Mối tình đầu dang dở của Trạng Lường Lương Thế Vinh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

     Không chỉ giỏi thơ văn, tính toán, Lương Thế Vinh còn thích đến với những phường hát chèo, hỏi han về tích hát, về đàn sáo, và rất am hiểu lĩnh vực nghệ thuật này.

   Một lần vua cho vời phường chèo đến hát mừng xuân, Lương Thế Vinh cũng vui vẻ ngồi kéo nhị và tham gia một vai diễn. Loại hình nghệ thuật ca múa nhạc truyền thống có sức cuốn hút rất lớn với ông

Tương truyền từ khi còn nhỏ, Lương Thế Vinh đã thích ngồi nghe cha mình thổi sáo, kéo nhị và xin được học bằng được. Với những buổi biểu diễn chèo, quanh vùng mỗi khi có tiếng trống chèo nổi lên là y như rằng Lương Thế Vinh có mặt, xem một cách say mê, thích thú và cũng từ những buổi xem chèo, mối tình đầu đã nảy nở trong trái tim con người mang trong mình chất lãng tử, mê ca hát và cuộc sống phóng khoáng, vui vẻ nơi thôn dã. Đúng như ca dao có câu:

            Chẳng thèm ăn chả ăn nem
          Thèm no cơm tẻ, thèm xem hát chèo.
Ở tuổi trưởng thành, cũng như thói quen vốn có, lần ấy nghe tiếng trống chèo giục giã, Lương Thế Vinh đã thấy rộn ràng trong người liền cùng bạn bè rủ nhau đi xem khi biết có một đoàn chèo đến diễn ở làng Si (nay thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Vụ Bản, Nam Định).

Khi dân chúng trong vùng đã tập trung đông nghịt, buổi diễn sắp bắt đầu thì bỗng nhiên người kéo nhị không may bị cảm đột ngột, chưa có ai thay thế, tiếng xì xào bàn tán lao xao: Không có tiếng nhị thì làm sao mà diễn chèo được?.

Thế rồi, như số phận bày đặt, đúng lúc ấy Lương Thế Vinh đến, biết chuyện liền lách qua đám đông đến xin tình nguyện chơi đàn nhị thay cho nhạc công bị cảm. Không ít người xem hát hôm đó nhìn chàng trai với vẻ không tin tưởng, nhưng cũng có người biết tài của Lương Thế Vinh liền lên tiếng ủng hộ, người trùm trưởng của phường chèo không rõ sự tình ra sao nhưng rồi không còn cách nào khác, đành mời vào kéo đàn nhị giúp.

Buổi diễn bắt đầu, người xem nhanh chóng bị chinh phục bởi tiếng đàn nhị thành thạo và điêu luyện, đây đó có tiếng khen tấm tắc vang lên. Trên chiếu chèo, tiếng nhị dường như cũng khiến các diễn viên thể hiện hay hơn, nhất là cô đào nhất diễn càng xuất sắc với giọng ca mượt mà, đằm thắm. Từ bất ngờ cho đến cảm phục, cô đào hát mà cũng là gửi gắm tình cảm cá nhân của mình:

           Biển tình mênh mông, biển tình dâu bể
           Sẽ nâng niu ai vững lái chồng chèo?
Và rồi cô hát điệu chức cẩm hồi văn, đôi mắt hướng ánh nhìn thắm thiết xao xuyến lạ lùng về chàng nhạc công đang say sưa kéo nhị:

        Thiếp xin chàng đèn sách văn chương
              Dầu hao thiếp rót

           Bấc non thiếp ngắt
        Ngọn đèn tàn thiếp khâu…

Sau khi buổi diễn kết thúc, cô đào đã chủ động đến gặp ngỏ lời cảm ơn Lương Thế Vinh. Tuy mới gặp mà dường như đã biết nhau từ lâu, hai người trò chuyện vui vẻ, quyến luyến. Bởi vậy mà ông có được một lần trong đời nói chuyện kề cận bên nàng.

Biết Lương Thế Vinh sắp đi thi, dẫu rất có cảm tình với chàng nhưng cô đào không dám thổ lộ vì mình là phận gái ai làm chuyện “cọc đi tìm trâu”, cũng vì tình cảm sợ ảnh hưởng đến bước đường công danh của chàng, hơn nữa quan niệm Nho giáo khắt khe, những kẻ như mình là phận “xướng ca vô loài” hèn kém, sao sánh được mà đòi với cao với con người tài đức đó mà tương lai chắc chắn sẽ hiển đạt khi gặp hội rồng mây.

Còn Lương Thế Vinh cũng mê mệt tiếng hát và nét duyên đằm thắm của cô đào, chàng đã đắm đuối nhìn như muốn ngỏ lời hẹn hò gặp gỡ, nhưng cô đào chỉ động viên chuyện học hành, thi cử không cho biết cả tên tuổi lẫn quê quán của mình… Hôm sau phường chèo rời đi diễn ở nơi khác, Lương Thế Vinh muốn đi tìm cô đào mà ông luôn nhớ nhưng không cách gì tìm được…

Thời gian thấm thoát trôi qua, Lương Thế Vinh đăng tên tham dự, đỗ Giải Nguyên trong kỳ thi Hương, rồi vượt qua kỳ thi Hội với danh hiệu Hội Nguyên, vào thi Đình, đoạt học vị Trạng Nguyên. Khi về vinh quy bái tổ, ông lấy con gái thầy học của mình khi cha mẹ hối thúc mau chóng yên bề gia thất, muốn tiểu đăng khoa cùng với đại đăng khoa, “song hỉ lâm môn”.

Truyền rằng để đón mừng quan Trạng, các quan lại và chức dịch địa phương cùng dân làng mở hội để khao vọng, có mời gánh chèo đến hát góp vui. Đinh mệnh thật trớ trêu, trong gánh chèo đó có cô đào năm xưa! Biết chuyện chàng trai kéo nhị ngày trước nay đã đỗ Trạng nguyên, lại vừa có vợ, cô đào thấy buồn tê tái, đêm đó cô đem tất cả tâm sự của mình gửi vào lời ca, cô hát hay đến mức rất nhiều người xúc động đến rơi nước mắt.

Cũng trong đêm đó, tủi cho số phận hẩm hiu, cô đào để lại một bài thơ tuyệt mệnh rồi tự tử!. Hay tin dữ, Trạng nguyên Lương Thế Vinh vô cùng đau đớn xót thương, tự làm bài văn tế thống thiết bi ai, sau đó ông cho lập miếu thờ cô đào tại giáp Nhất của làng Cao Hương, dân làng gọi đó là miếu Ả Đào và thôn có ngôi miếu thì gọi là Đào thôn hoặc xóm Đầu.

Sau khi Lương Thế Vinh qua đời, nhớ ơn công đức của ông, dân làng đã lập đền thờ tôn ông làm phúc thần, thế là Cao Hương trước có miếu Ả Đào, nay có thêm đền thờ quan Trạng. Số phận không cho hai con người tài hoa đến được với nhau nhưng hẳn ở nơi suối vàng, chốn u linh huyền ảo họ sẽ ở bên nhau.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro