Dây Oan

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

❝Đập vỡ con thoi dệt mộng rồi

Hỏi còn gì nữa ở trong tôi?

Mắc lên khung cửi dây oan trái

Gập lại guồng tơ lớp bụi đời.❞

Ánh đèn le lói phát ra từ trong những mái tranh xập xệ sâu trong con hẻm nhỏ, nhuộm màu vàng ố lên những bức tường ẩm mốc vẻ hoang tàn, đìu hiu. Gió lạnh thổi qua, mang theo mùi ẩm ướt và mùi khói than từ những quán ăn hướng ba giờ ven đường.

Trong góc tối, một chàng trai gầy gò, quần áo tả tơi, ngồi co ro bên chiếc rổ tre cũ kỹ. Trên rổ, những chiếc lọ nhỏ được xếp gọn gàng, bên trong là thứ chất lỏng màu đỏ sẫm, nhìn như máu.

"Cơn đau bán đây! Một hào ba xu, một chén máu."

Giọng nói khàn khàn của chàng trai kia vang lên, ấy là một chàng trai còn rất trẻ và từ chất giọng có thể nghe được bản chất quý phái của chàng trai. Âm thanh sang cả ấy lẫn vào tiếng ồn ào của tiếng rao bán đêm hay từng xe kéo rao mời khách.

Không ai để ý đến chàng trai nọ, ai nấy đều vội vã bước đi, ánh mắt lảng tránh cái người mà người dân xóm Cái Cùn gọi đó là công tử điên.

Duy chỉ có một người, một người đàn ông ngó bộ trẻ tuổi đang dừng lại trước rổ tre rách rưới. Anh ta mặc bộ đồ tussor đen, mang cravet trắng, mặt đối phương trắng bệch, đôi mắt sâu thẳm như vực sâu thăm thẳm.

"Anh bán cái gì vậy?". Giọng nói của người đàn ông lạnh lùng nhưng cũng đầy đặn vẻ hiếu kỳ.

Chàng trai trẻ nhìn người đàn ông vẻ ngoài dày dặn trưởng thành, ánh mắt lộ bày sự đờ đẫn, vô tri.

"Cơn đau... Một hào ba xu và một chén máu."

"Cơn đau? Anh bán cơn đau?". Giữa khoảng không tĩnh lặng như chĩnh, bỗng có tiếng cười khẩy của người đàn ông. Tiếng cười như tiếng gió thổi qua khe cửa, lạnh lẽo, "Cơn đau đâu phải thứ có thể mua bán?".

"Không phải... là... là... ". Chàng trai trẻ lắp bắp, đôi tay run rẩy liên hồi, "Là... là... thứ có thể...".

"Nói đi! Rốt cuộc anh bán cái gì?". Người đàn ông đến gần, ánh mắt sắc bén như lưỡi dao, dường như anh không đủ kiên nhẫn để chờ đợi.

Giọng nói của chàng trai run run, mi mắt rung động, chực chờ như muốn khóc.

"Tôi... tôi bán nỗi đau. Nỗi đau của những người bị bỏ rơi, bị phản bội và bị tổn thương...".

"Nỗi đau?". Người đàn ông nhíu mày, ánh mắt nghi hoặc dõi theo chàng trai.

"Sao anh lại có thể bán nỗi đau được?".

"Tôi... Tôi là người bị bỏ rơi... bị phản bội và bị tổn thương." Chàng trai cúi đầu, nước mắt lăn dài trên má, "Tôi... tôi hiểu nỗi đau của họ... Tôi muốn giúp họ...".

Người đàn ông xa lạ nhìn người đàn ông, con ngươi dần biến đổi theo nét hiền dịu hơn, "Anh muốn giúp họ? Nhưng bằng cách mua bán nỗi đau ư?".

"Tôi... tôi không biết cách khác." Chàng trai ấy ngước lên, ánh mắt tuyệt vọng rưng lệ, "Tôi chỉ muốn giúp họ mà thôi."

Người đàn ông im lặng một hồi lâu, anh cúi đầu và đăm chiêu nhìn chàng trai kia.

Chẳng hiểu sao, anh lại cảm thấy chàng trai ấy rất đẹp, đẹp như một bức tranh thuỷ mặc. Nét thanh lịch toát ra từ từng đường nét nhỏ nhất. Gương mặt thanh tú với sống mũi thẳng và cao. Đôi mắt sáng, long lanh, lời nói cử chỉ hoàn toàn không giống như một người bị vùi dập trong số phận, trái lại cốt cách chàng giống như người được sinh ra trong gia đình giàu có.

Thình lình, anh giơ tay, cầm lấy một chiếc lọ nhỏ trong cái giỏ tre rách nát và lắc nhẹ. Chất lỏng màu đỏ sẫm bên trong xoay tròn theo mỗi lần chuyển động.

"Anh có thể cho tôi một chén không?".

Giọng nói của người đàn ông không tên kia vẫn vang lên lạnh lùng nhưng anh vẫn tò mò chỉ tay vào.

Chàng trai nghèo khổ trố mắt ngạc nhiên nhưng cậu vẫn nghe lời, rót cho người đàn ông một chén nhỏ.

Đối phương nhận lấy chén máu. Khoảnh khắc chén nhỏ ấy truyền sang tay, người đàn ông bỗng rùng mình khi nhiệt độ giảm đến khủng khiếp. Anh đưa chén lên môi, chần chờ nhìn một mảng đen ngòm trong chén.

Gió đêm thổi ào ào, luồn qua kẽ lá, mang theo hơi ẩm lạnh của miền đồng bằng châu thổ. Trăng khuya vằng vặc, soi rõ từng ngọn dừa nghiêng nghiêng, từng hàng cau thẳng tắp. Tiếng chó sủa bỗng vang vọng tứ bề, xen lẫn tiếng dế kêu râm ran càng làm cho khung cảnh thêm âm u.

Bên cạnh người đàn ông và chàng trai là con đường đất đỏ. Khoảnh khắc người đàn ông vừa kề chén máu trên môi thì một nhóm người đầu quấn khăn rằn, người mặc cái áo nhùn nhục, tay cầm theo gậy tre hầm hập đi tới.

Riêng người đi đầu có dáng người cao lớn, khuôn mặt khắc khổ, ánh mắt sắc bén. Đó là ông Cai Lân, tuổi đã sáu tư mà sức còn mạnh mẽ, tóc xợp xạp, râu le the. Ông mặc một cái quần vải trắng cũ trổ màu luốc luốc với một cái áo Quảng Đông vải xiêm tay rộng, vai có vắt một cái khăn vằn sọc xanh sọc trắng. Ông nghĩ mình có chức sắc lớn nhỏ chút đỉnh trong ấp nên tằng hắng một tiếng mà làm dạn dĩ, rồi thủng thẳng đi lại chỗ hai người. Mấy người đi theo sau rải rác, ông Cai Lân tới gần hơn một chút thì nạt rằng.

"Bắt nó lại cho tao!".

Trăng khuya vẫn sáng nhưng bầu không khí đã trở nên khác hẳn. Nét căng thẳng hiện rõ trên gương mặt mỗi người.

Gió đêm thổi lồng lộng rít qua kẽ lá, ánh trăng khuất lồng giữa mây đen. Bóng chàng trai khép nép trong góc tối, tim đập thình thịch, từng giọt mồ hôi lạnh chảy xuống.

Đám người dồn dập đi lên. Bấy giờ, chàng trai như một con chim bị nhốt trong lồng, không có đường thoát.

Chàng trai co hai chân, thu mình lại, gương mặt tái nhợt đi sau lời nói trầm ấm vừa rồi.

Và không chỉ riêng chàng trai kia, người đàn ông này cũng bị tình hình hiếp đát mà tim muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Tuy nhiên, khi bị chàng trai nghèo khổ bấu chặt gấu quần, anh bỗng ngước mắt, cẩn thận quan sát.

Gương mặt ông Cai Lân nghiêm nghị, tay buông thong nghiêm trang. Ông đứng sừng sững trước hai người, tiếng nói âm trầm như truyền lệnh.

"Đủ lắm rồi! Mày đi về ngay!".

Người con trai ngơ ngác nhìn ông Cai Lân, cố gắng tìm kiếm một tia thương cảm trong ánh mắt tàn khốc ấy. Nhưng không, chỉ có sự lạnh lùng và ngó lơ không công nhận.

Chàng trai liên tục lắc đầu. Bấy giờ, chỉ có người đàn ông bên cạnh chàng mới có thể làm nơi cho chàng nương tựa. Tuy vậy, anh chỉ trầm ngâm nghiêng đầu. Những tưởng anh ta sẽ nói một lời ngăn cản nhưng rồi anh cũng để mặc cho đám người chợ búa kia lôi xềnh xệch chàng trai, còn bản thân thì quay gót rời đi.

Oan nghiệt thay, cuộc đời, lòng người...

Chàng trai mím môi, mi mắt đẫm nước hơi liếc nhìn ông Cai Lân. Giận hờn có, oán trách có, cam khổ có và cũng có đó... sự căm phẫn.

Nhưng chàng không dám căm phẫn ông, vì như vậy không khác nào đi ngược lại với cang thường đạo lý. Ông Cai Lân chính là cha ruột của chàng, chàng là thứ nhỏ nhất trong nhà. Chàng tên Vy Thanh - người bị thiên hạ gọi là chàng công tử điên.

Quả thực, từ thuở lọt lòng thì chàng mắc một chứng bệnh khó chữa. Sức khoẻ vốn yếu ớt, thân thể gầy gò, không chịu được sương gió, nay có thêm bệnh nên có cố gắng mấy cũng không khỏi đặng.

Huống chi, đó còn là bệnh trong trí, trong não.

"Một kẻ điên thì làm gì nên cơm cháo gì."

Ngày qua ngày, Vy Thanh phải sống và nghe cái câu dị nghị, săm soi ấy, đến nỗi mà hai hốc mắt chàng không có ngày nào mà không đỏ và nỗi đau ấy dầy lên theo năm tháng.

Bóng đêm bao trùm khắp thân xác, Vy Thanh đi theo cha mà lòng nặng trĩu nỗi lo âu, sợ hãi. Chàng không biết mình đã phạm tội gì, cũng không biết số phận mình sẽ ra sao.

Trong trí chàng, những hình ảnh về người cha hiền từ ngày nào dần phai nhạt, thay vào đó là một người đàn ông lạ lẫm. Giây khắc này, Vy Thanh như con thuyền nhỏ lạc giữa biển khơi, chàng không có điểm tựa, không có hy vọng.

Cảnh đêm tối tăm, tiếng gió cấu xé nhau, tiếng côn trùng than thở, tất cả như hoà vào nỗi sợ hãi, bất lực của chàng.

"Cha, con... con...". Giọng Vy Thanh nghẹn ngào, chân tay chàng run bây bẩy.

"Đi về!".

Ông Cai Lân bước đến gần. Thấy con trai vùng vẫy trong gọng kìm của người làm mà ông đau lòng. Nhưng dẫu là vậy, ông vẫn phải đưa chàng về nhà.

"Chuyện của con cha đã sắp xếp rồi! Phận làm con cái thì không được cãi lời."

Vy Thanh ngẩn người, "Con không hiểu...".

"Con không cần hiểu, con chỉ cần biết rằng con phải nghe lời, vì đó là điều đúng đắn nhất."

Cai Lân nói những lời rổn rảng khiến Vy Thanh nghe xong rùn vai một cái. Chàng thấy bất an, song sự bất an và tiếng nói van xin không thành công đổi lại một con đường giải thoát nào.

"Cha... Con xin cha đừng làm vậy...".

Cho tới khi những người ở bồi đưa chàng về nhà rồi nhưng trong miệng Vy Thanh vẫn còn lầm bầm như ai đó đeo bám. Chàng van nài khóc lóc, sắc mặt vô hồn, dại ra, gương mặt Vy Thanh lấm lem càng thêm vẻ đau khổ.

"Con xin lỗi... Cha ơi...".

"Con đã về nhà rồi, con trai."

Ông Cai Lân cười thầm, đuôi mắt trũng sâu như giấu giếm một uẩn khúc nghiệt ngã.

Ông nhìn Vy Thanh được dìu vào nghỉ ngơi trong phòng. Ánh mắt ông Cai Lân đầy phức tạp, thoáng một chút u buồn nhưng rồi lại tràn đầy khinh khi, phẫn nộ. Ông kêu người ở bồi đi ra, để Vy Thanh lại trong phòng với cô đơn và tuyệt vọng.

Cảnh tượng ấy, đầy bi thương, đầy bất lực, khiến người ta không khỏi xót xa. Một người cha, một người con, bị cuốn vào vòng xoáy của quyền lực, của danh vọng, của những mưu mô, toan tính, khiến tình cảm gia đình trở nên mong manh, dễ vỡ.

Căn nhà, vốn dĩ là nơi ấm áp, nay trở nên lạnh lẽo, đầy u ám, như một lời tiên tri về một tương lai không mấy sáng sủa.


Mùa thu vừa qua, mùa đông đã tới. Cỏ đổi xanh ra đỏ, cây rụng lá phơi nhành. Một buổi sớm mai chúa nhựt, bầu trời mù mịt, gió phất lạnh lùng. Mưa phùn phay pháy, cảnh thêm buồn, đường sá bầy lầy đi lấm cẳng. Người đi chợ, tay xách giỏ, tay giấu trong vạt áo, bươn bả bước mau cho bớt lạnh. Sắp xa phu mình mặc áo tơi, đầu đội nón lá, nghễu nghến ngoài đường mà rước khách.

Đồng hồ gõ mười một giờ. Đường từ chợ xuống bến tàu thiên hạ đi dập dìu. Kẻ đi bộ thì choàng áo lạnh, tay che dù, người đi xa thì ngồi trong mui, mình phủ bố, đã vậy mà còn có kẻ vác rương mà chạy. Xe chở hàng, bánh lăn rầm rầm chen lấn giành nhau đi trước, làm cho người đi bộ phải nép hai bên lề mà tránh.

Ở chợ Vĩnh Long, bạn hàng nhóm buôn bán đông dầy dầy, thiên hạ qua lại nườm nượp trên các nẻo đường trong châu thành.

Lê Thành Dương, hay được biết đến với cái tên Trạng Sư tại Toà Án, miệng ngậm một điếu thuốc, tay xách một cây dù cán tre, thủng thẳng đi lên Toà mà làm việc. Thành Dương đi dọc theo lề đường, mắt ngó ngay trước mặt mà bước, không để ý đến những kẻ qua người lại. Anh trạc chừng khoảng ba mươi tuổi, mình mặc một bộ com-lê đen kẻ sọc, đầu đội nón trắng, chân mang giày vàng, tuy không chưng diện sắc sảo chi nhưng ngó bộ tướng coi rất mạnh mẽ, gương mặt nghiêm trang, cặp mắt quyết đoán nên không làm giảm đi phong độ và sự đường hoàng của anh, những kẻ quen hay người lạ ai thấy anh cũng khó mà dám nói lời giễu cợt.

Thành Dương chậm rãi đi trước, ở phía sau có một cô, tuổi chừng lối hai bốn hoặc hai nhăm, xâm xâm đi riết theo. Cô nầy mặc một cái quần lụa trắng với một cái áo tố đen lót màu bông phấn, đầu choàng hầu một cái khăn màu trứng gà có kết ren, chơn mang một đôi giày nhung đỏ thêu kim tuyến. Vóc cô dong dãy, tướng cô yểu điệu, hai hàm răng cô nhỏ rứt, nước da mặt cô trắng đỏ. Cô cũng thuộc hạng đàn bà đẹp nhưng mà cái đẹp của cô có lộn cái vẻ buồn. Cô đi mà chum chím cười, song nếu ngó kỹ thì ắt thấy được nụ cười có chút cay đắng.

Chừng cô đi theo kịp Thành Dương rồi, cô day qua ngó anh mà nói, "Ủa anh Hai! Dữ hôn! Mấy năm nay mới thấy mặt anh đa!".

Cô nói có mấy lời rồi cô đứng nhìn anh trân trân, hai hàng nước mắt chảy ròng.

Thành Dương nghe kêu thì quay qua, thấy cô, bộ anh bợ ngợ, mặt mài biến sắc.

"Cô Cầm Thư phải không?".

Cô lấy chéo khăn vừa lau nước mắt vừa nói rằng, "Em đây chớ ai. Anh quên em sao? Hồi nãy em đứng trong tiệm dưới đường mé sông, em thấy anh đi ngang, song không biết có phải là anh hay không nên em đi theo. Mấy năm nay anh làm giống gì mà anh biệt tích, để em trông đợi dữ quá! Bây giờ anh làm việc gì ở đâu?".

Thành Dương châu mày, dụ dự một hồi rồi đáp, "Từ năm thi đậu tới nay tôi làm việc Toà trên Sài Gòn."

"Em có đi Sài Gòn mấy lần, vậy mà em có dè đâu mà kiếm. Anh thiệt là vô tình quá. Sao không gởi thơ từ gì hết vậy?".

Anh mỉm cười cho có lệ xã giao, "Gởi thơ biết nói chuyện gì? Mà gởi cho ai?".

"Gởi cho em."

"Cô có chồng rồi mà. Gởi cho cô sao được?".

"Dữ hôn! Gởi thơ thăm em, nói làm việc gì, ở chỗ nào cho em hay chớ có hại gì. Bây giờ anh ở đâu?".

"Bây giờ tôi được đổi làm việc tại Toà đây."

"May dữ hôn! Té ra bây giờ anh về đây? Anh về đây từ hồi nào tới giờ?".

Thành Dương dường như muốn tránh né câu hỏi nhưng rốt cuộc quay qua quay lại, anh cũng không có cách nào ngăn cản tấm lòng của người con gái. Anh đáp, vẻ mặt thản nhiên như không.

"Gần một tháng rồi."

"Vậy mà không thèm xuống Ngã Tư chơi chớ!".

Thành Dương cười gằn, cúi mặt ngó dưới đất mà đáp rằng, "Xuống Ngã Tư làm gì? Có vui vẻ gì mà xuống."

"Anh muốn buồn thì buồn, anh muốn vui thì vui. Buồn hay vui là tại ở anh, chớ có phải tại ai đâu."

"Cũng có tại người khác nữa."

Cô gái nghe mấy lời đáp sau đó thì cô ứa nước mắt, liếc ngó Thành Dương, hỏi, "Mấy năm nay anh đã có vợ, có con rồi chưa?".

Thành Dương ngước mắt ngó cô mà đáp xẵn xớm, "Cô hỏi tới chuyện đó làm gì? Tôi có phải như người ta, thề bữa trước quên bữa sau đâu."

"Vậy mấy năm nay anh chưa cưới vợ sao?".

"Vợ là cái gì? Cũng một thứ đàn bà như các đàn bà khác. Rất đỗi họ có thề thốt nặng nề kia mà họ còn không coi ra gì, xong bỏ cưới người khác thì tình nghĩa gì đâu."

"Anh về đây mà anh dọn phố ở riêng hay ở đậu với ai?".

"Cô hỏi chi vậy?".

Cô gái mím môi, tay đan lại ngượng ngùng, lời nói bỗng trở nên dè dặt, "Em muốn lại nhà thăm anh chơi."

"Thôi, gặp đây cũng đủ rồi, thăm nom làm chi."

"Em muốn lại nhà đặng nói chuyện riêng với anh."

Thành Dương chau mày, lắc đầu, lập nghiêm mà nói rằng, "Tôi với cô còn chuyện gì nữa đâu mà phải nói. Tôi tưởng tôi với cô chẳng nên nhìn nhau nữa, dầu có gặp nhau cũng phải làm ngơ thì hay hơn."

"Em coi ý anh phiền nên em cần phải nói chuyện cho anh nghe. Dầu anh thương hay là ghét cũng vậy, xin anh làm ơn chỉ nhà cho em biết đặng trưa tan hầu, em lại thăm anh một chút."

Thành Dương cười một cách rất cay đắng, "Tôi bây giờ chẳng phải như ngày trước. Tôi không nhà, không cửa, không vợ, không con. Tôi không muốn nói chuyện với đàn bà, mà cũng không muốn nghe đàn bà nói chuyện. Xin cô chớ phiền. Tại đời làm cho tánh ý tôi trở ra như vậy đó. Tới giờ hầu rồi. Thôi, tôi xin kiếu đặng đi làm việc. Chúc cho cô mạnh giỏi luôn luôn."

Thành Dương tháo nón chào cô, rồi dứt khoát quay đi.

Người đàn bà đứng trên lề đường ngó theo, hai hàng nước mắt cô chảy khôn nguôi. Kẻ qua người lại, ai thấy sắc cô buồn thảm cũng ngó chừng chục bận, song cô không thèm kể đến thiên hạ gièm pha chi.

Cô nầy tên là Võ Cầm Thư.

Cô vốn là con của Hương Cả Trang ở gần chợ Ngã Tư và cô là vợ của một người khách Triều Châu, tên là Bành Nghiệp, làm phó bang trưởng, có tiệm buôn bán vải vóc tại chợ Ngã Tư, lại có ruộng đất được gần năm mươi mẫu. Cô với Trạng Sư gặp nhau, kẻ quyến luyến, người lãnh đạm như vậy thì cũng hiểu được.

Hồi trước, chắc có nhân duyên với nhau làm sao đó, rồi bị cảnh ngộ phân rẽ mỗi người một nơi nên hôm nay mới có kẻ mừng, người giận, mới có tiếng yêu lộn với lời oán.

Thiệt như vậy.

Chuyện cô Cầm Thư với Trạng Sư Thành Dương quen biết nhau là một chuyện bi tình, nghĩ cũng giống như các chuyện tình khác, song chuyện nầy có một cuộc hiệp tan đau đớn làm cho gái ức uất, trai phiền hà.

Cô Thư sanh ra trong một nhà đủ ăn, chớ không giàu mà cũng không nghèo. Năm cô được mười lăm tuổi thì bà thân của cô mất. Ông thân của cô là ông Hương Cả Trang cùng mấy ông hương chức khác trong làng, họ có học chữ nho lem nhem, cũng biết nhân nghĩa sơ sịa, song không có kiến thức rộng, không có thái độ cao. Vợ chết mới vài tháng thì ông cưới Thị Liễu ở dưới Cái Nhum đặng có người nội trợ. Cô Thư có tánh đa cảm, cô cứ thương nhớ mẹ hoài, bởi vậy cô không sao yêu mẹ ghẻ cho được. Còn Thị Liễu là người không có giáo dục, thiếu tư cách làm người lớn, không thể thâu phục con riêng của chồng. Tại như vậy nên mẹ ghẻ con chồng ở trong nhà cứ rầy rà với nhau. Ông Hương Cả Trang lấy làm bối rối, bênh con thì vợ giận, bênh vợ thì con phiền, ông không biết liệu lẽ nào cho yên.

Ông có một người em nhà chú, có chồng làm Cai Lục Lộ ở trên Vĩnh Long. Một bữa nọ ông lên thăm và than phiền việc nhà. Vợ chú Cai Lục Lộ mới khuyên ông đem cô Thư gởi sang nhà thím thì tự nhiên trong nhà hết rầy rà. Ông Hương Cả nghĩ cách đó rất hay, ông mới đem cô Thư lên Vĩnh Long gởi.

Lên Vĩnh Long, cô Thư đi chợ, đi mua đồ hằng ngày, cô mới có dịp gặp rồi làm quen với Thành Dương. Anh mồ côi mẹ, may nhờ một bà goá chồng có lòng đem về nuôi và cho đi học tại trường tỉnh.

Lúc nhỏ, Thành Dương với Cầm Thư quen nhau là quen như anh em thôi. Ít năm sau, Thành Dương thi đậu vào trường trung đẳng học Mỹ Tho thì cái tình ấy đổi ra cái tình ân ái. Hai trẻ thề nguyền kết tóc với nhau. Thành Dương quyết tâm hễ học thành công rồi thì sẽ cưới Cầm Thư làm vợ. Còn Cầm Thư cũng tự nguyện sẽ giữ lòng thờ Thành Dương trọn đời, dầu ai sang giàu đến bực nào cũng không chuộng.

Thành Dương học còn có một năm nữa thì ra trường, không ngờ lại xảy ra chuyện làm cho duyên lỡ dở. Năm ấy, Cầm Thư đã được hai mươi tuổi, tuy còn ở với cô nhưng vài tháng thì về Ngã Tư thăm cha một lần. Khách Bành Nghiệp goá vợ, hắn thấy cô có sắc thì phải lòng nên cậy mai nói với Hương Cả Trang xin cưới.

Hương Cả hỏi dò thì Cầm Thư không ưng. Bành Nghiệp biết ý Hương Cả nghe lời vợ, bèn theo năn nỉ Thị Liễu xin làm mai tay trong, hứa rằng nếu giúp thì hắn sẽ đi lễ cưới năm trăm đồng bạc, lại đền ơn riêng cho Thị Liễu hai trăm nữa.

Thị Liễu nghe bạc thì ham nên ngày đêm xúi giục chồng, cứ khen Bành Nghiệp tánh nết thật thà, gia tài đồ sộ. Hương Cả sợ mích lòng vợ, mà nghĩ duyên phận của con được như vậy cũng là hạnh phước, ông bèn lên Vĩnh Long, nói với em mình đặng đem con gả lấy chồng. Thím Cai Lục Lộ nghe Bành Nghiệp giàu có thím cũng ham, rất nhanh thím đồng tình với vợ chồng Hương Cả mà rúng ép Cầm Thư.

Cầm Thư khóc lóc không ưng Bành Nghiệp, còn cha cứ ép uổng hoài. Túng thế, cô phải khai là cô đã có giao thề với Thành Dương nên cô quyết không lấy ai khác ngoài anh. Hương Cả Trang tính quê mùa, chỉ biết trọng bạc tiền chớ không biết trọng tình nghĩa, ông không nghĩ đến con mà nghe theo vợ, gả con cho Bành Nghiệp.

Cô Thư vẫn là gái ít học. Tuy cô thương Thành Dương, trọng anh là vậy, song cô cũng còn ở trong chế độ gia đình. Cô không có thái độ quả quyết, cô không có nghị lực tự cường hay là kháng cự lệnh cha mẹ, bởi vậy cô khóc nhếu nháo rồi viết thơ, phân trần việc mình cho Thành Dương hay và hỏi anh liệu lẽ nào.

Nhưng cô đợi hoài cũng không thấy có hồi âm, cô buồn rầu hết sức. Rồi ngày cưới, cô riu ríu về nhà chồng như các cô gái khác.

Từ ấy về sau, hai người không gặp mặt nhau nữa, mà cũng không có tin tức cho nhau. Cầm Thư có chồng đã năm năm, cô gặp Thành Dương hồi sớm mơi nầy, đó là lần thứ nhứt...


Trạng Sư bị uất về tình nên mấy năm nay chán ngán thế thái nhân tâm. Thành Dương thấy phiền, từ đó cũng chẳng muốn ngó một người đàn bà nào hết. Anh quyết chí độc thân, ban ngày đi làm lo cho tròn chức nghiệp, ban đêm rảnh thì học chữ Nho và tập đờn cầm. Anh lập tâm ở một mình mà vui thú phong lưu, dần dần đã không còn cảm giác gì phụ nữ. Huống chi, lần gặp gỡ của một năm trước đã khiến cuộc đời anh rẽ sang một hướng khác.

Khi gặp lại Cầm Thư, anh không còn cảm xúc gì nữa, anh nói cùn quằn rồi dứt chuyện mà lánh phứt cô cho rảnh.


Ðến giờ tan hầu, Thành Dương đi về nhà, ở dãy phố dưới Cầu Lầu. Về tới nhà, anh thấy cửa khép, anh mới xô cửa mà vô.

Cầm Thư đứng chần ngần dưới bếp coi người nấu ăn dọn cơm. Thành Dương chưng hửng, anh không nói gì mà đi thẳng vào buồng thay đồ, ngó bộ khó chịu lắm.

Thay đồ rồi bước ra, anh thấy cô đương dọn cái bàn ăn để gần cửa xuống nhà bếp, Thành Dương cất lời hỏi, "Sao cô biết nhà tôi ở đây?".

Cầm Thư cười ngỏn ngoẻn, "Anh không chịu chỉ, mà em tìm cũng ra."

"Ai chỉ cho cô?". Thành Dương nghiêm mặt, dường như giọng nói không vui.

"Em hỏi thăm mấy chú lính gác đường."

Đúng là... Chuyện nhà thì không lo.

"Bây giờ anh giận lây tới mấy người làm ơn cho em nữa hay sao?".

"Tôi giận là tôi giận ai đó, chớ mấy người ấy có lỗi chi với tôi đâu mà tôi giận."

"Anh giận em thì nói ngay ra. Nói xa nói gần làm chi? Tại sao anh giận đến nỗi không muốn cho em tới nhà? Anh nói cho em nghe thử coi?".

Thành Dương mím môi, anh hừ hừ mũi, "Việc đó cô biết nhiều hơn tôi nữa mà. Sao cô lại hỏi tôi?".

"Em biết lắm chớ. Em biết em phải giận anh. Mà em lại không giận, vậy sao anh giận ngược em?"

"Cô nói nghe trái đời quá!".

Cái lòng tĩnh lặng của Thành Dương vốn an yên như mặt nước hồ, nay bỗng hoá sóng trào khi đối phương nhắc nhớ chuyện năm xưa.

Cười làm sao khi ta đã quên mà người còn gợi lại.

"Em nói phải lắm, chớ có trái đời chi."

Người nấu ăn bưng mâm cơm lên, Cầm Thư tiếp dọn đồ ăn để trên bàn, cô so đũa và tiếp lời, "Anh có giận em, xin anh cũng để cho em ăn cơm với anh nghe."

Sắc mặt Thành Dương có vẻ lo nhiều, còn cô thì một lát lại ngó anh. Cô muốn nói chuyện gì, mà thấy bộ ngẩn ngơ tư lự của anh nên cô không nói.


Ăn cơm rồi, Thành Dương ngậm một điếu thuốc đi qua đi lại một hồi lâu mà không nói tới cô. Thình lình, anh vùng hỏi, "Hồi nãy cô tôi quấy, còn cô thì phải. Cô đã thề nguyền với tôi, rồi cô bội ước, bỏ tôi mà đi lấy chồng khác. Cô cho rằng cô đối xử với tôi như vậy là phải hay sao?".

"Em đã bội ước mà phải nỗi gì! Nhưng mà em bội ước đó là tại nơi anh. Lẽ thì em phải giận anh, chớ sao anh trở lại giận em?".

Thành Dương cười gằn, anh không thể hiểu được lý luận của con gái, "Tại tôi là tại sao?!".

"Ngày bị cha ép gả, em vì nặng lời ước hẹn với anh nên em bối rối. Lúc ấy, em chẳng khác nào như người chơi vơi ngoài biển, em viết thơ xin anh cứu em. Anh không về mà dạy em coi phải làm sao, lại cũng không gởi thơ trả lời. Phận em là gái, bị dồn vào đường cùng, tự nhiên em phải co tay để cho cha đem bán em cho người ta mà lấy tiền chớ biết làm sao."

"Tôi mắc học làm sao mà về được? Còn gởi thơ cho cô thì tôi biết nói gì?". Thế sự trêu ngươi, Thành Dương cũng có nhiều nỗi niềm khó nói biết bao, "Nếu tôi gởi thơ, rủi người khác nhận thì tôi mang hoạ, có khi đày đoạ luôn cả cô chớ dễ dàng gì."

Cầm Thư nghe mấy lời ấy thì nước mắt tuôn dầm dề, "Bây giờ em mới biết anh không thương em. Nếu anh trọng chữ tình thì anh đâu kể sự học, có sợ gì tai hoạ."

Thành Dương bực tức rướn cổ nói, "Cô nói tôi không thương cô à? Thiệt tôi không hiểu tại sao mà tôi thi đậu, tại sao mà tôi còn sống đi làm việc được đây đa."

"Nếu anh thương em, sao hồi đó anh không ra tay cứu vớt em?".

"Phận tôi không có cha mẹ anh em gì hết. Tôi được người ta nuôi cho đi học. Tôi phải học cho thành công đặng khỏi phụ lòng người ta. Tôi lại nguyện học đến cùng đặng tôi và cô chung hưởng sung sướng với nhau. Nếu bán đồ nhi phế thì tôi có lỗi với kẻ làm ơn cho tôi, mà đường sanh hoạt của chúng ta lại khó khăn trọn đời nữa. Hồi đó tôi cứu cô làm sao được mà cô biểu cứu?".

"Miễn được phỉ nguyền thì thôi, giàu nghèo cần chi. Em ở đợ nuôi anh, em cũng vui lòng."

Thành Dương nghĩ mà tức ngực, oan nghiệt mà nói năng hầm hầm, "Tôi làm trai, tôi đành chịu như vậy sao? Lúc cô lấy chồng, tôi còn học có một năm nữa mà thôi! Nếu bụng cô thật thương tôi, cô kháng cự hẳn hòi thì ai mà lấy cô được. Có lẽ, cô thấy thằng đó giàu, cô cũng bằng lòng nên cha mẹ mới gả."

Cầm Thư quýnh quáng cãi, "Anh nói chi những tiếng bất nghĩa như vậy?! Thuở nay, anh thấy có người con gái nào bị cha mẹ ép gả mà dám chống cự hay không? Theo phong tục của mình, em chưa thấy ai bất hiếu đến thế. Bị ép duyên, hoặc sầu não thì tự vẫn mà chết, hoặc gần ngày cưới thì bỏ trốn. Hồi đó, em cũng có tính tới nhưng mà em nghĩ thôi đi. Dại gì mà phải huỷ mình. Còn trốn, thì em biết trốn đi đâu?".

Nói không phải tự biện bạch, hồi đó Cầm Thư cũng đã tính thấp như này. Khi ấy, một bên thì hiếu, một bên thì tình. Ơn sanh thành nặng nề, cô định bụng nghe lời cha cho qua chuyện. Mà lấy chồng đó viện cớ cho khỏi trái ý cha tuổi xế chiều mà thôi, chừng Thành Dương học xong rồi, nếu anh không phụ cô thì cô sẽ lập kế để ly hôn với chồng, sau hẵng về mà sum họp đôi nhân tình.

Ngờ đâu, cô tính mà cô không lường trước mấy năm nay Thành Dương biệt tích. Cầm Thư không biết kiếm anh ở đâu, cô buồn dàu dàu, người kém sắc đi đáng kể.

"Bây giờ cha em mất, thảo em đã trả xong, tình em còn mang nặng. Vậy anh liệu cho em phải làm sao? Xin anh dạy. Anh muốn lẽ nào, em sẽ nghe theo." Cầm Thư bày tỏ, con ngươi long lanh.

Thành Dương mày thở ra, anh lắc đầu ảo não, "Tôi đã có nói với cô: Bây giờ chúng ta gặp nhau phải làm lãng, chẳng nên nhìn nhau...".

"Làm lãng sao được?".

"Không được cũng phải ráng. Tôi không thương cô như tôi đã từng nữa rồi." Dứt lời, anh cúi gằm mặt, làn môi buồn bã đành thốt lời đau buồn nhất, "Cô chớ lân la như vầy... Tội lớn lắm, cô ôi!".

"Tội gì?".

"Chúng ta ắt chẳng thoát khỏi tội tà dâm, tội ấy là một cái tội ác khốn nạn lắm."

Cầm Thư ngẩn ra, cô không tin vào hai tai, bởi vậy mà cô nghe Thành Dương phân trần mà cô hoảng hốt khôn xiết.

Thành Dương thấy biểu hiện của cô, anh lắc đầu, vẻ thương tổn hiện rõ mồn một, "Ấy là lẽ nhơn quả...".

Lò lửa tình đã giục tắt, ấy là điều may, ấy là lẽ phải, họ chẳng nên nhen nhúm khêu gợi làm chi. Lời thề chẳng trọn vẹn, cái duyên nợ cũng rã rời thì Thành Dương cũng mong đối phương cố mà quên đi.

Cô Thư khóc tức tưởi, "Bây giờ em mới biết anh không thương em chút nào hết! Hèn chi hồi đó em gởi thơ mà anh không về, anh cũng không thèm trả lời. Anh gạt em chi lắm vậy? Anh có biết mấy năm nay em vì ai mà em đau đớn buồn thảm hay không?!". Xúc động trào dâng, Cầm Thư đứng dậy, chỉ mặt Thành Dương mà kể tội, "Té ra anh cũng như họ! Anh là người ham danh lợi, không biết trọng cái tình. Anh làm bộ nhân nghĩa, anh bày chuyện bội ước, anh muốn cho thiên hạ khen anh là người đứng đắn, còn em là kẻ chịu cái số phận tan tác trong lò tình! Anh độc lắm, ác lắm!".

Cầm Thư nói mấy câu sau và đứng dậy men men ra phía trước, nước mắt nước mũi chàm ngoàm. Thành Dương ngoái nhìn cô chạy đi, anh không níu kéo hoặc giữ cô lại vì anh đã không còn mặn nồng với phụ nữ nữa.

Vì cái tình mới, vì sự rung động với một kẻ nghèo hèn lem luốc trong một đêm tăm tối ấy mà bao nhiêu chánh trực, bao nhiêu đạo đức đều tan rã hết...


Mặt trời chói chang như muốn thiêu rụi cả làng quê yên bình. Tiếng chim hót ríu rít hoà cùng tiếng cười nói rôm rả của người dân chuẩn bị cho ngày mùa.

Nơi ở của ông Cai Lân, đồng thời cũng là nhà ở của Vy Thanh, một tông môn giàu có nhất nhì trong làng, ấy mà bây giờ lại bao trùm một bầu không khí nặng nề, u ám.

Giữa phòng khách rộng lớn, lộng lẫy, Vy Thanh ngồi thẫn thờ trên bộ đi văng chạm trổ tinh xảo, gương mặt vô thần, đôi mắt hoe đỏ không chớp lấy một lần.

Vy Thanh vốn là một thiếu niên có xuất thân trong một gia đình đáng mơ ước. Từ nhỏ chàng sống hồn nhiên nhưng trớ trêu thay chàng mắc phải căn bệnh điên dại từ nhỏ. Dù gia đình có mời đốc tờ chạy chữa thì vẫn không có dấu hiệu khởi sắc.

Khí trời ảm đạm, mây đen nặng trĩu như muốn trút xuống cơn mưa rào. Gió thổi ào ào, cuốn theo lá cây khô xào xạc như tiếng than khóc của đất trời. Một chiếc xe hiệu Cheverolet, mui kiếng và một chiếc xe nhỏ, hiệu Citroen, mui sập đang đậu ngoài sân. Trên xe gắn bông đỏ rực và kiêu sa. Thế nhưng, nó giống như một cỗ xe ma, lênh đênh, ngất ngưởng trên dòng sông đời vì chở theo một tâm hồn đang vỡ vụn.

Vy Thanh được đưa vào xe, bần thần nhìn ra khung cảnh ngoài kia. Trên lộ xe ngựa, xe kiếng đưa người núc ních chạy chậm rì, tiếng lục lạc ở lưng ngựa khua xa nghe như tiếng nhái. Ấy nhưng với cảnh sắc nên thơ, nên mộng, đầy bắt mắt ấy mà Vy Thanh nhìn thấy bàng hoàng, chua xót.

Hôm nay là ngày cưới, nói cho đúng ra phải là ngày chàng bị bán đi bởi chính người cha yêu kính của chàng. Tuy nhà cửa có khang trang, sáng sủa nhưng bởi không cầm quyền chính trị nên ông thường lân lo đến các ông lớn, tay bắt mặt mừng với hội người giàu mà chức cao vọng trọng. Cho tới khi ông gặp được ông Kế Hiền Toại làm chức Kế hiền là chức của Hội tề thì ông Cai Lân đã chính thức quyết tâm cho con mình qua đó làm phận bạc.

Vì có bao giờ cang thường chấp nhận tình yêu hoang đường như vậy đâu.

Vy Thanh nghe nói người chàng phải chịu đựng tới hết đời là con trai của một thương gia buôn vải. Chàng không còn tinh thần hay tình yêu gì nữa, ngồi nghe sớp phơ ngợi ca về đối phương mà lòng buồn bực không vui.

Họ đã bắt chàng đi

Không để một chút gì dẫu là khẩn thiết nhất.

Xe vào sân, bụi bay mù mịt, bóp kèn te le, Vy Thanh được đưa đi ra sau nhà. Ngoài này trồng ba cây đu đủ với ít cây ổi đã có quả, bóng mát u nhàn vô cùng.

Ôi còn cái buồn cái khổ nào hơn nữa...

Vy Thanh đứng giữa sân sau, dường như về tinh thần và thể xác của chàng đã không còn.

Một kẻ điên như chàng làm sao có được chỗ đứng đường đường chánh chánh trong gia môn đồ sộ như thế này?

Nếu chết được thì tốt, thì cuộc đời Vy Thanh đã không còn những ác mộng nghiệt ngã ngay giữa ban ngày. Cái ý nghĩ đó có lẽ nên thơ, chí ít là đối với cái thân khốn cùng này của chàng. Nhưng cuộc sống mà, cuộc sống vốn không tha thứ cho cái gì quá thơ nên Vy Thanh mới không thể để cho cái chết của mình hoá thành lời mà bàn dân chì chiết lỗi đạo hiếu.

Rồi, Vy Thanh chỉ biết im lặng, nuốt nước mắt vào trong. Chàng buồn dàu dàu và lạc lối trong những suy nghĩ mơn man thì thình lình, Vy Thanh bất ngờ bị một nhóm người chặn lại.

Chúng là những tên côn đồ trong nhà của họ. Chúng đột nhiên lao vào, rồi đánh đập Vy Thanh không chút thương tiếc. Chàng cố gắng chống cự nhưng sức yếu, lại bị bất ngờ nên rất nhanh đã gục ngã.

Máu tuôn ra, nhuộm đỏ chiếc áo dài cưới trắng muốt. Vy Thanh ngã xuống, chân tay vô lực, đôi mắt nhắm nghiền, chàng ngất đi trong khi bọn chúng vẫn còn hành hạ bằng những nắm đấm, bằng những lời nói chẳng có nghĩa tình gì.

Bọn chúng có thảy năm tên, sau khi chà đạp thì lôi chàng ra thẳng con sông sau nhà. Chúng đứng trên bờ, tên nào tên nấy đều to con, dùng sức ném xác Vy Thanh xuống sông.

Dòng sông lững lờ chảy trôi, cuốn theo xác người như một lời nguyền rủa căm hận thiên thu...


Hương trầm thoang thoảng phất phơ trước sau căn nhà được cất dưới Cái Cùn. Nhà cũng oai, cũng nghiêm, cũng giàu có hái ra bộn tiền, vậy mà phảng phất lời than khóc bi ai của người mẹ cả đời tần tảo thương con.

Ngày cưới, những tưởng là ngày vui nhất, nào biết đâu lại là ngày gia đình đưa tiễn con trai.

Quan tài được sơn son thếp vàng lộng lẫy, cầu kỳ là vậy nhưng tiếng khóc cứ vang lên không ngừng như thể sẽ xé nát bầu không khí tĩnh mịch. Bà Lý Thị Nho ôm chặt lấy di ảnh con trai, nước mắt rơi lã chã. Bà lẩm bẩm những lời thương tiếc, như muốn níu kéo bóng dáng con trai yêu quý.

Dường như, cái chết của con trai khiến một người sức khoẻ vốn đảm bảo nay phải bàng hoàng, xúc động khôn cùng.

"Con... Con mình đi rồi...". Bà Nho nghẹn ngào, bấu chặt vai áo lãnh đen của chồng mà giọng nói khản đặc vì khóc quá nhiều.

Bỗng nhiên, một tiếng động lạ vang lên từ trong quan tài. Ông Cai Lân và bà Nho giật mình, vội vàng chạy đến, kinh ngạc khi nhìn vào trong.

"Vy Thanh! Con... Con còn sống sao?".

Bà Nho kêu lên, nước mắt lại tuôn trào như suối.Bên trong, vẫn là vóc hài Vy Thanh, vẫn là chàng trai có khuôn mặt thanh tú, đôi mắt mị hoặc nhưng bấy giờ nó không còn vẻ u buồn, sầu thảm nữa mà toát ra vẻ thông minh, lanh lợi và sắc sảo.

"Con...".

Ông Cai Lân run run, không thể tin vào mắt mình chuyện con đã chết nay sống lại.

Chàng trai ấy nhìn hai vợ chồng, ánh mắt cả kinh mở lớn, môi khẽ động đậy.

"Gì nữa đây...? Tôi không phải là Vy Thanh. Mấy người là ai vậy?".

Sợ con sống dậy nên đầu óc không minh mẫn, bà Nho hoảng hốt vuốt lưng con trấn an."Con sống dậy là mừng rồi... Con là con của cha mẹ, con tên Vy Thanh. Chắc con hoảng quá nên đã quên. Không sao đâu con, cha mẹ sẽ không để con ở nhà đó nữa... Không đâu...".

Nhưng người được bà Nho trìu mến gọi là Vy Thanh vùng vẫy liên tục, thậm chí nhảy khỏi cỗ quan tài giam giữ mình mà gắt gỏng.

"Phiền quá! Tôi đã nói tôi không phải là Vy Thanh! Các người bị điếc hả?! Tôi là Trần Thanh Triết! Trần Thanh Triết! Nghe rõ chưa?".

Chàng trai với vóc hình gầy còm mà lời nói lại cay nghiệt vô cùng, "Chuyện gì đang xảy ra? Bọn khốn tụi nó! Hai người có thấy tụi thằng Khánh với con Diệp đâu không? Má nó, dám dìm chết tao! Bọn này tới số rồi!".

Lời nói của chàng trai khiến vợ chồng ông Cai Lân càng thêm hoang mang. Họ không hiểu chuyện gì đang xảy ra nhưng họ biết, cuộc đời của họ sắp bước sang một trang mới, một trang đầy bất ngờ và bí ẩn.

oOo

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro