Phần 21 + 22

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

21

Và rồi, còn có Pierre Katuba. Khi đi ăn ở nhà hàng Adèle gặp anh ta ở đó, hoặc gặp trên boong khi cô đi thăm thú trên sà lan về. Anh ta đang chờ cô. Có bữa, cô bắt gặp một phụ nữ từ cabin của anh ta đi ra lúc giữa chiều. Katuba đi ra. Cứ đi mãi thế này chán thật, anh ta vừa nói vừa sửa lại áo.

Anh ta cư xử như thể mình là ông chủ của hạng nhất vậy. Anh ta hỏi han cô, cảnh báo cô. Em không nên xuống sà lan nhiều, anh ta rỉ tai, không nhìn cô, vẻ giả vờ lạnh nhạt mà không giải thích gì thêm. Hoặc anh ta báo chuyện sắp xảy ra. Tàu sắp mắc cạn rồi. Mắc cạn? Adèle hỏi. Mắc vào cát, anh ta nói rõ thêm. Và ít lâu sau, con tàu chúi mũi về phía bờ sông. Và trong khi con tàu vẫn ở đó, nằm yên trong rừng, động cơ nghèn ngẹt tạo ra những đợt sóng nhỏ liếm vào mạn, Katuba ngửa mặt lên trời, như đang bắt chuyện với ông trời.

Anh ta nói với cô về con sông và đất nước này. Sông này cạn thôi, anh ta nói. Vì thế mà nó mãnh liệt ư? Bởi vì sức mạnh này nó có trong chính nó, đến với nó từ xa xôi nên phải rời xa nó ư? Lời của anh ta vang vang như giọng của Sainto ở Paris hay là giọng của kẻ lãng du trước cảng thủ đô. Những người đàn ông có thể chỉ là một, da trắng hay da đen bất kể. Có thể Katuba là người mà cô tìm cũng nên. Chị cẩn thận đấy, sự yên tĩnh của xứ sở này, sự điềm tĩnh của người dân nơi đây trông thế thôi chứ có thể dối lừa đấy, cũng như con sông này, yên bình một cách giả tạo. Rồi anh ta đưa cô tới phía bên kia con tàu, gần bờ, và chỉ cho cô xem đất liền. Chị thấy không, trong những lùm cây đó? Chị có thấy con thú không? Không à? Ồ! Cô chăm chú nhìn bờ sông và chẳng thấy gì bất thường. Cô tự hỏi phải chăng Katuba đã phịa ra con thú đó hay dàn cảnh để người ta tin vào khả năng nhạy bén của mình. Anh ta ra vẻ biết mọi thứ về cô. Tôi làm cho Hãng, anh ta nổ. Điều này đủ để giải thích mọi chuyện.

22

Chính anh ta là người kể cho cô nghe về việc người da trắng khám phá đất nước này. Một người da trắng. Thành phố nơi cô đang đến mang tên ông. Stanley. Ông ta khám phá ra đất nước này vì một sự phản bội, anh ta nói rất ngọt, như thể đã nhiều lần kể câu chuyện đó. Hoặc đã thường tự kể cho mình. Anh ta nghiêng người ra phía trước để cho lời nói của mình tuôn xuống nước. Nhưng mặt anh ta lại quay về hướng thượng nguồn. Về điểm đến. Thành phố mà cô đang tới.

Bố ông là một kẻ nghiện rượu... Ông ta, một đứa con hoang...

Katuba ngắt câu, nuốt âm. Adèle nghĩ đến Monk, Thelonious Monk, cô quên tên nhưng nhớ lại ngay, gặp ở Paris, ở Alhambra đầu năm. Người đưa cô đến đó là người bạn cùng Nhạc viện trước đây, một nghệ sĩ piano chuyển sang học nhạc jazz, theo như anh ta nói. Biểu diễn xong, họ đi gặp các nhạc công. Ở quán bar, cuối buổi tối hôm đó, Monk ngồi vào đàn piano và solo một đoạn. Mũ bonê trên đầu, đầu chúc xuống bảng cộng hưởng, nắp đàn đã mở. Làn da mơn trớn bàn phím như những ngón tay vậy.

Sinh ra được đặt tên là John Rowlands, ngoài giá thú, từ một người đàn ông mà ông sẽ không bao giờ biết được có đúng là cha của mình không, mười bảy tuổi Stanley rời Anh Quốc sang Mỹ. Một đại dương rộng lớn hơn. Từ Mỹ trở về ông có một cái tên mới, ông nói được đặt theo họ của cha nuôi, vốn là một thương gia ở thành phố New Orleans, người đã tuyển ông vào làm nhân viên. Hai mươi tuổi, ông đã đổi nước một lần, đổi quốc tịch một lần và đổi tên mãi mãi. Giờ ông tên là Henry Morton Stanley: chẳng còn gì liên quan tới danh tính ban đầu.

Katuba thầm thì thầm thụt, giống như Monk đưa những đầu ngón tay lướt trên phím đàn: sao người ta lại đổi tên đổi họ nhi? Chị có biết không?

Nhưng Stanley không đoạn tuyệt với họ hàng, anh ta nói tiếp. Hoặc những dòng họ của mình... Chính chỗ này ta mới đến với đất nước của mình, đến với con sông đang cuộn chảy trước mặt, ông ta không hãnh diện hay sao, ông ta không trịnh trọng hay sao, chị nhỉ... Chị hay là em đây? Sao em không gọi anh là Pierre, thế anh mới gọi em bằng Adèle được?

Anh ta quay mặt, mỉm cười, khiêu khích.

Vào khoảng 186... 69... tin anh đi, vì hay lên thượng nguồn, anh đã biết rõ chuyện này, biết tỏng tòng tong đầu đuôi ra sao... một ông chủ ngành báo chí Mỹ cử Stanley, khi đó đã thành nhà báo, đi tìm Davide Livingstone. Livingstone là một kẻ hão huyền, hình dung ông ta thế này: một bác sĩ theo đạo tin lành đi Nam Châu Phi với mục đích truyền bá Phúc Âm cho dân bản địa. Về sau, vào cái thời mà địa lý gần như trở thành một khoa học tôn giáo, thời mà người ta tung hoành khám phá Châu Phi với hy vọng tìm được khu vườn địa đàng sau những cơ thể trần truồng của Adam và Eva. Livingstone si mê đến ám ảnh khi tìm lại được cội nguồn sông Nil, một bí ẩn chưa được giải mã từ khi mà Ptolémée đã đặt ra.

Katuba lại đứng dậy: hình như những gì anh kể đang làm cho em chán. Chúng ta dừng lại ở đây. Lần khác anh sẽ kể em nghe đoạn tiếp theo... Không à, em muốn anh tiếp tục à? Thế thì em nghe nhé...

Livingstone nghĩ rằng nguồn sông Nil nằm ở đâu đó bên cạnh Những Hồ lớn, những cái hồ này hình thành một cái guồng ngày nay kết nối Ouganda, Congo và Tanganyika. Ông đến vùng này và không bao giờ rời xa nữa, bỏ cả gia đình và đất nước Scotland sang Châu Phi và theo cơn ám ảnh sông ngòi của mình. Đến mức mà ông biệt tăm biệt tích, một người vốn nổi danh từ Vương quốc Anh đến Mỹ mà như vậy đấy.

Lần theo dấu vết, Stanley rời Zanzibar vào một ngày xuân, anh muốn nói đến mùa xuân ở nước em. Ông đến bờ hồ Tanganyika bảy tháng sau và gặp cái ông người Scotland ở đó. Dưới mái che, trong một ngôi làng xa xôi hẻo lánh, trong khi cách đó hàng trăm cây số chẳng thể có người da trắng nào khác, Stanley, một người dân bình thường muốn tỏ ra lễ phép trưởng giả hoặc tưởng giả khi nói nhịu, nói với ông những lời mà ngày nay ai cũng lạm dụng: Doctor Livingstone, I presume? [1]

Note [1]Xin mạn phép được hỏi có phải bác sĩ Livingstone không ạ?


Ha ha ha!

Katuba cười toáng lên.

Để anh kể hết... Anh ta vừa nói vừa nấc.

Livingstone chỉ còn mỗi niềm tin cuối cùng và phó thác hết cho Stanley. Lualaba, con sông ở phía tây những cái hồ nơi đến của những người buôn bán nô lệ người Zanzibar trước khi vét hết vùng lân cận, Lualaba là khúc đầu của sông Nil. Tìm ra nguồn của con sông này sẽ tìm ra nguồn con sông Ai Cập đó. Sau khi hai người gặp nhau, Livingstone đi sâu vào Trung Phi cho đến cội nguồn con sông Lualaba và chết ở đó. Những người hầu của ông khoét một lỗ trong thân cây và cho tim ông vào đó. Hai năm sau, Stanley trở lại Châu Phi và đi xuôi sông Lualaba. Đến chỗ con sông ngoặt về phía tây, ông mới ngộ ra rằng Lualaba không phải sông Nil. Ông đi dọc theo con sông. Sau 999 ngày viễn du, một con số huyền thoại, ông đến bờ biển Đại Tây Dương. Ông không giữ lời hứa với ông chủ của mình, là hoàn thành sứ mệnh, là chứng minh giả thuyết. Thay vì đó, Stanley đã giết một trông những người cha giả định của mình. Người cha tinh thần.

Một luồng gió nhẹ vị tất run rẩy phía sau con tàu. Katuba dừng nói và để cho làn gió ve vuốt hai người.

Tại sao anh lại kể em nghe tất cả chuyện ấy? Adèle hỏi.

Để giết thời gian, lúc đầu anh ta trả lời. Anh đang chán, anh nói với em rồi. Anh ta nhìn cô chằm chằm. Cô nghĩ anh ta sẽ đưa tay ra, đặt lên vai cô, cúi xuống người cô.

Nhưng anh ta nói tiếp, giọng tự tin.

Trước khi làm trưởng văn phòng đại diện khu vực của Công ty, ở phía trên kia kìa, tôi đã học địa lý ở thủ đô. Ở đây, hơn tất cả những nơi khác, lịch sử chỉ là sự biến đổi địa lý dưới bàn tay nhào nặn của con người, đôi khi phản tự nhiên. Nơi này, chị..., ở đây vẫn giữa nguyên những tàn tích đã chôn vùi trong quá khứ. Chỉ chờ đến lúc để lại mở ra. Và anh ta nói thêm: Em là đàn bà con gái mà lại đang đi ngược con sông mà trước đây Stanley, người da trắng đầu tiên đã đi xuống. Và theo như anh biết được, em sẽ gặp chồng em ở...

Chồng em ư?

Hay là người đàn ông của em, như em nói ở Châu Âu...

Người đàn ông của em ở...?

Ở Stanleyville. Cái tên Pháp này không biết lúc nào đã thay thế cái tên đầu tiên đặt cho một cái trạm, nơi mà, khi đi tàu đến các nơi lân cận, Stanley đã hiểu rằng con sông này không phải là sông Nil. Nơi mà ông đã phản bội Livingstone. Nơi ông đã giết người cha đó của mình. Đó là một cái tên Anh: Stanley Falls. Những ngọn thác Stanley. Hoặc ghềnh thác Stanley, tùy đó. Thì cũng như ở cửa ngõ thủ đô, nơi mà em đã rời bỏ, có những ghềnh thác ào ào đổ xuống. Em đang du hành trên sông, chúng ta đang du hành trên sông giữa hai ngọn thác. Giữa thác ghềnh.

Adèle bỏ đi, về cabin của mình. Anh ta dõi theo cô từ xa.

Cô mở cửa.

Đúng vậy, em nên gọi anh là Pierre, Adèle à, Katuba nói với theo.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#deadline