8

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hồi chuẩn bị đi, Quân đã ngăn không cho Ụ Mối mang theo con Chíp. Nhưng nó cũng lén lút bằng cách nào đó xách theo vì không muốn xa con chim cưng lâu như vậy.

Quân hỏi :

-   Già Hương và thằng Thuận đi đâu mất rồi Ụ Mối ?

Ụ Mối không ngẩng đầu lên, làu bàu nói :

-   Hai bọn hắn đi kiếm gì về làm thức ăn rồi. Em đòi đi, ông già không cho, còn bảo em “xúi quẩy” lắm, đi theo chỉ tổ trù ẻo cho xui thêm. Anh thấy có bực không ! Hừ, hồi còn ở Tà Cuông, ai đi chém cá, săn dông về cho trung đội ? Ai là tay săn thiện nghệ nhất của tiểu đoàn ngoài Ụ Mối này ?

Quân an ủi Ụ Mối :

-   Thôi mày đừng buồn. Ở đây đâu có cá hay có thú cho mày săn bắt. Mà ông già dị đoan cũng phải, ổng là dân xứ đạo An Giang mà. Tại mấy lần trước, có mày đi cùng, rạc cả giò nhưng có kiếm được cái quái gì đâu. Thật ra ở đây chỉ có nước kiếm chút lá rừng chua về nấu canh, đâu cần gì đi đông. Ông già muốn để mày rảnh rỗi làm cái lồng đó thôi, chứ không phải chê gì mày đâu, Ụ Mối à.
-   Phải chi trời nắng, em xách xẻng ra một loáng là có khối dông về nướng.

Ụ Mối là biệt danh trung đội dành cho nó, chứ họ tên đầy đủ của nó cũng văn hoa lắm : Phan Quang Dũng. Lý do của cái biệt danh này là vì tự nhiên đã bố trí gương mặt quá tuổi dậy thì của Dũng một cách vô cùng quân sự, mang tính phòng ngự cao độ - nghĩa là lỗ chỗ, lồi lõm những mụn nhỏ, mụt to và sẹo mụn, hệt như một cái ụ mối thứ thượng hảo hạng. Mà ở chiến trường này, có gì quý báu cho bằng một cái ụ mối hiện ra đâu đó khi đang đánh nhau long trời lở đất. Ụ mối là một công sự thiên nhiên vững chắc, an toàn hơn hết. Vậy nên cái biêt danh này không phải là một sự coi thường mà trái lại, là một niềm vinh hạnh cho người mang nó. Ụ Mối cũng thừa hiểu điều này, nên nó tỏ ra khoái trá vô cùng.

Quê Ụ Mối là một huyện miền núi tỉnh Nghệ Tĩnh, nên nó đánh bắt thú rừng rất giỏi. Những đêm nằm nhớ nhà, Ụ Mối cứ kể cho tụi Quân nghe về những chuyến đi săn tuyệt thú của nó. Cái giọng trọ trẹ , khó nghe của Ụ Mối hồi mới về đơn vị chả có ai nghe ra nổi, nhưng sau rồi cũng quen dần. Ở đây, tụi Quân gọi mấy đứa quê ở Nghệ An, Hà Tĩnh là con nhà “Bọ”. Bọ nghĩa là bố. Dân Nghệ Tĩnh có lắm thổ ngữ, nên cũng tạo ra nhiều giai thoại vui đáo để. Ví dụ như dưới đây là một trong số đó :

Trung đội vừa nhận được mấy thằng Bọ tân binh . Về tới nhà, A trưởng nói :

-   Thôi, tụi bây theo thằng An ra giếng tắm rửa đi rồi về ăn cơm.

Tắm táp xong, mấy chàng lính mới quay về. Bữa cơm đã được dọn lên, tinh tươm hơn ngày thường chút đỉnh để chào mừng đồng đội mới. Mấy tay cũ ngồi quây quần lại bên mâm, bỗng ngạc nhiên khi thấy tụi tân binh vẫn đứng lóng nga lóng ngóng.

-   Nè, ngồi xuống ăn cơm đi chứ, tụi bây còn mắc cỡ gì nữa vậy ? – A trưởng nói.

Mấy đứa khép nép ngồi, còn một thằng vẫn đứng lơ láo.

-   Ngồi xuống ăn đi chứ mậy, chờ gì nữa ?
-   Dạ dạ .. em không có đọi!
-   Không đói thì cũng ăn thêm một hai chén cho vui.
-   Ơ, em không có đọi … !
-   Thôi không đói thì thôi. Lính àm, thấy ăn là cứ nhào vô, không chờ mời mọc nhiều lời, chừng nào đói thì mấy qua nhà bếp mà ăn nghe.

Tên lính mới nhìn mấy đứa đồng hương, rồi nhìn mấy cái miệng đang nhai nuốt ngồm ngào mà nuốt nước bọt, vừa đói vừa tức mình vừa sợ sệt không dám nói gì.

“ Đọi “ thổ ngữ Nghệ Tĩnh có nghĩa là chén. Nó đã làm rớt cái chén B52 đâu đó trên đường. Thế nhưng do cái giọng địa phương, dấu sức thành dấu nặng, mà cánh lính miền Nam cứ nghĩ là nó nói không có đói ! Đến khi, một thằng đồng hương ních hết chén cơm cuối cùng, đưa cho thằng này. Nó chạy ra bồn nước trước nhà ngoáy mấy cái rồi nhào vào, bới cơm, ăn hùng hục như đói từ ba đời ba kiếp nào trước những cặp mắt ngạc nhiên. A trưởng hỏi :

-   Ủa, sao mày nói không đói mà bây giờ ăn thấy kinh vậy ?

Một thằng ngập ngừng giải thích, nó chỉ cái chén nói :

-   Nó không có đọi, tức là không có cái này.

Cả A ôm bụng cười nghiêng ngả. A trưởng vừa cười sùng sục, vừa cố thốt :

-   Điệu này, tao phải lập một bản tự điển giải thích mấy từ độc đáo của tụi bây rồi.

Dĩ nhiên đây chỉ là giai thoại. Có lẽ nó ra đời từ những ngày chống Mỹ. hay trước đó nữa cũng nên. Nhưng những giai thoại như vậy vẫn hay được nhắc đến để trêu ghẹo những chàng lính “quê choa”.

Quân nhớ tới mấy giai thoại đó và bỗng bật cười hăng hắc. Ụ Mối ngạc nhiên nhìn anh :

-   Anh làm gì mà khi không cười một mình vậy ?
-   Không có gì, tao nhớ mấy chuyện cũ.

Ụ Mối cúi xuống, tiếp tục vót nan. Anh ngâm nga ư ử trong đó có mấy câu dân ca xứ Nghệ “ Đã thương thì thương cho trót. Đã trục trặc thì trục trặc cho luôn. Chứ đừng như con thỏ ở đầu truồng. Khi vui nó giỡn bóng khi buồn nó đùa trăng”.

Quân bước tới góc lều, nơi ba lô của anh treo trên một cây cột chừa một nhánh chạc hai – một kiểu móc quần áo ba lô đặc trưng “mô – đen  - dã – chiến” của cánh lính nhà ta. Anh lấy ba lô xuống, moi cái bọc nylon đựng sổ sách giấy tờ ra, nhét cẩn thận mấy trang bản  thảo vào, rồi gói ghém lại, treo lên. Anh chép miệng :

-   Thèm thuốc quá, giờ mà được rít mấy hơi thì còn hơn lên thượng giới uống rượu quỳnh tương của Ngọc Hoàng thượng đế !

Lều có tổng cộng bốn chạc hai treo ba lô, nghĩa là có bốn người : Quân, Ụ Mối, Già Hương và Thuận kều. Ở trung đội, Già Hương, trung đội phó hậu cần, là người lớn tuổi nhất – hai mươi chín. Kế đó là Quân – hai mươi bảy. Còn lại thí sồn sồn một lứa từ đứa nhỏ nhất là mười chín, đến đứa lớn nhấy khoảng hăm môt, hăm hai. Trung đội có bốn lều, tức là có quân số mười sáu tay súng bộ binh. Quân số thực là hai mươi lăm, nhưng vắng hết bảy người : Ba tay đang lên cơn sốt nặng hồi sắp hành quân cơ động, ở lại giữ Cứ, thứ tư là Trung – A trưởng đã hy sinh trong đợt đánh Ampil vừa qua, thêm hai tay bị thương nặng đang nằm viện ở Chúp, và cuối cùng là Phương, B trưởng, đã đào ngũ sau trận đánh chiếm Ampil.

Tạm thời thì Quân nắm quyền chỉ huy trung đội 12 ly 7. Thật ra, anh đã là B phó quyền B trưởng từ năm 1982, nhưng đầu 1983, Phương học quân chính ở Sư về, thay thế anh chỉ huy B. Một con người cơ hội, đầy thủ đoạn, ham hố trèo thật nhanh thật cao trong nấc thang cấp chức, nhưng không bằng năng lực mà bằng mọi mánh khóe.

Nói cho công bằng, Phương cũng là người có tài năng trong việc vạch ra các kế hoạch, phương án huấn luyện hay tác chiến, hay trong phân công công tác. Nhưng Phương là dạng người mồm mép đỡ tay chân, y lại chưa từng qua chiến đấu bao nhiêu, vừa sang K đánh một hai trận lẻ tẻ đã xin đi học sỹ quan sơ cấp, rồi khi ra trường về đơn vị chưa bao lâu lại gặp ngay đợt chiến dịch lớn nhất, căng nhất trong suốt bốn năm qua. Y bỏ trốn, có khi là điều hay. Một chỉ huy hèn nhát có thể làm anh em đổ máu, hy sinh một cách vô ích và phi lý.

Quân từng có kinh nghiệm xương máu về vấn đề này. Đó là một trận đánh vào cuối mùa khô năm 1981 ở phía Đông huyện S'vai Chek. Lúc đó, anh còn là xạ thủ B40 của đại đội 12.

Khi ấy, đại đội đang trên đường về Cứ sau một đợt truy quét mười ngày. Gạo hết, nước hết, nhưng đơn vị chỉ còn cách Cứ khoảng năm cây số, nghĩa là chưa tới một giờ hành quân. Mùa nắng ở Campuchia, cái cần yếu nhất chính là nước uống, vì có khi đơn vị đi hàng chục cây số băng quan những cánh trảng mênh mông của Bát-đom-boong. Trên đầu là mặt trời đỏ rực bừng bừng, dưới chân là lớp đất ruộng khô nẻ săn cứng lại như bê tông, lỏi chỏi những gốc rạ đốt cháy nham nhở còn sót lại. Những con suối, con mương dẫn nước đều chỉ chảy có một mùa – mùa mưa, còn mùa nắng, chúng chỉ là những đường rãnh thấp ngoằn ngoèo, trơ trọi lớp bùn khô. Và trên suốt hàng mấy chục cây số hành quân đó, thỉnh thoảng mới có một cây độc mộc đứng lẻ loi, hoặc một lùm cây lè tè khô héo, không đủ che mát một mái đầu. Hành quân mang vác nặng, mồ hôi ra nhiều nên cũng cần nước để bù đắp lại cho cơ thể. Những tay lính cũ cẩn trọng lúc nào hành quân chiến đấu cũng thủ sẵn một bình toong chí cốt trong ba lô, chỉ khi chết sống mới dùng đến.

Nhưng lần ấy, đại đội đã về gần đến Cứ, và ở chặng giải lao cuối cùng trước đó, mọi người, dù là người lo xa nhất, cũng đều dốc hết nước vào bụng cho đã thèm. Người không uống mấy thì cũng nhường chỗ nước còn lại của mình cho mấy đứa trẻ hơn, đã hết nước từ đời nảo đời nao. Khi sắp đến một con suối một mùa lớn giữa trảng, chợt đại đội bị phục  kích bất ngờ. Khoảng hơn tám mươi tay súng địch đã phục sẵn dưới lòng suối, ở một khúc vòng cung hiểm trở. Đại đội nhanh chóng tản ra phản kích. Nhưng ai cũng vừa mệt, vừa đói, lại khổ nhất là khát khô cả cổ, mà cuộc đọ súng cứ giằng co. Địch đã chuẩn bị tinh thần, vật chất đây đủ để kềm chân hòng tiêu diệt đơn vị của ta theo chiến thuật dĩ dật đãi lao. Và chúng quyết không để cho tụi anh thoát khỏi gọng kềm. C trưởng khi ấy là Vụ, người Thanh Hóa, rất vui tính nhưng cũng đánh nhau rất cừ. Anh vẫn thản nhiên, bình tĩnh xếp đặt kế hoạch rút lui, sau đó anh cho liên lạc bò lên từng bộ phận triển khai kế hoạch. Đại đội sẽ cầm cự đến chiều, chờ khi mặt trời sụp xuống. Khi ấy lợi dụng bóng đêm sẽ từ từ rút. Hỏa lực gồm khẩu cối sáu và khẩu đại liên sẽ rút ra trước đến vị trí an toàn rồi phát hỏa kềm chế cho số còn lại rút ra. Trung đội 4 rút sau cùng theo đội hình tổ tam tam. Kế hoạch lẽ ra đã tiến hành hoàn hảo, nếu không vì sự hèn nhát của Dung B trưởng B5. Thay vì chờ phối hợp rút một cách bình tĩnh, thong thả, an toàn, anh quá sợ sẽ bị cầm chân, và chết khát nếu không thoát được, nên khi liên lạc vừa mới kịp phổ biến kế hoạch cho các A trực thuộc và B4, Dung đã ra lệnh cho B5  liều mạng tháo chạy về hướng Tây, hướng có Cứ của tiểu đoàn hai, không chờ lệnh của C trưởng Vụ. Số lính B5 mở đường máu thoát ra khỏi tầm hỏa lực địch hôm đó chỉ còn vỏn vẹn hơn một phần ba. Hai phần ba chết hoặc bị thương nặng, mất máu quá nhiều, nên sau đó cũng chết khi có chi viện của D2 tới.

Lần bị vây hãm ấy đã ăn sâu và ký ức Quân như một vết hằn, vì trong số lính hy sinh có Khoa, có Đạt, là những bạn vô cùng thân thiết của anh …

Từ ngoài căn lều, cách khoảng hơn trăm mét, chợt nghe thấy tiếng kêu réo ới ới của Thuận kều :

-   Anh Quân ơi, Ụ Mối ơi, qua nhà bếp mau đi .. Có đồ nhậu rồi.

Ụ Mối ló đầu ra, nghiêng ngó, rồi thụt vô bảo Quân :

-   Em thấy thằng Thuận xách con gì như con vịt ấy, anh Quân ạ !
-   Vậy hả, chắc hai tay này ra hồ bắn được vịt trời rồi.

Ụ Mối lẩm bẩm :

-   Cái hồ chết tiệt này đúng là vô duyên vô dụng, em nỏ bao giờ thấy có chim cò gì, cá thì nhỏ chút bằng ngón tay út, đầy xương, mà cũng nỏ được bao nhiêu.

Quân cười xòa :

-   Thôi, tại mày chưa gặp dịp đó. Chứ Già Hương hay thằng Thuận làm gì bá phát bá trúng như mày. Mày biết tại sao hồ không có cá, mà cũng không có chim chóc gì không ?Tụi trung đoàn Tám ở đây cứ đánh trái hà rầm, cá to nào còn với tụi nó. Với lại vừa rồi mình đánh chiếm Ampil, đạn pháo ầm ầm, chim cò mất hồn vía trốn sạch hết rồi. Con vịt trời này chắc là loại thương phế binh hạng nặng nên mới còn lề mề ở lại đây chờ vô nồi đó Ụ Mối ơi.

Quân và Ụ Mối bước vào nhà bếp. Mọi người đã quây quần ngồi bên những bát nước nóng bốc khói. Bình và Phái điển đang loay hoay nhổ lông con vịt. Thuận kều quay sang Quân, nói với vẻ quan trọng :

-   Anh Quân, lúc nãy về ngang qua Tiểu đoàn bộ, em gặp thằng Kiên liên lạc. Nó báo cho em một chuyện. Anh biết gì không ? Thuận ngưng lại, ỡm ờ.
-   Thì mày cứ nói đi ! Mày lúc nào cũng làm ra vẻ quan trọng những chuyện nhỏ như cái móng tay – Tiến cóc bực mình quát Thuận
-   B mình sắp có thêm một tay súng , tay này nghe nói học hạ sĩ quan ở bên nước mới qua. Chắc hắn về đây thay cho anh Trung đó.
-   Vậy à ! – Quân bình thản nói. Anh là người trầm tính, kín đáo, vui buồn ít khi lộ ra mặt. Thực ra, cái tin này cũng làm anh rất nôn nao như hầu hết mọi người khác. Ở chiến trường, có thêm được một người là rất quí, vì quân số luôn luôn bị hao hụt, mất mát do bị thương, bị bệnh. Có thêm một người là bớt đi một phần gánh nặng trong công tác, chiến đấu , và thêm một niềm vui. Chỉ mong sao nó không phải là một thằng Phương thứ hai – Quân thầm mong ước, anh nhìn con vịt, hỏi Già Hương :
-   Anh hay Thuận bắn được vậy ? Con naỳ coi bộ cũng có tám chục tuổi rồi ! Tha hồ mà nhai đó nghe !
-   Tao bắn. Kể cũng buồn cười. Đi mãi mà chẳng thấy thứ gì ăn được, tao nản quá chừng, đã tính quay về. Thằng Thuận cứ nằn nì bảo tao lên hồ họa may kiếm chác được gì. Thế rồi, lên đó, thấy con vịt này đang lặc lừ trên bờ hồ. Nó bị thương ở cánh, bay không nổi. Chắc là bị ai bắn hay trúng mảnh pháo lúc đánh nhau.
-   Em bảo Già Hương ráng bắt sống nó để về lấy tiết đánh tiết canh mà ổng không nghe. Ổng sợ bị sẩy mất uổng nên tỉa luôn. Chà ! Nhắc tới tiết canh mà phát thèm. Phải chi có gừng, cháo vịt chan nước mắm gừng, trời mưa này ăn đúng là nhức nhối.

Mọi người im lặng. Mưa lại bắt đầu rơi tí tách bên ngoài . Câu ước ao của Thuận chợt gợi lên một nỗi nhớ không tên về quê hương. Nỗi nhớ thơm mùi cốm đẹp mùa lúa mới, thơm mùi thịt chuột đồng khìa xả ớt mùa nước nổi, thơm mùi khói rạ đốt đồng những buổi chiều vàng ..

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro