Phần Không Tên 2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

CHƯƠNG XII

Đánh máy: Long Truyện

Vào tuần sau đó, Cora Van Stuyvesant và Franck Barton tới, may thay họ chỉ ở một thời gian ngắn. Họ đều là người Mỹ, tôi thật khó hiểu cung cách của họ. "Cậu Franck" tỏ vẻ dễ chịu, nhưng tôi để ý đến đôi mắt thâm quầng và bộ điệu nhả nhớt của ông ta. Ngay hôm đầu tiên, ông đã hỏi mượn tiền tôi. Định thử thách tôi chăng? Trường hợp này, tôi phải tỏ vẻ hào phóng – tôi không muốn thế chút nào – hay trái lại, phải từ chối để rồi mua lấy sự oán ghét? Ôi, cầu trời ông ta cút đi đâu cho rảnh!

Ngược lại, bà Cora khiến tôi phải chú ý. Đã quá tứ tuần nhưng rất phong độ. Thái độ ngọt ngào không đánh lừa được tôi, khi bà ta nói với Ellie:

- Con đừng để tâm nữa đến những lá thư dì viết vội trong lúc nóng giận. Phải thông cảm, cuộc hôn nhân bất ngờ của con làm dì hụt hẫng. Nhưng một phần cũng tại con Greta đã giấu dì và xúi dục con.

- Dì đừng trách Greta, cô ấy chỉ làm theo yêu cầu của con. Con muốn tránh lôi thôi...

- Con khéo lắm. Con biết không, tất cả mọi người giúp việc nhà ta đều sợ xanh mắt, chỉ sợ bị mắng là đã không trông nom con cẩn thận. Họ không biết Mike là ai, ngờ đâu cậu ấy lại dễ thương đến thế.

Nói rồi, bà ta quay về phía tôi, nở nụ cười gượng gạo nhất mà tôi chưa từng thấy. Hẳn tôi là người mà bà Van Stuyvesant căm ghét nhất, và thái độ mềm mỏng hôm nay phải là do Lippincott đã dặn dò trước, sau khi ông ta từ đây về Mỹ. Lippincott hiện đang bán một dinh cơ của Ellie, tiền bán được sẽ về Cora... với điều kiện bà giữ miệng, không loan truyền những lời bậy bạ về chồng của Ellie.

Không ai nói về người chồng trước của bà Van Stuyvesant. Cộng với những điều Ellie kể, tôi suy ra rằng ông ta có thể đã bỏ rơi bà, đi với người khác mà chẳng để lại cho bà của nả gì. Vì ông cũng có gì đâu, sở dĩ trước đó bà theo ông chỉ vì cái mẽ bề ngoài mà thôi.

Quen sống xa hoa tốn kém, Cora không thể chối bỏ món quà hậu hĩ của con chồng, vì thế bà ta mới phải làm mặt vui vẻ với tôi trong thời gian ở London.

Reuben – không rõ là anh họ hay "chú" – chưa tới nhưng đã viết thư, có vẻ tử tế, chúc Ellie nhiều hạnh phúc. "Nếu sống ở Anh không hợp – thư viết – hãy về Mỹ, Reuben này lúc nào cũng dang tay đón tiếp"

- Ông ta có vẻ tốt nhỉ - Tôi nói với Ellie.

- Phải. Song giọng điệu thiếu thuyết phục.

- Em có cảm thấy gắn bó thực sự với người nào trong số họ?

- Hừ... không. Có lẽ là vì không có mối liên hệ gia đình nào gắn bó mọi người. Em giữ kỷ niệm rất tốt về bố mẹ, dù mẹ em mất từ lúc em còn bé. Ông nội và bố thường hay tranh cãi, ông kêu bố thiếu nghị lực trong kinh doanh. Bố chỉ thích đi câu. Bố rất buồn sau khi mẹ mất, nên em thán phục hai ông chú. Có thể nói cuộc sống công tử giầu có, sang trọng của hai chú hấp dẫn em hơn. Em không hiểu tại sao bố em lại lấy Cora... Khi cả bố và hai chú em mất, ông nội đầu tư toàn bộ tiền bạc vào những doanh vụ chắc chắn, sau khi đã dành một phần cúng cho bệnh viện và các tổ chức từ thiện. Ông cũng dùng một số cổ phiếu đứng tên Cora và Franck là con rể, lấy con gái ông, cô này cũng đã mất.

- Nhưng cả cái tơ-rớt của ông nội phải thuộc về em chứ?

- Vâng, và ông rất quan tâm chuyện đó. Ông nội lo lắng đủ mọi thủ tục giấy tờ để không ai xâm phạm quyền lợi của em.

- Bằng cách sử dụng Andrew Lippincott và Stanford Lloyd. Một luật gia và một chủ ngân hàng.

- Đúng vậy. Nhưng hơi lạ là ông quyết định cho em hưởng thừa kế vào ngày trưởng thành, chứ không phải lúc hai mươi lăm tuổi như thường lệ. Song em quên... em là con gái.

- Anh không hiểu?

- Ông nội cho rằng con gái đến hai mươi mốt tuổi mà chưa chín chắn thì sẽ không bao giờ trưởng thành, ngược lại con trai cần thời gian lâu hơn. Ông nói rằng em thông minh, tuy chưa nhiều kinh nghiệm cuộc đời, song em sẽ sáng suốt phân biệt được ai tốt, xấu.

Tôi trầm ngâm, bật lên nhận xét:

- Anh không tin là ông sẽ có thiện cảm với anh.

Ellie đáp, với sự thật thà thường lệ của nàng:

- Ông sẽ kinh hãi... ít nhất là lúc đầu. Nhưng rồi sẽ quen.

- Ellie tội nghiệp của anh...

- Sao anh nói vậy?

- Bao quanh em, có quá nhiều người phụ thuộc vào em. Họ chờ đợi em ban cho họ cái gì, không cần đếm xỉa đến tình cảm của em.

- Chú Andrew rất quý em, luôn luôn tỏ ra thiện chí. Những người khác... thì đúng, họ đến thăm em chỉ khi nào cần tiền. Nhưng từ nay em sống ở nước Anh, sẽ không phải chịu đựng họ nữa. Chấm hết mọi chuyện.

Về vấn đề này, nàng đã lầm và tỉnh ngộ ngay lập tức.

Đến lượt Stanford Lloyd vác mặt tới với một mớ giấy tờ khổng lồ, và ông ta bàn với Ellie các chuyện làm ăn, mà tôi không hiểu gì hết. Hy vọng hắn tỏ ra trung thực, nhưng ai mà biết được.

Hắn làm bộ hết sức lễ phép với tôi, song trong bụng chắc hắn coi tôi là tên lưu manh mạt hạng, cứ nghe cái giọng lạnh lùng hắn nói với tôi thì biết.

Hắn đi rồi, tôi nhẩy lên mừng rỡ, ôm hôn Ellie:

- Lần này, tất cả đã tếch hết, phải không em?

- Anh không ưa họ?

- Trước đây chắc nhiều lúc em cảm thấy cô đơn?

- Vâng, ở trường em học, toàn con nhà giầu, nhưng mỗi lần em kết bạn với ai, người đó liền bị phạt và cách ly với em. Nếu em có một bạn thật thân, có lẽ em sẽ có can đảm để đấu tranh. Chỉ đến khi có Greta, em mới có nghị lực để tự giải phóng. Nhờ có cô ấy, em mới đỡ buồn chán. Nhìn về mặt hớn hở của nàng, tôi nói nhỏ:

- Anh mong rằng... nhưng rồi lại quay mặt đi, thấy khó nói.

- Anh mong gì, anh Mike?

- Mong em không qua phụ thuộc Greta đến thế. Theo anh, chịu ảnh hưởng của một người ngoài là không hay.

- Mike... anh không ưa cô ấy!

- Có, có! Nhưng, ngoài việc anh chỉ mới quen cô ta, anh còn hơi buồn thấy hai người quá thân thiết với nhau.

- Đừng trách Greta. Cô ấy là người duy nhất tốt với em...trước khi em gặp anh.

- Nhưng bây giờ, đã có anh, và chúng ta sẽ sống hạnh phúc mãi mãi.

CHƯƠNG XIII

Đánh máy: Long Truyện

Tôi đã cố gắng phác họa chính xác chân dung những con người đã xen vào cuộc đời chúng tôi, đúng hơn là cuộc đời tôi, vì Ellie thì đã quá quen thuộc với họ. Chúng tôi ngây thơ tưởng rằng họ sẽ biến đi nhanh. Than ôi! Chẳng bao lâu chúng tôi thất vọng ngay, vì họ lại xuất hiện sớm.

Sau khi bà Van Stuyvesant cùng bộ sậu đi khỏi, chúng tôi nhận được điện của Santonix báo tin nhà đã xây xong. Chúng tôi mừng rỡ thu xếp hành lý, lên đường ngay sáng hôm sau, để đến "Cánh đồng Gi-tan" trước khi mặt trời lặn. Nhìn thấy ngôi nhà "của mình", tôi xúc động đến ngây người. Nhà của tôi... Cuối cùng, tôi đã có nó!

- Được không? Santonix xuất hiện trước bậc cửa hỏi.

- Xong... hẳn rồi chứ! Tôi kêu. Một câu ngớ ngẩn, nhưng Santonix thông cảm với tâm trạng tôi:

- Tôi đã cố gắng hết sức rồi đó. Chi tiêu cũng vượt quá mức dự trù, nhưng đáng thôi. Nào, cậu ẵm vợ lên tay rồi bước vào nhà theo đúng thủ tục!

Tôi đỏ mặt, bế Ellie lên rồi bước qua bậc cửa. Tôi bị vấp. Santonix cau mày, nhưng không nói gì. Vào tới trong nhà, cậu ta nói:

- Mike, cậu hãy săn sóc vợ cẩn thận. Cô ấy tưởng có đủ sức mạnh đối phó với cuộc đời, và cô ấy lầm. Cô ấy cần cậu.

Ellie ngạc nhiên hỏi lại:

- Chuyện gì có thể xảy ra?

- Thế giới là độc ác, và tôi biết họ hàng của cô gồm những người có tình cảm đối địch. Xin lỗi vì đã nói thẳng. Tôi đã hiểu họ khi họ đến đây sục sạo.

- Họ về Mỹ hết rồi, không quấy rầy nữa.

- Đi máy bay thì xa cũng hóa gần.

Santonix quàng tay lên vai vợ tôi, và tôi nhận thấy bàn tay anh đã quá khẳng khiu. Anh nói tiếp:

- Nếu được, tôi sẽ đích thân lo cho hai người. Tiếc rằng tôi chẳng còn sống bao lâu. Cô hoàn toàn phụ thuộc vào Mike.

- Thôi đừng lên lớp nữa, hãy mời chúng tôi đi thăm nhà!

- Đồng ý. Ta đi.

Vào thăm các phòng, chúng tôi thấy bàn ghế, rèm cửa và các vật trang trí chúng tôi mua từ nước ngoài về đều được bố trí đúng chỗ.

Ellie kêu lên:

- Chúng ta chưa đặt tên cho ngôi nhà! Không gọi "Ngọn Tháp" nữa, vô lý. Mụ Bô-hê-miêng đặt nó tên gì ấy nhỉ?

- "Cánh đồng Gi-tan". Không dùng tên ấy nữa.

Santonix chen vào:

- Nhưng dân vùng này đều gọi theo tên đó.

Ngồi trên sân thượng ngắm nhìn cảnh hoàng hôn, chúng tôi ra sức tìm tên gọi cho xứng với tuyệt tác của Santonix. Mới đầu, còn nghĩ nghiêm chỉnh, tiếp đó gợi lên những tên gọi sáo mòn thường thấy trên các bưu ảnh du lịch: Giấc Mơ, Biển đẹp, Rừng thông, v.v.. Trời lạnh dần làm chúng tôi phải lùi vào phòng khách, đóng tất cả các cửa nhưng vẫn để mở rèm. Ngày mai, các gia nhân mới đến. Ellie nhận xét:

- Những người mà ta mượn giúp việc, đến đây chắc không thú lắm, vì hẻo lánh quá.

Santonix nói:

- Nếu vậy, cứ tăng lương gắp đôi lên, họ sẽ thích ngay.

- Vậy anh cho rằng ai cũng có thể mua được bằng tiền?

- Chứ sao!

Chúng tôi vừa ăn vừa chuyện trò vui vẻ. Xem ra, Santonix rất hài lòng.

Bỗng, có tiếng cửa kính vỡ loảng xoảng sau tiếng đá ném. Vài mảnh kính bay vào trong phòng, một mảnh cắm lên má Ellie. Trong chốc lát, chúng tôi sững người vì kinh ngạc, rồi tôi chạy lao lên sân thượng, nhìn vào trong đêm, tất nhiên chẳng thấy gì. Tôi hoang mang quay xuống với vợ, lau má nàng, ra sức trấn tĩnh nàng.

Ellie lẩm bẩm, giọng run rẩy:

- Tại sao... tại sao họ làm thế với mình?

- Chắc là mấy đứa trẻ mất dạy thôi. Thấy đèn sáng, chúng nghịch để làm mình sợ. Cũng may là chúng mới chỉ ném đá. Chúng có thể dùng súng.

- Nhưng nhằm mục đích gì?

- Anh không biết. Tìm cái thú trong sự phá hoại, thế thôi.

Nàng đứng lên:

- Em sợ, anh Mike, em sợ!

- Hãy bình tĩnh! Sáng mai, anh sẽ ra làng tìm hiểu. Chúng ta chưa biết gì về hàng xóm.

- Họ làm thế có phải vì em giầu, mà họ nghèo? Nàng hỏi Santonix, dường như chỉ có anh ta mới biết.

Santonix trả lời, giọng nghiêm nghị:

- Không... tôi không nghĩ đó là lý do.

- Họ căm thù chúng tôi?

Rồi nàng tiếp luôn:

- Không... Vì lý do khác, mà ta chưa biết. "Cánh đồng Gi-tan"... Tất cả những ai sống trong này đều bị căm ghét, bị hành hạ. Có lẽ rồi họ đến đuổi chúng ta đi cũng nên.

Tôi đưa nàng một cốc rượu, van vỉ:

- Thôi em đừng nói nữa! Sự việc này thật đáng tiếc, nhưng chỉ là hành động của một đứa trẻ.

- Có phải vậy hay không... Nàng lo sợ nhìn tôi – Có kẻ muốn chúng mình đi khỏi đây, khỏi ngôi nhà chúng mình đã xây, đã yêu.

- Ta sẽ không để cho họ làm được. Anh sẽ bảo vệ em, em sẽ không làm sao hết.

Ellie quay lại hỏi Santonix:

- Anh đã đến đây trước chúng tôi, chắc anh phải biết? Có ai nói gì với anh không? Họ có cản trở công việc xây dựng ?

- Nhiều khi ta tưởng tượng nhiều chuyện...

- Có xảy ra tai nạn gì không?

- Xây nhà bao giờ chả có tai nạn; song yên tâm đi, không có gì nghiêm trọng. Có người ngã từ trên thang xuống, người khác bị gỗ rơi vào chân, người khác bị dằm đâm vào tay, nhiễm trùng.

- Nhưng không có tai nạn nào... có ý đồ?

- Tôi bảo đảm không có.

- Mike... anh còn nhớ mụ Bô-hê-miêng ta gặp không? Mụ khuyên em không nên trở lại đây.

- Anh đã bảo mụ ta điên mà.

- Chúng mình đã làm trái lời mụ khuyên bảo - nàng giận dữ dậm chân xuống đất. – Em sẽ không để họ trục khỏi đây! Không ai được phép buộc chúng ta phải đi!

- Chúng ta không phải đi đâu cả. Em yêu, chúng mình sẽ sống rất hạnh phúc ở nơi này.

Chúng tôi đồng thanh như thế, dường như để tự trấn an.

CHƯƠNG XIV

Đánh máy: Long Truyện

Cuộc sống ở "Cánh đồng Gi-tan" bắt đầu như thế. Không tìm được tên nào khác để đặt, thì sự việc xảy ra ngay tối đầu tiên đã quyết định hộ chúng tôi. Ellie khẳng định:

- Chúng ta cứ giữ tên ấy, cũng để tỏ cho họ biết rằng "Cánh đồng" ngày nay là thuộc chúng ta, bất chấp những lời phán xằng của mụ Bô-hê-miêng.

Hôm sau, vợ tôi lại vui vẻ và hăm hở. Chúng tôi quyết định vào Kingston Bishop để thăm thú và làm quen với hàng xóm. Chúng tôi cũng muốn gặp bà lão Bô-hê-miêng. Và tôi hy vọng bắt gặp bà ta ở trong vườn nhà, nhằm làm cho Ellie trông thấy bà ta làm việc bình thường như mọi người. Nhưng nhà bà đóng cửa.

Chúng tôi hỏi thăm nhà bên cạnh, được biết:

- Bà Lee thỉnh thoảng lại biến đi đâu không rõ. Máu Bô-hê-miêng mà! Có bao giờ ngồi đâu ấm chỗ! Mà dạo này đầu óc bà ta làm sao ấy! Các anh chị ở ngôi nhà mới, phải không? Cái nhà tít trên đỉnh đồi?

- Vâng. Chúng tôi vừa dọn đến tối qua.

- Nhà đẹp quá! Chúng tôi đã đến xem lúc đang xây. Thế là hết gạch vụn và cỏ dại. - Quay sang Ellie, bà hàng xóm rụt rè: - Hình như chị là người Mỹ?

- Gốc Mỹ. Giờ lấy chồng Anh, thì là quốc tịch Anh.

- Anh chị định ở trên đó suốt năm?

- Vâng.

Bà ta nói tiếp, giọng không thuyết phục lắm:

- Ở đó chắc thích.

- Vâng. Tại sao không?

- Chỗ đó xa cách, với lại người trẻ nói chung không thích sống cách biệt, chỉ toàn cây.

- "Cánh đồng Gi-tan", Ellie lẩm bẩm.

- A!... Chị cũng biết tên dân làng gọi? Cái nhà đổ tên gọi là "Ngọn Tháp" kia, mặc dù tôi chẳng thấy tháp nào kể cả khi nó còn nguyên vẹn.

Ellie ngắt lời:

- Tôi thấy tên đó buồn cười, nên quyết định giữ cái tên dân làng vẫn gọi.

Tôi nhận xét:

- Chúng mình phải đăng ký với bưu điện nếu không thư sẽ không tới. Mặc dù, anh thấy không có thư từ càng tốt.

- Không được, như vậy kéo theo rắc rối. Hóa đơn gửi đến mà mình không nhận được, biết thế nào mà trả.

- Càng hay chứ sao?

- Đến lúc thuế vụ nó phạt cho mới trắng mắt ra. Dù sao, em cũng cần nhận được tin tức của Greta.

- Quên Greta đi, ta ra đây ngắm cảnh.

Chúng tôi chào cáo từ rồi đi khỏi cái thôn làng đáng yêu, ở đó mọi người đều tử tế, dễ chịu. Sáng hôm đó, các gia nhân thuê mướn lục tục kéo tới, họ đều không tỏ vẻ hăm hở phải sống ở "Cánh đồng Gi-tan". Không phải vì mê tín, mà vì quả thật nó xa cách quá. Chúng tôi quyết định thuê một xe hơi đến đón họ vào ngày nghỉ, đưa đi chơi ở Chợ Chadwell hoặc ở một bãi biển gần đó. Tôi nói với Ellie rằng không ai có thể bảo nhà này có ma, vì nó còn mới tinh.

Nàng đồng tình:

- Em biết. Chính vùng xung quanh mới làm em sợ, con đường ngoằn nghèo giữa hàng thông, rồi cái nơi mụ Lee xuất hiện...

- Sang năm, chúng mình sẽ chặt hạ tất cả cây, trồng thay toàn đỗ quyên.

Greta đến chơi mấy ngày cuối tuần với chúng tôi. Nàng rất khen ngôi nhà, khen chúng tôi đã chọn những bàn ghế và tranh ảnh đẹp, khen cách Santonix bày biện tất cả. Tối chủ nhật, nàng lại trở về London làm việc.

Ellie rất vui khi gặp Greta, tôi thấy rõ hai người thật là thân thiết. Phần tôi, cố gắng giữ thái độ thoải mái, dễ chịu. Dù sao khi taxi chở cô ta đi khuất, tôi cũng thở phào.

Hai tuần sau, chúng tôi được chấp nhận vào giới thượng lưu Kingston Bishop, ngay sau cái lần tiếp vị khách quan trọng nhất địa phương. Ông ta đến thăm một buổi chiều, giữa lúc Ellie và tôi đang tranh luận xem nên trồng luống hoa ở đâu. Nhìn tên trong danh thiếp do người hầu mang tới, tôi ghé tai Ellie nói nhỏ:

- Chính là Đức Chúa Cha đấy!

Trước bộ mặt ngẩn ra của nàng, tôi giải thích: Thiếu tá Phillpot, người có uy tín đặc biệt trong vùng.

Người chờ ngoài phòng khách vào khoảng lục tuần, tóc hoa râm, ria mép ngắn, vẻ hồn hậu, quần áo xuềnh xoàng. Ông xin lỗi đã không đưa vợ đến, vì bà đau yếu, không đi ra ngoài. Chúng tôi vừa dùng trà vừa nói chuyện. Ông khuyên Ellie nên trồng hoa gì hợp với phong thổ, rồi chúng tôi bàn sang chuyện đua ngựa. Ông phát hiện ra rằng Ellie không thích đi xem đua, nhưng mê cưỡi ngựa. Ông hướng dẫn, nếu nàng định mua ngựa, thì ở đây còn con đường ra trảng có thể phi ngựa thoải mái. Rồi chúng tôi nói chuyện về cái nhà. Ông thiếu tá hỏi:

- Tôi chắc ông bà biết cái tên dân làng đặt cho nơi đây và những truyền thuyết chung quanh nó?

- Lời đồn thì có nhiều, chính bà Lee đã gợi cho chúng tôi chú ý.

- Ôi cái bà Esther. Bà ta lại đến quấy nhiễu?

- Hình như bà ấy hơi điên.

- Ít điên hơn ta tưởng. Tôi vẫn quan tâm đến bà ta, thế mà bà ta chẳng tỏ vẻ biết ơn. Thỉnh thoảng bà ta cũng gây phiền phức.

- Bà ta biết đoán tương lai?

- Ối! chuyện đó... Bà ta đề nghị xem bói cho ông bà à?

Ellie đáp ngay:

- Có, và bà ta còn cảnh cáo chúng tôi về tương lai, nếu còn đến ở tại "Cánh đồng Gi-tan".

- Lạ quá nhỉ! Thường thì bà ta chỉ tiên đoán những điều tốt lành. Hồi tôi còn đi học, có một đoàn Digan hạ trại tại đây, tôi thỉnh thoảng có dịp đến nếm các món ăn của họ. Gia đình tôi còn biết ơn bà Lee nữa, vì cũng hồi ấy bà đã cứu cậu em tôi thoát khỏi hố nước trong lúc trượt băng.

Cử chỉ vụng về của tôi làm một cái cốc rơi xuống, vỡ tan. Thiếu tá giúp tôi nhặt các mảnh vỡ, và vợ tôi nói:

- Điều ông vừa nói chứng tỏ bà Lee không phải người ác ý, mình sợ thật hão huyền.

- Bà ấy làm bà sợ à?

Tôi trả lời thay cho Ellie:

- Cái hôm chúng tôi mới đến, bà gần như đe dọa, rồi xẩy ra một việc khiến chúng tôi phải dè chừng.

Tôi kể lại việc đá ném vỡ cửa sổ, làm vị khách của chúng tôi rất ngạc nhiên.

- Quanh đây không có bọn trẻ nào tính nghịch như vậy. Tôi rất tiếc nhà ta phải chịu một sự khởi đầu lạ lùng như thế.

- Tôi quên mau chuyện đó, nhưng ít lâu sau lại kể ra chuyện nữa. Mike, anh nói cho ông nghe.

Tôi liền thuật rằng một sớm nọ, chúng tôi phát hiện trước cửa nhà có một con chim bị cắm dao, kèm thêm một mảnh giấy nguệch ngoạc mấy chữ: "Cút khỏi đây ngay, nếu không sẽ bất lợi".

- Và các bạn không đi báo cảnh sát?

- Nếu làm thế, sợ càng chọc tức kẻ đùa dai đó.

- Phải làm rõ việc này ngay, kẻo rắc rối. Theo tôi, đây không còn là chuyện đùa, và cũng không phải là thù hằn cá nhân, vì ở đây đã ai quen biết ông bà đâu.

- Tất nhiên, chúng tôi là dân mới ngụ cư.

- Cứ để đấy, cho phép tôi làm một cuộc điều tra nhỏ.

Ông đứng dậy cáo từ, đưa mắt nhìn chung quanh.

- Tôi rất thích nhà của hai người. Ai vẽ kiểu hẳn là người tài năng.

Tôi liền nói tên Santonix. Ông nói đã biết anh ta qua tạp chí "Nhà và Vườn". Trước khi đi, ông mời chúng tôi đến ăn ở nhà ông và đề nghị chúng tôi định ngày.

- Lúc đó, đến lượt ông bà sẽ cho ý kiến về căn nhà của tôi.

- Chắc là nhà cổ?

- Xây từ 1720, cái thời tươi đẹp! Ngôi nhà nguyên thủy xây từ một trăm năm trước nữa, bị cháy trụi, ngôi bây giờ hoàn toàn xây trên móng cũ.

- Gia đình ta gốc ở đây?

- Phải. Đôi khi do các biến thiên về kinh tế, chúng tôi buộc phải bán đi một ít đất, đến lúc khấm khá hơn lại chuộc lại. Tôi rất vui có dịp được giới thiệu cơ ngơi của tôi với ông bà.

Một con chó Êpanhon chồm chỗm trong xe hơi, chờ ông thiếu tá. Dù quần áo xuềnh xoàng và chiếc xe cũ đã tróc sơn, có một vẻ gì đáng kính toát ra từ Phillpot. Ông cũng có vẻ mến chúng tôi, nhất là Ellie. Tuy nhiên, tôi đã mấy lần bắt gặp cái nhìn của ông soi mói vào tôi.

Tôi tiễn khách ra, khi trở vào thấy Ellie đang vun những mảnh thủy tinh vỡ vứt vào sọt rác. Nàng có vẻ âu sầu, nói:

- Rất tiếc cái cốc pha lê bị vỡ. Em thích nó.

- Mua cái khác thay vào dễ ợt.

- Đã đành. Cái gì làm anh hậu đậu vậy?

Tôi suy nghĩ một lát:

- Một câu nói của Phillpot làm anh nhớ một chuyện xảy ra trong trường anh học. Anh đi trượt trên mặt hồ đóng băng với một thằng bạn, bỗng băng sụt dưới chân làm cậu ấy chết đuối mà anh không kịp trở tay.

- Eo ôi!

- Anh hoàn toàn quên việc ấy, đến khi Phillpot kể chuyện cậu em gặp tai nạn tương tự, anh mới chợt nhớ.

- Ông thiếu tá này có vẻ dễ thương. Anh nghĩ sao?

- Tất nhiên ông ta là người tốt.

Đầu tuần sau, chúng tôi đến thăm nhà Phillpot. Nhìn mặt ngoài ngôi nhà rất cổ, tôi không ưa chút nào. Tôi chỉ thích kiến trúc hiện đại. Tuy nhiên, bên trong không sang lắm, nhưng ấm cúng. Phòng ăn dài, tường phủ đầy chân dung, chắc là ảnh các ông cố bà cố. Tôi dừng lại trước bức tranh một cô gái tóc vàng, khiến chủ nhà nở một nụ cười.

- Anh có con mắt tinh đời. Đây là bức tranh có giá của Gainsborough, mặc dù người mẫu trong tranh có tiếng tăm không hay lắm. Bà được ông tổ Gervase Phillpot mang về từ nước ngoài và lấy làm vợ. Sau bà bị nghi là đã đầu độc chồng. Là người nước ngoài, nên tòa đã xử không thương tiếc.

Vài khách hàng xóm cũng cùng được mời như chúng tôi: bác sĩ Shaw, tuổi lục tuần, dáng bộ hồ hởi – chưa ăn hết bữa ông đã rút lui vì có người bệnh gọi – một linh mục nhanh nhẹn, rất gây cảm tình, và một bà không rõ tuổi, tiếng nói the thé. Ngoài ra còn một phụ nữ trẻ đẹp. Claudia Hardcastle, rất mê ngựa. Bà ta toàn nói chuyện cưỡi ngựa với Ellie, và cả hai khám phá ra là có chung một dị ứng, kiểu hắt hơi sổ mũi, mỗi khi đến gần một con vật.

Tôi nghe thấy vợ tôi nói với người bạn mới:

- Ở Mỹ, một bác sĩ cho tôi những viên thuốc màu da cam, để khắc phục dị ứng ấy. Lúc nào bà hãy dùng thử. Mỗi lần cưỡi ngựa, tôi đều uống một viên, thế là hết khó chịu.

Tôi ngồi gần bà chủ kêu là yếu đau, nhưng ăn rất ngon. Cùng với bà có giọng the thé – mà tôi quên tên – hai người thay nhau hỏi về cuộc sống trước đây của tôi. Tôi đã nắm lúc lên voi xuống chó, nên khéo léo né tránh, không dại gì hở ra.

Cuộc hội họp diễn ra vui vẻ, tuy hơi đơn điệu. Sau đó, trong lúc ra thăm vườn và tôi đang đi một mình, thì Claudia Hardcastle đuổi kịp tôi, bắt chuyện:

- Anh tôi có nói về ông.

- Bà có chắc là tôi không?

- Đúng, vì chính anh ấy xây nhà cho ông.

- Santonix là anh trai bà?

- Anh họ thôi, ít khi gặp nhau. Tôi đọc báo, mới theo dõi được công việc của anh ấy.

- Anh ấy giỏi tuyệt vời.

- Nhiều người nghĩ thế.

- Còn bà thì không?

- Tôi không biết. Trong anh ấy có hai mặt trái ngược. Một thời, chẳng ai biết đến anh, rồi bỗng chốc mọi sự thay đổi. Giờ thì anh ấy có tiếng.

- Bà đã thấy ngôi nhà của chúng tôi.

- Từ lúc xây xong thì chưa.

- Vậy chúng tôi rất vui mời bà đến thăm.

- Xin báo trước là tôi sẽ không thích nó đâu. Tôi không ưa những ngôi nhà hiện đại, thời đại kiến trúc mà tôi thích là thời nữ hoàng Anne. Tôi và vợ ông sẽ còn gặp nhau nhiều. Tôi định mời cô ấy tham gia câu lạc bộ đánh gôn, sẽ có nhiều dịp cùng nhau cưỡi ngựa. Cô ấy nói muốn tậu một con.

Thiếu tá lại gần, mời chúng tôi ghé thăm chuồng ngựa. Khi chỉ còn hai người, ông nói với tôi:

- Claudia cưỡi ngựa rất giỏi. Tiếc rằng bà ta để uổng cả một đời.

- Sao vậy?

- Bà ta lấy một người Mỹ hơn rất nhiều tuổi, tên là Lloyd rồi lại ly hôn ngay. Từ đó bà căm thù tất cả đàn ông, sống ẩn dật chắc không lấy chồng nữa.

Mọi người chia tay. Trên đường về, Ellie tổng kết:

- Những con người nhàm chán, nhưng dễ yêu. Anh Mike, ở đây chúng mình sẽ hạnh phúc, có phải không?

- Chắc chắn rồi.

Tôi đặt nàng xuống bậc cửa, và lái xe vào ga-ra. Khi trở lên nhà, nghe thánh thót mấy tiếng nhạc. Ellie vừa gẩy ghi ta vừa khe khẽ hát một bài dân ca Scotland hay Iceland nào đó mà tôi không biết. Tôi lẳng lặng đi quanh tòa nhà, dừng lại trước cửa phòng khách hé mở.

Giờ Ellie đang hát một bài mà tôi ưa thích. Tôi không nhớ tên bài, nhưng lời ca làm tôi vô cùng xúc động:

'Người sinh ra để hưởng Mừng vui và đau khổ

'Một khi hiểu điều đó

'Ta sẽ thẳng tiến trên đường đời không lo ngại

'Mỗi đêm và mỗi ngày

'Lại có người sinh ra để chịu Khổ đau

'Mỗi ngày và mỗi đêm

'Có người sinh ra để hưởng lạc thú

'Có người sinh ra để chịu Đêm dài vô tận...

Nàng ngẩng đầu lên và thấy tôi:

- Sao anh nhìn em vậy?

- Anh nhìn như thế nào?

- Như là anh yêu em...

- Đúng là anh yêu em! Vậy thì anh phải nhìn em như thế nào?

- Khi nhìn em, anh nghĩ đến gì nào?

- Anh nhớ phút giây anh nhìn thấy em lần đầu... dưới bóng cây thông.

Tôi nói sự thật. Sự xuất hiện của em hôm đó để lại trong tôi niềm xúc động khôn tả.

Nàng mỉm cười và lại véo von điệp khúc:

'Mỗi ngày và mỗi đêm

'Có người sinh ra để hưởng Lạc thú

'Có người sinh ra để hưởng Lạc thú

'Có người sinh ra để chịu Đêm dài vô tận.

Người ta chỉ nhận ra những thời khắc quan trọng của cuộc đời khi nào đã quá muộn. Tối hôm đó, sau lúc đến thăm Phillpot và trở về nhà mình, chúng tôi đã sống một thời khắc như thế, mãi đến sau này tôi mới nhận ra.

CHƯƠNG XV

Đánh máy: Long Truyện

Thật lạ, nhưng trong cuộc đời, những kế hoạch bày ra không bao giờ thực hiện như dự kiến. Tôi và Ellie đã có nhà, sống cách biệt mọi người – là chúng tôi nghĩ vậy – thế mà đột nhiên sự yên tĩnh chúng tôi hằng mong muốn, bị đảo lộn. Đầu tiên, là bà mẹ kế chết tiệt của vợ tôi, liên tục gửi thư, điện, nhắn nhe qua người này người nọ. Nghe đâu, bà ta thích ngôi nhà của chúng tôi quá đến mức quyết định cũng mua nhà ở Anh để về ở hai tháng mỗi năm. Cuối cùng bà ta đích thân dẫn xác đến, thế là phải dẫn bà đi khắp vùng quê để tìm xem có ngôi nhà nào vừa ý, nhà đích thị kiểu Anh kia. Bà ta chọn một ngôi chỉ cách chỗ chúng tôi mười lăm dặm, làm chúng tôi phát hoảng. Tất nhiên chúng tôi không muốn bà lởn vởn ở quanh, nhưng làm thế nào cho bà ta hiểu? Ellie không thể nói thẳng, mà dù có nói, bà cũng chẳng quan tâm. Thế rồi trong lúc đang chờ báo cáo của địa chính, chúng tôi lại bị một cơn mưa điện ập đến. Lần này, là "Cậu Franck", lại đang gặp khó khăn. Chúng tôi lại phải gỡ cho ông ta, bằng cách bỏ tiền ra, tất nhiên. Ellie chỉ thị cho Lippincott lo việc này, tạm chấm dứt ở đó. Vẫn chưa hết. Chẳng bao lâu chúng tôi nghe nói có mâu thuẫn giữa hai vị quản lý. Lippincott đánh điện xin đến để trình bày, cả Lloyd cũng vậy. Tôi ngây thơ, cứ tưởng Hoa Kỳ ở xa nước Anh. Lầm to: trong thế giới của Ellie, thiên hạ đi lại giữa New York và London như đi chợ.

Ellie đi London một mình để gặp hai vị đại diện đó. Tôi không đi theo, vì không hiểu gì về công việc, vả lại hình như mối mâu thuẫn nọ phải được giữ bí mật. Vợ tôi chỉ hé cho tôi biết là Lippincott đã hoãn việc bán một sở hữu của nàng, không hiểu tại sao, hay là có khi tại Lloyd phản đối, không chịu giao sổ sách.

Chúng tôi tranh thủ một lúc tạm ngơi nghỉ mọi chuyện rắc rối, để đi thăm một cơ ngơi của chúng tôi, tên gọi "Folie". Khu đất rộng, chúng tôi lần lượt xem xét mọi ngóc ngách. Một hôm, theo lối mòn đầy cỏ dại, chúng tôi tới một quãng rừng thưa, chính giữa có một ngôi nhà nhỏ trông như cái đền, kiểu rất cổ. Nó hãy còn tốt, chúng tôi quyết định sửa sang lại, mang tới đó một cái bàn, vài chiếc ghế, một tấm đi văng và một cái tủ đựng cốc, tách, rượu... Ellie muốn lối mòn được phát quang sạch sẽ, song tôi bảo cứ để nguyên để không ai khám phá được chốn này. Nàng thấy ý đó rất lãng mạn, nên tán thành.

Ít lâu sau, trên đường từ "Folie" về nhà, Ellie vấp phải một rễ cây, bị trẹo chân, tôi phải cõng nàng về. Tôi mời bác sĩ Shaw đến, ông ta chữa chạy rồi yêu cầu nàng phải nằm bất động một tuần. Ellie quyết định viết thư cho Greta, mời cô ta đến. Tôi biết nói gì hơn? Gia nhân thì nhiều, nhưng mỗi người một việc, và cứ nằm một chỗ, chỉ có tôi bên cạnh, cũng buồn.

Và thế là Greta đến. Phải nhận là cô gái người Đức này rất được việc, cô ta chăm sóc Ellie như em gái, sai bảo người hầu, lo trông nom nhà cửa. Vợ chồng một người hầu lại xin thôi việc, lý do là họ sợ nơi này, song tôi nghĩ bà Cora có xui bẩy họ thế nào đó. Greta liền gửi đăng thông báo tìm người trên tờ báo địa phương, lập tức có một cặp vợ chồng khác đến thay. Hai người bạn gái rõ ràng là rất hợp nhau, họ ríu rít với nhau suốt ngày. Greta biết cách làm cho Ellie khuây khỏa bằng những cách chỉ phụ nữ mới làm được.

Sau một tuần. Ellie sốt sắng hỏi tôi:

- Em mời Greta ở thêm ít lâu nữa, có được không?

Tôi biết đáp lại gì hơn, ngoài cách gật đầu?

Mỗi ngày Greta lại chiếm vị trí lớn hơn trong tổ ấm của chúng tôi, và đến một lúc chúng tôi thấy không thể sống thiếu nàng. Tôi cố gắng làm mặt bằng lòng với nàng, nhưng một hôm, trong lúc Ellie nghỉ trưa trong phòng, Greta và tôi lên thơ thẩn trên sân thượng, tôi không kìm được nữa, để cho mối hận vẫn ôm trong lòng được dịp bùng nổ. Greta không nao núng, đáp lại bằng mấy lời cay nghiệt. Sự tranh cãi trở nên gay gắt, tôi đang báo trước là sẽ không cho phép vợ chịu sự áp chế của cô ta nữa, thì Ellie khập khiễng đi lên, nét mặt bơ phờ. Tôi chạy lại, đặt nàng nằm trên ghế dài, cố nói mấy lời xin lỗi. Nàng hoảng hốt, lẩm bẩm:

- Em không ngờ anh hận cô đến thế.

Tôi dỗ dành Ellie, nói là mình thiếu suy nghĩ, sở dĩ vậy có lẽ là vì nhiều chuyện lo lắng gần đây làm tôi không tỉnh trí. Cuối cùng, hóa ra tôi trở thành anh chàng lố bịch và gần như phải van nài Greta cứ ở lại.

Chuyện xảy ra trên sân thượng, có lẽ bọn gia nhân đều nghe thấy, nhưng biết làm sao? Một khi nổi giận lên, thì tôi hét thoải mái.

Greta có vẻ lo lắng về sức khỏe Ellie. Một hôm nàng nói:

- Ellie phải giữ gìn cẩn thận, không được khỏe.

- Cô ấy có làm sao đâu.

- Không, rất yếu đấy.

Bác sĩ Shaw đến xem lại gót chân Ellie, nay đã khỏi hẳn. Tôi liền hỏi dò:

- Thưa bác sĩ, liệu sức khỏe nhà tôi có bị ảnh hưởng gì không?

- Không, không thấy gì. Ai cũng có thể bị trẹo chân, mà sức khỏe có làm sao.

- Là tôi nói thể trạng chung.

Ông ta nhìn tôi qua mục kỉnh:

- Đừng nghĩ lung tung, anh bạn, Ai đã làm anh lo lắng vậy?

- Tôi căn cứ ý kiến của cô Greta.

- Cô Greta? Cô ấy có thẩm quyền gì mà phát biểu lĩnh vực này?

- Tất nhiên là không.

- Nghe dân làng nói, vợ anh rất giầu... à mà dưới mắt mọi người, đã là người Mỹ là phải giầu.

- Vâng, giầu, nhưng thế thì...

- Các bà nhà giầu hay có thói khám nhiều thầy, họ cho uống đủ thứ thuốc, theo tôi hại hơn là lợi. Phụ nữ nông dân khỏe hơn các bà nhà giầu, vì họ không có thì giờ lo lắng hão.

- Vâng, hình như nhà tôi vẫn dùng một số thuốc.

- Nếu anh muốn, tôi sẽ khám. Cũng nên khám phá sớm xem cô ấy vẫn tự đầu độc bằng chất hóa học nào, để chấm dứt ngay.

Ông quay về chỗ Ellie để chẩn mạch, rồi đến gặp Greta:

- Ông Rogers đề nghị tôi khám cho bà ấy. Tôi không thấy có bệnh gì. Sau thời gian bất động, bà ấy cần ra ngoài khí trời cho khỏe. Bà có biết bà Rogers thường dùng thuốc gì?

- Khi cảm thấy mệt, cô ấy uống một thuốc trợ lực và thuốc ngủ.

Rồi cô ta chìa các đơn thuốc ra. Bác sĩ hỏi Ellie:

- Bà có bị mất ngủ không?

- Từ khi về thôn quê, tôi ngủ được. Hiện tại tôi chỉ giữ một ống thuốc viên chống dị ứng mà thôi.

- Tốt. Bà không sao cả. Đôi lúc bà hơi lo thái quá.

Bác sĩ đi rồi, tôi thanh minh với Ellie:

- Tại Greta nói này nói nọ, anh mới sinh lo lắng.

- Cô ấy lo cho em như gà mẹ ấp gà con. Còn phần cô, cô có chịu giữ gìn bao giờ. Thôi, giờ ta vứt hết những lọ thuốc vô bổ này đi.

Hôm sau. Claudia Hardcastle đến rủ Ellie đi cưỡi ngựa. Tôi không đi cùng vì không biết cưỡi ngựa, dù có lúc đã làm việc ở một chuồng ngựa Iceland. Tôi đã định lúc nào sẽ đi học cưỡi ngựa ở một câu lạc bộ tận London, để tránh những tiếng xì xào không tốt của hàng xóm. Greta cũng không cưỡi ngựa, song từ hôm ấy, cô ta hay khuyến khích Ellie cưỡi ngựa luôn để giải khuây.

Claudia dẫn người bạn mới đi tậu một con ngựa hồng – đẹp, nhưng theo tôi còn hơi non - tên gọi Conquer. Tôi khuyên Ellie cưỡi nó phải thận trọng, nàng chỉ cười, nói từ lúc lên ba đã rất quen với ngựa.

Chẳng bao lâu, đã thành lệ: một tuần ba ngày, nàng cưỡi ngựa đi chơi. Những hôm ấy, Greta tranh thủ lấy xe đi mua bán tận chợ Chadwell.

Một buổi sáng, lúc đang ăn, Greta kêu:

- Rắc rối với bọn Bô-hê-miêng của các người! Trên đường về, tôi phải dừng xe lưng chừng dốc, vì một mụ phù thủy ra đứng giữa đường, chắn ngang.

- Mụ muốn gì?

Mặt Ellie bỗng tái nhợt, nàng chỉ ngồi nghe, không nói.

- Mụ ấy dám dọa tôi.

- Vì việc gì?

- Nào tôi biết! Mụ bảo đất này của người du mục, nếu không đi ngay sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Mụ còn giơ nắm đấm, dọa sẽ bỏ bùa cho tôi phải khổ sở suốt đời.

Khi chỉ còn hai chúng tôi, Ellie hỏi:

- Anh có tin những gì Greta nói?

- Theo anh, cô ta đã bịa thêm ra một phần.

- Việc gì cô ấy phải làm thế, vả lại....

- Vả lại sao?

- Ồ! Không.

- Em đã gặp lại bà Esther chưa nhỉ?

- Bà Bô-hê-miêng? Ch... chưa...

- Chắc thế không?

- Trong lúc em cưỡi ngựa, hình như thấy thấp thoáng, em lại gần thì bà ta nấp sau cái cây.

Hôm sau, Ellie đi chơi về, vẻ mặt lo lắng. Bà già nọ đã xuất hiện trước mặt làm con ngựa suýt lồng lên. Bà ta lại đe dọa như đã làm với Greta, còn nói thêm:

- Ta đã cảnh báo ngươi một lần, lần này là lần cuối cùng. Ta nhìn thấy thần chết sau vai trái của ngươi, chẳng bao lâu nữa nó sẽ ập tới. Con ngựa này có màu da cừu, đó là điềm gở. Ta thấy trước là ngươi sẽ chết, nhà ngươi sẽ đổ nát.

Tức giận và lo lắng, tôi xuống làng tìm nhà bà Lee, nhưng cửa đóng kín mít chứng tỏ bà đi vắng. Tôi liền đến đồn cảnh sát, xin gặp viên đội Keene và kể toàn bộ câu chuyện.

Viên đội chăm chú nghe, nhưng tỏ vẻ không quan tâm.

- Bà Lee già rồi, chúng tôi cho là bà hơi lẩm cẩm, nhưng chưa gây chuyện gì để cảnh sát phải can thiệp. Dù sao, tôi hứa sẽ bảo bà ta không được làm phiền các vị.

- Xin cảm ơn.

- Ông Rogers, xin lỗi ông, nhưng ông có nghi cho ai ở vùng này có hiềm khích gì với ông hoặc với bà nhà?

- Hoàn toàn không.

- Tôi được biết gần đây bà Lee tiêu pha khá rộng rãi, không hiểu tiền từ đâu.

- Ý ông định nói gì?

- Có thể có người nào cho tiền bà ta để bà kiếm cách đuổi gia đình ông đi. Tôi nhớ cách đây nhiều năm đã xảy ra chuyện tương tự. Đó là hai gia đình thù địch nhau. Lần ấy chúng tôi buộc bà Lee phải hứa không được làm thế nữa. Phải nhận là dân quê rất mê tín, dễ tin là người Gi-tan có bùa phép, và tất nhiên bọn này lợi dụng niềm tin ấy để kiếm tiền. Có thể bà Lee lại bắt đầu giở trò chăng. Tiền, thì không ai từ chối...

- Nhưng, chúng tôi mới đến đây ở, làm gì đã kịp có kẻ thù!

Viên đội cũng nghĩ thế, hứa sẽ truy hỏi bà Lee. Tôi đi bộ về nhà cho thư thái tâm hồn. Đến cửa nhà thì trời vừa tối. Có tiếng Ellie chơi ghi ta bên trong, tôi đứng lại để nghe. Bỗng có bóng người xuất hiện từ sau gốc cây. Tưởng là bà Lee, tôi thủ thế, song biết ngay mình lầm. Đó là Santonix, từ bóng tối đi ra.

- Ồ... cậu đấy à! Từ đâu đến? Lâu lắm không có tin tức.

Santonix lẳng lặng cầm tay, kéo tôi ra xa:

- Vậy ra cô ta ở đây! Mình không lạ lắm, biết thế nào cũng có ngày cô ta mò đến ở nhà cậu. Sao cậu để cô ta đến? Cậu thừa biết cô ta rất nguy hiểm.

- Cậu định nói Greta?

- Chứ còn ai. Cậu không biết cô ta là loại đàn bà nào? Đã đến ở, thì khó mà trục đi được.

- Ellie bị trẹo chân, nên mời cô ta đến. Chắc sắp đi thôi.

- Ngây thơ! Cô ta từ trước đã có ý định đến đây ở. Mình hiểu ngay, khi cô ta đến xem lúc đang xây dở.

- Ellie thích có cô ta ở bên làm bạn.

- Vì trước đây họ đã ở với nhau. Greta đã học cách điều khiển vợ cậu rồi.

Lippincott đã từng nói tương tự, và chính tôi, tôi đã bắt đầu nhận ra điều ấy.

- Cậu cũng muốn cô ta ở lại à?

- Tất nhiên không, nhưng mình biết làm thế nào? Chẳng lẽ đuổi thẳng cánh? Không được.

- Có lẽ cậu không làm gì được thật. - Santonix nhìn tôi, suy nghĩ rồi nói tiếp: Cậu có biết cậu đang đi tới đâu không? Lắm lúc mình cứ nghĩ cậu chẳng hiểu gì.

- Tôi vẫn làm những gì tôi muốn làm, và biết mình đang muốn đi đâu.

- Chắc không? Tôi lại có cảm giác chính cậu không biết là mình muốn gì. Tôi ngại cho cậu vì Greta, cô ta làm gì là có mục đích rõ ràng.

- Tôi mặc xác cái mục đích của cô ta! Điều tôi muốn mới là đáng kể.

- Nhưng rồi cô ta vẫn áp đặt được ý muốn của mình. Cậu không muốn cô ta có mặt ở đây, vậy mà cô ta đã có mặt. Tôi đã quan sát cô ta và Ellie. Họ hoàn toàn tâm đầu ý hợp. Vị trí của cậu còn là chỗ nào trong cái nhà này? Mike, cậu trở thành người ngoài cuộc.

- Cậu nói vớ vẩn!... Tôi là chồng Ellie.

- Cậu là chồng Ellie, hay Ellie là vợ cậu?

- Khác gì nhau?

Santonix thở dài, sụp vai xuống, buồn rầu:

- Mình nói thế mà cậu không hiểu. Đôi lúc, mình nghĩ rằng cậu chẳng hiểu biết gì về chính mình và về những người xung quanh.

- Santonix, nghe đây, là kiến trúc sư thì cần giỏi, nhưng...

- Biết rồi, biết rồi... Ngôi nhà này là của cậu, đúng như cậu đã mơ ước. Ellie cũng thích nó và muốn sống hạnh phúc với cậu ở đây. Cậu phải nghe mình, hãy đuổi cái con phá đám ấy đi.

- Nhưng mình làm thế nào được? Ellie không muốn xa cô ấy.

- Có Greta, cậu sẽ trở thành người thừa, người phá đám.

- Ồ!... Mình cũng ưa gì cô ta đâu. Vừa rồi mình cãi nhau với cô ta một trận, Ellie giận mình. Đuổi được cô ta không đơn giản như cậu tưởng.

- Đã đành.

- Kẻ nào gọi nơi này là "Cánh đồng Gi-tan" và bỏ bùa phép vào đó, không khéo chúng mình thua mất. Bọn Bô-hê-miêng xuất hiện từ sau thân cây, giơ nắm đấm dọa nếu không cuốn xéo thì sẽ có số phận hẩm hiu. Nơi đây yên bình, hấp dẫn thế mà...

Tôi có cảm giác đang lặp lại lời của một người khác.

- Nếu nơi này bị bỏ bùa, nó sẽ ra sao?

- Cậu cũng tin vào những trò vớ vẩn ấy?

- Mình tin vào khối trò kỳ lạ. Mình rất hiểu về cái ác. Bản thân mình chẳng đang bị cái ác giầy vò đó sao?... Mình muốn cái ác phải bị trục xuất khỏi cái nhà do tay mình đã xây!

Santonix bỗng dịu đi và nói như bông đùa:

- Thôi ta không nói chuyện linh tinh. Vào gặp vợ cậu đi.

Ellie mừng rỡ gặp lại Santonix, và tối hôm đó diễn ra vui vẻ. Anh ta đối xử lịch thiệp với Greta, làm ra vẻ trân trọng, nhưng tôi đã biết rõ tim đen của anh, và phục tài anh biết che giấu tình cảm thật. Greta được khen thì nở mày nở mặt, trông càng đẹp hơn bao giờ.

Ellie hỏi Santonix định ở chơi bao lâu. Anh ta nói sẽ đi ngay hôm sau.

- Đi xây nhà mới nữa?

- Không, tôi vừa ở bệnh viện ra. Lại tiếp máu lần nữa, lần này có lẽ là lần cuối. - Thấy Ellie có vẻ hoảng hốt, anh nói ngay: - Đừng lo, các bạn sẽ không gặp cảnh đó đâu.

- Tại sao anh phải chịu lắm thứ điều trị thế nhỉ? Thật tàn ác.

- Không... không tàn ác. Lúc mới đến tôi nghe cô hát "Người sinh ra để hưởng Mừng vui và Khổ đau". Đã hiểu thế, thì ta có thể đi trên đường đời không chút sợ hãi. Cô còn hát: "Mỗi ngày, mỗi đêm, có người sinh ra để hưởng hạnh phúc." Người đó là cô đấy.

- Vâng, tôi chỉ muốn được an toàn.

- Cô sợ gì?

- Tôi không thích bị đe dọa hay có điềm gở lởn vởn.

- Cô ám chỉ bà Bô-hê-miêng?

- Đúng.

- Quên bà ta đi... ít nhất là tối nay. Hãy hưởng hạnh phúc! Ellie, tôi nâng cốc chúc cô hạnh phúc, chúc tôi kết liễu nhanh chóng và không đau đớn... chúc Mike gặp nhiều may mắn... - anh ta dừng lại, quay về Greta.

- Còn tôi, anh chúc gì? Greta hỏi.

- Chúc cô... cô muốn gì nhỉ... thành công chăng?

Santonix nói câu đó, giọng hơi chút mỉa mai.

Hôm sau, anh ta đi sớm.

CHƯƠNG XVI

Đánh máy: Long Truyện

Chiều hôm sau, tôi đang rảo bước trên một lối đi bao trùm cây cối, đang muốn ra cho mau thì nhận ra bóng một người đàn bà lang thang giữa các lùm cây. Tưởng lại là bà Bô-hê-miêng, tôi bước gấp, nhưng dáng người đàn bà cao, gầy nọ trông quá quen thuộc khiến tôi không thể lầm... mẹ tôi!

Tôi ngạc nhiên chạy lại:

- Mẹ! Mẹ làm con sợ quá! Sao mẹ ở đây? Mẹ quyết định đến thăm chúng con phải không? Chúng con mời mẹ nhiều lần...

Điều tôi nói không hoàn toàn đúng. Tôi có viết thư mời một lần, nhưng cố dùng lời lẽ không thật nhiệt tình. Tôi không muốn mẹ đến chỗ chúng tôi.

- Đúng, Mike ạ, mẹ đến thăm xem cuộc sống tốt không. Vậy kia là cái nhà con đã cho xây! - Bà ngắm tòa nhà thấp thoáng giữa cây cối: Đồ sộ quá.

- Đồ sộ quá với con hả?

- Số con không phải để ở trong cảnh này, sợ chẳng có điều gì hay.

- Nói như mẹ, không ai muốn vươn lên nữa.

- Tham vọng càng nhiều càng nguy hiểm.

- Thôi mẹ đừng nói nữa. Hãy vào xem nhà, đồ sộ quá với con, và muốn chê gì cũng được, nhưng khi gặp vợ con, con yêu cầu mẹ không được nói lung tung...

- Vợ con? Mẹ biết rồi.

- Cái gì?

- Vậy nó không kể nó đã đến thăm mẹ ư?

- Đã đến thăm... bao giờ?

- Cách đây không lâu. Một hôm, nó đến và cứ đứng trước cửa nhà không nói một lời. Mẹ thấy nó xinh và giản dị, mặc dù quần áo đắt tiền. Nó nói: "Thưa bác Rogers, con muốn gặp bác. Không lẽ con lại không biết mặt mẹ của chồng con." Mẹ trả lời biết rõ tính con, nên hiểu là con không muốn hai mẹ con gặp nhau. "Vì con giầu, nên bác nghĩ là anh ấy xấu hổ? Không, anh Mike không phải người như thế đâu, bác Rogers ạ." Mẹ liền giải thích là con sợ mẹ, thế thôi, vì mẹ biết rõ nhiều điều về con. Nghe mẹ nói thế, nó có vẻ thích, và nhận xét: "Phần lớn các bà mẹ đều nói đã hiểu hết về con, còn con lại không thích để cho mẹ chiều chuộng, che chở". Nó nói cũng có phần đúng.

- Lẽ ra Ellie phải nói với con là về thăm mẹ. Không hiểu tại sao cô ấy phải giấu giếm.

Tôi rất bực. Mẹ cố gắng xoa dịu, nhưng vô ích. Không muốn nghe gì nữa, tôi giục:

- Thôi, mời mẹ vào xem nhà.

Mẹ đi xem hết phòng này đến phòng khác, nhăn mày có vẻ không ưa, rồi đi ra hiên, Ellie và Greta đi chơi về, đang ngồi đó. Mẹ tôi đưa mắt nhìn vào Greta, cô này mặc áo khoác ngoài màu đỏ. Ellie quay lại, giật nẩy mình, chạy tới:

- Mẹ! Bất ngờ quá... Con xin giới thiệu cô bạn của con, Greta Andersen. - Mẹ tôi ngắm con dâu một lát, rồi nhìn sang Greta, lẩm bẩm:

- Ta hiểu, ta hiểu...

- Mẹ hiểu gì ạ?

- Ta thường tự hỏi nhà ở các con ra sao. Đẹp lắm. Rèm cửa, bàn ghế, tranh ảnh...

- Mẹ dùng trà nhé?

- Có hơi khuya rồi không?

- Uống trà thì lúc nào cũng được – Nàng quay về phía Greta: - Khỏi phải sai bảo gia nhân. Greta, cô xuống pha giúp ấm trà nhé?

- Được.

Rồi cô ta đi ra, đưa mắt nhìn mẹ tôi, có vẻ sợ.

- Không, con ạ. Nửa tiếng nữa, ta lại ra tầu. Ta chỉ muốn đến xem thế thôi. – Bà vội nói nhanh, như không muốn để Greta nghe thấy: - Đừng sợ. Chuyện con gặp ta, ta đã nói với Mike rồi.

Ellie rụt rè nhìn tôi:

- Đừng giận em, anh nhé. Em nghĩ giấu anh thì tốt hơn.

Mẹ giải thích:

- Vợ con có tình cảm với mẹ như thế là đáng quý. Mike, con đã chọn được người tốt. Mẹ rất tiếc...

- Tiếc gì ạ? Ellie hỏi.

- Tiếc là chưa biết con mà đã định đánh giá con. Các bà mẹ chồng thường như thế, bao giờ cũng gờm đứa con gái nào lấy mất con trai của mình. Nhưng vừa nhìn thấy con, mẹ đã ưng ngay. Mike thật may mắn.

Tôi cười:

- Ồ, mẹ, mẹ vẫn biết là con mẹ có con mắt tinh đời.

Chúng tôi đang vui vẻ thì Greta bưng khay vào, và không khí lại trở căng thẳng. Ellie rụt rè mời mẹ tôi ở chơi thêm nữa, nhưng trước vẻ mặt lạnh lùng của bà, không dám nói thêm. Chúng tôi tiễn mẹ ra cửa và trước khi từ biệt, mẹ hỏi:

- Các con gọi khu này là gì?

- "Cánh đồng Gi-tan".

- Đúng là có người Bô-hê-miêng quanh đây.

- Sao mẹ biết?

- Lúc đến đây, mẹ gặp một bà già nhìn mẹ chòng chọc.

- Bà Lee... Bà ta không xấu đâu, chỉ đầu óc hơi bất bình thường.

- Mẹ lại không cho là như vậy. Bà có vẻ căm thù ai. Các con đã làm gì bà ấy?

Ellie đỡ lời tôi:

- Bà ta khẳng định đất này là của người Gi-tan. Một đoàn du mục trước hạ trại ở đây, sau bị đuổi đi.

- Chắc bà ta muốn có tiền. Giống người ấy là vậy. Họ kêu la, dọa nạt, nhưng ta chìa ra vài đồng tiền là họ im ngay. À mà cái cô xinh đẹp ở cùng là người như thế nào?

Ellie liền nói rõ ràng mình và Greta chơi thân nhau như thế nào, và nhờ có Greta nàng mới lấy được người mình yêu. Và kết luận:

- Greta rất tốt, nếu không có cô ấy con không biết xoay sở ra sao.

- Cô ấy sống hẳn ở đây, hay chỉ ở tạm?

- Con bị trẹo chân, nên mời cô ấy đến giúp, nay con khỏi rồi, sẽ tính...

- Vợ chồng trẻ cần phải sống riêng.

Mẹ ôm hôn chúng tôi rồi đi. Ellie nhìn theo, trầm ngâm:

- Bà là người rất có cá tính.

Tôi vẫn còn giận nàng về chuyện nàng lén đi gặp mẹ, định nói ra điều ấy, nhưng thấy mắt nàng trong trẻo quá, nụ cười tươi tắn quá, lại thôi. Nỗi giận bay đi đâu mất.

- Em là chúa hay bí bí mật mật.

- Đôi khi cần phải như thế.

- "Nàng đã lừa cha, vậy có thể lừa cả anh".

- Em không hề lừa cha. Lúc đó em còn bé.

- Cha em chắc không tán thành chúng ta lấy nhau.

- Nếu cha còn sống mà như vậy, em sẽ bỏ trốn để lấy anh.

- Tại sao em lại muốn gặp mẹ đến thế?

- Anh đừng quá quan tâm. Em biết mẹ rất yêu anh và sẽ rất vui nếu gặp con dâu. Mẹ đã lao động vất vả nuôi anh ăn học.

- Chuyện ấy chỉ liên quan đến mẹ và anh.

- Phần nào em đã hiểu tại sao anh không thích em biết mẹ.

- Em tưởng là anh mặc cảm về sự nghèo hèn của gia đình ? Anh không bao giờ nghĩ chuyện đó.

- Em tin. Anh không muốn mẹ kể chuyện anh cho em. Chắc mẹ luôn muốn anh có công việc gì tốt đẹp.

- Phải, công việc tốt đẹp, tương lai bền vững.

Nàng nhún vai:

- Bây giờ điều ấy chẳng quan trọng... Em thông cảm với ước muốn của mẹ, và chắc anh đã nhiều lần làm mẹ thất vọng. Anh không thuộc hạng người chấp nhận một cuộc sống eo hẹp. Với anh, luôn luôn phải biết tất cả, làm tất cả để leo lên tận đỉnh!

- Anh? Anh chỉ muốn ở trong cái nhà này, với em. Biết đâu anh lại không nổi hứng đi nghiên cứu các kiểu vườn trên thế giới, để về sửa sang khu vườn nhà thật đặc biệt? Nhưng em tin rằng, giữa hai chuyến đi, anh sẽ mong được trở về đây nghỉ ngơi, và chỉ ở đây chúng mình mới hạnh phúc nhất.

- Chúng mình sẽ không bao giờ buồn chán. Anh rất tiếc đã giận em về chuyện mẹ.

- Mẹ có vẻ không ưa Greta.

- Nhiều người cũng nghĩ như thế.

- Trong đó, có cả anh?

- Lúc đầu anh có khó chịu thấy em thân thiết với cô ta, nhưng nay anh đã hòa hợp với cô ta rồi. Dù sao thì buổi đầu cũng phải dè dặt.

- Chú Andrew cũng không ưa Greta. Chú sợ em chịu ảnh hưởng của cô.

- Như thế có đúng không?

- Có thể đúng, nhưng chuyện đó là tự nhiên. Greta có tính áp đặt, và em cần cô nâng đỡ để chịu đựng cảnh gia đình.

- Và cuối cùng là thoát khỏi gia đình.

Chúng tôi về nhà trong tiếng cười vui. Một gia nhân cho biết Greta đi ra ngoài dạo chơi.

Bây giờ mẹ tôi đã biết Ellie và hoàn cảnh sống của chúng tôi, nên tôi mạnh dạn gửi biếu mẹ một tấm séc với số tiền lớn, đề nghị mẹ tìm nhà khác tốt hơn để ở. Tấm séc bị xé làm đôi và gửi trả lại lập tức, kèm mấy chữ: "Mẹ không cần tiền này, Mike, con vẫn không thay đổi. Cầu trời ban phước cho con".

Tôi đưa tất cả cho Ellie xem, bực dọc nói:

- Tính mẹ thế đấy! Chỉ tại anh cưới được vợ giầu và tiêu tiền không phải do mình làm ra...

- Thôi, anh yên tâm, rồi mẹ sẽ quên. Mẹ rất yêu anh.

- Vậy thì tại sao bà cứ muốn anh thay đổi? Anh đã lớn, không thể thay đổi tính cách.

- Anh thế nào thì em yêu anh như thế.

Rồi nàng chuyển sang chuyện khác cho tôi khuây khỏa:

- Anh thấy người hầu mới thế nào?

Tôi chẳng thấy thế nào cả, chỉ thấy hắn nhìn tôi có vẻ khinh thường.

- Cậu ta chăm chỉ... Thế thì sao?

- Em nghĩ hắn có thể là thám tử do chú Andrew cử đến.

- Tại sao ông ấy lại ghép hắn vào nhà mình?

- Để phòng ta bị bắt cóc chẳng hạn. Ở Mỹ, mỗi lần em đi đâu, đều có một, hai thám tử đi kèm.

- Lại một phiền phức nữa mà những kẻ giàu có phải chịu. Rắc rối quá.

- Nhưng có gì quan trọng đâu?

- Còn vợ của hắn?

- Nếu hắn là thám tử, chắc chắn vợ hắn cũng ở trong cuộc. Em nghĩ là chú Andrew, mà nếu không phải chú thì là Stanford Lloyd đã cho tiền đôi vợ chồng trước để họ bỏ đi, và thay thế vào đó đôi vợ chồng do chú đã chọn.

- Nhưng sao không báo cho mình biết?

- Vì sợ em phản đối, sẽ không thực hiện được. Nhưng có lẽ chỉ do em nghĩ quẩn thôi... vì em đã quen thấy mặt các thám tử bao quanh mình, nên tự nhiên ở đây em cũng cảm thấy thế.

- Thật tội nghiệp cho cô bé giầu có! Càng ngày anh càng hiểu thêm nhiều điều về em.

CHƯƠNG XVII

Đánh máy: Long Truyện

Tối hôm ấy, tôi trằn trọc mãi không ngủ. Trong đầu óc tôi lởn vởn nào Bô-hê-miêng, thám tử, nào những kẻ giết thuê, những kẻ thù vô hình, và một lô nhân vật đáng ngờ khác. Cuối cùng, tôi thiếp đi, sáng hôm sau tỉnh dậy, hoàn toàn thanh thản. Một ngày mới bắt đầu, chính xác là ngày 17 tháng chín, ngày ấy sẽ mãi mãi được tôi ghi nhớ.

Tôi cảm thấy hạnh phúc tràn trề, như người sẵn sàng đi bất kỳ đâu để làm bất cứ việc gì. Tôi phác họa nhiều dự định... Thiếu tá Phillpot hẹn sẽ gặp tôi ngày hôm đó tại một cuộc bán đấu giá cách khoảng mười lăm dặm, và trong số các vật ghi trong catalô, tôi đã chấm một thứ mua tặng vợ.

Ellie bận đồ kỵ sĩ, đi xuống ăn điểm tâm. Giờ đây hầu như ngày nào nàng cũng cưỡi ngựa, có lúc cùng với Claudia Hardcastle, nhưng thường là đi một mình.

Theo phong cách Mỹ, nàng mở đầu bằng một tách cà phê và một cốc nước cam. Phần tôi, vì có thể có tất cả cái gì tôi muôn, tôi đã nhiễm thói quen của một nhà quý tộc thời nữ hoàng Vitoria, ngay sáng sớm tôi đã ngốn cả một bữa tiệc thịnh soạn!

Còn đang nhồm nhoàm, tôi hỏi Greta định làm gì hôm nay.

- Tôi cùng Claudia ra ga chợ Chadwell, đi London mua hàng trắng hạ giá.

- Có nghĩa là tất cả các hàng hóa đều trắng?

Cô ta nhìn tôi với vẻ khinh thường, rồi giải thích: bán hàng trắng có nghĩa là bán các loại vải dùng trong nhà với giá phải chăng.

Tôi liên quay lại đề nghị với Ellie:

- Nếu Greta đi London cả ngày, sao em không cùng đi với anh đến nhà hàng "George" gặp thiếu tá? Ta sẽ ăn trưa ở đấy, khá ngon. Nào, hẹn nhau lúc một giờ trưa nhé.

- Đồng ý. Em sẽ đúng hẹn.

Tôi đỡ nàng lên ngựa, và nàng ra roi. Nàng có thói quen đi theo lối mòn đến vùng đất bằng phẳng, chỗ đó nàng cho ngựa phi nước đại rồi quay thẳng về nhà. Tôi để lại chiếc xe thể thao, dễ lái, cho Ellie, còn mình lái chiếc Chrysler. Tôi tới Barlington Manor vừa lúc cuộc bán đấu giá bắt đầu. Viên thiếu tá đến trước, đã giữ cho tôi một chỗ ngồi. Ông ta am hiểu về đồ cổ vì sống trong một gia đình có gốc rễ lâu đời.

Tôi vừa ngồi xuống, ông ta thì thào:

- Tôi đã chấm một số bức tranh quý, trong đó có một Rommey và một Reynolds. Anh có thích không?

- Không. Gần đây tôi yêu các họa sĩ hiện đại.

- Thế thì cũng có nhiều người bán đấy. Vợ anh không cùng đến à?

- Không. Nhà tôi không thích các cuộc này... Dù sao, tôi cũng không muốn cô ấy cùng đi hôm nay.

- A... tại sao?

- Tôi muốn dành cho cô ấy một bất ngờ. Ông đã xem vật phẩm số 42 chưa?

Ông giở catalô, rồi đưa mắt nhìn vào góc phòng:

- Cái bàn kia? Có vẻ tốt. Và thú thật tôi chưa thấy cái bàn giấy nào có kiểu như vậy.

Quả thật cái bàn trông rất hay, phía trước chạm hình lâu đài Windsor, hai bên chạm những bó hoa hồng.

- Tôi tưởng anh không thích loại bàn ấy – thiếu tá nhận xét.

- Tôi thì không thích lắm, nhưng tôi biết Ellie rất mê. Tuần sau là sinh nhật cô ấy, tôi muốn cô ấy sẽ bất ngờ khi thấy chiếc bàn này kê trong phòng. Bây giờ ông hiểu tại sao tôi không muốn cô ấy cùng đi chứ?

Tôi phải trả giá rất cao mới mua được cái bàn, ngoài ra còn mua một chiếc ghế chạm trổ rất đẹp, và một đôi màn cửa bằng gấm.

Người chủ trì tuyên bố cuộc bán vẫn tiếp tục buổi chiều. Phillpot đứng dậy:

- Anh có vẻ thích trò mua bán này. Lần sau có trở lại không?

- Không. Chẳng thiết thứ gì cả.

- Ta đi ăn trưa chứ? Ellie đến cùng ăn với ta ở hiệu "George"?

- Có khi cô ấy đã tới đó rồi.

- Còn cô... Andersen?

- Cô ta đi London, cũng lại đến một cuộc gọi là bán hàng trắng, Claudia đi cùng thì phải.

- Phải, Claudia hôm qua có nói. Mike, hôm nay anh có vẻ hài lòng.

- Vì đã mua được bàn cho Ellie. Song quả là hôm nay ngay từ lúc mới dậy, tôi đã thấy phấn chấn khác thường. Cuộc đời có những lúc như thế, ta cảm thấy thế giới này hoàn hảo, và hạnh phúc thật đơn giản.

- Coi chừng đấy. Có cảm giác ấy hình như là điềm gở.

- Đó là tín ngưỡng của người Scotland?

- Đúng, và được kiểm nghiệm qua thực tế, thế mới lạ!

- Tôi không tin những điều mê tín bậy bạ.

- Cũng không tin vào lời cảnh cáo của người Bô-hê-miêng?

- Một tuần nay, chúng tôi không giáp mặt bà Lee.

- Bà ấy lang thang đây đó. Anh cho tôi đi nhờ xe nhé? Không cần mỗi người một xe, lát nữa anh lại thả tôi xuống đây.

- Vui lòng.

- Ellie đến bằng phương tiện gì?

- Hy vọng là George đã chuẩn bị một bữa ăn ngon. Đói lắm rồi!

Bãi để xe của nhà hàng đông nghịt, nên tôi không thể biết xe của Ellie đến chưa. Vào trong, tôi để ý tìm nhưng không thấy, và nghĩ rằng chúng tôi là người đến sớm. Nhìn đồng hồ, tôi yên tâm: vừa vặn đúng một giờ. Trong khi chờ đợi, chúng tôi ra quầy bar uống chút rượu. Cả nhà hàng chỉ còn một bàn trống, chính là chiếc bàn hôm qua tôi đã gọi điện dành riêng. Tôi nhìn quanh: nhiều khuôn mặt quen, ngồi cạnh cửa sổ, có một người làm tôi đặc biệt chú ý. Ai nhỉ? Tôi đã gặp ở đâu? Chắc chắn hắn không phải người vùng này, nhìn cách ăn mặc thì biết. Trong đời, tôi đã tiếp cận đủ loại người, làm sao nhớ hết. Nhưng người này... hình như tôi mới gặp ở đâu?

Ở cuộc bán đấu giá vừa rồi, thì không phải.

Bà chủ, đường bệ trong bộ váy lụa đen, lại gần:

- Ông Rogers, ông dùng bữa đi chứ? Hôm nay cửa hàng đông khách, tôi phải từ chối một số, vì không còn chỗ.

- Nhà tôi sắp đến bây giờ.

Tôi lẩm bẩm: hay là giữa đường, xe nàng bị nổ lốp? Tôi liền hướng về Phillpot bảo:

- Thôi, ta ăn vậy. Nhà tôi chắc lại kề cà, đến muộn.

- Phụ nữ bao giờ chả bắt mọi người chờ đợi!

Chúng tôi ngồi vào bàn, ăn ngon miệng. Tôi nói:

- Ellie lỡ hẹn thế này, thật không hay. Mọi khi, có Greta nhắc nhở lúc nào cần đi đâu, làm gì. Hôm nay Greta lại đi London.

- Vợ anh phụ thuộc vào cô Greta nhiều không?

- Về những chuyện vặt này, thì có.

Xong một món, chuyển sang món khác, tôi bỗng nẩy ra ý kiến:

- Hay cô ấy quên?

- Thế thử gọi điện về nhà xem sao.

Tôi liền gọi về, cô nấu bếp nghe điện, đáp:

- Ồ! Thưa ông, bà Rogers chưa về ạ.

- Sao, chưa về là thế nào?

- Vâng, bà nhà đi ngựa chưa về.

- Ăn sáng xong, bà đi ngay cơ mà. Không thể cưỡi ngựa suốt buổi. Sao không gọi để báo tôi biết?

- Dạ, con không biết ông đang ở đâu.

Tôi đọc số điện thoại của nhà hàng "George", yêu cầu Ellie về phải báo ngay. Tôi về chỗ, Phillpot nhìn tôi, hiểu ngay là có trục trặc.

- Ellie vẫn chưa về. Cô ấy cưỡi ngựa như mọi lần, đáng lẽ phải về từ mười một giờ.

- Đừng vội lo lắng quá. Nhà anh ở xa làng. Có thể con ngựa bị đau, Ellie phải dắt bộ. Đồng quê vắng vẻ, cô ấy không nhờ ai về báo được.

- Nếu định đi đâu, ắt cô ấy đã báo trước.

- Ta ra đi. Rồi sẽ phải tìm thấy.

Chúng tôi vừa ra khỏi sân nhà hàng, một xe hơi đi sát qua, người lái chính là người lúc nãy tôi để ý. Đột nhiên tôi nhớ ra... Stanford Lloyd – nếu không thì cũng phải người nào giống như đúc. Ngồi bên là một phụ nữ, mà tôi thoáng nhìn hình như là Claudia Hardcastle. Tưởng cô ta đi London với Greta? Và lý do gì Lloyd lại luẩn quẩn quanh đây? Ông ta đến chơi với chúng tôi chăng?

Nếu vậy, sao không báo trước? Bấy nhiêu câu hỏi quay cuồng trong đầu óc...

Trên đường đi, tôi cảm thấy Phillpot đăm đắm nhìn tôi, khiến tôi phải bật lên:

- Hay là cái điều mê tín Scotland của ông hiệu nghiệm chăng?

- Đừng nghĩ thế vội. Vợ anh có thể bị ngã ngựa. Nhưng cô ấy vốn cưỡi ngựa giỏi, nếu có tai nạn chắc không nghiêm trọng.

- Biết thế nào được.

Về đến gần nhà, tôi lái xe chậm để quan sát hai bên đường, thỉnh thoảng lại dừng xe hỏi thăm.

Một ông già đang bới khoai cho tôi tin tức đầu tiên:

- Cách đây hai tiếng, tôi thấy một con ngựa không người cưỡi, định giữ lại thì nó phi đi mất. Từ đó không thấy ai nữa.

- Ta về nhà ngay – thiếu tá nói – có thể biết tin.

Song ở nhà, bọn gia nhân vẫn ngồi đợi bà chủ. Tôi liền sai một người hầu ra ngay trảng. Phillpot gọi điện về làng, yêu cầu cử một người cùng ra đó tìm. Rồi hai chúng tôi đi bộ theo con đường mà Ellie vẫn thường đi ngựa.

Đến một chỗ rẽ... chúng tôi tìm thấy nàng. Con ngựa đã quay về với chủ, đang cúi xuống hít hít. Tôi và Phillpot chạy lại.

Ellie nằm co quắp trên cỏ, mặt ngửa lên trời.

Tôi quay mặt đi, không dám nhìn. Phillpot cúi xuống, rồi đứng lên ngay:

- Phải gọi bác sĩ Shaw. Nhưng... sợ không kịp nữa rồi.

- Ông bảo... cô ấy đã chết?

- Mike, nói dối anh vô ích. Cô ấy đã chết.

- Không thể như vậy!... Ellie không chết!

- Uống cái này.

Ông ta chìa một lọ cô nhắc, tôi uống một hơi.

Lúc này, tên hầu đã đến, và Phillpot sai hắn đi mời bác sĩ Shaw.

CHƯƠNG XVIII

Đánh máy: Long Truyện

Bác sĩ Shaw đến trên chiếc Lan-Rover cũ. Ông thường dùng xe này để tới các ấp trại lẻ loi, khi thời tiết làm đường xá khó đi. Ông gật đầu chào chúng tôi rồi đến gần Ellie. Khi trở lại chỗ chúng tôi, ông lắc đầu:

- Nạn nhân chết từ ba đến bốn tiếng rồi. Chuyện gì đã xẩy ra?

Tôi ấp úng kể chuyện Ellie đi ngựa buổi sáng. Ông hỏi:

- Cô ấy có hay bị ngã ngựa không?

- Không, Ellie quen lắm rồi, cô ấy là kỵ sĩ giỏi.

- Cô ấy vẫn có thể ngã, rồi mất bình tĩnh. Ngựa lồng lên...

- Con này rất lành.

Phillpot cùng góp chuyện, xác nhận ngựa rất lành, rồi hỏi:

- Cô ấy có bị gẫy xương sườn?

- Tôi chưa khám kỹ, nên chưa thể nói, nhưng thoạt nhìn thì không có vết thương nào. Chết là do ngã.

- Không thể thế!

- Nhiều người chỉ ngã mà chết. Ví dụ do tim yếu.

- Ellie có nói với tôi là các bác sĩ bên Mỹ đã dặn phải coi chừng vấn đề này.

- Dù sao thì rồi ta cũng sẽ rõ, vì tôi buộc phải yêu cầu mở cuộc điều tra. Bây giờ tôi khuyên anh hãy về nhà, nghỉ ngơi. Anh có vẻ cần nghỉ đấy.

Một nhóm người tiến đến, và qua những lời đối đáp giữa Phillpot với họ, tôi biết đó là một khác du lịch tò mò đến xem, một nữ nông dân trên đường về ấp trại, và một ông thợ sửa đường. Từng mảng câu nói tới tai tôi, loáng thoáng như trong mơ:

- Tội nghiệp... Còn trẻ thế... Cô ấy bị hất ngã ư?

- Đi ngựa là cứ phải cẩn thận.

- Ồ là bà Rogers, ở "Ngọn Tháp".

Ông lão sửa đường làm tôi giật mình:

- Tôi suýt bị nó đâm phải.

Bác sĩ Shaw hỏi dồn:

- Thế nào? Chuyện thế nào?

- Ôi, tôi thấy con ngựa phi nhanh, băng qua đồng.

- Ông có nhìn thấy bà ấy ngã?

- Không... không! Tôi có nhìn thấy bà ấy lúc cưỡi ngựa ra khỏi rừng, nhưng rồi tôi quay lưng lại, vì đang phải đập đá. Lát sau, tôi nghe tiếng ngựa phi, ngửng lên thì thấy ngựa không người cưỡi. Tôi lấy làm lạ, song nghĩ rằng bà ấy đã xuống ngựa vì lý do nào đó và tiếp tục đi chân.

- Ông không nhìn thấy bà ấy nằm vật dưới đất?

- Không. Mắt tôi đâu còn tinh như thanh niên.

- Có ai lại gần bà, trước hoặc sau khi ngã?

- Tôi không thấy ai.

Bà nông dân bỗng hỏi:

- Có lẽ bà Bô-hê-miêng làm bà ấy sợ.

Tôi quay ngoắt lại:

- Bà Bô-hê-miêng, bà trông thấy?

- Cách đây chừng ba bốn tiếng. Tôi đi vào làng... Thực ra, không chắc có phải bà ấy không, vì tôi đứng rất xa, không phân biệt rõ. Chỉ biết duy nhất có bà thường mặc áo khoác đỏ. Tôi thấy bà ta đi trên đường vào rừng. Nghe nói bà ấy đã nhiều lần nói những điều báng bổ bà người Mỹ.

Tôi hét lên, không sợ mọi người nghe thấy:

- Cánh đồng Gi-tan!... Trời ơi, sao ta lại đặt chân đến chốn này!

PHẦN BA

CHƯƠNG XIX

Đánh máy: Long Truyện

Cực kỳ khó khăn và đau khổ cho tôi khi nhớ lại các việc xảy ra sau cái ngày tai họa ấy. Đến hôm đó, đầu óc tôi rất sáng suốt, mặc dù tôi đã phải suy nghĩ nhiều để xem nên bắt đầu câu chuyện từ chỗ nào. Từ hôm Ellie mất, một phần con người tôi cũng chết theo, và tôi trở nên vô cảm với mọi việc xảy ra chung quanh.

Tôi chỉ nhớ các hàng xóm tỏ ra tốt bụng, Greta thì tháo vát, lo thu xếp mọi việc thường ngày, song Ellie không còn nữa, ngôi nhà sao mà trống vắng...

Cuộc điều tra là một sự hoàn toàn mới mẻ với tôi. Tôi chưa bao giờ có dịp tham dự vào những hành vi có tính thủ tục như vậy. Viên cảnh sát pháp y đeo kính kẹp mũi, nói năng hết sức trịnh trọng. Ông ta gọi tôi lên làm chứng, tôi phải kê khai lý lịch của Ellie, kể lại những việc xẩy ra trong cái ngày 17 tháng chín đáng nhớ đó, vợ tôi lúc ra đi tỏ ra hoàn toàn bình thường, khỏe mạnh.

Đến lượt Shaw lên làm chứng. Ông tường thuật ngắn gọn kết quả khám nghiệm: Không thương tích nghiêm trọng, chỉ sai khớp xương đòn, một số chỗ bị giập. Theo ông, cái chết đến tức khắc và chỉ do ngã ngựa.

Rồi đến Greta. Cô nhấn mạnh nhiều hơn đến tình hình yếu tim của Ellie, đã khiến các chuyên gia Mỹ lo ngại từ cách đây ba bốn năm.

Rồi đến một nhân chứng đã có mặt ở gần nơi xẩy ra tai nạn. Ông già bới khoai nói trước. Ông đã nhìn thấy người cưỡi ngựa từ cách xa năm mươi mét. Ông biết nàng là ai, dù chưa bao giờ chuyện trò.

- Ông biết mặt bà ấy?

- Không, nhưng tôi nhận ra con ngựa, có đốm trắng ở một bên chân. Vốn là ngựa của ông Carey ở Shettle-groom. Tôi biết con này rất lành.

- Hôm tai nạn, ông đã nhìn thấy con ngựa phi không xa, vậy ông có thấy nó có vẻ gì hoảng sợ?

- Hoàn toàn không.

- Ông nói xem, trong buổi sáng ông đã gặp những ai?

- Tôi làm việc ở quãng đường vắng vẻ, ai muốn đi tắt từ làng đến mấy ấp trại xa mới dùng. Tôi chỉ thấy một người đi xe đạp, một người khác đi chân, rồi trước lúc bà cưỡi ngựa đi qua một chút, là bà Lee... tôi nghĩ là bà ta, nhưng vì ở xa nên không nhìn rõ. Bà ấy đi con đường dẫn tới phía tôi đứng, rồi đột ngột rẽ vào rừng biến mất.

Cảnh sát hỏi tại sao không thấy bà Lee đến dự cuộc thẩm vấn, thì được trả lời: đương sự đã bỏ làng đi từ mấy hôm nay, không nói là đi đâu. Vì bà ta thường lang thang như thế, nên không ai quan tâm. Có người nhớ ra một hoặc hai ngày trước hôm tai nạn, bà ta cũng đi vắng đâu không biết.

Ông lão bới khoai lại được mời ra.

- Ông có chắc chắn trông thấy bà Lee hôm ấy?

- Thú thật, tôi không dám bảo đảm, nhưng người ấy có chiếc áo đỏ giống bà Lee.

- Cảm ơn. Ông Rogers, phiền ông lại đây. Ông biết bà Lee?

- Có, rất biết.

- Ông đã có dịp nói chuyện với bà ấy?

- Luôn luôn, hay đúng hơn, bà ấy nói với tôi và vợ tôi trước.

- Đã bao giờ bà ấy đe dọa?

Tôi nghĩ một lát:

- Gọi là đe dọa cũng được, mặc dù...

- Ông cứ nói.

- ... tôi không coi trọng những lời huyên thuyên của bà ấy.

- Bà ta có vẻ gì không ưa vợ ông, vì một lý do nào đó?

- Một hôm vợ tôi có nói như thế, song cũng không hiểu lý do tại sao bà ấy ác cảm.

- Ông có yêu cầu bà ấy không được lai vãng gần nhà, và đe dọa bà ta nếu không tuân theo?

- Người đe dọa bao giờ cũng là bà ấy, không phải tôi.

- Ông có cho là đầu óc bà ta không bình thường?

- Có. Theo tôi, bà ấy đinh ninh là miếng đất chúng tôi xây nhà vẫn thuộc về dân du mục, và ý tưởng ấy ăn sâu vào đầu óc.

- Bà ta có bao giờ dùng vũ lực với vợ ông?

- Không, chỉ tiên đoán là có tương lai xấu.

- Có bao giờ bà ta nói rằng bà Ellie sẽ chết?

- Hình như có lúc nói vậy, nhưng như đã nói, tôi cho là bà ta ba ba hoa, không thèm để ý.

- Còn bà nhà?

- Vợ tôi rất ngại phải nghe những lời báng bổ của bà Lee. Dù sao tôi nghĩ bà ta không chịu trách nhiệm gì về tai nạn xảy ra.

Đến đây, cuộc thẩm vấn được hoãn đến nửa tháng nữa, để chờ bà Lee đến làm chứng. Mọi thứ đều chứng tỏ Ellie chết vì tai nạn, nhưng không thể giải thích tai nạn xảy ra như thế nào.

CHƯƠNG XX

Đánh máy: Long Truyện

Tôi quyết tâm tìm hiểu tại sao lại có mặt bà Lee ở gần nơi Ellie bị nạn. Vì thế hôm sau tôi đến nhà thiếu tá Phillpot.

- Ông biết bà Lee, vậy ông có cho là bà ta cố tình gây ra tai nạn chết người như thế không?

- Không. Bà Esther không thể có hành động ấy. Theo tôi biết, bà ấy chưa hề có ý định hại ai.

- Song không hiểu tại sao bà ta cứ rình lúc Ellie đi qua là xuất hiện. Thái độ kỳ quặc ấy khiến tôi phải tin là bà ta căm ghét vợ tôi, nhưng ghét vì cái gì cơ chứ... Trước khi đến đây, cả Ellie và tôi...

- Chuyện gì vậy?

- Tôi... tôi vừa mới nhớ lại. Ông có biết tôi gặp Ellie lần đầu ở đâu không? Không, ông làm sao đoán được. Hồi đó, tôi ghé qua chợ Chadwell, đọc thấy tờ cáo thị rao bán khu đất và nhà, nên tôi thử lên xem. Chính tại đó Ellie xuất hiện... đứng dưới một gốc thông cổ thụ... Thấy tôi, nàng giật mình và... thế là dẫn đến việc chúng tôi quyết định xây nhà trên khu đất ma làm đó!

- Bao giờ thì anh cho rằng khu đất này có ma ám?

- Tôi chưa bao giờ tin điều đấy. Hình như ngay từ đầu, đã có kẻ nào muốn làm nàng sợ hãi.

- Ai mà lại có cái ý định kỳ cục ấy?

- Bà Bô-hê-miêng chăng. Bà ta báo trước Ellie rằng nếu còn ở lại sẽ gặp tai họa lớn.

- Nếu anh cho tôi biết chuyện đó! Tôi sẽ gặp Esther, nói lẽ phải với bà, khuyên bà không nên gây sự.

- Theo ông, bà ấy làm thế là có lý do gì?

- Chỉ là muốn ra vẻ ta đây muốn quan trọng. Muốn khẳng định là mình có phép tiên đoán tương lai.

- Hay là có ai trả tiền để xui bà làm? Nghe nói bà ta rất hám tiền.

- Đúng thế... nhưng ai bảo anh vậy?

- Viên đội Keene. Tôi thì không bao giờ nghĩ chuyện ấy.

- Dù sao, tôi không tin bà Esther có thể dọa vợ anh nhằm mục đích gây tai nạn chết người.

- Tất nhiên là vậy. Hay bà ấy chỉ hét to làm con ngựa sợ mà lồng lên?

- Có thể lắm.

- Khu đất chúng tôi có bao giờ thuộc sở hữu bà Lee?

- Ồ, không! Có thể một số đoàn du mục đã hạ trại ở đó và bị xua đuổi nhiều lần, nhưng từ đó mà bảo có ai đã ôm mối hận thù sâu sắc, thì chắc không.

- Ta hãy trở lại giả thuyết có kẻ nào đó đã dùng bà Lee để bẩy chúng tôi đi khỏi đây, thì sẽ ra sao? Bà Lee cố làm tôi hoảng sợ không được, liền tập trung mũi nhọn vào Ellie, vì cô ấy dễ nao núng hơn. Chỉ cần quấy nhiễu một trong hai chúng tôi, bọn chúng tin là chúng tôi phải bỏ đi. Kẻ nào đó phải có lý do gì, muốn chiếm dinh cơ của chúng tôi.

- Đúng... nhưng lý do gì?

- Dưới đất có mỏ than chăng?

- Không chắc.

- Hay một kho tàng bí ẩn, hoặc tiền cướp được ở đâu giấu dưới đó? Nếu không thì Ellie phải có một kẻ thù thực sự.

- Trường hợp ấy, anh nghi cho ai?

- Theo tôi biết, nàng không có quan hệ với ai trong vùng.

Tôi đứng lên:

- Xin lỗi đã làm phiền ông vì những chuyện rắc rối của tôi.

- Tôi rất tiếc không giúp được gì cho anh.

Lúc sắp ra về, tôi nhớ ra một tình tiết:

- Tôi muốn đưa ông xem cái này, tôi định đem trình cảnh sát.

Tôi rút trong túi ra một viên đá bọc trong mảnh giấy.

- Sáng nay, họ ném cái này qua cửa sổ vào phòng ăn. Chuyện tương tự đã xẩy ra ngay tối hôm chúng tôi mới đến. Chắc của cùng một người.

Phillpot cầm mảnh giấy, trên có mấy chữ viết vụng về:

"Người giết vợ ông là một phụ nữ"

Thiếu tá chau mày:

- Kỳ lạ! Mảnh giấy đầu tiên có cùng một nét chữ?

- Tôi không nhớ, chỉ nhớ có câu khuyên là nên rời "Cánh đồng Gi-tan". Lúc đó tôi cho chỉ là trò trẻ nghịch ngợm, nhưng lần này có vẻ nghiêm túc.

- Ông trình giấy này cho Keene là đúng. Hắn sẽ biết cách tìm ra tác giả.

Viên cảnh sát tôi gặp sau đó quả nhiên rất chú ý:

- Ít lâu nay trong làng có những chuyện bất thường.

- Theo ông, mảnh giấy này có nghĩa gì?

- Khó mà nói cụ thể. Một sự tố cáo gián tiếp... Làm sao biết nó có căn cứ gì không?

- Hay là nó ám chỉ bà Lee?

- Tôi không tin, vì nếu vậy người viết sẽ không ngại chỉ đích danh. Theo tôi, người tố cáo ở gần nơi tai nạn và đã nhìn hoặc nghe thấy gì đó, có thể là một bóng người biến vào rừng, nhiều người có xu hướng đổ tội cho bà Lee mà không có bằng chứng.

- Ông đã tìm thấy bà Lee chưa?

- Chưa, chúng tôi đã đến tìm ở một trại du mục, nơi bà ta thỉnh thoảng lại đến, nhưng ai cũng nói không biết. Có điều là những người dân này ít khi chịu cộng tác với cảnh sát. Song tôi cho là bà Lee chưa đi xa đến thế.

- Thật ư?

- Bà ta sợ... Đã mấy lần đe dọa vợ ông, bà ta biết có thể bị nghi là người gây ra tai nạn, cảnh sát thế nào cũng hỏi đến, nên bà ta phải lánh đi, muốn vậy phải tránh không dùng các phương tiện giao thông công cộng.

- Chắc rồi các ông sẽ tìm thấy.

- Tất nhiên, nhưng phải có thời gian. Có một giả thuyết khác... Có ai cho tiền bà ta để tìm cách xua đuổi ông đi khỏi đây.

- Nếu vậy, bà ta có lý do để không biến đi.

- Nhưng người đó lại đang muốn tóm bà ta để bịt đầu mối.

- Hãy giả thử đúng là đàn bà, như mảnh giấy nói...

- Dù đàn bà hay đàn ông, người muốn ông bà đi khỏi không nhất thiết phải làm bà Rogers chết.

- Tôi đồng ý...

- Và bây giờ, ai là người bị truy đuổi?... Sau khi gây ra tai nạn, bà Lee phải báo cáo với kẻ đã thuê mình. Bà ta sợ, muốn gặp ta để khai ra tên chủ mưu hòng gỡ tội, nhưng tên này cũng tìm mọi cách để bịt miệng bà.

- Vậy ông cho rằng giờ này có khi bà ta đã bị thủ tiêu?

- Rất có thể.

Viên đội ngừng một lát rồi nói tiếp.

- Ông có biết cái khu gọi là "Folie" ở trong đất của ông?

- Có. Tôi và vợ tôi một hôm phát hiện ra nó và quyết định sửa sang lại. Thỉnh thoảng chúng tôi lại ghé qua. Nhưng tại sao ông hỏi vậy?

- Trong lúc điều tra, chúng tôi đã quan sát chỗ đó. Nhà không khóa...

- Vâng, chúng tôi để ngỏ, vì bên trong không có vật gì quý giá.

- Chúng tôi tìm xem có dấu vết gì của bà Lee, nhưng tất cả những thứ tìm ra chỉ là cái này.

Ông ta lấy trong ngăn kéo một bật lửa nhỏ bằng vàng, chạm khắc tinh vi, có một chữ C nạm kim cương: - Cái này có phải là của bà Rogers?

- Tôi chưa bao giờ thấy nhà tôi có cái này. Chữ C cũng không phải chữ đầu tên vợ tôi. Còn cô Andersen, tên cô ta là Greta.

- Chiếc bật lửa này đắt tiền lắm.

- Người duy nhất có chữ C đầu tên là mẹ kế của vợ tôi, Cora Van Stuyvesant, nhưng làm gì có chuyện bà thơ thẩn trên con đường đầy gai đi vào ngôi nhà hẻo lánh ấy. Hơn nữa, cách đây vài tuần, bà đến thăm chúng tôi trong thời gian rất ngắn. Ngôi nhà rất ít đồ đạc, nếu có chiếc bật lửa, chúng tôi phải nhận ra ngay. Ông tìm thấy nó ở chỗ nào cụ thể?

- Dưới chân đi văng. Dĩ nhiên, ai cũng có thể vào đó được vì cửa không khóa, nhưng dân làng thì chẳng ai có chiếc bật lửa đắt tiền ấy.

- Bây giờ tôi nghĩ ra rồi. Cô Claudia Hardcastle có thể đến đấy, nhưng cô ấy cũng mấy khi dùng đồ sang như vậy.

- Cô Hardcastle là bạn thân của bà nhà?

- Phải, đó là người bạn duy nhất nhà tôi có trong vùng. Nhưng liệu ông nghĩ cô Claudia có thù gì với nhà tôi đến mức...

- Tất nhiên, chả có lý do gì để thù hằn, nhưng ai biết được.

- Nghe nói Claudia có chồng là một người Mỹ tên Lloyd. Ở Mỹ có đến hàng trăm người trùng tên ấy, song tôi ngờ ngợ không biết có phải chính là cái ông Lloyd vẫn trông nom các vấn đề tài chính của vợ tôi.

- Có thể lắm. Vậy ý ông định nói gì?

- Hùm! Hôm xẩy ra tai nạn, hình như tôi thấy hắn ở nhà hàng "George", ở Barlington.

- Ông ta không tới thăm ông?

- Không. Ông ta cùng đi với một người hao hao giống Claudia Hardcastle. Nhưng có lẽ tôi lầm. Anh trai cô Hardcastle là người xây nhà cho chúng tôi.

- A? Cô ấy có thích nhà ấy không?

- Hình như cô ấy không ưa kiến trúc hiện đại – Thấy không còn gì để nói, tôi đứng dậy cáo lui: - Hy vọng ông sớm tìm ra bà Bô-hê-miêng.

- Chúng tôi sẽ cố gắng.

Ra đến ngoài, tôi chạm trán ngay với Claudia Hardcastle, cô ở nhà bưu điện đi ra. Cô ấp úng nói:

- Anh Mike, được tin dữ, tôi rất buồn. Tôi không nói gì thêm, vì chắc không thú gì phải nghe mãi những lời chia buồn.

- Cô rất tốt với Ellie, tình cảm ấy là rất quý.

- Tôi muốn nói với anh một điều tôi đang nung nấu. Nghe nói anh sắp sang Mỹ, tôi muốn biết ý kiến anh trước khi đi.

- Cô cứ nói.

- Là... là, nếu anh đi, anh sẽ bán "Cánh đồng Gi-tan" chăng? Nếu bán, tôi muốn là người đầu tiên được biết giá cả.

Tôi tròn xoe đôi mắt, không tin:

- Cô muốn nói là cô sẽ mua? Hình như cô không ưa loại kiến trúc đó mà.

- Anh Rudolph nói đó là tuyệt phẩm của anh ấy. Chắc anh sẽ đòi giá cao, nhưng tôi đủ sức chấp nhận.

Tôi không khỏi cảm thấy có chuyện lạ kỳ. Mấy lần trước đến thăm, cô ta có bao giờ tỏ ra quan tâm ngôi nhà của chúng tôi. Santonix, anh trai cô, cô cũng mấy khi tha thiết, thế mà nay bỗng dưng lại có tầm quan trọng với cô đến thế?

Tôi thong thả lắc đầu, nói rành rọt:

- Sau chuyện xẩy ra với Ellie, cô tưởng tôi sẽ bỏ "Cánh đồng Gi-tan." Không đời nào. Chúng tôi đã sống hạnh phúc ở đây, nên chỉ ở đây tôi mới lưu giữ kỷ niệm của nàng. Không bao giờ tôi bán "Cánh đồng Gi-tan", hãy nhớ điều đó.

Tôi nhìn thẳng vào mắt cô ta, cô ta nhìn lại như thách thức song phải khép ngay mi mắt. Tôi đánh bạo hỏi độp:

- Xin lỗi về sự tò mò, nhưng tôi nghe nói cô đã có chồng. Có phải chồng cô tên Stanford Lloyd?

Claudia ngập ngừng, rồi lí nhí một tiếng "đúng", và quay ngoắt.

CHƯƠNG XXI

Đánh máy: Long Truyện

Lộn xộn lớn... Đó là điều in lại trong trí óc tôi sau khi Ellie mất. Một bày phóng viên, nhiếp ảnh ập đến, rồi một cơn mưa thư, điện chia buồn, hỏi han... Greta đỡ tôi trong việc đối phó với tình thế.

Tuy nhiên, có điều tôi lấy làm lạ nhất, đó là tin về gia đình Ellie: hóa ra hôm vợ tôi ngã ngựa và chết, cả nhà đang ở Anh. Với Cora Van Tuyvesant, điều ấy không lạ, vì bà ta không bao giờ ở yên một chỗ. Cái ngày 17 tháng chín ấy, bà đang đi xem hàng tá bất động sản, cách chỗ chúng tôi chừng 50 dặm.

Stanford thì dự một cuộc hội nghị mấy ngày ở London. Sau này tôi biết thêm Reuben Barker cũng ở không xa, quanh quẩn đâu đây.

Tất cả họ biết tin Ellie mất là qua báo chí, vì điện chúng tôi đánh đều gửi về Mỹ.

Một cuộc tranh cãi nổ ra khi bàn nơi chôn cất Ellie. Tôi nghĩ đơn giản nàng sẽ nằm lại chỗ chúng tôi đã sống, nhưng gia đình kịch liệt phản đối. Phải đưa Ellie về Hoa Kỳ để nàng yên nghỉ tại nghĩa trang gia đình. Suy đi tính lại, tôi thấy giải pháp ấy cũng chấp nhận được.

Để giải quyết vấn đề đó, Andrew Lippincott đến gặp tôi. Ông bảo rằng Ellie không để lại chỉ dẫn gì về chuyện này.

- Tại sao cô ấy phải để lại? – tôi sẵng giọng đáp – Mới hăm mốt tuổi, ai nghĩ đến chuyện sẽ chôn cất mình ở đâu! Mà nếu có đề cập việc này, chắc chắn chúng tôi chọn được mai táng cùng nhau, dù ai chết trước cũng vậy.

- Tôi hoàn toàn đồng ý. Bây giờ, xin báo anh biết, anh phải về Mỹ, trước là dự lễ tang, sau là để xem xét một số giấy tờ liên quan quyền lợi của Fenella.

- Những chuyện ấy tôi không hiểu, dính vào làm gì?

- Theo di chúc, anh là người thừa hưởng chính.

- Tại vì tôi là người thân cận nhất của vợ tôi?

- Không. Vợ anh, là người sở hữu nhiều của cải đã thảo một di chúc lúc đến tuổi trưởng thành. Vài ngày sau khi lấy anh, cô ấy lại thảo một di chúc khác. Văn bản được trao cho công chứng London lưu giữ, và một bản sao nằm trong tay tôi.

Ông ta ngập ngừng, nói tiếp:

- Nếu anh về Mỹ - và tôi khuyên anh nên về - anh sẽ giao cho một luật gia cẩn thận lo hộ các việc giao dịch.

- Tại sao?

- Vì anh trở thành người đứng đầu nhiều doanh nghiệp và cổ phiếu, nên cần có một chuyên gia làm cố vấn.

- Ông không đảm nhiệm chức đó được ư?

- Được, nhưng vì tôi đã quản lý về quyền lợi của nhiều người khác trong gia đình, có thể phát sinh mâu thuẫn. Mặt khác, nếu anh nhờ tôi làm thay, tôi cũng phải chọn người để ủy quyền trông nom quyền lợi của anh.

- Ông cứ làm như thế, tôi xin cám ơn.

- Xin phép khuyên anh một điều: ai đưa anh ký giấy gì nhớ đọc cho kỹ.

- Ông tưởng tôi đọc mà hiểu được sao?

- Chỗ nào còn phân vân, hay đưa cố vấn pháp lý xem trước.

- Ông Lippincott, ông định nhắc tôi đề phòng ai đây?

- Một câu hỏi mà tôi không thể trả lời. Tôi chỉ cảnh báo anh: cái gì liên quan đến những số tiền lớn, thì chớ nên tin ai hết.

Vậy là, ông ta bảo tôi đề phòng... nhưng đề phòng ai? Cora? Stanford Lloyd? Hay là cậu Frank, con chiên ghẻ của gia đình, lão nhà bằng mặt mũi luôn tươi cười, đã lén về London "vì công việc"? Tôi bỗng thấy mình như một thằng vô học tội nghiệp, đang bơi trong cái hồ đầy cá sấu đói mồi.

Tôi chợt nẩy ra một ý, hỏi luôn:

- Ai có lợi nhờ cái chết của Ellie?

- Anh hỏi gì lạ. Anh chứ ai, tôi vừa nói rồi.

- Còn ai khác nữa?

- Vài cô hầu cũ sẽ nhận một khoản tiền trợ cấp nhỏ, một tổ chức từ thiện cũng có một phần không đáng kể. Cô Andersen cũng được một số tiền, nhưng không thấm tháp gì so với tấm séc mà Ellie đã tặng trước đây. Anh thấy đấy, anh sẽ hưởng toàn bộ phần còn lại.

- Tuy nhiên lời khuyên của ông làm tôi sinh nghi.

- Tôi chỉ nói chung chung thế thôi, chưa dựa vào cái gì rõ ràng.

- Nói thật nhé, liệu sẽ có người nào ép tôi phải ký vào giấy xin từ bỏ quyền thừa kế?

- Tôi không biết lúc nào thì kiểm kê tài sản của Fenella. Nhưng trong khi chờ đợi, có thể có kẻ muốn lợi dụng. Hắn sẽ thực hiện dễ dàng nếu lừa được một người không sắc sảo như anh, cho phép tôi nói thực. Tôi không thể nói gì hơn.

Lễ cầu nguyện được tổ chức rất giản dị trong nhà thờ nhỏ của chợ Chadwell. Tôi không muốn đến dự chút nào. Đông nghịt những kẻ hiếu kỳ chen chúc trước cổng, Greta phải vất vả mở lối cho tôi vào rồi ra về ngay, khỏi phải đi bắt bao bàn tay chìa ra.

Chính trong thời kỳ đau thương này tôi mới thấy Greta Andersen tuyệt vời đến chừng nào. Nàng tránh cho tôi khỏi bao nhiêu phiền toái, những công việc mệt nhọc, riêng sự có mặt của nàng động viên tôi rất nhiều. Giờ tôi mới hiểu Ellie tại sao không thể rời xa nàng.

Ở nhà thờ, tôi để ý một người có khuôn mặt quen quen, nhưng không thể nhớ tên. Về tới nhà, Carson, tên hầu, báo là có một quý ông chờ ngoài phòng khách.

Tôi lệnh cho Carson tống cổ khách đi, vì tôi không muốn tiếp ai. Khách xưng là người trong nhà. Bộ mặt của người gặp ở nhà thờ trở về trong trí óc. Tôi đọc tấm thiếp: William E. Pardoe.

- Greta, cô có biết ai có họ Pardoe?

- Có! Đó là chú Reuben, hay đúng hơn là anh em họ với Ellie.

Tôi hiểu ngay tại sao ông ta trông quen... Ellie giữ rất nhiều ảnh gia đình, xem luôn nên tôi thuộc mặt các nhân vật.

Tôi liền ra phòng khách, và thấy một người vai vuông, dáng đậm, tiến lại gần, chìa tay cho tôi bắt.

- Anh Rogers? Vợ anh chắc đã kể về tôi. Tôi là Reuben, anh họ.

- Vâng.

- Nghe tin, tôi vô cùng xúc động.

- Thôi, khỏi nói chuyện đau thương ấy nữa.

- Tôi thông cảm.

Dưới vẻ ngoài lơ đãng, hắn giấu một cái nhìn soi mói làm tôi khó chịu. Greta bước vào, tôi chưa kịp giới thiệu, Pardoe đã kêu:

- Hê-lô, Greta, khỏe không?

- Bình thường. Ông tới Anh bao giờ vậy?

- Đã được hai, ba tuần. Tôi đi du lịch.

- Hôm qua, à hôm kia, tôi đã thấy anh, tôi nói.

- Thật ư? Tôi không nhớ.

- Anh dự cuộc bán đấu giá ở Barlington Manor.

- A... đúng, nhớ ra rồi, anh đi cùng một người đứng tuổi, có ria mép.

- Đó là thiếu tá Phillpot, hàng xóm.

- Hai người có vẻ đang vui.

- Phải... tôi chưa lúc nào vui bằng hôm ấy – Tôi trầm ngâm lặp lại: chưa bao giờ vui thế...

- Tất nhiên, lúc bấy giờ, anh chưa biết tin... Đó là sáng hôm xảy ra tai nạn, nếu tôi nhớ không lầm.

- Ellie hẹn đến ăn với chúng tôi ở nhà hàng "George".

- Đáng buồn...thật đáng buồn.

- Suốt thời gian này, anh ở Anh mà chúng tôi không biết.

Nói rồi tôi nhìn anh ta trân trân, chờ câu trả lời.

- Tôi không viết thư, vì chưa biết thời gian ở Anh bao lâu. Sau cuộc bán đấu giá, định ghé thăm anh, nhưng lại phải về London ngay.

- Anh đến vì công việc?

- Vừa phải, vừa không phải. Tôi đến đây theo yêu cầu của Cora, bà ấy định mua một dinh cơ ở đây, muốn tôi cho ý kiến.

Thế là tôi biết Cora cũng ở Anh mấy tuần nay, mà không báo tin gì cho chúng tôi.

- Thực ra – Reuben nói tiếp – bà ấy cũng ở gần đây hôm xẩy ra tai nạn.

- Ở đâu? Ở khách sạn Market Chadwell?

- Không, ở nhà một người bạn.

- Tôi không biết bà có bạn nào ở vùng này.

- Một phụ nữ tên là Hard... hard...

- Claudia Hardcastle?

- Đúng rồi! Hai người quen nhau ở Hoa Kỳ.

- Greta, cô có biết không?

- Không. Ra vì thế mà hôm ấy Claudia không đi London với tôi.

- Cô ấy không đi?

- Không. Sau khi tôi đi, cô ấy gọi điện xin lỗi, vì có một bạn người Mỹ mới tới bất chợt.

Reuben đứng lên, xin cáo từ:

- Tôi không muốn phiền anh lâu hơn. Cần gì, anh cứ tìm tôi ở khách sạn Majestic ở chợ Chadwell, tôi còn ở đó vài ngày.

Tôi nói lúc này tôi không cần gì. Reuben đi rồi, Greta trầm ngâm nhận xét:

- Không hiểu anh ta đến đây làm gì? Tôi chỉ mong tất cả họ cuốn xéo mau cho rảnh!

CHƯƠNG XXII

Đánh máy: Long Truyện

Không còn việc gì làm ở "Cánh đồng Gi-tan", tôi giao nhà cho Greta trông nom rồi bay đi New York, ở đó tôi sẽ nhận thừa kế của Ellie và dự lễ tang, chắc sẽ rườm rà lắm.

Trước khi tôi đi, Greta dặn:

- Mike. Anh đang lao vào rừng rậm đấy. Hãy cẩn thận, đừng để họ ăn sống nuốt tươi.

Nàng đã nghĩ đúng. Suốt thời gian ở Mỹ, tôi pải trải nhiều thử thách. Bị tách khỏi môi trường quen thuộc, tôi luôn phải thủ thế, cảnh giác với tất cả mọi người, và lắm lúc thấy mình cảnh giác đúng.

Người đầu tiên tôi đến thăm là vị luật gia do Lippincott giới thiệu. Thái độ ông ta rất mềm mỏng, cứ như thầy thuốc với bệnh nhân khó tính. Có một số khu mỏ người ta khuyên tôi nên bán vì giá trị sắp giảm. Tôi nói ra điều ấy, ông ta hỏi lại:

- Ông nhận nguồn tin đó từ đâu?

- Từ ông Standford Lloyd.

- Chúng tôi kiểm chứng lại. Ông Lloyd là một chuyên gia ngân hàng có hạng, song dù sao ta phải xem ông ta lấy tin từ nguồn nào, đáng tin cậy không.

Ông ta dặn tôi chờ vài phút, rồi quay trở lại, tuyên bố.

- Những cổ phiếu ấy giá trị vẫn ổn định, không có lý do gì phải vội bán.

Thế là có bằng chứng về việc Lloyd định lừa tôi. Hắn biết tôi không có kinh nghiệm gì trong lĩnh vực chứng khoán, nếu không có vị luật gia trung thực kia tư vấn, ắt tôi bị mắc bẫy.

Tang lễ được cử hành rất to và đúng như tôi e ngại, rườm rà một cách quá đáng. Một núi hoa phủ kín quan tài, người chen chúc đông nghịt, phóng viên, nhiếp ảnh giăng hàng khắp nghĩa trang. Mộ chí to tướng bằng cẩm thạch, nặng nề, thô kệch, từ xa đã trông thấy. Ellie hẳn không ưa gì trò khoa trương ấy.

Tôi ở Mỹ được bốn hôm thì nhận được thư của thiếu tá Phillpot báo tin tìm thấy xác bà Lee ở một khu mỏ hoang, bên sườn đồi phía xa. Đã từng xẩy ra tai nạn tương tự ở nơi đó, nhưng hội đồng thị trấn vẫn chưa làm rao ngăn đề phòng người xảy chân sa hố. Bác sĩ pháp y xác định nạn nhân đã chết từ mấy ngày trước. Khám nhà, tìm thấy số tiền ba trăm livrơ toàn bằng giấy lẻ một livrơ, giấu dưới sàn.

Lá thư kết thúc bằng mấy dòng sau:

Anh sẽ ngạc nhiên khi biết Claudia Hardcastle bị ngã ngựa hôm qua, chết ngay tại chỗ.

Claudia chết? Không thể như thế! Tôi chóng mặt, lảo đảo. Hai tai nạn tương tự trong vòng nửa tháng... Có thể nào tin chỉ là sự tình cờ?

Tôi sẽ không ở lâu tại New York, nơi chẳng lưu một kỷ niệm nào thú vị. Nàng Ellie mà tôi biết và yêu, về đây lại trở thành cô tiểu thư Mỹ giàu sang nằm cùng cha mẹ trong nghĩa trang nhà Guteman. Nàng vụt qua đời tôi như một ánh sao băng, rồi lại trở lại vị trí của mình trong ngôi nhà thực sự của nàng. Ngẫm cho kỹ, tôi thấy thế cũng phải. Nếu chôn nàng ở chợ Chadwell, không xa "Cánh đồng Gi-tan", hẳn lúc này tôi sẽ áy náy.

"Hỡi cô gái giầu sang, hãy trở về nơi chốn cũ"... Lời hát véo von theo tiếng đàn ghi ta của nàng trở lại trí óc tôi "Mỗi ngày và mỗi đêm. Có người sinh ra để hưởng Lạc thú". Những lời đó vận đúng vào Ellie, nàng sinh ra để hưởng hạnh phúc, và nàng đã gặp hạnh phúc tại "Cánh đồng Gi-tan"... song không lâu dài. Giờ đây, nàng lại nằm giữa họ hàng của mình, nơi đây nàng chưa từng có hạnh phúc, nhưng dù sao cũng là môi trường của nàng.

Tôi bỗng tự hỏi: đến lượt tôi chết, họ sẽ chôn tôi ở đâu? Ở "Cánh đồng Gi-tan"? Có thể lắm... Mẹ tôi sẽ có mặt – nếu lúc ấy mẹ còn sống - để đưa tôi vào trong lòng đất. Thật lạ, tôi cứ nghĩ mình sẽ chết trước, ít khi hình dung là mẹ sẽ ra đi trước tôi. Mẹ tôi sẽ có mặt... và có thể lúc đó, mẹ sẽ bớt nghiêm khắc với tôi.

Không nhớ là tôi đã ở lại Mỹ bao lâu. Một chuỗi ngày dài vô tận, lúc nào cũng cảm thấy bị người xung quanh dò xét. Thực ra, bề ngoài ai nấy đều tươi cười với tôi. Tôi nhiều tiền mà. Theo di chúc của vợ, tôi trở thành một người đứng đầu một tài sản khổng lồ, đầu tư vào những nơi chốn mà đến lúc này tôi vẫn chưa hiểu gì hết.

Trước hôm đi, tôi có một buổi làm việc lâu với Andrew Lippincott. Tôi nói ý định của tôi không giao Stanford Lloyd quản lý tài sản nữa. Lippincott tỏ vẻ ngạc nhiên:

- Anh có lý do chính đáng để làm như vậy?

- Tôi nghĩ hắn ta là một thằng lừa đảo.

- Nếu vậy...

- Ông có nhận trách nhiệm quản lý, thế chỗ hắn không?

- Xin sẵn sàng, và bảo đảm rằng anh sẽ không phải phàn nàn gì về việc đó.

Tôi liền ký các giấy tờ cần thiết. Lúc sắp chia tay, Lippincott hỏi tôi định về Anh bằng phương tiện gì.

- Đi đường biển tốt hơn.

- Và anh định ở đâu?

- Ở "Cánh đồng Gi-tan".

- A... tôi tưởng anh sẽ bán nó.

- Không! – Tôi gần như hét lên vì bực tức. Làm sao cho ông ta hiểu rằng "Cánh đồng Gi-tan" từ lâu vẫn là mơ ước của tôi hằng ấp ủ, và từ nay về sau sẽ không bao giờ rời bỏ nó?

- Ai trông nom nó trong lúc anh đi vắng?

- Greta Andersen.

- A...

Không biết tiếng kêu "A..." đó hàm ý nghĩa gì. Lippincott không ưa Greta, điều đó tôi đã biết.

Một phút im lặng nặng nề. Tôi không thể đi mà không làm rõ mọi chuyện:

- Ông nghe đây: Greta đã rất tốt với Ellie, đã chăm sóc Ellie như em gái khi cô ấy trẹo chân. Tôi... tôi rất biết ơn cô ấy. Ông cần phải hiểu sau cái chết của vợ tôi, sự có mặt của cô ấy đã nâng đỡ tôi rất nhiều.

- Vâng, cô Andersen rất tháo vát.

Trước khi đi, tôi ngỏ lời cảm ơn, nhưng ông ta cắt ngay:

- Anh không có lý do gì phải cảm ơn tôi. À, tôi sẽ viết thư cho anh, gửi về "Cánh đồng Gi-tan". Về đến nơi, anh sẽ nhận được. Chúc anh một chuyến đi bình an.

Về tới khách sạn, tôi nhận được điện báo tin Rudolph Santonix đang hấp hối tại một bệnh viện ở California và muốn gặp tôi. Tôi liền hoãn ngày giờ lên tàu và bay ngay đi San Fancico. Santonix chưa chết. Các bác sĩ cho biết anh ta đã hôn mê, sức lực giảm sút từng giờ. Tôi đến ngồi đầu giường anh, nhìn người bạn nay chỉ còn cái bóng. Thời gian qua, tôi vẫn ngồi và nghĩ bụng: "Miễn là cậu ấy tỉnh dậy, nói một câu gì trước khi mất." Tôi cảm thấy vô cùng đơn độc. Tôi vừa thoái khỏi kẻ thù tiềm ẩn, tìm đến một người bạn – người bạn duy nhất – thì anh ta lại sắp bỏ tôi mà đi. Ngoài mẹ, chỉ có anh là hiểu tôi hơn cả.

Thỉnh thoảng tôi lại đứng lên hỏi các cô y tá xem có làm được gì giúp người bệnh, thì họ đều nói:

- Chúng tôi không biết ông ấy có tỉnh nữa hay không.

Sau một hồi chờ vô tận, thấy Santonix cựa quậy và thở dài. Cô y tá trực nhẹ nhàng đỡ anh dậy. Anh mở mắt và nhìn tôi như thể không trông thấy gì. Đột nhiên, mắt anh hơi sáng lên, miệng lẩm bẩm những gì không rõ. Tôi ghé sát để nghe thì anh bỗng bật ngửa người ra sau, kêu to:

- Đồ ngốc!... Sao không đi theo con đường kia?

Anh nấc lên và thở hắt ra.

Không hiểu lúc thốt lên câu nói kia – mà tôi chẳng hiểu gì – Santonix thật tỉnh hay không, nhưng câu hỏi đó vẫn làm tôi áy náy. Tôi muốn nói với Santonix vài lời, nhất là biết ơn anh về ngôi nhà tuyệt vời, đã xây cho chúng tôi ngôi nhà mà tôi yêu quý nhất đời. Nhưng lạ là một cái nhà mà lại có tầm quan trọng đến thế. Tôi hiểu: đối với tôi nó như biểu tượng. Santonix cũng hiểu, lại biết biến mơ ước của tôi thành hiện thực... Giờ đây, tôi đang trở về với ngôi nhà của tôi.

Bước chân xuống tầu, tôi không nghĩ đến điều gì khác. Mệt quá rồi. Tuy nhiên, một luồng hạnh phúc lại trào ngay lên trong tôi. Tôi đang về nhà mình!... Tôi đang về nhà.

CHƯƠNG XXIII

Đánh máy: Long Truyện

Vâng, tôi đang về nhà, mọi việc thế là xong. Tôi vừa chiến đấu trận cuối cùng, và đang đi nốt chặng cuối cuộc hành trình.

Cái thời tuổi trẻ sôi nổi của tôi giờ như đã quá xa... Vậy mà cũng chỉ mới chưa đầy một năm trước.

Nằm trên tầu, tôi sống lại quá khứ. Gặp Ellie... hẹn hò nhau ở cổng bệnh viện Regent... lễ cưới ở tòa thị chính Plymouth... rồi ngôi nhà, Santonix lo thiết kế, nhà hoàn thành. Ngôi nhà của tôi... chỉ của tôi! Cuối cùng tôi đã đạt ước mơ! Và tôi đang trở về với sở hữu của tôi.

Sau khi rời New York, tôi đã viết thư cho Phillpot. Tôi muốn báo tin cho ông đầu tiên, vì ông hiểu hơn ai hết rằng Ellie và Greta là bạn thân, và nay cũng như Ellie, tôi sẽ phải phụ thuộc hoàn toàn vào Greta. Tôi giải thích rằng nếu chỉ có một mình, tôi không đủ can đảm để sống ở "Cánh đồng Gi-tan".

Tôi nhẩm lại một số đoạn trong thư:

"Tôi muốn ông là người đầu tiên biết dự tính của tôi. Ông đã rất tốt với chúng tôi, nên tôi hoàn toàn tin cậy. Giam mình. Giam mình trong "Cánh đồng Gi-tan", một mình đối mặt với cuộc đời, điều ấy tôi không thể. Thời gian ở Hoa Kỳ, tôi đã suy nghĩ và quyết định ngay khi về sẽ hỏi Greta làm vợ. nàng là người duy nhất thực sự hiểu Ellie, và chúng tôi vẫn có cảm giác vẫn sống hòa thuận ba người với nhau..."

Phillpot chắc chắn nhận được thư trước khi tôi về.

Tôi bước lên boong để ngắm nhìn bờ biển nước Anh dần gần lại. Giá Santonix ở bên tôi lúc này, để thấy là mọi việc đã diễn ra như dự kiến, như tôi đã định, đã tính toán, đã muốn!

Tôi đã giải quyết xong mọi chuyện với đám người Mỹ nọ, họ chỉ thớ lợ bề ngoài, chứ bên trong thì khinh tôi là thằng mất dạy. Tôi trở về với rặng thông, với con đường dốc ngoằn ngoèo và tít bên trên, là nhà của tôi... cùng với người phụ nữ tuyệt vời đang chờ. Tôi vẫn mong gặp người con gái kiệt xuất. Thì ngay từ cái nhìn đầu tiên, chúng tôi đã bị hút vào nhau.

Tôi về tới Kingston Bishop, không ai biết. Tôi xuống xe lửa lúc trời xẩm tối và đi theo đường vòng để chắc chắn không ai bắt gặp. Greta đã biết trước ngày giờ tôi về, chắc đang mong. Từ nay hết phải dối trá, hết phải làm bộ không ưa nàng. Tôi bật lên cười thích thú, nhớ lại vai kịch chúng tôi đã đóng, nàng làm ra vẻ dửng dưng với tôi, tôi làm ra vẻ ghen tức về sự có mặt của nàng bên cạnh Ellie, cộng thêm màn kịch trên sân thượng mà chúng tôi chuẩn bị rất chu đáo. Tất cả mọi người đều bị lừa!

Greta và tôi không lạ gì tính cách của nhau. Ngay phút đầu, nàng đã hiểu tôi, và tôi biết tham vọng của nàng nóng bỏng chẳng kém gì tôi. Chúng tôi đều muốn cả thế giới dưới chân mình, không hơn không kém. Ngay lần gặp nhau đầu tiên ở Hambourg bên Đức, tôi đã mở bầu tâm sự vì tin rằng nàng sẽ thông cảm. Nghe xong, nàng nhận xét:

- Muốn được tất cả những thứ anh muốn, phải có tiền.

- Đúng thế. Nhưng anh chưa biết có tiền bằng cách nào.

- Chắc chắn không phải bằng lao động. Anh không phải típ người chịu lao động.

- Lao động! Thế thì phải chờ hàng năm trời, mà anh lại muốn ngay cơ, ngay lúc mình còn trẻ và khỏe. Em cũng muốn thế có phải không?

- Đúng. Nghe đây, em biết một cách. Dễ ợt, thế mà sao anh không nghĩ ra. Nhiều cô gái mê anh lắm thì phải.

- Anh không quan tâm đến họ. Em là người con gái duy nhất của anh... em biết đấy. Gặp em, anh hiểu ngay anh chỉ thuộc về em. Chúng mình giống nhau, đều đòi hỏi như nhau ở cuộc đời.

- Em nói là rất dễ mà. Anh chỉ cần quyến rũ một đứa con gái nhà giầu, rồi lấy nó. Em có thể giúp anh...

- Đừng nói vớ vẩn.

- Thật mà, rất đơn giản.

- Không, anh không chịu. Anh không muốn làm chồng một cô nhà giầu, cô ấy sắm cho anh đủ thứ rồi giữ chịt lấy anh trong cái lồng bằng vàng. Anh không muốn kiểu ấy.

- Nhưng không lâu đâu... chỉ đủ thời gian cần thiết. Các bà vợ, dù giầu, cũng có ngày phải chết...

Tôi kinh ngạc nhìn nàng, làm nàng phá lên cười:

- Em làm anh sợ rồi, phải không!

- Không sợ gì sất!

- Biết mà. Không biết chừng anh đã...?

Nàng nhìn vào tôi, soi mói, nhưng tôi không dại gì thỏa mãn sự tò mò của nàng. Có những bí mật không bao giờ ta nói với ai, và những bí mật của tôi cũng thuộc loại tôi muốn quên đi, đặc biệt là bí mật đầu tiên, dù hơi trẻ con. Hồi nhỏ, một thằng bạn tôi có chiếc đồng hồ đeo tay rất đẹp, tôi thèm muốn vô cùng. Bố mua tặng nó nhân kỷ niệm sinh nhật, hẳn rất đắt tiền. Tôi muốn có lắm, nhưng biết đến bao giờ mới được như nó! Một sớm mùa đông, hai đứa chúng tôi đi trượt trên mặt hồ băng giá, và lớp băng mỏng vỡ vụn dưới chân thằng bạn. Nó thụt xuống hố, vẫy vùng kêu cứu. Tôi lại gần, cúi xuống, cầm bàn tay nó đang chới với, định kéo lên thì nhìn chiếc đồng hồ. Một ý nghĩ vụt qua óc: "Nếu cứ để nó chìm nghỉm và chết đuối..." Quá dễ... như cái máy, tôi thản nhiên tháo chiếc đồng hồ, rồi đẩy thằng bạn xuống nước, dìm nó một lúc lâu. Vài người từ xa nhìn thấy tôi, tưởng tôi không đủ sức kéo bạn, chạy đến. Họ hè nhau kéo nó lên, làm hô hấp nhân tạo – nhưng muộn rồi – nó đã chết.

Tôi cất đồng hồ vào một góc kín. Một hôm, mẹ tôi phát hiện, hỏi có phải là đồng hồ của Pete. Tất nhiên tôi chối, nói là đổi được của một thằng bạn khác. Từ hôm đó, mẹ hay dò xét tôi. Không bằng chứng gì, nhưng hình như mẹ đoán ra sự thật. Một thời gian, tôi mang mặc cảm tội lỗi của với mẹ, mãi sau này mới phai nhạt dần.

Sau này, trong thời gian làm nghĩa vụ quân sự, tôi cùng Ed, một bạn đồng đội, vào sòng bạc. Tối đó, tôi thua, Ed thắng. Lúc đi về trại, túi tôi rỗng tuếch, còn túi Ed đầy tiền. Hai tên cướp cầm dao xông vào định lấy của. Tôi bị dao chém sượt cánh tay, nên bọn cướp bỏ chạy. Tôi nẩy ra ý kiến phải lợi dụng cơ hội này. Tôi quỳ xuống cạnh ông bạn bị ngất, lấy khăn tay bọc con dao do bọn cướp bỏ lại, thọc tiếp vào sườn nạn nhân hai ba nhát nữa, hắn rên lên một tiếng rồi tắt thở. Tôi hơi hốt, nhưng tự nhủ phải làm thật nhanh. Tiền trong túi bạn được trút sang túi tôi, trước khi người qua đường kịp tới. Lần ấy tôi không hề bị lương tâm cắn dứt. Tôi tự bào chữa: "Đáng đời thằng Ed, ai bảo mày ngu". Những cơ hội như thế đâu có luôn xẩy ra, vấn đề là phải chớp lấy ngay khi nó tới.

Tôi không hiểu Greta có đoán ra không. Nàng không thể biết là tôi đã hai lần phạm tội giết người, song có lẽ linh tính mách bảo cho nàng rằng tôi sẽ không ngần ngừ nếu cần phạm tội nữa.

Nóng ruột, tôi hỏi ngay:

- Em nói đi, cái cách rất dễ làm để đạt đến mục đích ấy.

- Em có thể giúp anh làm quen với một đứa con gái Mỹ rất giầu. Em được giao trách nhiệm trông nom nó, bảo gì nó cũng nghe.

- Em tưởng con bé đó thèm để ý đến anh ư? Loại con gái ấy, bao kẻ giàu sang theo đuổi, đời nào để mắt đến một kẻ tầm thường như anh?

- Anh có duyên và có số đào hoa, nhiều phụ nữ dễ phải lòng anh.

- Điều ấy thì cũng có, nhưng họ không thuộc loại con gái mà em nói.

- Con bé của em chưa gặp người đàn ông nào như anh. Gia đình muốn cho nó lấy chỗ môn đăng hộ đối, chọn bạn trai cho nó toàn là con chủ nhà băng hoặc doanh nghiệp lớn. Nhưng tất nhiên, nó lại chỉ mơ được gặp người không cùng tầng lớp xã hội. Để gây ấn tượng, anh chỉ cần đóng vai chàng trai khốn khổ không gặp may trong đời và mê nó ngay từ cái nhìn đầu tiên, thì sẽ ăn chết. Đến nay, chưa ai dám tỏ tình với nó một cách ngang tàng như thế.

- Anh sẽ thử vậy, có mất gì đâu? Song em quên một điều: gia đình cô ta sẽ tìm cách gạt anh ra ngoài.

- Sẽ không ai biết chuyện... hoặc là không biết kịp, nghĩa là chỉ sau khi hai người bí mật kết hôn.

Tôi đồng ý, và hai chúng tôi lập kế hoạch. Greta phải về Mỹ sau đó, và hứa sẽ giữ liên hệ chặt chẽ với tôi.

Tôi về Anh, vẫn làm đủ thứ nghề, rồi một hôm báo cho Greta biết tôi đi thăm "Cánh đồng Gi-tan" và rất muốn có ngôi nhà ở đó. Nàng trả lời đó sẽ là một nơi rất lãng mạn để thu xếp cuộc gặp. Nàng sẽ gợi ý cho cô gái mà nàng đang quản lý – cô ta tên là Ellie – sang Anh chơi, đồng thời tìm mua một bất động sản để đến tuổi trường thành sẽ đến đó ở, thoát khỏi sự quản lý nghiêm ngặt của gia đình.

Rồi một hôm, tôi nhận được tin ngày giờ chính xác cô tiểu thư người Mỹ nọ sẽ tới "Cánh đồng Gi-tan", tôi chỉ còn bố trí việc gặp cô ta tại chỗ. Kế hoạch của chúng tôi thực hiện hoàn toàn như dự định. Về mặt bày binh bố trận, phải nói Greta là tay cừ. Song tôi cũng tự khen là đóng kịch giỏi.

Mọi việc diễn ra suôn sẻ. Khó nhất là lúc Greta đến, sau khi tôi và Ellie lấy nhau. Tôi luôn phải dè chừng mỗi lời nói, cử chỉ để khỏi lộ tình cảm của tôi với người đồng lõa. Vì thế tôi đã chọn cách không nhìn thẳng vào mắt Greta và làm bộ không ưa nàng. Có lúc, tôi tưởng mình đã bại lộ, nhưng may thay Ellie không nghi ngờ gì hết. Ít nhất là tôi nghĩ như thế chứ không dám khẳng định, vì thật ra tôi cũng chưa hiểu hết Ellie.

Đóng vai người chồng hết lòng yêu vợ không khó, vì Ellie tỏ ra rất tin cậy, âu yếm tôi. Và có lẽ tôi cũng thật sự yêu nàng, dù rằng tình yêu này khác hẳn mối tình của tôi với Greta. Greta có một sức gợi tình, hấp dẫn đến điên cuồng. Ellie thì khác. Tuy nhiên bây giờ tôi thấy những ngày sống bên nàng là thực sự hạnh phúc.

Đó là những ý nghĩ lởn vởn trong đầu óc trong lúc tôi đi trong đêm tối về cái nơi mà tôi cho là đỉnh cao của thế giới, cái thế giới lại trở về với tôi sau bao mạo hiểm, sau vụ án mạng mà chúng tôi đã thực hiện một cách hoàn hảo, vụ án mạng không ai có thể ngờ vực chúng tôi, vì nó được chuẩn bị rất tỉ mỉ.

Tôi leo con đường dốc gồ ghề mà hôm nào đã leo - đó là hôm "Cánh đồng Gi-tan" bán đấu giá – và tít trên cao, đi qua chỗ ngoặt cuối cùng...

Chính lúc đó tôi nhìn thấy nàng... Nàng vẫn đứng ở chỗ cũ, vẫn trước cây thông ấy. Tôi nhắm mắt lại, hy vọng cái hình ảo ấy sẽ biến đi, nhưng khi mở mắt tôi vẫn thấy nàng đứng đó. Nàng nhìn tôi như thể không trông thấy tôi, khiến tôi lạnh xương sống. Nhưng Ellie chết rồi mà, thi hài nàng nằm trong nghĩa trang tận bên Mỹ... Thế mà đúng là nàng đứng đó, đăm đăm nhìn vào tôi như tuồng tôi không hề hiện hữu.

Tôi đứng như trời trồng giữa đường, chung quanh tối đen và lặng lẽ. Cuối cùng, tôi đánh bạo gọi tên nàng, nhưng nàng không nhúc nhích. Nàng đứng nguyên, nhìn... nhìn mà không thấy tôi, đó là điều làm tôi kinh hãi nhất. Thế là tôi chạy thục mạng như một thằng hèn, chỉ khi nhìn thấy ánh đèn nhà tôi lấp lánh giữa lùm cây mới dừng lại để thở... Tôi về tới đích. Tôi là người thợ săn trở về nhà, nơi có người vợ tuyệt vời đang đợi, người vợ mà từ nay tôi có thể công khai âu yếm.

Tôi đẩy cửa chùi chân lên thảm, đi vào phòng sách, Greta hớn hở đứng bên cửa sổ. Nàng đẹp hơn lúc nào hết! Tôi lao vào vòng tay của nàng, tận hưởng một trong những giờ phút đẹp nhất cuộc đời.

Nhưng rồi chúng tôi trở lại ngay với thực tế. Tôi ngồi xuống, và Greta đưa cho tôi một chồng thư. Tôi lựa ngay chiếc nào dán tem Mỹ, sốt ruột không rõ Lippincott muốn nói gì mà không nói ngay khi tôi còn ở bên đó, phải viết thư?

- Cuối cùng, chúng ta đã thành công – Greta nói.

- Thắng lợi thuộc về ta!

Chúng tôi cười như nắc nẻ. Tôi mở chai sâm panh có sẵn trên bàn, và hai chúng tôi cùng uống chúc mừng tình yêu và hạnh phúc.

- Nơi đây thật tuyệt vời – tôi nói – tuyệt vời hơn nhiều so với anh tưởng. Santonix... À em chưa biết nhỉ: Santonix đã chết.

- Tiếc quá! Thế ra anh ấy ốm thật?

- Tất nhiên. Trước đây mình cứ nghĩ chưa đến nỗi nào. Lúc cậu ấy hấp hối, anh có đến thăm.

Nàng rùng mình:

- Sợ quá! Anh ấy nói gì không?

- Rằng anh là một thằng ngu, đáng lẽ phải chọn con đường khác kia.

- Con đường nào khác?

- Dù sao, ngôi nhà này chính là đài tưởng niệm anh ấy. Chúng mình phải giữ lấy, có phải không?

Tôi kinh ngạc nhìn nàng:

- Tất nhiên! Em tưởng anh muốn đi ở nơi khác ư?

- Nhưng chúng mình không thể ở nơi khỉ ho cò gáy này cả năm!

- Đây là nơi anh muốn đậu lại... nơi từ lâu anh vẫn muốn sống.

- Đành thế, nhưng anh chớ quên là chúng mình có đủ tiền để thỏa mãn mọi sở thích. Có thể du lịch châu Âu, đi săn ở châu Phi, tóm lại, một cuộc sống sôi nổi! Anh không thích thế sao?

- Được rồi, được rồi, nhưng đi đâu thì cũng lại quay về đây chứ?

Tôi bỗng có cảm giác đang có cái gì trục trặc. Tôi luôn chỉ có hai ước muốn: ngôi nhà và Greta, nhưng Greta lại bắt đầu có ý thức về những khả năng mình có trong tầm tay, linh tính báo tôi biết có điềm chẳng lành.

- Mike, anh sao thế? Anh bị lạnh hay sao mà run?

- Không... anh đã trông thấy Ellie.

- Anh nói lảm nhảm gì vậy?

- Vừa rẽ khỏi chỗ ngoặt về nhà, anh nhìn thấy cô ta, đứng dưới gốc thông. Ellie nhìn... nhìn về phía anh.

- Đừng vớ vẩn! Anh hoang tưởng chuyện gì vậy?

- Trông Ellie có vẻ hạnh phúc, cứ như là vẫn đứng ở chỗ đó và sẽ đứng ở đó mãi mãi.

- Mike! – Greta nắm hai vai tôi, lay mạnh – Mike, không được nói thế! Trên tầu anh đã uống rượu phải không?

- Không, anh đang sốt ruột được gặp em, và biết em sẽ chuẩn bị sẵn một chai sâm panh.

- Vậy hãy quên Ellie, và uống mừng tương lai chúng ta.

- Anh thề là đã trông thấy Ellie.

- Làm gì có! Anh nhìn bóng cây, tưởng nhầm thôi.

- Đúng là Ellie, và nàng nhìn anh. Nhưng nàng không thể trông thấy anh, không thể trông thấy! Và anh biết tại sao.

- Anh định nói gì?

Và thế là lần đầu tiên tôi thì thầm:

- Vì đó không phải là anh! Anh không có mặt ở đó. Nàng chỉ có thể nhìn thấy bóng đêm – Tôi bắt đầu nói to như hét. – Có người sinh ra để hưởng hạnh phúc, và có người khác sinh ra để hứng chịu đêm dài vô tận. Anh thuộc loại người sau. Greta, em có nhớ nàng có thói quen ngồi trên ghế này và hát bài hát Scotland: "Mỗi ngày, một đêm, có người sinh ra để hưởng hạnh phúc"? Người ấy là Ellie. Nàng sinh ra để hưởng hạnh phúc. "Có người sinh ra để hưởng hạnh phúc, nhưng có người khác sinh ra để chịu cảnh đêm dài vô tận." Mẹ anh biết anh sinh ra để chịu cảnh đêm dài vô tận. Mẹ anh biết anh sinh ra là để chịu cảnh đêm tối. Santonix cũng vậy. Cậu ta ngờ ngợ là anh sắp ngập vào con đường sai lầm, lẽ ra anh phải ở với Ellie để cùng hưởng hạnh phúc.

- Không, anh thừa biết rằng không thể được. Không ngờ anh lại kém tự chủ đến thế! – Nàng lại lay vai tôi: - Tỉnh lại đi!

Tôi ngỡ ngàng nhìn Greta:

- Xin lỗi. Anh vừa nói gì?

- Thời gian ở Mỹ, chắc thần kinh anh bị căng thẳng. Nhưng anh đã thu xếp mọi việc tốt đẹp chứ?

- Tốt đẹp. Tương lai huy hoàng đang chờ chúng ta.

- Anh nói năng hoa mỹ quá. Thư Lippincott nói gì?

Tôi bóc phong bì, bên trong chỉ có một mảnh báo cũ, đã ố vàng. Tôi kinh ngạc nhìn xem: cảnh một phố Hambourg. Phía sau là đôi trai gái khoác tay nhau...: Greta và tôi. Vậy là Lippincott đã biết! Hẳn có người nào đã gửi cho ông ta mẩu báo này, vì thú vị là đã bất chợt được cô Andersen chụp ảnh tại Hambourg. Giờ tôi mới nhớ lúc ở London, Lipppincott cứ gặng hỏi mãi tôi có quen biết Greta từ trước không. Tất nhiên là tôi chối, nhưng sự thực ông ta biết là tôi nói dối! Chính từ lúc đó ông ta bắt đầu ngờ vực tôi.

Đột nhiên, tôi sợ. Tất nhiên ông ta không thể ngờ tôi đã giết Ellie, dù sao ông ta đã đánh hơi thấy một cái gì.

- Lippincott đã biết là chúng ta quen nhau từ trước. Anh đã ghét tên cáo già ấy ngay lần đầu tiên, và hắn không ưa em. Biết tin chúng ta lấy nhau, chắc hắn sẽ hiểu ra sự thật.

- Nhìn anh này, hắn đã đoán ra chúng mình là người tình của nhau, và bây giờ sẽ lấy nhau. Nhưng đừng nên phản ứng như một kẻ hèn nhát. Đến giờ em vẫn phục anh, nhưng lúc này anh đang mất bình tĩnh. Anh sợ tất cả mọi người.

- Không được nói thế!

- Đó là sự thật!

- Cái đêm dài vô tận...

Tôi không nghĩ gì khác. Đêm tối hoàn toàn, đen kịt, vĩnh viễn. Tôi là người vô hình, tôi trông thấy người chết, nhưng người chết không trông thấy tôi. Người đã từng yêu Ellie không tồn tại thực. Hắn đã tự nguyện chìm vào đêm tối, tôi chúi đầu sát đất, lẩm nhẩm lần nữa:

- Cái đêm dài vô tận...

- Đừng nói đi nói lại mãi! - Greta kêu to. - Hãy đứng thẳng lên! Hãy là một thằng đàn ông và đừng để bị ảnh hưởng bởi những trò mê tín nhảm nhí.

- Làm sao mà tránh được? Tôi đã bán linh hồn ở "Cánh đồng Gi-tan". "Cánh đồng Gi-tan" không phải là nơi an toàn. Nó không an toàn cho Ellie, chắc cũng không hơn gì cho tôi. Và cho cả cô nữa!

- Anh nói gì vậy?

Tôi từ từ đứng lên, tiến về phía nàng. Tôi đã yêu nàng. Tôi vẫn yêu nàng và muốn ôm nàng vào lòng. Nhưng tình yêu, căm thù, ham muốn... phải chăng vẫn chỉ là một? Tôi không bao giờ có thể căm ghét Ellie, nhưng lại căm thù Greta vô cùng tận, lòng căm thù này tạo cho tôi niềm hoan lạc sâu xa. Tôi không thể chờ...

- Đồ đĩ bợm! Kẻ xinh đẹp đáng ghét! Greta, cô không an toàn đâu! Tôi không để cô an toàn! Hiểu chưa? Tôi đã học được cái thú... cái thú giết người. Cái ngày Ellie cưỡi ngựa đi vào cõi chết, tôi đã cảm thấy niềm vui khôn tả. Suốt sáng hôm đó, tôi rất hạnh phúc, vì biết nàng sắp chết. Hôm nay, tôi muốn hơn thế, hơn cái thú biết chắc sẽ có người chết sau khi uống viên thuốc vào bữa sáng. Tôi muốn hơn nữa, hơn cái thú đẩy chết một bà già xuống mỏ đá. Tôi muốn sử dụng đôi bàn tay mình.

Nàng bắt đầu phát hoảng. Nàng, người tôi yêu ngay từ buổi đầu gặp ở Hambourg, vì nàng mà tôi viện cớ ốm, bỏ công việc đang làm. Vâng, tôi đã cúc cung tận tụy vì nàng. Nay hết rồi, tôi trở lại là tôi. Tôi đi vào một thế giới khác hẳn cái thế giới tôi hằng mơ ước.

Bộ mặt rúm ró vì sợ hãi của nàng càng kích thích tôi. Tôi nhẹ nhàng siết đôi tay lên chiếc cổ xinh đẹp. Tôi hoàn toàn hạnh phúc khi bóp chết Greta.

CHƯƠNG XXIV

Đánh máy: Long Truyện

Bây giờ chẳng còn gì nhiều để nói. Tôi đã đạt tới đỉnh điểm... Tôi ngồi bất động rất lâu trong phòng sách. Không còn nhớ lúc nào họ đến. Họ xuất hiện cùng một lúc. Họ không đến ngay từ đầu, nếu không họ đã ngăn tôi giết Greta. Tôi nhận ra sự có mặt của Đức Chúa Trời – không, không phải Đức Chúa Trời, tôi lầm lẫn hết rồi – ý tôi muốn nói thiếu tá Phillpot. Tôi luôn nể trọng ông, ông luôn tốt với tôi. Đức Chúa Trời, nếu hiện hình thành người, chắc sẽ hao hao giống Phillpot. Một con người tốt bụng, trung thực...

Tôi không rõ Phillpot đã biết những gì về tôi. Tôi nhớ cái nhìn lạ lùng của ông trùm lên tôi cái buổi từ chỗ bán đấu giá ra về, rồi ông nhận xét rằng sự vui vẻ của tôi không phải điềm tốt. Cái gì đã dẫn ông đên cảm giác ấy?

Sau khi bóp chết Greta, tôi ngồi nguyên trên ghế, mắt đăm đăm nhìn cốc sâm panh rỗng. Mọi thứ trong tôi, quanh tôi đều rỗng. Chiếu sáng căn phòng chỉ có một ngọn đèn nhỏ, ánh sáng yếu ớt. Tôi ngồi bất động, chờ điều gì sẽ xẩy ra.

Hình như mọi người bắt đầu đi vào. Họ đi thành đám đông, rất im lặng, hoặc là tại tôi không nghe thấy gì.

Nếu Santonix có mặt, có lẽ cậu ta sẽ chỉ cho tôi cách cư xử. Nhưng Santonix đã chết, không giúp gì tôi, mà cũng chẳng ai có thể giúp tôi được gì hết.

Sau một lát tôi nhận ra là có bác sĩ Shaw. Ông ngồi không xa, có vẻ chờ đợi cái gì. Tôi nghĩ ông muốn tôi cất tiếng, nên nói thật to:

- Tôi đã về đây – Và nói tiếp: Greta đã chết. Tôi giết. Có lẽ các ông nên đem xác đi.

Một ánh chớp sáng lóa làm tôi phải cụp mắt. Chắc có người chụp ảnh. Ông bác sĩ quay phắt đầu, nói rằng:

- Chưa được.

Rồi ông lại nhìn vào tôi. Tôi ghé sát mặt ông, nói:

- Tối nay tôi đã gặp Ellie.

- Thật à? Ở đâu?

- Ở ngoài, dưới cây thông. Nơi tôi gặp nàng lần đầu....

Dừng một lát, tôi tiếp:

- Nàng không trông thấy tôi... Không thể thấy. Tôi không có mặt. Tôi lo quá.

Ông bác sĩ hỏi dồn:

- Có phải anh đã cho cyanua vào viên thuốc mà Ellie uống trước khi lên ngựa?

- Chúng tôi tìm thấy độc dược trong lều của người làm vườn, và Greta đã giúp tôi trộn nó vào thuốc. Chúng tôi làm việc này trong căn nhà bỏ hoang – Tôi bỗng bật cười to: - Hôm tôi mời ông đến khám cho Ellie, ông đã kiểm tra tất cả các thuốc, công nhận chúng là vô hại rồi. Đúng thế không?

- Đúng.

- Tôi rất khôn, phải không?

- Khôn, nhưng chưa đủ.

- Bằng cách nào ông phát hiện ra cái tổ con chuồn chuồn?

- Cái hôm xẩy ra tai nạn thứ hai, tương tự cái trước, chúng tôi đã hiểu. Tai nạn mà các người không dự liệu.

- Claudia Hardcastle?

- Đúng. Cô ấy ngã ngựa chết, giống như Ellie. Nhưng lần này, nhiều người ở gần, thấy mùi xianua vẫn còn phảng phất. Nếu cô ta nằm đấy một hoặc hai giờ mà không ai biết, thì tôi không nghi ngờ gì. Tuy nhiên không hiểu tại sao cô ấy lại có những viên thuốc của Ellie... trừ khi các người để vương vãi trong khu nhà "Folie"? Thỉnh thoảng Claudia có đến đó. Chúng tôi tìm thấy dấu tay và một chiếc bật lửa cô ta bỏ quên.

- Chúng tôi chưa chuẩn bị chu đáo. Việc đó đòi hỏi rất tỉ mỉ. Ông cảm thấy tôi có dính đến cái chết của Ellie, phải thế không? Tất cả các người, phải thế không? – Tôi nhìn một lượt các khuôn mặt vây quanh – Các ông đều đã nghi ngờ!

- Mơ hồ thôi. Tuy nhiên, tôi không chắc là có thể vạch mặt anh.

- Ông sẽ bắt tôi?

- Tôi không phải cảnh sát.

- Vậy ông là gì?

- Là thầy thuốc.

- Tôi không cần ông.

- Cái đó còn để xem.

Tôi ngước mắt nhìn Phillpot:

- Ông làm gì ở đây? Để xét xử tôi? Chứng kiến tôi bị bắt giữ?

- Tôi chỉ là một người duy trì trật tự. Tôi có mặt với tư cách là bạn.

- Bạn của tôi?

- Bạn của Ellie.

Tôi không hiểu. Tất cả những gì xẩy ra quanh tôi đều không còn ý nghĩa, vậy mà tôi thấy mình thật quan trọng. Cả đám đông người này vây quanh tôi! Cảnh sát, Shaw, Phillpot, toàn những người thường ngày rất bận việc.

Tôi mất khái niệm về thời gian, cảm thấy trong người rất mệt mỏi, từng lúc ngủ thiếp đi. Tỉnh dậy, tôi thấy mình bị vây giữa một lô quan tòa và thầy thuốc. Thầy thuốc hỏi tôi hết câu này đến câu khác, tôi không thèm trả lời. Một người nhiều lần hỏi tôi muốn gì. Tôi xin một cây bút và một tờ giấy. Tôi muốn kể ra bằng văn bản mọi sự việc của đời tôi, mọi cảm nghĩ, mọi ước mơ. Tôi tin chắc thiên hạ rất muốn biết câu chuyện của tôi, vì tôi là một con người đặc biệt, quá khứ đầy thành tích kỳ lạ. Tôi nói:

- Các ông thường cho phép các tội phạm viết lời khai, tại sao tôi không viết? Biết đâu một ngày nào đó, mọi người sẽ đọc tôi?

Tôi viết không nhanh, vì cứ viết một ít lại mệt. Người nào đó nói trước mặt là tôi "sút giảm trách nhiệm", một cụm từ kỳ quặc. Một người khác không đồng tình, phản đối. Họ mặc sức bình phẩm ngay trước mặt tôi, chắc họ nghĩ tôi không nghe thấy.

Rồi tôi bị đưa ra tòa, và tôi yêu cầu mang cho tôi bộ quần áo đẹp nhất: tôi muốn gây ấn tượng với cử tọa. Qua diễn biến phiên tòa, tôi mới biết là từ lâu họ đã bố trí thám tử theo dõi tôi. Ellie nghĩ không sai: lũ gia nhân đã được Lippincott cài đặt trong nhà chúng tôi, và chúng đã biết nhiều chuyện về tôi và Greta, vì dụ chúng tôi bí mật hẹn gặp nhau trong cái lán bỏ hoang. Thật kỳ... từ khi Greta chết, tôi không quan tâm nàng nữa. Sau khi bóp cổ, tôi đã quên nàng hoàn toàn. Nhiều lần tôi cố gợi để sống lại phút giây sung sướng tuyệt vời khi bóp cổ nàng trong tay, nhưng ngay cả điều ấy cũng biến đi khỏi trí óc...

Một hôm, họ bất ngờ đưa mẹ tôi đến. Mẹ đứng gần cửa, và sự lo âu thường thấy trên mặt mẹ đã không còn, thế vào đó là một nỗi buồn vô tả. Cả mẹ và tôi chẳng có gì nhiều để nói với nhau. Mẹ chỉ phát biểu đơn giản:

- Mike con, mẹ đã gắng... mẹ đã gắng hết sức để giữ con an toàn. Mẹ đã không làm được. Mẹ luôn lo sợ ngày này sẽ đến.

- Mẹ ơi, không phải lỗi tại mẹ. Con đã đi theo con đường mà bước chân con đưa đẩy.

Santonix cũng nói điều gần giống... Cậu ta cũng sợ. Và cả cậu ta và mẹ tôi đều không làm gì được. Không ai có thể làm gì... trừ tôi chăng? Tôi không biết, không chắc. Thỉnh thoảng, tôi nhớ cái buổi tối Ellie hỏi: "Khi nhìn em như vậy, anh nghĩ gì?... Cứ như là anh rất yêu em." Ellie, nàng dịu dàng biết bao. Nàng sinh ra để hưởng hạnh phúc...

Điều bất hạnh là tôi đã ham muốn quá nhiều thứ, ham muốn mà không chịu bỏ công sức.

Hôm gặp Ellie, tôi và nàng đã cùng xuôi đường "Cánh đồng Gi-tan", và gặp bà Esther. Bà này nói lời đoán gở, khiến tôi nẩy ra ý cho tiền bà – có tiền thì bà nhận làm bất cứ điều gì – để bà luôn dọa dẫm Ellie, làm nàng có cảm giác bị hiểm nguy rình rập. Bằng cách đó, tôi nghĩ sẽ làm cho cái chết của vợ tôi có vẻ hợp lý. Giờ tôi mới biết là bà Esther sinh ra sợ hãi, sợ thay cho Ellie. Bà cảnh báo nàng hãy coi chừng "Cánh đồng Gi-tan", thực ra là coi chừng tôi. Tôi đã không hiểu.

Phải chẳng Ellie đã sợ tôi? Có thể lắm, dù nàng không ý thức điều đó. Nàng cảm thấy bị đe dọa, bị hiểm nguy nào đó rình rập. Santonix đã đoán ra điều ác trong tâm hồn tôi, y hệt như mẹ tôi đã đoán, và có lẽ cả Ellie nữa? Nhưng nàng đã mặc kệ, nàng vẫn thường như thế.Thật kỳ lạ. Giờ đây tôi hiểu là chúng tôi đã từng sống hạnh phúc, rất hạnh phúc. Tiếc rằng tôi đã không chấp nhận hạnh phúc sớm hơn. Tôi đã có cơ may – tất cả mọi người đều có cơ may – nhưng... nhưng đã quay lưng lại cơ may.

Thật kỳ lạ, có phải không, Greta chẳng còn ý nghĩa gì nữa với tôi?

Cả ngôi nhà tuyệt vời kia cũng không còn ý nghĩa.

Chỉ còn Ellie... Mà Ellie không bao giờ thấy tôi nữa... không ai thấy tôi nữa trong cái đêm dài vô tận mà tôi chìm nghỉm.

HẾT

Cảm ơn mọi người đã đọc <3

Chân thành cảm ơn bạn Khánh Linh đã chụp ảnh bộ truyện

Chân thành cảm ơn bạn Long Truyện đã đánh máy tác phẩm này.

To see a World in a Grain of Sand

And a Heaven in a Wild Flower,

Hold Infinity in the palm of your hand

And Eternity in an hour.

A truth that's told with bad intent

Beats all the Lies you can invent.

It is right it should be so;

Man was made for Joy and Woe;

And when this we rightly know

Thro' the World we safely go.

Every Night and every Morn

Some to Misery are Born.

Every Morn and every Night

Some are Born to sweet delight.

Some are Born to sweet delight,

Some are Born to Endless Night.

.

Trong hạt cát ta ngắm nhìn vũ trụ

Nhìn thiên đàng giữa hoa dại hoang sơ

Ôi thiên thu lắng đọng chỉ một giờ

Giữ vô tận trong bàn tay bé nhỏ.

Một sự thật, dẫu ác tâm được nói,

Còn hơn vạn lời nói dối bịa ra.

Thì bao giờ chả đúng, luôn luôn

Người được sinh để vui và để buồn.

Nếu hiểu được điều này, ta có thể

An toàn đi suốt hết cuộc đời.

Mỗi đêm và mỗi sáng ban mai

Kẻ sinh ra để sống kiếp bi ai

Mỗi sáng rồi mỗi đêm, ngược lại

Kẻ sinh ra để sống vui mãi mãi

Người sinh ra vui sướng nắng ban mai

Kẻ sinh ra trong vô tận đêm dài.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#sss