Chương 18: Tạ từ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Song: Em đi - Nguyên Hà.


Thụy An nằm viện một tuần, rồi lại nghỉ ở nhà thêm một tuần nữa.

Ngày Thụy An đi tháo băng cố định ở chân, người đi cùng cô, không ai khác lại là Thu Vân. Ngay từ hôm xuất viện, vốn đã định sẽ âm thầm làm thủ tục nhưng trước sau vẫn không qua được mắt người hai ngày lại vào thăm một lần. Thu Vân đến, mang cả xe riêng để rước khiến Thụy An càng lúng túng, nghĩ không biết bao giờ mới trả lại được một phần tình nghĩa của chị đã dành cho. Sau cùng đành tự nhủ, nếu kiếp này trả không kịp thì đành thôi, ghi nợ vào sang kiếp sau trả một thể.

Làm xong thủ tục với cái chân thì đã cuối chiều. Thu Vân cùng Thụy An đi mua ít thuốc bổ theo đơn của bác sĩ. Xong xuôi hai người quay lại tòa soạn để Thụy An thu xếp trước khi chính thức chuyển công tác sang đài truyền hình. Mọi người thấy cô quay trở lại, mạnh khỏe nguyên vẹn thì mừng lắm. Gia Linh, Mai Anh, vồn vã hỏi thăm. Duy có Trần Khang là hờ hững, trước sau chỉ một câu chào rồi lại dán mắt vào màn hình máy tính, không thèm nhấc cái thân đứng lên bước lại hỏi han. Nhìn thái độ của mọi người, Thụy An đoán chắc Trần Khang chưa kể cho ai chuyện cô sắp nghỉ việc để chuyển đi nơi khác. Sự vui vẻ của hai người chị cùng gương mặt bình thản hững hờ của người mà cô những tưởng sẽ mừng rỡ, hỏi han nhiều nhất khiến cảm xúc trong lòng Thụy An bỗng lắng lại. Cô muốn ghi lại khung cảnh này, nhớ những con người này, nhớ cả căn phòng này cho thật kỹ. Những tháng ngày tuy ngắn ngủi nhưng thật đáng trân trọng đối với cô. Cuối cùng, ngày hôm đó cô vẫn chưa thể nói với họ quyết định sắp tới của mình.

Đến giờ tan sở, vẫn như thường lệ, người phụ nữ của gia đình là người ra về trước tiên. Sau đó đến bà tám, trước khi ra khỏi phòng còn hẹn liên hoan ăn mừng Thụy An ra viện. Đến khi Thu Vân đi, cả phòng chỉ còn lại Thụy An và Trần Khang, những kẻ độc thân luôn ra về sau chót. Cậu Khang, cho đến giờ phút này, vẫn chưa quay sang nhìn Thụy An lấy một lần. Càng làm cô nghĩ ngợi, day dứt. Đoạn, Thụy An đứng dậy, mon men bước đến bắt chuyện.

-Này! – Cô đánh tiếng. Không thấy người trả lời, cô lại tiếp – Này!!!!

Chữ "này" lần thứ hai kéo dài, không rõ là thống thiết hay là trách móc nữa.

-Cái gì? Tôi có tên, không phải là "này".

Nghe cái giọng chua ngoa đó, Thụy An bật cười, biết chắc đây chính là anh bạn đồng nghiệp của mình không sai được.

-Làm sao? Ghét tôi rồi chứ gì?

-Ờ!

Cái giọng đáp chỏng lỏn, nghe đến là khó chịu.

-Thế bây giờ muốn làm sao? – Thụy An kéo cái ghế, ngồi hẳn xuống bên cạnh Trần Khang.

-Thì còn làm sao được nữa, cô cứ đi việc cô, tôi ở đây việc tôi. Chả liên quan.

Nghe đến đó, Thụy An lại thoáng buồn. Họ thật sự sắp phải chào nhau, cô thật sự sắp phải rời xa nơi này rồi ư? Nơi cô sắp đến có vẻ tốt hơn đấy, nhưng thật sự có tốt hơn không? Có còn những người đồng nghiệp gần gũi, thân thiện, luôn bảo vệ cô như thế này nữa không? Cô cũng không biết nữa.

Trần Khang thấy Thụy An bất chợt im lặng, quay sang lại bắt gặp khuôn mặt cô đang đờ ra, lập tức biết mình đã lỡ lời. Vẻ lạnh nhạt biến mất, cậu ta đổi giọng:

-Cười lên một cái xem nào. Chuyển sang đài truyền hình là lên hương rồi. Với lại cô có thêm cơ hội đi nước ngoài, đúng không?

Thụy An vẫn không trả lời, cảm tưởng như cô muốn gật đầu khẽ một cái, mà lại không thể.

-Trước đây cô vẫn mong được đi Đức còn gì?

Tần ngần mấy giây, cô đáp:

-Phải... Tôi vẫn luôn mong được đi Đức.

-Thế thì tốt quá rồi, tương lai rộng mở. Yên tâm sang đài truyền hình không còn ai dám đến cửa đài mà réo rắt, bắt nạt cô nữa đâu. Đấy là trung tâm truyền thông quốc gia rồi, chả đứa nào dại rước họa vào thân cả.

Bất chợt, Thụy An đưa mắt lên nhìn thẳng vào Trần Khang khiến cậu ta thoáng giật mình. Cô không biết đối với Trần Khang phải cảm ơn thế nào cho phải. Tuy không dính dáng gì nhiều đến nhau, nhưng mỗi khi cô khó khăn, cậu ta vẫn luôn xuất hiện, không bảo vệ thì cũng an ủi, không cãi nhau với người ta thì cũng đánh kẻ mang cho cô phiền lòng rắc rối. Vậy mà đến giờ một lời cảm ơn cô cũng chưa từng nói, chưa từng biết cậu ta cũng là người quan trọng với mình cho đến khi sắp phải rời xa.

-Mọi người cũng sẽ mừng cho cô thôi. Nếu mà cô sợ nói ra bị phản ứng thì để tôi nói hộ vậy. Nhưng mà xin cô... đừng có nhìn tôi bằng ánh mắt ấy được không. Gớm lắm!

Ánh mắt cảm kích thống thiết của Thụy An chợt biến tan trong vòng một nốt nhạc. Thay vào đó là ngơ ngác vì bị dội một gáo nước lạnh rồi thành ánh mắt kẹo đồng. Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời. Bản chất chua ngoa của cậu ta, cả đời này khả năng sẽ chẳng bao giờ thay đổi.

-Tôi tốt với cô mà cô lườm nguýt tôi thế à? Đúng làm phúc phải tội!

-Không thèm – Thụy An đứng bật dậy, đốp lại – Về đi còn ngồi đấy mà ăn vạ à? Muộn rồi kia kìa.

Trần Khang nhìn lên đồng hồ rồi vội vàng tắt máy, đoạn quay sang hỏi cô:

-Này, đi ăn gì không? Coi như diễn tập liên hoan trước đi. Tôi mời!

Chả mấy khi nghe được câu "tôi mời" của cậu ta dễ dàng vậy, nhưng Thụy An lại đành phải chối từ:

-Diễn tập lui lại đi, nay tôi đi với chị Vân rồi.

Nghe nhắc đến Thu Vân, Trần Khang lập tức đổi giọng, chuyển thành bất mãn:

-Suốt ngày chị Vân chị Vân. Phải bà hay bà Vân mà là đàn ông thì chắc yêu nhau lâu rồi, nhề?

-Lại còn đợi ông phải nhắc nữa à? – Thụy An đáp lại tỉnh khô – Tôi chỉ mong nếu có kiếp sau thì chị ấy là đàn ông để tôi cua làm chồng. Lấy được đàn ông tính cách như chị ấy, chắc tôi mãn nguyện đến mức không nỡ đầu thai mất.

-Này! Thế còn tôi thì sao?

Trần Khang bất ngờ hỏi lại khiến Thụy An thoáng sững người bối rối. Im lặng suy nghĩ vài giây, cô quay sang nhìn thẳng vào Trần Khang, chân thành đáp:

-Cậu! Nếu có kiếp sau tôi thật sự mong cậu là con gái để tôi với cậu được đường hoàng kết nghĩa chị em.

Khuôn mặt của Trần Khang lập tức dài ra như cái bơm, đôi mắt bất mãn thành hai đường kẻ chỉ. Thế rồi cậu ta kéo ngăn bàn ra, lật qua lật lại, không rõ đang muốn tìm thứ gì.

-Này! – Thụy An tròn mắt hỏi – Làm gì thế?

-Còn làm cái gì nữa, tìm cái bật lửa để đốt vía bà chứ còn làm gì! Hãm!

Rời tòa soạn, Thụy An mời Thu Vân đi ăn tối. Để cảm ơn tất cả những gì chị đã làm cho mình trong thời gian qua, Thụy An chẳng biết có thể làm gì tốt hơn thế này nữa. Với năng lực bản thân cùng gia thế bí ẩn mà chắc chắn là vô cùng hoành tráng của chị, hẳn là chẳng việc gì trên đời chị phải nhờ đến Thụy An giúp để cô có thể toại nguyện việc trả ơn. Thế nên cô càng ghi khắc trong lòng để nhất định kiếp sau gặp lại phải cua đổ chị, yêu thương chân thành và bảo vệ chị thật nhiều, nhất định sẽ làm thay chị những gì kiếp này chị phải tự làm.

Cứ tưởng rằng chị sẽ muốn đi ăn món gì thật lạ, thật độc hay ít nhất cũng thật sang chảnh, bất ngờ, chị lại muốn ngồi ăn một quán vỉa hè. Nghe mà giật mình, nghĩ thế nào cũng không ra chị lại có một nguyện vọng bình thường đến thế. Nhưng khi cùng ngồi ăn, nhìn chị lau từng cái đũa, cái thìa, áp cả hai bàn tay vào bát bún thang nóng hổi rồi hít hà làn khói mỏng đang lững lờ bay lên, cô mới nhận ra có những điều tuy là bình thường nhưng không hề tầm thường. Hai người vừa xì xụp, vừa nói chuyện. Chị vẫn không nói rõ về gia đình mình, không nhiều lời về mối tình đã qua, nhưng có thể nhận ra chị thật sự hiếm khi được cùng người mà mình coi là thân thuộc, gần gũi chia sẻ những điều hết sức bình thường, giản dị thế này. Có đoạn, cô hỏi:

-Sao chị lại chọn làm biên tập viên ở tòa soạn mình hả chị?

-Thế cô nghĩ tôi phải làm cái gì? Tổng biên tập thông tấn xã Việt Nam à? – Chị vẫn không ngẩng mặt lên khỏi bát bún, đáp bằng giọng hài hước xéo xắc thường thấy. Ngày xưa nghe chị hỏi kiểu nguy hiểm thế này, Thụy An chắc phải nghĩ nửa ngày mới dám trả lời. Nhưng giờ thì đã quen, thậm chí không được nghe mấy câu nguy hiểm của chị còn thấy nhớ ấy chứ.

-Ít ra thì cũng phải làm ở chỗ nào lớn hơn chỗ này để phát huy hết năng lực chứ ạ. Đài truyền hình chẳng hạn?

Chị nghe đến đó thì phì cười, suýt nữa sặc bún. Bằng một ngữ điệu rất sâu sắc và vẫn mang vẻ bí hiểm, chị quay sang, mỉm cười:

-Không quan trọng là làm ở đâu, quan trọng là làm gì. Nếu được làm công việc mình yêu thích thì làm ở đâu cũng vui vẻ thế thôi. Với cả làm ở chỗ khác chắc gì đã gặp được mấy thành phần không có tính sát thương như ở phòng mình.

Nhìn ánh mắt đó, chợt Thụy An hiểu. Hiểu vì sao chị có thể tình nguyện làm một biên tập viên nhỏ bé trong khi gia đình có vẻ không hề đơn giản. Hiểu ngoài những vấp ngã tình cảm trong quá khứ, có thể chị đã phải vượt qua rất nhiều chướng ngại để được đi trên con đường này. Hiểu rằng chị biết tầm quan trọng của đam mê và hy vọng trong một đời người. Chị vẫn luôn giữ đúng bản chất của mình, không ngại ngã xuống để rồi đứng lên, và còn tiếp tục cho đến khi nào bản thân mạnh mẽ, cứng cỏi đến không ai có thể vật đổ mình nữa. Cứ thế mà tự lực, lặng lẽ tự bước trên con đường của mình. Quả nhiên mọi việc xảy ra trên đời đều là việc nên xảy ra và mọi người ta từng gặp đều là người ta nên gặp. Trong quãng đường vật lộn để lớn khôn thì ở một ngã rẽ, Thụy An đã được gặp chị. Chị đã thấy tuổi trẻ của mình trong cô và nắm tay dắt đường cho cô đến chạm kế tiếp. Cô thật lòng biết ơn chị. Và hơn nữa, cô vẫn cảm thấy mình may mắn hơn chị. Cảm giác có người để chia sẻ, được ai đó yêu thương bao bọc, sẽ ở bên mình bất kì lúc nào để biến những nguyện vọng thành hiện thực, dù là cơ hội đổi đời to lớn hay chỉ đơn giản là một ly trà sữa bạc hà đã được cuốn sẵn một lớp giấy dưới đáy cốc năm nao. Có là đã từng thì cũng là đã từng vô cùng hạnh phúc. Trong vài giây, hình ảnh người đối diện đang rạng rỡ nụ cười như nắng tháng 9 trên sân trường bất chợt thấp thoáng khiến cô ngẩn ngơ.

Tám giờ hơn, hai người trở về.

Ngồi trên xe của chị, nhìn ra những ngọn đèn thành thị đã tỏ hết trong đêm, chợt cô nhớ đến khi nhìn ánh đèn qua cửa kính xe bus. Đã có khi cô chán nản đến độ ngồi trên xe bus, hết xe này đến xe khác, không biết mình đang đi đâu, không biết bao giờ sẽ quay về, chỉ ngồi trên xe nhìn từng ánh đèn mông lung, hết xe này lại chuyển sang xe khác. Khi đó cô đã nghĩ nhiều lắm, có khi thì lại không nghĩ gì. Cứ thế mong qua hết những tháng ngày tuổi trẻ khi không còn anh. Ấy thế mà cũng qua. Như Thu Vân đã từng nói, sẽ có những cảm giác tưởng không bao giờ quên mà lại nhận ra mình đã quên khi tình cờ nhắc lại. Cũng có những xúc cảm không bao giờ quên thật nhưng khi nhớ lại sẽ không còn dày vò. Như hôm nay, như lúc này.

-Chị ơi, chị có thể cho em qua đầu đường Hoàng Diệu được không ạ?

Bất ngờ, cô quay sang nói với Thu Vân như thế khi xe đang chạy gần đến Nguyễn Thái Học. Chị thoáng giật mình nhưng cũng không hỏi lại, chỉ khẽ gật đầu với người lái xe qua gương chiếu hậu.

Xe dừng ở đầu đường Hoàng Diệu cắt phố Nguyễn Thái Học cho Thụy An xuống xe. Trước khi đóng cửa, cô nhờ chị đợi ở đầu kia của phố. Đứng nhìn chiếc xe cho đến khi ánh đèn hậu không còn rõ ràng dưới bóng cao áp màu vàng trên phố, cô mới thở ra một hơi như để trút hết cảm thán trong lòng. Thế rồi cô nhìn quanh một lượt, nhìn những cây xà cừ thật lớn đang xào xạc lá khi có cơn gió bất chợt thổi qua, nhìn dọc theo con phố, đoạn đứng thẳng thẳng người, ánh mắt kiên định dõi thẳng phía trước. Cái chân đau của cô bất chợt nhói lên. Chiếc điện thoại trong tay cũng vừa lướt đến một liên lạc quen thuộc, bắt đầu đổ chuông.

Chúng ta từng ngồi tính với nhau, con đường này dài một cây số ba, mỗi bước chân cứ coi như nửa mét thì phải đi hai ngàn sáu trăm bước mới hết đường.

-Alo...

Anh bắt máy khi em đi được mười ba bước.

-Nam à? An đây.

Anh ở bên kia im lặng, trong lúc ấy, em đi thêm được năm bước.

-Ừ, anh biết mà. Em thế nào rồi? Hôm nay là ngày tháo băng đúng không?

Cô thoáng bất ngờ, bật cười khe khẽ:

-Anh có theo dõi tôi không mà sao biết hay vậy?

Đáp lại cô chỉ là một khoảng im lặng rất dài, rồi vẳng lại tiếng hít vào một hơi rất sâu.

-Anh đang bận à? Tôi gọi thế này có làm phiền anh không?

-Em vẫn có thể gọi cho anh lúc nào em muốn mà. Chỉ cần em muốn... là em... anh lúc nào cũng sẽ nghe máy.

Chợt, trên môi cô bất giác nở nụ cười:

-Nhiều năm về trước anh cũng nói như thế.

-Anh vẫn luôn đợi em gọi cho anh, chỉ là nhiều năm qua, anh không có cơ hội để lại nói cho em nghe. Anh vẫn luôn đợi em.

Chợt em thấy nghèn nghẹn ở trong cổ họng.

-Nam này, tôi muốn hỏi... anh... đã quên tôi chưa?

Anh liền trả lời không suy nghĩ, vì đã chuẩn bị để trả lời câu hỏi này trong rất nhiều năm:

-Chưa! – Lập tức, dứt khoát, nhưng vẫn luôn nhẹ nhàng – Anh chưa bao giờ quên em cả.

Cô mím chặt môi, cố để không bật ra xúc cảm hiện tại.

Em muốn nghe lại, thêm một lần nữa thôi.

-Thật không? Những năm qua, chưa từng quên chứ?

-Phải! – Lại một lần nữa, lập tức, dứt khoát nhưng vẫn rất dịu dàng – Tám năm qua, anh chưa từng quên em.

Bảy mươi tám bước, em sẽ không quên cảm xúc đã trả qua trên bảy mươi tám bước này.

-Nếu thế... Những chuyện trước đây, anh có quên không?

Ở đầu dây bên cười, hình như anh vừa bật cười:

-Em hỏi chuyện nào?

Em suy nghĩ trong sáu bước.

-Anh có còn nhớ... lần đầu tiên mình cùng đi biểu diễn không?

Anh ở đầu dây bên kia lại phì cười:

-Làm sao mà anh quên được. Lần đầu tiên em đi giày cao gót lâu như thế đúng không? Mà màn sân khấu kéo vào rồi đến lúc bắt đầu chương trình lại không kéo ra được, báo hại cả đám nhốn nháo hết cả lên gần nửa tiếng đồng hồ. Em lo cho mọi người, lăng xăng chạy qua chạy lại. Hết chương trình cũng chưa chịu tháo giày, còn hóng hớt chụp ảnh, tập trung với đám bạn. Đến khi bỏ giày ra em bị tê hết chân, đứng không nổi nữa ngã lăn kềnh.

Nghe anh nhắc lại, cô cũng bật cười. Đúng rồi, cô hồi đấy hăng hái, thích náo nhiệt vui vẻ lắm, đâu có giống bây giờ.

-Sau đó anh đỡ tôi, còn bóp chân cho tôi nữa. Nhưng mà tôi vẫn không đứng lên nổi. Thề là lúc ấy sợ lắm luôn ấy.

-Còn phải nói – Anh lại đáp – Mặt em lúc ấy ngơ ngác, hốt hoảng, buồn cười lắm. Báo hại anh phải cõng em đi vòng quanh cái hội trường ấy để dỗ em.

-Hôm ấy anh đã cõng tôi đi vòng quanh hội trường ấy ba mươi tám vòng.

Phải rồi, anh đã cõng em đi ba mươi tám vòng, kể đủ chuyện trên trời dưới biển để em quên đi cái chân bị tê.

-Em vẫn còn nhớ à? – Anh hỏi, giọng nói thấp thoáng hạnh phúc.

-Làm sao mà tôi quên được – Chính cô khi nhớ lại cũng vẫn luôn hạnh phúc. Niềm hạnh phúc đơn thuần, đáng quý nhất trong đời – Chính anh đã nói chừng nào tôi còn không đi được thì anh sẽ cõng tôi, nếu sau này tôi có lỡ lại bị tê chân nữa, chỉ cần gọi anh, anh sẽ lại đến cõng tôi.

-Em có tin không? – Anh chợt ngắt lời.

...

-Tin! Lúc ấy tôi tin đấy.

Phải rồi, thanh xuân năm ấy em đã tin. Vào anh, và cả cái gọi là tương lai của chúng mình.

-Ừ, thế thì tốt. Vì lúc ấy anh cũng nói thật đấy.

Cả hai bỗng cùng cười thành tiếng.

-Mà hình như anh không chỉ nói cái câu ấy một lần đúng không? – Cô chợt lại nhớ ra chuyện khác.

-Đúng rồi, một lần nữa là em bị đau mắt đỏ. Hai mắt vừa đỏ vừa sưng như hai quả cả chua.

-Này! Lần đấy đâu phải mình tôi bị đâu. Gần nửa lớp bị, đến giáo viên cũng sợ không dám vào dạy cơ mà.

-Ừ thì anh có nói gì đâu.

-Không. Anh có nói mà. Anh bảo là cà chua mùa này đắt lắm, giữ cẩn thận đấy.

Lúc nào mà anh chẳng nói với em bằng cái giọng tếu táo ngứa đòn như thế.

-Cái đáng nhớ thì không nhớ. Anh bảo là nếu em cứ hậu đậu như bây giờ thì tương lai chúng mình không có nổi tiền mua chó dẫn đường đâu, nên là đừng để mắt mũi bị gì không sau này cả đời anh khổ mất.

-Anh đúng là dở hơi – Cô khẽ mắng – Lúc chưa có gì thì tự nhận là chó gâu gâu, đã là bạn trai rồi mà vẫn còn muốn làm chó dẫn đường.

Ở đầu dây bên kia lại nghe tiếng anh đùa:

-Em không biết à, trên đời này duy nhất chỉ có chó là loài có thể yêu thương và trung thành với ai đó hơn chính bản thân mình thôi. Làm gì còn thành ý nào hơn là nhận làm chó chứ.

Những lời đó là đùa, mà cũng chính là thật.

-Mà sao toàn nhắc đến ốm đau bệnh tật thế, không còn cái gì vui hơn à – Chợt, anh đổi chủ đề.

Vui? Cũng nhiều lắm, trước khi phải mỗi người một phương trời, mọi chuyện đều rất vui.

-Vui á? Tôi thấy vui nhất cái vụ có cái lớp nào bị đuổi gần hết cả đám con trai ra ngoài vì làm phản giờ văn ấy.

-Chưa đâu! Vui nhất phải là cả đám ấy bị bắt ra vẽ lại đường biên sân bóng rổ bằng cọ vẽ màu nước giữa trưa. Vụ đấy mới vui.

Nhắc đến vụ đó, cô vừa muốn cười, lại vừa muốn khóc. Năm đó là năm cuối cấp, đám học sinh ban khoa học tự nhiên lơ là học văn đã đành, đã thế lớp anh lại bị một giáo viên nổi tiếng hắc xì dầu dạy. Không chỉ vậy, ông thầy còn làm tổ chức kỷ luật cho đoàn trường, chuyên bắt ghế để sai quy định với học sinh vi phạm kỷ luật. Bữa đó, đám nam sinh vẫn quen mui, lén chơi bóng rổ trong giờ nghỉ. Đến khi thầy đến bắt thì chạy hết không còn mống nào. Của đáng tội, hôm ấy lại là lớp cô trực xung kích, bị đè đầu ra hỏi tội. Tội không hoàn thành nhiệm vụ để các học sinh sinh hoạt sai quy định nhà trường? Nghe rõ là nghiêm trọng. Cuối cùng là dồn lên đầu cô, với chức danh quản lý xung kích nhưng thực tế có lẽ vì ông thầy cũng biết trong đám láo nháo đó có anh, còn anh và cô thì cả trường chắc chả ai không biết. Cô bị phạt, giờ giải lao phải xuống văn phòng đoàn vừa trực nhật, vừa chép mấy cái sổ sinh hoạt đáng ra tháng nào cũng phải viết nhưng đã chả ai còn viết từ bao giờ.

Anh lập tức biết chuyện, giờ nghỉ tiếp theo đã chạy xuống văn phòng đoàn tìm cô.

-Dở hơi à? Sao không khai bừa ra mấy đứa vớ vẩn có phải đỡ khổ không? – Anh sầm sập, mắng.

-Ừ - Cô vừa cắm cúi chép sổ, vừa đáp lại, giọng tỉnh khô.

-Việc gì phải chép, đằng nào cuối năm chả xếp vào kho.

-Ừ!

-Ừ cái gì? Thái độ kiểu gì đấy?

Vừa thương cô bị phạt, vừa gặp phải thái độ chống đối, anh nổi cáu. Nhưng chẳng kịp để anh phát tiết, cô lập tức đứng lên đẩy anh ra ngoài:

-Nói nhiều quá!

Rồi đóng cửa văn phòng lại, chốt ở trong. Anh đứng ngoài đập cửa mấy hồi cũng chỉ thấy im ắng đáp trả lại. Lúc này anh mới bắt đầu thấy hối hận, chỉ vì bao che cho mình mà giờ cô đang phải khổ sở chép phạt trong đấy, thật không công bằng. Mà công bằng ở đâu, khi chơi thể thao trong trường cũng là có lỗi? Bất công, quá bất công.

Lòng cay lắm, nhưng gì thì gì, trước hết phải dỗ cô đã rồi tính. Nghĩ vậy, anh chạy về lớp mang đồ nghề ra. Cũng may hôm ấy trùng lịch học guitar, anh vác ra ngồi trước cửa văn phòng Đoàn trong sự ngỡ ngàng đầy tò mò của mọi người. Thế rồi, anh vừa đánh đàn, vừa hát bài "Yêu Em":

"... Nhớ năm nào học chung dưới mái trường
Tuổi thơ lớn bên nhau nào có hay
Đến một ngày, bỗng nhận ra
Em lớn... xinh...

Anh xa trường còn vương nỗi nhớ đầy
Tìm về đây đi theo tà áo bay
Bao nhiêu ngỡ ngàng, bên nhau quãng đường
Bối rối khi chợt yêu...."

Anh hát xong cả khoảng sân trường vỗ tay hò reo ầm ĩ, tất cả cùng đồng thanh gọi cô ra. Đúng lúc trống vào tiết, cô muốn trốn tiếp cũng không được, đành phải mở cừa bước ra. Đứng trước cửa văn phòng Đoàn là anh đang ôm cây guitar, khuôn mặt vô cùng thành khẩn, nói:

-Xin lỗi mà!

Trong khoảnh khắc cô bước ra và anh lên tiếng, cả khoảng sân im lặng như giờ chào cờ thứ hai đầu tuần. Anh vừa nói xong, tất cả vỗ tay hú hét ầm ĩ như thể Việt Nam ghi bàn vào lưới Thái Lan những phút cuối trong trận chung kết AFF Cup 2008. Chúng nó, đứa thì "ôm đi", đứa thì "hôn đi" làm cô ngượng chín cả mặt, chỉ biết cầm lấy cánh tay anh bóp mạnh một cái cùng ánh mắt trách móc. Thế nhưng vẫn không thể ngăn nổi nụ cười đang nở trên môi mình, thành thử ra một thứ biếu cảm mắc cười hết sức. Sự việc hôm đó đã trở thành một kí ức đáng nhớ không chỉ đối với hai người. Tiếng đàn ngọt ngào cùng lời xin lỗi chân thành của anh, dường như đã thành một kỷ niệm đẹp lưu dấu lại trong thanh xuân của mỗi người chứng kiến, trên sân trường, và trước cửa văn phòng Đoàn hôm ấy.

Đương nhiên là sự việc vẫn chưa dừng lại ở đó.

Người truy bắt đám phản tặc chơi bóng rổ trong giờ ngày hôm đó, không ai khác lại là thầy giáo dạy văn của đại đa số cầu thủ. Trời đánh, tiết tiếp theo đúng là tiết văn.

Thầy giáo vào lớp, không đả động gì vụ bóng rổ nhưng lại gọi lên kiểm tra miệng. Tưởng rằng anh phải chết đầu nước, nhưng không, hóa ra anh là thằng cuối cùng bị gọi lên để nhận trận tổng sỉ vả sau chót.

Đám nam sinh bị gọi lên bảng, vừa không thuộc bài, vừa không soạn bài lại vừa không chép bài, ngỗng với gậy như mưa. Ác hơn, những đứa chủ chốt cốt cán toàn ăn hai với ba, tưởng điểm cao hơn thì đỡ hơn nhưng thực chất là để không có cơ hội gỡ điểm như không với một. Gần nửa lớp rơi tựa sung rụng. Đến lượt anh lên bảng, không hơn gì đám bạn, hai quyển vở cũng gần như trắng tinh. Thầy cho con hai xong, bắt đầu cơn thịnh nộ:

-Học hành thì thế này mà không chịu học, chỉ phá phách với yêu đương là giỏi.

Dù không phải lần đầu tiên bị giáo viên mắng trước lớp nhưng anh bất mãn với ông thầy này đã lâu. Thời đi học ai chẳng từng thế, có những giáo viên khiến mình uất ức, bất mãn mà chẳng thể làm gì ngoài thậm thụt nói xấu sau lưng. Có khi sau này lớn lên ngẫm lại thấy hối hận vì đã hỗn láo với những người đáng kính đã mang cho mình tri thức. Nhưng cũng có thể đến cuối đời thì suy nghĩ vẫn chẳng đổi. Không rõ thầy giáo đó sau này xuất hiện trong ký ức của học sinh như thế nào, chỉ là ngày đó có lẽ ngày đó thầy đã thật sự không hiểu cách để bảo ban đám trẻ trâu đang ở vào cái độ tuổi ương bước ngang ngạnh, thích thể hiện và thích đấu tranh nhất trong cả cuộc đời. Anh thì lùng bùng trong đầu câu tục ngữ "con giun xéo lắm cũng quằn", vì hôm ấy anh đã quằn thật.

-Em thưa thầy, đúng là em có lười học thật, nhưng em có phá phách bao giờ đâu ạ? Với lại em yêu đương với ai thầy có thấy không mà thầy bảo em yêu đương là giỏi ạ? Mà kể cả em có yêu đương đi nữa thì nội quy nhà trường có cấm đâu ạ?

Thấy anh cãi lại, thầy càng nóng:

-Anh trả treo với tôi đấy à? Không phá phách thì giữa giờ ra nện bóng chạy ầm ầm ngoài sân làm gì? Cái ấy trường có cấm không? Anh có muốn tôi mời phụ huynh anh đến hỏi xem anh yêu đương với ai không? Đây này, bài vở như thế này đây này! Thi cử đến nơi không biết có đỗ nổi tốt nghiệp không mà suốt ngày đàn với hát.

Lại còn lên án cả vụ anh đánh đàn nữa. Phen này là phải quyết tử rồi:

-Thầy có bắt được bọn em nện bóng ầm ầm ngoài sân không ạ? Hay là thầy ghét em vì em chưa đỗ được tốt nghiệp? Nếu mà thế thì thầy phải ghét cả lớp này, làm gì đã có đứa nào đỗ tốt nghiệp đâu thầy.

Nghe đến đó, cả lớp phá lên cười ầm ầm. Thầy lại tức hơn:

-Tôi lại bằng vai phải lứa với cậu à? Cậu gọi tôi là thầy mà cậu ăn nói hỗn hào thế à? Tôi là thầy hay cậu là thầy?

-Thầy là thầy, nhưng cái gì không đúng thì bọn em phải được ý kiến. Bọn em chơi thể thao rèn luyện sức khỏe chứ không tụ tập hút chích, đàn đúm, đánh nhau, như thế cũng là sai, cũng là bị cấm ạ? Thầy nói bọn em phá phách, đàn hát, yêu đương. Em thấy không đúng, em không phục!

-Được rồi – Thầy đứng bật lên cầm quyển vở của anh đập mạnh xuống bàn – Cậu muốn rèn luyện sức khỏe thì đi ra ngoài! Không phải học môn của tôi nữa.

Nói đoạn chỉ tay ra ngoài sân. Anh nhìn theo hướng tay thầy giáo ra sân, rồi lại quay vào nhìn thầy, hỏi giọng rất ngây thơ:

-Em bị đuổi ra ngoài vì tội gì ạ?

-Bài không chuẩn bị, cãi lại giáo viên, tôi không muốn dạy cậu nữa. Đi ra!

-Em không chuẩn bị bài thầy đã cho em điểm hai rồi, nãy giờ em nói có sai đâu mà thầy bảo em cãi lại ạ?

Đến độ này xem chừng thầy giáo tức lắm rồi mà anh cãi dẻo mỏ quá vặn không nổi. Hơn nữa lại trước mặt mấy chục học sinh, trả treo trong lớp cũng không ra thể thống gì. Thêm một lần, thầy nhấn mạnh:

-Đi ra!

Giữa lúc căng thẳng, thêm một thằng cũng thuộc dạng rách giời vừa ăn trứng ngỗng đứng bật dậy, ủng hộ anh:

-Em thầy, bạn ấy nói đúng chứ có sai đâu ạ. Nếu bọn em tụ tập đánh nhau gây rối thì mới đáng phải ngăn chặn chứ.

"Đúng rồi ạ"

"Bọn em có làm gì sai đâu ạ?"

"Em thưa thầy..."

Chỉ một lúc mà nhao nhao gần cả lớp con trai đứng dậy, hội vừa ăn điểm kém cũng có, hội hiệp nghĩa bảo vệ đoàn kết vì nhau cũng có luôn. Anh đứng trên bục giảng nhìn xuống, trong lòng thoáng cảm giác vừa chiến thắng mãnh liệt. Chiến thắng tình cảm bạn bè, chiến thắng cho những gì mình đã can đảm đứng lên đấu tranh vì nó. Đoạn quay sang thầy giáo, nói:

-Em ra ngoài đây ạ.

Rồi lập tức đi thẳng về cửa ra sân. Ông thầy nhìn theo đến khi anh biến mất, nhưng vẫn chưa hết cơn giận, lúc này lại quay vào lớp nói lớn:

-Còn ai muốn ủng hộ thì ra luôn.

Bất ngờ, bốn năm thằng đang đứng quay về phía cửa, bước ra cùng lúc. Như một hiệu ứng dây chuyền, quân domino đầu tiên đổ xuống thì những quân tiếp theo cũng ra đi, đám nam sinh đang đứng cũng lần lượt quay mình về phía cửa để đi ra. Có thằng còn vác theo ghế của mình để ra sân ngồi, đỡ phải đứng mỏi chân. Trong lớp phút chốc chỉ còn lại lèo tèo mấy mống mọt sách cùng đám con gái. Thầy giáo cạn lời.

Buổi trưa hôm đó cả đám con trai lớp anh bị kỷ luật, phạt đi vẽ lại đường biên sân bóng rổ nhưng là bằng bút vẽ màu nước. Thích chơi bóng rổ nên hội đồng kỷ luật cũng tạo điều kiện để phát triển cho bóng rổ luôn. Nhưng điều bất ngờ nhất là cùng với hình thức kỷ luật hôm đó, hội đồng nhà trường cũng họp lại. Xét thấy không cho học sinh đá bóng trong sân trường là hợp lý vì hơi nguy hiểm, nhưng cấm cả bóng rổ khi nghỉ giữa giờ thì thật sự là giảm điều kiện phát triển của học sinh. Sau cùng, bóng rổ cũng được cho phép trong giờ nghỉ giữa tiết. Không chỉ anh mà cả đám nam sinh và đội bóng rổ mừng suýt khóc, nghe thông báo trong giờ chào cờ mà đang ngồi phải nhảy dựng lên vỗ tay hú hét.

À quên, lần đấy anh cũng phải viết bản kiểm điểm nữa chứ. Vì thái độ không đúng với giáo viên.

-Anh đã định viết là "trong khi tranh luận, thầy đã nhắc đến bạn gái em với lời lẽ gay gắt nên em cũng phản bác lại". Nhưng mà sợ có người lại phải viết thêm mấy lần sổ sinh hoạt Đoàn nên thôi.

Nhắc lại chuyện cũ đúng là vẫn vừa muốn cười, vừa muốn khóc. Vậy mà anh còn đùa được.

-Ông ấy nói đúng rồi còn cãi gì nữa. Học không học, chỉ có phá phách là giỏi thôi.

-Còn thiếu... Còn yêu đương nữa chứ.

Trong giây lát, cả hai đều lặng đi.

-Phải, còn cả yêu đương.

Ở đầu giây bên kia, anh im lặng ít giây rồi lại tiếp:

-Cảm ơn em đã bảo vệ anh. Có những chuyện... bây giờ biết cũng đã muộn, nhưng vẫn cảm ơn em đã luôn bảo vệ anh.

Lúc này, cô đã nghe sống mũi mình cay cay:

-Đừng cảm ơn tôi, chẳng phải đã nói là mình hòa rồi sao? Không nợ nần, cũng chẳng ơn huệ gì nữa.

Câu nói đó lập tức kéo anh quay về hiện tại, nhận ra rằng hai người đã không còn bên nhau, đã bước qua thanh xuân như bước qua làn ranh giữa ngày và đêm. Làn ranh mà chính đương sự cũng không biết mình vượt qua vào lúc nào nữa.

-À ừ, anh nhớ chứ - Rồi hình như anh chợt nhận ra – Hôm nay em gọi cho anh, chắc không phải chỉ để ôn lại mấy chuyện này đúng không?

Chính là khoảnh khắc này. Khoảnh khắc em sợ nhất.

-.... ừ. Tôi gọi muốn nói với anh chuyện này.

-Anh vẫn đang nghe đây.

Cô hít một hơi thật sâu trước khi nói:

-Có lẽ từ giờ về sau chúng ta đừng gặp nhau nữa.

Anh không hiểu, họ nói với nhau điều này đâu phải lần đầu tiên? Hai người cũng đâu có gặp lại thêm nữa, sao cô phải nhắc lại làm gì?

-Ý tôi là kể cả liên lạc, nhắc đến hay gì gì, miễn là liên quan đến nhau ấy.

Anh im lặng một lúc, không rõ xúc cảm lúc này là gì:

-Có lý do gì đặc biệt không?

Cô đã nghĩ không biết bao lâu, ra không biết bao nhiêu cái lý do. Nhưng lý do duy nhất có thể thật sự cắt đứt nhau, để hai người cùng được buông bỏ mà bước đến tương lai của chính mình thì chỉ có:

-Tôi sắp lấy chồng.

Lại thêm một khoảng lặng thật dài. Cô vẫn tiếp tục bước đi, trong đầu vang lên từng con số đếm bước chân.

-Anh có thể biết người ấy là ai được không? – Anh hỏi lại, giọng nói xem chừng vẫn rất bình tĩnh.

-Anh đoán xem – Thật tình là chưa nghĩ được cái tên nào.

-Anh bạn đồng nghiệp của em à?

Suýt thì cô cười phá lên. Trần Khang? Anh lại nghĩ là cô kết hôn với Trần Khang à. Chao ôi, đời lắm chuyện bi hài. Nhưng anh nghĩ vậy cũng đúng, sau những gì đã trải qua, những gì anh đã thấy, Trần Khang là cái tên hợp lý nhất có thể nêu lên lúc này.

-Sao anh đoán hay thế? – Cô đáp lại. Chẳng phải là một câu khẳng định, nhưng đối với anh thì lại là một xác nhận rõ ràng.

-Đã bảo là đoán mà, chẳng may thì trúng. – Giọng lại hài hài – Em đã chọn được váy chưa?

-Rồi! – Cô tính trả lời bừa, nhưng rồi lại không bừa nữa – Của một ảnh viện trên phố Huế.

Cô biết, chỉ cần nói đến ảnh viện trên phố Huế, anh sẽ biết ngay nơi cô chọn váy là nơi nào. Có một cửa hàng mà hơn tám năm trước, mỗi lần đèo nhau qua cả hai lại chỉ chỏ xem mẫu váy nào mới, liệu sau này có thể dùng mẫu váy nào. Họ luôn tấm tắc khen đẹp, hứa hẹn tương lai nhất định phải chọn váy cưới của tiệm này.

-Được đấy, có thể cho em mặc chiếc váy ở cửa hàng em thích nhất, không tệ đâu. – Rồi anh lại ân cần – Hoa cưới thì sao?

-Đang phân vân, còn xem hợp với trang trí không nữa.

-Em đã tính đi trăng mật ở đâu chưa? Mà này, em không đi được giày cao gót lâu, nếu mà được thì đi dép lê thôi, đứng cả ngày tê chân lắm đấy, váy cưới không nhẹ đâu. Với lại...

-Nam!

Chợt cô ngắt lời anh khiến anh ở đầu dây bên kia cũng có vẻ choàng tỉnh. Anh im lặng, nhường cô nói:

-Đừng quan tâm tôi như thế nữa. Tôi sắp làm vợ người ta rồi, đừng quan tâm tôi nữa.

Anh ở bên kia lại im lặng.

-Anh có nhớ mình đã chia tay bao nhiêu năm rồi không? Gần chín năm rồi. Hơn tám ngàn cây số, cũng gần một thập kỷ trôi qua. Xa xôi cách trở là thế, nhưng tôi vẫn không thể buông bỏ được anh. Anh có biết vì sao không? Vì tôi vẫn luôn tin tôi đã nhìn thấy hình ảnh thuần khiết nhất của anh, tôi tin anh, cũng tin là bản thân đã quá hiểu anh. Thế nên khi mọi chuyện xảy ra tôi lại càng không hiểu vì sao anh lại làm như vậy. Cái cảm giác ấy, cảm giác bất lực khi bị bỏ lại mà không hiểu chuyện gì xảy ra, anh đâu có biết, đúng không? Thế nhưng bao nhiêu năm qua, thứ làm tôi đau lòng nhất lại không phải cái ngày anh bỏ đi đột ngột đó. Thứ làm tôi đau lòng nhất, lại cũng là thứ mà tôi tôi nhớ nhất, chính là sự dịu dàng, những lời quan tâm như anh vừa nói đấy, anh có biết không?

Nước mắt của cô, hình như đã rơi xuống rồi.

-Có lẽ nếu năm ấy anh phũ phàng nói thẳng với tôi người anh chọn là Ánh và sẽ cùng nó sang Đức hoặc thẳng thừng đuổi tôi đừng làm phiền anh thì tôi đã không lưu luyến anh nhiều đến thế. Nhưng anh chưa bao giờ làm như thế cả. Anh đã tuyệt tình rũ bỏ đến thế, từng hành động của anh đều rõ ràng đến thế thì nói một câu chốt hạ cho tôi buông bỏ hẳn khó lắm sao? Vậy nên tôi mới ảo tưởng, mới ngu ngốc mòn mỏi chờ. Tôi tin tôi không nhìn sai con người anh, tôi tin phải có lý do anh mới làm như thế. Chính anh làm tôi mơ mộng, làm tôi hy vọng, rằng có thể anh vẫn còn tình cảm với tôi, có thể anh sẽ quay về, có thể hai chúng mình sẽ lại như ngày xưa. Tôi ôm ấp cái mơ mộng ngu ngốc ấy không biết bao nhiêu năm, đau đớn tưởng chừng chết đi sống lại, anh có biết không?

...

-Thế mà đến khi tôi tuyệt vọng, muốn quên đi rồi thì anh lại quay về. Anh lại dịu dàng, quan tâm như thế, đến mức khiến tôi mơ hồ không biết tôi có nên tiếp tục tin anh, hay tin vào tám năm tàn nhẫn đã xô tôi đến trầy trật. Nhưng anh biết không, bỗng một ngày có người nói cho tôi hiểu là tôi chán việc phải trôi nổi vô định giữa cuộc đời này như thế nào. Tôi chán phải chờ đợi, chán phải trông chờ hư vô. Và rằng bản thân tôi đã mạnh mẽ như thế nào chứ không hề yếu đuối ngu ngốc như tôi nghĩ. Tám năm vừa qua tôi đã vô cùng mạnh mẽ. Sau này cũng sẽ là như thế, nên bây giờ xin anh, đừng quan tâm tôi nữa. Sau này tôi sẽ không cần sự dịu dàng ân cần ấy của anh nữa đâu. Như thế... chồng tôi sẽ không vui.

Dường như người ở bên kia phải nén chặt cảm xúc vào lòng mới có thể khe khẽ thốt ra:

-Anh xin lỗi.

Cô mỉm cười, lắc đầu với chính mình:

-Đừng xin lỗi tôi. Đến bây giờ tôi chỉ muốn nói cho anh biết những chuyện mà đáng ra anh phải biết từ lâu rồi. Coi như là tôi ích kỷ, nói ra để nhẹ lòng mình thôi chứ không phải để nghe anh xin lỗi. – Cô dừng lại một lúc lâu, anh cũng im lặng. – Mà anh có thấy tôi kết hôn đột ngột quá không? Không làm anh đau lòng chút nào đấy chứ hả?

Lúc này, hình như anh lại mỉm cười:

-Em không giống như anh. Em làm gì đều để tâm đến cảm xúc của người khác. Hôm nay gọi điện cho anh thế này, chắc chắn là em cũng nghĩ đến phần của anh rồi.

Đúng là, chỉ có anh luôn hiểu em.

-Nam à, thật ra tôi đã nghĩ rất nhiều. Tám năm qua, cả thời gian vừa rồi nữa. Chúng ta đã có quá nhiều kỷ niệm, cũng đã bên nhau, dù có khi tưởng chừng chỉ còn có thể tồn tại trong tâm trí hay ký ức của nhau thôi. Lâu quá rồi đúng không?

-... phải!

-Tôi rất trân trọng những điều ấy. Dù là hạnh phúc hay khổ đau đã trải qua cùng anh thì tôi cũng đều cực kì trân trọng. Tôi vẫn muốn những tháng ngày sau trong đời mình có nhau. Và để có thể mãi mãi giữ những hình ảnh đẹp nhất của nhau, anh biết không, làm bạn bè là thích hợp nhất.

Như có một cơn đau xé trong tim, nói ra những lời ấy xong, nước mắt cô lăn dài trên má. Có lẽ anh cũng sẽ đau lắm, nếu là anh mà cô từng biết, nhất định cũng sẽ cảm thấy rất-đau.

-Em nói đúng – Anh bất chợt lên tiếng – Anh cũng từng nghĩ, nếu ngày ấy không phải chia cách, mỗi người dưới một bầu trời thì chưa chắc hôm nay chúng ta đã còn có thể nói chuyện với nhau. Chưa chắc còn có thể làm bạn.

-Phải. Thế nên hãy để chúng ta làm bạn của nhau, dù có thể sẽ không bao giờ liên lạc nữa thì cũng hãy coi nhau như bạn tốt, tri âm tri kỷ từng hiểu nhau nhất trong đời.

Con đường em đang đi, sắp hết rồi.

-Nam này! – Chợt, cô lại gọi – Anh còn nhớ đường Hoàng Diệu không?

-Nhớ chứ - Anh đáp - Có người từng nói với anh, là nếu hai người thương nhau nắm tay nhau cùng đi hết con đường ấy thì sẽ được ở bên nhau trọn đời.

-Ừ, đúng rồi, là tôi nói với anh còn gì.

-Chúng mình cũng đã từng nắm tay nhau đi trên đường Hoàng Diệu.

Hóa ra không phải chỉ mình cô, anh cũng vẫn còn nhớ.

-Nhưng chưa hết đường, đúng không?

Năm đó hai người đã nắm tay nhau đi bộ dọc đường Hoàng Diệu. Nào ngờ có cơn mưa bất chợt kéo đến, lập tức tưới ướt cả con đường. Anh và cô đành phải nhảy lên chiếc xe bus đang tấp vào bến khi ấy, tiếc rẻ hứa hẹn lần sau sẽ đi hết cùng nhau.

Đáng tiếc, đã không còn lần sau nữa.

-Hôm nay, tôi đã đi hết đường Hoàng Diệu, một mình. Tôi đã hoàn thành hành trình của chúng ta mà không có anh rồi đấy.

Anh lại im lặng một lúc, suy nghĩ rồi mới nói với cô:

-Em biết không, khi trở về, đã có lần anh đến đường Hoàng Diệu. Anh cũng thử, muốn tự đi hết con đường này. Nhưng – Nói đến đó, anh bỗng ngập ngừng. Một chữ "Nhưng" bất ngờ làm trái tim cô như muốn ngừng đập – lúc ấy anh mới nhận ra là, con đường này hóa ra rất dài, đi một mình rất cô đơn. Không có em, anh không muốn đi tiếp, cũng không thể đi đến hết con đường này.

Rồi anh lại lặng im một lúc.

-Anh nghĩ đến em, rồi lại không yên tâm về em. Anh tưởng tượng, em cũng đã từng cô đơn đi trên con đường này, rồi cũng không muốn đi tiếp như anh. Anh nghĩ nếu có cơn mưa như năm ấy anh và em đi cùng nhau, nếu không có xe bus đến kịp, em tìm đâu ra chỗ trú trên con đường này chứ. Dáng vẻ tội nghiệp của em khi ướt mưa, chỉ là tưởng tượng thôi cũng đủ làm anh đau lòng lắm rồi.

Đồ tưởng bở, làm gì có chuyện trong những năm không có anh cô một mình đi trên con đường này. Ngay cả anh còn không thể đi hết, một mình cô những tháng năm tuổi trẻ, làm sao có thể tự đi hết được. Chỉ là cái dáng vẻ thảm hại khi một mình ướt mưa trong những năm tháng cô đơn, nhìn dòng người lại qua vội vã mà bản thân lại không biết trú vào đâu, không có nổi một chiếc ô che chắn, hình ảnh đó thì lại không phải là chưa từng.

-Thụy An, anh của ngày xưa... dại dột lắm phải không? Những tháng ngày xa em, anh đều rất hối hận. Anh muốn quay về, muốn nói với em một tiếng xin lỗi, nhưng anh làm sao có thể cứ thế bỏ em đi, rồi lại cứ thế quay về được. Mọi cố gắng của anh, đến cuối cùng cũng chỉ mong mình có thể là người mang đến cho em chiếc váy cưới mà em thích nhất. Anh... anh vẫn luôn mong người bên em quãng đời về sau sẽ là anh. Nhưng có lẽ là anh không còn cơ hội nữa rồi. Xin lỗi em, là do anh đã bỏ lại em quá lâu. Mỗi lần anh muốn tìm cơ hội để bản thân có thể sửa chữa sai lầm thì lại càng vô tình đẩy em xa anh hơn, xa đến mức dù anh có dốc hết sức để chạy về phía em cũng không còn kịp nữa. Anh chỉ mong em có thể được hạnh phúc, cho dù ngươi bên em có phải là anh hay không, chỉ cần em hạnh phúc...

-Anh không nhớ tôi nói gì lúc nãy à? – Cô muốn nói bằng giọng thật bình thản, nhưng chợt nhận ra cổ họng đã khàn đặc từ lúc nào – Sau này tôi sẽ không cần đến sự dịu tâm của anh nữa, nên anh không cần nói nữa đâu.

-... ừ, anh không nói nữa. Như thế chồng em sẽ không vui, đúng không?

Nước mắt cô rơi lã chã, đôi chân run rẩy những bước đi.

-Quên tôi đi, đừng nhớ đến tôi làm gì nữa. Bên cạnh anh còn có nhiều người lắm, có Hoàng My, rồi anh sẽ quên được thôi.

-Nếu như thế em sẽ có thể hạnh phúc và vui vẻ sống tiếp cuộc đời sau này chứ?

Trước câu hỏi bất ngờ, ánh mắt cô chợt bối rối. Cô không kịp nghĩ sẽ phải trả lời thế nào. Cô đã nói dối anh quá nhiều trong câu chuyện này rồi.

-Nếu như thế, anh sẽ quên em.

Nước mắt lúc này đã ướt đẫm, cô nấc lên, không thành tiếng.

-Thụy An, anh xin lỗi. Tha thứ cho anh. Nếu trong một cuộc đời khác có thể gặp lại nhau, nhất định anh sẽ bù đắp hết tất cả những khổ đau mà em đã từng thay anh chịu đựng.

Cô cắn môi, đáp:

-Tôi tha thứ! Tôi sẽ tha thứ cho anh. Nhưng không phải là để vào một cuộc đời khác chúng ta có thể gặp lại nhau, mà là để hai ta không ai nợ ai nữa. Như thế thì sẽ chẳng còn mối duyên nào có thể cho anh gặp tôi. Tôi cũng sẽ không yêu anh, sẽ không phải chịu bất kỳ khổ đau nào cả. Kiếp này, hay kiếp sau, đều như thế.

...

"Ký ức rồi cũng sẽ nhạt nhòa như nỗi đau, nếu có thể, hãy gặp lại nhau ở nơi mà niềm đau cũng nhạt nhòa như ký ức..."

Lần này anh lặng im thật.

-Nam này – Cô gọi, tự nhủ với lòng sẽ là lần cuối – Thật ra đường Hoàng Diệu không phải đi qua hai ngàn sáu trăm bước đâu. Tôi đã đi đến hơn hai ngàn sáu trăm bước rồi mà vẫn chưa hết. Hay là bước chân của tôi ngắn quá nhỉ?

-Không phải đâu – Anh khẽ đáp – Không phải là bước chân em ngắn, mà là em đã đi dài hơn những gì hai chúng ta đã dự tính thôi.

"Hai chúng ta" cũng là lần cuối cùng.

-Thụy An, có lẽ anh sẽ không đến dự đám cưới của em đâu. Nhưng anh vẫn mong em sẽ là cô dâu xinh đẹp nhất, hạnh phúc nhất. Và cả người đã lấy được ký ức thanh xuân đẹp nhất trong đời anh nữa, mong cho cậu ta luôn luôn trân trọng em, quan tâm, yêu chiều em hơn anh đã từng. Mong cậu ta đừng bao giờ chỉ làm theo ý mình mà không nghĩ đến cảm nhận của em, cũng mong cậu ta sẽ không làm em buồn như anh đã từng trong quá khứ. Những kỷ niệm có em, anh sẽ mãi mãi lưu giữ. Những nỗi đau của em cũng hãy để anh cất hộ cho. Em đừng nhớ lại, cũng đừng nhìn về quá khứ mà làm gì, hãy đến bên người em yêu như khi em đến bên anh năm mười bảy tuổi, em nhé....

Câu nói sau đó, anh phải lặng đi mấy giây mới có thể tiếp được:

... Anh có đọc ở đâu đấy, người ta bảo người mình yêu năm mười bảy tuổi, có thể sẽ là người mà cả đời này mình yêu nhất... Thế nên... Chúc em hạnh phúc nhé, người anh yêu nhất trong đời.

Giọng nói quen thuộc của anh biến mất, thay thế bằng tiếng tút kéo dài từng hồi. Không biết vì tín hiệu điện thoại hay là anh ở đầu dây bên kia đã cúp máy buông xuôi. Trước mắt cô lúc này là nhà thờ Cửa Bắc, đẹp và lộng lẫy. Dưới đường, dòng người vẫn lại qua cùng ánh đèn pha trôi giữa lòng phố thị. Xa xa đằng kia, chiếc xe màu đen của Thu Vân đang đợi cô ở đó. Hóa ra, thật sự cô đã một mình đi hết trên con đường này bằng bước những bước chân dài hơn hai người dự tính. Anh nói đúng.

Cất điện thoại vào trong túi, cô cắm đầu cắm cổ chạy về phía chiếc xe của Thu Vân. Trong xe đang mở bài hát "Mối tình đầu". Giọng ca ngọt ngào ấy vang lên:

"... mùa thu, khi hoa sữa tan ven mặt hồ
Khi tôi đã biết yêu lần đầu
Tôi đã nói yêu em... trọn đời..."

Thụy An chui vào trong xe, co mình lại trên băng ghế sau. Thu Vân không nói gì, lặng lẽ mở cửa lên ghế trước ngồi. Từng mảng sáng tối chạy vào ô cửa theo vòng quay của bánh xe. Giai điệu kia vẫn cứ vang lên, dịu dàng mà tha thiết:

"Không ai hiểu vì sao tình yêu tan vỡ
Như hoa ven mặt hồ tàn theo gió mùa thu.
Tôi đi xa thủ đô nhớ về người thiếu nữ.
Tôi thêm yêu quê mình
Yêu những đêm thanh bình.
Hoa sữa thơm ven hồ
Nhắc lại chuyện ngày xưa."


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro