Chương 53

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 53

  Khẩu phần ăn dành cho mỗi người tị nạn thời bấy giờ là một lon sữa bò gạo loại trắng tinh và một quả trứng gà cho một ngày . Nhưng đôi khi vì lý do này lý do nọ , thuyền cấp phát vài ngày mới tới được thì bà con kể như đói meo . Chưa kể đến tình trạng thất thoát , ăn chận ăn bớt của một vài nhân viên phụ trách nữa .

  Những kẻ khi ra đi không có đồng dính túi hoặc có , nhưng đã bị cướp vét hết nên lâm vào tình trạng túng quẩn lúc tới đây . Trại tạm cư , nơi tập trung những thuyền nhân may mắn còn sống sót sau chuyến hải hành . Họ tới từ mọi miền đất nước , nó xô bồ giống như một xã hội thu nhỏ . Đã là một xã hội thì đương nhiên gồm đủ mọi giới mọi hạng , sang hèn xấu tốt thảy đều có đủ . Người khôn biết suy nghĩ khi lâm vào hoàn cảnh túng thiếu thì nhảy ra bương chải kiếm tiền bằng những nghề lương thiện . Nhưng ngược lại cũng có vài kẻ mang đầy thói hư tật xấu , bất kể xứ ta xứ người , làm nhiều điều nhục nhã khiến cả một dân tộc bị mang lây tai tiếng .

  Ở đây , nếu là người siêng năng tháo vát , biết chịu khó thì có thể làm đủ mọi thứ nghề . Dù chẳng kiếm được nhiều nhỏi gì nhưng sống lây lất qua ngày nơi trại tạm cư thì kể như chẳng thiếu . Nào là xuống biển bắt cá mò cua , hay đi lên suối gánh nước , vô rừng chặt củi mang về bán . Cùng lắm thì đi theo xin cuốc đất làm rẩy với dân bổn xứ cũng được trả công đàng hoàng . Đại đa số thuyền nhân không tiền thì an phận như thế đó . Nhưng một số ít khác thì ngược lại . Đây mới đúng là những con sâu làm rầu nồi canh . Đói quá làm liều , bần cùng sanh đạo tặc . Họ lao vào con đường trộm cắp , hoặc đi ăn xin hay thậm chí hành nghề mãi dâm kiếm sống . Gã thanh niên đi tàu mang số MH 1171 là một điển hình . Gã đột nhập vào nhà thờ Hồi giáo trên đảo Letung bợ cả thùng tiền công đức . Bị bắt tại trận , chính quyền địa phương cho áp dụng luật Hồi giáo , xử treo cổ hắn nơi gốc dừa gần mé biển . Nhục nhã thay cho dân tộc Việt .

  Sinh hoạt của thuyền nhân nơi ngưỡng cửa tự do này cũng khá rộp rịp , nhất là tại Letung . Nhưng từ cuối năm 79 , khi trại tị nạn Galang chính thức mở cửa , dồn tất cả thuyền nhân rải rác nơi các đảo nhỏ về tập trung ở đó thì Letung được coi như một trạm tiếp nhận tạm . Những người  hoặc tới thẳng hoặc do tàu vớt trên biển chở đến , đều được cho tá túc tạm thời để chờ tàu Liên hiệp quốc tới , bốc họ sang trại chuyển tiếp khác cách vài giờ đường biển  , đó là  KuKu . Rồi từ KuKu , hàng tháng có tàu lớn chở thẳng tới trại tị nạn chính là Galang , nơi có phái đoàn các nước giải quyết sự định cư cho tất cả thuyền nhân .

  Lúc ghe của nhóm anh Bảy Tôn Tẩn tới thì Letung đã trở về cái thời đìu hiu vắng vẻ ít bóng thuyền nhân dập dìu rồi . Con đường từ cầu tàu lên đảo dài trên dưới 200 thước , mặt tráng xi măng , nền là những tảng đá to nhỏ do dân địa phương góp công góp sức tạo dựng nên .

  Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt làm cho các thuyền nhân vững bụng là sự chào đón phải nói là rất thiệt tình người của dân bổn xứ . Quả là một trời một vực với cái làng nào đó ở Mã lai . Cảnh sát trên đảo được huy động tới ngay cầu tàu để giúp đỡ và hướng dẫn bà con ta vào chỗ tập trung . Dân chúng ào ra vừa vẫy tay chào vừa xúm xít lại đở đần những người lớn tuổi . Vài câu tiếng Việt đơn giản như “khỏe không” , “ăn cơm chưa” được những người dân địa phương , chưa từng biết nếm qua mùi vị nước mắm bập bẹ hỏi thăm , nghe thiệt là buồn cười làm sao .

  Bảy mươi bảy người mới tới được hướng dẫn vào tá túc trong một hội trường rất lớn . Có lẽ nơi đây dùng làm chỗ họp dân nên nó nằm ngay trung tâm khu hành chánh của đảo . Với một diện tích khá rộng , sức chứa lên đến hàng trăm người vẫn còn thừa . Sân phía trước đối diện với trường tiểu học , đàng sau là khu văn phòng làm việc của giới chức trên đảo và tiệm quán kéo thành một hàng dài .

   Từ bên trong nhìn ra , ngay cái lúc trường học bắt đầu cho một ngày mới . Hình ảnh thầy cô giáo cùng các em học sinh trong bộ đồng phục  , đứng nghiêm chỉnh chào lá quốc kỳ khiến cho bà con Việt Nam ta ai nấy thảy đều xốn xang khi nghĩ lại phận mình . Những người con đất Việt mất nước , mất cả màu cờ đang lạc bước lưu vong , chờ cánh tay nhân ái của đồng loại cứu giúp .

  Gia đình anh chị Bảy chiếm một góc phía sâu trong hội trường . Lê Hiến Thành , gã thanh niên hai lần vượt biển cũng trải miếng ni lông nằm bên cạnh . Có chỗ nghỉ ngơi , cái ăn có người lo rồi thì nhóm tị nạn mới tới cảm thấy an tâm , chuyện trời chuyện đất lại nổ râm rang .

  Cuộc sống tập thể của 77 người mới tới bắt đầu bằng sự giúp đỡ thật nhiệt tình của dân bổn xứ và những đồng hương đã tới đây trước . Lúc này Letung không quá đông người Việt như những năm 78 , 79 và 80 . Số thuyền nhân đang có mặt trên đảo không quá hai trăm , họ tới đây bằng nhiều ghe khác nhau và trên dưới khoảng một hoặc hai tuần nay thôi . Kẻ tới trước đương nhiên rành đường đi nước bước chỉ vẽ lại cho người đến sau . Nhưng nhìn chung cũng chẳng có gì rắc rối để làm quen với đời sống mới ở đây . Cái ăn chốn ở đã có chính quyền và đại diện Liên hiệp quốc lo liệu . Thuyền nhân tới được Letung rồi thì mọi người đều được hưởng khẩu phần đúng theo quy chế tị nạn như nhau . Nhà ở thì chỉ là chỗ dung thân tạm thời chờ ngày tàu lớn tới bốc đi , đương nhiên chẳng cần thiết gì lắm . Tránh mưa tránh nắng là đủ rồi . Chỉ hơi chật vật về chuyện tắm rửa giặt giũ . Letung chỉ có một con suối , nguồn nước ngọt duy nhất cho những vị khách không mời mà tới ở tận chân núi , thành ra các ông các bà hơi cực một chút . Nếu so sánh với thời gian mấy năm về trước , khi ngay cả đảo Ruồi cạnh bên còn chật nức người là người thì bây giờ quả là sung sướng gấp trăm lần .

  Ăn ở tập thể trong ngôi hội trường thì ngày cũng như đêm , lúc nào cũng rùm beng náo nhiệt . Bởi ồn ào quá nên mấy người lớn tuổi hoặc có con nhỏ chịu đời đâu có thấu , họ muốn kiếm chỗ yên tỉnh xin tá túc tạm . Mà chỗ tá túc ở chung quanh đây thì thiếu gì . Đó là những sàn nhà bỏ trống của cư dân trên đảo . Nơi đây , một số ít người khá giả , họ xây nhà tường nền lót gạch hoặc xi măng , đa số còn lại thì cất nhà sàn bằng gỗ , ăn ngủ sinh hoạt đều ở phía trên , phần sàn bỏ trống . Những sàn nhà bỏ trống ấy từng là giang sơn cho nhiều gia đình người Việt tị nạn tới xin ở nhờ . Họ ở đó và ra đi , thay đổi không biết bao nhiên lần rồi . 

   Cuộc sống thầm lặng của những cư dân nơi hòn đảo chơi vơi giữa biển , một chốn hoang sơ chỉ có trời trong trong và nước mênh mông , không đua chen chẳng hận thù . Sự hòa quyện giữa con người và thiên nhiên thành một mối giao cảm đồng điệu , tạo nên bản chất hiền lành mộc mạc , cộng thêm tính hiếu khách của người dân xứ đảo khiến cho những đứa con lênh đênh lạc loài của mẹ Việt Nam có được một bến đậu , có được một chỗ dung thân . Thuyền nhân xứ Việt , ai có dịp dừng chân ở Letung dù chỉ một thời gian ngắn , nhưng ấn tượng đẹp nơi hòn đảo nhỏ này sẽ mãi mãi sống hoài trong tâm tư họ . Cư dân nơi đây quả là những người tốt bụng , rất tử tế , rất có tình người .

  Tá túc trong ngôi nhà tập thể được một bửa thì gia đình anh Bảy cũng hỏi được một sàn nhà của ông bà già gần đó , thế là hai vợ chồng cùng ba cô con gái dọn ra ở riêng . Anh chàng Lê Hiến Thành cũng bắt chước , anh ta cùng hai thanh niên khác ở dưới sàn một ngôi nhà đối diện . Cuộc sống tạm coi như ổn định .

  Qua hai ngày sau , anh Bảy thấy Thành và hai người bạn đi đâu mất biệt đến chiều tối mới về , anh nào cũng mình mẩy lấm lem . Hỏi ra mới biết họ đi làm rẫy mướn cho mấy người dân trên đảo . Tiền công không nhiều , vài gói mì thêm trăm Rupies . Giá của gói thuốc là lúc này từ 80 tới 100 Rupies . Kể ra thì cũng đủ cà phê thuốc lá cho những tay ghiền không tiền nhưng ôm mộng vượt biên .

  Hôm nào nghỉ lên rẫy thì Thành rủ anh Bảy xuống biển , theo dân In đô đi câu cá . Bởi chân của anh thương tật làm sao so cho bằng mấy tay thanh niên sức dài vai rộng , họ đi theo dân địa phương cuốc đất làm rẫy mướn . Anh thì chỉ có mỗi một việc đi câu cá . Đi câu thì bửa có bửa không , nhưng anh Bảy lại khoái . Chớ chẳng phải khi còn ở làng Cái trăm , anh và ông Ba Bụng thường băng vườn lội ruộng cũng vì mê câu đó sao . Có điều , ở đây là vùng biển lạ nước lạ cái và bạn câu là những người khác màu da bất đồng ngôn ngữ mới làm quen  . Có hôm lội theo họ đi xa lắc , tối về chẳng kịp phải ngủ lại trong chòi chờ mai ra câu tiếp . Nhờ những dịp này mà anh và Thành làm quen được thêm nhiều người dân địa phương . Đã nói dân ở đây hiền hòa và hiếu khách mà . Chủ In đô khách Việt Nam , hai đàng nhập lại cũng chuyện trò vang rân , tiếng của người nào người ấy nói nhưng tay chân thì múa loạn xạ xà ngầu . Vậy mà cũng hiểu được nhau mới là lạ .

  Qua những câu chuyện quơ tay múa chân , anh Bảy còn biết thêm nhiều nổi thương tâm của những thuyền nhân bạc mệnh đã đến đây từ trước . Một vùng đồi thấp sát mé biển , lố nhố trên chục nấm mồ . Theo như dân địa phương kể lại thì đó là những người tị nạn đã đến bờ bến an toàn và đang tạm trú trên những hòn đảo quanh đây . Một bửa đi tàu vô Letung mua thực phẩm , gặp bão ào tới bất ngờ nên tàu chìm chết hết . Xác của họ bị sóng gió đánh giạt vào bãi biển , dân địa phương vớt lên an táng và đương nhiên những nấm mồ vô danh này ngàn năm sau thân nhân của họ cũng chẳng có ai biết đến . Từng là một quân nhân cầm súng chiến đấu với lời thề là bảo vệ quê hương đến hơi thở cuối cùng , bây giờ người chiến binh thất cơ lỡ vận ấy đứng nhìn những nấm mồ hoang tàn của đồng bào ruột thịt cùng một mẹ Việt Nam vùi thây nơi xứ người cũng vì hai chữ Tự Do . Lương tâm người lính bức rức , trái tim người lính nhói đau . Sẳn đang cầm bình nước uống trên tay , anh cựu Trung sĩ Thủy quân lục chiến lâm râm khấn nguyện rồi lấy nước thay rượu rưới xuống từng mộ phần vô danh của những thi hài bạc mệnh .

  Tám tình tang xin mượn bốn câu thơ trong bài Ta Về của thi sĩ Tô Thùy Yên để bày tỏ nỗi niềm của anh cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hòa trong hiện tại :

  Ta về như lá rơi về cội

  Bếp lửa nhân quần ấm tối nay

  Một chén rượu nồng xin rưới xuống

  Giải oan cho cuộc bể dâu này

  Như đã nói , vị trí của quần đảo Anambas nằm ở vị trí phía tây bắc Nam dương . Vì nó nằm chơi vơi rất xa đất liền về hướng bắc nên ghe tàu từ mũi Cà mau thẳng xuống vùng biển Nam 350 dặm là tới . Gần và tránh được vịnh Thái lan đầy hải tặc . Nhưng hỡi ôi , đây là khu vực tử thần đã cướp đi biết bao nhiêu sinh mạng của đồng bào ta trong những năm cuối thập niên 70 . Bờ bắc của quần đảo Anambas vốn nỗi tiếng là đá ngầm . Nhiều tàu vượt biên không may giạt vào khu vực này là kể như không còn một mạng . Dân địa phương thường bắt gặp nhiều xác chết của người tị nạn do sóng biển đánh tấp vào . Họ đem lên chôn cất đàng hoàng . Nhiều lúc vì chôn cất vội vàng không đánh dấu thì coi như người chết mất tích luôn . Cũng hiếm nhưng lại có những trường hợp gặp người cẩn thận , khi chôn cất xong kẻ xấu số thì họ lại đánh dấu hoặc truyền miệng lại cho con cháu để chúng biết chỗ phòng sau này có người tới tìm . Điển hình như một vị Mục sư người bản xứ , ông chôn hai xác thuyền nhân trên triền đồi ngay trong phần đất do mình sở hữu rồi đến khi sắp chết , ông để di chúc lại cho con cái là không được bán đi miếng đất đó .

  Cả một dãy đảo to đảo nhỏ phía bắc quần đảo Anambas , trong đó người ta biết tới nhiều nhất là Letung , Terempa , Air Raya , KuKu v.v . Nơi nào có thuyền nhân Việt Nam đặt chân tới là nơi đó có mồ chôn xác người tị nạn . Về tới bến tự do của họ là những mộ phần . Thật thê thảm . Sau này tất cả những ngôi mộ rãi rác khắp cùng trên các đảo đó được nhiều thuyền nhân hảo tâm đã định cư một thời gian , quay trở lại tìm kiếm và trùng tu nhang khói . Những nấm mồ vô danh đều được dựng tấm bia đề ba mẫu tự : VBP , viết tắt của ba chữ Vietnamese Boat Peple tức là Thuyền Nhân Việt Nam . 

         ………………………………………..

  Nhờ có dịp sống chung với những con người hiền lành chơn chất này nên anh Bảy biết họ đa số , từ lúc cha ông sinh ra tới chết chẳng biết văn minh thị thành gì ráo . Thức ăn thì chỉ là khoai mì , chuối và cá biển . Gạo ở đây rất hiếm , chỉ có những ngày lễ lớn họ mới có dịp ăn cơm mà thôi . Còn nhà ở thì đa số họ lót sàn bằng cây hoặc tre đan . Tối đến , vợ chồng con cái nằm dọc nằm ngang chung chạ với nhau trên sàn như một cái giường khổng lồ .

  Chủ nhà chỗ anh Bảy đóng đô dưới sàn là hai vợ chồng già . Ông bà này chắc chẳng có con cái gì nên thấy ba đứa con gái của anh chị Bảy , ổng bả thương lắm . Hôm nào đi làm rẫy về bà cũng đem xuống cho mấy đứa nhỏ vài củ khoai , năm ba trái chuối . Cái bửa anh Bảy đi câu mắc mưa rồi ngã bệnh nằm lì hai ba bửa làm chị Hảo lo rầu quá cỡ . Ông già ở trên nhà mấy ngày không thấy mặt anh Bảy nên chạy xuống hỏi thăm . Biết cái thằng tị nạn Việt Nam có cái chân lặt lìa ham đi câu cá đến nổi mắc mưa rồi bị bệnh . Ông nghỉ đi rẩy một bửa , ở nhà nấu nước pha vài thứ lá cây mà ông gọi là thuốc dân tộc , cho anh uống . Coi vậy cũng hay thiệt à nghen . Uống đâu được hai ba lần là anh đi đứng sân sẩn lại như thường .

  Cái bửa anh hết bệnh mới là cảm động làm sao . Ông bà bắt con gà , mua lon gạo nấu cháo gà rồi xuống biểu cả gia đình anh lên dùng chung một bửa để gọi là ăn mừng . Nhà ông bà già thì neo đơn nghèo khó , có mấy con gà nuôi để bán nhưng lại làm thịt để đãi gia đình thằng tị nạn chẳng chút quen thân . Lại còn bỏ tiền ra mua gạo nữa . Gạo vốn là thứ mắc mỏ hiếm quí trên đảo mà .

  Hai tháng sau mới có chuyến tàu ghé lại để chuyển số tị nạn dồn đọng trên Letung . Hồi mới tới đây anh nhớ chỉ tròm trèm hai trăm , mà bây giờ con số ấy đã tăng lên hơn năm trăm . Coi bộ lóng rày công an biên phòng bán bãi bán bến dữ quá nên người bỏ nước ra đi nườm nượp , cứ một hai tuần là có tàu mới tới . Gia đình anh Bảy bịn rịn chia tay với ông bà chủ nhà . Ba đứa nhỏ con anh chị khoanh tay thưa ông bà ngoại lúc giã từ . Hình ảnh thật cảm động , hai ông bà già miếu máo xoa đầu ba trẻ căn dặn đủ điều . Ngôn ngữ bất đồng , đương nhiên là chúng có hiểu gì đâu nhưng trong đầu óc non nớt của ba trẻ cũng có thể đoán ra được đó là những lời dặn dò nhắn nhủ trong lúc bịn rịn giã từ và câu chúc tốt lành cho bước đường kế tiếp .

  Hai chiếc tàu sắt to đùng cập bến rước người tị nạn . Chiếc thứ nhất rời bến không bao lâu thì đến lượt chiếc thứ hai khởi hành . Gia đình anh Bảy được bốc đi chuyến sau , số người còn lại không bao nhiêu nên chiếc tàu còn trống lổng . Nghe họ biểu là chuyển tất cả sang KuKu . Ai nấy đâu có biết gì , người ta kêu đi thì đi chớ có biết KuKu ấy nó ở đâu và bao xa mới tới .

  Chúng ta cũng nên dành vài dòng để tìm hiểu thêm về mảnh đất đã có một thời cưu mang hàng chục ngàn đồng bào ruột thịt của mình trên con đường đi tìm tự do . Nhìn vào bản đồ quần đảo Anambas thì ta sẽ thấy nhiều đảo nhỏ rải rác chung quanh một hòn đảo lớn nhất . Hòn đảo trung tâm này có tên là Jemaja Riau . Những trại tạm cư như Letung , Air Raya , KuKu đều nằm ở mạn bắc của hòn đảo này . Những thuyền nhân quen miệng nên hay gọi là đảo KuKu hay đảo Letung , nhưng thật ra những địa danh trên đều cùng nằm chung trên một hòn đảo trung tâm Jemaja Riau mà thôi .

   Chuyển dân tị nạn từ Letung sang KuKu tàu chỉ chạy dọc theo bờ biển của đảo Jemaja chừng hơn hai tiếng là tới . Chuyến thứ hai , chuyến gia đình anh Bảy đi . Vì ít người nên họ ghé vào một trại tạm cư khác để bốc thêm . Đó là Air Raya . Bà con trên tàu lại được dịp nhìn ngắm thiên hạ trên đảo và làm quen với nhóm tị nạn mới đang tuần tự bước lên tàu để cùng sang KuKu .

  Air Raya nguyên là một ngôi làng nhỏ , thể như một cái ấp so với chợ quận ở Letung . Dân cư bản địa đa số là người thổ dân In dô nhưng rất thưa thớt , sinh hoạt và đời sống của họ còn  rất hoang dã . Vào những năm trước , khi những Lỗ Bình Sơn Việt Nam ta bắt đầu đổ bộ lên vùng đất hoang vu này , có khi cả hai ba tháng trời mà chẳng ai biết tới . Thuyền nhân ta phải tự lực chống chọi với thiên nhiên để sinh tồn . Vô rừng đốn cây cất chòi tránh gió tránh mưa , lên suối đặt ống nứa dẫn nước xuống để có mà dùng . Rồi lo đi mò cua bắt cá , đào củ , hái trái cây rừng để ăn . Kinh hoàng nhất là phải đối đầu với nạn rắn . Cái vùng đất quái quỷ gì mà rắn nhiều quá đổi , ở đâu cũng có rắn . Từ dưới suối rắn bò lên , từ trên cây rắn rớt lộp độp trên mái chòi . Tối tối nằm ngủ rắn bò lên người mình , ngứa ngáy nhột nhạt không dám cục cựa . Nín thở mím môi nằm im chờ cho con rắn nó bò qua rồi thì xong , quýnh quáng ngọa nguậy tay chân , gặp con rắn độc nó phập một cái thì ra bãi tha ma mà ngủ một giấc tới muôn đời . Rồi nạn sơn lam chướng khí , sốt rét rừng , uống phải nước suối độc v.v . Hễ bệnh nhẹ cũng thành nặng , nặng rồi thì đi luôn .

  Nó khổ như vậy mà bà con thuyền nhân Mít ta cứ ùn ùn kéo tới . Từ từ rồi khu rừng núi heo hút này lại trở thành một đảo quốc tị nạn hồi nào hổng hay . Tới chừng đông quá cỡ rồi thì mấy ông Ủy Hội Cứu Trợ Liên Hiệp Quốc mới khám phá ra . Họ thất kinh hồn vía thiếu điều muốn té xỉu khi bước lên bờ đá ngó thấy nơi nào cũng đầy người và người . Những Lỗ Bình Sơn tóc đen da vàng mũi tẹt đi đứng ngông nghênh , tóc tai dài xọc từ đâu trong hốc đá lùm cây , chỉ trong nháy mắt đã đứng đầy bãi biển . Họ ra chào mừng tàu cứu tinh của Liên Hiệp Quốc đây mà . Từ bây giờ những thuyền nhân tội nghiệp này mới được người ta biết đến và bắt đầu tiếp tế lương thực .   

  Khi được mấy ông Liên Hiệp Quốc tới lui tiếp tế , nơi đây chính thức trở thành một đảo quốc tị nạn . Thành đảo quốc tị nạn rồi thì đồng bào ta mới lo tới những thứ rắc rối lẻ tẻ khác . Chẳng hạn như thanh niên trên đảo đánh lộn đánh lạo chẳng có ai đứng ta giải quyết , đa số là do dành gái mà ra . Rồi nạn trộm cắp lương thực , nạn tranh cãi cái ăn chỗ ở vì đói khổ quá . Họ bàn bạc bình chọn người có uy tín , bầu làm ông chúa đảo để thành lập các ban , như an ninh , vệ sinh , lương thực v.v . Thật mà nói , muốn cai trị cái đám thần dân có lúc lên tới hơn mười ngàn người tới từ mọi miền đất nước nầy nó khó còn hơn lên trời . Một cái xã hội thu nhỏ gồm đủ hạng , đủ giai cấp . Từ gã du côn bụi đời khố rách áo ôm hoặc anh nông dân xuề xòa chơn chất cho tới những ông bà quyền cao chức trọng , những tay thương gia giàu xụ . Tóm lại là hạng nào cũng có . Nhưng nhờ vào sự ý thức cộng đồng khá cao của tất cả mọi người , dần dần sinh hoạt của đảo quốc tị nạn đi vào nề nếp , có trật tự , ngăn nắp đàng hoàng , khiến cho nhân viên đại diện Liên Hiệp Quốc cũng phải nghiêng mình thán phục . Dân tộc Việt Nam bốn ngàn năm văn hiến mà .

  Như đã nói , nơi đây vốn là một vùng hải đảo hoang sơ toàn là cây rừng và núi đá . Thực phẩm tiếp tế thì chỉ trông vào tàu của Ủy hội cứu trợ lâu lâu cập bến một lần . Thỉnh thoảng tàu chậm trễ thì bị đói . Gì chớ đói là chuyện bình thường của những Lỗ Bình Sơn Việt Nam tại đây mà . Người có tiền thì đón tàu sang chợ quận ở Letung để mua sắm thực phẩm , đồ dùng . Tàu ở đây là những chiếc ghe nhỏ do dân địa phương làm chủ . Từ Air Raya sang Letung phải qua một eo biển nước xoáy rất nguy hiểm . Nơi đây thường xảy ra tai nạn chìm tàu , người chết  . Đã có khoảng hàng trăm người tị nạn thoát khỏi biển cả mênh mông tới được bến tự do nhưng lại bị dìm thây nơi cái eo biển quái quỷ này . Một nhân vật tiếng tăm thời trước là Đốc sự Quốc gia hành chánh Sài gòn kiêm vô địch bơi lội Chiêm Thành Kỷ đã nằm lại đây vĩnh viễn . Đám người đi chợ Letung mua sắm , một bửa nọ gặp trời giông to bị gió đánh giạt vào khu nước xoáy . Tàu chìm , Chiêm Thành Kỷ cứu được vợ con nhưng rồi kiệt sức nên phải bỏ mình . Đời lắm nổi trớ trêu , người không biết bơi lại sống , kẻ quán quân bơi lội một thời lại chết vì nước . Hỡi ôi , thật đúng như cái câu Sinh nghề tử nghiệp của ông bà mình để lại .

  Đã bảo là trại tị nạn là đủ biết , từ khổ cho tới thậm khổ . Đàng này , đây chỉ là trại tạm cư để chờ được chuyển vào trại tị nạn thì phải biết nó khổ sở thiếu thốn như thế nào rồi . Thiếu thốn từ vật chất cho đến tinh thần . Người bỏ lại quê hương , bỏ tất cả thân bằng quyến thuộc để ra đi . Vượt qua được nổi kinh hoàng giữa sóng gió trùng khơi , giờ ngồi bó gối nơi chốn đìu hiu gió hú , để trưa trưa chiều chiều ngắm giọt mưa rơi mà nhớ mong về nơi cố thổ . Mưa đã là buồn rồi mà người có tâm sự lại chẳng có gì làm cho khuây khỏa , chỉ ngồi nhìn trời giăng u ám đếm hạt mưa sa , thử hỏi lòng ai không ray rức . Tâm trạng thê lương ấy đã được nhạc sĩ Trường Hải viết lại thành bản nhạc Mưa trên đảo Air Raya .

“  … Lòng người tha hương cô đơn lặng câm

  Mưa rơi ướt mềm lòng người xa xứ

  Chiều nay mưa trên đảo xa

  Đau đớn lòng ta cố hương khuất mờ …”

   Tâm trạng của Trường Hải , người nhạc sĩ đã có một đoạn đời ngồi trong túp lều trên đảo Air Raya nhìn hạt mưa sa rồi viết thành bài ca . Tả lại tâm trạng của chính ông và của những thuyền nhân một thời là Lỗ Bình Sơn Việt Nam nơi ngưỡng cửa tự do Air Raya .

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro