Mối tình sâu nặng nhất của Vua Gia Long và Thừa Thiên cao hoàng hậu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mối tình son sắt, thủy chung, mộc mạc của Gia Long Hoàng đế và Thừa Thiên Cao Hoàng hậu đã khiến hậu thế phải ngưỡng mộ. Họ đã nhiều lần vào sinh ra tử cùng nhau.

Vua Gia Long (tên húy là Nguyễn Phúc Ánh) được biết đến là một võ tướng, một vị vua đã sáng lập ra triều Nguyễn. Đằng sau tấm áo giáp, ít ai biết rằng vua Gia Long còn là một người chồng bình dị và thủy chung son sắt.

Thừa Thiên Cao Hoàng hậu có tên húy là Lan (蘭), có tên tự là Liên (蓮), sinh vào năm Tân Tỵ (1762) thuộc dòng họ Tống Phúc thị (宋福氏) danh giá ở Tống Sơn, Thanh Hóa, là con gái thứ ba của Quý Quốc công Tống Phúc Khuông, mẹ là Quý Quốc phu nhân Lê thị. Khi Phú Xuân bị quân chúa Trịnh đánh chiếm vào năm 1774, bà theo cha vào Nam đến ở Gia Định. Năm 1778, bà được 18 tuổi, tiến cung rồi tấn phong làm Nguyên phi, rất được Gia Long sủng ái

Năm 1779, bà hạ sinh đứa con đầu lòng của hai người là Nguyễn Phúc Chiêu. Bất hạnh thay, đứa bé ấy lại chết yểu. Năm 1780, Tống Phúc thị tiếp tục hạ sinh Nguyễn Phúc Cảnh, sau này chính là Anh Duệ Hoàng thái tử.

Nhưng thời chiến loạn thì yên bình có được bao lâu. Năm Quý Mão (1783) quân Tây Sơn đánh Gia Định, Gia Long phải lánh ra Phú Quốc, được người Xiêm La đem thuyền đến đón. Trước khi sang Xiêm, Thế Tổ cho Hoàng tử Cảnh qua Pháp cầu viện. Ngài lại đem ra một thỏi vàng giao cho bà một nửa mà bảo rằng: “Con chúng ta đi rồi, ta cũng sẽ đi đây. Phi ở lại phụng thờ quốc mẫu, chưa biết sau này sẽ gặp nhau ở đâu và lúc nào, Phi cất vàng này làm của tin
Vì tình yêu vừa chớm đã phải chia xa, nửa thỏi vàng mà cả Lan và Ánh mang theo không chỉ để phòng thân, mà còn là một tín vật, để cả hai nhớ rằng, dù có ra sao, ở một nơi rất xa cũng có một người đang chờ mình quay trở về, cũng có một người đang cần mình ở hậu phương làm chỗ dựa.

Năm 1784, Thế Tổ từ Xiêm trở về, bắt đầu con đường giành lại ngai vàng đầy rẫy những chông gai và thử thách.

Lan lúc ấy nắm chặt trong tay nửa thỏi vàng, như nắm vào một sợi niềm tin yếu ớt của một người con gái tuổi đôi mươi vào người đàn ông đầu tiên và cũng là duy nhất của cuộc đời mình. Bà cố gắng bình tĩnh, làm theo lời Ánh lúc trước khi ra đi, đưa quốc mẫu trở về Phú Quốc, ngày ngày bên cạnh phụng dưỡng, mòn mỏi ngóng tin của chồng.

Cuối cùng, bà đã không đặt niềm tin sai chỗ. Mùa thu năm 1788, Nguyễn Ánh giành lại được Gia Định, cho người ra Phú Quốc đón bà cùng Quốc mẫu trở về. Tình yêu của Lan với Ánh đã vượt qua được thử thách đầu tiên. Dù vậy, có lẽ trong lòng cô gái trẻ vẫn luôn mang một nỗi ám ảnh sâu sắc.

Đó là nỗi đau mất con vẫn còn nguyên vẹn, ngày ngày ngóng tin chồng biền biệt nơi phương xa. Đó là những cơn ác mộng giữa đêm dài mỗi khi niềm tin yếu ớt lung lay như ánh lửa lay lắt trong đêm gió. Từ đây, mỗi khi hoàng đế đi đánh giặc, bà thường đi theo.

Năm Gia Long thứ 2 (1803), bà được lập làm Vương hậu. Đến năm 1806, bà được lập làm Hoàng hậu.

Năm Thái tử Đảm (tức vua Minh Mạng) được 3 tuổi, Nguyễn Ánh thấy thị Lan vẫn còn chưa vượt qua nỗi đau mất con, lệnh cho Đảm vào cung của Hoàng hậu. Thừa Thiên Cao Hoàng hậu không chịu, đòi phải viết khế khoán, vua liền cho người viết khế khoán rồi đưa cho người hầu của bà cất giữ cẩn thận. Từ đấy Thái tử Đảm thường xuyên lui tới cung của Hoàng hậu, bà xem Đảm như con ruột của mình, nhất là khi Cảnh qua đời, bà chỉ còn một mình Đảm là con.

Một ngày nọ, Nguyễn Ánh hỏi bà về thỏi vàng năm xưa. bà đương nhiên vẫn còn cất giữ nửa thỏi vàng đó, liền mừng rỡ lấy ra cho Nguyễn Ánh xem rồi nói: “Vàng này còn giữ được, đó thật là ân trời đã giúp trong lúc nguy nan, chẳng nên quên lãng. Vậy phải để dành về sau cho con cháu biết”. Nguyễn Ánh thấy Lan vẫn còn giữ tín vật năm nào, đương nhiên rất hạnh phúc. Sau này cho đem hai miếng vàng ghép thành một, truyền lại cho Minh Mạng.

Thỏi vàng nửa năm đó hai người đã từng quý như sinh mệnh, như một niềm tin duy nhất giữa chốn đao thương máu chảy, nay chim đã về bên tổ, gió đã về với mây trời, miếng vàng ấy truyền lại cho con cháu để chúng biết quý trọng người đã hi sinh bao nhiêu năm tháng để có được ngày hôm nay. Tình yêu của Ánh và Lan cũng như vàng vậy, lửa đốt cũng không cháy, dẫu có chia phôi rồi cũng sẽ tới ngày trùng phùng.

Ngày 22 tháng 2 năm 1814, Hoàng hậu qua đời, thọ 52 tuổi, quan tài để ở điện Khôn Nguyên. Qua năm sau bà được an táng tại Thiên Thọ Lăng ở Huế. Được ban thụy hiệu là Giản Cung Tề Hiến Đức Chính Thuận Nguyên Hoàng hậu, bấy giờ đều gọi bà là Thuận Nguyên Hoàng hậu (順元皇后). Về sau khi Gia Long qua đời, huyệt phần của ông ngay bên cạnh bà, khác với các Hoàng hậu khác đều có lăng riêng trong quần thể, Thuận Nguyên hoàng hậu được an táng ngay kế bên Gia Long.

Cả hai đã trọn vẹn được một đạo vợ chồng, sống cùng chăn cùng gối, chết cùng huyệt cùng mộ, khép lại một mối tình tuy không quá nhiều biến động song lại rất cảm động mỗi khi nhắc đến. Là sự chung tình của một bậc đế quân và sự hiền thảo của một mẫu nghi thiên hạ. Thế gian rộng lớn đến thế, có lẽ chỉ cần có một người để ta tin tưởng, để ta an tâm mà trao đi trọn vẹn trái tim là đủ rồi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro