Chương 6: Mít ơi!

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Ở nhà là mít là na
Đến khi đi học em là Ngọc Vân"

***

Dẫu sao lớp tôi cũng phải đối mặt với sự thật khốc liệt. Hôm nay là thứ bảy và lại có tiết lịch sử.

"Lớp trưởng đi thu hết bản kiểm điểm lên đây"

Giọng cô Miên lạnh tanh.

Tôi phải là người hay kì thị ngoại hình, nhưng khi ngắm cô Miên, thói xấu này lại trỗi dậy.

Lộc quay xuống, thủ thỉ:

"Chồng bà này ăn gì mà gu mặn thế nhở!"

"Tàn dư truyền thống gia đình thời phong kiến" Tôi nói "Cha mẹ đặt đâu thì con ngồi đấy"

"Tao cảm phục chồng bà Miên thật. Lúc đang high mà ngó xuống mặt bà ý thì... Mềm oặt"

Tôi suýt bật cười thành tiếng lớn. Vân ngồi cạnh, tuy rất căng thẳng nhưng cũng phải bụm miệng cười. Mày hơi quá rồi đấy Lộc! Nhưng cũng đúng thật!

Form người cô Miên có thể ví với chai Whisky trên tủ rượu của bố tôi. Chai rượu được một người bạn tặng dịp năm mới, có phần thân phình to và cổ chai khum nhỏ lại. Cô cao chỉ tầm mét rưỡi. Lúc nào đến trường, cô cũng diện một gu thời trang kín đáo và nghiêm nghị với cái áo măng tô màu xám khói mà hầu như ngày nào cũng thấy cô mặc.

Lan Phương đi một lượt lớp để thu bản kiểm điểm. Lúc nó mang đống giấy lên bàn giáo viên, cô Miên giận dữ vì chưa được một phần ba lớp thực hiện đúng yêu cầu.

"Lời của tôi là trò đùa à?" Cô tức tối "Các anh chị sai thì phải sửa lỗi và kiểm điểm lại bản thân nghiêm khắc chứ! Kỉ luật ở đâu? Nề nếp đâu? Sao các anh chị lại vô tổ chức thế nhở?"

Trong không khí căng thẳng và giận dữ, thằng Lộc vẫn đùa cợt với tôi được:

"Giọng này mà bán hàng online thì thôi rồi! Các anh các chị chốt nhanh lên ạ! Vâng, bạn Khang Trần này, 2 áo lót và một quần lọt khe! Vâng, 5 người đầu freeship 5 người đầu freeship! Bên em xả hàng sale 50%, 50% anh chị ơi! Chốt nhanh chốt nhanh giúp em ạ! Lỗi hàng hoàn trả 100% giá trị hàng!"

Không ít đứa coi lời cô là trò đùa với nó.

Tối qua tôi cũng định viết nhưng nghĩ lại thôi, mình làm gì đâu mà phải viết?

"Ở đây tôi phát hiện rất nhiều anh chị giả chữ kí của phụ huynh"

Rồi cô vo một tờ trong đống giấy thành cục, ném thẳng xuống đất.

"Anh Hoàng Việt đâu?"

Thằng Việt đứng dậy, kèm theo đó là tiếng cười khúc khích của lớp. Chính nó cũng không nhịn được cười, điều này khiến cô Miên càng cáu.

"Cô Ngọc Vân đâu?"

Tôi hơi bất ngờ. Cô Miên lên giọng:

"Trông cô cũng sáng sủa đấy nhở! Nhưng sao lại làm trò này được cơ chứ? Cô nghĩ tôi ngu lắm à?"

Vân phản đối:

"Em đã xin chữ ký của mẹ rồi ạ!"

"Đây mà là chữ ký à?" Cô Miên giơ bản kiểm điểm của nó lên.

Tôi chắc chắn là nó không nói dối. Hôm trước nó còn bị mẹ quát đến phát khóc cơ mà!

"Chữ ký của mẹ em là như thế ạ!" Vân có vẻ tức giận.

"Cô định làm gì? Lên giọng với tôi á? Có cần tôi báo phụ huynh đưa cô về ngay không?"

Vân sụt sịt khóc. Ngồi cạnh, tôi thấy tức thay cho nó, và có lẽ những thành viên còn lại của lớp cũng vậy. Nó bắt đầu khóc nức nở, tôi kéo nó ngồi xuống ngay để tránh "đợt tấn công" tiếp theo của cô Miên.

"Anh Việt!"

"Dạ! Em giả chữ kí ạ!" Chẳng mất thời gian, Việt nhận ngay và luôn.

Cô Miên lên giọng mạt sát nó. Nếu cô làm như vậy với Vân thì hậu quả là khôn lường. Nhưng thằng Việt lì lợm thực sự, nó vẫn nở nụ cười. Điều này khiến cô Miên càng thêm tức.

Thực sự khó chịu với những tiết học như vậy. Ánh mắt Vân nhìn về phía cô Miên, đầy uất hận.

Bí thư lớp tôi, Đắc Chính, có lẽ do không chịu nổi nữa, đứng dậy:

"Em có ý kiến ạ!"

"Anh có biết ngắt lời người khác là vô văn hóa thế nào không?"

Thằng Chính mặc kệ, nó bắt đầu:

"Hôm trước, bọn em mắc lỗi, do vậy bọn em chấp nhận những hình thức kỉ luật phù hợp với nội quy. Nhưng cô làm như này là hơi quá rồi ạ! Việc này ảnh hưởng đến tiết học của chúng em. Em mong cô suy nghĩ lại."

"À! Thì ra từ nãy các anh chị hận tôi lắm đúng không? Nếu các anh chị thực hiện đúng yêu cầu thì có phải xong rồi không!"

Cô vẫn bắt tới khi nào viết bản kiểm điểm đầy đủ thì môn lịch sử của chúng tôi mới được tiếp tục. Tôi tưởng tượng ra bà Thường bán rau gần cửa nhà tôi, tính cách khá giống cô Miên.

Cô không dạy? Bọn em tự học vậy.

Sau tiết sử, tới ngay tiết Toán cô Hương chủ nhiệm.

Chuyện này lập tức đến tai cô Hương

"Thôi đành thế này nhớ!" Cô Hương chốt lại "Cô sẽ gặp riêng cô Miên để trao đổi về vấn đề này. Các bạn yên tâm, cô sẽ không để lớp mình chịu thiệt thòi"

Một đứa, có vẻ bất bình lắm, đứng dậy nêu ý kiến:

" Bọn con đang tính tới chuyện đổi giáo viên sử ạ!"

Cô Hương suy nghĩ một lúc, rồi nói:

"Các bạn cứ bình tĩnh, nếu cách này của cô không được thì ta tìm cách giải quyết khác, đừng quá nóng vội. Cứ yên tâm!"

Chúng tôi cũng yên tâm được phần nào.

Vân với tôi cả tiết chả nói chuyện gì cả. Nó ngồi lặng thinh, mái tóc rủ xuống kín mặt, chốc chốc lại vang lên tiếng nấc và thút thít dễ sợ. Vài đứa bạn tới an ủi nó, đuổi cả tôi ra khỏi chỗ của mình để chúng nó ngồi vuốt ve ôm ấp nhau, nhưng Vân có vẻ chưa nguôi được.

Ở nhà hứng chịu cơn thịnh nộ của mẹ cùng với những hình phạt hà khắc, vậy mà đến lớp vẫn bị quy vào tội lừa dối giáo viên.

Nghĩ nó chán.

Giải quyết như tôi hay thằng Lộc, tuy trông có vẻ hư hỏng nhưng chính ra lại hay. Quỷ không biết, thần không hay, êm ru, mà rõ ràng tội chúng tôi nặng hơn Vân rất nhiều. Những đứa lừa lọc giáo viên và phụ huynh thật sự thì lại bình yên còn đứa mà phải chịu kỉ luật từ hai bên thì lại bị coi là nói dối! Cuộc sống mà!

Cô Miên ới! Bao giờ cô về hưu thì em viết cho cô một bản, xin chữ ký cả họ nhà em luôn! Lúc đấy em mà lấy vợ rồi thì em xin chữ ký cả họ nhà vợ nữa cho vừa lòng cô!

Kì này xác định đi tong môn sử.

Ngồi nhìn con bạn cùng bàn chìm trong đau khổ như vậy, tôi cũng không yên lòng cho lắm.

"Ê tao bảo!" Tôi vén tóc nó lên "Tí nữa về đi đâu với tao đi! Trà sữa nớ?"

Nó gật đầu.

Đôi mắt nó đỏ hoe.

"Thế tao được mời không?"

Thằng Lộc nghe được chúng tôi nói chuyện, nó quay xuống định sân si.

Tôi đập nó một phát:

"Loại mày thì đi bộ về nhá! À Quyên ơi! Lát nữa đèo Lộc về hộ tớ với!"

Giờ cũng gần hết tiết cuối cùng. Trống tạ trường vang lên sau đó vài phút.

Trời ngả màu tối rõ.

Tôi đèo Vân qua con phố chật ních người và xe. Nó vẫn chưa thể nở một nụ cười hẳn hoi sau khi dính đòn của cô Miên.

"Đi đâu?" Tôi hỏi, nhưng thực ra là để xem nó còn khóc không.

"Đâu cũng được"

"Thế là đâu?"

Rốt cuộc nó cũng phải đưa ra một địa điểm.

Đó là một quán nước mía.

Thật không ngờ một đứa như nó lại thích những quán như vậy. Nó vẫn thường tụ tập với bạn bè ở những hàng trà sữa sang chảnh ngoài đường lớn, tấp nập khách qua lại. Những cốc trà trong đó có giá không dưới 50k. Tôi cũng sẵn sàng cho điều này, tuy ví của tôi không quá khỏe mạnh nhưng vẫn đủ để đãi nó một bữa. Tôi tiêu tiền dè dặt lắm, vì tiền này là tôi kiếm. Nhưng nếu bố mẹ cho tiền thì có khi tôi còn không dám tiêu.

Tôi đưa nó qua hàng trà sữa quen, nhưng nó khoát tay từ chối. Quả thực là hơi mệt rồi đấy!

"Thế đi đâu! 5 giờ rồi!"

"Để tao chỉ đường..."

Chúng tôi dừng ở một quán nước ven hồ lớn. Tuy chất lượng bình dân nhưng được cái view đẹp. Ánh Mặt Trời vàng hoe chiếu xuống mặt hồ, lấp lánh như những miếng vàng nổi trên nước. Một quầng đỏ thẫm bao phủ chân trời, điểm chính giữa đó là quả cầu lửa rực rỡ, cháy hết mình trong giờ phút ít ỏi còn lại của buổi chiều tà. Phía đối diện là dãy nhà chung cư đồ sộ, vươn lên trên nền trời xanh dần thẫm lại.

Bác hàng nước tươi cười với chúng tôi, như là người thân vậy. Điều này khiến tôi hơi lạ.

"Mít hả con! Lâu quá rồi mới thấy qua đây đấy!" Bác ấy hướng về phía chúng tôi và nói vậy.

Tôi ngờ ngợ, còn đứng sững đó thì Vân đã lên tiếng:

"Vâng ạ! Bác dạo này khỏe không ạ?!"

"Bác vẫn bình thường! Hôm nay được người yêu dẫn đi chơi à?!"

Vân hơi bối rối, nó cười:

"Dạ không ạ! Bạn cùng lớp của cháu đấy bác!'"

Ngại chết mất!

Thì ra Vân quen bác bán nước này từ trước. Hèn gì lôi tôi ra tận quán này.

Chúng tôi gọi hai cốc nước mía. Vân cố tình kéo cái bàn ra sát lan can ven hồ.

"Người quen hả?" Tôi hỏi nó khi hai đứa ngồi xuống bàn.

"Ừa" Nó đáp "Bác ý bán quán gần nhà tao từ ngày xưa"

"Ơ thế nhà mày gần đây à?" Tôi thắc mắc.

Nó chỉ tay về phía một trong những tòa nhà chung cư ven đường, cách chỗ chúng tôi tầm trăm mét

"Nhà tao đó! Mày quên à?!"

Lúc đi nhận lớp tôi có đèo Vân về nhà, mới có hơn 3 tháng nà đã quên béng mất.

Rồi bỗng dưng nó nhớ lại chuyện chiều nay. Tâm hồn mong manh của nó lại bị rung động. Vân tỏ ra bực bội:

"Chả hiểu bà Miên nghĩ gì luôn! Sắp tới thể nào cũng phải gọi cho mẹ tao một cuộc để xác nhận, lúc đấy thì tao lại ăn đòn tiếp"

Nó đấm mạnh tay vào lan can sắt.

Tôi cười:

"Bà ý đáng để mày tức thế à?!"

Vân hơi bất ngờ vì câu này của tôi. Nó ngẩng mặt, nhìn tôi.

"Cái gì?"

"Bà Miên ý!" Tôi đáp "Tao có cảm giác mày đang bị bà ý hạch sách và chọc tức"

Nó gật gù, rồi nốc một ngụm nước mía. Đã gần sáu giờ chiều.

"Nếu là mày thì mày định giải quyết sao?" Nó hỏi lại.

"Tao á...!"

Ca này khó, tôi cũng chưa dính lần nào nên cũng chưa có nhiều kinh nghiệm. Thôi đành trả lời vậy.

"Không tức, không sợ với không quan tâm nữa là xong"

Vân lại càng bất ngờ hơn.

"Làm như đơn giản lắm ý!"

Lại phải tốn chút công sức giải thích với nó vậy.

"Tao hỏi nhá! Thế bà ý có quan trọng với mày không?"

"Hỏi gì kì cục! Tất nhiên là không rồi!"

Nó đang đi đúng những gì tôi dẫn dắt. Tôi cười:

"Thế sao mày phải tức bà ý! Bà ý đủ quan trọng để khiến mày phải khóc hả? Bà ý là cái gì?"

Nó hiểu ra vấn đề.

"Bà ý không đủ quan trọng để khiến tao phải khóc! Đúng không?"

"Thế sao mày lại khóc?"

"Lần sau không thế nữa!"

Nó trề môi rồi cười hì hì.

Những sự việc đó giống như một điệu nhảy, điệu nhảy của những quan hệ cuộc sống. Người khác có thể bắt đầu điệu nhảy đó, và ta có thể chọn cuốn theo, hoặc không. Đôi khi càng nhảy, ta càng bị lún sâu vào điệu nhảy đó, điều này không ổn với bản thân ta chút nào, đặc biệt khi đó là mục đích trong đầu người bạn nhảy.

Cô Miên khơi dậy một điệu nhảy không lấy gì làm vui vẻ, đó là sự hạch sách vô lí. Vân đã chọn nhảy cùng, đó là sự phản ứng và tức giận. Nhưng nó hoàn toàn có quyền lựa chọn trong lúc đó. Vân không thể phân tích được những hậu quả gì đón chờ nó ở phía sau, nó phản ứng quyết liệt với sự uất hận trong lòng, đó là bản năng tự nhiên, một sự kháng cự của con người.

Khá trớ trêu là điều này tạo nên sự "hứng thú" trong lòng cô Miên.

Hãy xem thằng Việt làm gì trong lúc đó!

Việt đứng dậy khi cô Miên nhắc đến tên nó. Nó cười tươi và vô cùng thoải mái. Không ngần ngại, nó nhận ngay lỗi, điều này có vẻ khiến cô Miên bị bất ngờ và có phần "cụt hứng". Đôi lúc, tôi có cảm giác lớp chúng tôi như một trò đùa của cô vậy, một nơi để cô xả stress sau những phút căng thẳng, có lẽ là do gia đình.

Việt không chấp nhận "nhảy" cùng cô, và nó đã chiến thắng từ lúc đó. Nó tạo ra điệu nhảy của mình, là sự vui vẻ và tự nhiên, có vẻ nó muốn khiêu khích cô vì thằng này cũng có thâm thù sâu sắc với cô lắm. Cô Miên đã bị cuốn theo bằng sự tức giận và điên tiết. Thằng Việt đã gây ra với cô Miên những gì mà cô vừa tạo ra với Vân trước đó, là sự tức giận và mất bình tĩnh.

Dẫu sao điều này cũng gây hại cho lớp, và nó đáng bị ăn đấm.

Chúng ta có quyền lựa chọn cách phản ứng trước những sự việc xảy ra. Đó là sự tự do trong lòng người!

Ở quán nước này, điều tôi cần là xoa dịu và an ủi Vân, do vậy tình nghĩa cô trò phải né sang một bên. Nhưng trong lòng tôi vẫn băn khoăn, điều gì tạo nên con người cô Miên như vậy?

"Ê Vân này! Tao hỏi tí!" Tôi lên tiếng.

"Nói đi đừng sợ!"

"Mày biết gia đình bà Miên như nào không?"

Nó hơi ngạc nhiên trước câu hỏi này, nhưng có vẻ nó nghĩ tôi đang tìm hiểu về "kẻ thù" để đưa ra chiến lược hợp lí. Nó kể:

"Cái này tao nghe từ lũ con gái, truyền miệng thôi nhưng chắc là chuẩn đấy!"

Thêm một ngụm nước, nó bắt đầu nói:

"Bà ý li dị chồng rồi! Nghe đâu từ vài năm trước. Bây giờ bà ý đang sống với con trai. Nghe nói nhà bà Miên cũng thuộc dạng hộ cận nghèo, gia cảnh cũng khó khăn. Mà bà là người Hà Nội gốc đấy! Trước kia bên Ba Đình xong phải bán nhà sang Long Biên ở, hình như bị lừa lọc gì đó..."

Lũ này chịu khó tìm hiểu ghê! Toàn những tay săn tin hảo hạng cả.

Về sau, tôi moi được cả tấn thông tin về cô giáo sử Ngọc Miên. Source: Một số thầy cô giáo trong trường, một bác là bạn mẹ tôi, trước đó từng chơi rất thân với cô Miên và không thể không kể đến những gì mà tôi và thằng Lộc đã phân tích thông qua lời của cô trên lớp.

Nhà văn Nam Cao từng có câu :"Một người đau chân thì có bao giờ quên được cái chân đau của mình để nghĩ cho người khác đâu!". Cô Miên trải qua bao chuyện khổ cực, bao sóng gió cuộc đời. Cô sinh ra ở nội thành, chắc chắn là con nhà gia giáo, theo học sư phạm hẳn hoi,à người có tri thức, có ăn có học, ra ngoài xã hội mà việc.

Rồi cô lấy chồng, sinh con ở ngay trên đất mà gia đình nhà chồng để lại. Mẹ chồng cô có thể nói là rất khó tính, điều này thể hiện rõ trong những lần cô nói chuyện vu vơ với chúng tôi, đầy những lời lẽ có phần "nói xấu" mẹ chồng. Sống trong cảnh hà khắc và đầy khuôn phép, có lúc cô Miên tưởng như phải bỏ nghề để tận tâm với gia đình bởi sức ép từ nhà chồng quá lớn, đặc biệt khi chị con gái đầu lòng ra đời.

Tư tưởng "trọng nam khinh nữ " đã ăn sâu, rất sâu vào những gia đình có bề dày truyền thống. Việc một người "dâu trưởng" như cô Miên, đẻ ra con gái cũng khiến những thành viên nhà chồng của cô cực kì thất vọng. Cô phải chịu nhiều sức ép hơn, và điều này đôi lúc khiến cô rơi vào trầm cảm.

Rồi mẹ chồng cô mất, cô Miên như được giải thoát. Vợ chồng cô xây một cái nhà mới trên phần đất ông cụ bà cụ để lại. Nhưng những vấn đề lại nảy sinh giữa hai vợ chồng. Cô đã chịu nhiều khổ cực, nhiều vất vả, do vậy bây giờ cô như một cánh chim xổ lồng. Trớ trêu là điều này khiến chồng cô có phần khó chịu và có xu hướng "kìm hãm" vợ, ông ấy là một người có phần nhu nhược và gia trưởng nên khó có thể chấp nhận những suy nghĩ của vợ về mẹ mình khi bà vừa mất không lâu.

Rồi may mắn mỉm cười với gia đình nhỏ của cô.

Anh con trai của của cô ra đời trong niềm hân hoan của cả nhà.

Cô chăm bẵm anh ấy kĩ lắm! Nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa vậy! Nhà lại có điều kiện nên anh ấy giống như một "cậu ấm" thực sự, được bố mẹ yêu chiều có phần thái quá.

Cả bố tôi và tôi đều rất quan trọng tới những vấn đề kinh tế và chính trị. Tôi có đọc một bài viết về cuộc suy thoái kinh tế năm 2008. Kinh tế Việt Nam vào thời điểm này chững lại đột ngột sau thời gian tăng trưởng mạnh mẽ. Hàng loạt doanh nghiệp rơi vào thế khó và buộc phải tuyên bố phá sản, trong đó có doanh nghiệp của chồng cô Miên.

Tâm huyết cả chục năm trời bị sụp đổ trong vòng một vài tháng. Người đàn ông đó gần như suy sụp cả về tài chính lẫn tinh thần. Ông ta trở nên hung dữ và biến thành một người chồng vũ phu. Trong suốt một thời gian dài, cô Miên và hai đứa con phải chịu nhiều những cơn thịnh nộ của ông ta. Một mình cô phải bươn chải kiếm sống. Sau giờ dạy trên trường, cô phải buôn bán thêm mới có đủ tiền cho con cái đi học và duy trì cuộc sống. Chồng cô hóa thành một con nghiện rượu nặng.

Rồi vợ chồng cô li dị, đó tưởng chừng như là một sự giải thoát đối với cô. Nhưng không. Cô bị một nhóm lừa đảo đưa vào bẫy, sau đó gần như cô trắng tay.

Một mình nuôi hai đứa con, cô sang khu vực Long Biên này làm ăn sinh sống, sau đó được điều chuyển về trường tôi. Một cú sốc nữa lại tới khi chị con gái mới 23 tuổi của cô bị tai nạn giao thông và qua đời. Cô suy sụp và buộc phải nghỉ dạy một thời gian.

Khi đi làm trở lại, cô lại phải đối mặt với một nỗi lo mới: người con trai duy nhất của cô. Do thiếu sự chăm sóc và giáo dục đến từ gia đình, anh con trai cô Miên trở nên hư hỏng và bước vào con đường nghiện ngập. Anh ấy bị đưa vào trại cải tạo khi mới 20 tuổi, và bây giờ mới từ trại về được vài tháng, hiện đang làm phụ hồ để kiếm sống.

Một cuộc đời thật sự khổ hạnh và vất vả!

Hôm nọ, người bạn của mẹ tôi có sang nhà tôi chơi. Bác ấy ngồi nói chuyện với bố mẹ tôi hàng tiếng đồng hồ. Bố tôi có đề cập cô Miên và bác ấy đã cung cấp những thông tin như trên, đầy đủ và chân thực cho bố mẹ tôi biết.

"Một người đau chân thì có bao giờ quên được cái chân đau của mình để nghĩ cho người khác đâu!".

Những định kiến của tôi về cô Miên đã thay đổi. Cô từng là một người phụ nữ hiền lành nết na, một giáo viên được học sinh yêu quý hết mực, nhưng cuộc đời đã xô đẩy cô tới mức này.

Mọi chuyện đều phải có nguyên do. Bố tôi rất hứng thú với những sự tìm kiếm về nguyên nhân của bản chất một con người, và tôi cũng vậy. Điều đó giúp ta có một cái nhìn khách quan và chính xác hơn về con người đó.

Tôi thực sự thông cảm cho cô!

Nhưng dẫu sao, quyền lợi của lớp đang bị ảnh hưởng, cần phải có một sự thay đổi. Tất nhiên có nhiều cách thay đổi, nhưng chắc chắn thay đổi giáo viên nên là phương án được tính đến cuối cùng.

Tùy cơ ứng biến, mềm thì nắn mà rắn thì dùng TNT, hi vọng cô Hương có thể khuyên nhủ được cô Miên trở lại dạy bình thường.

Trời đã gần tối hẳn.

Chúng tôi vẫn ngồi ngắm mặt hồ gợn sóng trong ánh tịch dương. Đường phố đã bắt đầu lên đèn.

Từ nãy toàn bàn chuyện căng thẳng, có lẽ tôi nên thay đổi không khí.

"Vân này! Lúc nãy sao bác ý lại gọi mày là Mít đấy?"

"Tên ở nhà cả tao đấy. Nghe mẹ tao kể là ngày xưa về quê tao thích ăn Mít lắm!"

Rồi nó nhớ lại:

"Lúc bé, ông nội tao lên đây sống với nhà tao. Ông hay bế tao ra đây hóng gió, lâu dần bác bán nước thân với hai ông cháu. Bác ý quý tao lắm!"

Khoác cặp lên vai, nó bỗng bật cười:

"Lúc đấy tao còn đòi hút thuốc lào! Chả hiểu sao!"

Tôi cười theo, tiện tay với cái thùng điếu cày, dí ra gần chỗ của nó.

Cũng đã muộn rồi.

Chúng tôi đứng dậy ra về. Thật buồn cười là hai đứa cùng lôi ví ra, tôi là đứa nhanh tay hơn.

Vân định phản đối nhưng tôi nói:

"Vừa nãy đã nói là tao mời rồi! Làm ăn phải giữ chữ tín chứ!

Đưa xong tờ 20k cho bác bán hàng, tôi định quay đi thì bị bác gọi lại đưa tiền thừa, bốn ngàn liền!

Tôi đứng tần ngần một lát, chỗ nhà tôi bán nước mía tận 10k một cốc! Mà thôi, chắc thêm hai ngàn là tiền thuế VAT và thuế hàng tiêu dùng đặc biệt, bởi nước mía cũng gây nghiện được đấy! Đánh thuế như rượu bia hay thuốc lá là điều đương nhiên!

Vân leo lên yên xe. Tôi ngoảnh lại, dài mồm ra trêu nó:

"Mít ơiiiiii!"

"Thôi ngay! Ở nhà tao nghe nhiều lắm rồi!"

"Nhưng mà tao thích gọi mày như thế đấy! Vấn đề gì không?"

Từ đấy, tôi toàn gọi Vân là Mít.

















Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro