cánh đồng hoang

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nắng thủng thẳng rải đều trên con đường làng, ướm lên tán cây những đôi cánh vàng rơm và chốc chốc một ngọn gió đến cuốn theo đôi cánh ấy đi, đậu lại nơi một nhành ổi bên sông. Giữa bản hòa tấu của những chàng ve sầu tập làm nghệ sỹ và dàn bè chệch nhịp của đám lá khô, tôi và nhỏ Mùi vô tình góp vào một chút não nề của tiếng dây sên kêu cành cạch. Mỗi đợt nắng về, mồ hôi lại chảy đẫm trên lưng áo tôi, và trước khi gió kịp hong khô chúng thì một đợt mồ hôi nữa lại kéo đến.

Tôi và nhỏ Mùi mỗi đứa một chiếc xe đạp, tôi đi trước nó đi sau. Chúng tôi đều đặn đi qua những con sông và cây cầu khỉ bằng sự thinh lặng chỉ để nghe ngọn gió phấp phới bên cườm tay. Trước đó, khi tôi định ra bãi thả diều chơi trận giả với đám bạn như đã hẹn trước, thì nhỏ Mùi kịp giữ tôi lại. Nó hơi mếu, vừa bối rối phân bua rằng nó sợ ông Ba Râu đến nhà mắng vốn má nó, nên nó muốn theo tôi chơi đến chiều ngả rồi nó mới dám về, ít ra khi đó má nó cũng nguôi giận phần nào.

Ban đầu tôi có hơi ngập ngừng vì tôi biết thừa ai lại đi dẫn con gái đi đánh trận giả. Mà nếu không, cũng chỉ đành để nó ngồi thu lu một góc mà thôi. Rồi lỡ như có đứa nào trong đám bạn tôi thảy đồ trúng nó, tôi chắc nó cũng sẽ bù lu bù loa lên một trận như đám con gái lớp tôi vẫn thường thế.

Tôi gãi tai, vừa nhìn chỗ khác vừa lúng túng không biết từ chối ra sao để giảm thiểu hậu quả sau đó đến mức ít nhất. Trong đầu tôi hiện lên một kịch bản quen thuộc. Như mỗi khi tôi không bẻ đôi miếng bích quy chia cho những đứa con gái khác trong lớp, thì lần này, tôi chắc nhỏ Mùi sẽ giở cái giọng ăn vạ, ngửa miệng la lối cho cả làng nước biết tôi là đứa thậm tệ thế nào. Thường thì sau mỗi lần như vậy, tôi vẫn phải chịu trận từ thầy Điền và cuối cùng đành cống nạp nốt mớ bích quy còn lại cho tụi con gái.

Ấy là nếu như Mùi giống những đứa con gái khác. Ngược lại, nhỏ này chỉ nhìn tôi với cặp mắt tròn như của một con sóc chuột đã nhịn đói qua ngày và không chừng nếu tôi quay lưng bỏ đi, dù không cần ai la làng nhưng tôi vẫn biết mình là đứa thậm tệ thế nào.

Cuối cùng, tôi nhận ra quyết định tốt nhất bây giờ là đành bỏ cuộc hẹn với đám bạn dù cho điều đó có làm tôi tiếc nuối thế nào. Có lẽ tôi sẽ dắt nó đi chơi ở cánh đồng hoang, nằm cách hàng dầu của ông Ba độ hai cây cầu khỉ.

Tôi từng nghe bà ngoại nói cánh đồng này bỏ hoang từ mười hai năm về trước. Hồi đó, nó từng là nhà dân, và cũng là nhà của tôi thuở mới sinh.

Hồi ba má tôi cưới nhau, bà ngoại có cho chút vốn để cất nhà ở đó. Một năm sau tôi ra đời. Vào đúng đêm trước ngày thôi nôi của tôi, má tôi chết cháy trong chính căn nhà đó. Còn ba tôi thoát được vì trước đó ông đã sang nhà ông nội tôi ngủ qua đêm. Về phần tôi, trước khi đám cháy nổi to và lan ra nhiều căn kế cạnh, người ta đã kịp tìm thấy tôi được đặt ở mé sông, cách đám cháy một khoảng vừa đủ. Ban đầu, người ta nghi trong nhà bén lửa gì đó nên mới cháy, nhưng càng về sau khi khu đất đó xuất hiện nhiều chuyện kì lạ, tin đồn má tôi nghĩ quẩn tự tử lại nổi hơn. Còn vì sao mà nghĩ quẩn thì tôi không biết, không tài nào biết bởi chỉ một ngày sau đám cháy năm đó đã là ngày thôi nôi của tôi rồi. Đôi lúc khi nằm nghĩ lại, tôi không biết có phải má tôi ghét bỏ chính đứa con của bà đến nỗi không muốn ngắm nhìn nó trong ngày thôi nôi không.

Đám cháy năm đó hình như cũng vào giữa mùa nắng, như bây giờ, lại là nửa đêm nên cháy lan ra mấy căn nhà liền. Một năm sau, khu đất đó hoàn toàn bỏ hoang vì những tin đồn kỳ lạ về linh hồn của má tôi cứ liên tục hiện về dọa người.

Sau này bà ngoại mua thêm một căn nhà nữa cho tôi và ba tôi. Tuy xa chỗ nhà cũ một chút, nhưng cuối tuần nào tôi cũng đều đặn đạp xe đến chí ít là một lần. 

Thỉnh thoảng, tôi thường ra đó chơi. Mà cũng không hẳn là chơi, tôi thường chỉ nằm lên những vụn cỏ mặc cho chúng cọ vào lưng ngứa ngáy và nhắm nghiền mắt, nghe tiếng gió lùa qua gáy cổ mấy giờ đồng hồ liền. Cũng có thể xem những khi ấy là lúc tôi trông như một thằng rỗi hơi, nhưng tôi cho rằng thỉnh thoảng mình cũng nên lười biếng mà không vì lẽ gì cả. Nhất là khi con người ta có một nơi mà lưng có thể ngả, lòng thảnh thơi tựa chim bay kể cả khi có nhìn thấy một chiếc máy bay sắp rơi xuống đỉnh đầu.

Lắm lúc người trong làng ngăn tôi đừng đến đó bằng những câu chuyện rùng rợn và chân thật đến mức tôi suýt lung lay niềm tin rằng trên đời làm gì có ma như ba tôi vẫn nói. Nhưng những năm tháng khi tôi dần lớn lên này, tôi nhận ra nếu có chăng những câu chuyện đồn thổi ấy là điều người ta mắt thấy tai nghe, thì với tôi, nếu ngày nào đó mẹ trở về thì tôi tin chắc mẹ sẽ ôm và hôn lên gò má tôi chỉ vì nỗi thiếu mẹ xui tôi luôn phải thèm thuồng điều đó vô cùng.

Tôi và nhỏ Mùi cất xe đạp dựa lên cây sung rồi ra mé sông ngồi. Giấc trưa, trời đứng gió hơn, một vài nhành cây khô giương cái dáng còm cõi của một người vừa ốm dậy, một số đã trọc hết lá. Cảnh vật tiêu điều nhưng dường như cũng mang cái dáng vẻ tội nghiệp của một đứa trẻ thiếu hơi người và đã lâu không được ghé thăm. Tôi ước gì mình có thể thì thào với gió, với vụn cỏ rằng chúng không hề cô quạnh. Chúng vẫn còn có tôi - còn có người luôn nhớ đến chúng bằng nỗi khát khao và đau đáu về một quá khứ đã qua.

Nắng đã vơi đi phần nào, nhưng vẫn còn quấn quýt trên cành cây khô, rồi cuối cùng đậu lại dưới những chồi non nhỏ xíu.

Tôi ngồi im lặng cho tới khi nhận ra nhỏ Mùi đã dán mắt lên bầu trời từ lúc nào. Vẫn là thói quen khó hiểu đó. Vẫn là tôi không cầm nổi sự tò mò của mình.

- Bộ ở trển sắp có đĩa bay hả? - Nó quay ngoắt sang tôi, và đây là lần thứ ba tôi phải nhìn gương mặt ngạc nhiên của ai đó khi tôi cố hỏi họ về đĩa bay.

Nó bật cười thành tiếng, làm tôi thấy mình như một thằng đần. Bị một đứa con gái học dở nhất lớp cười vào mặt
thì có lẽ tôi là thằng đần nhất trong số những thằng đần.

- Hông phải. Mùi còn không biết đĩa bay trông như cái gì nữa.

Vậy hóa ra ngờ hoặc lúc đầu của tôi sai bét. Nó thậm chí còn không biết tới đĩa bay. Nhưng tôi thì khá chắc về điều đó. Giờ tôi có thể thoát vai thằng đần trong tâm can mình mà tự tin bộc lộ rằng tôi thông thái hơn nó nhiều.

- Tao biết ngay mà. Đảm bảo mày mà nhìn thấy đĩa bay thế nào cũng hú hồn cho coi.

Mùi gật gật đầu, mỉm cười, vẫn ngước mắt nhìn lên bầu trời. 

- Vậy có cái gì ở trển mà mày nhìn dữ vậy? - tôi huých tay nó một cái nhẹ, tưởng như nếu không làm vậy thì không thể kéo nó về mặt đất nữa.

- Mùi muốn biết "tụi nó" sẽ đi đâu.

- Ai?

- Những đám mây.

Có một vài lần tôi đọc truyện của ba trên tạp chí và nghe ông kể về "Câu chuyện của những đám mây". Cho đến lúc ấy tôi mới biết mây có thể di chuyển. Trước đây tôi luôn nghĩ rằng tụi nó sẽ thu nhỏ lại hoặc phình to ra tùy theo thời tiết. Bởi vậy nên mỗi lần bất chợt nhìn lên trời, những đám mây lại khác hẳn so với ngày hôm rồi.

Tuy nhỏ Mùi không đọc "Câu chuyện của những đám mây" (vì tôi hầu như chẳng bao giờ thấy nó đọc sách báo gì), nhưng Mùi vẫn biết điều đó có lẽ vì nó dành gần như cả ngày chỉ để ngắm nhìn bầu trời. Bất chợt tôi cũng muốn bắt chước nó, tôi nhìn lên trời một hồi lâu. Đúng thế thật, nhưng mây di chuyển chậm rì, có khi ốc sên còn nhanh hơn. Đã vậy nó còn khiến tôi mỏi mắt nữa là.

- Tụi nó đi đâu thì liên quan gì tới mày? - Tôi hỏi, tay vừa dụi mắt lia lịa.

- Mùi hay nghe thầy Điền nói là, dù đi đâu thì đường về cũng chỉ có một. Đó là đường về nhà. Mỗi lần nhìn tụi nó, Mùi hay tưởng tượng những đám mây to và dày sẽ là ba, những cái mỏng và nhỉnh hơn chút xíu sẽ là má. Cuối cùng những cái nhỏ tí tẹo là con. Cũng có khi chỉ có đám mây con trơ trọi một mình. Mùi muốn biết nó có thể về chỗ có ba má nó được không.

***

Tôi nhớ lại những ngày đầu nhỏ Mùi mới chuyển đến làng Chinh. Hôm đó tiết trời chỉ mới vào đầu hạ. Ban chiều, những làn gió lùa trên cổ áo và cườm tay mát rượi, một vài vạt nắng e ấp nghiêng mình dưới những tàu lá chuối.

Tôi xách xe đạp ra tạp hóa của "Bà Chằn" để mua nước tương. "Bà Chằn" là má thằng Bình, vợ ông Chín Càn. Sở dĩ tụi bạn trong lớp tôi đặt cái biệt danh oái oăm ấy cho bà đơn giản vì bà hung dữ nhất làng. Mới đây Thạch Sùng bị Bà Chằn mắng cho té nước một trận chỉ vì nó rủ thằng Bình đi câu cá để rồi thằng Bình bị đứt tay.  Thạch Sùng về khóc với ba nó cả một buổi chiều nhưng ông Sáu Phi chỉ dám ra nói đôi ba câu với Bà Chằn rồi thôi. Trước giờ tính ông Sáu Phi hiền như cục bột, nhưng hễ rượu vào là y như rằng có một "Ông Chằn" nhập vào ông vậy.

Nhà ông Chín Càn ba thằng Bình là nhà to nhất làng, trước mái hiên còn có một cây sung to tướng năm nào cũng đâm chồi nảy lộc. Mỗi lần như thế, ông lại hái đủ một rổ sung đem qua nhà nhậu chung với ba tôi. Ông Chín Càn là bạn thuở nhỏ của ba tôi, cả hai thường xuyên chén chú chén anh vào mỗi cuối tuần.

Có lần trong cơn say, ba tôi kể với tôi hồi chưa lấy vợ, ông Chín Càn có yêu một cô gái. Nhưng về sau lại cưới Bà Chằn vì bị ba má ép uổng. Vì ba má ông Chín là người Bắc, lại coi trọng thể diện nên chuyện ép uổng chỉ có mỗi ba tôi với tôi được biết, ngay cả với Thạch Sùng tôi cũng không được phép kể.

Hôm ấy tôi ra mua nước tương của tạp hóa Bà Chằn. Trước khi đạp xe về, tôi thấy một chiếc xe ba gác đậu trước cổng làng. Trên ấy chỉ có chiếc tủ chạn, chảo nồi, gối mền, túi đựng quần áo và một vài sách vở. Tôi biết ngay là có người chuyển về đây ở, nhất là tôi biết sắp có bạn học mới.  Nổi tính tò mò, tôi đạp xe vòng ra ngoài và nấp sau bụi chuối để ngó xem là ai.

Theo sau chiếc xe ba gác, một người phụ nữ trạc ba mươi chở một người phụ nữ khác (che kín mặt và tay chân) cùng với một đứa con gái ngồi trên chiếc xe máy. Người phụ nữ cầm lái là cô Tư Diệu, người còn lại là cô Út. Đứa con gái đó là nhỏ Mùi. Tôi còn nhớ khi ấy nó mặc cái đầm màu ghi đã bạc màu trông khá vụng về, với hai bím tóc thắt gọn và tóc mái chải thẳng. Ấy vậy nhưng bộ dạng tươm tất đó chỉ xuất hiện đúng một lần vào ngày hôm ấy. Những ngày sau khi nó đi học, trông như thể ai đó vừa lôi nó thẳng đến lớp ngay khi nó vừa tỉnh dậy.

Chiếc xe máy dừng lại và cô Út với nhỏ Mùi bước xuống xe, đi về hướng tạp hóa Bà Chằn. Nhỏ Mùi vuốt hai đuôi bím tóc để trước vai, và thò đầu nhòm vào trong nhà như đang tìm ai đó hơn là để mua đồ. Cho tới khi Bà Chằn hắng giọng nó mới luống cuống lấy tiền ra từ cái túi váy, mua một cái bàn chải rồi đi.

Nhà nhỏ Mùi ở gần tiệm tạp hóa độ hai căn. Trước đây nó là nhà kho của ông Chín Càn nhưng nghe nói chỗ đó mưa tạt quá nên ông sang lại cho nhà nhỏ Mùi ở.

Tuy vậy có một chuyện làm tôi thắc mắc mãi. Một hai hôm kể từ ngày nhà nhỏ Mùi chuyển về, một số người trong làng đều có vẻ như quen biết cô Tư Diệu từ rất lâu. Duy chỉ có ông Chín Càn, ba tôi và ông Sáu Phi là có vẻ như không mấy quan tâm đến nhà ấy.

Ngày đầu khi nhỏ Mùi tới lớp, nó không có bạn. Và ngay cả những chuỗi ngày sau đó, nó vẫn chỉ bầu bạn với bầu trời và những đám mây con. Không phải nó chảnh, hay tụi con gái lớp tôi chảnh, mà là vì không có ai cùng chung sở thích kì quặc đó với nó cả. Nó luôn từ chối khi ai đó rủ nó chơi đồ hàng, chơi thảy đá. Tôi không biết liệu nó có thấy cô đơn trong mỗi lần đi tìm đường về nhà cho những đám mây không, hay nó cảm thấy hạnh phúc vì chính điều đó.

Nghĩ lại, tôi chắc là ít nhiều gì thì nó luôn có vẻ như khao khát một gia đình thực thụ. Như nó từng nói, đó là nơi mà nó là một đám mây con, vây quanh là đám mây ba và đám mây má. Đôi lần tôi thấy được sự ngưỡng mộ trong mắt nó khi nhìn lũ bạn có cả ba và má chở đi học.

Sau lần ở cánh đồng hoang, tôi nghĩ mình vẫn chưa đủ thân thiết để có thể hỏi về ba của nó. Nhưng tôi tin là một ngày nào đó, khi nó sẵn sàng kể với tôi về gia đình của nó thì tôi cũng sẽ sẵn sàng vỗ vai và an ủi nó bất cứ lúc nào. Dù cho mọi người đều nhận xét về nó như một đứa con gái khó gần và kì quặc, thì niềm tin của tôi vẫn không lung lay.

Như ba nói, tôi hoàn toàn có thể tin vào niềm tin của chính mình, như cái cách tôi tin ngày nào đó đĩa bay sẽ xuất hiện.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#thuanviet