Nỗi lòng của chị già (1)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thật sự thì, sau vài tháng đi khắp các mặt trận để xem anh em chúng nó đá, đến giờ vẫn cảm thấy thật kì diệu. Mình, và các em nó, vốn chả có gì liên quan đến nhau, bằng một cách vi diệu nào đó mà bóng đá mang lại, đã va vào nhau. Cũng chẳng có gì to tát, nhưng mang trong mình nỗi lòng của một bà già hay lo hay nghĩ, thì mình rất vui và cảm thấy mỗi việc mình làm đều thật thú vị.

Đi xem chúng nó, cả đội vài chục thằng, nhìn thì có thể quen mặt, nhưng chắc chắn không thể biết hết. Có đứa thì thân cực thân, nói chuyện, mang nó ra trêu đùa thoải mái như anh em trong nhà. Có đứa thỉnh thoảng lại hỏi thăm dăm ba câu, chị em biết nhau, câu chuyện làm quà, cả nhà cùng vui. Còn có những thằng, chưa bao giờ nói chuyện. Nhưng đi xem chúng nó, thì thằng nào mà bị làm sao đấy, thì lại mang nỗi lòng của bà già ra mà thương cho chúng nó. Lại nghĩ, lại xót, nhưng chả biết làm gì....

Hôm nọ, anh * đi đá hạng 3 cho PVF, không hiểu mắt mũi để đi đâu, xỏ dép tự vấp sưng cả ngón chân. Haizz, chán chả buồn nói. Trước ngày bắt đầu đá đã vấp một lần, trước trận thứ hai anh lại vấp lần nữa. Vẫn cái chân đấy, và là cái chân thuận. Lần này thì, không phải vấn đề ở mắt mũi, mà có khi, não nó bị treo ngược lên cành cây rồi. Vừa thương lại vừa giận. Muốn chửi cho một trận, nhưng lại thôi. Nó ngã thế nó đau chứ, tự nó cũng hiểu được hậu quả sẽ thế nào. Tự nó đã đủ buồn, đủ trách bản thân rồi, người chị này cũng chỉ biết bảo nhớ chườm đá, bôi thuốc các thứ, rồi hỏi thăm.

- "Em đau lắm chị ạ."

- "Nó vẫn sưng ạ."

- "Thầy bảo em không cố gắng như trước nữa."

- "Chắc trận này em ngồi khán đài thôi."

- ...

Đọc những tin nhắn của em, thật sự là, chị xót lắm. Viết ra nhẹ nhàng thế thôi, chứ chắc nó phải tự nghĩ, tự trách 9981 lần rồi. Lại động viên em nó, ngồi ngoài cũng được, cho cái chân nó nghỉ, chứ không thì không biết bao giờ mới khỏi được. Lần này không vào thì lần sau, có cái chân để đá, phải biết giữ, đừng có ham...

Và rồi thầy vẫn cho nó ra sân, đá đủ cả 3 trận. Có trận cả 2 hiệp, có trận vài chục phút, có trận chỉ vài phút. Nên vui hay nên buồn bây giờ nhỉ? Mình mừng, vì có khi, nó là một nhân tố không thể thiếu trong chiến thuật của thầy, nên buộc thầy phải cho nó ra đá. Nhưng chân em nó đang đau mà, ra rồi nhỡ mà làm sao, thì biết làm thế nào.

Nói thế chứ, ai cũng biết, khát khao lớn nhất cuộc đời cầu thủ, chính là được ra sân, được chạm vào trái bóng, được thể hiện tài năng và tận hưởng đam mê của mình. Mình cũng mong em nó được ra sân chứ. Nhưng với lương tâm của một người chị, khi em mình đau, mình xót, và mình lại muốn nó ở ngoài, không cần vào sân làm gì, không cần thể hiện gì hết. Đôi khi, mình cũng không biết là mình muốn cái gì nữa..

Nói đến đây, lại nhớ đến một cậu, cũng ở u17, cũng đá hạng 3 cho PVF. Nhưng cậu bị lật cổ chân, trận đầu ngồi khán đài, còn 2 trận sau - dự bị, không được đá một trận nào. Rồi khi trận đấu cuối cùng kết thúc, đội cậu thua, cậu khóc. Hẳn như cứ òa lên mà khóc to thật to thì có khi lại dễ hiểu, nhưng đây cậu chỉ đứng đó, lẳng lẳng khóc, lẳng lặng kéo áo lên lau nước mắt. Xót không? Xót lắm chứ. Mình không hiểu vì sao cậu khóc. Là vì đội cậu thua cuộc, hay là vì cậu không được ra sân trận nào. Nhưng khó hiểu thì cũng để đấy thôi, em nó khóc đỏ hết mắt rồi. Thương lắm...

Hình ảnh này lại làm mình nhớ đến thằng nhóc ở u13, thương nó như em trai trong nhà. Hồi đấy cũng đá giải, trước khi đá, em nó nhắn cho mình là: "Bạn dí em chạy va chân vào cửa, h chân bị đau. Trận này em ko đc đá." Ok chị đây muốn chửi lắm, tập bị ngã, chạy bị té cũng được. Đây là bạn dí va vào cửa. Nhưng không dám chửi, lại hỏi han, động viên cho em nó lên tinh thần. Hôm đó, bạn cùng đội, cùng phòng nó đi chơi hết, nhưng em nó không đi, về phòng đắp chăn xem TV. Trông mặt buồn rười rượi, rồi hỏi ra, cu cậu buồn, cu cậu khóc, mắt sưng húp cả lên. Khổ lắm, chị đây cũng muốn khóc, muốn bắc thang lên hỏi ông trời: "Sao lại có đứa bị bạn dí va chân vào cửa được?" :(

- "Nhưng em không sao rồi, trận sau chắc em đá đó, chị xuống xem nhé."

- "Ừ rồi, trận sau chị xuống. Liệu mà tập, với đừng có chạy linh tinh nữa đấy."

- "Dạ em biết rồi."

- "Mà không được khóc nữa đâu đấy. Đàn ông con trai lớn tướng rồi còn khóc, xấu lắm."

- "Ha dạ em nhớ rồi. Em ko khóc nữa."

Em nó, khát khao vào sân đến nhường nào. Muốn vào sân lắm, muốn thể hiện bản thân lắm. Mình hiểu chứ. Hơn nữa, trẻ con mà, xa bố xa mẹ là điều kinh khủng nhất, đứa trẻ nào không mong muốn có bố mẹ ở bên. Hồi bằng tuổi nó, mình có khi sáng bố vẫn gọi dậy, mẹ nhét cho bàn chải đánh răng vào miệng, quần áo cũng mẹ chuẩn bị cho... Vậy mà khi mình hỏi em nó, bố mẹ có biết chuyện chân đau chưa, em bảo chưa, em ko nói cho bố mẹ biết đâu. Ừ không nói thì thôi. Nhưng nhóc nói cho chị biết, làm chị cảm thấy mình nên xuất hiện để an ủi, động viên, hay tích cực hơn, là để xem em nó thể hiện mình. Bố mẹ nó ở xa, lại mới ra tập trung với đôi. Các bạn khác có bố có mẹ. Chị đây sẽ đến, đóng vai người thân của nhóc, được không...

Trận thứ hai, mình mò đi, phần vì muốn xem chân tay em nó thế nào, phần là cũng muốn động viên tinh thần em nó. Nhưng mà, em nó không được ra sân. Không sao cả, còn một trận nữa. Cố gắng trận sau thầy cho ra.

- "Chị nhớ xuống xem em đá nhé."

- "Ừ rồi yên tâm chị xuống mà."

Trận cuối cùng, em nó dự bị, hiệp 2 ra khởi động, nhưng cũng không được vào. Đội em thua, mình khóc, và em cũng khóc. Hỏi nó vì sao khóc, nó bảo vì đội thua. Không biết có phải không nữa. Còn mình thì, lúc mình khóc, có chú ra động viên: "Bóng đá mà, có thắng có thua." Nhưng thật ra, không phải vì đội thua hay thắng, mà mình khóc, vì em mình không được ra sân...

Xét đến cùng thì, lương tâm của một người chị, mình cũng không biết nên dùng thế nào mới đúng. Em mình được ra sân cũng vui, em mình ngồi dự bị cũng được, nhưng chỉ mong rằng: Các em trai của chị, hãy luôn khỏe mạnh, luôn bình an, không bị dính chấn thương gì. Đau gì để chị đau hộ, ốm gì để chị ốm hết. Việc của mấy đứa, là phải luôn khỏe mạnh. Có thế thì, chị già này mới yên tâm phần nào...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro