CHƯƠNG 24: NỮ SƯ ĐOÀN DÂN CÔNG 20 THÁNG 10

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi đi bẻ măng cùng Sương, đã qua mấy ngày rồi, có lẽ các anh vẫn đang hành quân nhận nhiệm vụ mới, thi thoảng tôi hay nhìn về hướng xa xa như là đang mong chờ điều gì. Tôi rất nhớ các anh, nhớ đến nỗi kiệt quệ, tôi mường tượng lại khoảng thời gian các anh ở nơi này, từng việc như cấy lúa, trồng rau,...cứ dân bản có việc cần sức người thì các anh luôn sẵn lòng.

Giờ làm những công việc nặng nhọc tôi mới hiểu để ăn một miếng cơm không phải dễ. Trời đang tối dần, Sương chạm nhẹ vào vai tôi ra hiệu, hai chị em lại theo tiếng gió vi vu trở về nhà. Cuộc sống yên bình ở bản Lim cứ thế trôi, trưởng làng và mế rất yêu thương tôi. Mỗi khi có đồ ngon ở trên chi đoàn, ông thường mang về cho tôi một ít, còn mế thì may quần áo rất đẹp, mế làm dư vài bộ cho tôi và cả Sương. Nghe mế kể năm nay rất được mùa, Sương nên tính đến chuyện lấy chồng là vừa.

Tôi ngồi cười nhìn em, cô gái thẹn thùng mới có mười bảy tuổi, tôi mong em sẽ sống hạnh phúc suốt đời.

"Con cũng vậy đấy, con gái."

Tôi nhìn mế ngạc nhiên. Mế đưa nước cho tôi rồi bảo:

- Con đi theo bộ đội lâu mà chưa bắt được anh nào về cho mế, lòng mế lo lắm. Con như cái Sương, đều là con của mế, con cũng có tuổi rồi, không lấy chồng sao mà được? Rồi ế đấy, con ạ!

Tôi cười, ở trên này mọi người coi 20 tuổi là ế chỏng ế chơ. Tôi cầm tay bà:

"Mế à, con mới 19 thôi. Đời người còn dài lắm, con sẽ tìm được người con thích ạ."

Mế chỉ thở dài, nắm lại tay tôi. Ngoài trời mây mù và mưa giông kéo đến, mưa rất to như trút nước. May mà vẫn chưa phải mưa đá không các anh lại phải khổ. Đột nhiên có một người phụ nữ đứng ngoài gọi to:

"Mế ơi mế, con là đoàn nữ dân công vận chuyển gạo tiếp tế, trời mưa to quá, mế cho bọn con trú mưa với ạ!"

Mế ra ngoài ân cần,

"Ừ, các con cứ để gạo vào đây cho đỡ ướt."

"Dạ, chị em chúng con cũng đi qua mấy nhà khác xin để nhờ gạo nữa ạ!"

"Ừ, qua đấy nữa đi, còn nhiều chỗ lắm, nếu mà không đủ thì lại quay về đây với mế!"

Tôi xuống nhà chào các cô, tôi tỏ ý muốn giúp đỡ, bê giúp các cô mấy gánh gạo lớn nhanh chóng vào kho. Các cô gái dân công quần áo đều đã ướt hết, nhìn họ mà thấy thương. Tôi và Sương mang hết chỗ quần áo kia ra cho mọi người thay đỡ cảm. Mế bê nhiều đồ ăn ngon ra tiếp đãi các cô, mọi người đều vui vẻ và sưởi tay bên bếp lửa rất ấm áp.

"Các chị là đoàn nữ dân công 20/10 ạ?"

"Ừ, bọn chị vừa đi qua đây mà mưa to quá em ạ, bọn chị ướt như chuột lột."- Nhìn cô gái tôi biết cô là lãnh đạo.

"Nhưng chị để ý từ lúc nãy rồi, em là con gái Thái mà sao nói được giọng Hà Nội hay vậy?"

Sương cười nhanh nhảu đáp, "Vì chị ấy là người Hà Nội chị ạ!"

"Người Hà Nội sao lại ở đây?"- Một cô gái khác hỏi.

Tôi lấy đĩa bánh đưa cho họ, chậm rãi gật đầu:

"Không biết tại sao em lại ở đây, nhưng bộ đội đã nhặt được và cứu sống em. Em rất muốn về nhà, các chị có thuận đường đưa em theo không ạ?"

Họ nhìn nhau, có vẻ như vẫn hơi khó xử. Tôi lấy giấy giới thiệu mà anh Hoàng đã viết, đưa cho vị lãnh đạo ngồi cạnh mình. Chị mới reo lên,

"A, thì ra em là người mà anh Hoàng nhắc tới trong thư!"

Tôi gật đầu.

"Trời ơi, không ngờ em xinh xắn đáng yêu như vậy. Lúc chị đọc thư của anh Hoàng cứ tưởng em sẽ cao to lực lưỡng lắm. Mọi người ở đoàn chị không ai không biết đến em, nào là nữ dũng sĩ đánh hổ, nào là cô bộ đội dũng cảm, em chắc không biết ở trên Liên đoàn, người ta khen em quá trời đâu nhỉ."

Mọi người đều cười rất tươi, họ lần lượt giới thiệu tên của mình, bắt tay tôi rất nồng hậu.

"Sắp tới đúng là tụi chị có về điểm hẹn để lấy gạo viện trợ. Em đi cùng tụi chị một ít thời gian rồi theo người ta về Hà Nội."

"Nhưng mà em giỏi như thế không tham gia đánh Pháp như nữ bộ đội à?"

Bầu không khí bất giác rơi vào im lặng, tôi chỉ cười nhạt nhẹ nhàng bảo,

"Em vẫn còn việc phải làm ở Hà Nội."

Lúc trước khi du hành đến đây tôi từ trong mơ hồ mà tỉnh giấc, như một con rối chịu sự sắp đặt của thời không, tôi nên trở về nơi bắt đầu để tìm hiểu, dù là thời đại này hay tương lai.

"Hoan nghênh em!"

Tôi cười nhìn về phía chân trời xa xăm. Tất cả mọi việc tôi đã dự liệu từng bước, tuyệt đối không hề dựa vào may mắn nữa, phải tiến một lần liệu 3 bước, không có thoái lui, càng không thể gục ngã.

Khi giông bão qua đi, trời xanh hửng nắng, đoàn dân công chào tạm biệt mọi người trong bản, dẫn theo tôi cùng lên đường. Thêm một lần nữa phải ly biệt, tim tôi đau nhói không thể quên được sự hoài niệm, từng nơi từng chỗ đều có bóng dáng của tôi lưu lại. Ngày hôm ấy mế và Sương khóc nhiều, nắm tay tôi mãi không chịu buông.

"Con ơi, rồi con lại về thăm mế và em con nhé! Mế vẫn đợi con."- Mế chùi nước mắt, dúi cho tôi từng túi bánh và cơm lam để gọn trong chiếc nải.

"Chị ơi chị đừng đi lâu quá nhé. Em sẽ buồn lắm đấy ạ!"

Tôi cầm tay mế khẽ gật đầu, thực sự không nỡ chia xa, nhưng đằng trước là cả một quãng đường dài tôi không thể không đi.

"Thôi, con đi mế ạ!"

Tôi khóc, mế khóc, trưởng làng cũng khóc, ngày chia tay mang nỗi buồn man mác khó tả. Đến bìa rừng, đoàn dân công dừng lại để kiểm kê số người và số lượng gạo. Tôi thấy chị đoàn trưởng Linh vẫn vác trên mình 2 thúng gạo lớn, tôi đến gần hỏi chị,

"Bình thường em thấy nếu là đoàn trưởng thì đâu cần làm những việc mất sức như vậy?"

Linh cười vỗ vai tôi:

"Gánh gạo là công việc của dân công hỏa tuyến em à. Là lãnh đạo thì càng phải gương mẫu, nếu không đủ khổ đủ khó thì làm sao có thể dẫn dắt cả một đoàn nữ dân công gần 500 người?"

Tôi nhìn chị bằng ánh mắt khâm phục. Chị một thân mặc quân phục, trên vai đeo súng, thắt lưng dắt con dao nhỏ, chị điềm đạm, kiên nhẫn, là vẻ đẹp của nữ anh hùng thời đại mới. Hình dáng nhỏ bé ấy của chị vác lên mình hơn 30kg gạo, vừa kiên cường vừa mạnh mẽ. Tôi sao mà có thể thua kém?

"Chị ơi, chị cho em vác gạo cùng với ạ. Hổ em còn đánh được, nói gì mấy bao gạo cỏn con?"

Các chị nghe thấy, cười. Tôi còn ngây ngô không hiểu, hóa ra là bởi 30kg gạo này không hề nhẹ nhàng. Thật ra dù có là 30kg nhưng nếu đi một đoạn đường hơn trăm ki-lô-mét cũng hóa thành một quả tạ khiến người ta chùn bước. Vậy mà các chị gánh gạo đi từ ngọn đồi này đến quả núi khác, đi từ khe suối nhỏ đến thác nước lớn, từ mùa xuân đến mùa đông, bền bỉ vững vàng tới chiến trường xa xôi. Bất kỳ công việc nào cũng đều vĩ đại, ở trong hàng ngũ cách mạng chính là niềm vinh dự lớn nhất.

"Nếu em muốn bắt đầu thì trước tiên gánh 10kg đã nhé? Mỗi vai 5kg. Em phải bước thật đều, thật chắc, như vậy mới có thể đi dài, đi lâu. Mới đầu sẽ đau người lắm, khi quen rồi sẽ ổn thôi."- Linh nhẹ nhàng xếp gạo lên thúng, chị chuẩn bị cả đòn gánh cho tôi.

Tôi được giao phó nhiệm vụ đi cùng với đại đội C5, đại đội cuối của đoàn 20/10. Như một đại đội của anh Hoàng, ở đây mỗi đội cũng có 100 người, nhưng cả thẩy đoàn 20/10 có tổng cộng 500 chị em chia thành 5 đại đội. Tôi chỉ thấy đi cùng chị Linh có 300 người gồm các đại đội C1,C2 và C5. Còn 2 đại đội nữa chắc cũng ở gần đây.

Quả thực gánh gạo được một chặng đường dài sức lực phải bền bỉ đến cỡ nào mà ai cũng 30kg gạo đi xa và đi nhanh. Cho tôi đấu với hổ còn hơn là gánh 10kg gạo này hết lên dốc rồi xuống đèo. Chúng tôi gặp 2 đại đội kia ở đầu một con sông lớn. Họ chờ ở đấy đợi lệnh chị Linh. Đi nãy giờ thì cũng được nghỉ, tôi đặt 2 thúng gạo xuống, chạy lại bên bờ, lấy nước rửa mặt.

"Quỳnh! Quỳnh ơi!"

Tôi nghe thấy chị Linh gọi, không kịp lau mặt, đứng dậy chạy đến chỗ chị. Chị đang giới thiệu tôi với mọi người 2 đại đội kia, hình như ở đây có nhiều người lãnh đạo hơn thì phải. Ngoài ra còn có một anh dân công là đoàn phó, tôi thấy hơi kỳ lạ, anh ta mặc quần áo như người dân tộc, trông cái mã bóng bẩy, gian manh không tả nổi. Khi tôi đến hai mắt gã nheo lại dò xét, gã gắt gỏng từ chối cho tôi đi cùng, thậm chí còn cố ý không bằng lòng, liên tục nói tôi là Việt gian.

"Đồng chí Công, đề nghị đồng chí ăn nói cho tử tế, cô Quỳnh đây được cấp trên giao phó cho đoàn ta, được bộ đội tin tưởng gửi gắm. Đồng chí chưa nghe về chiến tích của cô ấy thì đừng lên mặt chỉ trỏ này nọ. Cho cô ấy vào đoàn cũng là do tôi quyết định, đồng chí nên nhớ, phải tuân thủ mọi mệnh lệnh của đoàn trưởng là tôi!"

Một tràng đanh thép của chị Linh đã khiến cái đuôi của Công cụp lại, gã cúi mặt không dám ho he gì. Lúc này tôi mới thấy chị tức giận lần đầu tiên, giọng chị đanh thép và thái độ rất cương quyết, tầm vóc của người lãnh đạo thật tuyệt vời. Và điệu bộ bảo vệ tôi rất giống với anh Hoàng, không hề sai một ly. Nếu anh Hoàng mà gặp chị thì thật mong họ sẽ thành đôi.

Tôi được các chị đội trưởng của các đại đội dẫn đi, học cách làm quen với nhiều thứ mới mẻ. Mọi người sống với nhau ấm áp và dịu dàng, hàng ngày nhóm lửa nấu cơm, kiếm rau rừng cải thiện bữa ăn.

"Này anh Công, cái con bé mới đến ý, nó là ai mà ghê thế nhỉ, nghe nói có ô dù ở trên đấy."

Gã uống một hụm nước, nheo mắt:

"Có khi thế thật đấy, đến cả bà Linh cũng abo che cho nó, còn nói là cấp trên giao phó, có mà con quan to đấy. Thế mà tôi lại ngăn nó lúc đầu, ngu quá!"

Xuân khoác tay Công âu yếm,

"Thế anh định nói gì với nó nào? Lại nịnh nọt lấy lòng hay dỗ dành nó?"

Công sờ tay Xuân, gã cong môi:

"Nó sao đẹp bằng em?"

Ai nhìn cũng biết họ là đôi chim cu suốt ngày dính chặt vào nhau, một gã thì gian manh đểu giả, một cô thì láu cá đành hanh, xứng đôi. Nhưng cho đến giờ, gã Công ấy cũng chỉ mập mờ với cô Xuân, chưa công khai cô ta là người yêu nên cô ta hay dỗi. Mấy cô bên liên đoàn lúc ở cùng với gã Công cô nào cô lấy đều tươi roi rói, không phải làm nhiều việc, từ khi chị Linh về làm đoàn trưởng là bắt đầu thay đổi kỷ cương, gã Công cũng bằng mặt không bằng lòng từ đấy, suốt ngày xỉa xói này kia. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro