Chương 54

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 54

  - Nè . Thức dậy đi coi đồng bào tới đảo kìa !

  Lê Hiến Thành đang nằm lắc lư trên võng bỗng bị một thanh niên cùng lều vựt dậy để đi coi người mới tới . Anh ta đang ở trần trùi trụi , vội vớ chiếc áo thun cầu thủ mang số 11 xỏ vào rồi cùng Minh , hai gã chạy cái ào ra bãi biển . Đi coi đồng bào tới đảo là một thú vui duy nhất từ ngày nhập trại KuKu .

  Nghe người ta biểu chỉ ở đây hai tuần sẽ có tàu lớn chở tới Galang , coi ra thời gian nán lại trại chuyển tiếp này còn ngắn ngủi hơn Letung nhiều . Nhóm của anh Bảy và đám thanh niên cầu thủ như Lê Hiến Thành , sau khi hoàn tất thủ tục nhập trại với văn phòng Cao ủy tị nạn Liên hiệp quốc xong thì được ban xã hội cấp phát thực phẩm và chỉ định chỗ ở . Đó là những căn lều trống do những người rời đảo để lại . Khi nhóm của anh Bảy tới đây , số người hiện diện trên Kuku không nhiều lắm , chừng ba bốn trăm gì đó nhưng lều bỏ trống thì nhiều vô số . Những túp lều tạm bợ cốt để che nắng che mưa nên nóc là những tấm ni lông mỏng manh phủ lên mớ cột kèo toàn bằng cây chặt từ trên rừng về . Bên trong lều kê một hai cái chỏng . Chỏng ở đây cũng do những thân cây nhỏ ghép lại mà thành . Phía sau là chỗ dành để nấu ăn như một chái bếp tí hon .

  Kuku cũng giống như Air Raya , nó hình thành là nhờ những chiếc tàu vượt biển vô tình ghé vào rồi dần dần biến thành trại tị nạn hồi nào hổng hay . Những năm trước , khi Letong và Air Raya đông người quá thì những đợt tới sau đều được chuyển tất cả về đây . Đương nhiên cũng chật vật khốn khổ vô cùng tận . Cho đến giữa năm 79 , khi trại tị nạn Galang chính thức mở cửa thì Kuku trở thành một trại trung chuyển , tức là tập trung những đồng bào mới tới từ những đảo khác lại , để hai tuần hoặc một tháng có tàu lớn tới bốc chuyển sang trại Galang . Thế nên khi đợt của ghe anh Bảy  lên thì nó đã trở về cái thời vắng vẻ đìu hiu không còn rộn rịp quán xá nhạc nheo , buôn bán ì xèo như mấy năm về trước .

  Vì Kuku là một trại riêng biệt dành cho thuyền nhân nên không có dân bản xứ sống lẫn lộn . Những anh thanh niên sức vóc không thể đi làm mướn kiếm tiền như lúc còn ở Letong được nữa .  Bởi vậy bọn họ nhàn rỗi lắm , ngày tối nếu không nằm lắc lư trên võng thì lên núi kiếm củi hoặc thả rong ra bãi biển dòm trời . Cứ mỗi năm hoặc sáu ngày tàu tiếp liệu ghé bến một lần , đây là lúc trại cần một lượng nhân lực đông đảo để chuyển thực phẩm từ tàu lên bờ phân phát lại cho từng thuyền nhân . Công việc nặng nhọc này đương nhiên nếu không phải do đám trai tráng ra sức thì còn ai vô . Ý thức cộng đồng là bổn phận của từng thuyền nhân mà .

  Ở trại , không ai bắt buộc nhưng với tinh thần phục vụ và ý thức chung , thanh niên khỏe mạnh lo việc xốc vác nặng nhọc , phụ nữ yếu đuối tham gia các công tác nhẹ như xã hội , y tế hoặc người biết chút đỉnh tiếng Anh vào làm trong ban thông dịch , giúp đỡ thuyền nhân mới tới hoàn tất thủ tục với Cao ủy tị nạn . Nhìn chung , Kuku tuy là một trại chuyển tiếp , người ta không ai ở đó lâu hơn hai tháng nhưng sinh hoạt bắt đầu trở thành nề nếp . Nó tập cho thuyền nhân làm quen để không còn bở ngở khi bước vào cuộc sống lâu dài hơn nơi trại tị nạn chính thức là Galang .  

  Anh chị Bảy cùng ba đứa nhỏ ở trong một căn lều gần con suối . Một con suối duy nhất chảy xuyên qua trại . Thành và đám thanh niên cầu thủ cũng ở rải rác chung quanh . Một ghe cùng sống chết trên biển , gặp nạn nơi Mã lai giờ  cấm sào lại một góc Kuku . Buồn vui đời tị nạn 45 người có nhau cùng chia sẻ .

  Thành và Minh đứng trên bãi cát nhìn ra đầu cây cầu gỗ , nơi chiếc ghe vượt biên được hải thuyền Nam dương hướng dẫn tấp vào . Lúc này mặt trời đang đứng bóng , nước biển dâng cao mấp mé mấy ghềnh đá sát bờ nên chiếc ghe vượt biên nằm ở một vị trí không xa nhóm người của Thành là mấy . Khi những thuyền nhân may mắn mới tới bước lên cầu để làm thủ tục đầu tiên là kiểm dịch trước khi cho nhập trại , Thành trông thấy họ có vẻ yếu đuối lắm , phải dìu dắt lẫn nhau mà bước . Đến nổi một vài nhân viên tự nguyện người Việt phải nhảy xuống ghe giúp đỡ họ nữa  . Mà chiếc ghe này cũng đông bộn , đâu cả chín mươi người có hơn chớ có ít ỏi gì .

  Khi tất cả thuyền nhân di chuyển hết vào bờ thì mọi người đứng xem chạy tới bu quanh đông nghẹt . Ai cũng mong ngóng như đang hy vọng gặp lại người thân của mình . Thành và Minh nghe người ta biểu là chiếc ghe này khởi hành từ cửa biển Bãi giá nên cũng vội chạy tới gần để nghe ngóng , tiện thể hỏi thăm coi có ai quen không .

  Vừa ngay lúc ấy thì ngay phía chân cầu , một đám người xúm xít bu quanh một bà lão , người vừa mới tới đảo . Dưới ánh nắng vàng gay gắt , đôi mắt bà lạc thần , khuôn mặt trắng nhợt không chút huyết sắc . Bà đứng yên toàn thân bất động , nếu không có vài cơn gió biển thổi rung mái tóc rối nùi bạc phơ thì người ta cứ tưởng lão bà đã hóa đá . Không . Bà không hóa đá . Bà hóa thành người thiên cổ !

  Hình ảnh bà lão chết đứng khiến cho anh chàng với thành tích hai lần vượt biển không khỏi hãi kinh . Nét nhăn nhúm trên khuôn mặt đen sạm vì nắng gió , vành môi khô queo nức nẻ , kéo lệch xuống tận cằm như biểu hiện một nỗi đau câm nghẹn không sao nói được thành lời . Vài thanh niên đang có mặt gần bên vội ẩm bà lão chạy ngay vào trạm y cứu cấp . Nhưng bà đã tắt thở ngay từ cái lúc chân vừa đặt lên bãi cát đảo Kuku . Bà vĩnh viễn nằm lại nơi vùng đất hải đảo hoang vu . Kết thúc chuyến hải hành tìm tự do của bà lão là một mộ phần .

  Thành và Minh đang còn đang đờ đẫn với cái chết đột ngột kỳ lạ của lão bà thì có mấy người ngoắc kêu :

  - Mấy cậu thanh niên . Đứng đó làm gì , lại đây đở tiếp bà con mình vô trại cái đi .

  Tới bây giờ thì Thành quay ra để ý đám thuyền nhân mới tới còn lại . Họ đa số đã kiệt sức lắm rồi . Đàn ông thanh thiếu niên còn có thể gắng gượng nhấc bước chớ đám phụ nữ thì coi như kiệt lực hoàn toàn . Người đến trước giúp đỡ kẻ đến sau , ai đang có mặt trên bãi biển lúc ấy đều kêu gọi nhau chạy đến , dìu dắt họ vào trại .   

  Nghe phong phanh thì chuyến ghe vừa tới đảo này lênh đênh trên biển nhiều ngày , lương thực cạn kiệt , gặp cướp biển . Những cô gái đa số là nạn nhân bị làm nhục bởi bọn hải tặc Thái lan . Vì lý do tế nhị nên người ta tránh không dám hỏi han nhiều . Trước mắt chỉ lo nơi ăn chốn ở để đồng bào mới tới có chỗ nghỉ ngơi cái đã . Thành để ý tới một thiếu phụ nữ gần mình nhất . Có lẽ cô ta không thân nhân đi cùng và đuối sức lắm nên ngồi bệt dưới bãi cát nóng có một mình . Nàng đưa đôi mắt thất thần nhìn quanh . Không cần phải nói nhiều , anh thanh niên với chiếc áo cầu thủ số 11 tiến lại hỏi liền :

  - Chị Hai còn đồ đạc gì hông để tôi xách giùm cho .

  Người thiếu phụ nhìn Thành nhẹ lắc đầu . Đôi bờ môi mấp máy nói chẳng thành lời . Khuôn mặt tiều tụy hốc hác vì đói khát triền miên , thêm nắng gió đại dương bao ngày nên đen xạm đi . Tuy nhiên vẫn không giấu nổi nét đan thanh của một cô gái quê miệt vườn . Thành cảm thấy có một cái gì đó bất nhẫn trong lòng , anh cúi xuống đở nàng đứng dậy :

  - Mình vào văn phòng trại làm thủ tục tị nạn đi chị Hai . Mà bộ chị đi có một mình sao vậy cà ?

  Bây giờ người thiếu phụ quê mùa mới mấp máy đôi môi . Giọng nàng quá yếu nên thều thào mãi mới thành lời :

-        Ở đây là đâu vậy anh Hai ?

  - Đảo tị nạn Kuku . Chào mừng chị tới bến bờ tự do .  

  Sau khi hoàn tất thủ tục nhập trại , Thành dìu người thiếu phụ theo anh nhân viên nhà ở đến khu lều chỉ định . Cũng chẳng xa xiết gì với lều của Thành . Chỉ cách một cây cầu ván bắt ngang con suối chảy róc rách . Thành chọn cho nàng một căn lều nhỏ gần với lều của mình nhất . Cho nàng vào nằm nghỉ ở đó xong rồi bương bả chạy ra ngoài . Lát sau anh trở về với túi gạo cùng vài lon đồ hộp , khẩu phần của người mới nhập trại . Cộng thêm hai bộ quần áo cũ và một hộp sữa . Quần áo thì có thể xin ở ban xã hội , đồ cũ nhưng dùng thay đổi tạm thời cũng đỡ khổ lắm , nhất là với những thuyền nhân nhất y nhất quởn như cô nàng mới tới . Hộp sữa thì đương nhiên là do Thành móc tiền túi ra mua chớ ở trại làm gì có sữa phát không cho mà uống . Anh chạy về lều lay hoay nhúm lửa nấu nước sôi pha một chén sữa , xong mang qua cho người thiếu phụ . Trông nàng vẫn còn đờ đẩn như người mất hồn , Thành không dám nói nhiều , chỉ để chén sửa một bên rồi ân cần bảo :

  - Nè , Xinh uống miếng sữa nghen . Đang đói quá hổng nên ăn cơm . Có hại cho cái bao tử lắm đó .

  Nãy giờ nằm nghỉ được một lát , chắc có mòi hơi khỏe lại đôi chút nên giọng của người thiếu phụ không quá yếu ớt như lúc nãy . Nàng ngạc nhiên khi một người thanh niên xa lạ lại biết tên mình nên mới hỏi :

  - Ủa , anh sao biết tui tên Xinh ?

  Thành cười :

  - Chớ hổng phải hồi nãy Xinh đã khai tên tuổi ngày tháng năm sanh để tôi ghi vô tờ khai nhập trại tị nạn đó sao .

  Kể từ hôm ấy , anh cầu thủ bất đắc dĩ Lê Hiến Thành không còn rảnh rang để trưa trưa nằm lắc lư trên võng hoặc thả qua lều anh Bảy đánh cờ tướng tán dóc nữa . Cứ mỗi sáng thức dậy là hắn biến mất , mãi cho tới tối mịt mới mò về lều ngủ qua đêm . Giả bên lều của nàng cô phụ tên Xinh đó chớ có đi đâu xa . Và nàng ấy chính là Tư Xinh .

  Một buổi sáng định mệnh , trời xuôi đất khiến cho nàng nên bước lên nhằm chiếc ghe vượt biên thành ra một bước lên ghe một bước dài . Chỉ một bước thôi nhưng nó đã thay đổi cuộc đời của nàng từ đó . Từ một chị lái vịt nghèo nàn , gặp gã thanh niên Hai Tiến , hai người ấm êm hạnh phúc chưa được bao lâu thì tai ương kéo đến khiến loan phụng chia lìa . Kế đến thì bị con nhỏ em ác đức thất nhơn nó gạt khiến vườn đất tiêu tan rồi ra thân nổi trôi vạn dặm . Mười hai ngày lênh đênh trên biển , sóng dập gió vùi đói khát đã chưa đủ khổ lại còn bị bọn hải tặc hành hạ làm nhục . Xinh thật sự không còn nước mắt để khóc cho cuộc đời của mình . “Thương mình lận đận long đong – Thương người áo vá chân không vào đời” (thơ Hà Huyền Chi) .

  Nằm trong căn lều , cảm giác chông chênh phập phều vì say bờ nó làm cho Xinh ngầy ngật khó chịu . Tuy sức còn quá yếu , đầu óc còn mịt mù như một kẻ chết đi vừa sống lại nhưng nàng cảm thấy mảnh đất nơi mình mới tới có chút gì đó ấm áp , thứ ấm áp của tình người mà một kẻ bơ vơ lạc lỏng như nàng đang thiếu thốn . Nàng tự hỏi , người thanh niên này là ai sao lại sốt sắng lo lắng cho mình đến thế .

  Cũng dễ hiểu thôi . Đối với anh cầu thủ bất đắc dĩ kiêm luôn người hùng không sợ biển Lê Hiến Thành này thì trong ý nghĩ của anh ta rất đơn giản . Những bi kịch ngoài khơi vịnh Thái lan anh đã nghe kể rất nhiều lúc còn ở đảo Bidong . Vết tích kinh hoàng đau thương và nhục nhã đó bây giờ lại tìm gặp ở đây , nơi những người con gái Việt kém may mắn vừa mới tới đảo . Tận mắt chứng kiến nạn nhân với những khuôn mặt hốc hác còn đong đầy nét hãi hùng , những tấm thân tiều tụy cạn kiệt sinh lực , lòng trắc ẩn của gã thanh niên trỗi dậy . Nổi nhục của đồng bào mình đó , những đứa con khốn nạn của Mẹ Việt Nam mình đó . Có mấy ai trông thấy cảnh thương tâm này mà không động lòng , mà đành ngoảnh mặt .

  Đã đành là quặng thắt cõi lòng khi trông thấy thảm cảnh của đồng bào mình , nhưng nơi này là trại tị nạn , thiếu thốn đủ thứ thì Thành còn biết làm gì hơn đây . Thôi , coi giúp được cái gì được thì giúp . Trên chiếc tàu mới tới , đa số những nạn nhân ai nấy đều có người thân đi cùng . Chỉ riêng Xinh , nàng bơ vơ một thân một mình và có vẻ yếu đuối lắm . Thấy tình cảnh đáng thương của nàng , Thành tự nguyện chạy tới chạy lui hỏi han chăm sóc .

  Hai hôm đầu Xinh quá yếu nên nằm vùi ngày cũng như đêm và chỉ uống được sữa , sang ngày thứ ba thì sức lực nàng dần dần khôi phục và mất đi cái cảm giác say bờ nên có thể đi đứng tới lui trong lều . Khi cơn ác mộng hãi hùng chưa tan biến , khi thân thể còn rệu rả thì đầu óc nàng mụ mẩm có biết gì là gì . Bây giờ tâm trí tỉnh táo lại , thấy anh thanh niên lạ hoắc tự dưng lại trở thành người ân nhân thân cận với mình trong mấy ngày qua thì lấy làm áy náy hết sức . Và nàng đâm ra bối rối ngượng ngùng khi trông thấy hắn lon ton xách thùng nước về rồi còn biểu mình đi tắm  .

  - Anh … gì ơi . Mấy hổm rày tui … tui làm phiền anh nhiều quá . Tui hổng biết nói mần sao để cám ơn anh nữa . Mà xin lỗi anh thứ mấy ?

  - Thành . Xinh cứ gọi tôi là Tư Thành .

  - Anh Tư . Tui cảm ơn anh nhiều lắm nghen anh Tư . Mà nhà của anh chắc cũng ở gần đâu đây hả anh Tư . Cái bửa đó anh biểu ở đây là đâu tui quên mất tiêu rồi . Bộ chỗ này là nước ngoài rồi hả anh Tư . Mà người ta ở đây mần cái gì để sinh sống vậy anh ?

  Cả chục câu hỏi Xinh dồn lại một lần , Thành vắn tắt trả lời :

  - Ở đây là trại tị nạn Kuku . Mình đang ở Nam dương chớ hổng phải Việt nam đâu . Ở đây khỏi cần làm cũng có gạo ăn đều đều , Xinh đừng có lo đói .

  - Mà Nam dương là ở đâu vậy anh Tư ?

  Thành bối rối trả lời theo cái kiểu phân đôi :

  - Nam dương thì là … Nam dương chớ ở đâu . Miễn sao mình ra được tới đây là hết sợ chết . Nghĩa là tới bến bờ an toàn , chỉ việc đợi coi nước nào chịu nhận thì mình đi là xong .

  Chỉ sợ đứng lâu Xinh cứ hỏi xà quần hoài nên anh chàng biểu nàng đi tắm . Còn mình thì cáo từ để trở về lều nấu nồi cháo mang qua cho Xinh ăn . Trời đã xế bóng , tối tới nơi rồi .

  Số tiền làm mướn dành dụm từ bên Letung Thành định để dành mua thuốc hút từ từ trong lúc thất nghiệp nằm chờ sang Galang . Không ngờ ba ngày nay đã cạn sạch . Thấy hoàn cảnh của Xinh tội quá , tới đảo chỉ một bộ đồ dính da không thân nhân chẳng bạc tiền lại bọn hải tặc làm nhục ra nông nổi . Giữa tình người với nhau , Thành thấy mình nên nhịn hút thuốc , dành số tiền ấy mua sữa và chút ít đồ dùng cá nhân cho nàng . Coi như của ít lòng nhiều của một thuyền nhân tới trước giúp đỡ kẻ tới sau . Của ở đây đương nhiên là không có , chỉ có tấm lòng mà thôi . Anh dành hết thời gian rảnh rổi của mình để lo cho Xinh . Một chút xíu lòng thành gọi là an ủi tinh thần cho một đồng hương hoạn nạn .

  Chiều nay lon sữa hộp mua bửa hổm đã hết , thấy Xinh đỡ nhiều nên Thành định bụng đi mua con cá về nấu cháo cho có chút chất tươi . Nhưng vì số tiền còn lại không đủ nên chạy sang lều của anh chị Bảy hỏi xin vài lon gạo . Khẩu phần ăn phân phát đồng đều cho mỗi đầu người nhưng gia đình anh chị Bảy có ba đứa nhỏ , chúng ăn chẳng bao nhiêu nên bửa nào cũng dư ra nhiều gạo . Gạo là thứ hiếm quý của dân In đô nên người tị nạn có thể mang nó ra đổi lấy cá tươi hoặc những thứ cần dùng khác . Thấy gã thanh niên không sợ biển mấy hôm nay vắng bóng đâu mất , giờ xuất hiện lại hỏi xin gạo . Anh Bảy cười hề hề hỏi :

  - Thằng em mầy mấy bửa nay trốn đi xứ nào . Tao cứ tưởng tụi bây kéo nhau đi lên rừng kiếm việc làm mướn nữa rồi chớ .

  Thành đưa tay đở bịt gạo từ chị Hảo . Anh lắc đầu trả lời :

  - Ở đây toàn là người mình chớ có dân In đô đâu mà đi làm mướn hả anh . Tại thấy có cái cô kia mới tới . Hoàn cảnh của cổ thiệt là tội nghiệp nên tôi hỏi xin gạo để đổi đồ ăn có chút chất tươi bồi dưỡng đó mà .

  Đoạn anh sơ lượt chuyện của Xinh rồi quay sang nói với chị Hảo :

  - Cám ơn chị . Anh chị thiệt tốt quá . Tôi mới tạt vô lều thằng cha chủ ghe , vừa mở miệng hỏi xin vài lon gạo . Đã hông cho mà con bị vợ thằng chả chửi một mách .

  Chị Hão cười hỏi :

  - Í , mần sao mà bả lại chửi chú ?

  - Bả nói tôi lo làm ba cái chuyện tào lao . Hổng có tiền thì chịu hổng có tiền đi , còn bày đặt làm phách . Chị coi , ở đây chớ đâu phải như bên Việt Nam mình . Gạo tiêu chuẩn người ta phát cho ăn dư cả đống . Chắc ổng bả để dành mai mốt chuyển trại vác theo chắc .

  - Thôi đi chú ơi . Có cần gì thì tới hỏi anh Bảy , coi có giúp được gì thì giúp . Chú đừng có qua bên vợ chồng ông chủ tàu . Ổng bả thì tụi tui biết hồi còn ở quê nhà lận mà . Khích rim bo bo lo giử của hổng có biết tới ai đâu . À , mà cái cô nào chú nói đó sao nghe tội nghiệp quá hén . Cổ ở xéo xéo cái lều của chú đó phải hông chú Hùng . Để một lát nữa tôi qua bển thăm cổ một chút mới được . Nghe nói ghe đi từ cửa Bảy giá . Chắc cũng người cùng xứ với mình mà .

  Tô cháo cá đầu tiên nơi đảo tị nạn , tuy do bàn tay vụng về của một gã thanh niên nấu nhưng Xinh cảm thấy nó ngon làm sao . Tiêu hành tỏi ớt chẳng có thứ gia vị nào nhưng thiệt là ngọt ngào nồng ấm . Cái nồng ấm của tình đồng bào đồng cảnh , cái ngọt ngào của tình người với nhau . Xinh vừa ăn xong tô cháo cá thì chị Bảy cũng vừa ghé qua thăm .

  Nghe có tiếng nói chuyện văng vẳng vọng vào bên ngoài . Dường như Thành và một vài người nào nữa , Xinh mới lật đật bước ra cửa lều . Con Oanh đi trước nên khi trờ tới cửa , nó trợn mắt nhìn sửng một hồi rồi thảng thốt kêu lên :

  - Chị Tư . Má ơi , chị Tư …. má ơi !

  Chị Hảo tròn mắt há miệng kinh ngạc khi vừa trông thấy cô gái nạn nhân mà Thành kể lúc nãy . Tư Xinh đây mà . Chị mới chạy tới bên Xinh ôm lấy vai nàng :

  - Chèn đét ơi . Con Tư ở đây mà chị đâu có biết . Em làm sao mà tới được chỗ này . Rồi em đi với ai hả Tư ? Mà , mà em … ra làm sao rồi . Trời ơi , chị thiệt tình là hổng có ngờ mà .

  Chị Hảo hỏi một thôi không ngừng làm cho Xinh hết biết đường trả lời . Cuộc hội ngộ tưởng chừng như đang trong cơn chiêm bao khiến cho nàng quá xúc động , chỉ biết đứng trơ ra như trời trồng . Không ngờ nơi hòn đảo hoang vu này còn được gặp lại người thân . Chị Hảo quay lại biểu con Thu đang đứng phía sau :

  - Thu , con chạy về bển nói với ba là chị Tư cũng tới được đây rồi . Kêu ba qua nghen con .

  Cùng là hàng xóm lại thêm mối giao tình đặc biệt giữa Hai Tiến và anh chị Bảy nên Xinh có khác nào người trong nhà . Sau cái tin Tiến bị chết thảm , hai gia đình càng khắn khít với nhau hơn . Anh Bảy có bao giờ ngờ tới cô em dâu chơn chất mộc mạc , đẹp người đẹp nết này lại có ngày phải bỏ nước ra đi . Anh dòm con nhỏ , mới có đâu chừng ba tháng không gặp mà Xinh như già đi thêm mấy tuổi . Tha hương ngộ cố nhân , mừng vui thăm hỏi tíu tít . Biết chuyến đi của nàng gặp trên đường gặp nạn , vì lý do tế nhị anh chị Bảy không dám nhắc tới nhiều . Không hỏi nhưng Xinh lại mếu máo kể lể :

  - Đó tới giờ mình chỉ nghe người ta đồn đãi chuyện vượt biên thôi chớ mình đâu có biết . Đùng một cái tới mình đi mà cũng hổng hay . Ai mà có ngờ , có ngờ cái biển nó lớn quá đi hoài mà hổng thấy tới bờ . Rồi gặp bão lớn quá trời , cái máy tàu nó lại hư giữa chừng . Cả chiếc  ghe đâu bảy tám chục người , ta nói nhịn đói nhịn khát mấy ngày liền . Đâu cũng chừng hai ba đứa nhỏ chịu hổng nổi nên chết giữa biển . Rồi kế tới thì bị mấy ông cướp Thái lan …

  Tư Thành nãy giờ ngồi im lặng nhìn cảnh cảm động của ba người . Đời có nhiều cái bất ngờ thú vị , đây hẳn là một thú vị bất ngờ cho Tư Xinh lẫn gia đình anh chị Bảy . Thấy cô nàng rấm rức muốn khóc khi nhắc tới chuyện nhục nhã , Thành bèn lên tiếng hỏi lãng sang chuyện khác :

  - Cái bửa ghe mới tấp vô cầu . Có một bà lão vừa lên tới bãi cát thì chết đứng tại chỗ luôn . Thiệt là tội nghiệp . Bộ bà ấy cũng hổng có thân nhân đi cùng sao vậy Xinh ?

  Xinh lấy vạt áo lau khô hai hàng nước mắt rồi lắt đầu nói :

  - Mấy bửa rày đầu óc nó cứ xà quầng nên quên phức chuyện của bà Hai . Bây giờ nghe anh nhắc lại tui mới nhớ . Bà ấy là bà Hai , bà đi với một đứa cháu nội mới có mười tuổi . Hoàn cảnh của bà cũng thiệt là thê thảm quá đi . Tui quen bà hồi ở dưới ghe vì ngồi gần , những lúc tỉnh táo bà có kể chuyện nhà cửa cho mình nghe nên biết chút đỉnh .

  Vẻ mặt nhăn nhúm đau đớn như chất chứa một nổi thống khổ tột cùng khi lìa đời của bà lão ngày hôm đó , lúc nào cũng ám ảnh trong đầu anh thanh niên . Khiến mỗi lần nghĩ tới là anh phải rùng mình . Theo như lời Xinh kể lại thì bà cụ tuổi sắp 80 . Nhà có của ăn của để nhưng lại hiếm muộn , chỉ có được một người con trai . Đứa con của bà là sĩ quan trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nên sau ngày 30 tháng Tư bị đi học tập cải tạo . Cô vợ thăm nuôi được chồng dặn dò là tìm cách dẫn thằng con vượt biên tìm tự do . Chị làm theo lời chồng , nhưng đi chưa tới đâu đã bị bắt . Ở tù ra chị mang bệnh không bao lâu thì mất . Bà Hai tuy đã già nhưng thương con , thương cháu bà nhất quyết hoàn thành tâm nguyện của người con trai . Thế là bà dẫn đứa cháu nội đi vượt biên . Gặp cơn đói khát giữa đại dương mênh mông , đứa cháu duy nhất của bà Hai kiệt sức ngã bệnh rồi chết . Bà lão xấp xỉ bát tuần đau khổ nhớ thương thằng con đã khóc hết nước mắt . Kế đến kẻ tóc bạc khóc người tóc xanh là con dâu yễu mệnh . Rồi bây giờ bà còn nước mắt đâu nữa để khóc khi nhìn những người đi cùng tàu vứt xác đứa cháu nội duy nhất xuống biển thủy táng . Ôi , còn cay đắng khổ não nào hơn cho cuộc đời một bà lão ở cái tuổi bát thập đắc hi hỉ .

  Nghe câu chuyện thê thảm của bà Hai rồi nhìn lại Tư Xinh , người cựu chiến binh cảm thấy quá bất nhẫn . Anh nghe cổ họng mình uất nghẹn không thốt nên lời . Những cái chết đau thương , những cái chết tức tưởi . Bà Hai không phải là người duy nhất phải chịu gánh lấy thảm cảnh sau khi chiến tranh chấm dứt . Chưa chắc hoàn cảnh của bà là thê thảm nhất đâu , nhưng bà là biểu tượng đau đớn chung mà dân tộc này phải nhận lấy . Chưa có một cuộc chiến nào mà khi chấm dứt nó để lại những hậu quả tàn khốc khiến người dân phải gồng mình chịu đựng như ở quê hương mình . Nhìn vào nét mặt bơ phờ hốc hác của Tư Xinh , nàng đang ngồi kể lại chuyến hải hành 12 ngày kinh hoàng mà 90 thuyền nhân vừa trãi qua , trong đó có 7 cô gái kém may mắn cùng chung số phận với Tư Xinh . Anh thương binh gục đầu lòng tràn trề thống hận . Đây không phải nỗi nhục riêng của một hoặc năm bảy cô gái nạn nhân , mà đó là nỗi nhục chung cho cả một dân tộc . Lũ ngoại nhân man rợ , chúng tàn ác đến như thế là cùng .

  

    

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro