#6. NHỮNG MẢNH HỒN CỔ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


I. NHỮNG MẢNH HỒN CỔ VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ KHÔNG CỔ.

Cái đẹp của “những linh hồn mô tê xưa cũ” chưa bao giờ là cái đẹp tường minh có thể soi thấy bằng đôi mắt hời hợt của một kẻ vô tâm. Một kẻ mà chỉ dạo chơi trên bờ nghệ thuật, ngoài rìa nghệ thuật; một kẻ không dùng trái tim mình để cảm nhận đôi dòng ẩn ý chảy ngược vào trong câu chữ của người sáng tạo ra nó, nhất là những linh hồn cổ thuộc về mảnh đất văn chương. Văn chương là một loại hình nghệ thuật kì diệu: Như cách nói của Hoài Thanh, văn chương sinh ra từ “tiếng khóc ấy, nhịp đau thương ấy”; văn chương sinh ra từ sự đồng điệu, “nguồn gốc cốt yếu của văn chương là lòng thương”. Vậy, ngay cả những câu chuyện thậm chí chẳng được giấy trắng mực đen ghi chép lại, cũng có thể sống qua lời kể của hàng triệu thế hệ tự cổ chí kim, chỉ bằng sức nâng đỡ cái đẹp, cái thiện tự thân nó. Sự sống của văn chương, hơi thở của văn chương là bất tử; nó “nằm ngoài những định luật của băng hoại” (Sedrin), nó bẻ cong những rào cản địa lý giữa quốc gia: Mỗi vùng đất đều mang trong mình ấn ký của những mảnh hồn cổ. Tỉ như, “Andersen đã lượm lặt hạt thơ trên luống đất của người dân cày, ấp ủ chúng nơi trái tim ông (…) từ đó lớn lên và nảy nở những bó hoa tuyệt đẹp, chúng an ủi trái tim những người cùng khổ”. Tỉ như “Nghìn lẻ một đêm” với những câu chuyện chẳng nặng tính giáo điều, nhưng theo lẽ nào đó vẫn mang chức năng nhận thức con người. Tỉ như “Cinderella” của anh em nhà Grimm. Và tỉ như một phần tâm hồn đã theo suốt nhân dân ta – “Tấm Cám”. Cinderella và Tấm Cám từng được đặt lên bàn cân của biết bao kẻ trí thức, từng tiêu tốn biết bao nhiêu giấy mực của các nhà phê bình. Nhưng có lẽ cuộc chiến tìm thấy câu trả lời vẫn còn là vô tận, bởi hai mảnh hồn cổ, tách ra riêng lẻ đã ẩn chứa tự thân những bí ẩn không thể cắt nghĩa hoàn toàn. Cinderella muốn nói gì? Cái chết của Cám là ác hay thiện? Sức mạnh của thế giới thứ ba là phi lý hay hợp lý? Và quan trọng hơn, tại sao sự tồn tại của hai câu chuyện cổ này lại là sự vĩnh hằng hiển nhiên?

II. CINDERELLA VÀ TẤM CÁM: VŨ KHÍ CỦA TÍNH NGƯỜI TRONG CON NGƯỜI.

Chúng ta quen Cinderella qua một cái tên giản dị hơn – cô bé Lọ Lem. Và tôi tin, mỗi đứa trẻ dù là công dân đất nước nào, cũng có thể kể lại vanh vách câu chuyện này, bởi lẽ những tình tiết của nó gần như mang đậm tính khuôn mẫu: một cô gái xinh đẹp và hạnh phúc, biến cố xảy ra, cô gái rơi vào hoàn cảnh bị đối xử tệ bạc; đó là một chuỗi những bi kịch cho đến khi phép màu xuất hiện và cứu rỗi cô ấy qua bàn tay của một chàng hoàng tử, để lần nữa cô gái được nhận những thứ xứng đáng về mình đồng thời kẻ ác bị trừng trị. Sở dĩ những câu chuyện cổ, trong đó có Cinderella, mang tính khuôn mẫu, tôi tin phần nhiều bởi vì văn học có chức năng giáo dục: bài trừ cái xấu, cái ác, nâng đỡ cái đẹp, cái thiện; nó làm thay đổi và phong phú thêm tâm hồn. Mỗi người đọc Cinderella có một cái nhìn khác nhau; Mỗi kẻ khi nhắc đến Cinderella thể hiện một quan điểm khác nhau. Nhưng tựu chung, cô bé Lọ Lem ở đó để khiến “kẻ hiền” tin vào “gặp lành”, để “ác giả” biết tồn tại “ác báo”, và “gieo gió gặt bão” là có thật. Từ đó, phải chăng khiến con người trở nên “người” hơn?

Về điều này, phương Đông không khác mấy khi cũng mượn những mảnh hồn cổ để khiến nhân loại trở về cội nguồn “nhân chi sơ tánh bổn thiện”. Vượt đại dương trùng trùng lớp sóng, lội ngược dòng băng hoại thời gian, ta tìm thấy mình trở về với những “ngày xửa ngày xưa” của mình, những ngày xửa ngày xưa chẳng thể biết rõ bắt đầu tự thế kỉ bao nhiêu, nhưng biết rõ một góc thuở còn cởi truồng tắm mưa, trong tim ta vẫn luôn tỉnh thức một “Tấm Cám” gần gụi như thế. Vậy mà Tấm Cám tưởng chừng như đơn giản đó, lại giấu trong lời kể cuộc tranh luận không hồi kết của những nhà phê bình bậc nhất. Trước hết, cần làm rõ Tấm Cám theo một nghĩa nào chính là Cinderella – nước ngoài dịch là “cô Tro bếp”; tức Tấm Cám và Cinderella là một. Thế nên không có gì khó hiểu khi tính khuôn mẫu đều tồn tại với nồng độ đậm đặc ở cả hai câu chuyện. Tuy nhiên, càng về nửa sau, ta càng thấy mạch chảy của Cinderella và Tấm Cám chia làm hai nhánh tách biệt (mục IV. tôi xin nói rõ về vấn đề này), và chính sự phân nhánh thể hiện quan điểm và nét văn hóa khác biệt Đông – Tây. Nội dung của Tấm Cám là thứ mà tôi không khái quát ở đây, cơ bản vì nó đã trở nên quá quen thuộc với mỗi người con đất Việt. Tuy nhiên, khi đặt lên bàn cân hai câu chuyện quá tiêu biểu, có nhiều điều cần lưu tâm hơn việc chúng khơi dậy tính nhân ở loài người đơn thuần.

III. HỢP LÝ HAY PHI LÝ?

Điểm giao thoa đầu tiên của hai mảnh hồn này, như tôi đã đề cập qua, chính là chức năng nhận thứcgiáo dục. Nhận thức về thực tiễn và giáo dục về phần hồn. Cũng khó có thể khác, bởi vì như Thạch Lam nói, “văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn”. Để một tác phẩm tồn tại, đến được với quần chúng nhân dân và sống qua các thời đại là cả một quá trình sáng tạo và tiếp nhận gian khổ, “lấy máu lấy rãi mình ra mà bao phủ lấy hạt đau, hạt xót” (Nguyễn Tuân). Một câu chuyện sống vượt ngoài quy luật thời gian phải là một câu chuyện mang tính đại chúng và ghi chép lại chân thực nhất khát vọng con người bấy giờ, giống như Cinderella và Tấm Cám: khát vọng về sự chiến thắng vĩnh hằng của cái thiện (ở đây là Tấm và Cinderella), qua đó răn đe cái bất thiện (ở đây là mẹ kế, chị kế). Có lẽ sự chèn ép, đàn áp ở thời đại nào của giai cấp thống trị dành cho giai cấp bị trị đều làm bùng lên một ngọn lửa ý chí về ngày trừng trị cái ác thích đáng và khoảng cách được xóa bỏ (tuy nhiên đến tận bây giờ vẫn chưa thể, buồn thay!). Điều đáng nói ở đây, việc nâng đỡ cái thiện và bài trừ cái ác đều được thông qua một sức mạnh thần bí của thế giới thứ ba: Thế giới phép thuật, mà đại diện chính là Bụt và Tiên đỡ đầu. Yếu tố kì ảo xuất hiện trong một bối cảnh thực hiển nhiên thúc đẩy sự chất vấn và tranh cãi từ giới chuyên môn: điều này là phi lý hay hợp lý? Thật ra, khó mà lấy góc nhìn hiện đại áp lên một câu chuyện cổ để lập luận đúng sai. Về cá nhân, tôi nghiêng về phía quan điểm cho rằng việc phân loại tính logic của yếu tố kì ảo này là không cần thiết. Quan trọng là yếu tố kì ảo xuất hiện đã đóng vai trò gì trong việc truyền tải thông điệp và vai trò đó được hoàn thành rốt ráo hay không. Câu trả lời trở nên dễ dàng hơn rất nhiều: Có. Điều này nằm ngoài khả năng bàn cãi, vì nó đã được chứng thực qua sự tiếp nối của nhiều thế hệ quần chúng nhân dân. Nguyễn Đình Minh cho rằng: Thế giới thứ ba tồn tại xuyên suốt Tấm Cám và cả Cinderella nhằm thực hiện chức năng giáo dục của văn chương và là cứu cánh cho giai cấp bị trị: một thế giới mà ở đó những người sống nhân nghĩa sẽ nhận về tròn đầy, bằng cách này hay cách khác. Bên cạnh đó, cũng có nhà phê bình nhận định đôi khi yếu tố này “phù cái ác” nhưng không vì mục đích ác, bởi khi chông gai chồng chất tô đậm thêm vẻ đẹp nhân vật thiện, ta nhận ra ai vẫn là kẻ chiến thắng cuối cùng. Như vậy, sự giao hòa này nói chung đều hướng đến một mục đích – “vị nhân sinh”. Và chẳng cần luận bàn nhiều, vì sức sống tự thân đã chứng minh tầm quan trọng của yếu tố phép thuật trong hai câu chuyện cổ, dù nó hợp lý hay không.

IV. PHƯƠNG ĐÔNG ÁC – PHƯƠNG TÂY THIỆN?

Như tôi đã đề cập ở mục II., càng về nửa sau, tình tiết hai câu chuyện càng xuôi về hai hướng khác biệt, gây tranh cãi nhất chính là cái kết của nhân vật phản diện (mẹ con Cám) trong Tấm Cám. Cái kết của Cinderella cũng làm nổ ra những cuộc bàn luận, đặc biệt trong thời kì nữ quyền khi người ta đào xới lại cuộc đời Lọ Lem; tuy nhiên không gợi nhiều vấn đề, vì tựu chung truyện cổ phương Tây đa phần có cái kết hoàn hảo cho nhân vật thiện (dù đôi lúc hơi quá dễ dàng). Dẫu sao, đã có hàng ngàn những bộ truyện thức thời khác trong hiện tại khiến tranh luận được giải quyết về tương đối. Riêng tính nhân đạo trong cái kết của Tấm Cám, tôi tin vẫn là đề tài muôn đời.

Cái kết thường nghe kể lại nhất chính là việc sau khi Tấm trở lại làm người và thành Hoàng hậu lần hai, Cám vì sinh lòng ghen ghét với dung nhan ngày càng mặn mòi của chị, bèn hỏi bí quyết để khiến da mình cũng “tươi giòn” như vậy. Tấm nhân cớ lừa Cám xuống hồ sâu rồi dội nước sôi khiến “Cám chết còng queo”. Tấm bèn đem xác Cám làm mắm gửi cho mẹ ghẻ, bà tấm tắc ăn lấy ăn để, cho đến khi nhìn thấy đầu lâu của con mình mới nhận ra bi kịch và uất nghẹn chết. Cái kết của cả hai mẹ con Cám không phải là cái kết “trời tru đất diệt” như của “Thạch Sanh Lý Thông”, hay cái kết thay đổi cục diện như của “Cây tre trăm đốt”, “Ăn khế trả vàng”, mà là cái kết bị cho là “có tính chất của một kẻ phạm tội ác” (Leclère). Nặng nề hơn, “Một học giả thực dân đã so sánh sự khác nhau này rồi kết luận: Người Việt là dã man, cần phải được khai hóa văn minh” (Nguyễn Xuân Kính). Điều này dấy lên một vấn đề nhức nhối khi bàn về truyện cổ Đông – Tây: Phải chăng phương Đông ác, phương Tây thiện?

Có thể thấy đây là một cái kết độc nhất trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Ta không tìm thấy một câu chuyện thứ hai mà sự trừng trị cái ác đánh một dấu hỏi lớn về tính nhân bản, gây nên nhiều cuộc bút đàm với ý kiến hoàn toàn trái ngược đến vậy. Thật ra, tôi nghĩ có thể suy xét thế này: Nguyễn Đình Minh từng cho rằng, những nhân vật trong truyện Tấm Cám (mà tôi nghĩ cả Cinderella cũng vậy), dù là chính hay phụ, ác hay thiện, đều là nhân vật chức năng. Tức nhân vật chỉ sống cuộc đời của nó để hoàn thành những chức năng mà qua đó chủ yếu truyền đạt mong muốn của kẻ sáng tạo. Mọi lập luận, tư duy thông thường đều bị lược bỏ: Tấm không nghi ngờ mưu đồ của mẹ ghẻ khi sai mình trèo cau sau bao lần bị hãm hại, Cám sẵn sàng nhảy xuống hố và chấp nhận dội nước sôi mà không nghĩ đến chuyện bị bỏng, Vua không chất vấn về cái chết của Tấm và chấp nhận lấy Cám làm vợ ngay sau đó… Ngay cả tình cảm và tâm tư của nhân vật cũng trở nên rất mờ nhạt (qua vài từ ngữ diễn đạt, thậm chí có nhân vật còn không diễn đạt), bởi lẽ tất cả đều chỉ đang diễn một “chức năng”: “Muốn mẹ con Cám thắng (Ác thắng), Tấm buộc phải cả tin. Đến khi muốn Tấm thắng (Thiện thắng) mẹ con Cám lại buộc phải cả tin”. Như vậy, chẳng phải phương Tây thiện hay phương Đông ác. Cái kết chỉ là một lựa chọn để nhân vật thực hiện chức năng của nó, và hoàn toàn có thể được thay thế mà không làm đổi mục đích ban đầu (trừng trị cái ác). Tuy nhiên, phải nói đến rằng Tấm Cám được truyền miệng với hàng chục dị bản, nên ta thậm chí còn chẳng biết đây có đúng là bản gốc hay không, huống hồ kết tội cả một dân tộc như Leclère!

Một điều nữa cần phải nói đến trong sự phân hóa bản sắc Đông – Tây, đó là cách nhân vật thiện được giúp đỡ. Trong Cinderella, Tiên đỡ đầu đã xuất hiện và hóa phép cho bí ngô thành cỗ xe, chuột thành ngựa, thậm chí tặng cả một bộ xiêm y lộng lẫy và đôi giày thủy tinh cho Lọ Lem đến buổi dạ hội. Mọi thứ sau bữa tiệc đều diễn ra như một phép màu (dù truyện không nói rõ có yếu tố kì ảo tác động): Lọ Lem thoát ra khỏi hoàng cung vừa đúng 12 giờ, Lọ Lem “tình cờ” đánh rơi chiếc giày (nhưng sau 12 giờ lại chẳng biến mất!), tất cả thần dân trong vương quốc đều mang không vừa chiếc giày định mệnh đó (chẳng lẽ không một ai cùng size!), Hoàng Tử lấy Lọ Lem làm vợ mà không chịu bất cứ sự phản đối về thân phận nào… Tựu chung, mọi thứ quá suôn sẻ đến khó ngờ. Ngược lại về Tấm, Bụt phải hiện lên giúp nàng đến tận 3 lần (bị Cám trút hết giỏ tôm, sau khi cá Bống chết, khi bị dì ghẻ bắt phân loại hạt), và sự trôi chảy của thời gian cũng tỉ lệ thuận với cấp độ chuỗi bi kịch. Tất cả những hóa thân sau đó (thành chim, thành cây xoan đào, thành quả thị) đều là do Tấm chủ động chứ không còn có sự hỗ trợ của Bụt nữa! Phải vất vả đến bao nhiêu, cuối cùng nàng mới nhận lại kết cục có hậu; trong khi Cinderella chỉ một đêm vũ hội liền được ban tặng cái kết viên mãn, “hạnh phúc mãi mãi về sau” (happily ever after). Điều này lý giải được về mặt lịch sử của Việt Nam (chịu nhiều ách thống trị từ phong kiến đến thực dân, đế quốc) và đặc điểm phân hóa trong bản sắc mỗi dân tộc. Qua đó cho thấy “những người nông dân thấp bé thời ấy trong xã hội, bị cái ác bóp nghẹt, vùi dập, và chỉ khi biết tự mình đứng lên phản kháng mới có cơ hội nắm quyền chủ động”. Không phải tự dưng mà Tấm chết đi sống lại nhiều lần. Cũng không phải tự dưng mà mỗi lần lại là một hóa thân khác nhau. Nếu đi sâu vào tư tưởng của người Việt bấy giờ, ta thấy mỗi lần hồi sinh là một lần “đứng lên phản kháng”. Ngay cả lời thoại và tâm thế cũng thay đổi, từ xưng hô ngang bằng (lần hóa thành chim): “Giặt áo chồng tao/ Thì giặt cho sạch/ Phơi áo chồng tao/ Thì phơi bằng sào/ Đừng phơi bờ rào/ Rách áo chồng tao”  đến xưng hô bề trên (lần hóa thành cây xoan): “Cót ca cót két/ Lấy tranh chồng chị/ Chị khoét mắt ra”. Như vậy, sự chuyển biến tinh tế trong tâm lý này đã cho thấy Tâm dần nhận thức và khẳng định giá trị của bản thân sau mỗi lần bị đàn áp, thể hiện sự đấu tranh tăng tiến để vươn đến một tương lai mỹ mãn bằng chính sức mình mà không cần hỗ trợ của thế lực thần bí (như Cinderella).

Vậy thực chất, cái mà Tiên đỡ đầu cho Lọ Lem là kết quả, còn Bụt lại chỉ cho Tấm cơ hội để tự nàng hoàn thành quá trình đạt được kết quả đó.

V. KẾT LUẬN.

Tấm Cám và Cinderella đều là hai mảnh hồn cổ thiêng liêng, nơi cất giữ những bí mật diệu kỳ nhất của trẻ em và những bài học nhân sinh quan sâu sắc của người lớn. Một số khái quát về điểm giống và khác nhau trên đây rốt lại cũng chỉ là bản so sánh cá nhân của một tầm nhìn hạn hẹp về thứ văn chương nghệ thuật vô biên, do vậy không thể tránh khỏi sai sót. Nhưng như Nguyễn Đình Thi viết trong Tiếng nói văn nghệ: “Nghệ thuật không đứng ngoài trỏ vẽ cho ta đường đi, nghệ thuật vào đốt lửa trong lòng chúng ta, khiến chúng ta tự phải bước lên đường ấy”, chính ngọn lửa mà mỗi câu chuyện cổ đốt lên đều soi sáng một mảng nhận thức nào đấy trong con người. Để kẻ ác tìm về phần nhân. Để người lạc lối thấy được bờ bến.

Và để mỗi mảnh hồn cổ đều trở thành điều “vĩnh hằng hiển nhiên” của một thành phố, một dân tộc, một hành tinh mẹ vĩ đại này.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#test