như không có chuyện gì. Có hôm, tôi để ý thấy chị ba vào phòng anh hai, rồi ở trong đó cả buổi mới ra. Đồng ý là mấy năm gần đây, chị ba đã trở thành người giúp cho anh hai trong nhiều công việc giấy tờ, sổ sách, nhưng thân tới mức như vậy thì không thể được. Còn gì là cái luân thường đạo lý. Anh chồng - em dâu, người ngoài người ta biết, có nước đội quần mà đi.
Trong khi tôi để tâm suy nghĩ và quan sát anh hai, chị ba, thì cũng có một người khác đang im lặng quan tâm và lo lắng cho tôi, đó là Sương, cô vợ tội nghiệp của tôi.
Tôi cưới Sương sau khi anh ba lấy chị ba được gần một năm. Sương là bà con xa của chị Nguyệt, tôi gặp Sương cũng trong đám cưới của anh ba, nói chuyện vài ba lần rồi chúng tôi quen và tìm hiểu nhau. Được một năm thì ba, anh hai lẫn anh ba đều muốn tôi lấy Sương về làm vợ. Tôi biết mọi người lo lắng cho tôi, muốn tôi có gia đình để bớt ăn chơi, lo ở nhà vì vợ con. Lúc đó, tôi rất khó xử, không biết mình phải làm sao. Thương, thì tôi thương Sương nhiều, rất muốn chung sống với Sương, nhưng nếu cưới về sẽ làm Sương khổ.
Nhưng rồi đám cưới vẫn diễn ra trong niềm vui của nhiều người và sự lo lắng của tôi. Đêm tân hôn, tôi cố uống cho thật say đặng về phòng cùng Sương, nhưng lại lăn ra ngủ như chết đến tận sáng hôm sau. Để rồi, Sương vẫn là con gái sau ngày trọng đại nhất cuộc đời mình.
Mấy ngày sau đó, ngày nào tôi cũng kiếm cớ đi đánh bài, nói bạn bè cũ mời tiệc mừng đám cưới đặng uống cho thật say và về nhà lúc trời đã tối mịt, lồm cồm để Sương đỡ vào giường rồi lại lăn ra ngủ, bỏ mặc Sương nằm đó nhìn tôi, lòng đầy thắc mắc và buồn bã. Cho tới tận gần một tuần sau, Sương nhất định gặp tôi cho bằng được để nói chuyện lúc tôi còn tỉnh táo. Ngồi đối diện, nhìn tôi thật lâu, Sương khóc nức nở, nước mắt rơi lã chã ướt cả khuôn mặt.
- Em... em xin lỗi mình, em không biết bản thân đã làm gì sai, em thật sự không biết, nhưng nếu có, mong mình bỏ qua cho em. Xin mình đừng giận, đừng buồn rồi lạnh nhạt với em như vậy.
- Mình có làm gì sai đâu, tôi nào dám giận hờn trách mắng gì mình. Mình đừng khóc nữa.
- Em không làm sai, vậy tại sao mình không muốn gần gũi em. Ta đã là vợ chồng hơn tuần nay... nhưng... nhưng chưa lần nào... chưa đêm nào, em được gần gũi mình thực sự.
- Tôi... chuyện này tôi...
- Mình như thế nào, có chuyện gì mình cứ nói em biết, đặng vợ chồng cùng nhau tính toán? Chứ mấy ngày nay, ngày nào em cũng nằm nhìn mình quay lưng vào tường mà ngủ. Em buồn lắm, lại suy nghĩ linh tinh. Em sợ... cứ đà này, em điên mất.
- Mình đừng như vậy, tôi... có lỗi, tôi là người có lỗi với mình... để tôi, để tôi nói mình nghe. Tôi không thể thực hiện cái chuyện di truyền nòi giống ấy được.
- Mình nói vậy là sao?
- Tôi... bị bất lực.
Phải! Tôi bị bất lực, tôi không thể làm chồng một cách đúng nghĩa, không thể nối dòng nối dõi gì được hết. Từ lúc mười tám đôi mươi, tôi đã nhận ra khúc thịt thừa bên dưới của mình vốn chẳng chịu nghe lời chủ nhân, nhưng phần vì ngại, phần vì nhà ai cũng có chuyện riêng mà xa cách, nên tôi chẳng biết tỏ cùng ai. Cứ đinh ninh rằng tự khắc thời gian rồi sẽ hết. Ngờ đâu đến nay vẫn chẳng khá gì hơn. Có lần đọc nhật trình, có mục phòng y khoa gì đó, người ta hỏi ra mới biết chứng ấy gọi là bất lực, trên bảo dưới không nghe. Tôi đã đi chạy chữa nhiều ông thầy Tàu, thầy Tây, uống đủ cả pín hổ đến sừng hươu, nhưng vẫn chẳng thể nào bảo nó ngóc đầu lên nhìn đời được. Một thằng đàn ông, nội cái việc tưởng chừng như đơn giản ấy cũng không làm cho ra hồn, nhục nào bằng?
- Mình bị như vậy lâu chưa?
- Từ khi tôi mới lớn.
- Vậy tại sao... tại sao mình còn cưới em về làm chi?
- Vì ba muốn tôi lấy mình, vì anh hai, anh ba cũng thúc giục.
- Vậy mấy người đó muốn mình chết mình cũng chết sao?
- Không, Sương ơi, tôi lấy mình thật sự tôi thương mình, muốn mình bên tôi, muốn được chăm sóc, lo lắng cho mình, nhưng chỉ duy có chuyện đó... thật sự tôi xin lỗi mình.
- Mình...
Sương bỏ lửng câu nói rồi đi ra ngoài...
***
Một thời gian sau, quan hệ của tôi và Sương trở nên khá hơn. Sương không còn quá nặng lòng về chuyện của tôi. Trước mặt mọi người, chúng tôi vẫn là đôi vợ chồng son khắng khít, vẫn lo lắng, chăm sóc cho nhau rất cẩn thận. Nhưng còn trong chuyện gối chăn thì vẫn còn lơ lửng, không có gì xa hơn ngoài những nụ hôn, những cái ôm siết chặt. Người biết chuyện này, sau này còn có anh ba. Tôi chỉ tâm sự cho anh biết vì tôi tin tưởng và đối với anh tôi không cần giữ sĩ diện như đối với những người thân khác. Thời gian đầu, anh ba dẫn tôi đi khám các docteur Tây phương, mua cả những viên thuốc nghe nói quý giá vô cùng và cực kỳ hiệu nghiệm trong mấy chuyện này. Nhưng uống bao nhiêu thì cũng cứ lặt lìa như vậy, tôi cản anh ba do tốn tiền tốn của nhiều quá mà kết quả chẳng được bao nhiêu.
- Chuyện đã vậy, thì từ nay mày càng phải yêu thương chăm sóc cho con Sương nhiều hơn để bù đắp cho nó.
- Hay là... em để Sương về nhà, đặng mà còn lấy người khác.
- Nếu làm được như vậy, tao đã để chị ba mày về nhà từ lâu rồi. Đâu phải mày không biết con gái lấy chồng mà bị trả về thì coi như là hết đời, đâu thể lấy ai được nữa.
Vậy là Sương tiếp tục ở lại làm vợ tôi. Thấm thoát mấy năm trời. Thời gian gần đây thấy tôi ở nhà nhiều hơn, có lúc còn ra tiệm, nhiều khi lén lút quan sát anh hai, chị ba, Sương thắc mắc.
- Dạo này, em mừng vì thấy mình ở nhà thường xuyên hơn. Nhưng mà sao em thấy mình có vẻ như đang rình rập gì đó, lúc nào nhìn mình cũng căng thẳng, lo lắng, có chuyện gì không?
Tôi trấn an Sương, bảo em đừng lo lắng vì chỉ là chuyện vặt vãnh. Việc này chưa tra ra rõ ràng thì không nên cho nhiều người biết.
Ngoài vợ tôi ra, thằng út cũng nhận thấy sự thay đổi của tôi.
- Dạo này, em thấy anh tư ít đi chơi hơn, thường xuyên ở nhà, lại có ra lo công việc ngoài tiệm, ba biết chắc là vui lắm.
- Đi đánh bài hoài cũng chán, đâu phải lúc nào cũng ăn người ta, nhiều khi thua, nản lắm. Còn công việc là của gia đình, anh cũng là người trong nhà, không ra phụ thì coi sao đặng.
- Dạ, anh tư nói phải. Phải chi bây giờ anh ba còn tỉnh táo ở nhà, thì anh em mình chắc sẽ không xa cách như trước nay.
Thằng út là một người có tình cảm. Nhưng đáng tội, từ khi lọt lòng đã không được má chăm sóc, lại cũng không được ba thương như ba anh em chúng tôi. Vì khi nó ra đời, công việc hiệu buôn bắt đầu phát triển mạnh, thế nên ba suốt ngày chỉ biết lo làm, không thể trông nom nó được. Kể ra, nó cũng là một đứa bất hạnh như tôi.
Từ khi biết mình không được khỏe mạnh như bao người đàn ông khác, tôi thấy cuộc đời chỉ toàn một màu đen. Giờ mới thấy ông trời đúng thật công bằng, chẳng cho ai tất cả những gì sung sướng. Tôi sanh ra trong một gia đình giàu có, cứ tưởng cả đời sẽ an nhàn hưởng thụ, nào ngờ lại mắc chứng bệnh nhục nhã kia.
Chuyện bài bạc, ban đầu chỉ là tôi muốn thử coi thời vận của mình có khá hay không sau bao nhiêu chuyện xui rủi đã gặp. Đánh dần rồi thành nghiện lúc nào mà không hay. Cầm bộ bài trên tay, vốn dĩ bao nhiêu con thì đã được định sẵn, cũng như cuộc đời con người sanh ra đã có sẵn một số phận. Thế nhưng cách kết hợp bài, cách đánh bài, công hay thủ sẽ làm cho cục diện ván bài thay đổi. Từ bàn bài, tôi dần nghiệm ra cuộc sống này vốn dĩ cũng giống vậy, tùy cách đối xử của bản thân với những gì mình có mà có thể thay đổi thế cuộc, ảnh hưởng không chỉ bản thân mà còn đến người bên cạnh. Tiếc rằng vẫn chưa có cơ hội áp dụng những điều ấy vào cuộc đời thực.
Sau những gì xảy ra với anh ba, tôi nhất quyết phải tìm ra bí ẩn đằng sau mọi chuyện. Chiều hôm đó, lấy lí do để quên đồ ở hiệu buôn nên tôi mượn chìa khóa của ông trưởng quầy rồi quay lại tiệm. Tôi bắt đầu coi sổ sách và đúng như lời anh ba nói, tất cả đều được tính toán, thu chi rất rõ ràng, chi tiết, không có một sai sót. Đúng là tính anh hai rất kĩ lưỡng, cầu toàn. Dù là việc lớn hay nhỏ cũng không chấp nhận có biến cố.
Tôi coi tới tiếp tới những khoản thu chi trong nhà, thường là do chị ba Nguyệt đảm đương. Cũng không có gì lạ, tiền chợ, cơm nước cho cả nhà, tiền tiêu xài của tôi, anh ba, tiền cho má nhỏ, tiền công của dì Linh, con Sen, thằng Tâm, thằng Tài, cô Lan. Vậy thì đâu có nguyên nhân gì mà anh hai lại không cho người ta biết được. Tôi đóng mớ sổ sách lại rồi đi về, trong đầu miên man suy nghĩ về chuyện này. Vậy thì chỉ còn một lý do duy nhất, có thể anh hai và chị ba bị con Sen phát hiện ra mối quan hệ lén lút, mờ ám của mình nên mới ra tay hãm hại, rồi thừa gió đẩy thuyền, tìm cách đẩy anh ba ra khỏi căn nhà này đặng mà dễ bề bên nhau. Chỉ nghĩ đến mà lòng tôi đã thấy kinh tởm, việc này, chắc không thể nào là sự thật được.
Bữa cơm tối hôm đó, chúng tôi nhận được một tin mới từ anh hai.
- Chiều hôm nay, docteur trên nhà thương Biên Hòa đánh dây thép báo tôi biết về bệnh tình của thằng ba. Tin vui là hiện nay, nó đã khá hơn, mặc dù chưa thể tỉnh táo hoàn toàn, nhưng không còn la lối như trước. Tôi định ngày mai hay ngày mốt sẽ lên thăm thằng ba, ai muốn đi cùng thì báo đặng sắp xếp.
Lạy trời Phật, vậy là anh ba đã khỏe hơn. Tôi sẽ nhân cơ hội này hỏi thử xem anh có còn nhớ điều gì không.
***
Sáng ngày hôm sau, cậu hai, mợ ba, cậu út và cô Lan lên xe đi thăm cậu ba. Cậu tư lấy lý do mệt trong người nên ở lại nhà, sẵn tiện canh nhà khi mọi người đã đi vắng. Lúc đầu, cậu tư cũng định bụng muốn đi cùng, nhưng nghĩ lại, có cậu hai, mợ ba và nhiều người ở đó thì không thể nào nói chuyện riêng với cậu ba được, mà cậu tư thì có rất nhiều chuyện để hỏi cậu ba. Thêm vào đó, lâu lâu mới có một ngày cả gia đình đi vắng, đây là cơ hội tốt nhất cho cậu tư tìm hiểu về cái chết của Sen.
Lúc này nhà rất trống trải, thằng Tài phải cầm bánh chở mọi người đi, mợ tư thì đi chợ phụ bà Linh lo cơm nước, thằng Tâm đang lo công việc dưới nhà, ông Thành vẫn ở trong phòng như thường ngày còn bà nhỏ đã đi ăn chơi ở đâu không rõ. Cậu tư theo cảm tính, vào phòng cậu hai Nhân đầu tiên đặng tìm hiểu. Sau khi cẩn thận đóng cửa phòng lại, cậu tư bắt đầu lục lọi tủ, giường, bàn làm việc, nhưng tất cả đều không có gì đáng chú ý ngoài những giấy tờ như cậu tư đã thấy ngoài tiệm.
Đang thất vọng vì không tìm ra được gì lạ, cũng hoang mang chẳng biết mình có nghi ngờ sai không, cậu tư định bước ra khỏi phòng, thì vô tình vấp chân vào tấm thảm ngay cửa. Tấm thảm trượt qua một bên, để hé lộ nền nhà bên dưới. Cậu tư ngồi xuống, định kéo tấm thảm lại chỗ cũ, tránh cho cậu hai biết phòng mình có người vào lục lọi thì giật mình phát hiện ra một ô gạch dưới tấm thảm có dấu hiệu lạ. Nó hơi khác với những ô gạch kế bên vì nằm vênh lên, nhìn như không bám vào nền đất. Cậu tư ngồi xuống, đưa tay nâng viên gạch đó lên coi sao. Đúng là viên gạch chỉ là ngụy trang.
Cậu tư gần như không thể tin vào mắt mình. Dưới ô gạch kia là một hốc nhỏ vuông vắn, bên trong chứa bộ sườn xám màu trắng tinh, cậu tư từ từ cầm bộ sườn xám lên coi và thấy có vật bên trong nó rơi ra, là một cây trâm ngọc có khắc ba chữ Lý Lệ Dung trên thân.
Tại sao những thứ này có trong phòng cậu hai, vậy chẳng khác nào bấy lâu nay chính cậu hai là người giả ma giả quỷ trong nhà này. Nếu bây giờ làm lớn chuyện lên, hỏi cậu hai cho ra lẽ thì lại không được. Chỉ với một bộ đồ trắng trong phòng ngủ, không thể nói lên điều gì cả. Bất quá, cậu hai nói rằng đây là kỷ vật để nhớ về má thì cũng như không. Hiện tại, phải tạm để yên chờ kiếm thêm manh mối rồi tính tiếp. Cậu tư đặt mọi thứ lại chỗ cũ xong thì xuống nhà dưới, coi như không có chuyện gì xảy ra.
Chiều hôm đó, mọi người đi thăm cậu ba về, trong bữa cơm chiều cậu Tư lên tiếng hỏi:
- Anh ba sao rồi anh hai?
- Nó cũng có khá hơn, bớt la hét, nhưng mà vẫn còn ngơ ngơ ngẩn ngẩn, vẫn chưa bình thường như trước được.
- Vậy có nhận ra mọi người không?
- Nó nhận ra tao, biết kêu anh hai, nhưng mà chỉ thế thôi, hỏi mấy chuyện khác thì cũng không biết.
Cậu tư chỉ cần biết như thế là đủ.
Vài ngày sau, cậu tư âm thầm đón xe lên Biên Hòa thăm anh ba. Bước vào nhà thương điên, nhìn thấy người nào cũng dở tỉnh dở dại, nói cười ngẩn ngơ, cậu tư thấy đau lòng. Không lẽ cậu ba phải sống cùng những người này hay sao?
Cũng may nhờ có sức mạnh của đồng tiền, cậu ba được đặc cách ở trong một phòng riêng biệt, có nữ y tá chăm sóc riêng, không phải sống trong những căn phòng vừa ngột ngạt, nóng bức như những người kia. Vừa nhìn thấy cậu ba, cậu tư đã rơi nước mắt. Mới bữa nào cậu ba Lễ nhà ông Thành hào hoa là vậy, mà hôm nay lại ốm yếu, xanh xao, ngồi ngẩn người nhìn ra song sắt cửa sổ trong bộ đồ màu xanh của bệnh viện. Cậu tư ngồi xuống nói chuyện.
- Anh ba, anh ba nhớ em không?
- Mày là...
- Em là Nghĩa, là em của anh ba đây.
- Ờ... Nghĩa, thằng Nghĩa mê đánh bài, có vợ mà không được vui...
Cậu nói được một câu rồi nhoẻn miệng cười vô hồn. Cậu tư nghe được vậy thì lấy làm mừng, vì ít ra anh ba cũng còn nhớ được mình là ai.
- Anh ba nhớ được vậy em mừng quá. Còn ba... anh ba có nhớ ba không?
- Ba tôi là ông Thành, ba giàu lắm... mà khó khăn lắm. Ba không cho cưới Sen, không cho nhận con.
- Cái gì? Anh ba muốn cưới Sen, nhận con là sao?
- Không... không nói... bí mật! - Cậu ba nói rồi vụt vào góc giường, đưa hai tay bịt chặt miệng mình lại.
Cậu tư vừa nghe thoáng qua, đã hiểu lờ mờ về chuyện của cậu ba và con Sen, nhưng biết nếu cố gặng hỏi sẽ chẳng được, nên đành hỏi qua chuyện khác.
- Vì vậy mà anh ba ghét ba phải không? Nên không cho ba lại gần.
- Ba ghê lắm... ba có mùi... ba có mùi ghê lắm.
- Mùi gì? Ba có mùi gì? - Cậu tư nôn nóng hỏi.
- Mùi... - Cậu ba nói nhỏ, lí nhí trong miệng đến mức cậu tư phải lên giường, tới sát bên mới nghe được. - Ba có mùi của ma... ghê lắm!
Nói rồi cậu ba cầm lấy cái mền, trùm cả người lại rồi tiếp tục lảm nhảm:
- Ba có mùi của ma... đừng giết Sen, đừng giết con tôi...
***
Khi ra về, cậu tư cố ý ghé qua chỗ docteur Phong đặng hỏi thăm bệnh tình anh mình, sẵn tiện nói luôn những thắc mắc.
- Ông Phong cho tôi hỏi. Vì sao có nhiều người bị điên, quên đi tất cả mọi chuyện, nhưng khi ngửi thấy một mùi gì đó lại nhớ và sợ hãi?
- Trường hợp này tôi đã thấy nhiều. Trong y học giải thích là do khứu giác của người ta vốn nhạy cảm hơn thị giác và thính giác rất nhiều lần. Nếu như trong một hoàn cảnh nào đó đặc biệt ấn tượng, người ta ngửi thấy một mùi hương đáng nhớ, thì sau này, khi ngửi lại mùi đó một lần nữa thì lập tức những hình ảnh và sự kiện kia sẽ tái hiện lại trong đầu. Nhất là với những bệnh nhân tâm thần, trí nhớ của họ vốn đã bị xáo trộn rất nhiều nên phải nhờ đến những giác quan khác nhau để kích thích.
Nói vậy là đêm đó, khi xảy ra chuyện, cậu ba đã ngửi thấy mùi gì đó, mà mùi đó lại có trên người ông Thành, nên khi gặp ông cậu mới sợ hãi và có phản ứng. Nhưng, nếu như theo những gì cậu tư nghĩ, thì người giả ma trong nhà chính là cậu hai. Vậy tại sao mùi trên người cậu hai lại giống mùi của ông Thành?
Tối đó về nhà, cậu tư có gắng đi gần cậu hai để ngửi thử xem có mùi gì đặc biệt không? Tuy nhiên cũng chỉ là mùi của một người đàn ông bình thường, không có gì đặc biệt để đáng nhớ.
***
Trưa hôm sau, canh khi mọi người đi làm, cậu tư vào phòng ông Thành. Cậu gõ cửa vài bận nhưng không có tiếng trả lời, thế là mở nhẹ cửa phòng rồi bước vào. Cũng như mọi lần lên thăm ba, xộc vào mũi cậu là mùi nhang trầm ngào ngạt. Cậu tư thấy ông Thành đang nằm trên giường, hình như ông đang ngủ trưa.
Cậu rón rén bước lại gần ông, ngồi xuống cạnh giường, kê sát mũi ngửi thử. Nhưng ngoài mùi nhang trầm ra, cậu không thể ngửi được mùi hương nào khác. Có lẽ do sống trong phòng này suốt, nên mùi nhang kia đã bám vào quần áo và cơ thể ông.
Thấy không còn gì để tìm hiểu, cậu tư định bỏ ra ngoài, nhưng trước khi đứng dậy, cậu thấy dưới gối ông có một vật gì đó ló ra. Hình như là một cuốn sách hay một cuốn sổ, cậu liền nhẹ nhàng rút vật đó ra, rồi khẽ khàng về phòng mình đọc.
Đó là một cuốn sổ bìa da, trông đã rất cũ kĩ. Cuốn sổ khá dày, bìa bằng da nâu và một phần trên bìa đã sờn mòn đi nhiều theo năm tháng. Giấy bên trong đã ố vàng, những tuồng chữ chạy dài khắp các trang giấy, nét chữ đẹp đẽ, ngay ngắn.
Ngay trang đầu được viết nắn nót ba chữ: Lý Lệ Dung.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro