Tường Thuật III

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

XIN MỜI BẠN ĐỌC THEO DÕI TƯỜNG THUẬT III

TƯỜNG THUẬT III
Tôi trở lại gặp ông Huyện trưởng. Thực ra, đây là lần đầu tôi chính thức ra mắt ông ta sau khi kế tục cương vị của bố tôi. Những lần trước trong vai trợ lý, tôi chỉ là cái bóng của bố vì thế nghiễm nhiên ông Huyện trưởng coi tôi là nhân vật ngoài rìa, cậu con trai của ông chủ tư bản, tức là một thằng trẻ ranh dưới mắt ông ta. Bất chấp tôi từng là một tiến sĩ kinh tế ở một quốc gia danh giá về giáo dục và vị thế cường quốc chính trị, những gì tôi nói góp vào, thậm chí còn không mảy may lọt vào tai ông. Lần đầu tiên tôi hiểu thế nào là đàn gảy tai trâu. Ông ta không nghe có thể vì không thấy bất cứ điều gì mà ông ta học được trong mớ kiến thức của tôi. Nhưng cái vẻ mặt khinh khỉnh thì lại cho thấy, ông cóc cần phải nghe bất cứ thằng nào. Ông chỉ chưa nói thẳng: “Trẻ nhãi, biết gì mà trỏ vào chuyện của người lớn. Học ở Anh hay ở Mỹ thì về đây chúng ông cũng vứt vào xọt rác”.
Trước khi gặp ông Huyện trưởng tôi đã có cuộc bàn luận căng thẳng với những cộng sự, phần lớn có chân trong hội đồng quản trị. Một số khác không ra mắ vì lý do tế nhị và cũng là thông lệ làm ăn hiện nay. Nhưng họ có đủ tai mắt, chân tay để luôn hiện diện và can dự vào những quyết định quan trong với họ, dự án sân gôn rõ ràng là một món béo bở, không thể bỏ qua. Một đồng vốn, bốn chục đồng lời, làm sao họ không phát sốt lên vì sợ nẫng mất. Bố tôi đã cưỡi lưng cọp. Nay đến lượt tôi. Dù tôi có muốn bỏ cuộc khi nhận ra phần nào cái lý của ông  Xã trưởng thì cũng không thể được nữa rồi. Muốn có nhiều tiền thì phải tàn nhẫn.
Vào cuộc họp, tôi thuật lại cuộc đối thoại giữa tôi và tay Xã trưởng. Tôi nêu lại những suy nghĩ và nguyện vọng của ông ta, với tư cách là người đại diện và bảo vệ quyền lợi của mấy vạn người do ông ta quản lý.
- Một Xã trưởng hiếm có – Tôi nhấn mạnh- Trong sân khấu quyền lực hiện nay. Ông ta biết rõ mình chỉ là con tép riu, một hạt bụi, chẳng có bất cứ khả năng kháng cự nào trước những quyết định sẽ được ban hành và ông ta chỉ còn phải cúc cung thi hành. Vậy mà ông ta lại tự coi mình như một người hùng, một người có nghĩa vụ lương tâm phải xả thân vì quyền lợi của người khác và sẵn sàng đương đầu. Những lý lẽ của ông ta khiến tôi đi đến suy nghĩ, liệu chúng ta có nhất thiết bằng mọi giá phải lao vào cái dự án rất hóc này không? Ý tôi là chúng ta có cần phải lắng nghe nguyện vọng của hàng vạn người thêm một lần nữa…
Câu hỏi của tôi buông vào một khoảng không hoàn toàn trống rỗng. Tôi chỉ nhận ra điều này sau đó vài phút. Bởi vì, cách mà mọi người tiếp nhận điều tôi trình bày giống như đang nghe một bản thuyết trình dài dòng và không cần thiết nhưng chưa kịp cắt ngang.
- Ở đây không còn chỗ cho sự mủi lòng! Chúng ta đang bàn cách triển khai dự án – một thành viên thuộc nhóm “bố già”, hay theo cách chúng tôi vẫn gọi là các papa, nói tiếp vào như thể ông ta mới là người điều hành cuộc họp và những gì tôi trình bày là tào lao, chuyện phiếm.
- Thế thì bàn vào việc đi – một ý kiến khác.
Tôi để ý xem mẹ phản ứng ra sao nhưng bà hoàn toàn im lặng. Bà muốn con trai bà phải tập đương đầu với những tình huống mà một thủ lãnh sẽ phải coi đây là chuyện bình thường. Cũng có thể chỉ là tôi đoán thế.
Tôi quyết định nhắc lại:
- Mọi người cần tập trung nghe cho rõ điều tôi trình bày, rằng chúng ta có nhất thiết phát triển  khai bằng mọi giá dự án sân gôn chắc chắn sẽ gây tai tiếng này không? Vả lại, chúng ta chưa nắm được bảo bối trong tay để bỏ qua họ.
- Vậy ra tân chủ tịch không nói đùa à? Nhưng chúng tôi thì coi đó là chuyện đùa đấy – một papa khác nói, rồi ông ta che tay lên miệng cười khùng khục – Giờ không phải là lúc chúng ta ngồi đây để bàn luận về ba cái câu nói vớ vẩn của một thằng cha tiểu tốt vô danh nào đó. Cần thì tống nó vào tù như cách chúng ta vẫn làm với các dự án khác. Chó chết là hết chuyện. Có những việc không ai có thể dừng được nữa, bởi vì dừng là chết – papa gằn giọng như ném một vật nặng lên bàn.
- Hãy hỏi cái tay Xã trưởng nào kia xem gã là ai? Một con ếch còn ngồi đáy giếng, cứ tưởng mình là con bò chắc. Hắn nghĩ hắn biết hết rồi chăng. Nếu vậy thì hãy nói cho hắn cách người ta mổ thịt, lột da một con ếch. Vấn đề ở đây chỉ là có bõ để lột da nó không? Đồ láo xược! Chúng ta nếu không vì muốn họ sống tử tế hơn thì việc gì phải khổ sở suốt ngần ấy ngày tháng để sắp có trong tay cái giấy phép đầu tư sân gôn? Tôi lưu ý tân chủ tịch, công sức của cố chủ tịch đổ ra vì cái dự án này không nhỏ đâu. Tiền của công ty cũng là tiền của chúng tôi và nhiều người khác nữa. Là máu đấy! Tôi từng theo chân cố chủ tịch đến gặp người này, người kia, tôi hiểu là chúng ta đang ở trên lưng cọp, không  chờ chúng ta bị cắn chết giữa chừng khi tuột xuống mà luôn có người quất cho con cọp lồng lên để chúng ta ngã dập mặt nữa kia.
- Chúng ta đang tình thế của những người cảm tử. Được ăn cả ngã thì về đáy địa ngục.
- Nói thẳng ra là nếu dự án không tiếp tục thì có một khoản tiền rất lớn – tôi nhắc lại là rất lớn mà chúng ta ngầm nói với nhau là phí bôi trơn – sẽ không thể tất toán bằng bất cứ cách nào. Tân chủ tịch biết rất rõ điều đó. Liệu cổ đông của chúng ta có chấp nhận, chưa kể là chúng ta rút ra thì sẽ có người khác nhảy vào và vấn đề lương tâm chỉ là trò vớ vẩn.
- Bảo bối sẽ bò về bằng tiền, vấn đề là bản lĩnh của người cầm lái.
- Thôi, bàn tiếp đi, phí thời giờ với thằng gàn dở làm gì…
Những ý kiến đó mặc nhiên bác bỏ đề nghị của tôi một cách đầy mỉa mai. Tôi lâm vào tình thế bẽ bàng, cả đến khi tôi nằm vắt tay lên trán trong phòng làm việc. Nửa đêm tôi trở dậy uống trà thì đã thấy mẹ ngồi bên bàn đọc sách của bố trước kia, tay lật nghiêng lật ngửa tấm hình bố chụp chung với mẹ. Tôi ngửi thấy mùi hương tràm. Chắc mẹ rất nhớ bố. Bà thường thắp hương mỗi khi cảm thấy chúng tôi chưa đủ lấp vào khoảng trống trong tâm hồn bà.
- Con trại ạ, mẹ vừa thắp hương khấn bố phù hộ cho con đấy.
- Con cám ơn mẹ!
- Đi ngủ đi, ngày mai còn có nhiều việc phải giải quyết. Nếu được nói thẳng ý nghĩ của mẹ, thì mẹ muốn con từ bỏ vị trí của bố, từ bỏ công việc của bố. Từ bỏ tất. Chúng ta có đủ tiền để tiêu suốt đời, không cần phải kiếm thêm một đồng nào nữa. Vả lại, có lẽ con còn chưa biết ý nghĩ của bố trước lúc ông ấy hấp hối. Ông ấy muốn nói điều mà mẹ vừa nói đấy. Nhưng mẹ tự cảm thấy không có quyền đồng ý với bố con điều đó. Bố con đã bỏ ra gần như toàn bộ sức lực cho cái cơ ngơi mà nhiều kẻ đang nhòm ngó. Vả lại, có muốn thôi cũng không đơn giản như con nghĩ đâu. Con phải cứng rắn lên. Muốn có bình yên thì phải tranh đấu đến cùng con ạ.
Tôi hiểu nỗi khổ khó nói của mẹ. Dưới tôi còn có đứa em gái. Mẹ không nói thẳng ra rằng, mọi sự có thể rất nguy hiểm với nó nếu tôi thối chí bỏ cuộc. Vả lại nó cần thấy tôi như một tấm gương để mạnh mẽ tự tin bước vào đời. Nhưng quan trọng hơn là chừng nào công việc của chúng tôi còn son sẽ, chừng đó mẹ mới cảm thấy thanh thản với bố và như đang được ở bên ông.
…Ông Huyện trưởng tủm tỉm nhìn tôi từ đầu đến chân, như ước định xem tôi đáng giá bao nhiêu và có đáng giá để ông ta hợp tác.
- Ông cụ thân sinh ra anh là một tay chơi rất đẹp – ông ta nói nhiều ngụ ý – tôi mong là con trai của Mr.Nam cũng có gen ga lăng của bố.
- Thưa Huyện trưởng, tôi thực sự chỉ mong được bằng một phần bố tôi. Nhưng ngay cả điều đó cũng không do tôi muốn mà được.
- Cha nào con đó, thật là tinh tế. Tôi hiểu anh định nói gì. Tôi sẵn sàng! Anh nhớ cho trước khi ngồi vào cái ghế kinh khủng này, tôi đã phải lau chùi hàng chục năm cho người khác ngồi. Nhiều khi cũng lợm giọng lắm. Nhưng anh thử hình dung mình vừa nâng khăn sửa túi ai đó vừa nghĩ thầm sao lão ta sao thối tha thế nhỉ? Từ chân răng kẻ tóc lão đều toát lên mùi hôi hám và sự ngu dốt. Sao lão không chết bất đăc kỳ tử mà cứ sống dai như đĩa để ngày ngày làm ô uế xung quanh. Nghĩ thế mà vẫn cứ phải cúi rạp xuống, lau từng li từng lai cái chỗ ông ta ngồi, nói những lời sao cho vừa cái tai, lo những món quà khiến ông ta hài lòng và vợ con ông ta hãnh diện, còn có gì nhục nhã hơn. Nhưng cuộc đời này nó thế. Nó không ra gì nhưng nếu biết cách thì vẫn có thể hưởng hoa thơm trái ngọt. Là người như vậy nên tôi biết cái giá của việc mình làm.
Ông ta đưa tay ra bắt tay tôi, một cử chỉ chứng tỏ chúng tôi hoàn toàn hiểu ý muốn của nhau.
- Tôi biết là anh đang gặp chuyện khó chịu với cái thằng cha Xã trưởng. Một kẻ ương bướng gàn dở nhưng rất được việc và được lòng dân cái xã khó trị vào bậc nhất của huyện này. Tôi muốn cách chức thằng cha       từ lâu nhưng không thể tìm ra cớ nhỏ nào. Dẹp yên được cái đám dân cù lần nhưng lì lợm và sẵn sàng làm cách mạng ấy chỉ có hắn. Người Pháp trước kia cũng đầu hàng đấy, anh nhớ cho. Tôi cũng mới biết khi vô tình đọc cuốn lịch sử địa phương. Nhưng mà thật đấy. Bí thư chi bộ đội hầm lên đầu thú nốt,mà phong trào kháng chiến vẫn không dập tắt được. Về sau mới biết, ngồi trong bóng tối chỉ đạo thịt đám lính lê dương  là thằng cha thầy cúng mắt toét. Chính là bố của thằng Xã trưởng bây giờ. Cha nào con ấy, không biết sợ ai. Anh thử tính xem, phía sau thằng cha là cả hàng ngàn gia đình, không đùa được đâu. Mẹ kiếp, nói dại chứ chúng nó mà kéo nhau lên đây nằm chật huyện đường, thì liệu tôi và anh có yên ổn thế này được không? Thôi, chịu đựng nó cho đến khi nào còn có thể.
- Tôi hy vọng Huyện trưởng cho tôi phương hướng để hành động, nhiều hơn là lời khuyên, dù rất hữu ích.
- Ô, phương hướng đấy thôi. Chịu đựng nó tí chút. Chờ thời cơ. Nghe ngóng động tĩnh từ đám dân đen bất trị. Hoãn binh kịp thời để tìm phương pháp. Nghĩa là tiếp tục chịu đựng. Chịu đựng đến khi còn có thể và còn nằm trong mục tiêu mình muốn. Rồi thì theo cái cách mà cụ thân sinh ra anh vẫn làm, tôi thấy có thất bại bao giờ đâu – ông Huyện trưởng nháy mắt một cách chuyên nghiệp – Đến tôi đây còn đổ chổng kềnh nữa là – Ông ta lại đẩy tôi đến chỗ phải nghĩ ngợi.
- Chúng tôi cũng đã thử…
- Tiếp tục thử, một hai lần đã ăn thua gì. Đang hứng, nên tôi kể cho anh nghe một chuyện nhưng cấm anh hiểu lầm nhé. Chuyện thế này. May mà nó là chuyện ngày xưa. Một ông quan, chắc cũng chỉ cỡ quan huyện như tôi, tức là không to mà cũng không quá nhỏ, gọi là quan cũng được, mà gọi là mõ cũng không sai, khiêm tốn mà nói thế. Và cái ông quan kia được tiếng là liêm khiết. Có tay lái buôn muốn làm ăn trên địa bàn của ông ta,ví như anh đang xây sân gôn ấy haha – ông chỉ tay vào mặt tôi – Đã nói rồi nhé, cấm hiểu lầm. Cần gì tôi cứ nói thật chứ chẳng ngụ ý ngụ iếc gì đâu. Tôi nói đến đâu rồi nhỉ, à đến đoạn tay lái buôn tìm cách đút lot tiền cho ông quan huyện để làm phi vụ nào đó – ông ta nêu thẳng vấn đề mới xảo quyệt làm sao – Lần đầu tay lái buôn đưa 10 lạng. Ông quan từ chối phắt. Vớ vẫn! Làm quan là để chăn nuôi dân, dân coi như cha mẹ, chu cấp lương bổng hậu hĩnh, ai lại ăn của đút để hại họ, thì thà làm chó còn hơn! Miệng mạnh chưa? Lần thứ hai tay lái buôn đưa 50 lạng, ông ta cũng từ chối thẳng thừng. Quan nhất định phải khác chó! Vẫn rất mạnh miệng. Không nản chí, tay lái buôn tiếp tục mang đến biếu ông quan nọ 100 lạng. Anh bạn thử đoán xem tình hình có xoay chuyển không? Anh bạn đừng đánh giá xoàng tầm cỡ quan huyện nhé. Cũng vững vàng và cao giá lắm đấy. Tức là tay lái buôn kia vẫn thất bại. Ông quan vẫn quyết liêm chính. Đã thế thì 500 lạng xem lão quan có đủ sức quay mặt đi không? Anh là doanh nhân, anh biết 500 lạng ngày xưa nó to thế nào chứ?  Nó to hơn bất cứ một sản nghiệp nào của những người như tôi bây giờ. Nhưng hóa ra tay lái buôn vẫn đánh giá sai ông quan, vì ông ấy không những quay đi mà còn bảo tay lái buôn đừng có làm thế nữa, làm thế lần nữa là ông ta bảo lính gô cổ lại giải lên phủ. Tay lái buôn không nao núng mà vẫn kiên nhẫn, vì món lợi kếch xù thúc dục anh ta. Lần này anh ta mang hẳn 1000 lạng, gói trong vải đều, đủ một xe ngựa đầy. Anh ta đánh nguyên cả xe vàng đến gặp ông quan kia. Nhìn thấy như vậy, ông quan rủ áo quay vào nhưng bảo gia nhân ra nói với tay lái buôn là chỉ chiếu cố một lần duy nhất này thôi, cấm có lần thứ hai nữa.
      Ông Huyện trưởng dừng lại cười phụt cả nước bọt ra xung quanh:
- Để tôi kể tiếp: - Về sau có người thân tín hỏi ông ta sao đã từ chối được bốn lần, mà đến thứ năm thì không? Cậu biết ông quan nổi tiếng liêm khiết kia trả lời thế nào không? Ông ấy bảo rằng, trước những món tiền như vậy thì đến cả thần thánh cũng xiêu lòng chứ nói gì một phàm nhân như ông ta. Tôi nhắc lại với anh là tôi không định ngụ ý điều gì, vì chúng ta đều đã quá hiểu nhau, mà chỉ muốn cậu rút được từ đó bài học cho mình. Nói thật, so với ông quan kia thì cậu gặp được tôi là may mắn lắm đấy.
     Đúng là thằng phó cối – tôi hằn học nghĩ, trong lòng trào lên sự kinh tởm. (Về chi tiết lai lịch ông Huyện xuất thân từ một anh thợ làm cối trong Mối Chúa là hoàn toàn chính xác.Tuy nhiên cách mô tả của tác giả có phần ác cảm, cho rằng ông ta chỉ học đến lớp năm, còn lại đều dùng bằng giả, thì tôi không tin lắm, vì một kẻ học lớp năm rât khó chỉ trích dẫn đến những điều cao siêu trong sách kinh điển như ông ta vẫn thường làm thế với khách để chứng tỏ mình có học vấn). Cái mặt tên cướp ngày thì khác nhau ở chỗ nào! Có lẽ chỉ ở chỗ cái mặt tên kẻ cướp trong dễ coi và đáng tin hơn. Nghĩ thế nhưng tôi phải giả vờ tán thưởng bằng cách reo lên:
- Thật là thâm thúy và thực tế…
Nhìn mặt lão Huyện cười nói hả hê, tôi càng thấy thương bố mình. Theo thông lệ, tôi để lại một gói nhỏ vuông vức, vẫn là tác phẩm của mẹ tôi, trước khi ra khỏi huyện. Khi ra đến cổng, huyện trưởng cho người chạy theo bảo tôi quay lại. Tôi tưởng mình thất thố gì với ông ta. Nhưng không, ông ta ghé tai tôi nói nhỏ: “Cám ơn nhé,vậy là tôi biết đang làm việc với ai rồi, coi như cụ thân sinh cậu vẫn hiện diện. chảy, kể cả tay Xã trưởng kia có ba đầu sáu tay cũng bó giáo quy hàng. Mà rồi cậu thấy, chuyện còn thú vị hơn nhiều đấy ”.
Tôi hỏi ông Huyện trưởng người ấy là ai, thì ông ta bèn nhìn xung quanh tỏ ra vẻ tầm quan trọng,rồi ghé tai tôi nói nhỏ:
-Mr.Đại. Cậu nghe cho rõ nhé,vì phải nhắc lại tên của ông ta luôn là việc quá sức của tôi. Đừng trách tôi trong vụ thằng cấp dưới cứng đầu nhé. Tuy là cấp dưới nhưng nó lại là con nhà có công, bản thân vào sinh ra tử, về làng thì tứ cố vô thân nên chẳng biết sợ ai. Chí phèo có biết sợ ai. Nhưng cuối cùng thì anh thấy đấy,địch làm sao được với bọn mình! Mà mình cũng không nên đẩy con chó hoang ấy vào ngõ cụt, nó xơi lại thì chả phải tay cũng phải chân. Chúc cậu may mắn nhé.
- Ông đã gặp Mr. Đại chưa?
- Thá tôi làm sao mà gặp được. Nhưng chính cụ thân sinh ra cậu có lần thì thầm bảo với tôi như vậy. Tôi nhớ hôm đó bố cậu hơi quá chén. Khi tôi vào phong khách huyện bố trí cho ông nghỉ trưa, định nói vài chuyện thì cứ thấy ông ấy lẩm bẩm: Mr.Đại, ông có biết tôi khổ thế nào không? Cuộc đời tôi trong tay ông …Cái sân  gôn này có làm được hay không là ở cả ông đấy. Tôi bèn hỏi: Ông đang nói tới nhân vật nào thế? Bố cậu tưởng tôi không nghe tên người bố cậu nhắc đến, nên bảo: Một đại nhân, một bố già mà cả tôi và ông đều chỉ là con tép với ông ta. Ông nói mà không hề mở mắ. Tôi đoán Mr.Đại là cụ lớn nào đó. Có thể đoán ngài ở ngôi trên kia… - ông Huyện trưởng hướng mắt lên trời.
- À quên, chưa hết – ông Huyện trưởng nói tiếp – Lúc tỉnh lại, chả hiểu sao bố cậu cứ hốt hoảng hỏi tôi là hình như ông có lảm nhảm điều gì đó. Tôi hỏi lại: Ông không biết là ông nói gì ư? Ông không nói chuyện với ai sao? Tôi nói gì, với ai? – bố cậu hỏi ngay – Tôi say quá, ngủ như chết, làm sao nói chuyện với ông được. Tôi không nói gì thêm để ông yên tâm. Về nhà tôi cứ nghĩ và chợt hiểu ra, chắc chắn Mr.Đại là con bài bí mật của bố cậu, không muốn lộ sớm với tôi. Tôi biết vậy nhưng không giận vì bạn bè mà không tin nhau. Ông ấy là doanh nhân, hẳn phải có võ riêng. Giờ ông về trời rồi, nên tôi mới nói với cậu để may ra… Biết đâu cậu có quý nhân phù hộ thì sao!
Tôi cảm ơn ông Huyện trưởng,định quay đi thì lão lại dọi giật:
- Chúng tôi chỉ là nguời mở cổng đón các anh thôi. Nhưng quyết định mở cổng thì lại ở tít tận đâu đâu. Giờ ta thỏa thuận thế này: Một mặt tôi sẽ ép để tiến hành giải phóng mặt bằng trên giấy tờ đã, tức là thỏa thuận trên nguyên tắc kết hợp thăm dò phản ứng,việc hóc lắm đấy. Nhưng mặt khác, các anh phải nhanh chóng có được chiếc lá bùa hộ mạng kia, tức là cái giấy phép đầu tư. Có nó là có rât nhiều lợi thế. Khi đó thằng nào ngăn cản là chống lại pháp luật, chống lại thể chế, chống lại cấp trên, chống lại nhân dân, chống lại tiến bộ, có thể ghép tội phản động tống giam thẳng thừng. Còn khi chưa có nó thì phải làm thật khéo, vừa dọa vừa nịnh. Đấm và xoa. Phương pháp cách mạng đấy. Tư bản thì gọi là gậy và cà rốt. Cùng một cách cả, gọi thế cho ra vẻ thôi. Nhớ là cái gì còn có thể giải quyết bằng tiền, vẫn là rẻ nhất nhé. Thôi, chào, tôi cũng phải đi họp đây.
Lão ra luôn xe đang chờ và chiếc xe lao vút đi. Mẹ kiếp, đúng là loài rắn độc, còn hơn cả cướp ngày.
Tôi cứ đứng ngẫn ngơ môt lát với cái ý nghĩ như vậy. Choán hết trong đầu tôi là cái mặt dài như mặt ngựa của ông Huyện trưởng và những điều ông ta kể về bố tôi.

XIN MỜI ĐÓN ĐỌC TƯỜNG THUẬT IV

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro