NHỮNG NGƯỜI TỪ XA ĐẾN

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

TƯỜNG THUẬT TIẾP THEO: "NHỮNG NGƯỜI TỪ XA ĐẾN"

Trong tường thuật này xuất hiện những: nhà máy thép như Formosa; những nhân vật tương tự như cụ Kình - Đồng Tâm!
Một tường thuật rất thực tế!
Mời các bạn cùng theo dõi.

NHỮNG NGƯỜI TỪ XA ĐẾN
Vài lời người kể:
Câu chuyện mà tôi định tường thuật tiếp, có nội dung gần giống với nội dung của chương “Những người từ xa đến” trong tiểu thuyết Mối Chúa. Có lẽ tác giả đã nghe ai đó kể lại, cộng với những thông tin mà ông ta thu thập được từ cái nhà máy thép, để dựng nên chương này. Tôi bắt gặp chính tôi trong đó khá nhiều, mặc dù không hoàn toàn là tôi. Bố tôi thì gần như là nguyên mẫu, kể cả bác lái xe cũng không khác già Tâm là mấy. Tôi cứ tự hỏi, đây là sự kỳ diệu của văn chương, hay ông tác giả kia đã bí mật thu thập thông tin về chúng tôi. Nhưng dù là thế nào, thì phải công nhận, những gì ông ta viết là khá chân thực.
Việt có hai việc dự định sẽ làm: một là về nơi công ty của anh đang có dự án sân gôn gặp lại ông Huyện trưởng để nắm bắt tình hình bàn những bước đi tiếp theo và hai là về nơi có cái nhà máy thép do bố anh trúng thầu phần xây lắp nhiều năm trước mà mọi dự âm khóc liệt về nó chỉ còn có trong bộ lưu trữ của Google. Một việc Việt làm vì lợi ích của công ty còn việc kia ngoài vẻ bề ngoài là học cách giải quyết của bố trong trường hợp tương tự, sâu xa hơn là vì sự thúc bách của lương tâm anh ta.
Việt quyết định tạm thời để ông Huyện trưởng cứ việc sốt ruột chờ đợi. Anh muốn ông ta nên biết thế nào là chờ đợi, để hiểu cho nỗi khổ của những người ngày ngày dài cổ chờ ông ta một cách vô vọng. Việt biết ông Huyện đang ngóng anh từng ngày. Ông muốn biết kết quả chuyến đi gặp Mr. Đại của anh, tỉ mỉ đến từng chi tiết, một phần còn cả do tò mò nữa. Bản thân ông cũng chưa có hân hạnh được diện kiến nhân vật huyền thoại ấy, dù chỉ từ xa. Toàn mới chỉ nghe người nọ người kia kể lại, bằng giọng kính cẩn. Tự dưng mỗi khi nhắc đến Mr. Đại, ông cũng thường hạ giọng xuống mức chỉ vừa đủ để người đối diện nghe thấy. Nó chỉ hơn mức thì thầm một chút. Vì vậy, chắc chắn ông ta rất muốn nghe từ chính miệng Việt kể tỉ mỉ về Mr. Đại. Hẳn phải là một con người khác thường. Nhưng chủ yếu ông muốn biết cái giấy phép, tấm lá chắn bảo trợ cho quyền lực và quyền lợi của ông, hợp pháp hóa những đồng tiền ông nhận hối lộ đã về đến đâu, trong hành trình nó đi từ vũ trụ mênh mông tới bàn làm việc của Việt. Ông muốn có sự giúp sức mang tính pháp lý, có chỗ dựa là cấp trên để hù dọa đối thủ, vô hiệu hóa những đòn tấn công của đám thần dân hung hãn vì bị đẩy đến chân tường ở cái địa bàn do ông ta cai quản mà họ thì đang rục rịch làm chuyện lớn gì đó, âm ỉ như quả bom nổ chậm.
Việt không báo cho ai về kế hoạch của mình. Nói là bị thúc bách bởi lương tâm khi Việt muốn lần lại quá khứ, chỉ là một phần suy nghĩ của anh. Thực chất anh rất muốn biết sự thật những gì bố anh đã làm tại một dự án có những vấn đề tương tự như cái dự án sân gôn mà công ty của anh đang bị rắc rối. Mr. N là người từng trải dày dặn kinh nghiệm kinh doanh, hẳn ông ta phải có hướng giải quyết nào đó thì cuộc nổi loạn của những người dân mất đất và phải chấp nhận sống chung với ô nhiễm nhiều năm trước mới không kéo dài để ông có thể tiếp tục công việc. Ghê gớm hơn là sau đó chẳng ai nhắc đến họ nữa. Mọi chuyện cứ như chưa từng xảy ra hoàn toàn biến mất khỏi ký ức cộng đồng.
Lần theo địa chỉ, Việt đến được cái nơi mà anh tin thể nào cũng còn ghi dấu những hình ảnh về bố mình, bởi theo phỏng đoán của anh thì ông can dự rất sâu vào những biến cố. Từ xa anh đã trông thấy cái nhà máy thép, nơi bố anh thắng thầu phần xây lắp. Trái với hình dung của anh, nhà máy thép không có vẻ gì là nó đang ầm ầm sản xuất để ngày ngày cho ra những sản phẩm đặc trưng của nền công nghiệp hiện đại. Nhưng có lẽ Việt không thực sự quan tâm đến nó đang tồn tại thế nào. Lâu lắm mới có được thời gian thảnh thơi, anh muốn tập trung cho việc thưởng thức cảnh làng quê yên bình. Đó là một vùng quê thuần nông, còn giữ được những nét đẹp đơn sơ của đất đai, cây cối, nhà cửa, với từng đàn gia súc nhởn nhơ gặm cỏ, xung quanh là lũ chim sáo, chèo bẽo, từng đàn chim sẽ đầu chao lượn – những sinh vật đang chuẩn bị biến mất khỏi xứ sở này. Anh thấy tâm hồn tràn ngập một niềm phấn khích, nên bảo bác tài cho dừng xe để bước ra ngoài. Không khí giữa thu khiến bầu trời trong xanh, ngổn ngang mây trắng xốp với từng cơn gió nhè nhẹ mang theo hương thơm của lúa đang chín. Thấp thoáng trên những con đường chạy ra cánh đồng là cảnh những người nông dân đi làm bằng xe máy, lao vùn vụt, tạo ra một ấn tượng khá bất ngờ. Việt đã ở rất gần với cái nhà máy thép nhưng anh vẫn không muốn chú ý đến nó. Anh sợ chính mình sẽ phải đối mặt với những vấn đề mà ít nhiều anh đều có dính dáng vào. Anh đang cố giả định là mọi chuyện chẳng liên quan đến mình, đến cuộc đi ngẫu hứng này. Nhưng tự nhiên  Việt cứ như người bước hụt.
- Nó đấy. Thứ mà cậu đi tìm chính là nó đấy.
Lời bác lái xe như tuột vào khoảng không mênh mong Việt không đáp lại, chỉ im lặng. Mãi sau anh mới tìm cách hướng chuyện sang phía khác:
- Có vẻ như già biết rõ đường về ngay từ đầu tại sao lại cứ bắt cháu phải tra trên bản đồ?
- Vì tôi nghĩ thô sơ là cậu sẽ bị lạc, sẽ bỏ ý định tìm về cái nơi mà thú thực là tôi chẳng muốn quay lại.
- Có chuyện gì đã xảy ra?
- Cậu sẽ sớm biết. Tôi vụng kể lắm. Vả lại khi trí nhớ giành cho việc tìm đường và lựa những cái ổ gà, thì mọi việc khác phải quên đi cậu ạ.
Việt không nói gì thêm, anh quyết định vào thăm một vài gia đình nông dân ở những làng lân cận. Họ nhìn Việt không mấy thiện cảm, nhất là khi thấy anh ăn mặc như một ông chủ nhỏ. Nhưng những gì không phải là chuyên môn mà anh học được khi còn ở nước ngoài, hóa ra lại rất hữu ích. Nhờ thế mà anh nhanh chóng tìm được cách hòa nhập vào với cuộc sống của họ, thay vì chỉ đứng quan sát, anh trêu đùa đám trẻ, cho chúng thấy là mình khá nhiều trò nhộn, chẳng hạn như những màn ảo thuật đường phố đơn giản, từng khiến đám sinh viên Anh quốc trầm trồ. Dần dà, mọi người không còn ác cảm với Việt nữa mà nhìn anh với ánh mắt hồn hậu muôn thuở của dân nhà quê.
Người đàn ông mà Việt bắt chuyện, vốn làm nghề xe ôm nhưng tổ tiên của ông truyền cho ông ta tí gen văn nghệ, đủ để vừa gõ trống, dập phách hay gãy đàn cò, vừa  hát những làn điệu dân ca quan họ khá mùi mẫn. Lúc Việt và bác lái xe bước vào nhà, ông đang ngồi quanh lưng lại màn hình, trên đó lời bài hát xuất hiện từ từ còn ông thì hát theo. Việt và ông lái xe không khỏi tròn mắt kinh ngạc khi lời và chữ khớp đến từng mi li mét. Không có bất cứ sai sót nào, dù nhỏ. Ông bỏ mặc để Việt và người lái xe tự tìm chỗ ngồi, như bỏ mặc những kẻ không mời vô duyên nào đó nhưng thích xem thì cũng không cấm. Cứ thế hát cho tận hết bài.
Việt vỗ tay reo lên đầy vẽ xã giao:
- Tuyệt quá!
- Anh cần gì? – ông nghệ nhân ngừng hát và q uay lại nhìn hai vị khách – không thấy là tôi đang luyện nghề  à?
- Cháu xin lỗi, vì cháu thấy chú hát mượt mà quá nên tò mồ muốn được làm quen. Cháu rất mê quan học Bắc Ninh.
- Thật thế hả? Anh là của hiếm đấy! Ngồi xuống đi, từ giờ anh và bác sẽ là khách của tôi. Mà anh thấy tôi hát mượt thật à – mặt ông nghệ nhân sáng bừng lên, đầy vẻ hãnh diện – anh có biết hát quan họ có cả thảy bao nhiêu làn điệu và muốn đạt yêu cầu thì phải thế nào không?
- Cháu không biết.
- Thế thì để tôi giảng cho mà nghe.
Ông nghệ nhân dân gian tự giới thiệu tên là Hào Quang, trái hẳn với vẻ mặt tối om lam lũ của ông, vốn người nơi khác, cách đây mấy chục năm đi lính đóng quân ở bên kia sông. Người có số đào hoa nên gái làng theo ầm ầm. Những lần trốn trại vượt sông sang bên này tán gái, ông đều phải rất khổ sở mới thoát ra được để trở về. Bọn gái làng bu lại – ông hãnh diện bảo thế - thi nhau cắn cho nát vai mới buông ra. Ông phải lòng một trong số những cô gái ấy. Cứ tưởng chỉ hò hẹn nhau bằng lời, ai ngờ cô ta lại táo tợn thế. Một lần cô kéo ông vào ruộng ngô, bảo phải cho cô khám trước rồi mới nói lời yêu đương sau. Cô bảo lệ của làng như vậy, cứ phải to và dài. Ông đành làm theo và thấy cô trú lên mừng rỡ. Thế là nhận lời. Muốn làm vợ ngay tại chỗ. Hôm ấy ông về doanh trại như một tên lính thất trận, quần áo bê bết đất. Nhưng rồi ông chợt nhận thấy, đất ở đây trù phú, thơm thơ, gái lại to mông, rộng háng, đậm tình – ông cười rất tâm đắc – nên quyết định ở lại. “Nói thật với bác và anh, tôi cũng là loại  ‘ thập thành’ nhưng bập vào với gái ở đây là nghiện luôn. Cứ như mình đang lội ruộng ấy... phải cái ruộng tốt, nó nuốt luôn mất chân mình, kể cả đứt khớp cũng không rút ra được...”.
Việt ra vẻ kiên nhẫn nghe và tán thưởng. Sau đó phải nghe tiếp ông hát vài bài cho cơn ngứa nghề, rồi mới nhẩn nha vào chuyện. Việt khéo léo đưa ra mấy nhận xét về phong cảnh, xuýt xoa khen đẹp, trầm trồ mô tả những cánh đồng lúa như thảm vàng. Anh cứ tưởng nghe những lời tâng bốc ấy, ông nghệ nhân sẽ tán thưởng theo, như một chút tự hào đầy sĩ diện về cái nơi mình sống. Nhưng sau khi nghe khách khen nức nở, ông vẫn chẳng biểu lộ xúc cảm nào. Thậm chí nó cứ khiến ông chìm dần vào một mối suy tư nào đó.
- Còn gì nữa đâu mà anh khen đẹp. Độ hơn chục năm trước mà anh có mặt ở đây, không biết anh còn ngây ngất đến đâu. Giờ thì chỉ còn lại rác rưởi và lòng căm thù thôi...
- Bác nói thế là sao ạ? – Việt làm ra vẻ ngạc nhiên.
- Chẳng sao cả, tại anh gợi ra thì tôi cũng nói lại thế thôi. Tự dưng anh làm tôi mất hết cả hứng...mà anh là ai, ở đâu, đến đây với mục đích gì thế.
Tuy hỏi gay gắt vậy nhưng có vẻ ông nghệ nhân dân gian không chờ câu trả lời. Thay vào đó ông chỉnh dây của cây đàn bầu nhưng rõ ràng tâm trí đang tán loạn. Mãi không vừa ý ông bèn hát chay. Ông hát bài Giữa tối hôm rằm nhưng lời chẳng ăn nhập gì với nhau. Tất cả rời rạc, như những tiếng nấc nối lại thành cả một chuỗi. Bất ngờ ông dừng lại, chỉ tay về phía cái nhà máy thép:
- Mọi sự khốn nạn bắt đầu từ khi con quái vật kia xuất hiện. Tiên sư cha nó!
Việt cố nén tình cảm xuống để không sớm lộ thân phận. Anh vờ nhìn theo, làm ra vẻ ngạc nhiên hỏi:
- Con quái vật nào ạ?
- Anh không nhìn thấy gì sao? – giọng ông nghệ nhân bất ngờ đầy sát khí – Nó chọc bẩn cả bầu trời chúng tôi suốt mấy năm nay. Nó cưỡng bức mẹ đất của chúng tôi, đẻ ra toàn quái thai. Mà có cho chúng tôi được đồng tiền bát gạo nào sạch sẽ ra hồn đâu.
Việt cố cười  to, như là đang nghe một câu chuyện rất thú vị nhưng trong lòng anh mọi thứ bắt đầu xáo trộn:
- Bác có khiếu hài hước thật đấy. Cái nhà máy thép sao lại là con quái vật? Nó là bộ mặt của nền công nghiệp hiện đại đấy chứ.
- Cứt! May ra chỉ có cứt! – tự dưng ông Quang văng tục, bắn cả nước bọt – nghe anh nói, tôi lại thấy ngứa hết cả tiếc, tôi nói để anh biết cái nhà máy thé ấy còn hơi cả con quái vật. Từ khi có nó, chính xác hơn từ khi bọn cá mập chó chết đem nó về đây, chúng tôi bắt đầu sống trong khốn khổ.
- Thế mà cháu thì lại nghĩ khác. Có cái nhà máy ở giữa một vùng thuần nông tận dụng biết bao là nhân công lúc nông nhàn, cả hai bên cùng có lợi, chả lẽ không phải như vậy? Với lại con em các bác sẽ học được lối làm việc đúng giờ giấc của những người công nhân công nghiệp.
- Anh nói y như sách ấy nhỉ, mà cũng giống hệt chúng tôi đã nghe. Chắc cái đống ấy cũng lấy ra từ cuốn sách mà anh vừa trích. Họ khiến chúng tôi phát rồ lên về viễn cảnh tương lai. Và như tôi đây bét ra cũng có một chân bảo vệ, mặc đồng phục, ngày ngày đeo còi oai phong lẫm liệt duy trì trật tự trong khi từ y tế, lương lậu...đều được bảo hiểm, nghĩa là về già chẳng phải lo lắng bất cứ thứ gì. Nhà máy sẽ biến một vùng quê chỉ biết làm ra lúa giá trị thấp, thành một vùng có nhiều sản phẩm công nghiệp, sản phẩm điện tử. Này nhé, họ bảo có nhà máy thép, sẽ có nhà máy sản xuất ôtô, điện thoại, hàng tiêu dùng...nó sẽ kéo theo điện, than, đường giao thông, bến cảng, bệnh viện – mẹ kiếp, tôi nhớ rõ cái thằng nói những điều đó mặt như cú vọ, lẫn lộn giữa l và n cứ loạn lên nghe mà tức hết cả dái – Nói khi vô phép bác và anh – Nó còn bảo có cả sân bay nữa cơ. Chỉ còn thiếu sân bay vũ trụ nữa thôi. Rồi là sẽ kéo theo khách du lịch ầm ầm đổ về...vùng quê chúng tôi sẽ lung linh (thằng cha nói ngọng thành nung ninh, lộn hết cả ruột) sáng suốt ngày đêm như thành phố bên sông. Bọn gà qué sẽ gáy loạn xị ngậu vì lẫn lỗn, đúng hơn là nẫn nộn – giữa đêm và ngày, rất sướng cái lỗ tai – hắn bảo cái nỗ tai. Chúng tôi sẽ tha hồ tiêu thụ nông sản – thằng cha nói thàn lông sản – bán hàng thủ công, mở nhà hàng, làm dịch vụ - nó bảo nàm dịch vụ, chết tiệt cái giống hai lưỡi -... Ối cha cha, không thể nào kể hết những thứ lợi lộc – vâng, nợi nộc mới đúng giọng hắn.
Ông dừng lại và hát i a một làn điệu chèo như để thư giản sau đó đột ngột tiếp vào câu chuyện:
- Nhưng chả có cứt gì cả. Cứt cũng bói không ra. Tất cả chỉ là bánh vẽ. Họ chỉ cần một thứ duy nhất ở chúng tôi, đó là đất. Họ không cần gì hơn ngoài mấy trăm mẫu đất mà toàn loại bờ xôi, ruộng mất, ngay cả nuôi chim trời cũng không hết thóc. Cứ ra đồng là có cá mang về nhắm rượu. Giờ thì anh thấy đấy, đất chết bởi vắng dầu, xỉ than và bụi sắt, chẳng cây con nào xung quanh bán kính vài cây số có thể sống bình thường được trong khi nhà máy thì nghe nói sắp bỏ hoang vì thua lỗ. Toàn đồ phế thải mua lại của tàu, nó chạy được vài năm thì đấy, nằm đắp chiếu, chờ người ta đem chôn. Trong khi đó những người phải di dời thì thành dân phát vãng, con cái vô nghề nghiệp, làm đĩ, làm cướp, ra phố ngủ vật ngủ vạ, chờ vét cống, đào mã thuê, dọn đồ phế thải độ nhật qua ngày. Nhiều người chết vì uất ức, bệnh tật.
Việt như thấy có một dòng điện quất dọc sống lưng. Chả lẽ cơ sự lại như vậy? Liệu khi lập dự án nhà máy thép, những con thú điện tử có lường tới thảm họa như ông Quang vừa kể? Kinh hoàng nhất là cái thông tin nhà máy sắp bỏ hoang. Bố anh Mr. N. can dự tới mức nào trong cái dự án này? Còn những bí ẩn gì xung quanh con “quái vật” kim loại kia. Đó là những câu hỏi mà thật lòng Việt vừa muốn, vừa không muốn nghe trả lời. Nó quá sức chịu đựng của anh.
- Nghe bác thì cái nhà máy thép ấy chỉ toàn gây tai họa, chả lẽ nó không đem lại chút lợi lộc gì cho bà con nông dân.
- Cộng vào, trừ đi, chia ra...thì chúng tôi chỉ toàn mất. Bây giờ thì mất hết. Nhưng sao bỗng dưng anh lại quan tâm đến những chuyện đau lòng này? Tôi đang cố để quên nó đi, để sống yên ổn nốt quãng đời còn lại. Giờ tôi chỉ còn biết chờ nhà ai có đám, cả hiếu lẫn hỷ để đến hát kiếm cơm. Ruộng đất mất sạch, sót lại thửa nào thì cũng không thể cấy trồng. Anh bảo còn biết làm gì.
Ông ra hiệu chấm dứt câu chuyện ở đó. Hai vị khách biếu ông gói chè, hộp bánh ngoại và mấy trăm ngàn rồi xin phép ra về. Ông không nhìn những món quà, không tiễn mà nhắm tịt mắt hát điệu Giã bạn. Việt hiểu đó cũng là cách ông bày tỏ thân tình, ít nhất vì ông tin rằng anh không phải là người đến để mang cho ông tai họa.
Việt bèn hỏi thăm và tìm vào nhà một ông giáo già. Đây cũng là kỹ năng anh có được nhờ đọc sách. Một vùng đất nào đó mà người ta muốn tìm hiểu, nhất định phải tìm được người có uy tín về học vấn. Theo suy đoán đó của Việt thì người ấy nhất định phải làm nghề dạy học hoặc thầy thuốc. Và anh đã không sai.
Việt tự giới thiệu mình là người du học từ nước ngoài về, muốn đi điền dã để không bị cảm giác mất gốc. Ông giáo tóc bạc trắng, đúng với hình dung quen thuộc của nhiều người, nhìn những vị khách bằng cặp mắt không định phán xét, tra hỏi bất cứ điều gì.
- Mời bác và anh vào, chúng tôi không được gọn gàng như ở phố đâu!
- Cháu lại thấy những thứ bừa bộn kia có một trật tự rất thú vị, nó giống như đang tuân theo nhịp sinh thái cổ xưa.
Ông giáo nhìn Việt, có phần ngạc nhiên nhưng chỉ thoáng qua. Trong khi chờ khách yên vị thì ông lão đi súc ấm, pha trà.
- Mời các vị uống nước. Hẳn các vị đã đi thăm nhiều nhà trong làng?
Việt thật thà kể là anh mới chỉ gặp ông nghệ nhân làng tên là Quang, nhưng có vẻ như anh đã khiến ông ấy phật ý vì những lời thăm hỏi hình như không đúng lúc cho lắm.
- Tôi hiểu rồi – ông giáo đón lời – Chẳng riêng anh đâu, ngay tôi đây nhiều phen cũng khiến ông ta nổi cáu. Mọi việc bắt đầu ngay từ khi có cái dự án nhà máy thép. Tính tình người dân chúng tôi đều đổi khác. Hung khí tràn ngập trong nhà ngoài ruộng. Cứ có to tiếng là tôi lại sợ rúm lại và hình dung ra cảnh máu me. Ngày trước chúng tôi có tiếng là thuần hậu. Giờ thì tất cả chẳng trở lại như lúc ban đầu được nữa. Cũng chẳng biết trách ai.
Việt không vội tìm hiểu ngay điều anh đang cần. Kinh nghiệm mách anh là không thể vội được. Vội vã sẽ chỉ thấy được phần bên ngoài. Cần phải moi ra bí mật từ gan ruột những con người này.
- Chắc cụ đã thôi dạy học từ lâu.
- Năm nay tôi vào tuổi thất thập rồi. Mọi việc đều mũ ni che tai lâu rồi.
Chả nhẽ ông cụ đoán được mục đích chuyến thăm viếng đường đột của mình – Việt thầm nghĩ. Nhưng nhìn ánh mắt ông giáo, anh lại thấy những tâm sự ngược lại. Có vẻ như ông giáo có những bí mật không muốn giữ một mình và sẽ san sẽ với ai đó mà ông thấy tin tưởng.
- Các vị thấy làng quê chúng tôi thế nào?
- Dạ thưa, rất đẹp ạ. Nhưng điều cháu thích thú hơn là mặc dù thời gian biến đổi, cái hồn cốt nhà quê vẫn còn thấp thoáng trong rất nhiều ứng xử. Xin các cụ đừng để mai một.
- Anh sinh sống ở Tây mà vẫn nghĩ được thế về xứ sở, thật đáng ngưỡng mộ. Nhiều người bỏ mất nó ngay cả khi sống trong sự bao bọc của nó. Cũng đáng là một mất mát lắm.
- Liệu có phải do hoàn cảnh mà thành ra thế, hoàn cảnh can thiệp rất mạnh vào vấn đề bản sắc cụ ạ.
- Có, nhưng đó là với những người có gốc còn nông. Nhưng xin lỗi, đừng bắt già này múa máy những thứ không thông thạo. Cả đời tôi chỉ dạy bọn trẻ cấp 1, gõ đầu thước dạy chúng những điều đơn giản lắm.
Việt cân nhắc, và thấy đã đến lúc chuyển đề tài sang mối quan tâm mà vì thế anh cất công về đây.
- Thưa cụ, cụ vừa nói một câu khiến cháu rất tò mò, đó là mọi sự bắt đầu từ khi có cái nhà máy thép. Mọi sự tốt lên hay xấu đi ạ?
- Thành thực thì tôi không phải là người giỏi tính nhẩm. Tôi chỉ cảm thấy qua quan sát thôi. Nó phải dùng từ thảm họa mới độ mô tả mức độ rủi ro mà chúng tôi đang phải gánh chịu, từ cái nhà thép ấy.
- Cụ không phải là người đầu tiên nói ra cái cảm giác ấy. Chính ông Quang cũng nói như vậy, thậm chí còn với giọng điệu căm thù là khác.
- Ông ấy có lý do để căm thù. Còn tôi thì không, tôi chỉ là người bàng quang đứng bên ngoài, thậm chí còn là kẻ tiếp tay nên tôi không có quyền nói theo tình cảm của mình, mà bằng nhận biết theo tính khoa học. Thực sự là một thảm họa.
- Cụ làm cháu tò mò quá. Cứ chuyện nọ dây sang chuyện kia. Có lẽ cháu nên ở lại đây nghe cụ nói chăng?
- Già này làm sao quyết định được điều đó. Nhưng nếu anh tin tưởng, tôi sẽ dần dà kể cho anh nghe những sự thật không giống như anh đang nghĩ.
- Cụ biết cháu đang nghĩ về cái sự thật nào mà lại khẳng định là nó không giống với sự thật cụ muốn kể? Cháu đang đi tìm nó kia mà?
- Tôi biết là anh không về đây vô cớ, hỏi những chuyện vu vơ. Nhất định là anh có liên can gì hoặc có ý định gì đó. Nhưng tôi không thóc mách vào chuyện riêng của anh. Mỗi người có lý do cho hành động của mình. Tôi chỉ xin hỏi, anh và bác muốn biết những chuyện đó để làm gì?
- Vì cháu muốn biết sự thật – Việt đáp bằng thứ giọng nghiêm trang.
- Thế thì được. Anh sẽ biết hết sự thật. Tôi cũng có ý chờ ngày nói ra những điều một mình tôi mang không nổi. Tôi sẽ khởi đầu bằng chuyện vì sao tôi thấy mình là kẻ liên can.
Ông giáo làng bắt đầu nhẩn nha kể:
...Hôm đó là một ngày thứ Bảy đẹp trời nếu ai đi từ thành phố về sẽ thấy rất nhiều rạp cưới đủ màu sắc, con đường trước kia lộn nhộn những sỏi, vừa mới được thảm nhựa phẳng lì, chạy uốn lượn qua những khu dân cư nghèo nàn đang ngày một đông đúc, ta cảm giác về một sự thay da đổi thịt nào đó.
Nhưng hôm đó con đường vốn bình yên bị khuấy động bởi một đoàn gần chục chiếc ôtô rất lạ mắt. Cái thì lùn tít như sắp áp bụng xuống đất, cặp đèn thô lố như hai mắt cá đuối, cái thì vuông từ đầu đến đít, y hệt chiếc hòm đựng thóc đóng bằng gỗ sung ngâm thời mấy chục năm trước, cái thì cao lênh khênh chẳng khác gì con bọ cạp... Chúng – dưới mắt người dân quê giống với lũ quái vật – được sơn đủ thứ màu xanh đỏ, tím, vàng...không ai biết đoàn xe xuất phát từ đầu và sẽ dừng lại ở địa điểm nào trong số gần chục ngôi làng bám dọc theo con đường. Theo hướng từ thành phố về, chúng nối đuôi nhau ầm ầm chạy, cuốn theo nào bụi, rơm, rạ và tạo ra một cơn lốc cát sỏi ở phía sau. Người đi đường chỉ còn cách dạt xuống rệ, tạm rẽ ngoặt vào ngõ nhõ nào đó. Mặc những lời chưởi bới, những tiếng la hét, đoàn xe vẫn không giảm tốc độ. Nhưng sự khó chịu của những người dân quê bỗng chuyển nhanh sang sự tò mò. Đoàn xe chở những ai, đi đâu và tại đấy họ có việc gì. Họ có vẻ từ xa đến.
Hóa ra họ tìm đến nhà ông giáo làng.
Lúc ấy ông giáo đang ngồi chẻ nan để đan giỏ, một nghề làm thêm khi về hưu, bán cho những người làm nghề bắt tôm trên con sông chạy phía sau làng. Tôm cá hồi ấy vẫn luôn đủ khá nhiều người trong cả vùng. Những chiếc giỏ của ông giáo làng được tin là sẽ mang lại may mắn hơn những chiếc giỏ mua ở chợ. Vì thế, ông đan bao nhiêu đều có người hẹn mua hết từ trước. Thấy nhà có khách sang, ông giáo vội dẹp bỏ đám đồ nghề, vào buồng thay bộ đồ lụa tơ tằm màu vàng do học trò tặng để ra tiếp. Người thanh niên có khuân mặt lanh lợi, vẻ đầy tự tin trong từng cử chỉ bèn sà ngày xuống đống giỏ tôm, sờ nắn, vuốt ve bằng thứ giọng trầm trồ rồi thay cho lời làm quen, anh ta hỏi ông giáo:
- Cụ bán tất cả cái đống này cho con nhé. Bao nhiêu tiền con cũng trả.
Ông giáo cười, bảo:
- Các anh chị đến thăm làng chúng tôi, vào nhà tôi thì hẵng xơi nước đã, mua bán gì thì để sau.
- Con không hỏi đùa đâu. Mỗi cái giỏ của bố là một kiệt tác. Con sẽ treo chúng  ở một nơi xứng đáng, còn hơn cả cung điện của vua chúa xưa kia, cho những người nào phải bỏ rất nhiều tiền ra thì mới có cơ hội ngắm, hơn là ngâm nó xuống sông để nhử mấy con tép còm.
- Nhưng nó chỉ có tác dụng khi ngâm xuống sông thôi – ông giáo cũng nhã nhặn đùa lại.
- Con không tin. Rồi bố sẽ thấy.
Khi chủ khách đã ngồi quanh chiếc bàn gỗ sơ sài và những cốc nước ủ kỹ đã được rót ra, người thanh niên bắt đầu giới thiệu
- Con tên là Dụng, làm nghề doanh nhân, còn những người này-anh ta chỉ tay một vòng-đều là cộng sự thân thiết của con. Hy vọng bố con mình có sự hợp tác tốt ngay từ đầu. Để tỏ lòng kính trọng bố, chúng con xin có chút quà mọn…
Một phụ nữ trong đoànvội đặt lên bàn, trước mặt ông giáo, cái gói vuông vức mà chị ta vẫn xách theo. Một người khác đặt chồng lên gói nhỏ khác hình chữ nhật trong khi ông giáo ý tứ nhìn đi chỗ khác.
- Một chút quà mọn chả đáng gì. Đây là hộp sâm loại đặc biệt, từ tận xứ Cao Ly mang về, để bố bồi bổ. Từ khi trồng trên núi đá, trong khí hậu mát mẻ và tinh khiết, phải mất hơn mười năm mới được thu hoạch, phải ngần ấy năm mới hội đủ tinh khí của trời đất. Còn đây là chút tiền để bố….uống rượu chơi những khi trăng thanh gió mát! Rồi bố sẽ thấy, nó chỉ bằng một mẩu nhỏ số tài sản kếch xù của bố. Chết thật, ai lại để cho ông giáo của làng, kho tri thức vàng của làng sống đạm bạc thế này, còn thua cả ông giáo Thứ túng quẫn quanh năm trong tiểu thuyết sống mòn của cụ Nam Cao trứ danh. Cụ mà cứ sống kham khổ như vậy là chúng con tổn thọ lắm đấy.
Ông giáo không chờ nghe hết những điều người thanh niên tên là Dụng nói bằng thứ giọng lưu loát nhưng cứ lẫn lộn giữa chữ l và chữ n, theo thói quen khách khí nhà quê, vội đứng dậy đẩy món quà về phía khách:
- Tôi có làm gì giúp các anh đâu mà lần đầu quen biết đã nhiều quà thế này. Nhận thế là thất đức, người nhà quê chúng tôi vân dạy như thế.
Dụng cười tỏm, đầy vẻ thích thú
- Con mê bố ngay mất rồi. Lâu lắm con mới được gặp người có dung mạo tiên ông và tính cách khí khái kiểu ông thầy đồ xưa như bố. Các cụ học nhiều chữ thánh hiền cũng khác bọn trẻ chúng con học hành láo nháo bây giờ. Nhưng bố lại quên mất rằng, báo hiếu các cụ cũng là cách để chúng con tích đức đấy. Bố sợ thất đức mà không sợ cho chúng con cũng bị thất đức nếu bố từ chối hay sao.
- Kệ các anh các chị, lão già nhất định không nhận đâu. Học trò cho quà mọn là mớ rau con cá lão cũng không dám nhận.
- Thôi, bố không nhận thì giữ giúp chúng con, để lần sau bố con mình cùng đánh chén. Hôm nay chúng con vào thăm bố, trước hết vì nghe danh bố từ lâu. Bố là cây cột trụ của cái làng cái xã này. Nhất định bố phải giúp chúng con.
- Nếu giúp được gì thì cũng là phúc cho lão già, có gì thì các anh các chị cứ nói.
- Vâng, thưa bố! – Dụng lễ phép – thế hệ các bố có công giành lại non sông đất nước này từ tay ngoại xâm, thì thế hệ chúng con có trách nhiệm biến cái non sông ấy thành gấm vóc, không chỉ giàu mà còn phải đẹp. Thế nghĩa là bố con ta đều làm cách mạng, đều là những người cùng đội ngũ, là những đồng chí thân thiết của nhau. Khi mới đặt chân đến làng này, nói thật là con rất xấu hổ cho bản thân mình. Mình là lớp con cháu thì ngồi xe ô tô sang trọng, trong khi bà con công lao trời bể còn phải sống lam lũ, nghèo khó. Không chấp nhận mãi thế này được bố ạ. Phải thay đổi. Phải giàu có. Người già tuổi bố, cống hiến cả đời, sao cứ phải ngồi đan giỏ năm này sang năm khác, trong khi bọn trẻ, thế hệ tương lai thì chưa kịp lớn đã thành người già, đã về với quá khứ chỉ vì cơ cực
Những gì mà con muốn thưa với bố chỉ là: tại cái làng này sắp tới sẽ mọc lên một cái nhà máy thép hiện đại, công suất cả triệu tấn một năm. Con biết bố muốn hỏi ngay xem sao lại xây nhà máy thép ở đây? Con không để bố phải chờ lâu: nơi đây có đủ điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa cho một cái nhà máy thép lớn. Phía sau có sông, tiện việc chuyên chở hàng ra cảng, đến những vùng khác. Trên bộ thì có con đường quốc lộ bốn làn xe trước mặt, tha hồ thuận tiện về lưu thông. Thủy bộ đều tiện. Nếu thuận lợi thì rồi còn có cả sân bay nữa cũng không quá khó. Vậy là than, dầu, quặng sẽ đi theo đường bộ từ phía Bắc về, còn thành phẩm là phôi thép và thép thì theo đường sông đi ra biển, lên tàu viễn dương xuất khẩu bốn phương tám hướng. Đất nước mình trời ban cho tài nguyên mênh mông, chổ nào cũng có mỏ sắt, mỏ bô-xít để chỉ việc đào lên mà bán lấy tiền… sao cứ phải nghèo mãi? Vì mình chưa biết khai thác, chưa biết biến nó thành sản phẩm chất lượng cao đem bán để lấy tiền đô, tiền ơ, tiền yên về làm vốn ngoại tệ cho nước nhà. Lợi nhuận từ nhà máy sẽ góp phần làm giàu cho đất nước, trong đó nhất định phải có làng mình.
Bố có một câu hỏi quan trọng nhưng sẽ không bao giờ nghĩ ra để hỏi con. Vậy thì con sẽ hỏi thay: Chúng tôi, những người nông dân, bao nhiêu đời chỉ trông vào đất đai, nay không còn đất nữa thì chúng tôi sống bằng gì, con cháu chúng tôi lấy gì để ăn?
Đáp: Vì cứ bám vào đất đai, canh tác cù lần nên đời này qua đời khác đều nghèo đói. Một héc ta đất trồng lúa, với vô số mồ hôi nhỏ xuống, được bao nhiêu thóc. Số thóc đo quy ra tiền,sau khi trừ chi phí về giống, công xá, phân gio, thuốc thang với cả chục loại thuế, phí, còn lại được bao nhiêu? Đấy là đang giả thiết chỉ toàn gặp mưa thuận gió hòa. Con không muốn nói rõ con số vì nó chỉ càng làm đau lòng tất cả mọi người có mặt ở đây. Con chỉ khẳng định không ai trên thế gian này làm giàu được từ cây lúa. Phải làm cách khác bố ạ. Chẳng hạn tới đây, khi xây nhà máy thép, tức là công nghiệp hóa nông thôn, cũng một héc ta đó sẽ sinh lời gấp mười, thậm chí một trăm lần. Bố có hình dung gấp một trăm lần là bao nhiêu không? Chắc chắn bà con ở đây nằm mơ cũng không thấy. Vậy mà nó hoàn toàn là sự thật. Thay vì bì bõm theo con trâu, đầu tắt mặt tối chỉ để mỗi ngày lấy vài chục ngàn, thì rồi đây, toàn bộ bà con sẽ thành công nhân, làm dịch vụ cho công nhân và các loại khách của nhà máy. Có cả trăm thứ việc, đều thơm tho sạch sẽ, nhẹ nhàng với số tiền công gấp cả chục lần đang chờ bà con. Mà lại ăn trắng mặc trơn. Đó mới là cái đích của phát triển bố ạ. Còn cứ lý thuyết suông rằng cứ thế này cứ thế nọ mà không quy cụ thể ra tiền, ra thóc, ra vàng… thì chúng con không phải là loại người ấy.
Dụng nói thao thao một hồi, được tiếp sức bằng những ánh mắt tán thưởng của đám người đi cùng. Ông giáo ngồi nghe như vịt nghe sấm. Nhưng cũng chỉ mình ông thể hiện cảm xúc cắng thẳng, còn những người khách kia thì họ thể hiện sự hớn hở ra mặt, thỉnh thoảng lại đồng loạt gật đầu như bổ củi, vỗ tay đôm đốp. Thấy ông giáo cựa quậy trên ghế như muốn hỏi lại, Dụng vội xua tay:
- Bố cứ cho phép con nói hết đã. Chưa xong vấn đề đâu. Hiện tại là thế, còn tương lai sẽ ra sao. Tương lai mới là quan trọng. Bọn trẻ lớn lên sẽ làm gì để ăn? Xin thưa, nếu người già còn biết làm những việc mà con vừa nói, thì bọn trẻ chẳng cần ai phải dạy cũng thừa biết cách kiếm tiền. Nhà máy thép mọc lên, sẽ mời gọi các nhà máy sản xuất công nghiệp, hàng dân dụng, hàng phụ trợ cho ngành sản xuất ô tô, xe máy… về đóng đô ở đây. Rồi là trăm nhu cầu tiêu dùng khác...bởi vì công nhân sẽ nườm nượp. Người đến đâu là kéo theo vô vàn nhưu cầu đến đó. Bán hàng tiêu dùng a, ăn uống a, nhà nghỉ a... những nhưu cầu đó sẽ cần phải vận chuyển, đầu bếp, người phục vụ, dọn dẹp, nhân viên mát xa, nhân viên các loại văn phòng... cứ thế sẽ phải cần đội ngũ phiên dịch viên năm, bảy thứ tiếng, đội ngũ bảo vệ, đội ngũ đưa đón khách, đội ngũ lái xe, đội ngũ tiếp viên...con dự tính trong mười năm tới đây, làng này không thể cung cấp đủ nhân lực. Rồi còn siêu thị, tiệm ăn, cứ là mọc nhanh hơn nấm gặp mưa! Sẽ có những con cá mập tư bản mò đến. Tiền luôn đầy túi chúng. Với bọn cá mập béo ú ấy thì cứ tha hồ móc hầu bao của chúng mà không sợ thất đức. Con tạm thời chỉ trình bày với bố như vậy.
Dụng nói không hề vấp váp khiến suy nghĩ của ông giáo cứ phải đứt hơi đuổi theo. Ông giáo thấy mồ hôi rỉ ra trên toàn thân. Ông vội lấy khăn lau liên tục nhưng nó cứ như vỡ òa qua lớp da nhăn nheo của ông, không tài nào cản được. Ông giáo đâm ra bán tín bán nghi những điều mình nghe được. Không hiểu nó thật đến đâu? Nếu đúng như anh ta nói mà ông vẫn cố hữu ngăn cản, a dua với dân làng thì hóa ra ông đọc sách cũng như không, chẳng biết đâu là phải, đâu là trái. Nhưng nếu đó là những lời lừa mị, sau này bà con khổ sở thì chả hóa ông thành kẻ tiếp tay bán rẻ mọi người. Vào thời điểm đó, dân làng của ông đang quyết rào đường ngăn cản công nhân xây dựng, tạo ra một sự cố lớn về thông tin. Các đài báo ầm ầm kéo về, đưa tin loạn xạ. Nhưng tại thực địa thì người dân dựng lều trại, thay nhau canh chừng. Bản thân ông giáo cũng có chân trong đội tiếp tế thực phẩm, cũng gián tiếp tham gia chống lại dự án nhà máy thép. Giờ nghe người đại diện cho chủ đầu tư cũng là cán bộ nhà nước giải thích cặn kẽ, ông đâm ra không biết phải hành động thế nào mới đúng. Nếu nhà nước đã có chủ trương, chắc phải tính kĩ thiệt hơn cho dân. Nhưng tại sao người làng thì nhất định ngăn cản, vì duy nhất một lý lẽ là họ không muốn mất đất và sống trong ô nhiễm. Những người khách đến từ xa này đã biết ông giáo thành ra là người đứng giữa.
Ông bỗng giật thót mình khi nhìn vào gói quà:
- Nghe anh nói già này sắp xuống lỗ cũng thấy mừng cho làng cho nước. Nhưng tôi hỏi, có phải là chủ trương của nhà nước không, hay là của một nhóm người nào đó thôi?
Dụng ngửa cổ cười toáng lên:
- Không nói một nhóm, mà kể cả một ngàn nhóm có mọc thêm sừng thêm cánh cũng không dám tự tý làm một việc thay trời đổi đất như vậy. Chỉ nhà nước mới có quyền. Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Nhà nước chỉ có mỗi việc là toàn tâm toàn ý lo cho dân, muốn người dân sung sướng ngang bằng các nước giàu có trên hành tinh, nhưng không phải lúc nào nhà nước cũng nói rõ ra mọi thứ. Lộ thiên cơ mất cụ ơi! Bọn gián điệp kinh tế lúc nào cũng nhan nhản ra đấy. Xây dựng một công trình to lớn, tốn kém hàng chục ngàn tỷ đồng tất nhiên phải là chủ trương từ rất cao, cao tít mù tăm, nơi mà chúng con có tu bảy kiếp cũng không bén mảng đến được, chỉ dám ngửa cổ nhìn lên, như nhìn lên thăm thẳm trời xanh trên kia thôi. Cụ nói mà con lạnh hết cả người. Cái cổ con có phải bằng đồng đâu mà không sợ bị chặt.
- Vậy đã là chủ trương từ trên, thì chúng tôi đâu dám cãi lại. Các anh bảo thế nào thì chúng tôi sẽ nghe theo như vậy.
- Ấy không, bố đừng nghĩ thế. Bố và bà con nông dân có nhiều quyền lắm. Đất đai ông cha để lại, rừng ruộng do tổ tiên mình khai phá, sông ngòi, ao hồ đều là tải sản sinh lời, có được nhờ đổ xuống cả tấm mồ hôi nước mắt, đâu dễ mà ai đó muốn lấy không? Bà con có cho chúng con cũng không dám nhận. Bà con mà chưa thỏa mãn thì cả đội quan trang bị xe tăng, pháo binh, tên lửa, tàu chiến, máy bay tối tân hiện đại thì cũng xin ở đầu làng nhé. Y như bên nước Mỹ ấy.
- Thế các ông định nhờ tôi giúp chuyện gì? – ông giáo hỏi bằng thứ giọng run run, không rõ do ông sợ hay xúc động.
- Chúng con đến thăm bố, trước hết vì kính trọng một người cao tuổi, người cha tinh thần của làng, có uy tín với bà con, có công với cách mạng, có thể lám gương cho con cháu.
- Dụng nói như ghi âm sẵn – giả dụ sau khi chúng con xây nhà máy thép, thì chúng con muốn bố đi đầu chấp hành. Một lời của bố còn mạnh hơn cả một đạo quân. Bố cứ nghỉ ngơi, việc đến đâu chúng con xin báo cáo bố đến đấy. Mà chúng con cũng chưa đến lượt. Mọi việc đã có các đại nhân lo. Họ ở tít ngôi cao nhưng biết hết mọi chuyện. Giờ chúng con phải về bẩm báo với họ là bố đã đồng ý giúp đỡ, và cũng để chuẩn bị cho những việc quan trọng khác. Chúng con sẽ sớm quay lại.
Những vị khách lễ phép đứng dậy. Ông giáo như vừa thoát cơn bóng đè, lật đật đứng dậy theo, cầm hộp quà đưa lại cho Dụng nhưng anh ta cứ cười cười gạt đi. Cuối cùng ông giáo bắt anh ta phải lấy toàn bộ số giỏ tôm mà anh ta ngỏ ý mua lúc mới vào nhà. Dụng và những người đi theo đoàn vội ôm từng bó giỏ mang ra xe, ai cũng sung sướng tràn trề, như vừa kết thúc mỹ mãn phu vụ làm ăn lớn.
Còn lại một mình, ông giáo như người sắp phát điên, tâm thần tán loạn. Ông cứ đi ra cửa lại quay vào, vẻ mặt đầy bất an. Nếu là chủ trương từ trên, thì nhất định phải chấp hành – ông coi việc làm trái chủ trương là phản quốc. Rồi ông để nguyên gói quà, đặt vào ngăn kéo, như cất giấu một tang vật phạm pháp.
Lúc đó cầm đầu lực lượng biểu tình của làng chống lại dự án nhà máy thép là một anh bộ đội phục viên, tên Bích, được bà con cử làm người đại diện. Anh này chỉ có một cô con gái đang ở tuổi học trò. Anh ta có máu anh hùng nông dân, tính tình cương trực, coi thường cường quyền. Đám cán bộ xã, vốn là những người ủng hộ dự án nhà máy thép, rất ngứa mắt với những hành vi của Bích, nhưng không dám đụng đến anh ta. Ông giáo nhẩm tính sẽ chọn ngày đẹp , mời anh ta đến để đại diện cho tiếng nói của nhà nước, tiện thể công khai luôn với anh ta cả gói quà. Ông giáo mới chỉ nghĩ thế thì Bích đã mò tới. Anh ta hỏi độp luôn ông giáo:
- Cái đám cướp đất vừa nãy đã hối lộ thầy những gì để đổi lấy sự ủng hộ của thầy?
Ông giáo vội đưa gói sâm và gói tiền còn nguyên vẹn ra cho Bích thấy, anh ta chỉ nhìn qua rồi bảo ông cất đi trước khi nói rành rõ từng từ:
- Ngần ấy để họ mua thầy, để thầy đồng ý bán chúng tôi, biến cả làng thành ăn xin, ăn mày ư? Đúng là quân chó má. Thằng Bích này còn sống thì đừng có đứa nào xơ múi dù chỉ một cây cỏ lác ở các làng này.
Bích yêu cầu ông giáo đứng sang một bên, mọi việc để anh ta và bà con lo liệu lấy. Ông giáo không biết nói thế nào, chỉ tay nọ đánh vào tay kia, mặt ông càng trở nên khắc khổ. Mọi việc xảy ra sau đó chỉ chưa đầy một tháng. Bà con nông dân, dưới sự dẫn dắt của Bích, không chấp nhận cho xây nhà máy thép, đồng loạt tiếp tục biểu tình nằm. Những túp lều mộc thêm lên như nấm, mõi nhà trong làng cử ít nhất một người, những người còn lại tiếp tế cơm, chăn màn, nước uống. Lực lượng của xã vào thuyết phục bị bà con la ó, đuổi phải bỏ của chạy lấy người. Huyện cử người xuống điều đình cũng không xong. Bà con đồng loạt đưa ra lý lẽ rằng, đất không thể làm ra được. Chỉ còn ngần ấy thôi, nên phải bảo vệ. Nhà máy thì phải xây ở vùng đất bạc màu, còn đất tốt thì nhất định phải giữ để dành, nếu không con cháu có thể đeo vàng mà chết đói. Bà con nghe theo Bích, quyết không nhân nhượng bất cứ đoàn cán bộ nào. Cuối cùng phải nhờ đến mưu kế của ông N.
Ông giáo làng mãi kể không để ý đến vẻ bối rối của Việt. Bởi vì ông N. chính là bố của anh, mọi người vẫn kính trọng gọi là Mr. N. anh biết chắc như vậy chứ không thể có ông N. nào khác. Việt phải cố trấn tĩnh để có thể biết nhiều hơn những gì mình cần. Ông giáo mà biết con trai của ông N. đang ngồi trước mặt, chẳng hiểu ông có kể tiếp hay không.
- Cụ biết gì về ông N., ông ấy có phép thần gì ạ? – Việt hỏi bằng thứ giọng cố không để lộ ra chút cảm xúc nào.
- Ông ấy cũng đến cũng gặp tôi – ông giáo đáp nhưng chỉ để hỏi xem quan điểm của tôi thế nào. Tôi bảo sẽ nghe theo chủ trương của cấp trên. Ông N. không xảo ngôn như anh thanh niên có tên là Dụng. Đó là một người lịch lãm, đi nhiều hiểu rộng, rõ thâm trầm. Mọi lời ông ấy nói đều rất khúc chiết, có lý, có tình và đặc biệt là rất dễ lọt tai. Ông ấy có vẻ bất đắc dĩ phải làm những việc không thể dừng lại. Nhưng ông tin rằng mọi việc sau đó đều do ông ấy nghĩ ra cả. Cụ thể thế nào, anh nên gặp thẳng anh Bích mà hỏi. Xin đừng nhắc đến tôi trước mặt anh ta. Với anh ta và nhiều dân làng, tôi là kẻ bán đứng họ. Tôi thành thật không muốn nhớ lại bất cứ chuyện gì liên quan đến cái nhà máy thép oan nghiệt ấy nữa.
Ông giáo nói xong thì dùng khăn chấm chấm vào khóe mắt. Việt không bao giờ hình dung nỗi đó là những giọt nước mắt cuối cùng của một ông già hiền hậu. Vài tháng sau đó ông treo cổ tự vẫn, chỉ để lại mấy dòng di chúc, trong đó có câu: “Tôi tự chết để chuộc tội với bà con và mong xóa được án cho chính bản thân mình”.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro