Chương Một: Lòng Này Như Say

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

- Chú về đâu, tôi chở?

- Bà cho cháu về Vườn Dâu.

Trên bến đò quạnh quẽ, mưa mùa hạ vừa ngơi. Nắng chao đầy dòng Nhị Hà mênh mang lao xao, phủ lên ngàn dâu bên bờ một sắc vàng mờ ảo. Một người đàn ông mình nồng mùi rượu, áo trắng sờn, nón mê tóc xõa, lưng đeo bọc vải to đùng tập tễnh bước lên con đò nhỏ tròng trành.

Liếc gã trai la đà trong men rượu, bà lái đò đã qua quá nửa đời người thầm thở dài, rồi lặng lẽ khua chèo. Khốn khổ, bà nghĩ, chắc lại một kẻ li hương.

Vẻn vẹn mấy năm, qua lại đôi bờ, bà đã mắt thấy tai nghe quá đủ. Hơn hai năm trước, tức đầu năm Bính Ngọ, niên hiệu Lê Cảnh Hưng thứ bốn mươi bẩy (1786), nạn đói lại nổ ra, thây người la liệt khắp kinh thành và tứ trấn¹. Đến giữa năm, Nguyễn Huệ dẫn quân Tây Sơn ra Bắc chiếm Thuận Hóa², rồi Nghệ An, Thanh Hoa, Sơn Nam³, cuối cùng là kinh thành. Bắc Hà khi ấy đã rệu rã, Đoan Nam vương Trịnh Khải thất trận tự sát, cơ nghiệp hai trăm năm ốc mượn hồn của họ Trịnh cứ vậy đổ sụp. Chưa được bao lâu, Lê Hiển Tông Hoàng đế băng, Hoàng thái tôn Lê Duy Khiêm được Nguyễn Huệ đưa lên ngôi vua, lấy niên hiệu Chiêu Thống. Rồi Nguyễn Huệ lại vội vã về nam lo chiến sự, để lại tân đế non yếu và bao kẻ nhăm nhe quyền lực nổi lên, lại mấy vòng tuần hoàn đánh giết tranh giành, trong triều ngoài nội rối ren điên đảo. Mãi đến tháng Tư năm nay (1788), Nguyễn Huệ thân hành ra Bắc dẹp loạn, tự hoàng nhà Lê bỏ trốn, bấy giờ Bắc Hà mới tạm yên.

Vua chúa quan binh cứ việc tranh quyền đoạt lợi, từ bấy đến nay, nào hay bao phận dân đen đã phải dạt trôi, bao xóm làng đã thành ra tan tác?

Mãi đến lúc giả tiền, bà lái đò mới trông rõ mặt người khách nọ. Tuổi chàng có lẽ mới hăm mấy, khuôn mặt chửa chi đã hằn đầy gió sương, một vết sẹo nhạt dài vắt ngang sống mũi, làm phai mờ đi dung nhan đẹp đẽ thuở thiếu thời.

- Ôi! - Bà lái đò thình lình bưng miệng rưng rưng - Cậu... cậu là con giai ông lang Tố dưới Tây Yên phải không?

Gã trai ngẩn ngơ nhìn người đàn bà mà chàng không nhớ đã từng quen bằng đôi mắt dại đi vì rượu, nghe câu được câu chăng rằng một năm xa lắc xa lơ nào đó, ông lang Tố từng có ơn cứu bà qua cơn thập tử nhất sinh, rằng bà lang Tố từng đức độ ra sao, nom chàng giống bà lang dường nào...

Không đợi bà kể hết, gã trai đã gục đầu xua tay liên tục, dúi tiền vào tay bà rồi quay người vội vã bỏ đi. Nhưng vừa đi được vài bước, chàng lại lảo đảo quành về, vừa hỏi vừa ra sức khoa tay miêu tả:

- Bà có từng thấy... một cô gái... cao chừng này... người gầy, nhỏ nhắn... mắt đen tròn... và... và... - chàng chỉ vào bên dưới hai khóe miệng, ánh mắt nhìn bà như có chút chờ mong - và... khi cười có hai cái lúm rất sâu ở đây không?

Bà lái đò buồn bã lắc đầu. Thời này sống còn không xong, nào ai rảnh đi nhòm mặt kẻ khác? Vả, bao kẻ lại người qua, ai mà chẳng gầy rã gầy rời, ai mà nặn nổi nụ cười cho bà xem má lúm?

Nhận được câu trả lời, gã trai thẫn thờ trong chốc lát, rồi bất chợt bật cười. Tiếng cười cào vào tai như lưỡi dao han gỉ, chàng vừa cười khục khặc liên hồi, vừa nghiêng ngả bước đi, không quay đầu lại.

- Yên hà bất tỉnh... sinh tiền sự, thuỷ mộc... không nghi... mộng hậu thân⁴.

Giữa nương dâu, chàng bước đi lảo đảo, lúc thì ư ử ngâm nga, lúc lại nghêu ngao như đứa trẻ. Đường đi dường quá xa, nương dâu dường quá rộng, tất thảy dường chẳng như trong hồi ức, cuối cùng chưa đi được bao xa, chàng đã ngã lăn quay, chết giấc trong men rượu.

Bốn phía chung quanh, ngàn dâu xanh thẳm, lạ xa như giấc mộng tiền trần.

.

Con út họ Trần, tên Thương, sinh cuối năm Ất Dậu, niên hiệu Lê Cảnh Hưng thứ hai mươi sáu (1765). Làng xưa là Tây Yên, thuộc phủ Khoái, trấn Sơn Nam, cách tả ngạn Nhị Hà chừng ba, bốn dặm đường. Gia đạo mấy đời theo nghiệp bút nghiên, thời cụ kị từng làm quan tới hàng bát phẩm, để lại chút gia tư gọi là cho con cháu.

Khi có Thương, thầy bu đã quá tứ tuần, anh chị cũng vào tuần cập kê, nhược quán. Những năm thơ ấu, quê nhà hãy tạm yên binh hỏa, gia cảnh chẳng giàu sang, nhưng cũng không phải lo ăn lo mặc. Thầy đi thi nhiều lần không đỗ, kiêm nghề gõ đầu trẻ và chẩn bệnh bốc thuốc; bu nuôi tằm dệt vải, lại làm thêm mấy sào ruộng nhà. Anh cả trầy trật mấy năm mới trúng trường⁵, may mắn được chức quan tép riu trong phủ chúa Tĩnh⁶ trên kinh; chị gái lo mẹ lớn tuổi sinh em sức yếu nên lần lữa mấy năm chưa chịu xuất giá, chị em sớm chiều quấn quýt bên nhau.

Năm Thương lên sáu, vào một ngày mùa hạ, chị đi lấy chồng.

- Thằng Cún yên nào, mai còn phải dậy sớm đấy. Không chị bế mày ra vườn cho ông cụ bắt đi bây giờ! - Đêm trước ngày rước dâu, chú bé ngủ với chị mà lục sục mãi không thôi, thị Hoài bèn quở khẽ.

Thương khi ấy hãy còn yếu ớt bé bỏng, sợ con bị ma quỷ bắt đi nên ông bà lang chưa dám gọi bằng tên thật, cả nhà đều gọi yêu là "thằng Cún". Thằng Cún thầm nghĩ, nó đã biết trèo lên cành cao ngắm mây trời, cũng từng một mình trốn đi xem hội Rước nước, còn lâu nó mới sợ. Song nó vẫn vâng lời cố gắng nằm yên, được một chốc lại ngọ nguậy thì thào:

- Chị ơi, mai lấy chồng xong chị có về nhà nữa không?

- Có chứ, hết hạn ba tháng chị sẽ về thăm nhà.

- Không, ý em là... về ở nhà như bây giờ ý...

- Thế thì không được, chị phải ở với nhà chồng.

- Ơ! Nhà mình không ở, sao lại đi ở nhà người ta?

- Đàn bà xuất giá tòng phu, lấy chồng rồi thì nhà chồng là nhà mình, nhà đẻ mới là nhà người... Nói như cậu thì bu cậu chắc cũng chả ở mấy cậu.

- Nhưng nhà mình là nhà bu mà? Bu không ở nhà mình thì ở đâu?

- Giời, cái cậu này cứ thắc mắc nhề! Ngày xưa bu có ở đây đâu. Hồi bé bu cũng ở nhà thầy mẹ đẻ ra bu, tức là ông bà ngoại mình, ở tít bên kia sông ấy. Sau này bu nhớn bu mấy lấy thầy, mấy về đây ở với thầy, rồi mấy đẻ ra anh chị em mình chứ.

- Thế... bu có về nhà thầy bu bu nữa không?

- Ngày trước chắc cũng có đấy, mà giờ bu không về nữa rồi.

- Vì sao thế ạ?

- Ông bà ngoại mất từ lúc em còn chưa đẻ ra kia, làng cũ của bu cũng dạt mất rồi...

- Dạt là sao hả chị?

- Dạt là đói quá, không ở được nữa, thế là người ta bỏ làng đi nơi khác kiếm ăn, người dạt hết, thì không còn làng.

- Thế ư... thảo nào thi thoảng ban đêm, em vẫn nghe bu sụt sịt đấy. Chắc là bu nhớ nhà...

Thị Hoài không đáp nữa, chỉ khẽ vỗ về lưng em. Thằng Cún ôm trong bụng muôn vàn cái "tại sao" mà chưa dám hỏi tiếp, đành rúc vào lòng chị, lặng lẽ ngửi mùi hoa bưởi ngọt thanh. Ngoài song, đêm đã buông sâu thẳm, vẳng nghe vài tiếng như tử quy khắc khoải gọi hè.

- Chị Hoài ơi...

- Ơi.

- Chị lấy chồng rồi, vẫn phải về nhà mình thăm Cún mấy thầy bu luôn nhớ. - Trong cơn buồn ngủ, thằng Cún cố nhắc thêm lần cuối.

- Ừ. - Thiếu nữ dịu dàng đáp khẽ - Sau này, chị mấy anh đều ở xa, em ở mấy thầy bu phải nhớ ngoan nghe lời, đừng để thầy bu phiền lòng, nhớ chưa?

- Vâng...

Sớm hôm sau, hương trầm nghi ngút, cau rượu xôi gà, song hỉ đỏ thắm, rồi một lượt pháo nổ giòn tan, đoàn đón dâu rộn ràng dẫn lễ qua hàng huệ trắng trên lối vào nhà lang Tố. Đằng giai ở phủ Nghĩa Hưng cũng dòng thi thư, ông sui là cố giao của lang Tố, tân lang trong tấm áo giao lĩnh vạt dài và bức cân lụa đen cũng tỏ ra là một thư sinh trang nghiêm nho nhã. Đoàn rước dâu bước vào khoảng sân hãy còn mờ tối dưới bóng nhãn già, một người đàn bà đứng tuổi bưng tới trước mặt nhà gái một cái tráp sắp đầy giầu têm cánh phượng và cau non trổ chữ trổ hoa, rồi một ông già mặt mũi phúc hậu bước ra, trịnh trọng thưa hôm nay ngày lành tháng tốt, xin được đón cô dâu về nhà.

Giờ lành điểm, tân nương dời gót buồng khuê - nón thúng quai thao thẹn thò, tóc mây chuốt sáp như thước gấm, viên lĩnh với đối khâm lục điều khoác ngoài một lần sa y mỏng, người con gái vốn mắt hạnh má đào nay lại điểm phấn tô son, khiến tân lang lần đầu trông mà mặt mày đỏ ửng. Hai đằng gái giai lục tục theo nhau vào nhà làm lễ.

Trung đường chật ních người, không ai để ý đến bóng dáng nhỏ bé đang đứng nép mình sau cây cột cái chạm trổ, Cún giương đôi mắt trong veo nhìn đăm đắm cô dâu. Người chị sớm chiều quấn quýt, người chị mộc mạc dịu dàng của nó hôm nay sao mà đẹp, đẹp đến mức lạ lẫm, xa xôi.

Làm lễ xong xuôi, lại mấy tuần giầu nước, rồi đoàn đưa dâu đứng dậy xin về. Theo lệ, cha mẹ không được đi theo tiễn con gái, họ Trần vốn neo người, cha mẹ anh em lang Tố đều mất sớm, thành thử đằng gái chỉ có hai người anh em giai của cô dâu cùng vài người chú bác họ xa đi cùng. Trước đấy, thằng Cún đã phải năn nỉ cả tháng giời mới xin được thầy bu cho đi theo chị dù đường xa nắng nỏ, vậy mà hôm nay, mặc kệ người lớn nói thế nào, nó cũng nhất quyết trốn trong góc nhà không chịu ra.

Cuối cùng, thị Hoài chỉ khẽ chạm một cái lên mái đầu để chỏm của nó, rồi cất bước theo chồng.

Thoắt cái chỉ còn ngôi nhà dưới tàn nhãn im ru cùng những cổ trầu, tàn hương, bã chè, xác pháo rã rời sau những gót chân tưng bừng cưới hỏi. Người ở lại bắt đầu lặng lẽ dọn dẹp. Thi thoảng, có tiếng ai khe khẽ thở dài...

Nơi bến Vườn Dâu, vầng dương đã phủ vàng khắp nẻo. Trên một gò đất cao mọc đầy dâu tằm, có chú bé đang mỏi mắt trông theo bóng áo lục điều giữa kẻ lại người qua tấp nập. Nắng xiên qua lá cành, dãi lấm tấm lên mặt đất, lên đôi mắt trẻ thơ trong veo như bầu trời mùa hạ. Nghe nói nhà mới của chị ở nơi nào đó bên sông cách đây những chín chục dặm đường⁷. Nghe nói nơi ấy rất xa, xa đến độ nó không tài nào tưởng tượng.

Mắt thằng Cún cay xè một nỗi đau râm ran không tài nào hiểu hết, song nó không khóc, chỉ ngẩn ngơ nhìn mãi về phía dòng Nhị Hà chói chang, nơi đò ngang đã khuất sau lớp lớp sóng vàng, cho đến khi thấm mệt, và nó thiếp đi.

Trong cơn mộng mị đằng đẵng, nó mơ thấy mình đã trưởng thành, rời quê nhà một mình phiêu bạt nơi xa xôi mờ khói bụi, khi trở về, cố hương đã trở thành nương dâu bát ngát, nó tìm mãi chẳng thấy lối ra, chẳng thấy người nhà, thế là cứ lang thang hoài đến chết.

Khi mở mắt, tịch dương đã tắt, trời đất tối mù.

Thương òa khóc nức nở, hoảng loạn lao khỏi gò dâu, gào đến rát cổ bỏng họng những tiếng thầy bu, anh chị. Nhưng bến sông bốn phía quạnh hiu, chỉ còn ngàn cây xào xạc.

Mãi, cho đến khi có rất nhiều người vây chung quanh nó, trong ánh đuốc sáng lòa, nó túm chặt lấy áo thầy bu, mất một lúc lâu mới thôi cơn nức nở. Nằm trong vòng tay cha mẹ, bấy giờ nó mới nhận ra, ban nãy chỉ là mơ.

Chỉ là mơ.

——————————

*Tên chương được lấy từ bài Thử li 2 - Kinh Thi:

Bỉ thử li li,
Bỉ tắc chi tuệ.
Hành mại mĩ mĩ,
Trung tâm như túy.
Tri ngã giả,
Vị ngã tâm ưu,
Bất tri ngã giả,
Vị ngã hà cầu.
Du du thương thiên!
Thử hà nhân tai?

Tạm dịch: Kê kia đã trĩu hạt, lúa kia đã trổ bông, ta bước chầm chậm qua mà cõi lòng như say. Người hiểu ta thì nói lòng ta ưu sầu, người không hiểu ta thì nói ta đang tìm gì đó. Hỡi trời xanh vời vợi! Vì ai nên nỗi này?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro