hàng dầu ông Ba Râu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đó là mùa hè của chín năm về trước.

Chưa bao giờ tôi chứng kiến một mùa nắng gay gắt và tàn nhẫn đến vậy, nhất là khi cái nóng bám dính lấy da thịt và lén lút thổi hơi vào mép áo mỗi đợt gió lùa. Những ngày giữa mùa, tụi con nít không còn dám đi chân trần chạy long nhong nữa vì cứ hễ chạm xuống đất thôi là đầu ngón chân đã bắt đầu tê dại. Dần dà, cái nóng lân la vào nằm im lìm giữa mọi ngóc ngách trong nhà. Có cảm tưởng như ai đó vừa hứng một xô đầy nắng và cẩn thận rải đều chúng từng chút một.

Tôi không biết liệu ông mặt trời có bao giờ nghe đến lời than thở của những nhánh sông tưởng sắp khô cạn và rặng tre già giãy nảy giữa nắng hanh không. Nhưng có lẽ thứ duy nhất có thể kéo tôi ra khỏi cái mùi cháy nắng khi ấy chỉ là nỗi nhớ về những cơn mưa mát rượi ngày nào. Có dạo tôi từng ước có ai đó đủ khéo chọc buồn ông mặt trời, để ông ấy lặn đi và giáng xuống thế gian những dòng lệ mát lạnh. Thế chẳng sướng cho đám con trai chúng tôi còn gì. Cái thú chạy ầm ầm giữa mưa và để nước bắn lên mặt ướt nhèm bao giờ cũng là trò khoái khẩu của chúng tôi.

Ấy là chỉ tụi con trai chúng tôi mới thế. Đám con gái thường ít khi nhập hội, trong khi tôi vẫn nghĩ trò đó hay ho hơn nhiều so với mấy món đồ hàng chán ngắt của tụi nó. Nếu không là đồ hàng, thì chúng nó cũng kéo nhau ra bày trò đóng giả gia đình với những câu thoại y hệt ngày hôm rồi. Thế nhưng nói vậy cũng không có nghĩa là tôi vơ đũa cả nắm.

Trong đám bạn, nhỏ Mùi là đứa chưa bao giờ nhập bọn với đám con gái. Nó luôn chơi một mình kể từ ngày nó chuyển đến làng tôi. Nói đúng hơn thì không hẳn là chơi, vì lúc nào khi tôi bất chợt dòm đến nó, nó vẫn luôn bưng mặt ngó lên trời như thể kiếm tìm một cái gì xa xôi. Thường tình người ta chỉ tìm cái gì khi họ đã đánh mất, và khi đánh mất người ta sẽ hô lên cho mọi người cùng tìm, hoặc là vẫn có những người tự thân mình tìm kiếm. Tôi vẫn ưng cái kiểu thứ nhất hơn, dù đôi khi sẽ bị coi là động phiền tới người khác, nhưng ít ra vẫn tránh được một vài trường hợp khi người ta không thể tìm ra cái mình muốn, người ta sẽ vô tình đánh mất một thứ hệ trọng hơn, một thứ gì đó không đơn giản chỉ nằm ở bên ngoài như cái lớp vỏ vật chất.

Nhưng ở nhỏ Mùi không có cái vẻ hụt hẫng như của một người vừa đánh mất thứ gì đó. Cuộc tìm kiếm vô định của nó từ bao giờ đã gây ra trong tôi nỗi bồn chồn đâu đâu, như thể chính tôi mới là người đang bỏ lỡ thứ gì đó.

Có những lúc tôi tự ngạc nhiên với chính mình khi chợt nhận ra tôi luôn tự vần xoáy bản thân với cùng một câu hỏi: sau cái vẻ thơ thẩn của nhỏ Mùi là những gì? Phải chăng một cái đĩa bay sắp đổ bộ xuống làng Chinh tôi? Mà thôi, "Mấy thứ đó chỉ có tụi con nít ba tuổi mới tin" - Thạch Sùng từng nói như vậy khi tôi hỏi nó liệu trên đời này có tồn tại đĩa bay không.

Tuy vậy, có lúc tôi vẫn sẵn sàng bỏ qua cái vẻ ngơ ngẩn của nhỏ Mùi mà khẳng định nó là đứa xinh nhất trong nhóm những đứa xinh. Nhỏ Mùi có làn da ngăm ngăm như ướp từ nắng của biển và đôi mắt sâu thẳm như thể vừa ngoi lên từ đáy đại dương - nghe có hơi sến súa, dĩ nhiên, mấy thứ đó tôi học được từ những tập tản mạn trữ tình của ba và tôi biết nếu tôi nói ra những điều đó với Thạch Sùng, không chừng nó sẽ không ngại mà đập vào mặt tôi một tràng cười cũng nên.

"Thế nhưng mà đôi lúc, con người ta cũng cần vẽ cho mình một phiến lá trong trẻo lẫn vào giữa một tâm hồn có chăng đã một thời chai sạn" - ba tôi từng viết như vậy trong một cuốn tạp chí. Có lẽ nhỏ Mùi là phiến lá nho nhỏ đó - tất nhiên là không vì lẽ gì cả. Bởi tôi cho rằng nhỏ Mùi vẫn trông giống một con sóc chuột hơn là một đứa con gái tôi muốn theo đuổi.

***

Sau mùa tan trường, cũng là những ngày giữa hè, bọn học trò chúng tôi vẫn phải đến lớp bồi dưỡng của thầy Điền và điều đó làm hầu hết chúng tôi ngán ngẩm hơn bao giờ hết. Đổi lại là năm trước, có lẽ chúng tôi sẽ xăng xái hơn, bởi lẽ chưa khi nào mùa nắng đeo bám chúng tôi dai dẳng và khó chịu hơn lúc này.

Thửng trưa, những buổi trưa tháng Năm đầy gió nồm và mùi của quả sấu đưa vào nhà thơm ngát. Tôi ngồi trên chõng, tay múc nước canh khổ qua chan vào chén cơm dở.

- Ba, ba đọc sách nhiều chắc là biết đĩa bay đúng không ba? - Tôi hỏi, lòng gợn lên hy vọng rằng ít nhiều gì câu trả lời tôi nhận được không phải y chang như của thằng Thạch Sùng.

Nói qua một chút thì ba tôi là nhà văn trẻ với tuổi đời ba mươi lăm, từng được mấy nhà xuất bản đánh giá là đầy triển vọng nhưng truyện của ông chưa bao giờ được đóng thành cuốn. Nó chỉ xuất hiện trên các mục nhỏ của tạp chí theo kỳ. Hơn nữa lại là loại tạp chí rẻ tiền nhất mà người ta thường xếp ra một góc lẻ trên sạp báo nhưng sáng sớm nào cũng sẽ thấy những người trí thức làng tôi vớ nhanh những cuốn đó, tôi chắc mẩm là vì họ muốn đọc truyện của ba tôi chứ không phải những mục tin tức giật gân đôi lúc bị thổi phồng quá mức.

Dĩ nhiên, công việc đó không đem lại được bao nhiêu và mặc kệ nhiều lần ông nội tôi khuyên ngăn, ba tôi luôn đeo đuổi nghiệp viết như thể ông sợ người ta sẽ khóc khi một ngày không còn được đọc truyện của ông nữa. Bởi vậy mà hàng tháng, nhà bà ngoại đều cho người tới nhà tôi mang theo gạo, mắm muối và chút đỉnh tiền tiêu cho hai cha con. Còn phần lớn số lương ba tôi dành vào việc mua sách để tìm kiếm tư liệu và trả tiền tem giấy dùng gửi thư cho ai đó vào trước đây.

- Con tin có đĩa bay à? - Ba tôi ngừng xới cơm và nhìn tôi đăm đăm. Thoạt đầu ông trông có vẻ ngạc nhiên, chẳng khác nét mặt trước đó của Thạch Sùng khi tôi hỏi nó cùng một câu.

- Đâu có. Thạch Sùng nhờ con hỏi ba đó. - Tôi nói dối, bất chợt nhận ra mình thật ngớ ngẩn và trẻ con, dù tôi đã ngớ ngẩn đến lần thứ hai và bây giờ tôi cũng chỉ vỏn vẹn là một đứa con nít.

Ba cười phì một cái, dường như đã đoán ra được câu nói dối không thể trắng trợn hơn của tôi - Vậy chắc là Thạch Sùng phải yêu bầu trời lắm. Những người yêu bầu trời thường muốn hiện thực hóa những lí tưởng đó.

Tôi ngớ ra một lúc, cố ngẫm xem trong câu vừa rồi ông đã trả lời là có hay không chưa.

Ba tôi cười, không biết là vì bộ mặt "thộn" của tôi hay ông đang tự hào khi được thao thao về sở trường của mình, nói về những triết lý mà ông hằng đeo đuổi mà không quan tâm tôi có bắt kịp thứ ngôn ngữ đó hay không.

- Hiểu đơn giản là, sau này khi con lớn lên và bắt đầu thích ai đó, có thể những người khác sẽ nói rằng con không bao giờ cưới được cô gái đó. Nhưng điều quan trọng là con tin vào niềm tin của chính mình. Rằng ngày nào đó con sẽ cưới người ta, cũng như việc tin vào ngày nào đó đĩa bay sẽ xuất hiện. Một khi người ta đủ tin, thì những rào cản về đôi ba thứ thiên hạ tôn thờ như lý thuyết cao thâm, cũng chỉ như mớ giấy lộn lăn dưới sàn nhà.

Không phụ sự kỳ vọng của tôi, câu trả lời của ba không cộc lốc như của Thạch Sùng. Nhưng rốt cuộc tôi vẫn không biết được đĩa bay có thật hay không. Và tôi thậm chí còn nhận ra da mặt nóng ran khi nghe ba nói về ví dụ đó.

Giả như lời ba nói là đúng, liệu sau này tôi sẽ thích ai? Và sẽ quyết tâm tin rằng sẽ cưới ai?

Bây giờ tôi lại có một ước mơ khác ngoài ước mơ về những cơn mưa phùn. Ước gì tôi có thể chạy thật nhanh tới tương lai chỉ để nhìn mặt vợ của tôi. Liệu rằng người ấy có phải một trong những đứa con gái lớp tôi không?

Nhưng rồi ý nghĩ đó nhanh chóng bị chính tôi gạt phăng ra một bên. Tôi tự cười chính mình vì tôi thấy tôi thật ngớ ngẩn không khác gì nhỏ Mùi, cũng có thể sau này tôi sẽ chẳng thích ai, chẳng cưới ai và chỉ đành khỏa lấp nỗi trống trải về sau bằng cách đi lượm con nuôi như ba thằng Thạch Sùng - ông Sáu Phi xóm tôi vậy.

- Anh Chánh. - Giọng nói quen thuộc mà hầu như tuần nào tôi cũng đều nghe chí ít là một lần. Má nhỏ Mùi - cô Tư Diệu làm nghề may nhưng tuần nào cũng đều đặn đem qua cho nhà tôi một nồi phở gà, hôm thì phở bò, phở tái. Thật ra, từ một tháng trước khi nhà cô Tư mới chuyển về đây, cứ cách mỗi tuần nhà nào trong xóm tôi cũng được một nồi phở ngon. Hỏi ra mới biết cô Út - em gái cô Tư tập nấu để mai mốt mở hàng phở bán.

Ba tôi ra đón lấy nồi phở. Hôm nay là phở bò viên có kèm xá xíu.

Mười giờ trưa, tôi ngó cái đồng hồ vuông treo tường rồi lật đật ngoạm củ khoai lang còn dở, trèo lên chiếc xe đạp con để kịp giờ chơi trận giả với đám bạn.

***

- Năm ngàn rưỡi.

- Năm cái đầu mày à! Về lẹ cho tao còn bán, ranh con.

- Lúc đầu đưa chú mười ngàn, giờ chú phải thối năm ngàn rưỡi chứ.

Tôi ngừng đạp xe, xích vào bóng râm cây ổi và ló đầu ra nhìn về hướng hàng dầu của ông Ba Râu. Nhỏ Mùi cũng ở đó. Ngó sơ qua thì chắc bộ là ông Ba Râu lại giở mánh cũ.

Người làng này ai lại chẳng quá quen cái tật giếm tiền của ông Ba Râu, không năm thì cũng mười. Đợi tới lúc thối tiền cho khách, thể nào ông cũng biện cớ đổ thừa cho khách để giếm tiền. Ban đầu cũng có người làm ủm tỏi lên, nhưng ngặt nỗi cái miệng ông Ba rất lanh lại còn được cái dai, nên dần dà ai cũng thây kệ, vì hàng dầu xóm trên ở xa quá. Bởi vậy lúc nào ghé mua dầu của ông Ba Râu, người ta thường chỉ đem đủ tiền lẻ.

Nhỏ Mùi mới về đây ở không lâu, chắc không biết nên mới đem tiền chẵn. Tôi ngần ngừ một chốc rồi quyết định đạp về phía hàng dầu, trong khi tôi có thể đi thẳng tới bãi thả diều để chơi trận giả. Nói thật tôi chúa ghét cái thói buôn gian bán dối của ông Ba Râu, nhưng chẳng ai làm ra lẽ để ổng chừa cái tật ấy đi. Cũng như tôi, ba tôi thường chỉ mua dầu ở xóm trên, dù đạp xe có hơi xa nhưng ông từng nói sẽ không bao giờ sinh lời cho người như ông Ba.

Trong phút chốc đó, tôi không thể phủ nhận trong mình dậy lên cái khát khao muốn chứng tỏ bản thân, bước ra như một anh hùng rơm và sau đó cố nhịn tràng cười tự mãn trước ánh mắt khâm phục của nhỏ Mùi. Viễn cảnh đó mới thoáng qua trong đầu tôi đã đủ sức thôi thúc bước chân tôi về trước. Quyết chí lớn, tôi kéo xe đạp dựa vô bụi chuối, khom lưng đi vòng về phía sau tiệm hàng dầu, cố để bước chân giẫm lên cỏ không kêu thành tiếng.

Trước đó, bực mình vì sự dai dẳng của nhỏ Mùi, ông Ba Râu đã đẩy cửa ra ngoài và tóm lấy cổ xe đạp của nó, toan xách đi một đoạn để đuổi phứt con nhỏ này đi, mặc kệ nó gân cổ lên cãi hết lần này tới lần khác. Phải công nhận một điều là nhỏ Mùi này "không dễ xơi" như những người khách khác của ông Ba. Hồi trước, dễ tôi phải đếm đến chín trên mười người lụi cụi bỏ về cũng vì quá ngán ngẩm cái tật không chừa của ổng.

Thừa lúc ông Ba không coi ngó tiệm dầu, tôi vòng ra sau và lẻn vào từ cánh cửa vẫn còn mở hờ. Từ từ tôi nhấc ra một can đầy dầu trong hàng và bê ra giữa đường, lấy một hơi dõng dạc:

- Trả tiền cho nó hay là để dầu của chú tắm sông một bữa!

Ông Ba Râu và nhỏ Mùi quay phắt lại, trố mắt nhìn tôi. Tôi ra mặt đắc chí và bắt đầu tưởng tượng tới cái cảnh ông Ba sẽ chạy lại ỉ ôi nài tôi trả lại can dầu cho ổng, vừa lúc tôi sắm vai một cậu bé gan dạ quả cảm dám chống lại cái xấu. Thế nhưng, cuộc đời đã nhẫn tâm vỗ vào mặt tôi một cái tát không thể éo le hơn. Ngay tắp lự, ông Ba sấn lại chỗ tôi với nét mặt hầm hầm tưởng như ai đó vừa bắc một cái bếp than trên mặt ông.

Ban đầu tôi những tưởng cái chiêu "bắt cóc con tin" này ít nhiều cũng là một diệu kế. Nhưng giờ tôi phát hiện ra rằng để mà mắc phải cái diệu kế này, còn kèm theo một điều kiện là đối phương phải là nhỏ Mùi, hoặc chí ít là một người nào đó có trí thông minh tương đương với nó. Đằng này, ông Ba Râu đã có tiếng là xảo quyệt, lại còn được trời phú cái bản tính hung hăng và dễ nổi nóng. Cái tính khí đó càng được bùng nổ nhất là giữa khi tiết trời nồng nực chen vào một đứa con nít dai dẳng cộng thêm một thằng nhóc từ đâu lòi ra học đòi làm anh hùng rơm.

Đáp lại sự sớn sác của tôi, ông Ba nhanh chóng vớ lấy cái cán chổi xù giơ lên trước mặt tôi, mặt giận đỏ âu, mím môi thét lên một tiếng mà tôi tưởng chừng âm thanh đó khéo thì đủ sức xuyên thủng màng nhĩ tôi cũng nên:

- Tao cho mày tất!

Tiếp theo, tôi chỉ nhớ mình đã cắm đầu cắm cổ chạy một mạch chứ không nhớ đã chạy bao xa. Có lúc chân này đuổi chân kia, suýt tí nữa đã vấp phải nhau mà ngã nhoài ra đất. Và nếu vậy tôi chắc chắn đôi mông của mình không còn nguyên vẹn để mà ngồi chõng ăn cơm mất.

Tiếng ông Ba đuổi theo tôi một đoạn, sau đó hình như ông thấm mệt và đã thôi rượt theo. Bây giờ sau chân tôi không còn là ông Ba Râu, mà là nhỏ Mùi và can dầu khi nãy tôi trộm được đang nằm lọt thỏm giữa vòng tay nó.

Tôi ngừng lại và quay qua nhìn nó. Mặt nó đỏ bừng và nhễ nhại mồ hôi không kém tôi. Có lẽ vừa chạy vừa ôm một can dầu to tướng với một đứa con gái gầy còm như nó là một điều không tưởng. Nó thở hụt hơi hết lần này qua lần khác, rồi lấy lại vẻ mặt tự hào, chỉ vào can dầu và nói với tôi:

- Cái này là hồi nãy Kiên chạy nhanh quá nên hất can dầu xuống đất. Mùi lượm nhanh nên may là ông Ba không để ý.

Đây là lần nói chuyện đầu tiên giữa tôi và nhỏ Mùi. Đó là một tông giọng đủ nhẹ để xoa dịu bất cứ tâm hồn nào đang hoảng loạn.

Tôi giữ mình bình tĩnh, đảo ánh mắt qua con sông bên cạnh và xoa xoa lỗ mũi vừa hít hà với tư thế của một anh hùng rơm vừa hoàn thành nhiệm vụ, dù phải thừa nhận là có phần trắc trở.

- Cho mày can dầu đó.

Nhỏ Mùi mừng ra mặt, hai mắt nó sáng bừng lên đến nỗi không cần đến ánh mặt trời.

- Thật không? Cảm ơn Kiên! Ngày mai Mùi sẽ nói má chiên cá cơm đãi Kiên!

Nước miếng tôi ứa ra từ hai bên hàm khi nghe đến chữ "cá cơm". Không biết bằng cách nào mà nó nói trúng món tủ của tôi dù trước đây tôi chưa từng trò chuyện với nó nửa câu. Dù vậy tôi vẫn phải kìm nén sự phấn khích đó để diễn tròn vai anh hùng rơm:

- Cũng được.

- Mùi sẽ dặn má làm thiệt nhiều cá cơm! - Nó cười hềnh hệch, và đó cũng là lần đầu tôi trông thấy nó cười. Nhờ vậy mà đến giờ tôi mới biết nó có cái răng khểnh duyên ơi là duyên. Tôi không biết liệu nó có thấy tự hào vì có cái răng khểnh đó không, nhưng chắc là nó còn không để ý đến. Bởi nếu có, hẳn nó đã cười nhiều hơn trước đó rồi.

Có điều tôi không hiểu được, chỉ vì một can dầu mà nó vui như được mùa đến vậy.

Cũng có thể mỗi đời người sẽ có những cái vui bất thường mà ở đời người khác, họ chỉ xem là lẽ thường tình. Vậy nếu phải công nhận niềm vui nào là nhỏ nhặt nhất mà tôi từng biết, đó là niềm vui được cho một can dầu. Hơn nữa đó lại là dầu vừa trộm được từ một phi vụ nhọc nhằn hết sức.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#thuanviet