Cái Thương Bỏ Dạ, Cái Tình Bỏ Tim

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

❝Tiên sa xuống đó mặc tiên

Đôi ta đã hứa lời nguyền thì thôi.

Hai ta đã đẹp đôi rồi

Ai dèm pha chớ đoạn, ai vẽ vời chớ nghe.❞

Xe hơi đi vô chợ lấy hình về. Sẵn có ở tiệm, Hiếu kêu thợ ra chụp hình hắn với cậu đặng cả hai có một tấm hình chung. Dường như, cái thú đi chơi đã làm dịu đi ngọn lửa bốc đồng của Thanh Triết nên cậu cũng gật đầu cho chụp.

Hình rửa ra, tấm nào cũng tốt hết thảy, mà nhứt là hình Thanh Triết đứng trước lùm cây và hình cậu với Hiếu chụp chung thì rõ đẹp lắm. Hiếu lấy làm vui lòng, biểu tiệm rửa ra thêm nữa, mỗi thứ rửa năm tấm đặng để dành coi chơi.

Ra khỏi tiệm Thanh Triết thấy miệng Hiếu cười luôn luôn, sắc mặt hắn dễ dãi, coi hiền hoà hơn lúc ở Cái Cùng. Đương trầm ngâm nghĩ ngợi thì hắn rồ ga, xe kêu ồ ồ làm cậu hồi tỉnh.

"Tôi dắt anh đi xem hát nha."

"Xem hát gì? Ở đâu?".

"Tối nay ngoài rạp hát Thành phố có ban hát ca nhạc mới, họ đồn hay lắm. Tôi đã mua sẵn hai cái giấy rồi đây. Chín giờ khai diễn. Để tôi chở anh đi ăn đặng cho kịp giờ."

"Cậu mua từ khi nào?".

Hiếu mặc kệ tiếng nói ngân nga của cậu, ung dung đạp ga mà chạy, gió từ bốn cửa kiếng phất mát mặt hai người.

Cả hai dừng xe và gởi trong một khu chợ đêm trung tâm Đô Thành, phía trước chợ là các hàng quán bán về đêm. Cậu và hắn ăn hủ tiếu. Thanh Triết quan sát thì thấy Hiếu rất dễ ăn, hoàn toàn không giống như một người con trai nối dõi mà lấy làm kiêu ngạo, khó ăn khó ở.

Thanh Triết nhìn xong, rồi cậu cặm cụi vớt thịt với hủ tiếu ăn hết, chỉ còn một mớ giá với nước rồi xô cái tô qua một bên mà uống cà phê. Cái tô hủ tiếu vừa mới trịch qua thì có một người trai và một đứa nhỏ đứng hờm hồi nào gần đó không biết, áp lại giành bưng cái tô. Người trai giành được bèn kê cái tô vô miệng mà húp nước hủ tiếu rồn rớt, rồi lại lấy đũa và mớ giá mà nuốt nữa. Đứa nhỏ giành không lại thì đứng ngó lườm lườm, coi bộ tức giận lắm.

Thanh Triết thấy thì hơi bàng hoàng, song hành động sau đó của Hiếu còn làm cậu hết hồn hơn.

Hắn móc túi, lấy trong bóp một đồng xu mà cho thằng nhỏ. Thằng nhỏ chưa kịp tạ ơn, bỗng thấy cái bàn gần đó có người đứng dậy đi, mà bỏ ly cà phê còn dư bộn, nó chụp lấy đồng xu rồi với tay, bưng ly cà phê dư mà uống ọt ọt.

Thanh Triết thấy lúc con người đến lúc nghèo, tấm thân phải hèn hạ đến thế thì trong lòng cậu không vui chút nào. Hiếu ngó bộ cậu không vui nên đằng hắng kêu tính tiền, rồi thủng thẳng đi bộ tới rạp hát.

Đi tới bến xe hơi, Thanh Triết còn thấy hai người lơ đương giành một người hành khách. Ban đầu chỉ là cãi cọ, lần lần tới chửi lộn, riết rồi đánh nhau, đứa cầm bù lon, đứa cầm dao, chém đập nhau, đổ máu, lính bắt hết mà đem về bót. Giành một người hành khách có lợi được bao nhiêu, mà đến nỗi phải lác đầu gãy tay, phải bị bắt ở tù như vậy.

Cả hai tiếp tục băng qua mé nhà chợ, ở đó có một tốp con nít đứa quần áo lang thang, đứa ở trần trụi, mỗi đứa có một cái thúng, thấy ai mua đồ thì chạy theo xin đội giùm về nhà. Lại cũng có nhiều con nít khác nữa, đứa ôm nhựt trình, đứa ôm sách, đón mời khách mua. Con nít đến tuổi nầy thì phải ở tại nhà trường, vì cái nghèo mà phải chịu cực khổ từ lúc thơ ngây, ăn không no, ngủ không khoẻ, đau không ai săn sóc, làm không ai dạy khôn, rõ ràng sanh làm người ta chẳng phải là hạnh phước, rõ ràng chốn dương trần chẳng phải là nơi khoái lạc gì.

Thanh Triết đương ngẩn ngơ suy nghĩ, bỗng nghe trong nhà chợ có tiếng la, rồi thấy người ta lộn xộn. Một người đờn ông chạy trước, mấy người chen lấn nhau mà rượt theo sau.

Có một người đờn bà la om sòm, "Tôi mua đồ móc bóp ra lấy tiền mà trả, ở đâu không biết nó xớt giựt cái bóp mà chạy tuốt."

Thanh Triết thấy cảnh đó, lòng trở nên nặng trĩu, rầu rĩ đứng im ru. Hiếu ngó trông sắc diện cậu tiu hiu, hắn bèn vươn tay, xoa đầu Thanh Triết, nhẹ nhàng đẩy đầu cậu dựa sát vào lồng ngực mình rồi mới rảo bước mà đi.


Gần đến giờ khai diễn, trước cửa rạp hát thành phố, nam thanh nữ tú tụ tập đông dầy dầy. Người chưa mua vé thì chen nhau mà mua, kẻ có giấy trước thì đi thẳng vô đặng kiếm chỗ của mình mà ngồi.

Hiếu với Thanh Triết song song đi vô cửa rạp hát, tướng mạo nghiêm trang, trình giấy rồi đi thủng thẳng bước vô, không bợ ngợ, không rụt rè chút nào hết, không cần ngó ai, mà cũng không thèm kể ai ngó mình.

"Cậu mua giấy nhằm hàng ghế thứ mấy?".

"Hàng ghế thứ nhì, ngay chính giữa."

Hiếu nói vừa dứt, hắn cũng gan dạ nắm tay cậu đặng xuống thang mà vô chỗ ngồi. Vừa tới đầu thang, thình lình Thanh Triết nghe có người vừa gọi tên mình nên cậu rút khỏi tay Hiếu.

"Vy Thanh đó phải hôn?".

Thành Dương cúi đầu chào Thanh Triết, miệng cười chúm chím.

"Trời cũng xui duyên nợ quá. Cậu đi đâu mà vô đây? Đất Sài Thành này phức tạp lắm đó."

"Tôi đi coi hát thôi, tới nay tôi vẫn mạnh, chẳng có nguy chi."

Hiếu đứng bợ ngợ, ngó quanh quất hai người mà không thể dằn lòng mà chờ cuộc gặp gỡ khác được, bởi vậy hắn liền nói với Thanh Triết rằng, "Tôi vô ngồi trước, chừng nói chuyện xong thì anh vô nghe chưa. Nhớ đó, hàng ghế thứ nhì, chính giữa."

Còn lại Thành Dương và Thanh Triết thì hai người đi ra cái sân trống chỗ để lúc hạ màn khán giả đứng hút thuốc và hứng mát.

Thành Dương mau mắn nói trước, "Ở đất Sài Gòn phải dè dặt, tốt nhất đừng tin ai hết."

Thanh Triết phì cười, cậu nghĩ là đối phương đã nghĩ rằng cậu là người yếu ớt. Hoặc có lẽ, cái bóng của Vy Thanh quá lớn, chàng trai ấy đã trở nên nhu nhược và bạc nhược trong mắt tất cả mọi người, sự đau khổ đến khốn cùng đã vận vào cái thân xui xẻo khiến cậu trở thành tiêu điểm làm người khác chán chường.

"Tôi không phải là người dễ bị lừa gạt. Và chúng ta chỉ mới gặp gỡ đây mà thôi.

Thành Dương đứng ngơ ngẩn một hồi. Thấy anh như vậy, Thanh Triết càng thêm bứt rứt, chộn rộn không yên.

"Anh định nói với tôi chuyện gì?".

"Việc của đôi ta."

Trong vô thức, Thành Dương lỡ lời. Anh cũng mặc kệ, anh ngó coi biểu hiện của đối phương để biết, rồi liệu mà tính nhưng Thanh Triết bấy giờ giỏi giấu cảm xúc hơn bao giờ hết.

"Việc gì thì anh nói phứt đi." Cậu kiên nhẫn chờ, hoặc đúng hơn, theo một phép lịch sự mà cậu cho là có giáo dục.

"Nhưng dường như cậu mắc xem hát rồi."

"Anh cứ nói cho tôi nghe, rồi lát tôi vô sau."

"Để bữa khác, không gấp gì."

"Sao anh không có chính kiến gì hết vậy? Là đàn ông mình nên nêu lên quan điểm và những gì mình nghĩ mới phải chớ."

Thành Dương chưng hửng, anh ngó Thanh Triết trân trân. Tiếp đó, anh sụt lại lại ít bước, rồi ngồi trên cái băng để gần đó, tay chống trán không nói thêm gì nữa.

Trong rạp hát tiếng chuông rung leng keng, rồi cây dọng cộp cộp, kéo màn lên khai diễn.

Thanh Triết trút tiếng thở dài, bước lại cái băng, ngồi một bên anh rồi hỏi, "Có sự gì làm cho anh phiền hay sao?".

"Không. Tôi chỉ đang suy xét lại ý nghĩa mà mình sống trên đời này."

"Tôi coi anh cũng là người trí thức, bộ anh có khổ tâm gì hay sao?".

"Tại việc của tôi nó kỳ lắm, khó mà nói được."

"Nói thử tôi nghe, tôi bầu bạn với anh được mà."

Thành Dương nghiêng đầu nhìn, song anh thấy khuôn mặt với nét hiền dịu nhưng con ngươi lại phát sáng tinh anh kia. Những chánh sắc kiên định của cậu làm cho anh thêm vững lòng tin hơn.

Ấy là nghĩ một chuyện, tưởng là một chuyện nhưng mà khi làm lại là chuyện khác. Không hiểu lúc đó anh bị làm sao mà anh nói được điều cất giấu trong lòng.

"Tôi không biết cậu có tin vào duyên nợ hay không nhưng tôi thì có. Tôi đã vì một người mà thay đổi cách nhìn đời và nhìn người. Người đó cho tôi sự thương cảm, rồi từ sự thương cảm đó mà trở nên yêu và quý nhiều hơn."

Thành Dương nói vừa dứt, anh thình lình quay sang dòm người bên cạnh. Thanh Triết vẫn bình thường mà lắng nghe, mãi cho tới khi cậu thấy anh ta dòm sang thì cậu thấy ngờ ngợ.

"Anh... đang nói gì vậy? Bộ anh bị điên rồi hay sao?".

Thành Dương không nói gì hết, anh đưa tay ra, tính nắm tay Thanh Triết. Cậu giật mình, hất tay anh rất mạnh, rồi đứng dậy gọn gàng, chỉ tay ngay mặt Thành Dương mà nói, "Anh nghĩ làm sao mà anh có cái tư tưởng đó được vậy?!".

Sau đó, Thanh Triết vội vã xây lưng đi vô rạp hát.

Thành Dương nhổm dậy, kêu vọng lại, "Vy Thanh, em trở lại cho tôi nói chuyện...".

Thanh Triết khoác tay mà đáp, "Thôi, gớm lắm!".

Cậu đi luôn, không một lần ngoái lại. Cậu vừa tới thang, vô chỗ ngồi thì hát cũng vừa hết lớp nên họ hạ màn, rồi đèn bựt cháy lên. Thanh Triết dòm thấy Hiếu thì săm săm đi lại đó và ngồi cái ghế trống một bên hắn.

"Anh nói chuyện gì mà lâu dữ vậy?".

Thanh Triết lắc đầu, Hiếu dọ ý cậu không muốn nói thì hắn cũng không tiện hỏi nữa. Hắn đợi hát hết lớp, hạ màn rồi mới đứng dậy luôn, Thanh Triết cũng đi theo ra.


Ra ngoài đường, hai người cứ theo đại lộ Bonard mà đi, Hiếu không hỏi, mà Thanh Triết cũng không nói tiếng chi hết. Lên khỏi rạp hát bóng, Hiếu thấy có một cái băng đá vắng vẻ, không ai ngồi, bây giờ hắn mới nói, "Hay là ngồi đây hứng mát một chút. Còn sớm, không cần phải về gấp."

Hắn ngồi nên khích cậu ngồi theo, sắc mặt Thanh Triết vẫn còn ưu sầu, vẻ buồn bực khó nói.

Hiếu dọ sắc mặt thì biết cậu có chuyện buồn trong lòng, song hắn không nói chi hết. Hai người ngồi được cũng một thời gian thì Thanh Triết mới lững thững đứng lên và quay ra xe. Hiếu quyết giữ lòng không phàn nàn, hắn đợi cậu ngồi yên trong xe rồi mới rồ ga mà chạy.


Sớm mai, mặt trời lên cao. Tại Sài Gòn, trong dãy phố trệt ở đường Lagrandière bây giờ là đường Lý Tự Trọng (Gia Long), giao với Đồng Khởi, nhà nào cũng chưng dọn hực hỡ. Riêng một căn dọn vén khéo, đồ đạc tốt đẹp hơn hết. Ta có thể thấy rõ trên hai lan can phía trước có để hai cái chậu, mỗi chậu trồng một bụi cau, lá sum sê, cọng vàng tươi. Tại cửa giữa có treo một tấm màn màu trứng gà, rẽ vén hai bên đặng ra vào cho tiện. Hai cửa sổ có giăng hai tấm màn ren cũng màu trứng gà để ngăn cát bụi, chớ không ngăn ánh sáng mặt trời.

Trong nhà, phía trước để một cái bàn nhỏ với bốn cái ghế, trên bàn có để một bình bông, còn mặt ghế thì có lót nệm gòn đặng khách ngồi cho êm. Phía trong, đụng vách buồng, có để một cái đi văng, trên cũng trải nệm mỏng còn chung quanh thì đóng hộc mà để đồ. Hai bên vách cũng không bỏ trống, một bên thì để một cái tủ nhỏ, trên tủ có để một cái máy hát. Phía trong buồng có giường sắt, giăng mùng, trải drap trắng muốt, có bàn viết, có tủ áo, có tủ sắt, lại dựa cửa sổ có lót một cái bàn để ăn cơm cho mát.

Căn nhà đẹp đẽ này là nhà của Trần Minh Hiếu xây nên từ sau khi hắn tốt nghiệp Chasseloup Laubat được một năm với số tiền mà bản thân dành dụm được từ khi còn là sinh viên.

Thanh Triết vẫn còn nằm im lim trong buồng, Hiếu thấy hồi hôm cậu đi xem hát, ngồi lâu, lại thức khuya nên mệt mỏi, bởi vậy hắn không kêu thức dậy mà có ý muốn để cho cậu ngủ nhiều cho khoẻ.

Bởi vậy, hắn uống nước trà rồi thung dung đi dạo một vòng sân. Tới khi mặt trời đã chuyển sắc gay gắt thì hắn mới đi vô buồng gọi người kia dậy.

Thanh Triết lờ mờ nghe tiếng giày lộp cộp gần bên tai, cậu vội vàng ngồi dậy. Hiếu kêu cậu ăn cơm, hai người xuống ăn lót dạ rồi Hiếu ra lấy xe, kêu cậu ngồi vô.

Thanh Triết giật mình, bởi hôm nay Hiếu không cầm lái nữa mà mướn một người sốp phơ giỏi giắn kỹ lưỡng, lựa một đứa trai lanh lợi theo làm bộ hạ.

"Gì đó?".

"Đi chơi."

"Cậu dư tiền quá nên không biết làm gì hay sao?".

"Ai biểu tôi sanh ra trong gia đình giàu nhứt xứ Bạc Liêu này làm chi."

Thanh Triết phì cười, dần dần cậu thấy mức độ "vỗ ngực xưng oai" của hắn càng ngày càng cao.

"Tôi đang không có đồng nào trong người, cậu tính ghi nợ tôi nữa hay sao?".

Thanh Triết và Hiếu đều ngồi ở hàng ghế sau nên Hiếu rất dễ dàng trông thấy thái độ cau có, bộ mặt như chét nhọ lên mặt của đối phương.

Hắn cười ra tiếng nhưng tiếng cười lần này rất đỗi hiền dịu và nhu mì, "Anh muốn chơi cái gì cứ chơi, tôi không tính toán đâu mà sợ."

"Cậu chắc lời hôm nay cậu nói là chơn thật chớ?".

Hiếu gật đầu, cũng nhờ có vậy mà hắn mới có thể thấy được nụ cười phất lên sự kiêu ngạo của cậu. Thanh Triết bật cười khúc khích, mà bấy giờ cũng chỉ có Hiếu nghe được mà thôi. Đó là tiếng cười thanh thanh, sảng khoái, lẫn trong gió, phần phật ùa vào buồng lái.


Ban đầu, hai người định đi một chuyến dài ra Vũng Tàu, Long Hải, Nước Ngọt, lần lần mới ra Phan Thiết, Đà Lạt, Nha Trang, rồi trở về lên Angkor, viếng Đế Thiêng, Đế Thích. Mỗi chỗ, họ ở hai bữa. Thanh Triết đi tới đâu cũng xài tiền như nước, vì cậu đã chắc rằng nếu hết số tiền này thì sẽ có số tiền khác đắp vào mà cậu chẳng tốn một công lao nào nên cậu chẳng cần phải tiện tặn. Đi gần một tháng, đủ các nơi thắng cảnh, tâm hồn Thanh Triết cũng trở nên bình ổn hơn thì hai người mới trở về Cái Cùng.


Đi chơi thong thả quen rồi nên bây giờ ở nhà tù túng thì trong lòng Thanh Triết không vui. Cậu bắt đầu trở về bản ngã của mình, sáng ngày thì đi đó đây, đặc biệt thích tụ tùng đến các sòng bài, đến nỗi mà những sòng có mặt trên đất Bạc Liêu nhỏ này đều biết đến tiếng tăm của cậu và bị Thanh Triết làm cho lỗ một vố lớn.

Mà bấy giờ, những sòng bài ở đó đều thuộc Hiếu sở hữu. Hắn từ từ biết được một sự thật kinh hoàng từ trước tới nay. Dẫu vậy, sau khi chứng kiến cảnh chơi bời của Thanh Triết thì hắn cũng không thèm đặt trí lo nghĩ, hay thấy hắn tra hỏi cậu, bởi vậy Thanh Triết muốn làm gì cũng được, nghinh ngang vì nghĩ rằng không ai dám cản đường mình.

Nhưng bởi vì Minh Hiếu càng ngó lơ thì Thanh Triết càng làm lộng. Cậu quên mất gìn giữ tánh nết mà suốt ngày rong chơi. Lúc bấy giờ có nổi lên một nhà xét. Chỗ này bày lập ra đễ cho người có tiền đến đó ăn chơi, muốn hút á phiện thì sẵn có mâm đèn, muốn ăn uống thì đủ thứ cao lương, muốn thưởng nguyệt hoa thì sẵn có gái xinh, muốn đánh bạc thì sẵn có tay chơi, muốn chơi bao lớn cũng được, muốn chơi thứ gì cũng có. Thanh Triết vô nhà xét mới một lần đầu mà đánh bài ăn được 800$00. Một lần, do thắng lớn nên tinh thần cậu khấp khởi, Thanh Triết về khoe với em gái Hiếu, ngỏ ý dắt cô vô coi thử cho biết nhưng cô không chịu nên cậu giằng co kéo Hai Thà theo để có người bầu bạn.

Cô Ánh Xuân thấy cách Thanh Triết đi chơi không kể ngày đêm nên cô nho nhỏ khuyên anh trai.

Hiếu nghe lời khuyên, song hắn cứ thấy cậu đi nhà xét hoài thì cũng bực dọc trong lòng. Hắn đợi cậu đi ra khỏi nhà xét và nghỉ ngơi trong phòng chờ thì mới chẩm bẩm bước tới.

"Anh biết chơi quá, tận hưởng cái văn hoá phương Tây làm cho tôi cảm phục."

Thanh Triết không chịu thua khi nghe lời mai mỉa, cậu rướn lên mà cãi, "Chỗ nào có cậu nuôi quân thì tôi chắc chắn sẽ làm lụn bại cho bằng hết."

Hiếu không định gây, hắn chỉ định hỏi, song cái việc đối phương hằn học đáp trả đã cho hắn một câu trả lời đích xác nhất. Đoạn hắn định nói gì đó với Thanh Triết nữa nhưng bị âm thanh giục giã níu lại. Lúc này, tớ trai của hắn - thằng Hiệp vội vội vàng vàng đi vào và thưa thiệt lớn.

Thanh Triết cũng chỉ nghe được tiếng nói xen tiếng thở dồn dập của nó thì đã bị Hiếu kéo tay dẫn đi luôn mà không thèm dọ hỏi cậu có muốn đi hay không.


Thanh Triết ngó lơ, mặt nặng mày nhẹ theo hắn tới tiệm vải gia đình. Tại đó, cậu mới biết được thì hoá ra lời nói lúc trước của Vy Thanh là sự thật. Gia đình của hắn có khi cưới Vy Thanh cũng chhỉ để thay đổi mạng số, làm khởi sắc cửa tiệm này mà thôi.

Thanh Triết ngó thì thấy không có đồ vật gì đáng giá, ngoài những khúc vải có thể nói là miếng cơm để người khác kiếm tiền thì dường như chẳng có gì mới mẻ.

Mà đúng lúc này có một cô người Tây tới, lúc bước lên thềm thì cô dụ dự, chưa dám vô. Ngó qua thì đoán cô này độ hai mươi tuổi, chân mang guốc, dung nhan tuấn tú, cặp mắt như sao, tóc hớt bom bê, mặc y phục là một chiếc đầm. Tay trái cô đeo cà rá nhận một hột ngọc màu đỏ bầm, chớ không có nữ trang nào khác, nhưng nhờ da trắng má bầu, nhờ có gương mặt sáng rỡ, nhờ cặp mắt có đức, nhờ hình vóc dong dảy, nhờ tướng đi dịu dàng, nhất là nhờ vẻ đẹp thiên nhiên, bởi vậy ai thấy cô cũng đều cho cô có quốc sắc.

Thợ trong nhà mời kêu cô, bởi vậy cô lấy lại sắc, chậm rãi bước vô nhà.

Cô này là Jeanne, ở Sài Gòn cô nhảy đầm hay đệ nhứt, vậy mà không hiểu sao cô lặn lội tới dưới này để may đồ. Chắc có nghe tiếng dân truyền tai là vải ở đây mặc bền, hoặc cũng có thể nghe tiếng người kế nghiệp tiệm vải này là người điển trai, giỏi giang, xuất chúng nên cô tới coi xác nhận.

Hiếu thủng thẳng bước tới, nghiêng đầu chào khách rất hữu duyên, rồi lại đứng trước mặt cô Jeanne cúi đầu thi lễ.

Cô Jeanne mỉm cười rất trữ tình, giơ tay bắt tay hắn, mỗi cử động đều duyên dáng.

Thanh Triết đứng ngó cùng trong nhà, cậu kéo một cái ghế ra và ngồi xuống. Bây giờ cô ngồi, Hiếu ngồi bên cạnh cô, còn cậu thì ngồi phía bên kia bàn, đối diện với hắn và cô nọ.

Tưởng là có chuyện gì to tát, song cũng chỉ bởi vì cô này muốn đặt một tấm trải bàn đặng để bình bông coi cho đẹp nhưng thợ ở đây chỉ nhận may đồ chớ không có nhận may tấm trải khăn bàn. Cô này không tin, nằng nặc đòi nói chuyện với chủ nên Hiếu mới về đây mà giải thích.

Nhưng sự từ chối ấy chỉ kéo dài được một lúc, cho tới khi Thanh Triết cất lời thì mọi thứ đã sang một ngã rẽ khác.

Khác là bởi đích thân cậu là người hỏi han và tiếp nhận yêu cầu của cô đó.

"Theo ý tôi thì tấm thêu phải cắt hình vuông theo chiều bàn như cô đã nói, song chính giữa phải có mặt trăng tròn đặng để cái bình bông. Cô muốn màu như thế nào?".

Jeanne bỡ ngỡ nói, "Tôi không biết màu nào đẹp."

"Vậy chớ cô muốn thêu hàng hay là thêu vải?".

"Cha chả, tôi không thạo việc nầy rồi! Hay là... anh ghé nhà tôi, ngó coi xung quanh rồi coi thứ nào tốt nhất thì anh làm cho tôi."

Hiếu thấy Jeanne vừa nói vừa bước chậm rãi tới trước mặt Thanh Triết, mà cậu lúc bấy giờ cũng không có phản ứng nào thì trong lòng hắn thấy không an, vội đi lên tách cô ra và giả vờ nói.

"Cô chịu khó miêu tả một chút thì chúng tôi mới hình dung ra được mà may cho cô chớ."

Kể từ lúc Thanh Triết lên tiếng, nom bộ có ý tưởng trong đầu hết rồi nên hắn mới cho cậu nói chuyện, nếu không dễ dầu gì mà hắn lại chấp nhận cái việc hoang đường ấy xảy ra trong tiệm.

Thanh Triết biết vậy, biết Hiếu đang nhường nhịn mình nên cũng nhẹ mỉm cười nói với cô kia, "Cô yên tâm. Nếu không dè chừng thì màu của tấm thêu tôi sẽ lựa một màu coi có vẻ thanh nhã, hợp với mọi khung cảnh xung quanh nó."

Jaenne tiến gần cậu không được nên cô ngồi xuống một lần nữa, Thanh Triết tiếp khách ngồi đối diện cô, còn Hiếu thì thay đổi theo ngồi bên cạnh Thanh Triết và nghe cậu bàn luận với cô kia.

"Trải bàn chẳng cần phải dùng tơ lụa, làm bằng vải cũng được. Chẳng nên thêu rằn rực, thêu bốn phía bốn nhành mai, lan, cúc, trúc thì đủ đẹp rồi."

"Là đàn ông con trai coi bộ anh rành quá đa."

"Nằm trong tầm hiểu biết của tôi mà thôi." Thanh Triết nở nụ cười, sau đó cậu day mặt lại, kêu thợ đưa cho mình một cuốn sổ rồi mới nói với cô này, "Để tôi vẽ kiểu cho cô xem trước."

"Khỏi, khỏi mà. Anh cứ liệu mà làm. Nhưng mà không biết thêu chừng nào mới xong?".

Hiếu ngước mặt lên, dọ coi sắc cậu thế nào thì hắn giật mình khi gương mặt cậu thản nhiên và rất tự tin.

"Chừng năm ba bữa." Thanh Triết tuyên bố.

"Không gấp gì. Một tuần cũng được, miễn là anh may khéo để tôi có cái mà kỷ niệm."

Jeanne chúm chím cười, mặt mày càng ửng đỏ như hoa hường mới chớm nở.

Nghe cô dùng hai chữ "kỷ niệm" thì Hiếu tưởng như là cô chú ý muốn ghẹo Thanh Triết, muốn làm cậu bối rối nên sắc mặt hắn đen lại, trong lòng hậm hực hờn ghen.

Quanh quẩn cả buổi trời, Thanh Triết cũng phác hoạ được một tấm trải với hoa văn như ý cô nọ mong muốn. Jeanne giờ đây cũng chỉ mỉm cười nhẹ nhàng mà thôi, chớ cô không nói nhiều nữa. Hai người nói về kích cỡ rồi màu sắc, kiểu dáng rất hăng say. Được một lúc, cô cũng đứng dậy, dợm từ mà về.

Thanh Triết đưa cô ra cửa rồi cười lên, nhắn nhủ, "Chúa nhựt tuần sau sẽ có tấm trải bàn. Cô hãy nhớ mà ghé."

"Thưa, được."

Cô nọ đi rồi, Hiếu mới quay sang, bộ điệu bất mãn, "Làm một tấm trải bàn thì được bao nhiêu tiền đâu mà anh nhận?".

"Đã làm nghề thì phải biết đi theo nghề. Đây là tiệm vải mà khi xưa cha cậu dồn hết tâm sức vào rồi mới trở thành tiệm may lớn như bây giờ. Chẳng lẽ, cậu định bụng cho nó rơi vào đường cùng hay sao? Tôi làm vậy là vì thương cho những người thợ ở đây. Họ còn có chồng, có vợ, có con, có cha mẹ để nuôi."

"Anh thương người quá. Vậy sao anh không thử thương tôi một lần?".

"Một người có đầy đủ, không thiếu tốn thứ chi và luôn được cung phụng như cậu thì có đáng để tôi động lòng trắc ẩn không?".

Hiếu biết, hắn sẽ không bao giờ cãi thắng cậu. Cái chân lý của người đang đứng trước mặt hắn quá lớn, lớn đến nỗi mà hắn cam tâm để nó dẫm đi nhiều suy nghĩ của hắn.

Thanh Triết cười xoà, cậu đưa bản phác hoạ và phân công cho thợ làm, xong xuôi mới day sang nói với Hiếu, "Theo ý tôi, dầu cầm cây viết hay là cây kim cũng vậy. Hễ nghiệp nghề mình được chí thiện, tận mỹ thì quý như nhau, chớ không phải người cầm viết mà thấy sang hơn người cầm kim. Cậu học chữ, ví như cậu có tài viết văn hay, còn như những người như họ đi làm thuê làm mướn mà họ có tài thêu may rất khéo. Cái hay đối với cái khéo thì bằng nhau chớ có cao thấp chi đâu."

Hiếu bật cười, chợt hắn thấy sao mà thương cậu nhiều hơn trước nữa là.

Thanh Triết không nhận ra sự đong đầy trong khoé mắt của hắn, ung dung đi lại một vòng sau trước. Thỉnh thoảng, cậu có dừng lại ở mấy cây vải được treo lên làm hàng mẫu để khách coi, nghiền ngẫm một lát mới lật đật lên tiếng.

"Cậu nhập loại vải này về làm gì? Người ta mua về chỉ giặt qua một lần là nó bị rạn rồi."

"Xưa nay người ta đều mặc vải này mà. Vả lại, mình cứ bán cho người ta, nếu có vấn đề gì thì khi đó cũng không phải chuyện của mình nữa."

"Làm ăn buôn bán là quan trọng chữ tín. Mình phải giữ chữ tín hàng đầu thì người khách hàng người ta mới quay lại mua cho mình nữa chứ."

Thanh Triết đứng dậy, cậu nghiêm mặt, thẳng thắn chỉ ra, "Tôi thấy cậu nên kêu thợ cải tiến nhiều thứ mới hơn đi. Bây giờ, đàn ông lẫn đàn bà xứ An Nam mình rất chuộng những phong cách mới lạ." Thanh Triết coi ngó qua một lượt, cậu không e dè mà nói ra những ý nghĩ trong đầu, "Vải lanh để may áo vest, vải lụa để may áo dài. Nhưng mà từ trước tới nay vải lụa của cậu nhập về chỉ có một màu thôi, trong khi đàn bà thì lại rất thích màu sắc để thay đổi. Tôi nghĩ, cậu nên treo lên từng khúc vải theo nhu cầu của khách hàng, ắt sẽ có khởi sắc hơn."

"Nhưng khó lắm. Tiền...".

"Tôi biết, nhưng mà không thử thì làm sao mà biết được. Nếu cậu không ngại thì tôi có một ý đóng góp đây."

Hiếu trầm ngâm, hắn im lặng không nói, đợi cho cậu phân trần tiếp.

"Nếu đã là một gia đình có truyền thống buôn vải và gia công may mặc lâu năm thì tôi nghĩ phải cho những tấm lụa tạo nên một sự khác biệt mà trước nay xứ mình chưa từng có. Lanh cũng vậy. Thay vì để trống không thì cậu nên vẽ lên đó những hoa văn nền nã để bộ vest quý ông thêm sang trọng hơn nữa."

"Ý của anh là muốn phát triển tiệm bằng cách mở xưởng thêu?". Thấy đối phương gật đầu, Hiếu vội chậc lưỡi, "Không ổn. Vải thì nhập về cả đống, tiền thêu với tiền vẽ lại cao hơn thảy, e rằng tới đó không ra giống gì hết."

"Tôi đã nói rồi. Nếu cậu không có tham vọng thì cậu sẽ không đi tới đâu hết."

Đối diện trước sự cương quyết, cứng rắn của Thanh Triết, Hiếu nghiêm nét mặt mà suy nghĩ một chút, rồi hắn ngó ngay cậu mà đáp, "Thôi thì cứ nghe theo ý anh đi."

Thanh Triết nghe rồi từ giã mà đi về. Hiếu đưa cậu ra tới thềm rồi mà còn bịn rịn đứng ngó theo và miệng chúm chím cười.

Kể từ đó, Minh Hiếu nghe theo Thanh Triết mà tu tính làm ăn. Cả hai đêm ngày ra cửa tiệm lo từ xưởng thêu tới kêu gọi người gia công may mặc. Ban đêm ai đi ngang qua nhà Hội đồng, nếu liếc mắt dòm thử vô cửa thì thường thấy Hiếu nằm trên ghế đọc tạp chí đặng tìm hiểu thêm về kiểu cách thêu hoa văn, còn Thanh Triết ngồi trên ván may, chẳng hề chuyện vãn chi hết. Hai người ở với nhau bề ngoài coi lạt lẽo, chẳng hề khi nào giỡn trững, chẳng hề khi nào lả lơi nhưng mỗi khi Thanh Triết có nóng lạnh hay nhức đầu thì Hiếu sẵn sàng lo mua thuốc rước thầy, săn sóc dưỡng nuôi kỹ lưỡng lắm.


Lần lựa ngày lụn tháng qua, Thanh Triết nấn ná ở chừng với Hiếu trót năm, có đủ mùi vị cay đắng, ngọt bùi. Cậu còn nhớ có một lần cửa tiệm nhận một lô hàng lớn sang Pháp thì không đủ hàng để cung ứng nên đích thân Thanh Triết nghĩ một giải pháp đó là mỗi người làm riêng một công đoạn rồi một bộ phận khác sẽ may ráp lại thay vì một người làm toàn bộ cả một bộ quần áo như trước.

Ngày đó, cả cửa tiệm tất bật xuyên đêm ngày, Thanh Triết vì muốn làm cho mau nên cơm trưa cơm tối cũng không ăn, đến nỗi Minh Hiếu xách lồng cơm theo. Hiếu khuyên hết lời mà cậu không chịu nghe nên hắn đành đút cho cậu từng muỗng cơm trong lúc Thanh Triết cặm cụi may vá.

Bởi vậy mà cái nhìn về nhau đã khác đi rất nhiều, Thanh Triết biết người nọ muốn gì song cậu không nói, chỉ chờ cho đến khi cái tình thật sự chín muồi.


Chiều bữa nọ, trời trong gió mát, những người làm việc cả ngày, mãn giờ ai cũng chầm chậm đi bộ về nhà, hứng chút thanh phong. Thanh Triết thấy trời tốt và lại còn sớm nên ngỏ ý muốn về nhà cha má. Dọc đường, cậu thấy chệt bán trái cây tươi tốt mới mua một cân sá lỵ với một cân hồng tươi. Trả tiền rồi vừa xách hai gói trái cây đi thì chợt thấy Thành Dương ngồi xe kéo chạy ngang qua mặt.

Thành Dương cũng nhận ra cậu mà cho xe phu dừng lại. Anh ta bộ mừng quýnh, chạy lại ôm Thanh Triết. Cả hai nói chuyện dăm ba câu, Thanh Triết thâm tình ngỏ ý mời hắn về nhà.

Nhưng khi vô nhà, cậu mới vỡ lẽ ra. Xe vừa ngừng ngay cửa, Cai Lân đã kêu vợ nói rằng, "Mình a, mình! Con mình về đây nè."

Vợ ông đương nằm võng, nghe chồng kêu thì lật đật chạy ra bới đầu, miệng chúm chím cười. Bà tới ôm Thanh Triết nhưng mắt ngó Thành Dương đã mỉm cười.

"Thành Dương mới tới hả con? Hổm nay má có lòng trông quá mà không thấy con về. Con vẫn mạnh há?".

oOo

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro