7

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

“Mưa. Mưa ròng rã mấy ngày liền. Cả cao điểm chỉ còn là một chiếc màn nhạt nhòa màu trắng xám.

Mưa tầm tã suốt những ngày, rào rào đập xuống mái túp lều dã chiến, như một tay đàn bass trong cơn cao hứng. Mưa lặng thầm rỉ rả suốt những đêm, như muốn kể lể một điều gì, than vãn giùm ai đó.

Con sáo Chíp của Ụ Mối không nhảy loi choi phá phách như thường lệ. Nó chui vào nép mình trong một góc nắp ba lô nằm im thin thít, chỉ có hai con mắt tròn xoe tinh nghịch là vẫn láo liếng nhìn ngó mọi người như dò hỏi, thắc mắc : “ Sao lạnh thế ? Sao buồn thế ? Sao không thấy mặt trời với những tia nắng vàng tươi ấm áp ?”.

Dạo đầu tháng Giêng, khi đơn vị vừa lui về đây dựng trại, nắng đến sầu cả người. Nắng cứ ong ong chiếu thẳng xuống đầu, nắng rừng rực như muốn nung đỏ cả giải trắng bìa rừng, muốn sấy khô những cành lá xác xơ, khô cằn đầy bụi của những lùm những bụi, những gốc cổ thụ già nua. Rồi từ cơn mưa đầu mùa trái nết một ngày cuối tháng Hai, trời mưa mãi, tối trời tối đất.

Trận mưa đầu tiên, cả trung đội mừng phát khóc, khoái chí vô cùng.

Họ mừng vì không khí sẽ mát mẻ, dễ chịu, đêm không còn phải nằm trăn trở, mồ hôi tươm ra nhớp nhúa; vì lũ ruồi nhặng đông đúc đến kinh hoàng, không biết từ đâu kéo đến sẽ không còn tác oai tác quái; vì không còn phải vất vả hàng ngày lên hồ Ampil cách đó bảy tám cây số để tắm giặt, tải nước về dùng ..

Mọi người ùa ra, reo lên khi những giọt nước ngọt ngào bắt đầu trút xuống liên miên, bắt đầu dệt thành một chuỗi vô tận trắng mờ mịt những hạt nước mưa to nặng. Mưa ! Mưa rồi ! Lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống ..

Họ lột phăng quần áo ra cầm trên tay quay tròn vun vút, mình trần như nhộng, như trẻ thơ vừa mới lọt lòng, như những thiên thần hồn nhiên vô tội. Rồi cả bọn nhảy tung tăng, đứa hát, đứa gào lên những lời vô nghĩa, đứa nằm lăn ra, ngửa mặt, xoãi tay chân, há hốc miệng, cho mưa tràn trề rơi xuống vỗ về.

Mưa đi ! Cứ mưa đi ! Mưa cho quét sạch bụi bặm trần gian, quét sạch những nỗi buồn lo, quét sạch những suy tư nhớ nhung căng đầu căng óc. Cho chúng tôi hóa thân, trộn lẫn với những giọt nước ngọt mát trong veo ..

Nhưng rồi mưa như muốn thỏa lòng nguyện ước của họ, nên cứ hào phóng rơi mãi, tuôn trút dầm dề suốt cả tuần. Mưa trắng trời trắng đất, chẳng có đồ sạch mặc vì treo phơi mãi mà quần áo chưa chịu khô cho. Cũng chẳng thể kiếm chác cải thiện gì được với những cơn mưa ào ạt. Chỉ có nước là nhiều, lúc nào cũng tràn trề mấy cái bồn làm bằng mấy tấm nylon đi mưa trùm lên hố đất. Nắng mãi cầu mưa, mưa hoài nhớ nắng. Thiên nhiên có bao giờ ban phát bình quân đều đặn, không thừa không thiếu theo ý muốn con người” .

Quân miệt mài ghi chép. Anh đang viết một bút ký để gửi cho tạp chí Văn nghệ quân đội. Không khí lành lạnh, ẩm ướt và tiếng mưa rới đều bất tận làm cho anh thấy nao nao. Trong lều tối om, cả ngoài trời cũng một màu u ám. Mọi thứ đều xám lạnh, buồn, nhưng chứa đầy sinh lực bên trong khơi dậy niềm cảm hứng.

Có lẽ kỳ này Ban biên tập sẽ không gạt bỏ bản thảo của anh. Nó đã được viết trong niềm rung động sâu xa. Nó gắn chặt, quyện vào với những cảm xúc chân thật, đầy sức sống, và toàn là những điều có thật. Đây  không phải là một câu chuyện kể bình thường. Đây chính là những nụ cời, nước mắt, những giọt mồ hôi rơi xuống ướt đẫm  chiếc áo lính bạc màu; là ánh nắng vàng rực rỡ lúc cuối ngày hắt xuống cánh rừng dầu; là những khoảnh khắc mong manh, thiêng liêng giữa cuộc sống và cái chết của đồng đội, bạn bè anh … Nghĩa là toàn bộ cuộc sống của bọn anh ở đây, trong những tháng ngày này, đã thu gọn , biến hình , chuyển hóa thành con chữ.

Tiểu đoàn đã lui về đây nằm chốt từ sau đợt tấn công Amoil để huấn luyện phối hợp quân binh chủng với tăng, pháo chuẩn bị cho trận đánh lớn kế tiếp. Những ngày tháng tương đối nhàn hạ và yên tĩnh với đơn vị của anh – một trung đoàn cơ động của Sư, một trung đoàn cứ xê dịch, hành quân di chuyển miệt mài suốt hàng trăm kilômét dọc chiều dài biên giới vùng Tây bắc, đánh nhau hết trận này tới trận kia, hết trận to sang trận nhỏ.

Cánh rừng này nằm cách hồ Ampil khoảng tám cây số đường chim bay về hướng Tây Nam. Một cánh rừng thưa, chủ yếu là cây dầu cổ thụ, đứng rải rác trên nền cát trắng hệt như cát ở vùng Củ Chi quê ngoại của Quân. Ở đây quả là nhàn thật, quá nhàn là đằng khác. Các đơn vị của Pol Pot và Sónan giờ nằm giạt đâu đó ở trên đất Thái, đã mất hồn và kiệt quệ sau đợt tấn công vừa rồi. Chúng còn đang co cụm, củng cố lực lượng chờ phục hồi sinh lực, nên cũng chẳng hơi sức đâu mà lén lút bò sang quấy nhiễu. Đây là những tháng ngày bình yên, những tháng ngày hiếm hoi quý báu cho sự nghỉ ngơi và trở lại với cuộc sống không tiếng súng, không vất vả, không có những giây phút căng thẳng khi ém quân chờ giờ nổ súng. Nhưng đôi khi, bọn anh cũng hơi buồn, nhớ những cuộc hành quân đầy phấn khích, nhớ những đợt xung phong, nhớ mùi thuốc súng tỏa ra khét lẹt một vùng trận địa.

Quân viết thật dè sẻn với những dòng chữ li ti, mỏng mảnh.

Giấy ở đây là thứ quá hiếm hoi. Mấy quyển vở học trò anh mua khi ở Cứ giờ chỉ còn lại là có dăm cặp giấy đôi. Có khi ở tòa soạn tạp chí, người đã vứt bỏ những bản thảo của anh ngay từ đầu, khi thấy chúng viết trên cả hai mặt giấy; vứt bỏ một cách bực dọc mà không buồn liếc qua xem chúng ghi chép những gì, dù anh đã cẩn thận ghu ở đầu mảnh giấy một dòng chữ to đầy khẩn thiết, van nài “ XIN VUI LÒNG THÔNG CẢM, CHÚNG TÔI KHÔNG CÓ GIẤY!”.

Quân nghĩ, ở tòa soạn báo Quân đội, dĩ nhiên đa số trong Ban biên tập phải là con nhà lính, nều không phải là tất cả. Và đã là lính, tất họ phải hiểu giấy là thứ quý hiếm đến thế nào ở chiến trường. Họ phải biết xót xa phải xé dần, xé dần những lá thư của người yêu ở xa xôi, những dấu tích duy nhất, thân thương liền khúc ruột ấy của người mình yêu mến để cuộn thuốc lá rê. Ấy là vì tình đồng đội.

Có những thằng chẳng bao giờ lưu tâm tới chuyện giấy má thư từ. Với đứa này thì vì mù chứ, với đứa kia vì bị phụ tình, đứa nọ gia đình ở quê nhà đã từ lâu không còn liên lạc gì nữa. Nhưng tụi nó cũng cần giấy, dù chỉ là để vấn thuốc mà thôi. Và những tờ giấy, dù là giấy vở trắng tinh chưa dính chút mực, hay là trang thư chứa đầy những lời thương nhớ thiết tha, là giấy báo mềm mại dễ dùng, hay là giấy đen khổ to để viết công văn, báo cáo cứng còng, dòn rụm .. đều cùng với thuốc rê, hay với lá hà thủ ô biến thành khói nhuộm đen buồng phổi của những kẻ xa nhà.

Bạn có thể nhịn thèm, chờ một dịp may nào đó, khi có một tờ báo hay một quyển tạp chí chôm được hay xin được ở Trung đoàn. Nhưng nếu bạn là người “giàu có” , là tiểu chủ nắm quyền sở hữu một vài mảnh giấy, bất kể giấy gì, bạn đâu thể nhìn bạn bè mình bứt tóc rứt râu vì thèm thuốc, nhất là khi còn thuốc mà giấy đã hết rồi. Và những điếu thuốc chẳng giống ai ấy lại rất ngon, ngon hơn bất kỳ thứ thuốc thơm nổi tiếng nào trên trái đất. Chúng ngon vì sự thiếu thốn, vì sự chia sẻ, vì tình cảm đồng đội thân thương gắn bó.

Nói đến giấy, mà không nói đến tem, là một thiếu sót vô cùng trầm trọng. Mỗi người được phát ba con tem quân đôi mỗi quý. Thật là chẳng thấm vào đâu ! May mà có những đứa chẳng khi nào dùng đến chúng như đã nói trên. Vậy là mọi con tem được phát ra cuối cùng đều được sử dụng cho sứ mệnh thiêng liêng cao quý của chúng. Hoặc là dán lên những cánh thư, hoặc là dán lên những phong bì đựng bản thảo phụng sự cho văn học.

Nói đến phong bì, lại đẻ ra thêm một chuyện. Lính làm gì có những phong bì đúng nghĩa. Phong bì, nghĩa là một mảnh giấy, có khi lem nhem chữ nghĩa, hình vẽ lăng quăng, được gấp lại, dán bằng cơm nguội một cách lôi thôi. Tuy nhiên, nói đi rồi nói lại, cũng có những khi anh em ta được một thời phủ phê, giàu có. Nào giấy, nào vở, nào thuốc điều, thuốc lào, bánh kẹo, thư từ động viên thăm hỏi của mấy cháu thiếu nhi .. Ấy là những dịp bắt đầu vào mùa chiến dịch, hoặc là những dịp lễ lớn ở quê nhà. Nhưng những dịp đáng yêu như vậy cũng ít ỏi có thấm vào đâu, và thiếu thốn vẫn hoàn thiếu thốn.

Những trang bản thảo của Quân đã lôi thôi như vậy về hình thức, nhưng cũng còn dễ chấp nhận được nếu mọi chuyện chỉ dừng ở đó. Thế nhưng không, bản thảo của anh lại còn mang đủ màu sắc. Mực viết Bic xanh dương đậm. Mực bơm vào viết máy tim tím, xanh lá mạ non nguyên là thuốc màu nhuộm vải xịn được của dân dạo còn ở Cứ. Rồi có khi là những đoạn ghi bằng bút chì. Bởi vì một truyện viết ở đây có bao giờ đi một lèo thẳng tắp. Chúng luôn bị ngắt ngang đột ngột ở một đoạn, một dòng nào đó, vì một ngàn lẻ lý do : địch tập kích, hành quân chiến đấu, đi công tác, bị lên cơn sốt … Và những dòng chữ này còn có khi nhem nhuốc, nhạt nhòa vì thấm nước mưa, đến không tài nào đọc được. Mỗi khi phải bỏ một trang bản thảo bị sự cố như vậy lòng Quân đau như muối xát.

Trăm nỗi đoạn trường, trăm điều cay đắng như vậy đối với từng bản thảo gửi đi – bản thảo duy nhất, không có bản nháp mà cũng không có bản lưu – thế nhưng những truyện của anh vẫn không được ghé mắt đến, hoặc cũng có khi chúng được chiếu cố đăng rồi, nhưng Quân không thể biết.

Ở đây, có khi hàng mấy tháng trời chẳng có gì để đọc. Và những tờ báo, tạp chí rách tươm, nhàu nát kiếm được ở Trung đoàn mang về, thì cũng đá quá lỗi thời, số này số nọ được chăng hay chớ mà chẳng có thứ tự gì. Có khi lúc đó là tháng Mười, tụi Quân kiếm được số của tháng Một, tháng Hai tận hồi năm ngoái. Biết đâu chúng đã được đăng trong những cuốn mình chưa đọc – Quân tự an ủi, và vẫn tiếp tục bỏ một phần giấy hiếm hoi của mình để viết, không vì điều gì khác ngoài một sự thật đơn giản : viết đối với anh là một niềm thôi thúc.

Quân đặt dấu chấm cuối cùng kết thúc câu chuyện, rồi vươn vai thở phào vô cùng khoan khoái. Nó đã được khởi đầu từ dạo đơn vị còn nằm ở Cứ chưa hành quân cơ động, nhưng viết giữa chừng thì biết bao công việc bận rộn để chuẩn bị cho một mùa chiến dịch buộc anh phải tạm bỏ quên nó đi.

Ôi, cái sự viết lách, “văn nghệ - văn gừng” này thật là kỳ lạ ! Nó hành hạ người ta, làm người ta quên ăn quên ngủ, làm người ta đầu óc nóng bừng như muốn nổi điên lên với bao nhiêu câu hỏi : Phải tiếp tục câu chuyện dở dang như thế nào đây ? Phải dùng từ nào để diễn tả những khoảng khắc này với bao ý nghĩa ? Cây bút này có chịu vâng lời, tuân phục tôi không ? Có run rẩy theo nhịp tim tôi run rẩy, có tuôn trào trên mặt giấy như máu tôi đang cuộn chảy rạo rực trong người ? Hay là nó cương quyết bướng bỉnh kháng cự lại đuều tôi muốn nói ? Viết ! Thật là nhẹ nhàng, mà cũng thậy là vất vả. Nhưng nó cũng thật diệu kỳ, làm tâm  hồn sung sướng, lâng lâng phơi phới biết bao. Hạnh phúc khi viết rất là giản dị, nhưng lớn lao không có gì so sánh được, khi có một đoạn, một câu ưng ý, nói lên đúng những cảm xúc, ý tưởng sâu xa.

Quân quay qua Ụ Mối. Nó đang cặm cụi với những nan tre tròn trĩnh, nhỏ xíu để đan một chiếc lồng cho con sáo cưng của mình. Quả là Ụ Mối rất cưng con sáo. Rừng tre gai cách đây đâu phải gần gì, mười mấy cây số đường rừng. Thật ra, con Chip không ưa gì những chiếc lồng. Nhưng khi hành quân di chuyển, Ụ Mối buộc phải nhốt nó vào lồng. Nếu không, khi dừng lại nghỉ giải lao, con quỷ hiếu kỳ ham chơi này có thể mải mê săn đuổi, tán tỉnh một nàng sáo xinh xinh nào đó, và không kịp trở về khi đơn vị tiếp tục hành quân. Chiếc lồng cũ đã bị bẹp rúm lại khi Ụ Mối lăn mấy vòng để tránh một làn đạn xối xả của địch khi đánh vào cửa mở ở Ampil hồi đầu năm. Ụ Mối tiếc muốn đứt ruột , nó cứ lầm bầm nguyền rủa bọn địch ác ôn đã làm hư chiếc lồng quý báu, sườn lồng không phải làm bằng thứ tre tầm thường mà là những thanh gỗ gõ đỏ đã được nó trau chuốt công phu, cạo vuốt bóng loáng. Dù sao, Ụ Mối ắt cũng mừng thầm là con Chip vẫn bình an vô sự.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro