Mùa dã quỳ năm ấy 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1

Chiếc xe Thành Bưởi dán chi chít hình Pikachu vàng tươi lăn bánh mang tôi rời khỏi Sài Gòn ồn ào náo nhiệt. Đây là nơi tôi sinh ra và lớn lên, là nơi tôi dự định sẽ gắn bó cả cuộc đời. Người ta hay nói Sài Gòn hoa lệ, hoa cho người giàu và lệ cho người nghèo. Tôi tuy không nứt đố đổ vách cũng chẳng thiếu thốn bần cùng, nhưng bản thân đã từng không ít lần cầm hoa lẫn rơi lệ. Có điều chưa khi nào nghĩ một ngày sẽ chán chường Sài Gòn, sẽ mệt mỏi đến không thở nổi bởi bầu không khí đặc quánh mùi khói bụi, mùi mồ hôi và nước mắt biết bao người đổ xuống để đổi lấy một tương lai họ tin rằng tốt đẹp. Vậy mà ngày ấy lại đến, còn đến bằng một cách như giọt nước làm tràn ly, dồn nén nổ tung tựa trái bom hẹn giờ, ép tôi tống vội vài ba bộ quần áo vào cái balo du lịch màu đen, vớ lấy chiếc điện thoại đã tắt nguồn rồi phi ra bến xe đặt ngay một vé giường nằm đi Đà Lạt vào giữa đêm đông, dầu cho mùa đông Sài Gòn chả mấy khi lạnh đến mức đáng gọi là mùa đông.

Tôi - Lý Đông Hách - năm đó vừa tốt nghiệp khoa báo chí trường nhân văn sau ba năm rưỡi mài đũng quần đã lập tức chuyển hướng cái rụp sang học làm phim. Cơ duyên cũng xuất phát từ hôm thầy dạy môn ảnh báo chí mời vị đạo diễn phim nổi tiếng đến thỉnh giảng. Tôi như bị hút hồn bởi những điều ông nói, cảm thấy nếu thực sự có thể thông qua từng cảnh quay, từng góc máy, từng chi tiết nhỏ nhặt nhất tạo nên một kiệt tác thì thật sự rất đáng để thử. Gần ba tháng mày mò, cuối cùng tôi cũng thành công xin được một suất học khóa Film and Media production của Sheffield Hallam University ở Vương Quốc Anh với thời gian hai năm. Khăn gói đến nơi đất khách quê người, tôi bắt đầu theo đuổi lý tưởng cao đẹp. Vừa học vừa làm vừa không quên khám phá xứ sở sương mù, tuổi trẻ của tôi khi ấy tuy vất vả nhưng luôn lấp lánh ánh sáng tự do và mộng tưởng. Ừ thì, có một tuổi trẻ như vậy cũng thật đáng.

Mang trong mình hoài bão sẽ cải tổ và đưa nền điện ảnh nước nhà lên một tầm cao mới, tôi siêng năng chưa từng thấy. Ngán ngấy việc phải nghe người này kẻ nọ dè bỉu rằng phim nước ta dở tệ, diễn viên đóng đơ như khúc gỗ, lời thoại phi thực tế đến phát bực. Không quản khó khăn ngăn sông cách núi, tôi lao vào học hỏi tìm tòi nơi xứ người, muốn tự tay làm nên một bộ phim thành công rực rỡ người người nhà nhà công nhận. Cầm tấm bằng loại ưu, cộng với tuổi trẻ tràn đầy tự tin nhiệt huyết đi xin việc, tôi chẳng thể ngờ ngay lập tức đã bị hiện thực nghiệt ngã không nhân nhượng vả bôm bốp thẳng vào mặt. Hai mươi tư tuổi lao vào chốn phim trường nước nhà bằng trái tim đơn thuần, tôi bị vùi dập tới mức chẳng thể ngóc đầu lên được. Lương thấp, ganh ghét, tị nạnh, luật ngầm, thậm chí cả yêu cầu trao đổi thân xác nhận lấy công việc tôi đều từng đối mặt cả. Với bản tính một là một hai là hai, tôi tất nhiên không chịu khuất phục trước thói đời cá lớn nuốt cá bé, vậy nên không ít lần làm mất lòng kẻ này kẻ nọ rồi bị ghi thù chuốc hận. Mãi cho đến khi gặp được người anh thân thiết Hoàng Quán Hanh thì sự nghiệp tối như hũ nút của tôi mới khởi sắc đôi chút.

Bạn bè đồng nghiệp thân thiết thường gọi anh bằng cái tên thân thương - Hanh Khô. Con người anh là đại diện hùng hồn nhất cho câu nói 'sự thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập'. Trước khi gặp anh, tôi không tài nào tưởng tượng được nhân loại có thể sản sinh ra một thực thể cao siêu đến vậy. Anh Hanh đẹp lắm, sở hữu khuôn mặt như vị hoàng tử của Disney, tôi xin thề mấy nàng công chúa mà gặp ảnh sẽ đều đổ đứ đừ hết cho coi. Nhưng đúng là đời cho ta thứ này lại lấy của ta thứ khác. Ngày Thượng Đế tạo ra ảnh, chắc Ngài mải mê nhào nặn một kiệt tác mà quên mất tờ giấy hướng dẫn sử dụng nhan sắc. Bởi vậy thế gian mới xuất hiện một Hoàng Quán Hanh nếu không làm đạo diễn phim truyền hình thì chắc chắn sẽ trở thành nghệ sĩ hài tầm cỡ quốc tế. Tất cả các bộ phận xinh đẹp trên khuôn mặt đều được anh mang ra làm meme hết thảy chẳng chút kiêng dè. Đã thế lúc làm việc nghiêm túc bao nhiêu, lúc ăn nhậu sẽ lầy lội bấy nhiêu như cố bù cho cân bằng tính cách cầu toàn với từng cảnh quay. Có lẽ chính vì vậy mà những ai từng hợp tác cùng đều rất quý anh, người anh lớn vừa có tâm vừa có tầm trong giới nghệ thuật. Anh đã giúp đỡ tôi rất nhiều, bảo với tư cách người đi trước từng trải qua hết những đắng cay bất công, anh hiểu và thông cảm cho lứa đàn em, không ngại ra mặt bênh vực tôi trước mấy kẻ ỷ quyền làm xằng làm bậy.

Bây giờ tôi hai mươi sáu tuổi, nghe lời anh Hanh chuyển hướng sang làm biên kịch. Công việc khá ổn định, tuy chưa mua được nhà sang xe xịn nhưng ít ra không phải ăn bám ba mẹ từng bữa như đứa bất tài vô dụng, tôi tự coi đó là thành công bước đầu. Lý tưởng vẫn luôn là ngọn lửa âm ỉ cháy trong tôi, nhưng mãi chưa thể bùng cháy bởi lắm rào cản khó gọi tên. Giống như lần này gặp một tên coi nghệ thuật rẻ rúng hệt đồng tiền của hắn, thêm thắt mấy cảnh nóng mắt thiếu vải không cần thiết vào phần kịch bản tôi viết mà cóc thèm mở miệng báo lại tiếng nào. Lúc tôi biết chuyện thì sự đã rồi, chỉ muốn chạy ngay đến đấm hắn một trận cho hả dạ. May mà anh Hanh kịp ngăn cản, nếu không chắc gã đó đã vào viện còn tôi lên đồn công an ăn bánh uống trà cũng nên. Mẹ nó đời như sh*t, tức giận không có chỗ xả, tôi cuốn gói trốn lên Đà Lạt như thời đại học, muốn tránh xa chốn thị phi mấy hôm cho đầu óc thư thái rồi về làm trâu làm ngựa gì tính sau.


2

Đà Lạt đón tôi bằng màn sương dày đặc vào lúc năm giờ sáng. Homestay tôi đặt sáu giờ mới bắt đầu làm thủ tục nên tôi quyết định sẽ lang thang một chút. Xuống xe ở Phan Bội Châu thật tiện, đi bộ chốc lát dọc theo con dốc sẽ đến quán cà phê Bà Năm, nghe bảo được mở từ đâu đó đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước, còn nhiều tuổi hơn cả ba mẹ tôi. Bà Năm chủ quán cà phê, một người phụ nữ gắn bó với Đà Lạt gần như cả trăm năm, thời gian hóa thành những đường nét chìm nổi trên khuôn mặt và đôi tay gân guốc của bà, chứng nhân cho biết bao đổi thay của thành phố giữa cao nguyên. Thú thật thì tôi chẳng mấy am tường về cà phê, càng không thể uống được cà phê nguyên chất, chí ít cũng phải có chút sữa mới nuốt nổi. Ấy thế mà không hiểu sao tôi lại rất thích cà phê ở đây, phải chăng do bầu không khí nó mang lại. Sớm tinh mơ, một Đà Lạt đong đầy sương mờ ảo, ngồi co ro trên chiếc ghế gỗ thấp lè tè nơi góc quán nhỏ xíu, thở một hơi dài cho làn khói trắng lan vào không gian sang sáng, khép hờ đôi mi nhìn đời qua ly thủy tinh be bé đang nhỏ từng giọt đen tuyền. Thứ cảm xúc mê hoặc ấy, đúng là chỉ có thể tìm thấy ở thành phố buồn mà thôi.

Vẫn như cũ, tôi gọi cà phê sữa, một tay đút sâu trong túi áo khoác mỏng, một tay liên tục miết quanh miệng ly thoang thoảng khói, lâu lâu đưa lên miệng nhâm nhi cảm nhận vị ngọt lẫn đắng chảy qua cuống họng xuống đến dạ dày rỗng không, tạo nên chút cồn cào khó tả. Mặt trời cuối cùng cũng chịu thức giấc, người qua kẻ lại càng lúc càng đông. Dù gì cũng là khu trung tâm, lại còn gần chợ, chả mấy nữa âm thanh thăng trầm trò chuyện của hai ông cụ ngồi bàn kế bên kể về cái thời cách đây mấy chục năm sẽ được thay bằng tiếng xe cộ tấp nập. Sự sôi nổi của Đà Lạt rất khác biệt, có thể ồn ã nhưng tuyệt nhiên không xô bồ, nhịp sống vội vàng trong sự uể oải đã trở thành nét riêng khiến cho bao lữ khách mê mẩn khôn nguôi, tựa như đem lòng si mê cô thiếu nữ mặc áo dài trắng thong dong đạp xe ngang qua ta trong khoảnh khắc tinh khôi nhất, khiến ta mãi lâng lâng đắm chìm.

Uống nốt giọt nâu nóng cuối cùng, tôi thanh toán rồi bắt taxi về homestay do anh Hanh giới thiệu để nhận phòng. Mùa dã quỳ năm ấy là tên homestay. Bây giờ đang đầu tháng mười hai, tôi lên đúng dịp dã quỳ quanh đây nở vàng rực rỡ. Căn nhà một trệt một lầu bé xinh nằm cuối một con dốc nhỏ, cổng ngoài sơn màu thiên thanh có vài mảng bong tróc gỉ sét tạo cảm giác cũ kĩ. Lối đi lót đầy những viên sỏi nhỏ san sát nhau, cỏ dại đôi ba cọng len lỏi mọc giữa khe hở, cố gắng vươn mình hứng từng giọt sương sớm. Chị chủ ra tận đầu hẻm đón tôi vào, hai chị em giới thiệu qua lại rồi vui vẻ vừa trò chuyện vừa thả bộ theo sườn dốc. Thì ra em trai chị trước đây từng du học Canada chung với anh Hanh nên mối quan hệ khá thân thiết. Thảo nào mỗi lần ảnh đi Đà Lạt đều vỗ ngực tự hào được ăn ngủ miễn phí. Phòng tôi thuê ở tầng hai, có cửa sổ nhìn xuống khoảng sân phía trước. Từ trên này phóng tầm mắt sẽ thấy sắc vàng dã quỳ ngập tràn tứ phía, làm tôi không khỏi liên tưởng đến cuốn truyện Trại hoa vàng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, thì ra có thể đẹp đến mức rung động như vậy, tâm tình theo đó tự nhiên tốt hẳn lên. Phòng không quá rộng nhưng có mùi rất dễ chịu, tôi ra sức hít hà mãi mà không tài nào nhớ được đây là mùi gì. Nó quen lắm, thậm chí tôi còn có thể tượng tưởng thứ không màu ấy đang nhảy múa trong không gian, đưa hương bay xa ngàn dặm.

Tròng lên người chiếc áo hoodie màu nâu sẫm cùng chiếc quần trắng tinh tươm là cảm thấy đủ ấm. So với thời du học, giữa cái lạnh cắt da cắt thịt phải thò tay vào nước rửa bát ở nhà hàng làm thêm thì Đà Lạt dù sao cũng dễ chịu hơn nhiều, không cần mặc quá nhiều đồ. Tôi định bụng cuốc bộ ra đầu đường ăn chén bánh mì xíu mại (cũng lại được anh Hanh giới thiệu) sau đó thuê chiếc xe máy tiện rong ruổi. Đà Lạt với tôi nào đâu xa lạ, ngày nhỏ từng dăm ba bận cùng ba mẹ ghé thăm thành phố này. Lớn lên lại có bạn bè chung sở thích, năm nào cũng xách balo kéo nhau phóng xe máy ba trăm cây số tìm chốn ngủ vùi giữa núi rừng. Tôi không có ý định chụp hình sống ảo nên không nhất thiết phải đi đâu đến đâu, chỉ cần nhìn thấy đèo chạy quanh co và thông xanh bạt ngàn là thư thái mãn nguyện.

Hành lang bên ngoài khá hẹp, tôi cúi đầu khóa cửa phòng, vừa quay lại đã đụng trúng một người bước ngang qua, hai quả đầu va nhau cốp một cái đau điếng.

Chúng tôi cùng "a" lên một tiếng, sau đó...

- Xin lỗi!

Lần này cũng lại đồng thanh, một giọng cao một giọng trầm vang lên rồi ngưng đọng trong không khí se se lạnh chút ngượng ngùng.

Người con trai ấy... nói thế nào nhỉ? Có lẽ giống như nỗi nhớ... mà cũng giống như hoài niệm... thực mà vô thực.

Khác với một tác phẩm văn học, từ ngữ sử dụng trong kịch bản phim bắt buộc phải có tính hình tượng cao để bất cứ ai đọc vào đều hình dung được cụ thể bạn đang muốn diễn đạt điều gì. Nói một cách đơn giản hơn thì là phác họa bức tranh đầy đủ bối cảnh, màu sắc, thậm chí cả âm thanh thông qua câu chữ. Và người đối diện tôi ngay lúc này thực sự mang đến cảm giác tựa một kịch bản hoàn hảo, mỗi cử động dù là nhỏ nhất cũng làm đầu tôi nảy lên muôn vàn khung cảnh có thể đặt người ấy vào. Mái tóc đen dày lòa xòa rũ xuống khuôn mặt góc cạnh, chiếc cằm lún phún râu vừa mang nét phong trần, vừa quyến rũ lịch thiệp. Đôi mắt sáng trong veo trái ngược với quầng thâm bên dưới, chắc hẳn đã có một đêm mệt nhoài với thứ bản thân yêu thích. Gò má cao cao, hàng mi dài dài, chân mày cong cong thi nhau hút hết sự chú ý của tôi. Bờ môi vừa vặn hơi khô với những nếp nhăn nằm cạnh nhau đang hé mở bối rối muốn nói gì đó. Người ấy mặc áo len tay dài cổ tròn màu xám nhạt kèm quần jeans bó, đơn giản mà tinh tế. Tổng thể toát lên vẻ đẹp khiến người khác phải thổn thức, phải nhung nhớ, phải quyến luyến không thôi. Hệt vầng sáng màu huyết dụ bao lấy bầu trời buổi xế chiều, dễ dàng gieo rắc vào lòng ta vô vàn xúc cảm êm ái.

- Bạn có sao không?

Đối phương lần nữa lên tiếng, tôi hoàn hồn nhận ra mình nãy giờ vẫn dán mắt trên người người ta. Không tin tưởng vào khả năng ngôn ngữ hiện tại, dù sao tôi viết tốt hơn tôi nói nhiều, nên đành ngậm hột thị lắc đầu mấy cái liên tục. Vừa lúc ấy chị chủ homestay đi lên, thấy hai đứa chúng tôi đứng như trời trồng nhìn nhau chằm chằm, tuy không hiểu mô tê gì nhưng lập tức lên tiếng giới thiệu. Ra người kia tên Lý Minh Hưởng, chính là em trai chị, là bạn du học chung với anh Hanh, hơn tôi bốn tuổi và hiện đang giảng dạy về nhiếp ảnh cho một trường đại học tại Canada đồng thời kiêm luôn nhiếp ảnh gia tự do. Bình thường anh sống ở nước ngoài, lần này xin phép nghỉ một thời gian về thăm nhà.

Nói tới nói lui một hồi, thế quái nào lại thành tôi và anh cùng đi ăn sáng. Cả hai ngồi ở quán vỉa hè đầu con dốc, chỗ này không nổi tiếng như bánh mì xíu mại Hoàng Diệu nhưng ăn được phết, quả nhiên cái nết ẩm thực của anh Hanh thật số dách. Mà theo kinh nghiệm đi du lịch của tôi, mấy chỗ nổi tiếng thường chưa chắc đã ngon. Tôi gọi một phần không chả rồi từ tốn thực hiện loạt thao tác xé chấm nhai. Hình như anh cũng thuộc dạng người kiệm lời, vừa ăn vừa đưa đôi mắt mơ màng nhìn lên bầu trời xanh ngắt, ngoài gọi món cũng chẳng thấy ừ hử gì thêm. Cơn gió thổi ngang qua làm mái tóc chúng tôi tung bay bù xù, tôi không tránh được khẽ rùng một cái, đáng ra chớ nên xem nhẹ mùa đông Đà Lạt. Đang thầm nghĩ lát phải quay lại phòng mặc thêm đồ thì cái áo khoác mới nãy còn vắt ngang trên chân anh đã hạ cánh an toàn xuống vai tôi từ lúc nào.

- Em mặc đi, anh không lạnh.

Èo. Người gì đâu mà dễ thương. Tôi cười ngượng cảm ơn anh rồi luồn tay vào chiếc áo thoang thoảng mùi oải hương ấy. Không biết vì chất liệu bằng dạ hay vì giọng nói trầm ấm kia mà tôi như được sưởi từ trong ra ngoài, cảm giác vô cùng dễ chịu.

Xong chén thứ nhất vẫn thòm thèm, tôi chẳng buồn ngại ngùng nói lớn cô ơi cho con thêm phần nữa. Phía đối diện, tôi thấy môi anh cong lên nụ cười thích thú như vừa nhớ về kỷ niệm xưa cũ, liền đánh bạo hỏi: "Sao vậy ạ?"

"Em đúng đệ tử thằng Hanh rồi đó-" anh trả lời với nụ cười mỗi lúc một mở rộng, "-lần nào đến đây nó cũng phải ăn hai phần."

Đây khen tôi nặng tình sư đồ hay ý tứ chê tôi ăn nhiều? Thôi kệ, cũng không quan trọng lắm, quan trọng là bụng em bé của tôi no đủ hài lòng. Tôi hì hì bảo bởi vì xíu mại ở đây ngon quá, người Sài Gòn như em mấy khi được ăn nên phải tranh thủ. Nghe thấy thế anh cũng gật gù đồng ý, kể rằng ngày nhỏ hay ghé đây ăn sáng trước khi đi học, về sau xa nhà thì nhớ lắm, lần nào trở về cũng ăn lấy ăn để cho thỏa thích mới thôi.

Chúng tôi mỗi người một câu đưa cuộc trò chuyện đi xa tít mù tắp, huyên thiên đến khi ăn xong thì đã biết khối thứ về nhau. Bố anh người Bắc, từ nhỏ theo chân ông bà nội dạt vào Nam, sau đó cưới mẹ anh là người miền trong rồi cả hai dắt nhau lên Đà Lạt lập nghiệp. Thành thử cả chị anh và anh đều được sinh ra, lớn lên ở mảnh đất cao nguyên này. Hồi đó anh học trường chuyên Thăng Long nằm trên đường Trần Phú, gần Nhà thờ Chánh tòa hay còn gọi là Nhà thờ Con Gà nổi tiếng, thường xuyên đi lễ ở đó vào những chiều trong tuần sau giờ tan học. Khi tôi thắc mắc sao không phải thứ Bảy, Chủ nhật cho thong thả, anh với tay gỡ mấy cọng tóc nhuộm màu hồng nhạt lòa xòa trước mắt tôi, mỉm cười giải thích: "Vì đông lắm. Chúa nhật thường anh sẽ đi lễ ở Nhà thờ Thánh Tâm cách trường tầm mấy trăm mét, vắng hơn."

Anh nói bản thân từng đặt chân rất nhiều nơi, ngắm nhìn rất nhiều cảnh sắc nhưng chưa từng có nơi nào mang đến cảm giác bồi hồi xao xuyến bằng những con "đường quanh co quyện gốc thông già" của Đà Lạt. Khi sương xuống, khi thông reo, khi cơn mưa ngàn chạy dọc đồi thông xanh thẫm, mỗi một khung cảnh đều trọn vẹn hoàn mỹ tới nỗi nhiếp ảnh gia như anh phải run rẩy không dám giơ ống kính chụp lại. Bởi anh không đủ tự tin mình có thể lột tả một phần vẻ đẹp ấy, vẻ đẹp nơi anh gắn bó từ lúc mới lọt lòng.

Tôi ngồi nghệt mặt nghe anh kể chuyện mà dường như cảm nhận được anh yêu Đà Lạt đến nhường nào. Nếu Đà Lạt hóa thân trong hình hài con người, có lẽ anh sẽ tôn thờ nhân ảnh ấy không khác tín đồ sùng đạo mấy ngàn năm trước bất chấp hiểm nguy vượt sa mạc bốn bề cồn cát hành hương về vùng Đất Thánh. Tôi cũng yêu Sài Gòn, nhưng nó không giống với cách anh yêu Đà Lạt. Sài Gòn trở thành một phần thân thuộc với tôi như thói quen, còn Đà Lạt ngự trị tại tận trong tâm hồn anh, được nâng niu bảo bọc bằng tất cả tâm ý.

- Có muốn thăm Đà Lạt với anh không?

Chàng trai chốn ngàn hoa hỏi tôi như vậy sau khi giành trả tiền bữa sáng. Được dân bản xứ dắt đi chơi thì còn gì bằng, tôi vui vẻ gật đầu cái rụp rồi nhanh chóng leo lên yên sau chiếc Wave RSX đen đỏ của anh. Vừa đỡ tiền thuê xe, vừa không phải cầm lái, hời thế đời nào tôi chê.

Ban đầu chúng tôi không biết đi đâu, anh chỉ vừa mới về nước, muốn chạy loanh quanh nơi này nơi kia ôn lại kỷ niệm. Tôi không có điểm đến đặc biệt nên chiều theo ý hướng dẫn viên du lịch. Anh lái xe khá chậm, phần vì muốn ngắm nhìn mọi thứ, phần vì sống ở nước ngoài toàn đi ô tô, giờ điều khiển xe máy có đôi chút không quen. Tôi định bảo thế để mình chở mà lại thôi, trông anh có vẻ đang hưởng thụ cảm giác lành lạnh ngòn ngọt lướt qua da thịt, thi vị đến mức tôi không nỡ làm phiền thế giới riêng tư ấy.

Tôi vẫn mặc áo của anh, không phải tôi mặt dày không chịu trả, mà do anh nhất quyết chẳng cho cởi ra.

- Nhiệt độ này ở Canada người ta tắm nước lạnh đấy. Nãy anh thấy em mặc ít nên mới mang theo mà.

Ôi người đàn ông vừa đẹp trai vừa tinh tế này là bạn thân của ông anh Hanh Khô bẩn bựa nhà tôi sao? Khó tin quá!

Anh đã nói đến vậy tôi cũng không đôi co nữa, ngồi yên sau xe hai tay đút sâu trong túi áo ngẩng đầu ngắm mây quay đầu ngắm phố. Đà Lạt toàn dốc là dốc, hết lên lại xuống vòng vòng vo vo khiến tôi như lạc vào xứ sở khác. Tôi nhớ cách người Đà Lạt chỉ đường đặc biệt lắm, đâu mấy năm trước lúc cùng bạn tìm lối vào Cao đẳng Sư phạm, tôi dừng xe lễ phép hỏi một chú lớn tuổi đang thong dong dạo bộ. Chú cười hiền khô, ân cần chỉ tay về phía trước mà rằng: "Cháu đi hết con dốc này, rồi rẽ xuống, sau đó men theo cái hàng rào kẽm gai là tới." Cả đám ngơ ngác mù mịt cảm ơn, lật đật mường tựa đường đi theo lời chú mà ngạc nhiên thay vẫn đến được nơi cần đến. Mọi điều liên quan đến Đà Lạt, dù là đất đỏ phủ hoa dại cũng đều kỳ diệu như thế.

Đây là đường Hùng Vương với những tòa biệt thự sơn màu vàng cũ kỹ gợi nhớ về một Đà Lạt rất xưa, cổ kính và yên bình. Kia là đường Quang Trung, Phù Đổng Thiên Vương vào tháng Ba sẽ ngập tràn hoa ban trắng muốt, cánh hoa rơi đáp nhẹ mái đầu kẻ lại người qua. Đường Trần Quốc Toản ôm trọn hồ mang tên nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương, trồng nào thông, nào hoa chuông, nào mai anh đào, nào đủ loại cây tôi chẳng biết tên, mang trọn xuân sắc một vùng. Xa hơn xíu về phía đèo Prenn, chúng tôi lần lượt đi qua Dinh 2, Dinh 1, đi qua khu Dã Chiến - nơi tập trung cơ man quán cà phê với tầm nhìn xuống thung lũng trải đầy xanh mướt. Thêm tí nữa là đến làng hoa Thái Phiên với nhà lồng trùng trùng điệp điệp, anh bảo buổi tối đứng trên nhìn xuống thấy ánh đèn chiếu sáng lấp lánh xuyên qua màn sương, trông cũng thích mắt. Chúng tôi đánh vòng lớn quanh làng hoa rồi xuôi ra Ngã Năm Đại Học, lần theo đường Bùi Thị Xuân dẫn thẳng về khu Hòa Bình. Lúc ấy vừa vào trưa, mặt trời lên cao nhất và cũng nắng gắt nhất. Anh giải thích cái nắng của cao nguyên hơi khác với nắng ở Sài Gòn, nó dễ làm cháy da cháy thịt hơn cả nên nhắc nhớ tôi nhất định phải bôi kem chống nắng. Thật sự là rất dễ thương luôn đó.

- Mình đi ăn trưa nha, em muốn ăn gì?

Thề bằng cả cái kịch bản đang viết dang dở trong laptop, người đàn ông quá ư chu đáo này làm trái tim chưa một lần biết yêu của tôi không khỏi đập loạn xạ nơi lồng ngực.

"Thế bình thường anh hay ăn gì?" Tôi dùng chất giọng mềm mại hỏi ngược lại anh, dù sao con người tôi cũng rất dễ ăn, cái gì vừa miệng đều không chê bao giờ. Chỉ là giọng nói này... hình như tôi hay dùng đến nó khi nhõng nhẽo. Phải chăng tôi đang vô thức làm nũng với anh?

"Anh thường ăn cơm nhà-" anh vừa trả lời vừa từ tốn quay đầu xe xin sang đường, "-mình về nhà đi, em ăn được hoa thiên lý chứ?"

"Ơ có...!" Tôi hơi ngơ ngác chưa hiểu anh định làm gì.

- Sau nhà có giàn thiên lý, anh xào thịt bò với thiên lý ăn cơm nhé? Dù mùa này hoa không được ngon nhưng chị anh chăm kỹ lắm nên chắc vẫn ổn.

Giữa phố phường ngược xuôi muôn sắc áo, giữa cái lạnh ngọt lịm màu nắng trời, giọng anh vang lên khẽ khàng như nụ hoa bung nở trong sương sớm, lại có thể át đi tiếng gió vun vút mà lọt vào tai tôi, vào tim tôi thành một dải mây trắng tinh mềm mại. Tôi chợt nhớ ra hương thơm quen thuộc sáng nay ngửi thấy trong phòng là gì rồi. Còn chợt nhớ ra chuyện ngày trước, khi mấy đứa bạn thân của tôi có người yêu, tôi hay hỏi chúng nó sự rung động hình thù như thế nào. Đứa thì bảo hỗn loạn như nhịp đập bất thường của trái tim, đứa lại nói ấm áp như ánh mắt ngập tràn hạnh phúc lúc nhìn thấy đối phương, đứa cho rằng ngọt ngào thổn thức như cử chỉ e ấp trao nhau. Còn với riêng tôi, mấy cảm xúc con con đầu đời ấy tựa một phân cảnh với bố cục hoàn hảo, có thiên lý ngát hương nghìn trùng, có dã quỳ sắc vàng rực sáng, có cảm giác lành lạnh vấn vương trên gò má, có cả nụ cười dịu dàng cùng đôi mắt tự tình của ai kia chìm giữa không gian yên bình ngập tiếng thông reo. Lý Đông Hách sau hai mươi sáu năm sống khô cằn sỏi đá cũng đã biết hình dung về rung rinh.


3

Buổi tối anh Hưởng gõ cửa phòng tôi, hỏi ngày mai tôi có rảnh không, dậy sớm cùng anh đi Đồi chè Cầu Đất săn mây. Thời đại học cùng lũ bạn giặc giã nửa đêm phóng chiếc xe máy cà tàng lên Đà Lạt, bốn giờ sáng đến nơi, chúng tôi cũng ham hố chạy xuống Trại Mát tìm chỗ săn mây đón bình minh. Nhưng xui rủi thế nào hôm đó trời đất âm u, mây đen kịt ngự trị tít trên cao không có nhu cầu lả lướt phía dưới với đám sinh viên trẻ người non dạ lại ngông cuồng. Cuối cùng hình đẹp chưa thấy đâu thì mưa đã rơi ngập đầu làm cả người ướt sũng. Giờ nhớ về kỷ niệm đó, tôi vẫn còn thấy run cầm cập.

Cơ mà... lần này sẽ khác nhỉ? Chẳng buồn nghĩ nhiều, tôi đồng ý luôn.

Tầm ba giờ rưỡi sáng chúng tôi xuất phát. Anh mang theo cái balo to đùng đứng nhìn tôi mặc độc một chiếc áo thun trắng trơn kèm áo khoác nâu thì khẽ chau mày. Quay lưng trở ngược lại phòng riêng, anh lấy ra thêm một chiếc áo phao màu vàng tươi cùng khăn choàng cổ bảo tôi quấn vào.

- Lạnh lắm đấy nhá, anh ngồi trước chắn gió nhưng không được chủ quan.

Hình như mặt trời vừa mọc sớm trên mặt tôi thì phải...

Anh nói đúng, bên ngoài thật sự rất lạnh. Lúc cánh cửa nhà mở ra mang theo cơn gió ùa vào, hai hàm răng tôi không tự chủ mà liên tục đánh nhau đến mỏi cả quai hàm. Tiếng xe máy vang lên xé tan sự tĩnh mịch, chúng tôi giống bài hát của chàng nghệ sĩ có nghệ danh Đen Vâu, dường như đang đưa nhau đi trốn. Ánh đèn đường vàng vọt trên cao chiếu xuống bóng dáng chúng tôi im lìm suốt hơn hai mươi cây số, lời anh dặn dò 'nếu lạnh quá thì cứ ôm anh nhé' biến thành túi sưởi ấm bọc trọn vẹn trái tim tôi, làm tôi muốn dựa dẫm vào tấm lưng vững chắc kia quá chừng. Thái dương bận vùi mình trong giấc ngủ không mộng mị, sương mù dày đặc không gian, dày đến nỗi tầm nhìn bị hạn chế xuống chưa đầy hai mét. Tôi ngồi phía sau anh, thi thoảng khẽ run lên vì lạnh. Chiếc xe lao vun vút trên con đèo quanh co, đèn xe chiếu thẳng vào lớp sương sớm rồi hắt ngược về phía sau tạo thành một vùng sáng bao lấy chàng trai ấy. Tôi tưởng đâu anh đang dắt mình chạy bên trong đường hầm ánh sáng lung linh ảo diệu vô tận.

Thông thường ở Cầu Đất, mọi người chỉ dừng chân ở phía bên ngoài hoặc ngồi tại quán cà phê. Nhưng anh chở tôi đi sâu hơn, băng qua những hàng quán, những nhà dân rồi rẽ vào con đường đất gập ghềnh khúc khuỷu bao quanh đồi chè trùng điệp. Lối đi chỉ lớn hơn vòng bánh xe xíu xiu, anh giải thích đường này là đường người trồng chè di chuyển hàng ngày mà thành nên hơi khó đi một chút. Theo tôi thấy thì không chỉ một chút đâu, tôi đã phải nắm chặt vạt áo hai bên eo anh nếu không muốn bị văng xuống đất bất cứ lúc nào. Bị vần lên vần xuống được một đoạn khá xa cuối cùng chúng tôi cũng đến nơi. Và tôi thực sự không dám tin rằng cách trong gang tấc thôi, mây đang lơ lửng ngay dưới chân mình.

Trời chưa sáng hẳn, tia nắng mong manh ửng đỏ đầu ngày còn đang dụi mắt ngái ngủ lười nhác vươn cánh tay chào màn đêm dần tan biến. Khoảng thời gian chập choạng nhá nhem chắp thêm đôi cánh cho tâm hồn tự do bay lượn khắp cao nguyên kỳ vĩ. Đà Lạt thật sự đẹp vô cùng, giống cô gái toát lên vẻ thuần khiết chẳng cần tô điểm bởi phấn son lòe loẹt hay váy vóc lượt là cũng đủ khiến ta một lần nhìn thấy lập tức ngỡ ngàng đến ướt mi.

Anh bắt đầu lôi đồ nghề từ cái túi to đùng mang theo. Kiến thức của tôi về máy ảnh tương đối khá khẩm, chỉ là chụp không được đẹp cho lắm mà thôi. Nhìn sơ qua thì có thân máy Nikon D5, ống kính AF-S NIKKOR 70-200mm dùng cho các dòng DSLR full frame, thêm vài loại len lớn nhỏ khác cùng cả chân máy. Sục sạo mất một lúc anh mới ngẩng đầu nhìn tôi, hàng chân mày nâng lên cao hơn mỉm cười hỏi nhỏ: "Hôm nay nhờ Hách làm người mẫu cho anh nhé?"

Lúc tôi còn lưỡng lự không biết nên nhận lời hay từ chối, anh đã tiến lại gần chỉnh lại khăn trên cổ tôi, lời nói ra êm ái như tiếng thì thầm của vầng sáng đang nhú lên phía chân trời, "Anh định chụp cảnh thôi, nhưng nếu em chịu bước vào khung hình chắc chắn mọi thứ sẽ hoàn hảo lắm đấy. Có phiền em không?"

Có!!!

Rất phiền là đằng khác!!!

Phiền đến trái tim thình thịch không thể kiểm soát trong lồng ngực.

Tôi là con trai đầu, phía sau còn ba đứa em nheo nhóc suốt ngày chành chọe với nhau rồi chành chọe cả với tôi. Từ bé đến lớn nếu không bị bắt trông em thì cũng bị la sao ghẹo em khóc, oan uổng không biết để đâu cho hết. Trưởng thành đi học đi làm, va vấp đủ loại người tốt xấu, có những mối quan hệ bền chặt từ thời cấp hai cấp ba, có những người chỉ lướt qua cuộc đời bằng cái vẫy tay xã giao khách khí. Nhưng nhìn ngược nhìn xuôi cũng chưa từng thấy ai cư xử dịu dàng thành kính giống anh. Đà Lạt lạnh thật, có điều người Đà Lạt hình như ai cũng dễ thương hết nấc. Tôi sao nỡ nói không bây giờ.

Một bên là mây trắng, một bên là chè xanh, hai chúng tôi phiêu diêu giữa ranh giới của nhân gian và địa đàng. Anh không bắt tôi tạo dáng, cũng không chỉnh tới chỉnh lui vị trí đứng, để tôi thỏa sức thưởng ngoạn vùng mây yêu kiều sà xuống từ trời, còn bản thân vác đồ đạc lủng lẳng lỉnh kỉnh theo tôi từ bình minh đến khi mặt trời lên cao hẳn, sắm trọn vai vệ tinh tự nhiên của các vì tinh tú xa xôi. Suốt cả quá trình ngắm rồi bấm máy, anh vẫn không quên cùng tôi tán gẫu, kể tôi nghe vài mẩu chuyện be bé về thành phố mộng mơ, hỏi tôi xíu nữa muốn ăn gì hay ngày mai muốn đi đâu. Cảm giác tất thảy sự quan tâm, chú ý của người ta đều đặt trên người mình, tôi tưởng đâu vừa học xong đủ loại phép thần thông từ tiên nhân nào đó, có thể mặc sức đi mây về gió nhẹ nhàng như có như không.

Mây tan dần, chúng tôi ghé quán bún bò ngay gần khu đồi chè, vừa ăn vừa trò chuyện đủ thứ trên đời. Tôi trút bầu tâm sự với anh về công việc không thuận lợi, thường xuyên gặp phải lắm kẻ hám của sẵn sàng vứt đạo đức đổi lấy hư vinh, cuộc sống nhiều khi mệt mỏi cùng cực nhưng ngoài nhăn răng nỗ lực chịu đựng thì chẳng thể làm gì khác. "Xong em tức quá tắt máy trốn lên Đà Lạt luôn, giờ ông Hanh chắc đang phát khùng lục tung Sài Gòn kiếm em." Nhai nhồm nhoàng miếng thịt bò hơi dai, tôi chốt lại sự tình bằng một câu nghe có vẻ vô trách nhiệm. Thế mà anh lại gật gù tỏ vẻ đồng cảm.

- Anh hiểu. Tuổi trẻ ai cũng có lúc bốc đồng muốn bùng nổ bởi những ngột ngạt vô hình. Ngày trước anh với thằng Hanh còn đánh nhau sứt đầu mẻ trán với mấy đứa da trắng kỳ thị chủng tộc. Lần đó anh tức đến mức muốn bỏ học về nước luôn. May mà thằng Hanh bề ngoài cợt nhả chứ bên trong sâu sắc chín chắn, nó khuyên nhủ mãi anh cũng nguôi ngoai.

Tôi trố mắt ngạc nhiên, không hình dung nổi người đàn ông lịch thiệp như anh lúc điên lên sẽ như thế nào. Tự nhiên có suy nghĩ biến thái chọc anh giận ghê.

"Nếu cảm thấy không tìm được lối đi thì em cứ rẽ sang hướng khác. Lỗ Tấn đã nói rồi mà trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi cũng thành đường thôi." Anh đã ăn xong, những ngón tay xương dài đan vào nhau chống trên hai đầu gối, từ tốn vừa như khuyên nhủ vừa như ủi an vỗ về sự khó chịu trong lòng tôi.

Lúc này hệ thần kinh tôi chỉ có một thắc mắc duy nhất, nhưng cuối cùng lại không dám nói ra.

Không biết anh có người yêu chưa nhỉ?

Chúng tôi không về thành phố mà đi về hướng đèo Ngoạn Mục chỉ vì tôi bảo em thích cung đường quanh co uốn lượn. Xe chầm chậm lăn bánh, cũng như đời người, đường ở đây có đoạn trơn tru, cũng có đoạn trúc trắc. Tôi dần chìm đắm vào bầu không khí đặc sệt mùi hương của cỏ cây, của núi rừng. Người ta đồn đại rằng đừng dắt người yêu đi Đà Lạt, bởi vùng đất này có lời nguyền chia tay, cặp đôi nào mang nhau lên đây về cũng tan vỡ đường ai nấy đi. Nhưng nghĩ lại xem, hai tâm hồn không đồng điệu, hai số phận hết duyên nợ lại đem tất thảy tội lỗi đổ lên đầu đóa hoa dại nở ven đường giữa cao nguyên, thật bất công quá. Chả biết điều ấy xuất phát từ đâu và bao giờ, trong mắt tôi Đà Lạt vẫn luôn là chốn dành cho việc nuông chiều cảm xúc. Thời khắc này tôi cũng muốn nghe theo lời xúi giục của Đà Lạt, dạy hư bản thân đôi chút, để mặc mộng mơ theo mây trời băng qua những rặng thông xanh trôi về phía chàng trai ngay trước mặt mình.

Suy cho cùng, trái tim nào mà chẳng cần được nuôi dưỡng bằng yêu thương. Nếu không có yêu thương, sẽ như thiếu đi ánh mặt trời, mọi thứ trở nên tối tăm lạnh lẽo biết bao.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#markhyuck