nghệ thuật hậu hiện đại

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nhà của Lisa khoan thai nằm giữa đồng cỏ xanh rì. Tường gạch vốn đã lổ chổ màu nâu sữa và trắng ngà từ ngày mới xây cất. Mái lợp ngói chưa từng là màu đỏ. Những cây bách Địa Trung Hải mọc quanh nhà – tuân theo một trật tự ngẫu nhiên nào đó của Jisoo – như những cây kiếm bằng rêu cắm trước toà thành của thần biển. Một bộ bàn ghế nhu mì cố tình được đặt dưới bóng râm trong vườn. Vài khóm hoa loa kèn mà nàng trồng từ hồi sự sống trong nàng còn đầy. Mọi thứ vẫn mang sự mới toanh của lần cuối được lau chùi, chỉ có nàng – chỉ có hình bóng nàng, cơ thể nàng, trái tim nàng – là không thể kì cọ hay xoá đi. Nàng vẫn ở đây, vô hình trong vách tường và hữu hình trong tiềm thức. Tình yêu của ả, báu vật của ả, vẫn im lìm ở nơi này.

Giày của ả đẫm đất và cát. Trước khi vào cửa, ả ra ngoài vườn và dốc ngược đôi bốt xuống. Ả kẹp hai ống giày bằng ba ngón tay, giũ giũ và lắc lắc giày như một con chó vẫn hay làm với bộ lông ướt sũng của nó. Nếu là vài năm trước, ả sẽ phải ôm đồm một thùng những lời trách cứ từ nàng – thứ còn nặng hơn cái ba lô đựng đá trên lưng – vào mấy bữa nàng thì đang khó ở vì nêm nhầm đường thành muối, còn ả thì quên thực hiện cái nghi thức giũ giày trước khi vào nhà, và nàng phát điên – điều đáng sợ nhất, vì nàng phát điên kiểu thời sự và lịch sử:

- Này, Lisa có phải là bão cát đến từ nước Nga không? Vì sàn nhà của em bây giờ chả khác gì Na Uy năm sáu mươi chín cả! [1]

Nhưng một loáng sau sẽ lại thấy Jisoo ngồi sau nhà giặt giũ đôi giày bão táp, rồi nàng lại khoan dung thứ tha cho Lisa theo cái cách cổ truyền: giúp nàng dọn dẹp Na Uy và chùi sạch nhọc nhằn cả ngày trên môi nàng. Còn giờ đây, Na Uy có bẩn cách mấy cũng chẳng ai nhiếc móc hay vòi vĩnh một nụ hôn quên trời quên đất nữa.

Ả đi một mạch xuống bếp và làm nhanh một cốc cà phê, trước khi lăn quay ra đất. Trái múi giờ khiến cả người ả ung thối mùi thiếu ngủ. Đôi mắt sâu hoắm vì luôn chứa đầy caffein và dường như lúc nào ả cũng trong trạng thái bù xù – không phải ở vẻ bề ngoài. Ả chải chuốt, rất nữa là đằng khác, về diện mạo lẫn cốt cách của mình, nhưng từ ngày ả mất nàng, bên trong ả, bộ não ả, luôn lộn xộn và không theo lề lối, và sự chểnh mảng đó vò xé ả mỗi ngày. Bộ máy trung ương của ả rối tung, rồi ả trở nên bức bối và cáu bẳn. Ả tin rằng ả quá ám ảnh với cơ thể của Jisoo – nỗi ám ảnh trong ả vốn tạo ra những tiếng dội hung hãn hơn người ta – và chuyện chăn gối giờ lại thiếu nàng. Ở độ tuổi này, con mái già như ả không mong gì ngoài một nhân tình nhí là nàng.

Lisa thả mình xuống cái trường kỷ bọc vải nhung khiến nó, mạnh bạo và hục hặc, thở dài. Đây là vị trí yêu thích của ả trong nhà, và ả có lý do riêng: Jisoo thường ngồi ở chỗ này với đôi chân trần vắt chéo, hoặc Những người phụ nữ nhỏ bé, hoặc Trần trụi với văn chương, sẽ thay phiên nhau trải trên đùi nàng – đôi lúc là cuốn ca-ta-lô nội thất; hay vì những lần, ả thấy sung sướng vô ngần khi nàng và ả đều ngồi đây, khi nàng gối đầu lên đùi ả, khi những lọn tóc đen vương tán loạn và thật khó để không xoa, không vuốt ve sự ngây ngô ấy, rồi bàn tay thiếu thốn – bàn tay mà không ngờ rằng sẽ thiếu nàng mãi mãi – sẽ ham thích việc mân mê bắp tay loang loáng những lông tơ ngắn cũn của nàng.

Trên chiếc ghế dài gần 7 feet ấy là những cái hôn mặn nồng ban trưa, hằn sâu dăm ba lần mười ngón tay ghì siết, hàng thế kỷ say sưa tình ái trôi đi; ả tìm được cả cuộc đời hữu hạn. Trên đệm nhung ký ức, nàng nằm nghiêng, tay chống cho đầu gác lên, tay vắt lên hông, chẳng mặc gì ngoài chiếc nhẫn cưới, gương mặt chia làm hai nửa: thẹn thùng và hạnh phúc, nhẫn nại làm mẫu vẽ cho người bạn đồng sàng Lalisa (kẻ luôn nghiêm nghị với tranh và cọ). Viễn cảnh thần tiên ấy, hơn cả giấc mơ đồi trụy, vẫn trường tồn trong trí nhớ của ả, trong chiếc trường kỷ; và tới tận mùa hè của nhiều năm sau, vẫn huyền diệu trong khung tranh phóng đại trên tường – đối diện nơi ả đang góa bụa.

Bức tranh nằm ngay tiêu điểm của nỗi nhớ. Bên dưới bức tranh, một tủ gỗ với toàn những quyển sách mập mạp giấy trắng trong lòng; trên nóc tủ dàn một hàng khung ảnh hình bầu dục, hình chữ nhật đứng – cũng trưng theo tư duy nghệ thuật uyên bác của nàng – lồng đầy kỉ niệm tĩnh lặng; và ở đuôi tủ đặt một bàn tay bằng tượng thạch cao, với tư thế như lúc Chúa chỉ về Adam trên trần nhà nguyện Sistina: ngón trỏ và ngón cái nôn nao chĩa lên bức tranh trong khi ba ngón còn lại ung dung rũ xuống. Nó được đúc theo bàn tay mặt của nàng; tay trái có thể được bắt gặp ở quầy bar con. Những bộ phận khác bằng thạch cao và đất nung nằm khắp ngôi nhà, như một cách lăng xê nỗi rung động cháy bỏng của ả với nàng và cơ thể nàng, để ả được ngọt ngào phô trương rằng:

- Không chỉ mỗi trái tim của tôi, linh hồn của tôi, xác thịt của tôi thôi đâu, Jisoo ạ. Em thống ngự cả mái ấm của chúng ta.

Điều này cũng không có ai, và không một ai có quyền hạn, được phỉ nhổ hay gán cho Lisa cái danh màu mè, vì đây vốn là khởi nguồn, là nguồn cội của ả – một hoạ sĩ và một nhà điêu khắc. Vào những buổi sơ khai của sự nghiệp, Lalisa Massera chỉ là một tay mơ chật vật trong giới hội hoạ, là kẻ chưa đủ điên để đám phê bình nghệ thuật láo toét gào tên trên tờ Thời báo New York. Các tác phẩm của ả bị cho là thiếu thứ gì đó, nhưng tới tận năm 1986, khi nữ danh hoạ người Mỹ gốc Ý chiêu đãi toàn thế giới bức tranh Người Sicily – vẽ một thiếu nữ non choẹt bằng nét cọ đa tình, mà qua vài tít báo giật gân thì cô ta chính là người trong mộng của ả – Lisa mới biết rằng thứ bị thiếu đó là hồn thiêng, là cái có thể sống.

Nhân loại chẳng còn mặn mà với những công trình bị vẩy màu tung toé, những phong cảnh chết, những bức hoạ ăn theo kỷ nguyên Nghệ thuật hiện đại. Thị trường hội hoạ khi ấy đòi hỏi một sự đổi mới trong cái thời đại không có lấy một ma nào tạo được tiếng vang, trong cái không khí tẻ nhạt từ lúc Trường phái nghệ thuật nhận thức chấm dứt. Nhờ sự chín mùi trong nắm bắt cường độ màu sắc, các đài radio và trang đầu của mọi tờ báo đã tán tụng ả như người dẫn đầu của Nghệ thuật hậu hiện đại; cả địa cầu năm ả hai mươi sáu tuổi hoàn toàn chìm vào cơn mê váng vất của nhận thức thị giác. Bằng lòng biết ơn, ả luôn trả lời phỏng vấn rằng ả chỉ là người thổi phồng cơn mê ấy đi, còn bóng hồng khiến cơn mê nở rộ là cô gái trong bức tranh – nàng thơ hồng rực mười sáu tuổi, con nuôi của biên đạo múa Jennie Kim – Jisoo Kim.

Vì đã từng học y, Lisa cột chân mình lại ở đại học Harvard với nghề nhà giáo, và coi nó như phương án thứ hai của cuộc đời để kiếm thêm chút xu lẻ (vẫn không quan tâm rằng cái nghề tay trái này phải làm việc suốt chín tháng), dù nguồn thu nhập chính cực kỳ hậu hĩnh là từ cái bảo tàng của riêng ả ở Toscana. Ả vẫn tận tụy với nghệ thuật vào bất cứ thời gian rảnh nào ả có; đối với ả: nghệ thuật chính là Jisoo. Dẫu nàng có đen tuyền vì tội lỗi hay trắng bợt không màu sắc, nàng luôn sáng bừng đến lạ. Nàng sống động như một thực thể trong thiên hà, như nàng hằng mơ ước – nàng là một ngôi sao chết.

Và hồn thiêng của ả chết cùng với ngôi sao ấy. Nghệ thuật của ả chết theo nàng.

---

[1] Năm 1969, bão cát đã đưa đất đá và bụi từ Nga sang tận Na Uy.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro