Tôi nói gì khi nói về chạy bộ - Haruki Murakami

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tựa tiếng Đức:  

Wovon ich rede, wenn ich vom Laufen rede

Có thể gọi gọn cả cuốn sách bằng câu cuối cùng: "Ít ra ông ấy không bao giờ cuốc bộ"


"Các kiểu ký ức đó - không phô trường, tầm thường. Nhưng với tôi, tất cả chúng đều đầy ý nghĩa và quý giá. Khi từng ký ức này vụt qua trong trí óc, tôi chắc chắn là, một cách vô thức, mỉm cười, hay hơi chau mày. Chúng có thể tầm thường, nhưng sự tích lũy các ký ức này đưa đến một kết quả: tôi. Tôi tại đây và lúc này, bên bờ Bắc Kauai. Đôi lúc khi nghĩ về sự sống, tôi cảm thấy mình như một mảnh gỗ vụn bị đánh dạt vào bờ." 


" Đây cũng chính là kiểu chiến thuật tôi cho là cần thiết khi viết một cuốn tiểu thuyết. Tôi dừng lại mỗi ngày đúng vào lúc tôi cảm thấy mình có thể viết nữa. Cứ làm vậy, thì công việc ngày hôm sau sẽ diễn ra trôi chảy đến lạ lùng. Tôi cho là Ernest Hemingway cũng đã làm gần giống như thế. Để đi tiếp, ta phải duy trì nhịp điệu. Đây là điều quan trọng đối với những công trình lâu dài. Một khi ta đã dẫn tốc độ rồi thì mọi thứ còn lại sẽ theo sau. Vấn đề là làm sao cho bánh đà quay ở một tốc độ đã định - và để đến được thời điểm đó ta cũng phải tập trung và nỗi lực hết sức mình."


" tôi chỉ muốn chắc là mình nói rõ ràng, cặn kẽ: tôi là kiểu người thích được ở một mình. Để diễn đạt chính xác hơn, tôi là kiểu người không thấy buồn phiền khi ở một mình. Tôi thấy dành một hai giờ mỗi ngày chạy bộ một mình, không nói gì với ai, cũng như bốn năm giờ đồng hồ một mình tại bàn viết là việc không khó khăn cũng chẳng buồn chán. Tôi đã có khuynh hướng này từ khi còn trẻ, hồi ấy, nếu được chọn, tôi thích đọc sách một mình hay chú tâm nghe nhạc hơn là cùng với ai khác. Bao giờ tôi cũng có thể nghĩ ra thứ này thứ nọ để làm một mình."


"Hầu hết người chạy bình thường được kích bẩy bởi một mục tiêu cá nhân hơn bất cứ gì khác: ấy là một mức thời gian mà y muốn vượt qua. Chỉ cần có thể chinh phục được mức thời gian ấy là y sẽ cảm thấy mình hoàn thành được cái y đã bắt tay làm, còn nếu không làm được, lúc ấy y sẽ cảm thấy mình chưa hoàn thành. Dù y không phá được kỷ lục thời gian mình mong muốn, song miễn sao y có được cái cảm giác mãn nguyện là đã làm hết sức mình – và có lẽ, đã có một khám phá có ý nghĩa nào đó về bản thân trong quá trình ấy – thì tự điều ấy đã là một sự hoàn thành, một cảm xúc tích cực y có thể mang theo qua cuộc đua kế tiếp. Cũng có thể nói điều tương tự về nghề nghiệp của tôi. Trong nghề viết tiểu thuyết, đối với tôi, không có những chuyện gì như thắng hay thua. Có lẽ con số sách được bán ra, số giải thưởng giành được, và lời khen ngợi của các nhà phê bình cũng là những tiêu chuẩn bên ngoài đối với một thành tựu văn chương, nhưng không có gì trong những thứ ấy thực sự quan trọng. Điều quan trọng là việc viết lách của anh có đạt đến những chuẩn mực anh đã tự đặt ra ình hay không. Không đạt được chuẩn mực ấy là điều ta không thể dễ dàng biện minh. Khi liên quan đến người khác, anh luôn có thể có một câu trả lời hợp lý, nhưng anh không thể tự dối mình. Trong nghĩa này, viết tiểu thuyết và chạy marathon toàn cự ly là rất giống nhau. Cơ bản thì một nhà văn có một động cơ âm thầm, nội tại, và không tìm kiếm sự công nhận ở cái nhìn thấy được bên ngoài."


"Hãy thứ lỗi cho tôi khi nói điều hiển nhiên, nhưng thế giới này hình thành từ đủ mọi hạng người. Người khác có giá trị riêng của họ để sống theo, điều đó cũng đúng đối với tôi. Những khác biệt ấy làm nảy sinh bất đồng, và sự kết hợp các bất đồng này lại có thể làm nảy sinh những ngộ nhận còn lớn hơn. Kết quả là, đôi khi người ta bị chỉ trích sai. Dĩ nhiên rồi. Bị hiểu lầm hay chỉ trích thì chẳng mấy vui vẻ, mà đúng hơn là một kinh nghiệm cay đắng làm người ta bị tổn thương sâu sắc. Dù sao, khi già đi, tôi dần dần nhận ra rằng kiểu đau lòng và tổn thương này là một phần tất yếu của cuộc sống. Cứ nghĩ mà xem, chính bởi con người ta khác với mọi người mà họ có thể tạo ra cái tôi độc lập riêng của mình."


" Tôi là kiểu người phải tận tâm tận lực với bất cứ cái gì mình làm. Tôi không thể làm một việc khôn ngoan như kiểu mình thì viết tiểu thuyết trong khi ai khác lo việc kinh doanh. Tôi phàm đã làm gì là cống hiến hết mình. Nếu thất bại, tôi có thể chấp nhận. Nhưng tôi biết rằng nếu mình làm mọi việc nửa vời và rồi chẳng đi tới đâu, tôi sẽ luôn luôn hối tiếc."


"Tôi cho rằng trừ khi ta còn trẻ, nếu không ta thực sự cần phải biết cái gì là ưu tiên trong đời, xem xem nên phân chia thời gian và sức lực của mình theo thứ tự nào. Nếu đến một độ tuổi nào đó ta không đặt ra được kiểu tính trật tự ấy, ta sẽ thiếu trọng tâm và cuộc sống của ta sẽ mất cân bằng. Tôi dành ưu tiên cao nhất cho kiểu sống cho phép tôi tập trung vào viết lách, không giao du với tất cả những người xung quanh. Tôi cảm thấy rằng mối quan hệ không thể thiếu mà tôi cần tạo dựng trong đời không phải là với một cá nhân cụ thể, mà với một số lượng độc giả không xác định. Miễn sao tôi thu xếp được đời sống thường nhật của mình sao ỗi tác phẩm sau hoàn thiện hơn tác phẩm trước, thì nhiều độc giả của tôi sẽ còn hoan nghênh bất luận lối sống tôi chọn ình là gì. Chẳng phải điều đó nên là phận sự của tôi với tư cách một tiểu thuyết gia, và là ưu tiên hàng đầu của tôi sao?"


"Đời thật chẳng công bằng, là điều tôi vẫn nghĩ. Một số người phải làm đủ mọi cách mà không bao giờ đạt được cái mình mong muốn, trong khi những người khác thì lại có được nó mà chẳng tốn tí hơi sức nào. 

Nhưng nghĩ kỹ tôi thấy, mình thuộc tạng người dễ tăng cân có khi lại là chuyện rủi hóa may. Nói cách khác, nếu không muốn tăng cân thì tôi phải tập luyện vất vả mỗi ngày, để ý cái mình ăn, và cắt giảm những thứ khoái khẩu. Cuộc đời có thể chẳng dễ dàng, nhưng chừng nào ta còn không ngừng cố gắng thì sự trao đổi chất của ta sẽ cải thiện đáng kể cùng với các thói quen này, và cuối cùng ta sẽ mạnh khỏe hơn nhiều chưa kể là mạnh mẽ hơn. Trong chừng mực nào đó, ta thậm chí còn có thể làm chậm lại các tác động của quá trình lão hóa. Nhưng những người vốn dĩ tự nhiên dù thế nào cũng không bị tăng cân thì không cần tập luyện hay theo dõi chế độ ăn uống của mình mà vẫn được thon thả. Chẳng mấy ai trong số họ khi không lại đi áp dụng những biện pháp phiền toái này khi họ chẳng cần phải thế. Đấy là lý do tại sao, trong nhiều trường hợp, thể lực của họ suy sút khi họ già đi. Nếu ta không tập luyện, cơ bắp của ta tự nhiên sẽ yếu đi, cũng như xương của ta vậy. Một số bạn đọc của tôi có thể là kiểu người dễ tăng cân, nhưng cách duy nhất để hiểu cái gì thực sự công bằng là biết nhìn xa về mọi sự. Vì những lý do tôi nói ở trên, tôi nghĩ cái phiền toái thể chất này nên được nhìn nhận một cách tích cực, như một điều may. Chúng ta nên thấy mình may mắn khi "đèn đỏ" lại rành rành như thế."


"Nói cách khác, hãy cùng nhìn thẳng: đời cơ bản là không công bằng. Nhưng ngay cả trong một tình huống bất công, tôi nghĩ vẫn có thể tìm thấy một kiểu công bằng nào đó. Dĩ nhiên, điều này đòi hỏi thời gian và công sức. Và có lẽ xem ra cũng không đáng vậy. Tùy mỗi người quyết định xem nó có đáng hay không."


"Ép buộc những người không muốn chạy, hay những người không đủ phù hợp về thể chất, là một kiểu tra tấn vô nghĩa. Tôi luôn muốn khuyên thầy cô đừng ép tất cả học sinh trung học chạy cùng một đường chạy, nhưng tôi không tin có ai sẽ nghe tôi. Trường học là như thế đấy. Điều quan trọng nhất ta học được ở trường là cái sự thật rằng những điều quan trọng nhất ta lại không học hỏi được ở trường."


"Dù chạy cự ly dài có phù hợp với tôi thế nào chăng nữa thì tất nhiên cũng có ngày tôi cảm thấy gần như uể oải và không muốn chạy. Thực ra, chuyện đó xảy ra nhiều. Những ngày như thế, tôi có nghĩ ra đủ thứ cớ có vẻ hợp lý để dẹp phứt chạy bộ đi. Có lần, tôi hỏi vận động viên chạy đua Olympic là Toshihiko Seko, ngay sau khi ông thôi chạy và trở thành huấn luyện viên đội tuyển của công ty S&B. Tôi hỏi ông, "Một vận động viên tầm cỡ anh có khi nào cảm thấy kiểu như hôm nay anh thích nghỉ chạy hơn, kiểu như anh không muốn chạy mà chỉ thích ngủ nướng hơn không?" Ông ta trố mắt nhìn tôi và rồi, bằng một giọng chứng tỏ rõ ràng là ông thấy câu hỏi mới ngớ ngẩn làm sao, đáp, "Dĩ nhiên. Bao giờ cũng vậy!" 

(...) Câu trả lời của Seko lúc đó làm tôi nhẹ cả người. Suy cho cùng tất cả chúng ta đều làm như nhau cả thôi, tôi nghĩ. Mỗi khi cảm thấy không muốn chạy, tôi luôn tự hỏi mình cũng một câu: Mình có thể kiếm sống bằng nghề tiểu thuyết gia, làm việc tại nhà, sắp xếp giờ giấc ình, vậy nên mình không phải đi lại trên một toa tàu điện chật như nêm hay ngồi chịu trận những cuộc họp chán ngắt. Chẳng lẽ mình không thấy là mình may mắn thế sao? (Tin tôi đi, tôi có nhận thấy). So với chuyện đó, chạy một giờ quanh khu hàng xóm thì đâu có là gì, đúng không? Mỗi khi tôi hình dung mấy con tàu đông nghịt và những cuộc họp hành liên miên bất tận, nó giúp tôi có động cơ rõ rệt trở lại, thế là tôi thắt chặt dây giày chạy và lên đường mà không còn băn khoăn gì nữa. Nếu mi không kham được chuyện này, tôi nghĩ , thì đáng đời mi lắm."


" Sau sự tập trung, thứ quan trọng kế tiếp đối với một tiểu thuyết gia là, thật hiển nhiên, sự bền bỉ. Nếu ta tập trung vào viết ba hay bốn giờ mỗi ngày và cảm thấy mệt mỏi sau một tuần như vậy, ta sẽ không thể viết một tác phẩm dài hơi. Điều cần thiết đối với một nhà văn viết truyện – hay ít nhất cũng là một người mong viết một cuốn tiểu thuyết- là sức lực để tập trung hàng ngày trong nửa năm, hay một năm , hay hai năm. Ta có thể sánh điều đó với hít thở. Nếu tập trung là quá trình chỉ nín thở thôi, thì bền bỉ là nghệ thuật thở chậm, êm đồng thời với việc trữ không khí trong phổi. Trừ phi ta tìm thấy được một sự cân bằng giữa hai điều này, bằng không thì sẽ rất khó viết tiểu thuyết một cách chuyên nghiệp trong một thời gian dài."


"Kiên nhẫn là một thứ bắt buộc trong quá trình này, nhưng tôi bảo đảm kết quả sẽ đến. 

Trong thư từ cá nhân, bí quyết lớn nhất mà nhà văn Raymon Chandler thú nhận là dù không viết gì cả thì ông cũng nhất định phải ngồi xuống bàn làm việc mỗi ngày và tập trung. Tôi hiểu cái chủ định đằng sau việc làm này. Đây là cách Chandler ình sức chịu đựng về thể chất mà một nhà văn chuyên nghiệp cần, âm thầm tăng cường sức mạnh ý chí của mình. Kiểu rèn luyện hằng ngày này là không thể thiếu đối với ông."


"Tuy nhiên,những nhà văn không được phú cho tài năng nhiều như thế – những người chỉ vừa đủ điểm – cần phải tự bồi đắp sức mạnh của mình. Họ phải tự rèn luyện bản thân để hoàn thiện khả năng tập trung,để tăng sức bền của mình. Trong chừng mực nào đó họ buộc phải lấy những phẩm chất này thế chỗ tài năng. Và trong khi xoay xở làm điều này, họ có thể sẽ phát hiện ra tài năng thực sự, ẩn kín trong mình. Họ đang toát mồ hôi hột dùng xẻng đào một cái hố dưới chân mình thì gặp phải một mạch nước kín, sâu. Đó là một điều may mắn, nhưng vận may này có được là nhờ bao nhiêu khổ công rèn luyện đã cho họ sức mạnh tiếp tục đào. Tôi cho rằng những nhà văn thành công muộn màng này tất cả đều đã trải qua một quá trình tương tự."


"Hầu hết những người chạy bộ chạy không phải vì họ muốn sống lâu hơn, mà vì họ muốn sống trọn vẹn. Ngay cả khi ta chỉ định sống cho qua ngày đoạn tháng thì vẫn sẽ tốt hơn nhiều nếu sống qua những năm tháng ấy với những mục đích rõ ràng và sống động trọn vẹn thay vì bối rối hoang mang, và tôi tin rằng chạy bộ giúp ta làm được điều đó. Cố gắng tối đa trong những giới hạn cá nhân của mình: đó là bản chất của chạy bộ, và là một ẩn dụ cho cuộc sống-cho tôi, và cả cho viết lách. Tôi tin rằng nhiều người chạy sẽ tán thành."


"Đây là cơ thể tôi, với tất cả những hạn chế và thói tật của chúng. Cũng như gương mặt tôi, dù tôi không thích thì nó vẫn là cái duy nhất tôi có, vậy nên tôi phải chấp nhận thôi. Khi tôi già đi, tôi đã tự nhiên sẵn sàng chấp nhận điều này. Ta mở tủ lạnh ra và có thể soạn một bữa ăn tươm tất- thực ra là còn khá sang trọng- với những thức ăn thừa. Tất cả những gì còn lại chỉ là một trái táo, một củ hành, phô mai, và trứng, nhưng ta không thể phàn nàn gì được. Ta đành chấp nhận cái ta có. Khi ta già đi ta học được cách thậm chí là bằng lòng với cái ta có. Đó là một trong ít ưu điểm của chuyện già đi."


"Đây là cách mọi thứ được trao quyền trong thế giới này, vậy nên tôi không cảm thấy khó chịu lắm khi họ vượt qua tôi. Mấy cô gái này có tốc độ của riêng mình, cảm nhận thời gian của riêng mình. Và tôi có tốc độ của riêng tôi, tốc độ của riêng tôi. Hai thứ đó hoàn toàn khác biệt, nhưng nó phải như thế thôi."


"Có thể nó là một hành động vô ích nào đó,như tôi đã nói trước đây, đổ nước vào một cái chảo cũ có lỗ thủng dưới đáy, nhưng ít nhất công sức ta đổ ra cho nó vẫn còn lại. Dù nó có ích lợi cho cái gì hay không, tuyệt vời hay hoàn toàn không, nghĩ đến tận cùng là điều quan trọng nhất là cái ta không thể nhìn thấy mà có thể cảm thấy trong tim mình."


"Thế là bốn mùa đến rồi đi, và nhiều năm trôi qua. Tôi sẽ già thêm một tuổi, và có lẽ viết xong một cuốn tiểu thuyết khác. Từng cái một, tôi đối mặt những nhiệm vụ trước mắt và hoàn thành chúng hết sức mình. Tập trung vào từng bước về phía trước, nhưng đồng thời có một cái nhìn xa, xem xét kỹ quang cảnh phía trước xa hết mức có thể. Suy cho cùng thì tôi là người chạy đường trường. Thời gian chạy của tôi, thứ hạng tôi đạt được, vẻ ngoài của tôi – tất cả những thứ đó đều là thứ yếu. Đối với một người chạy như tôi, điều thực sự quan trọng là đạt được mục đích chính mình đặt ra, trong khả năng của mình. Tôi dốc hết sức mình, chịu đựng cái cần chịu đựng, và tôi có thể, theo cách riêng của mình, mãn nguyện. Từ thất bại và niềm vui, tôi luôn cố gắng bước ra sau khi đã hiểu thấu một bài học cụ thể."



Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro