CHƯƠNG 25: SÔNG SÂU NƯỚC BIẾC

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi đa số là không ăn được mấy món các chị nấu, không phải vì chê mà thực sự ăn không vào. Vì thương nên chị Linh đã nấu cho tôi bát cháo rồi rắc đậu phộng lên:

- Em thử đi, như thế này sẽ dễ ăn hơn đấy!

Tôi nhẹ nhàng cầm lấy, sao cách ăn này quen thuộc như thế?

"Chị ạ, anh Hoàng cũng làm cho em ăn thế này."

Chị Linh cười nhẹ nhàng,

"Ừm, vì chị đã làm cho anh ấy."

Làm cho anh ấy? Hai người này không đơn giản tí nào nha, sao mà tính cách giống nhau, cách làm việc cũng giống và giờ họ giống nhau cả cách ăn.

"Em đừng nhìn chị như thế, mau ăn đi kẻo nguội. Trong thư của anh Hoàng cũng viết rõ ràng em rất kén ăn đấy. Không thì lâu lâu đi bắt hổ cho chị em có 1 bữa thịt no nê nhỉ?"

Tôi cười khanh khách.

"Em biết chị chỉ đùa thôi mà, đừng có làm thật đấy! Chị không khỏe bằng anh Hoàng mà cứu được em đâu!"

Ở bên cạnh chị lâu tôi rất thích chị. Chị Linh là người coi trọng tình cảm, thẳng thắn và tốt bụng, có chị ở bên cạnh tôi cảm thấy quãng đường này cũng chẳng dài lắm.

"Báo cáo đoàn trưởng, trước mặt là con sông rất sâu ạ, làm sao để qua sông mà khiến gạo không bị ướt được đây ạ?"

"Toàn đoàn mình biết bơi chứ?"- Chị Linh nhìn quanh, bờ bên kia cách rất xa, nếu muốn qua sông thì gạo nhất định sẽ ướt.

"Dạ thưa chị, có vài người không bơi được ạ!"

Chị Linh gật đầu bắt đầu phân chia nhiệm vụ:

"C3, C4 và cả C5 từ giờ sẽ đi đường sông, còn C1, C2 đi đường vòng. Để đảm bảo đủ tiến độ viện trợ gạo lên chiến trường thì 3 đội trên sẽ đi nhanh hơn 2 đội đi đường bộ. Nhưng để đảm bảo gạo không bị hư hỏng thì 2 đội đường bộ phải cẩn thận. Bây giờ những ai không biết bơi thì sang C1 và C2 sẽ do đoàn phó Công chỉ đạo vượt núi."

Mọi người rất nhanh chóng xếp hàng, nghe theo lệnh của chị nhanh chóng.

"Em biết bơi không?"

Tôi gật đầu, đương nhiên là có chứ ạ. Môn bơi ếch của đại học ngoại thương nổi tiếng muôn nơi mà tôi còn đạt điểm A từ thầy giáo, vậy thì bơi qua một đoạn sông ngắn có là gì? Nghĩ lại thì tôi phải thầm cảm ơn năm ấy thầy của tôi đã không để tôi dễ dàng qua môn, nếu không thì sẽ không có tôi ngày hôm nay.

"Đoàn trưởng, vậy còn gạo thì sao ạ?"

Tôi nhìn chị đang đếm từng thúng gạo lại thấy cây xanh sao mà tươi tốt quá. Tôi vui vẻ bảo chị:

"Dù sao vẫn có cả đoàn ở đây, em xin phép được nêu ý kiến. Để bảo vệ gạo không bị ướt thì sao chúng ta không dựng bè rồi để từng tấm lán to lên trên cố định lại ạ?"

"Bọn chị cũng đã nghĩ đến vấn đề này, nhưng gạo rất nhiều và nặng, nếu để lên tấm bè thì có khi bè sẽ chìm, đến lúc ấy cả gạo đều sẽ ướt hết."- đội trưởng C3 Lan nói.

Tôi cười, tôi đã tính đến chuyện này rồi. Tôi mượn một chiếc quần dài của một chị, tự mình xuống sông, một màn này đã làm cho tất cả mọi người hốt hoảng, liên tục hô hào tôi lên trên.

"Bình tĩnh ạ, em chỉ muốn nêu ý kiến của mình thôi ạ."- Tôi cười trấn tĩnh.

"Muốn nói gì thì em cứ lên trên này đã, dưới đấy lạnh mà sâu, mau lên đi!"

Tôi buộc ống quấn ấy 2 bên thật chặt, mở miệng quần liên tục đẩy nước và không khí tạt thật mạnh vào trong sau đó buộc miệng quần lại, giờ cái quần này đã như một chiếc áo phao có thể nổi trên mặt nước 1 cách dễ dàng. Mọi người đều bất ngờ về phương pháp của tôi. Chị Linh cười tươi, gật đầu,

"Hay quá, nếu như làm nhiều thứ đó thì may ra bè của chúng ta sẽ nổi. Với sức lực của chị em ta thì vừa bơi vừa đẩy bè không phải là chuyện khó!"

Cách này đáng ra là để cứu những người không biết bơi ở dưới nước vì nó có thể tạo ra chiếc áo phao tạm thời. Tôi tình cờ xem được nó trên mạng, giờ chỉ cần áp dụng với chiếc bè mà chúng tôi định làm nữa thôi.

"Hồng, Hương, Hòa, mấy đứa quen thuộc rừng núi, dẫn theo C3, C2 đi nhặt cành cây to về làm bè. Lan, Kim, Vân, mấy em dẫn C4, C5 đi tìm dây leo để kết. Còn C1 lấy quần làm phao nổi trước, nhận kế hoạch thiết kế bè cùng làm tấm lán bằng rơm nhé! Mọi người di chuyển nhanh nào!"

Tôi ngồi kết bè theo các chị, lần đầu tiên làm những việc này nên không tránh khỏi bị dằm đâm rướm máu. Tôi thấy bé quân y lại gần đưa tôi một miếng gạc,

"Em lấy dằm ra cho chị, chị dán cái này vào sẽ hết đau đấy ạ!"

Tôi cười, vết thương bé tí có hề gì. Nhưng Hoa vẫn kiểm tra tay của tôi, em nhìn vào vết sẹo to nhỏ trên tay tôi rồi nói:

"Chị giỏi thật đấy, còn trẻ mà có nhiều chiến công ạ. Từng vết sẹo này là minh chứng rất rõ ràng."

Tôi nhìn lại tay mình, đến nơi này là rất đáng, tôi không hề lãng phí chi phí cơ hội nào cả, thật tốt vì lòng tôi luôn cảm thấy như vậy. Chuẩn bị một ngày mới xong mấy cái bè lớn, tôi từng đi xem thử thực sự chắc chắn đến bất ngờ, không thứ gì qua tay của các chị mà không thể thành hình.

Lúc sắp sửa xuống sông, chị Linh có nhẹ nhàng ghé vào tai tôi,

"Anh Hoàng đã nhặt được bảo bối đấy!"

Tôi không hiểu ý của chị, mãi về sau mới biết, câu nói ấy là đang khen tôi. Tôi chẳng có gì ngoài những kiến thức vụn vặt mà mình đã học lỏm lúc thịnh thế. Nếu giờ được quay lại khi ấy, tôi dù có phải đọc cả trăm cuốn sách một ngày tôi cũng chịu. Học hành để báo đáp Tổ quốc, không phụ quê hương, đây là ý chí và hoài bão của tôi.

Mọi người bắt đầu bơi qua sông theo hàng, chạm vào bè để đẩy thẳng. Hôm ấy sông phẳng lặng không gợi sóng, tôi biết dòng sông đang ủng hộ chúng tôi tiến về phía trước, để cứu đất nước thì tới thiên nhiên cũng đứng về phía chúng tôi.

Lên bờ đã có những tiểu đội giúp đỡ kéo bè lên, gạo vẫn còn nguyên, không mảy may ẩm ướt. Tôi nhìn thành quả mà mọi người cùng nhau đạt được, không biết anh Hoàng ở nơi xa có tự hào về tôi không nhỉ. Đã từ lâu rồi anh không hồi âm thư của tôi, dẫu biết chiến trận ác liệt tôi vẫn hy vọng anh dành thời gian nhớ về tôi, cho tôi biết tình hình của các anh.

"Á!"

Tôi nghe thấy tiếng hét ở giữa sông, vẫn còn một chiếc bè mắc kẹt lại. Họ đang gặp vấn đề gì thế? Tôi lại bờ nhìn kỹ giữa dòng, họ đang sợ hãi thứ gì đó. Không đừng nói là cá sấu nhé? Trên rừng có hổ, dưới sông có cá sấu, điều này không ai biết trước được. Đàn cá sấu đói con nào con lấy đều ngoác cái miệng đầy răng, bơi quanh quẩn quanh đấy, chờ thời cơ đớp mồi. Dường như bọn này đã từng ăn thịt người, bởi cơ thể của chúng lớn hơn bình thường, miệng thì nhuộm đầy máu đỏ, tính tình hung dữ. Có lẽ bởi vì đàn cá sấu này nên xung quanh khúc sông rất vắng vẻ.

Họ đang vùng vẫy rất hỗn loạn giữa dòng. Mọi người lo lắng vẫy họ vào bờ, nhưng trước mặt là cá sấu đang nhăm nhe, sau lưng là đáy sâu, nếu muốn quay về không phải dễ dàng, các quần phao đang xịt dần đi. Thời gian càng lâu bè càng nhanh chìm, tình thế rất nguy cấp.

"Các chị, đừng vẫy nữa! Cá sấu sẽ tập trung vào con mồi hoảng loạn, đừng cố vẫy nữa! Hãy bám vào bè và để cơ thể bất động!"- Tôi cố hét to.

Nhưng họ không nghe thấy dù chúng tôi có hô hào thế nào. Tôi sợ viễn cảnh mình không lường trước sẽ xaỷ ra. Dù sao ở đây tôi cũng là người bơi giỏi nhất, tôi nhìn đoạn sông dài trước mặt, nếu bơi dọc thì chắc chắn có đường đến cuối nguồn, chỉ là cơ thể có chịu được đến lúc đó không thôi. Tôi đã tính toán kỹ lưỡng, một khi ra quyết định sẽ không lùi bước. Tôi lấy dao rạch khuỷu tay cho chảy máu, nhảy ùm xuống sông, bơi ra giữa dòng, khua tay múa chân dẫn dụ đám cá sấu. Việc xảy ra bất ngờ chị Linh không thể cản tôi lại đành dùng súng nổ vào bọn cá sấu dọa chúng nhưng chúng quá lì lậm chăm chăm theo mùi máu trên người tôi. Lúc này nước đã chảy rất xiết, chiếc bè cuối cùng không phụ lòng tôi dần tiến về bờ bên này.

Tôi biết sức mình không thể đua với bọn cá sấu ranh ma, lợi dụng lực đẩy của dòng nước đang dần chảy xiết, tôi buông thõng hai tay chìm vào giấc ngủ. Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, chết không từ.

"Quỳnh! Quỳnh ơi! Trả lời chị đi em! Quỳnh ơi!"

Mọi người đều tản ra khắp nơi để tìm người lạc mất về, họ vừa khóc vừa gọi to. Ánh đèn pin soi rọi cả những đồi núi khấp khuỷu, ánh đèn còn sáng hơn cả trăng, đêm ấy là đêm không ngủ với các chị em đoàn 20/10. Họ kinh ngạc, bất ngờ, lo lắng, một cô gái có thể liều lĩnh tới mức nào mà dám dùng bản thân làm mồi nhử trước hiểm nguy. Thật ra họ không biết Quỳnh cũng từng làm vậy trước đây, chẳng qua cô gái nhỏ quá thản nhiên trước việc ấy. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro