Chương Hai: Đường Dài Dằng Dặc

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ấy là một buổi chạng vạng đầu tháng Một của năm Kỉ Hợi, niên hiệu Lê Cảnh Hưng thứ bốn mươi (1779).

Năm năm trước, triều đình dồn quân lương chinh phạt Thuận Hóa, của tích trữ trong dân cứ vậy cạn dần, lại thêm hạn hán mất mùa mấy năm khiến giá gạo tăng vọt, năm ngoái Nghệ An và tứ trấn đói to, nhưng lệnh cứu đói khơi khơi của bề trên lại chẳng đủ để sai khiến bọn tham quan cường hào bên dưới. Trong ngôi làng nhỏ ở trấn Sơn Nam, chiều buông, những nẻo đường sâm sẩm chửa chi đã đìu hiu bóng người, ngọn gió cắt da quất vùn vụt lên cỏ cây xơ xác, một người đàn bà và một cô bé ăn bận rách rưới dắt tay nhau tới gõ cửa nhà ông lang trong làng, thưa rằng họ nghe nói nhà ông đang muốn mướn người làm nên tới xin làm thử. Mấy năm nay phường lừa đảo trộm cắp nổi lên luôn luôn, nhìn hai khuôn mặt lạ lẫm, bà lang Tố thoáng cau mày. Song thấy hai mẹ con họ run bần bật như sắp lả đến nơi, bà vẫn mở cổng cho họ vào nhà.

Nơi gian bên của căn nhà ba gian ấm áp, ngọn đèn dầu sở lù mù trên trường kỉ giọi vào khuôn mặt tuổi băm khắc khổ của người đàn bà đang đứng, vào đôi mắt đen trũng sâu, vào thân hình gầy như que củi mà lưng vẫn thẳng tắp. Thị thưa bằng một thứ giọng là lạ, nhang nhác giọng vùng châu thổ Nhị Hà mà dường không giống lắm, rằng mình tên Diểu, đã đi làm ở nhiều nơi nên việc gì cũng thạo.

- Thế sao ngày trước chị phải bỏ làm ở nhà chủ cũ? - Bà lang ôn tồn hỏi.

- Thưa, phần vì mấy năm nay mất mùa mê man, người ta kẹt nên không thuê mình nữa, phần vì... nhà chủ không hợp tính.

- Nghe giọng, chắc chị không phải người vùng này. Thế quê quán chị ở đâu, vì sao phải lưu lạc đến đây?

Người đàn bà nghe tới đây thì thoáng im lặng, rồi đáp:

- Xin bà thứ cho. Cháu bỏ làng bỏ xóm mà đi, đã tự hứa không bao giờ nhắc về quê cũ nữa.

- Không phải tôi thích bắt bẻ, - bà lang nghiêm giọng - nhưng ngay đến quê quán lai lịch mà chị cũng không nói được, thì nhà tôi làm sao dám tin tưởng mà dùng chị?

Người đàn bà lặng lẽ cúi đầu. Vò nhàu nhĩ cái vạt áo đã rách bươm, thị nói sẽ:

- Dạ. Bà đã nói thế, vậy mẹ con cháu xin phép về.

Rồi mẹ con thị đan chéo hai tay, lễ độ vái chào, đoạn dợm bước rời đi. Nhưng ông lang gọi thị lại. Ông nhìn người đàn bà chỉ còn da bọc xương đang im lìm bướng bỉnh, lại nhìn sau lưng thị, đứa con gái nãy giờ vẫn ngó chăm chăm đôi câu đối khảm trên cột cái. Ông nhớ tới đứa cháu ngoại, nhớ tới người con gái đã đi lấy chồng xa. Mẹ con thị đã qua bao nơi như thế này rồi? Và sau khi ra khỏi nhà ông, liệu họ có còn nơi nào để đi, còn đi được bao lâu nữa? Hay cũng như nhiều kẻ cùng quẫn ngoài kia, phải ăn củ nâu rễ cỏ, rồi dắt díu nhau chết đói dọc đường? Thị gàn, khái đã đành, nhưng con trẻ có tội tình chi? Ông thở dài, dịu giọng hỏi người đàn bà:

- Nom chị cũng ra dáng, thế có biết chữ không?

- Thưa ông, cháu có biết chút đỉnh.

- Thế con gái chị kia năm nay bao tuổi? Tên gì?

- Thưa, cháu kêu là Tương, sinh đầu năm Bính Tuất (1766), tháng nữa là được mười lăm ạ.

- Thế tính thực ra cháu nhà chị chỉ thua cháu út nhà tôi có một tháng thôi, mà đẻ khác năm nên vào sổ lại thành ra cách một tuổi. - Ông lang cười hiền, đoạn quay qua nhẹ nhàng ướm hỏi con gái thị - Con có biết trên cột kia là chữ gì không?

Thiếu nữ nhìn ông, trên khuôn mặt gầy rạc võ vàng, những đường nét thiếu nữ đã bắt đầu chớm nở, ánh đèn yếu ớt hằn một ngọn lửa mờ sâu trong đôi mắt huyền giống mẹ. Cô đáp rành rọt:

- Thưa ông, là hai câu "nhân chi thục, nghĩa chi tinh; công chi sùng, nghiệp chi quảng" ạ.

Ông lang gật đầu:

- Nhân càng thục, nghĩa càng tinh; công càng cao, nghiệp càng lớn¹, đây là hai câu trong bài văn khuyến học của Thánh Tông Thuần hoàng đế bản triều, năm xưa khi cất nhà, cụ ta đã cho khảm lên cột cái. - Nói đoạn, ông quay sang bảo vợ - Tôi thấy mẹ con người ta lễ độ phải phép, chắc hẳn cũng là con cái nhà lành, có điều đau lòng khó nói nên mới không muốn kể tới quê hương. Sắp đến Tết, nhà mình cần người, mẹ con người ta cũng cần cái ăn, bà hãy bỏ quá.

Bà lang trông vẻ cũng xiêu lòng, bèn bảo:

- Nhà tôi có mấy chục nong tằm đang đợi sang xuân nuôi lứa mới, mấy vài sào ruộng chuẩn bị cấy vụ chiêm. Người làm đợt trước khó khăn nên đã nghỉ cả, vợ chồng tôi lớn tuổi, mắt kém lại đau chân tay luôn không trông nom nổi, nên muốn mướn người về phụ giúp. Thế này: chị cứ làm trước mấy hôm cho quen việc, rồi ta lại tính tiếp. Nhà tôi giầu chẳng bằng ai nhưng ăn ở đàng hoàng, hễ chăm chỉ thật thà, chúng tôi sẽ không bạc đãi. Chị thấy sao?

- Dạ, được thế thì mẹ con cháu đội ơn ông bà.

Bà lang mỉm cười, cất tiếng gọi:

- Thương ơi! Vào đây bu bảo.

Từ ngoài nhà, một thiếu niên chừng mười bốn mười lăm, dáng người cao gầy, hình dung thanh tú chạy vào. Bà lang vẫy cậu lại gần, âu yếm hỏi như hỏi trẻ nhỏ:

- Sao con ăn mặc phong phanh thế? Bài thầy dạy ngày nay, con đã học xong chưa?

- Thưa bu, con thuộc rồi ạ. - Thiếu niên lễ phép gật đầu.

- Con ngoan lắm, chớ để thầy phạt lại khổ thân. - Bà lang nói, đoạn chỉ vào người đàn bà - Đây là vú Diểu, từ nay vú làm cho nhà mình. Con dẫn vú với em xuống bếp, xới cho mỗi người một bát cơm. Rồi lấy trong tủ một cái chăn đem xuống cái buồng trống dưới nhà ngang cho bu, nghe chửa?

- Thưa bà, - Thị Diểu nghe vậy vội xua tay từ chối - mẹ con cháu đang trú trong cái quán đầu làng, sẽ tự liệu đường cơm nước, không dám phiền đến chỗ ăn chỗ ở của ông bà. Cháu xin phép từ ngày mai lại nhà hầu ông bà sớm.

Bà lang nghĩ bụng dầu gì cũng là người lạ, làm vậy cũng đỡ được những điều bất trắc, bèn để mẹ con thị về. Hôm sau đúng hẹn, đầu canh năm bà lang Tố vừa ra mở cổng đã thấy họ đứng co ro ở đó. Mẹ con thị Diểu là những người làm tận tụy. Sớm tinh mơ, người mẹ gánh mạ ra đồng cùng vạn cấy, đứa con gái ở nhà lo việc giặt giũ, dọn dẹp, nấu ăn cho chủ và mang cơm nước ra đồng cho thợ; chiều ngớt việc, họ lại cùng ngồi quay tơ dệt vải với bà lang, việc nhà được chăm lo đâu ra đấy. Thị Diểu tỏ ra vô cùng dè dặt, thị không nhận một miếng cơm hay chút bánh trái nào của nhà chủ, tối đến xong việc là về an phận ở trong cái quán bỏ hoang đầu làng, việc lao động tất thảy quy thành tiền công.

Sáng sáng lên lớp, đôi khi vô thức nhìn ra ngoài song, Thương sẽ thấy bóng dáng của cô thiếu nữ, thấy đôi chân lấm bùn chậm bước vài nhịp khi đi ngang lớp học, như nấn ná nghe thêm đôi tiếng giảng bài cao vang, chậm rãi của thầy. Hằng chiều thầy ra ngoài chẩn bệnh, Thương ở nhà dọn nong phơi thuốc ngoài sân, rồi ngồi học bài một mình nơi đầu hè. Cứ đọc mãi đọc mãi, đến khi mỏi mắt, cậu sẽ tạm nghỉ, dõi mắt theo những thứ chuyển động chung quanh, như cơn gió qua đường lay xạc xào cành lá, như cánh chim nhỏ nhoi bay vút lên bầu trời xám thẳm. Như bóng lưng một đứa trẻ khác đang một mình làm lụng kiếm ăn trong vuông sân mờ tối. Đôi khi, thiếu nữ cũng nhìn về phía cậu. Dường như là tò mò, ánh mắt chúng chạm nhau. Đôi mắt đen xuyên qua bóng tối la đà. Đôi mắt trong in bóng bầu trời đầy mây dày lơ lửng.

Một sớm nọ, ông lang gọi thiếu nữ vào thư trai. Một cách chân thành và hiền hậu, ông đưa cho cô một cuốn sách mỏng, nói đây là quà ông tặng cô, từ rày nếu cô muốn học thêm chữ, ông có thể dành chút thời giờ dạy miễn phí. Khi ấy, Thương đang đứng bên mài mực hầu thầy, cậu thấy đôi mắt đen của thiếu nữ như đã sáng lên trong chốc lát rồi nhanh chóng tối đi, cô không nhận món quà, chỉ bước lùi lại, thưa rằng ông bà đã chiếu cố cho mẹ con cô công ăn việc làm, cô không dám nhận món quà to tát đến vậy. Ông lang dịu dàng nói đây chỉ là tấm lòng khuyến học của người hàn nho, không hề là thứ gì to tát, cô vẫn một mực từ chối, không để ông nói thêm đã vội vã bước khỏi phòng như bỏ trốn. Ông lang chỉ biết nhìn theo bóng cô mà lắc đầu thở dài, vẻ vừa bất lực vừa xót thương.

Từ độ đó, Thương không còn thấy bóng dáng thiếu nữ thấp thoáng ngoài lớp học nữa. Mẹ con cô vẫn rất mực cần cù phải phép, nhưng cũng lặng lẽ hơn rất nhiều, lặng lẽ như muốn vạch ra ranh giới, không để người khác lại gần.

Cứ thế, một tháng lần lần qua cửa. Một chiều tạnh ráo đầu tháng Chạp, Thương vâng lời thầy mang mấy thang thuốc vào đình cho cụ từ. Khi ra sân chuẩn bị về, mấy thằng con giai đang tụ tập gần đó bỗng lại hích vai Thương, hất hàm bảo:

- Kìa, con hầu mới của nhà mày đấy phỏng?

Thương nhìn theo hướng chúng chỉ. Cách đó chừng bốn trượng, cây ngọc lan nơi góc đình năm nay nở hoa trái mùa, dưới tàn cây thẫm xanh lấm tấm trắng, một bóng dáng quen thuộc đang cúi nhặt những đóa hoa rụng lẻ loi. Là Tương. Một tháng có cái ăn chốn ở đã gột bớt cái nước da xanh xao và vẻ ngoài ốm đói, dung nhan thiếu nữ xấp xỉ tuần cập kê đang cục cựa khai hoa, thu hút ánh nhìn của những gã trai mới lớn. Một thằng chúm môi huýt dài, một thằng khác hùa theo đọc một câu vè tục tĩu, thiếu nữ không để ý, quay gót định đi.

Thương khó chịu chau mày, nhưng chưa kịp nói gì, từ góc khuất sau gốc ngọc lan, một gã trai to béo đã thình lình nhảy chồm tới trước mặt thiếu nữ - thằng ấm Hổ, con giai Xã trưởng. Xã trưởng là một tay trọc phú mua chức bằng tiền, thằng quý tử của lão và đám bạn là một bầy ô hợp, lang Tố không chịu dậy, lão bèn thuê thầy về dậy riêng, thầy nào thầy nấy chưa được dăm bữa nửa tháng đã phải bỏ của chạy lấy người vì không chịu nổi. Năm nay gã mười bẩy mà đọc Tam tự kinh hãy còn trúc trắc, giỏi nhất là chơi bời và ghẹo gái. Nay đương chán vì hết cái chơi, gã bỗng tia được của lạ: con hầu mới nhà lang Tố. Lão lang Tố và thằng con út cậy có tên quan tép riu trên kinh mà suốt ngày ra vẻ đạo mạo ta đây hơn người, gã rất chi là ghét. Gã xồ tới, chặn đường không cho thiếu nữ thoát, đoạn giương cặp mắt trâng tráo dòm tròng trọc cô, dòm cái cổ kiêu, đôi má hây hây nẻ, đôi mắt bồ câu đen ánh như hột nhãn... Gã cười ầm chớt nhả:

- Ái dà! Thằng Thương có con hầu tưởng bần bần mà cũng ngon nghẻ phết nhề! Mày tên gì?

Thiếu nữ cố vùng thoát mà không được, mím chặt môi, mặt đỏ bừng, im lặng gườm gườm lườm gã. Ấm Hổ lại càng sấn tới:

- Tao bảo, - gã liếc Thương đứng đằng xa, cười hềnh hệch thì thầm - ở nhà cái lão hủ nho làm đếch giề, sang chỗ tao, bay chỉ cần hầu tao đúng một việc thôi, đảm bảo sướng bằng vạn lần đi bưng bô rửa đít cho thằng Thương...

- Loại mày mà cũng xứng? - Thiếu nữ nghiến răng, cố vênh mặt.

- Còn mày là cái loại nào? - Ấm Hổ nhếch mép, giơ tay vuốt má cô - Cái loại đầu đường xó chợ như mày, chẳng...

Gã chưa kịp nói hết câu, Thương đã lao tới, đẩy mạnh thân hình to béo đang chực dán vào người Tương, cũng ngăn cánh tay đang vung lên của thiếu nữ, cậu chắn giữa cô và ấm Hổ, vừa lườm gã vừa nói khẽ với cô:

- Đừng! Nó là con giai Xã trưởng, động vào nó là mẹ con em không ở đây được nữa đâu!

Tương nhìn trừng trừng ấm Hổ, đoạn vùng mạnh khỏi tay Thương, rảo bước khỏi đình. Thương đuổi theo cô, không quên ném cho ấm Hổ một ánh nhìn cảnh cáo. Ấm Hổ to béo nhưng yếu nhớt, Thương tuy gầy và ít tuổi hơn nhưng đã cao hơn gã nửa cái đầu. Vả, anh giai cậu dầu sao cũng là mệnh quan triều đình khiến thầy gã còn phải nể vì đôi chút, chính gã dù ghét nhưng vẫn có chút kiêng dè. Thế là sau một hồi hậm hự mà chẳng dám làm gì, gã đành nghiến răng đứng réo từ xa cùng đám bạn:

- Con chó, mày cứ đợi đấy!

Trên con đường mòn vắng vẻ, thiếu nữ phăng phăng bước đi, chốc chốc lại ngoảnh đầu, ánh mắt như muốn nói với cậu thiếu niên sau lưng rằng: kệ xác cô, đừng đi theo cô nữa! Nhưng Thương lo đường vắng, bọn ấm Hổ sẽ đuổi theo hiếp đáp cô như những cô gái khác, bèn cố giữ khoảng cách, lặng lẽ theo sau.

Thiếu niên từng bất mãn hỏi cha anh rằng, tại sao không ai cáo trạng được với bề trên để truất tên Xã trưởng lộng quyền? Khi ấy, người cha già cả đời chẳng toại đường mây và người anh hầu thánh trên kinh quanh năm về được có đôi lần chỉ lắc đầu cười buồn, cho cậu là con trẻ ngây thơ, sao hiểu rằng việc mua quan bán tước cũng như vô vàn điều bất công khác trên mảnh đất này đều do bề trên định đoạt. Sao hiểu rằng giữa thế thái này, việc một kẻ sĩ tầm thường nhỏ bé không tiền nghìn bạc vạn, không chức trọng quyền cao có thể làm là ít ỏi biết bao. Vậy sao vẫn có những kẻ mặc thanh sam ngày đêm đăng hỏa dùi mài, mỏi mắt ngóng chờ trường ốc ba thu, mong được đổi thay điều gì dù là ít ỏi, dù dường vô phương...

Ngày đông sáng sủa hiếm hoi sắp lụi tàn, vầng dương ảm đạm đã nép mình sau mây, nắng mỏng không đủ xua đi gió chiều buốt giá, cứ thế, hai đứa trẻ một trước một sau lặng lẽ bước đi trên đường vắng. Gần đến quán đầu làng, Tương dừng bước, quay đầu thấy Thương vẫn theo sau, ánh mắt cô dịu dần, bảo:

- Cậu về đi thôi.

Thương dợm bước đi, rồi như không yên tâm, cậu quay lại dặn dò:

- Đường này vắng, từ giờ em đừng đi nữa, chọn đường trong làng có nhiều nhà mà đi. Thằng Hổ to mồm mà nhát, gặp nó em cứ hét thật to. Nhưng cũng đừng đụng vào nó, thầy nó dầu gì cũng là Xã trưởng, mẹ con em lại là dân ngụ cư, không cẩn thận sẽ không còn chỗ ở.

- Chỗ ở ư? Chúng tôi chưa bao giờ có chỗ ở. - Tương nhếch môi cười tự giễu, nỗi bất cam và cam chịu như đang cào xé nhau, cùng vùng vẫy không lối ra trong đáy mắt - Cảm ơn cậu. Trời tối, cậu về kẻo ông bà mong.

Nói rồi, cô quay người đi thẳng. Nhìn theo bóng lưng lẻ loi ấy, một cảm giác khôn tả thành lời bỗng len lỏi vào cõi lòng Thương.

Trên bầu trời mịt mờ, có áng mây mỏng manh đang trôi đi vô định.

——————————

*Tên chương được lấy từ bài Miên man 1 - Kinh Thi:

Miên man hoàng điểu,
Chỉ vu khâu a.
Đạo chi vân viễn,
Ngã lao như hà.
Ấm chi tự chi,
Giáo chi hối chi.
Mệnh bỉ hậu xa,
Vị chi tái chi.

Tạm dịch: Chim hoàng tước đậu trên hõm đồi mà hót líu lo rằng, đường dài dằng dặc, tôi mệt nhọc xiết bao, mong được cho ăn cho uống, mong được dạy dỗ bảo ban. Và hãy gọi chiếc xe ở phía sau kia, để chở tôi đi với.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro