Chương 5: Hôm qua tôi đã khóc

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Vì một ngày còn sống
Là một ngày đắm say
Ngày đẹp trời nhất
Là ngày mình còn nắm tay"
- Đen. -

Hãy tưởng tượng cuộc sống của chúng ta thiếu đi âm nhạc thì ra sao nhỉ?

Chán!

Tất nhiên là vậy. Âm nhạc là chất keo gắn kết cuộc sống, là thứ ngôn ngữ diệu kì mà con người có thể sử dụng để bày tỏ tường tận tình cảm của mình. Tác động của âm nhạc đến cảm xúc là điều không thể chối bỏ.

Có vô vàn bài hát trên đời này, và hàng ngày lại có thêm những bài hát mới ra đời. Mỗi bài hát có một nét riêng, và những tác phẩm nổi tiếng luôn luôn chứa đựng cái "chất" khác biệt.

Mỗi đứa học sinh chúng tôi, chắc chắn ngày nào cũng phải nghe vài bài hát. Nghe từ điện thoại, từ loa, từ các thiết bị điện tử mà hầu như đứa học sinh cấp 3 nào cũng có.

Và đa số chúng tôi đều có một thần tượng âm nhạc của riêng mình.

Lớp tôi chia ra làm khá nhiều trường phái về khoản này. Đông nhất phải kể đến fan của BTS, Big Bang, Black Pink và một số nhóm nhạc Hàn Quốc khác. Vài đứa khác thì hâm mộ "Sếp", Ed Sheeran, Maroon V và thậm chí có nhiều ca sĩ hay nhóm nhạc tôi chưa từng nghe tên bao giờ, đa số đến từ Nhật Bản.

Bố mẹ tôi là những người đã cứng tuổi, cũng đã ngoại tứ tuần. Ở nhà, hàng ngày bố tôi thường nghe những dòng Bolero, nhạc tiền chiến. Thống kê chưa chi tiết thì 4 trong số 5 bài bố tôi nghe là do Quang Lê thể hiện. Lâu dần tôi cũng bị dòng nhạc này quyến rũ và mất đi sự hứng thú với nhạc trẻ.

Tôi có một thói quen hơi lập dị.

4 rưỡi sáng, thời điểm mà mọi người còn say ngủ, thì tôi đã tỉnh giấc. Không báo thức, không nhờ ai gọi dậy nhưng hễ hôm nào tôi đi ngủ đúng 10 rưỡi là y như rằng sáng hôm sau dậy đúng giờ đó.

Tôi không rời khỏi giường ngay.

Tay với điện thoại với cái tai nghe có đầu mút cao su ở đầu bàn. Tôi cắm tai nghe, và bật một số bài "nhạc vàng" huyền thoại.

Nếu lũ bạn tôi biết điều này, có lẽ nó sẽ bảo tôi là thằng hâm.

Từng giai điệu ngọt ngào vang lên như thấm vào tâm hồn tôi, êm ái và tràn đầy cảm xúc:

"Phố đêm
Lạc loài hương yêu
Chìm đắm như hàng cây giá lạnh ướt mềm
Phố đêm
Chờ người phong sương
Chinh chiến từ lâu rồi
Có niềm riêng hay ước"

Không hề có chất kích thích nhưng hồn tôi cực high trong lúc đó.

Lời ca trong sáng và đầy tinh tế, cách thể hiện của ca sĩ Phương Anh cũng cực kì ấn tượng, một bài nhạc hoàn hảo và tuyệt mỹ.

Tôi nằm vậy đến hơn 5 giờ sáng.

Nhưng những hôm nào anh em rủ đi đá bóng thì tôi phải đổi khẩu vị. Nhạc vàng có khả năng xoa dịu tâm hồn cực tốt nhưng không thể khiến tôi hưng phấn và mạnh mẽ.

Lúc này là thời gian của THE SCRIPT, của HALL OF FAME.

Chắc thằng con trai nào cũng phải xem qua một vài video highlight của những cầu thủ hàng đầu, và chắc chắn ít nhất một lần nghe được giai điệu bài hát này.

Nghe quá phê! Cả cơ thể như muốn vùng dậy, lao vào ngày mới đầy mạnh mẽ và năng lượng. Đây cũng là nhạc chuông báo thức vào mùa đông của tôi, nghe một cái là không còn tâm trạng để ngủ.

Ai đọc được dòng này thì nên thử áp dụng chiêu báo thức này nhớ! Hiệu quả bất ngờ!

Có thể nói gu âm nhạc của tôi là cực kì khó hiểu so với tổng thể giới trẻ hiện nay. Nhưng không phải chỉ có một mình tôi như vậy, xung quanh tôi cũng có nhiều người bạn không quan tâm quá nhiều đến nhạc trẻ.

Một trong số đó là thằng Lộc.

Trước đây, Lộc không thích nghe nhạc vàng cho lắm, nhưng về sau nó vẫn thuộc từng câu từng chữ của vài tác phẩm danh tiếng.

Con đường dẫn nó đến với cái thể loại cổ điển này khá giống tôi: từ phụ huynh.

Tôi thường gặp bố mẹ nó đi dạo vài vòng quanh khu phố vào mỗi tối. Bố nó cầm theo cái đài mạ vàng sang chảnh, bật nhạc như để cả phố nghe. Toàn nhạc vàng cả. Lộc kể, lần nào vào xe bố nó cũng phải chịu đựng thứ nhạc này, lâu dần thành quen, từ chịu đựng chuyển thành thưởng thức.

Đó là một sự đồng điệu khá thú vị giữa hai thằng chúng tôi.

Cô bạn ngồi cạnh Lộc có tên là Tố Quyên, một cô nàng năng động và xinh đẹp. Quyên và Vân thường trở thành thính giả bất đắc dĩ của chúng tôi. Những lúc cao hứng, tôi và Lộc véo von hát, tất nhiên là không được hay cho lắm, đôi khi đó là một sự xúc phạm nặng nề đối với đôi tai người nghe.

Ban đầu hai cô nàng còn phản ứng quyết liệt. Lâu dần thành quen, Vân lặng lẽ lườm tôi, còn Quyên nhìn hai thằng mà cười trừ mỗi khi chúng tôi cất giọng hát. Trong mắt họ hiện lên rõ ràng hai chữ: Bất lực.

***
Tôi thực sự rất thích học lịch sử.

Nhưng có vẻ cách mà cô giáo chúng tôi truyền đạt đã làm thui chột tinh thần đó. Cô đứng trên bục giảng, cứ giảng đều đều, còn các trò ở dưới thì hầu như không chú ý lắm.

Đúng ra tôi nên ghi âm giọng cô lại, đợi hôm nào khó ngủ thì lúc lên giường mở nghe. Trong tiết học, tôi ngồi bàn cuối nên chịu chết trong quá trình tiếp thu bài học, căng tai ra vẫn không nghe rõ cô nói cái gì. Nhưng đó là một lí do biện hộ, chứ kể cả ngồi bàn một, tôi cũng chả buồn nghe giảng.

Thay vì phí hoài thời gian thì tôi nghĩ nên làm gì đó...

Bài tập tiếng Anh mà lớp học thêm của tôi giao về nhà sẽ là hợp lí.

Nhưng lớp tôi cũng toàn là những thành viên có ý thức học tập, có lẽ do áp lực từ nhiều phía. Khá nhiều đứa cũng lôi môn khác ra học. Người ngoài nhìn vào, sẽ nói chúng tôi thiếu tôn trọng giáo viên và vô ý thức, nhưng họ nên đặt mình vào vị trí của chúng tôi để hiểu. Xét về lí, thì có lẽ đây là hành động sai trái thật, nhưng về tình thì nói thật, việc nghe giảng giống như tra tấn vậy. Cả lớp bị ru ngủ trong tiếng đọc đều đều như tiếng mõ của cô. Để không bị cơn buồn ngủ hạ gục, mỗi cá nhân nhận thấy phải làm gì đó, học môn khác là cách mang lại hiệu quả cao nhất. Chúng tôi hoàn toàn thoải mái vì đã không phí thời gian.

Cô giảng mà trò không nghe, ắt sẽ tức nước vỡ bờ!

Lớp vẫn nhao nhao do một số thành phần buôn dưa lê trong giờ. Chúng nó nói chuyện to quá, át đi cả tiếng cô giảng bài. Cô giáo dạy sử chúng tôi đã cố găng nhắc nhở mấy lần, đập bàn đập ghế ác liệt, nhưng chỉ khoảng một phút sau, đâu lại vào đấy.

Lần này có vẻ cô đã cáu thực sự.

"Các anh chị không muốn học thì để im cho người khác học! Hôm nay tôi để anh chị tự giác mà tìm hiểu bài! Buổi sau kiểm tra! Tôi không có hứng dạy nữa!"

Làm gì có ai học?

Lớp im ắng hẳn.

Nhưng một lát sau, chúng nó lại ầm ầm lên như trêu tức cô. Nhìn cô giáo tôi khổ sở lắm, trông cô như muốn khóc vậy. Mất công soạn bài giảng kĩ lưỡng trước khi lên lớp, vậy mà lũ học sinh lại không thèm học, nghĩ mà tức!

Còn đối với chúng tôi ư?

Tự học? Không vấn đề, à mà cô giảng còn không học nói gì đến tự! Kiểm tra? Lại bật mode "đồng đội". Lớp tôi "teamwork" rất hay nên không đáng lo, mà một điểm kém môn sử thì sẽ về đâu? Đến cuối kì nó sẽ tự biến mất trong sổ điểm, và thay vào đó là vài điểm cao bất ngờ. Chúng tôi biết rõ điều này, nên không có gì phải lo lắng cả. Lớp vẫn ầm ầm vui vẻ, còn cô giáo ngồi bất lực trên bàn.

"Tôi sẽ kiểm tra vở các anh chị!"

Chỉ khi chiêu này được tung ra, lớp chúng tôi mới bắt đầu sợ.

Nhưng ai sợ thì sợ, tôi không hề sợ, tuy trong vở chưa chép chữ nào. Tôi biết thế nào trong lớp cũng có vài chục đứa như vậy.

"Mày chép chưa?" Lộc quay xuống hỏi tôi, dáng vẻ nhăn nhở, trông nó không có vẻ gì là sợ cả.

Tôi cũng nhăn nhở đáp lại:

"Chép được cái tên đầu bài"

"Đầy đủ quá, tao chưa ghi gì!"

Nó quay sang hỏi Vân, cô nàng cũng không khá hơn. Vân rất có ý thức chép bài ngày thường, nhưng ngồi ở chỗ như này thì nghe được cái gì mà chép? Trông nó có vẻ khá lo.

Hãy bình thường hóa vấn đề trong trường hợp như vậy.

Một lần không chép vở? Không sao. Ghi sổ đầu bài? Thoải mái đi cô. Những đứa học sinh khác lo sợ bố mẹ phạt khi có tên trong cái sổ chết tiệt ấy, nhưng bố tôi coi đó là điều bình thường. Mời phụ huynh vì một quyển vở? Cũng bình thường. Bố tôi thừa hiểu sự chán ngắt trong mỗi giờ học như vậy. Chính ông đã khuyên tôi không được bỏ phí thời gian mà nên học một cái gì đó khác.

Các hình thức sát phạt như vậy, rõ ràng là thể hiện sự bất lực của giáo viên. Cô sử đã thất bại hoàn toàn trong việc thu hút chúng tôi vào bài giảng. Khi có vài đứa không chú ý tới bài học, thì đó là do ý thức chúng nó kém. Nhưng khi cả lớp không chú ý, thì tôi nghĩ cô giáo cũng nên xem lại bản thân.

"Bà này lết được đến chỗ mình thì chắc cũng chết vì nhồi máu cơ tim!" Lộc khẽ cười với tôi.

Thằng này đoán chuẩn phết!

Sau khi đi kiểm tra được một tổ, cô tới chỗ lớp trưởng. Nó là đứa chăm chỉ và cực kì ngoan ngoãn, do vậy có lẽ đó là quyển vở duy nhất khiến cô hài lòng.

Nhưng không!

Cô dập mạnh quyển vở xuống mặt bàn, rồi vùng vằng bước lên bàn giáo viên, tháo nắp bút ghi gì đó vào sổ đầu bài. Trông lớp trưởng tái mét mặt.

Kết thúc giờ học căng thẳng.

Chúng tôi túm tụm lên xem sổ đầu bài. Một dòng chữ to tướng:

"Lan Phương và nhiều học sinh không chép bài"

Điểm kỉ luật: 6/10

R.I.P lớp trưởng.

Có lẽ cả lớp không ghi, nhưng bây giờ mình nó phải chịu. Lan Phương ngồi uất ức, có vẻ nó đang khóc.

Mối quan hệ "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" của lớp chúng tôi với cô giáo này bắt đầu từ đó. Và việc cô giáo tạo dựng mối quan hệ này đối với học sinh là điều đáng buồn.

Nhưng lớp chúng tôi thực sự rất đoàn kết. Thằng bí thư chi đội của lớp, bước lên bục giảng, dõng dạc:

"Hôm nay ai chưa chép bài?!"

Lác đác vài cánh tay giơ lên.

Chính bí thư cũng giơ tay.

Và rồi cả lớp cùng giơ tay, thằng Lộc và vài đứa còn định giơ cả chân.

"Thế thì có tội chịu chung nhé! Cả lớp làm mà một người chịu thì tao nghĩ không đáng. Mà nếu bà sử này còn như vậy, anh em nên xin cô đổi giáo viên!"

Cả lớp vỗ tay rầm rầm.

Thực ra chúng tôi là người sai trước, đúng là vậy, nhưng cách giải quyết của cô giáo về sau là hoàn toàn thất bại trong việc kết nối và tạo dựng mối quan hệ tích cực với học sinh, một điều quan trọng cần phải làm trước khi truyền đạt bất cứ kiến thức gì. Kể cả khi cô không thể làm gì hơn ngoài việc ghi sổ, thì có lẽ dòng chữ "Cả lớp không ghi chép bài" sẽ khiến tình hình chuyển khác thay vì dòng chữ trong sổ bây giờ.

Tôi lắc đầu ngao ngán vì kể từ giờ, mỗi tiết sử sẽ trở thành một cuộc chiến chứ không phải một tiết học.

Tôi lại cắm cúi làm nốt bài tiếng Anh.

Ối! Lại viết nhầm!

"Vân ới! Mượn bút xóa!" Tôi vỗ vai nó.

Vân quay lại, nó định lấy bút xóa đưa cho tôi nhưng lại dừng.

"Nghe bài này đi rồi tao cho mượn!"

Nó dúi cặp tai nghe vào tai tôi, rồi mở nhạc trên điện thoại.

"Tao biết mày còn nặng tình với Trà lắm, nên tao bắt mày phải nghe bài này!"

"Tình lỡ nên trái tim đổi màu
Quên hết sao hỡi em
Dẫu biết rằng, làm sao xóa
Những thời gian khi ta có nhau

Giọt đắng em đã mang trong lòng
Nuốt biết bao đắng cay
Để miệng đời cười khen chê
Bởi vì anh ham mê đổi thay"

Là bài "hôm qua tôi đã khóc".

Nó thực sự muốn tôi phát khóc thật.

Tôi định tháo tai nghe ra. Lòng tôi như tan nát khi nghe những giai điệu ai oán và sầu não này.

"Tháo ra là không có bút" Nó dõng dạc đe dọa.

Thôi đành nghe vậy.

Tôi cúi gằm mặt xuống bàn, có lẽ sắp khóc đến nơi. Môi tôi mím chặt, hai mắt nhắm nghiền.

Có lẽ bên cạnh, Vân đang ngồi cười hi hí.

Màn tra tấn tinh thần khủng khiếp nhất từ trước đến nay.

Sáng nay, tôi lại bắt gặp Trà ngồi sau xe gã hôm nọ, hai người họ cười nói tình tứ vui vẻ. Vân biết chuyện và muốn giở trò này để dìm tôi xuống đáy của nỗi buồn.

Một bài hát rất hay nhưng tiếc là với tâm trạng tôi bây giờ, nó không khác gì một liều thuốc độc. Có lẽ ai thất tình như tôi mà nghe giai điệu này đều muốn khóc như lời bài hát, còn con tim sẽ chậm lại vài nhịp, như ngừng đập hẳn.

4 phút trôi qua. Hết bài.

Tôi ngẩng dậy, môi vẫn mím chặt. Vân rón rén lấy lại tai nghe, nó bắt đầu hơi lo cho tôi.

"Ê! Đừng làm tao sợ"

Nó gượng cười, vỗ vai tôi. Nói chung, nghe xong bài này tôi lại tưởng tượng ra cái cảnh Trà đang vui vẻ bên thanh niên kia, không tức nhưng buồn lắm!

"Không sao!"

Tôi đáp vậy, rồi chạy té ra nhà vệ sinh. Từ nãy tôi cũng buồn, nhưng mà là buồn tè, còn Vân thì vẫn tưởng tôi cần không gian yên tĩnh để vơi nỗi buồn tình cảm.

"Mày làm gì bạn tao à?!"

Thằng Lộc quay ngoắt xuống khi thấy tôi lẳng lặng bước ta cửa. Hai đứa nó nói gì đó, tôi cũng không biết.

Còn một tiết cuối.

Giải quyết nỗi "buồn" xong, tôi vui lên hẳn. Thương tiếc cho tình tôi thật đấy nhưng không đến mức phải thể hiện ra mặt. Mặc dù vậy tôi vẫn muốn trêu Vân một vố.

Vào tiết, tôi cố tình ra vẻ thất vọng và chán nản, thí thoảng mạnh chân mạnh tay, đập bàn đập ghế cho chân thực cảm xúc. Vân đâm lo thật. Nó hơi hối hận vì việc vừa nãy, nên chủ động nói chuyện nhiệt tình cho tôi vui lên.

"Tao bảo này! Hôm nay tao vừa thấy một chị lớp trên ý, xinh vãi cả đái luôn!"

"Ừ"

"Nhà mày nuôi mèo không Khang?"

"Có"

"Ui sướng thế! Tao cũng muốn nuôi mà mẹ tao không cho!"

"Ừ"

Đến gần cuối buổi, nó thành ra sợ hãi thật, xin lỗi tôi rối rít và hứa tuần sau sẽ bao tôi đi uống nước.

Đáp lại sự hối lỗi chân thành của nó, tôi chỉ đáp:

"Ừ! Tao ổn mà!"

"Thôi! Đừng có như thế nữa! Tao sợ lắm! Xin lỗi, tao cho mày mượn bút xóa free cả năm luôn... À! Muốn đọc "Percy Jackson" không? Tao có cả bộ luôn đấy..."

Đã diễn phải diễn cho chót, nếu không thì đừng có diễn. Tôi giữ thái độ như vậy đến tận lúc về.

Ra khỏi lớp, Vân vẫn nhõng nhẽo theo tôi, hay nó sợ tôi nghĩ quẩn mà ra sông Hồng nhở... ?!

"Về nhớ!"

Vân chào tôi rồi leo lên yên xe một cô bạn. Đến bây giờ thì xong rồi.

"Mày bị chập mạch thật à?" Thằng Lộc thấy tôi như vậy cũng rất quan tâm hỏi han.

Tôi cười khanh khách. Nó thụi tôi một quả vào lưng

"Thằng chó lưu manh này!"

Nghĩ cũng hơi quá, nhưng thực sự là rất vui.

"Mày không nên đem tình cảm của phụ nữ ra đùa như vậy" Lộc răn dạy.

"Ý mày là gì?"

"Không... thôi đi về!" Nó lấp liếm.

***

Tối đó, nhóm chat lớp tôi có biến lớn.

Cô giáo dạy sử có lẽ đã suy nghĩ lại sự việc chiều hôm nay. Có vẻ cô thấy việc ghi sổ đầu bài là chưa đủ, cho nên đã trịnh trọng gửi một tin nhắn cho lớp trưởng:

"Em thông báo với các bạn, mỗi người viết ngay một bản kiểm điểm về sự việc chiều nay, có lời xin lỗi và tường trình lại đầy đủ những gì các em đã làm, xin chữ kí của phụ huynh hẳn hoi và kèm theo số điện thoại của bố mẹ bạn đó. Tiết sau nộp cho cô.

Cô thực sự không muốn như vậy nhưng các em đang bắt cô làm vậy. Bao giờ cả lớp nộp đầy đủ thì cô sẽ dạy lại bình thường.

Cô Miên dạy sử."

Một nước đi không thể nào bất ngờ hơn. Quả này thì coi như toang.

Chúng tôi vốn đã coi môn lịch sử như môn phụ, còn bây giờ thì nghỉ hẳn. Đối với tôi, cô Miên không dạy sử? Thoải mái lắm, nâng cao tinh thần tự học một chút, đọc sách giáo khoa thì thậm chí hiệu quả hơn mấy lần cô Miên dạy. Thậm chí lớp có thể sẵn sàng đề bạt lên cô Hương chủ nhiệm về chuyện đổi giáo viên sử.

Còn bản kiểm điểm?

Trình độ giả chữ ký của tôi cũng khá ngon. Cùng lắm thì nhờ người anh em Vũ Bá Lộc.

Gọi điện cho phụ huynh?

Bố tôi là một người không quan tâm lắm tới phương tiện liên lạc bằng điện thoại. Ông thường tắt máy mỗi khi nhận được những cuộc gọi từ đầu số quảng cáo và tổng đài bán hàng.

May mắn, tôi giống như là "quản lí" Zalo riêng của bố, được bố giao cho trọng trách nhắn tin theo yêu cầu của ông hoặc thực hiện kết nối cuộc gọi. Chỉ cần lưu số của cô Miên lại, đổi thành... 195, 197,... thì bố tôi sẽ tắt ngay mỗi khi nhận cuộc gọi, không ai rảnh rỗi trong giờ làm việc mà đi ngồi nghe mấy ông tiếp thị bất động sản hay quảng cáo tour du lịch, đặc biệt là với đặc thù công việc cần sự tập trung tinh thần và trí tuệ như của bố tôi.

Thể nào bố tôi biết chuyện, ông cũng sẽ có sự chấn chỉnh. Không phải chấn chỉnh tôi, mà là chấn chỉnh... cô Miên. Ông không hề ưa thích những giáo viên cổ hủ và những tiết học nhàm chán, vài lời của bố tôi có thể khiến cô nhìn lại bản thân và điều chỉnh ngay thái độ cũng như phương pháp dạy.

Hoặc là KHÔNG.

Khả năng cao là KHÔNG!

Thực tế mà nói, cái "tôi" trong người cô Miên quá lớn, cô chưa bao giờ chịu nhận sai cả. Hôm nọ, một đứa lớp tôi bị trừ thẳng tay 1 điểm trong bài kiểm tra 1 tiết trong khi đúng ra nó phải được hơn số điểm ban đầu.

Số là, khi trả bài, nó phát hiện ra một lỗi sai trong khi chấm bài của cô. Nó lập tức lên thắc mắc vì lỗi sai quá rõ ràng và ảnh hưởng đến điểm của nó.

Sau vài phút nói chuyện, nó bị đuổi xuống. Cô Miên đứng lên trước lớp, cho rằng cô nàng xấu số kia đã có thái độ thiếu tôn trọng giáo viên, lí do là nó đã "không cười tươi" khi lên xin sửa bài, không hơn không kém. Cô lập tức trừ 1 điểm vào bài trong sự tức giận, không phải của mình nó, mà là của cả lớp.

Giống như việc bạn mua áo, và nhân viên giới thiệu cho bạn nhầm size. Bạn yêu cầu đổi size đúng nhưng nhân viên không chấp nhận vì bạn "không có thái độ vui vẻ" khi vào cửa hàng đổi áo vậy. Trong trường hợp như cô Miên thì người mua áo phải trả thêm "tiền phạt".

Một con người cứng nhắc và bảo thủ.

Có một sự thật trần trụi và không ai muốn nhắc tới, những cô giáo như vậy cần một điều gì đó "dạy" và hướng dẫn.

Mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh có nhiều cấp độ, tôi nghĩ là có khoảng ba cấp độ chính.

Thứ nhất là tình thầy trò, cô trò sâu đậm. Có những cô giáo mà chúng tôi coi như người trong gia đình vậy. Họ không chỉ truyền dạy chúng tôi kiến thức mà họ còn giúp đỡ chúng tôi trên con đường trưởng thành, rất rất nhiều!

Thứ hai, đây là mối quan hệ mà có lẽ nhiều người sẽ không đồng tình, nhưng tôi nghĩ nó là cốt lõi. Giáo viên giống như người bán hàng và học sinh là người mua hàng. Giáo viên bán kiến thức, và học sinh thu nhận. Như vậy thì trường học xứng đáng là "cái chợ" như lời các cô nói. Không sai. Nhưng bây giờ ta nên gọi nó là siêu thị vì cơ sở vật chất là cực kì hiện đại. Có vẻ tôi hơi thiếu tôn trọng các thầy cô khi đánh giá như vậy, nhưng xét về bản chất, giáo viên là những người bán kiến thức cho học sinh.

Thứ ba, đây là mối quan hệ tệ hại nhất và đáng sợ nhất: là kẻ thù của nhau.

Cô Miên thực sự đã trở thành kẻ thù của lớp chúng tôi.

Về ngắn hạn, cô có thể thỏa mãn cái tôi cá nhân và thỏa mãn được sự tức giận của bản thân. Nhưng trong tương lai dài, như bố tôi chia sẻ, đó là "một thất bại của người giáo viên".

Các thầy cô giáo nên duy trì mối quan hệ của mình trên mức hai.

Tất nhiên, một cô giáo hay thầy giáo không thể tạo ra mối quan hệ mức thứ nhất với mọi học sinh. Một nhà giáo giỏi là người tạo ra được càng nhiều mối quan hệ như mức thứ nhất. Có thể họ nóng nảy, có thể họ vẫn mắc vài sai sót, nhưng cuối cùng, họ vẫn được học sinh tôn trọng và yêu mến, đó là sự thành công.

Cô Miên thì trái lại, sẵn sàng biến bất cứ đứa học trò nào thành kẻ thù vì trái ý cô. Một cơ thế "độc tài" thực sự. Cô vẫn giảng về điều này luôn mồm trên lớp nhưng có vẻ cô không nghĩ mình đang bị mắc vấn đề đó.

Có lẽ tôi đọc quá nhiều sách của bố tôi nên mới có những nhận định như vậy

Còn về bản kiểm điểm?

Chưa đầy 5 phút sau, một đứa lớp tôi đã chụp lại một "bản mẫu" mà nó đầu tư chất xám viết nên.

"Chép đi các bé!" Nó nhắn kèm theo một dòng.

Xong ngay!

Tôi lục lại mọi văn bản có chữ kí của bố mà tôi còn giữ

"Ting, ting"

Là tin của Vân. Nó hỏi tôi về "tình hình tâm lí" và về bản kiểm điểm.

"Xong rồi! Giờ lo về phần công nghệ thông tin đã! Chặn số một phát là hết gọi". Tôi tỉnh bơ nói như vậy.

"Facetime đi" Nó yêu cầu.

Thôi thì cho bạn nhìn mặt tí để bạn yên tâm, nó lại sợ tôi nghĩ quẩn chăng?

"Chào!"

"Ờ! Tao đang rối lắm!" Trông nó rõ ràng là không vui.

"Sao đấy?"

"Mẹ tao biết rồi! Tao không nói dối được. Mẹ mắng tao từ nãy tới giờ, bây giờ tao bị cấm dùng máy tính 2 ngày với lại phải viết 5 lần bản kiểm điểm gia đình".

"Gia đình mày hài hước nhỉ?" Tôi cười.

Nó trả lời, vẻ muốn khóc đến nơi:

"Mẹ tao nghiêm lắm! Tao vẫn bị quản như bọn trẻ con vậy. Mẹ biết tao nói bậy một câu, kể cả ngoài đường thì cũng bị xử"

Nó khóc thật, ban đầu còn sụt sịt, về sau bật ra thành tiếng, nức nở. Thực sự tôi thấy thương nó.

Bố mẹ tôi chắc chắn sẽ không quá quan tâm đến bản kiểm điểm. Về chuyện nói bậy, bố tôi coi đó là điều bình thường đối với tuổi mới lớn. Trước khi đầu tư chứng khoán, bố tôi là một tay buôn nông sản dày dạn. Ông từng mang rau, gạo và vài thứ khác nhà trồng được lên tận Thái Nguyên, Sơn Tây hay Tuyên Quang để buôn kiếm lời. Hạng người nào ông cũng tiếp xúc cả, nghiện ngập, giang hồ, trộm cướp và lũ bẩn tính. Lúc đó, cái mồm là vũ khí lợi hại nhất, và chuyện sử dụng vài từ tục tĩu bậy bạ là điều nên làm để khiến lời nói thêm thuyết phục. Đến bây giờ, bố tôi coi chuyện nói bậy là điều quá bình thường và ông không bất ngờ khi tôi cũng biết "nói tục chửi bậy".

Có vẻ Vân thì khác.

Nó kể lại, ba chữ "bản kiểm điểm" đã khiến mọi lời giải thích đều vô nghĩa. Rõ ràng nó và tôi, xét về lí thuyết, chưa làm gì sai cả. Cô chưa kiểm tra vở và không thể khép chúng tôi vào bất cứ tội tình gì.

"Nhiều lúc mẹ tao vô lí cực luôn ý" Nó nói trong nước mắt.

Ơ hay! Làm nũng nhau đấy à?!

Tôi bối rối thực sự. Thôi thì cứ nghe nó nói thôi, bây giờ khuyên nhủ hay an ủi có làm được gì?

Vân dành gần nửa tiếng để kể lể với tôi những gì trong lòng nó. Cũng thông cảm và thương nó lắm, bố hay công tác xa, lu bù công việc, mẹ ở nhà quản thúc như trại lính, cuộc sống khá gò bó. Vân phải dành thời gian học những thứ nó chẳng lấy gì làm vui vẻ cả.

Vân kể, nó phải học piano, trong khi nó thực sự muốn đi học vẽ. Hè vừa rồi, mẹ nó bắt nó phải theo một khóa tu mùa hè ở chùa Yên Tử, tất nhiên điều này chả giúp gì cho Vân mà lại khiến tình cảm mẹ con thêm rạn nứt. Rồi lại thêm một khóa học ứng xử thanh lịch mà nó chẳng muốn tí nào.

Nó nghẹn ngào:

"Mẹ tao lúc nào cũng nói 'mẹ chỉ muốn tốt cho con', nhưng như thế có tốt thật không thì mẹ tao chẳng buồn quan tâm"

Tôi cũng muốn giúp đỡ nó.

Nhưng giúp kiểu gì bây giờ nhở?

***

Hôm sau đến lớp.

Vân bước vào cửa, tóc tai còn hơi rối, mắt thâm quầng, có lẽ đêm qua nó mất ngủ.

Nó ngồi xuống ghế, không quên ném cho tôi một ánh nhìn nghi ngại. Facetime với nhau cả tối, nhìn tận mặt nhau rồi nhưng nó vẫn còn áy náy về cái vụ nghe nhạc chiều qua.

Tôi liền cười.

"Sao mày lại cười? Hâm à?" Nó hỏi.

Tôi đáp:

"Hôm qua tôi đã khóc, cho nên hôm nay tôi phải cười lên, sao không bạn?"

Nó cũng nở một nụ cười trên khuôn mặt xanh xao.

Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ. Khi cười, tôi thấy yêu đời hơn nhiều. Và nụ cười của Vân cũng khiến tôi nhẹ nhõm hẳn.

Hôm qua tôi đã khóc, vậy ngày hôm nay tôi phải cười lên!


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro