11. Bình yên trước bão (2)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Văn hoá tâm linh là một phần di sản của tài nguyên văn hoá Việt Nam. Từ thuở xa xưa, tín ngưỡng thờ thần núi, thần sông giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống của người Việt cổ, đã là yếu tố nội sinh thúc đẩy, gây dựng nền tảng cho văn hoá tâm linh, tín ngưỡng nước ta phát triển phong phú như hiện nay. Các nghi thức, phong tục, tín ngưỡng như tục thờ cúng tổ tiên, thờ Quốc tổ Hùng Vương hay gần gũi hơn là thờ Đạo Mẫu, thờ Trần Triều... đều bắt nguồn từ những giá trị cao đẹp, là tinh hoa cốt lõi của dân tộc. Đó chính là lòng yêu nước, là truyền thống uống nước nhớ nguồn, là sự biết ơn và hiếu kính dành cho các bậc tiền nhân có công dựng xây Tổ quốc đã hoá thần hiển thánh. (1)

Để nói về văn hoá tâm linh, các nhà nghiên cứu đã phải tốn không biết bao nhiêu giấy mực mới có thể truyền tải hết. Là phóng viên mảng Văn hoá - Xã hội, tôi có cơ may được tiếp xúc và gặp gỡ họ. Từ đó, góc nhìn cũng như cảm quan cá nhân của tôi đối với văn hoá tâm linh trở nên đa chiều hơn. Tôi cho rằng, thế giới tâm linh là niềm tin và trải nghiệm riêng của mỗi người, bản thân tôi sẽ không đưa ra bất cứ nhận định nào mang tính tuyệt đối. Nhưng quan trọng nhất, vì ranh giới quá mong manh nên văn hoá tâm linh thiêng liêng ấy cần được phân định rõ ràng với hành vi mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh.

Lúc còn ở hiện đại, trước khi rơi vào cuộc hành trình không tưởng này, tôi đã cùng chị Thuyên làm một số phóng sự điều tra nhằm lên án kịch liệt những kẻ lấy danh nghĩa tâm linh để trục lợi. Thực tế, người có năng lực làm việc tâm linh không hề ít. Nhưng làm với mục đích tốt hay xấu thì phụ thuộc phần lớn vào cái tâm của họ. Tâm sáng, hướng thiện thì bề trên ắt sẽ chứng giám, gia hộ. Giống như những cô đồng, cậu đồng theo hầu Tiên Thánh, một lòng phụng sự thì ra trình đồng mở phủ đều được nhà Ngài trao binh quyền để làm việc âm, giúp dân giúp đời, gìn giữ và thực hành lễ nghi thờ cúng. Binh của nhà Ngài là binh tướng Tứ Phủ, hoặc binh nhà Trần cấp cho Đồng nhân. Việc này khác hoàn toàn với nghi thức luyện âm binh từ tà ma, vong hồn của các thầy phù thủy, thầy pháp tà đạo.

Về âm binh, có rất nhiều khái niệm được phân chia thành các loại chánh tà khác nhau. Nhưng, để nhìn nhận một cách phổ thông như dì tôi nói, thì âm binh là những hồn ma chưa được đầu thai, ma chết đường chết chợ, ma đói lang thang vất vưởng nơi trần thế, không có người thờ cúng nên dần hoá thành ngạ quỷ (2). Chúng thường xuất hiện, đi giành ăn ở những nơi người ta cúng thí thực (3). Biết rõ điều này nên có một bộ phận thầy bùa, thầy pháp tà đạo hay mời chúng về cho ăn. Sau đó, họ thông qua các loại bùa phép bí mật để khống chế và sai khiến chúng làm chuyện xấu, đấy gọi là luyện binh.

Song, kể từ khi gặp lại Hưng Đạo đại vương, những chuyện hoang đường cứ thế nối tiếp khiến mọi hiểu biết, nhận thức của tôi về nhân sinh, về thế giới lộn nhào hết cả. Giờ chính tôi cũng không chắc chút kiến thức ít ỏi của mình có còn đúng với thời điểm hiện tại hay không.

Loay hoay cùng hàng tá vấn đề quay mòng mòng trên đầu, lúc tôi mò được đến khu chợ dưới cuối làng thì sạp quán đã sắp đóng cửa gần hết. Chợ làng họp khá nhỏ, lại độ ban trưa nên chỉ thấy lác đác vài hàng rau, hàng nước. Tôi nhìn quanh một hồi vẫn không xác định được sạp nào bán gạo, sạp nào bán muối. Đương nghĩ ngợi, sự chú ý của tôi đột nhiên va phải ông hàng thịt cùng con dao bầu nhọn hoắt đứng cách đấy không xa. Một tia sáng loé lên trong đầu, tôi chạy ào đến, cười hềnh hệch:

"Chú ơi, thịt này bán sao thế ạ?"

Có lẽ hơi bất ngờ trước sự xuất hiện của tôi, ông chú ngơ ngác đôi chút rồi vồn vã đáp lời: "Ba đồng, năm đồng, mười đồng. Cô mua bao nhiêu tôi bán bấy nhiêu."

"Thịt mua về cúng, ba đồng chắc đủ ấy chú nhỉ?" Tôi nhe răng, giả vờ nhón tay lật mấy miếng thịt ra chiều sành sỏi. "Cúng thịt phải có tí muối tí gạo mới phải lẽ, ông chú biết sạp nào bán không?"

"Ngay chỗ mụ Tám bên cạnh đấy. Cả làng này mỗi con mụ đấy buôn được gạo, muối thôi." Ông chú chỉ tay sang sạp nhỏ bên phải, nơi có một người phụ nữ trung niên đang ngồi cầm cành cây mảnh phẩy ruồi. Xác định xong mục tiêu cần tìm, tôi nhăn nhở nói:

"Tiện quá, thế ông chú đợi tí nhé. Tôi qua mua gạo muối để áng chừng trước. Chú xem miếng nào ngon ngon phần tôi với!"

Nói rồi, tôi vừa cười vừa sải bước sang sạp hàng bên, lòng thầm mong lát nữa con dao bầu kia sẽ không đáp trúng đầu mình.

Sạp của mụ Tám không bày đồ ra trước cửa như mấy nhà khác, lại ở đoạn góc khuất nên tôi phải tới gần mới biết đây là hàng bán gạo. Gọi mụ Tám nhưng bà cô này nhìn như mới qua tứ tuần, trên gương mặt đã in dấu thời gian lộ ra cái nét đanh đá thường gặp ở hội con buôn. Thấy tôi đến, mụ liền nở nụ cười đon đả, mắt hấp háy:

"Nhà cô muốn mua gì nào?"

Tôi xoa cằm, đắn đo giây lát. Thực tình là nãy đi vội, tôi không kịp hỏi Khắc Duy xem hắn cần bao nhiêu gạo muối. Chưa kể, những thứ liên quan đơn vị đo lường lẫn giá trị quy đổi tiền bạc ở đây tôi đều không nắm rõ. Giờ hỏi mua thế nào cho hợp lý thì quả là bài toán khó.

Mụ Tám vẫn kiên nhẫn đợi song trên mặt đã bớt vài phần hiếu khách. Cuối cùng, tôi đành nói bừa một con số: "Cho năm đồng gạo, năm đồng muối ạ!"

"Năm đồng?" Mụ cao giọng hỏi lại, chân mày nhướng lên.

Tôi hơi chột dạ, vội lí nhí hỏi:

"Ít quá ạ?"

"Đời thuở nhà ai đi mua năm đồng!"

Tiếng nguýt dài của mụ khiến tôi sợ toát mồ hôi. Trước giờ, tôi quen mua đồ trong siêu thị, toàn những thứ được niêm yết giá tiền và số lượng cho sẵn. Lý do ngoài tiện ra thì còn là vì tôi ngại trả giá, sợ bị người bán... chửi đổng do can tội hỏi mà không mua. Rất may là mụ Tám kia chỉ khinh khỉnh quay đi chứ không nói thêm gì.

Trong lúc đợi mụ vào nhà xúc gạo, tôi lập cập mở cái túi Duy đưa, định lấy sẵn tiền ra để lát trả mụ. Ấy vậy nhưng, ngay khi trông thấy thứ ở trong túi, tôi không nhịn được mà buột miệng chửi thề:

"Vãi, sao thằng cha đấy lại đưa mình tiền cúng thế này?"

Cái túi gấm to hơn lòng bàn tay, đựng toàn những đồng xu đục lỗ vuông ở giữa. Trên mặt xu khắc bốn chữ không rõ là Hán hay Nôm cùng hoạ tiết rồng cuộn. Tôi hoảng hốt lật trái lật phải nhưng không tìm thấy chỗ nào ghi giá trị tiền. Hơn nữa, cái loại tiền này giống hệt như tiền người ta dùng để xin đài âm dương (4). Tôi trân trân nhìn đống tiền trên tay, mồ hôi lạnh túa đầy đầu.

"Toi mạng rồi."

Lúc này, mụ Tám đã quay lại với hai cái bọc vải. Tôi nuốt khan, rất muốn bỏ chạy khi mụ đặt chúng xuống trước mặt rồi hất hàm:

"Mười đồng cả gạo cả muối, trả tiền đây!"

"À, à vâng..." Lúng túng cho tay vào túi, tôi cố làm ra vẻ tự nhiên nhưng lòng thừa hiểu phen này rắc rối to. Dù đây có là tiền gì thì tôi cũng không biết cách tiêu, mà giờ xin trả hàng thì phải đến chín mươi phần trăm là mụ Tám sẽ "sạc" cho tôi một trận nhớ đời. Cứ nhìn cái cách gương mặt mụ dần cau lại vì tôi mãi không móc ra nổi một cắc là đoán được ngay thảm cảnh tiếp theo.

"Rồi nhà cô có định trả tiền không?"

Tôi lắc đầu cười mếu, chân líu ríu lùi vài bước, tay vô thức giấu túi "tiền cúng" ra sau lưng. Hành động ấy dường như vét sạch chút kiên nhẫn cuối cùng của mụ Tám. Mụ chống nạnh, hùng hổ sấn đến, miệng chửi sa sả toàn những lời chua ngoa:

"Chém cha cái phường ăn quỵt. Đã không có tiền còn định đến đây trêu bà. Bà là bà chửi cho cả họ mày nghe, cho làng trên xóm dưới chừa mặt mày ra. Mười lăm họp chợ mà gặp cái loại mày thì bà đốt vía, bà lót lá chuối bà tiễn mày đi. Mày có chết cũng đừng chết ở quán nhà bà..."

Vô số "mỹ từ" cay nghiệt qua miệng mụ Tám như được phổ thêm thanh điệu, khiến tôi hoa mắt chóng mặt. Tốc độ đi "flow" của mụ quá nhanh, tôi đứng nghe chửi mà hoàn toàn câm nín. Đang bối rối không biết xử trí thế nào, một bóng người từ đâu bỗng chen vào giữa tôi và mụ Tám, cắt ngang lời mụ:

"Mười đồng của bà đây."

Người đó đưa cho mụ Tám một xâu gồm mấy đồng xu nhỏ. Thấy tiền, mụ hậm hực vung tay giật lấy, ánh mắt lườm tôi sắc như dao cạo:

"Thế có phải nhanh không. Thôi thôi, biến ngay đi cho bà, hãm thế chứ lị!"

Rồi mụ ngúng nguẩy vào nhà, kéo tấm phên cửa đánh ầm một tiếng.

Tôi khóc thầm trong lòng, cúi đầu nhặt hai cái túi dưới chân. Chưa kịp ngẩng lên, từ trên chợt vọng xuống tiếng người cười trào phúng:

"Anh cô không dạy cô cách tiêu tiền à?"

---
*Chú thích:

1, Tổng hợp từ giáo trình "Cơ sở văn hoá Việt Nam - TS. Nguyễn Thị Hồng, 2016 (Khoa Tuyên truyền - Học viện Báo chí & Tuyên truyền)", "Một số vấn đề về văn hoá tâm linh ở Việt Nam hiện nay - Dương Văn Lượng (Tạp chí Cộng sản)"
2, Ngạ quỷ: ma đói, theo đạo Phật
3, Thí thực: cúng chúng sinh
4, Xin đài âm dương khi cúng lễ để hỏi ý gia tiên, các quan các ngài bề trên, tùy vào mục đích và phong tục mỗi nơi

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro