Hai thế giới

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ở cuối dãy phố đó, có một bãi rác to. Rác chất la liệt cạnh cánh cửa sắt đã hoen màu rỉ sét. Thi thoảng, sẽ nghe thấy có người hét lên thất thanh, sau đó chỉ tay vào mấy ô trống trên cánh cửa mà mắng chửi thậm tệ. Mỗi lần như thế, không nghe được nửa câu phản bác, chỉ nhìn qua ô cửa thấy từng cặp mắt chớp nhanh liên tục, mắt to mắt bé không đều nhau.

Tôi nhìn mấy thằng nhỏ đang láo nháo ngay bên cạnh, nói khẽ:"Trở về thôi."

"Bác ấy bị sao thế hở anh?"

Bị lũ chúng mày dọa sợ đến ngã ngồi ra đất, chứ còn sao với trăng gì nữa.

Trên cửa có mấy ô trống nhỏ, bọn trẻ ngày nào cũng từ đây nhòm ra ngoài, người ta chập tối không để ý, trong phút chốc lại tưởng có ma, giật mình cũng là phải. Dù sao, chỉ một lúc nữa rác sẽ đầy trước cửa, ngoài đống ruồi lởn vởn trên mấy túi ni lông, cái gì cũng không nhìn được.

Tôi thở dài, phủi phủi quần áo trên người, dắt đứa bé bên cạnh đứng dậy. Chúng tôi lần mò đi dọc xuống phía dưới, bám vào tường mà bước từng bước một. Dưới đây không có đèn, diêm nến đắt đỏ, đừng nói đến bọn trẻ con chúng tôi, ngay cả ba mẹ cũng không dám dùng nhiều. Đi nhiều thành quen, có ngã vài ba lần cũng không phải chuyện gì lớn.

Đi hết cầu thang, rồi ai về nhà nấy, chỉ có mình tôi theo thói quen đứng tại chỗ một lúc. Chẳng mấy chốc, nghe thấy tiếng quát tháo ầm ĩ từ đằng xa vọng lại. Tôi nghĩ thầm trong bụng, quả này thằng Khỉ lại bị chửi, vì đi với bọn tôi mà bị chửi. Chủ yếu, là do mẹ thằng khỉ không thích thằng An mấy, sợ thằng khỉ bị lây bệnh ngốc của thằng An. Nghe kể, ngày xưa bác Ba là thợ mộc giỏi, kiếm cũng được khá. Sau rồi bị bệnh mất đi, cô Ba đem hết tiền lo ma chay, chỉ còn vài đồng bạc lẻ dẫn thằng An xuống dưới này chiếm chỗ.

Mẹ tôi bảo, ngày xưa mẹ thằng khỉ với cô Ba cũng thân nhau ra trò. Lúc cô Ba mang thai, mẹ còn bảo hay đặt tên là An, hai anh em bình an mà sống, giúp nhau cho đỡ khổ. Cô Ba cũng ưng, nên mới có thằng An bây giờ.

Chẳng hiểu sao lại ra cơ sự này.

Tôi tặc lưỡi, mò mẫm trở về nhà mình. Ở dưới này cũng không hơn chỗ cầu thang là bao, tối mò tối mịt. May có ánh lửa bếp lúc người ta nấu cơm, còn có mấy con chuột đuổi theo mùi thức ăn, chúng nó dẫn chúng tôi về nhà.

Đi qua nhà bác Lâm, bác đang ở phía ngoài nhóm bếp. Thấy tôi đi qua, bác gọi một tiếng, ném tới một vật gì nho nhỏ. Tôi vội khom tay đón lấy, thấy nửa chiếc bánh bao vừa được nướng xém bên ngoài, vẫn còn đang thoang thoảng mùi tro.

Đồ ăn đã hỏng, nướng bên ngoài có thể đốt bớt nấm mốc, ít nhất sẽ không làm đau bụng.

"Con xin bác."

Bác Lâm phẩy phẩy tay, ý bảo tôi về đi.

Bác là người già nhất khu này, không có vợ con, mỗi ngày sẽ nấu rượu mang lên phố bán. Từ hồi biết nhận thức, tôi chưa thấy bác cười bao giờ, thế nhưng lần nào gặp bác cũng ném cho bọn tôi vài thứ. Khi thì cái bánh bao mốc, khi thì gói kẹo dở, nhiều khi ăn may, còn được hẳn một gói mỳ tôm. Nhiều khi tôi thấy lạ, chẳng hiểu đám trẻ con trên kia làm sao, đồ ăn chưa hết đã tùy tiện ném bỏ.

Mà, tôi nên cảm thấy đó là một điều may mắn với phải.

Tôi sinh ra ở khu ổ chuột, nói dễ hiểu, chuột và người sống chung một chỗ. Một đống hỗn động gói trong nơi chật hẹp, những thứ bừa bộn chất đầy trong đáy mắt, theo chúng tôi từ nhỏ đến lớn. Dọc khu này có mười mấy gia đình, có vài kẻ không sống ở đây, thi thoảng ghé đến rồi bỏ đi. Không biết là kiếm được công việc, hay là chết ở bên ngoài. Mẹ tôi bảo, kể cả có chết, những người đó cũng không muốn chết ở đây. Sống cả đời lang thang cơ cực, tất nhiên sẽ muốn được an nghỉ ở một nơi phong cảnh tươi đẹp, cây cối xung quanh. Dù là bất kỳ nơi nào, cũng không phải là nơi này, một cái hố đen không đáy, để rồi kiếp sau vẫn phải từ dưới đáy hố trèo lên.

Tôi cầm nửa cái bánh trong tay, bước nhanh về nhà, y như rằng thấy mẹ đang ngồi ngay trước cửa. Mẹ vỗ vào đùi cho khỏi muỗi, vừa thấy tôi đã bảo:"Về rồi đấy à?"

Tôi "Vâng" một tiếng, bẻ nửa cái bánh làm đôi, dúi một nửa vào tay mẹ. Trước đây bác Lâm cho thứ gì, tôi có đưa mẹ, mẹ cũng nhét trở lại tay tôi. Tính tôi lỳ, nhất quyết không chịu ăn một mình. Cuối cùng mẹ cũng thỏa hiệp, hai mẹ con mỗi người một nửa.

Tôi biết mẹ đói. So với tôi còn đói hơn nhiều.

"Nay giao được nhiều không mẹ?"

"Cũng tạm". Mẹ tôi chỉ tay vào bên trong:"Có ít lương khô người ta cho, ăn đi."

Người ta cho, có thể là người ta cho thật, cũng có thể là nhặt ở đâu đó đem về, gọt bỏ hết mấy phần dính bẩn. Tôi bị lừa từ nhỏ đến lớn, chỉ vì ba mẹ muốn chúng tôi trưởng thành với những hồi ức đẹp nhất có thể, với sự vui vẻ, no đủ, lạc quan. Nhiều người nghĩ, chúng tôi ở nơi này không có việc làm, sống dựa vào nhặt nhạnh và ăn xin. Thật ra cũng có, những người đó lang thang khắp nơi, không phải lúc nào cũng ở đây. Ngoài những người nghèo sẵn từ xưa, còn cả những kẻ sa cơ lỡ vận.

Gia đình tôi và gia đình cô Ba, bác Lâm, mẹ thằng Khỉ, ai cũng đều có việc. Còn sức lao động mà chờ đợi chết mòn trong sự bố thí của người khác, một là kiểu người đối với cuộc sống không còn chút hi vọng, hai là kiểu người muốn hưởng thụ tới chết. Có nghèo hơn nữa, cũng không muốn động tay động chân. Đương nhiên, người cách chúng tôi qua lớp cửa kia thường khinh chúng tôi nghèo, chân tay bẩn thỉu, không thích hợp làm công việc trên đó. Ngay cả phục vụ trong mấy nhà hàng, quán nước cũng cần tới thanh niên sáng sủa, chỉ còn mấy công việc như thu rác, thu gom giấy vụn, bưng vác vật liệu mới có người thu nhận. Như mẹ tôi đây, chân tay không tốt. Bởi vì quanh năm chịu đói, người cũng gầy guộc, da tái xanh. May mắn thay lại khéo léo cực kỳ, nhiều khi đi xin vẫn có người thuê lại, chủ yếu là vót đan với bện mấy giỏ hoa, tiền công với người khác chẳng đáng nhà bao, nhưng so với khu chuột hôi, đã coi như thoải mái hơn nhiều.

Ai bảo chúng tôi, quanh năm chẳng thay được mấy bộ quần áo. Lao động rẻ, lại không tốn công làm thủ tục gì đó.

Tôi vẫn nhớ hồi còn nhỏ xíu, thằng Khỉ vừa thấy chuột đã sợ tới khóc thét. Khi ấy, bác Kiểm mẹ nó không có tiền, bác trai đang bệnh, đồ ăn đều là mẹ tôi và cô Ba góp nhặt đem sang cho một ít. Nhiều khi chúng tôi cũng chẳng có, nhịn đói hai ba ngày, bác Kiểm bắt được mấy con chuột nướng lên, chà xát ít muối cho đỡ mùi, rồi xé từng thớ thịt cho thằng Khỉ ăn. Nó thì hỏi mẹ đi xin ở đâu, còn mẹ nó trốn sau nhà vừa vá áo vừa khóc. Hôm sau nó chạy sang, khoe với thằng An vừa được ăn thịt gà. Cô Ba rơm rớm nước mắt ôm thằng An ngố trong lòng. Nó đầu óc không tốt, nghe cái gì cũng chỉ biết cười toe.

Nhắc mới nhớ, tính tình bác Kiểm thay đổi, hình như là sau khi bác trai vì bệnh mà mất. Cả thằng Khỉ cũng thế. Thằng Khỉ hồi nhỏ mà tôi biết, cũng nghịch ngợm, lỳ lợm như tôi, nhưng không láo lếu đến mức suốt ngày đi bày trò gây họa. Mẹ nó mắng cô Ba, nó cầm đá đi chọi con cô Ba. Tôi cho nó ăn đòn vài lần, rồi cũng chẳng ngoan được mấy bữa. Trải qua vài năm, tính tình cô Ba cũng trở nên lầm lỳ. Nếu không có tôi đi cùng, cô sẽ nhốt thằng An trong nhà, tránh cho nó bị đá to chọi chết. Nhớ khi ấy tôi còn hỏi mẹ:"Con chỉ thấy bác Kiểm ngày ngày chửi cô Ba, chứ chưa thấy cô Ba chửi lại bác bao giờ."

Mẹ tôi chẹp miệng. Cô Ba nhìn vậy thôi, bên trong hiền như cục đất. Nghe mắng chửi cũng không mất mát gì, để bác ấy chửi cho thật đã, ít nhất sẽ không tích tụ buồn bực trong lòng, để tâm mà kiếm tiền, kiếm ăn, còn nuôi dạy thằng Khỉ khôn lớn. Cuộc đời đã khắc nghiệt lắm rồi, không giúp nhau mà sống, lại còn bắt chẹt nhau làm gì.

Tôi nghe được cái hiểu cái không, chỉ biết nghe mẹ cố gắng ở bên An, nhất là lúc cô Ba lên phố.

Vậy là, suốt những năm tháng đó, tôi kè kè bên cạnh thằng An, tay cầm tập giấy. Mẹ tôi là người duy nhất biết chữ ở đây, mỗi buổi đều dùng cát dạy bọn trẻ trong khu, dạy từ số, đến đánh vần, viết chữ. Ở nơi này tối lắm, chỉ có lúc sớm đông hay nắng gắt ngày hè, may ra mượn được chút ánh sáng từ bên trên đổi xuống, rọi vào từng mặt chữ con số. Cả người lớn cũng tụ trước nhà tôi, Bác Kiểm có lần quạu:''Học mấy cái này làm gì, ai thèm thuê lũ ổ chuột đọc sách!"

Mẹ tôi sắng giọng bảo, người lớn còn phải học cách đối nhân xử thế, nói gì tới trẻ con học chữ. Học được thì học, học để biết cuộc đời này không phải lúc nào cũng chỉ một màu đen.

Bà khi giận nhìn cũng dữ ra trò, chẳng nghe thấy bác Kiểm nói gì nữa. Thằng Khỉ láo với ai thì láo, gặp bà là bố bảo dám ho he câu gì.

Ngày mà tôi nhớ nhất, là ngày bác Kiểm trộm dắt chúng tôi lên phố. Chúng tôi, những đứa trẻ từng lén lút nhìn ngắm thế giới bên kia qua khe cửa, nhìn cách từng người đi qua với thức ăn trên tay, với vẻ vội vã hay bình thản. Với trí tò mò của con nít, thứ duy nhất chúng tôi nghĩ tới là con đường thênh thang, không có chăn chiếu ẩm mốc và lũ chuột cống hôi rình. Đó là lần đầu tiên tôi háo hức tới mức bỏ ngoài tai lời căn dặn của mẹ, nhanh nhảu bước chân qua cánh cửa, mang mình sang một thế giới khác. Mẹ tôi đi làm, cô Ba cũng đi làm, vậy là có tôi, thằng Khỉ, thằng An được bà dẫn lên trên. Bác Kiểm hay quát tháo dữ dằn, vừa ra khỏi cửa đã khom lưng, nom thật chẳng giống bác chút nào.

Người đàn bà đứng tuổi dẫn theo mấy đứa nhỏ, đứa nào đứa nấy quần áo rách rưới, mặt mũi bẩn thỉu. Xung quanh nhìn bà với ánh mắt kỳ quặc, nửa chế giễu nửa thương hại. Bà bước đi càng nhanh, đầu cúi gằm, vừa đi vừa lẩm bẩm. Thường thì, trước ánh mắt dò xét khiến bản thân khó chịu, người ta chỉ muốn chọc mù mắt những kẻ đang nhìn, chứ chẳng ai muốn chọc mù mắt bản thân để không cảm nhận được ánh mắt dò xét của người khác nữa.

Nhìn cái gì mà nhìn.

Bà chẳng thể hét lên thế được.

Người lạ ở xung quanh chúng tôi. Chúng tôi càng đến gần người lạ, người lạ càng xa. Tôi cười được một lúc, tự dưng chẳng cười nổi nữa. Bác Kiểm càng cáu hơn, kéo thằng Khỉ vào sát rịt bên người, luôn miệng giục chúng tôi đi nhanh. Nhanh, phải nhanh hơn nữa.

Chúng tôi đang chạy trốn cái gì?

Trước đây tôi có xin mẹ vài lần, rằng con chỉ lên xem cho biết. Con chỉ nhìn một tý thôi mẹ ạ, rồi con về. Mẹ bảo, giờ này còn sớm quá, chịu khó đợi mày lớn lên thêm xíu nữa, rồi mẹ tự tay dắt mày lên. Kết quả là, tôi đợi một năm, hai năm, đợi cái ngày đó đến tận bây giờ.

Ngày đó ngây ngô, không hiểu được nguyên do. Tôi nghịch thì nghịch, nhưng chẳng mấy khi vòi vĩnh mẹ. Mẹ bảo tôi thôi, ừ thì cũng thôi, nhưng mong ước ấy trong lòng tôi được nuôi lớn từng ngày. Tôi không hiểu, ở thế giới kia, nơi tươi đẹp và được ánh đèn vàng nhuộm sáng, còn có thứ gì đáng sợ hơn sự nghèo đói mà chúng tôi phải chịu đựng hàng ngày.

Giờ thì tôi đã lờ mờ hiểu được.

Bác Kiểm chưa từng nói mục đích dẫn chúng tôi lên đây. Mà khi ấy, tôi thực lòng cũng không để tâm nhiều, chỉ nghĩ tới việc nhìn cho thỏa, đi cho thỏa, trong lòng đã âm ỉ vui sướng. Tôi nhớ tới những nét vẽ trong tưởng tượng, từ mái tóc rối màu nâu đến âm nhạc tung tăng khắp phố, rồi lặng người khi những thứ đó trở thành vật thực ngay trước mắt. Mấy đứa nhỏ của tôi nghệt ra, khuôn mặt ngơ ngác lạc quẻ với hào nhoáng phố phường.

Thằng An ngố hít hít mũi, níu ống quần tôi hỏi:"Mùi gì thơm thế anh hả anh Hưng?"

Mùi hương đó chúng tôi cũng ngửi thấy. Trước khi kịp phản ứng, cổ họng đã nuốt xuống một ngụm nước miếng theo phản xạ. Tôi đánh mắt sang bên kia đường, thấy vài đứa trẻ đứng xếp hàng quanh một cái quầy nhỏ. Dòng chữ trên quầy đó tôi đọc được, bèn đáp:"Mùi thịt xiên."

Thằng Khỉ từ sau lưng Bác Kiểm nghển cổ nhìn sang. Mắt đứa trẻ con tròn xoe, sáng lên trên gương mặt rụt rè. Tôi cúi người thì thầm lung tung vào tai thằng An, giả bộ không nhìn thấy bác Kiểm lục lọi trong túi quần. Đừng nói tới thịt xiên, ngay cả một miếng thịt nhỏ đối với chúng tôi đã là một thứ vô cùng xa xỉ. Kể cả thằng Kiểm có thích đến mấy, hay.... bác Kiểm muốn nó vui đến mấy đi chăng nữa, không có cách nào tặng cho nó một thứ vốn nằm ngoài tầm tay.

Bác chẳng nói chẳng rằng, dắt tay nó và bé Thư rẽ sang một lối khác. Tôi giật mình, vội dắt thằng An chạy theo sau. Qua ngã tư rồi đi thêm một đoạn, chúng tôi nghe thấy tiếng chuyện trò ồn ã, là dăm ba đứa trẻ đang tụ thành một nhóm, quần áo trên người cũng giống nhau. Áo khoác xanh trắng, quần vải thô, trên vai đeo cặp. Ánh mắt tôi chạm với một đứa, nó nhìn tôi từ trên xuống dưới, kéo cả đứa bạn của nó quay đầu lại nhìn. Thằng nhóc đó nói gì với lũ bạn, rồi cả lũ đi về phía chúng tôi.

An níu ống quần tôi lần nữa, luôn mồm nói:"Anh ơi, kẹo, kẹo!"

Nó hô rất to, bác Kiểm quay sang lừ mắt. Từ hồi còn bé tý, mỗi lần thấy kẹo nó đều reo lên như thế. Nói nghe thì xa, tính gộp lại cũng chẳng được mấy lần.

Dưới cái nhìn chằm chằm của An, thằng nhóc kia rút chiếc kẹo mút dở trong miệng ra, đưa cho thằng bé ngốc. Tôi chưa kịp làm gì, thằng An đã cầm lấy, đút vào miệng mình. Tôi chẳng thể rút cái kẹo rồi trả lại được, bác Kiểm càng khó xử hơn, phút chốc đứng ngây ngốc tại chỗ. Tôi bỗng nhớ lời mẹ dặn trước kia, nếu tôi nhận được thứ gì từ người khác, bất cứ thứ gì, chỉ cần không phải những lời xấu xa hay thóa mạ, thì lời đầu tiên tôi cần nói là cảm ơn.

Vì vậy, tôi nói cảm ơn.

Tôi nhận lại thêm một thứ nữa, một tràng cười từ đám trẻ trước mặt. Chúng bảo nhau:"Ơ nó cảm ơn kìa chúng mày?"

Nghe có vẻ kinh ngạc.

Tôi cũng muốn biết, trong đầu những người trước mặt đang nghĩ gì.

Một đứa khác rút viên kẹo trong miệng ra, thả rơi xuống đất. Tôi nghe thấy tiếng vang lanh lảnh, cúi đầu nhìn xuống, trên lớp màu hồng óng đã lấm tấm bụi đường.

"Tao cho đấy. Sao không nhặt lên ăn?"

Thằng An định nhặt lên thật, may có tôi kịp thời ngăn lại. Ở một thời điểm nào đó, người ta có thể cảm nhận được thiện ý của người đối diện thông qua ánh mắt. Ảo tưởng trong tôi bị dập tắt, y như cách tia nắng cuối ngày bị bóng tối đuổi đi. Những thứ ở thế giới này đẹp như tôi từng tưởng tượng, nhưng ánh mắt họ nhìn chúng tôi còn không ấm bằng nửa cái bánh bao mà bác Lâm từng cho. Cái mà tôi nhìn thấy, ngoài sự bỡn cợt, vẫn chỉ có sự bỡn cợt nối tiếp.

Như mẹ nói, những lời thóa mạ, châm biếm hay chê bai không nhất thiết phải thể hiện rõ ràng qua lời nói. Sự khinh miệt không nên dành cho bất cứ ai, dù là những kẻ sinh ra đã ngậm thìa vàng, hay là những đứa ở dưới đáy xã hội như chúng tôi. Vào chính giây phút đó, trong đầu tôi nảy ra một ý nghĩ. Tôi luôn muốn thế giới của tôi tốt đẹp hơn, chứ không phải sống trong thế giới như thế này. Ở nơi này, người ta nhìn nhau bằng mắt, chứ không nhìn bằng tim.

Bụng đói cồn cào, cũng không bằng cảm giác gai lạnh khắp người. Không hiểu sao, tôi rất muốn tẩn mấy thằng nhóc này như cách tôi tẩn thằng Khỉ trước kia.

Bọn nó cười càng to hơn, bác Kiểm bỗng trở nên hùng hổ, chắn trước người tôi và thằng An, xua mạnh tay quát.

"Biến! Lũ chúng mày! Biến ra chỗ khác!"

Chúng nó rời đi trong tiếng cười. Cả người Bác Kiểm như bị rút hết sức lực, nửa ngồi nửa quỳ trên đất, nhìn thằng An với ánh mắt dịu dàng đến kỳ lạ, pha thêm chút cảm xúc gì đó. Về sau nhớ lại tôi mới hiểu, thứ đó gọi là sự hối lỗi.

Tôi nhặt cái kẹo dưới đất lên, lau sạch sẽ, sau đó nhét vào tay thằng An. Lúc này mới nói.

"Bác Kiểm, về nhà thôi."

Và chúng tôi về nhà.

Nghe thấy tiếng kẽo kẹt ngay sau lưng, là âm thanh vang lên khi cánh cửa khép lại. Tôi biết, tôi vừa trở về với thế giới của chúng tôi. Trời vẫn đương chiều, mặt trời sắp xuống núi, nhưng ở nơi này không nhìn thấy hoàng hôn.

Trên bức tường giáp với cầu thang có độc một cái đèn treo lơ lửng. Đó là cái đèn dầu duy nhất ở nơi này, chỉ sáng một lần duy nhất vào đêm ba mươi tết. Ánh sáng tắc kẹt trong một khoảng không nhỏ, còn chẳng sáng bằng ánh lửa khi bác Lâm nhóm bếp. Vậy mà không ít lần, tôi được tia sáng leo lét ấy vực dậy. Tôi còn nghĩ, nếu một mai trở nên giàu có, thứ đầu tiên mà tôi mua là thật nhiều đèn điện, ít nhất đủ để thắp sáng toàn bộ nơi này.

Chỉ có người từng sống trong bóng tối, mới biết bóng tối đáng sợ đến thế nào.

Tôi ở trong nhà, chẻ hết mấy khối tre chất đống. Nghĩ đến chuyện hồi chiều, không cẩn thận để dằm nứa sượt qua mu bàn tay. Đúng lúc mẹ về nhìn thấy, ném cả cái giỏ sang bên, chạy tới quát khẽ:"Sao mà bất cẩn thế! Có sao không?"

Tôi lắc đầu, im lặng một lúc lại mới thủ thỉ:"Chiều nay con lên kia mẹ ạ."

Mẹ tôi nhíu chặt mày hỏi:"Đi đâu?"

"Lên phố. Bác Kiểm dắt bọn con lên."

Nghe tới đây, bà đứng bật dậy, lặp lại từng chữ một:"Bác Kiểm dắt mấy đứa lên trên kia?"

Giọng bà như đá vụn rơi xuống, tôi biết bà giận thật rồi. Bà quay đầu định bước ra khỏi cửa. Tôi tự nhủ, quả này mà để bà sang bên kia là coi như xong, thể nào cũng cãi nhau um tỏi. Tôi nào muốn chuyện đó xảy ra, vội nói:"Là tại con. Là con đòi bác ấy dẫn lên!"

Sợ mẹ không tin, tôi còn lặp lại một lần nữa, mẹ tôi vẫn nhất quyết định định đi. Tôi buột miệng.

"Bác Kiểm đã khóc đấy mẹ ạ."

Cơn giận trong người mẹ bị một câu nói này đập tan thành mây khói. Bà hơi ngẩn ra, rồi ngồi phịch xuống đống rơm khô. Tôi ngồi bên cạnh mẹ, thấy bà trầm mặc một lúc lâu, bèn kể mẹ nghe về lũ trẻ mà tôi gặp ban chiều. Bà xoa cái đầu rối bù của tôi, nói khẽ:"Điều đó chỉ chứng tỏ, con được dạy dỗ tốt hơn những đứa trẻ hư."

"Mẹ có giận con không mẹ?"

Mẹ tôi lắc đầu. Vì mấy đứa còn nhỏ quá, bà mới không muốn mấy đứa nhận ra thế giới ngoài kia khắc nghiệt đến thế nào. Phá vỡ mộng tưởng của mấy đứa trẻ, có thể khiến chúng nhanh chóng trưởng thành hơn, nhưng lại là cách bà không muốn làm.

Tôi lại trở lại nơi đó một lần nữa. Điểm khác là, lần này tôi đi với mẹ. Chúng tôi đem đống nứa đã vót đẹp đẽ tới nhà chủ, vẫn bộ đồ tôi mặc hôm qua, vẫn chiếc dép đứt quai được buộc bằng chỉ đỏ. Lúc tôi đặt chồng nứa được buộc gọn xuống vào trong nhà, có một cậu con trai đang đứng. Cậu ta chỉ trạc tuổi tôi, tay cầm chiếc kẹo, có vẻ như đang định bóc vỏ, bởi vì nhìn tôi nên chững lại động tác.

Bên ngoài mẹ đã nhận tiền xong, đang cất cao giọng gọi. Hòa với tiếng gọi của mẹ là giọng trầm của cậu con trai, cậu ta nhìn tôi từ trên xuống dưới, dần dần thu hẹp khoảng cách của hai người. Hành động này quen thuộc đến đáng sợ, tôi cứ ngỡ chuyện hôm qua sẽ tái diễn lần nữa. Thế nhưng lạ thay, cậu ta gọi tôi lại, chỉ vì muốn đưa cho tôi một thứ.

Không phải chiếc kẹo đang mút dở hay chiếc kẹo bị ném rơi xuống đất, chiếc kẹo tôi cầm trên tay được bọc nguyên vẹn trong giấy bọc nhiều màu. Nói là đưa, đương lúc tôi đang lưỡng lự, cậu ta đã nhét thẳng vào lòng. Và rồi cậu trai bỏ đi mất, trước khi tôi kịp nói lời cảm ơn.

Trong đầu tôi bỗng hiện lên một ý nghĩ, nơi nào cũng là một đống gạo đậu cám đổ chung, chẳng thể quy về cùng một loại. Bản chất con người là tốt đẹp, nhưng lại bị những cảm xúc tiêu cực xấu xí che lấp mất, điều này có phải là thật chăng?

"Gì thế?"

"Có một bạn cho con... ở trong nhà."

"Con trai cô chủ". Mẹ tôi cười:"Cảm ơn người ta chưa?"

"Bạn ấy chạy đi nhanh lắm. Lần sau gặp lại con sẽ nói."

Kẹo chỉ có một chiếc, thằng An qua đã ăn, nên tôi đưa cho thằng Khỉ. Ai ngờ đến tối lại thấy nó với thằng An ngồi ngoài sân, thằng An còn đang mút kẹo. Chiếc kẹo nhiều màu, đúng là cái tôi mang về sáng nay. Tôi đi tới ngồi cạnh tụi nó, cười bảo:"Anh tưởng mày thích kẹo lắm cơ mà."

Thằng Khỉ bĩu môi:"Tại nó đòi em đấy chứ."

Bình thường nó đòi, mày chả cho nó mấy cục đá vào đầu.

Thấy thằng nhóc ngượng, tôi không trêu thêm nữa. Thằng Khỉ bỗng ném thứ gì vào tay tôi, cảm giác mát lạnh và thô ráp. Nhìn rõ vật kia, tôi càng ngạc nhiên hơn.

"Bác Lâm gửi cho anh đấy. Sáng bác sang, anh không ở nhà."

Trước sang nhà bác Lâm, có một con dao tôi thích cực kỳ, mà xin mãi bác không cho. Thật không hiểu sao tự nhiên bác lại gửi tặng. Thằng Khỉ nói tiếp:"Nhà bác sắp chuyển đi rồi."

Tôi "hả" to một tiếng:"Đi đâu cơ?"

Thằng Khỉ dùng một ngón tay chỉ lên phía trên:"Nghe bảo bác kiếm được việc gì khá lắm."

Trong miệng thằng An ngậm kẹo thằng Khỉ cho, nghe câu được câu chăng. Nó ngước cổ hỏi:"Là sao hở anh?"

Thằng Khỉ đập nhẹ vào đầu nó:"Là tới nơi ngày nào cũng được ăn thịt."

"Em cũng muốn ăn."

"Mày làm như tao không muốn ấy."

Tôi bật cười:"Muốn lên trên kia... hay là muốn được ăn thịt."

"Đương nhiên là ăn thịt."

Thằng An vỗ đùi:"Thịt xiên!"

"Nghe bảo đắt lắm đấy."

"Thịt sống có rẻ hơn không anh nhỉ?"

"Đương nhiên rồi đồ ngố."

Chúng tôi ngồi tới chiều, tới đêm, rồi tới sáng hôm sau. Nguyện ước nói mãi không thỏa. Tôi sờ tay lên mặt, không biết mình đã khóc từ khi nào. Đau xót nghĩ, người ta muốn giàu có, muốn nhà cửa trang hoàng. Còn lũ trẻ của tôi, cả đời chỉ mong một bữa no.

Chúng tôi nhìn nhau trong ảm đạm. Cỏ dại mọc lên trong ảm đạm. Mặc dù, cảm giác này xuất hiện trong chúng tôi mỗi ngày, nhưng những thứ khắc nghiệt đã quá đỗi quen thuộc, không còn đủ sức tác động đến chúng tôi nhiều nữa. Ừ thì, chúng tôi vẫn còn là những đứa trẻ, việc giỏi nhất là phóng đại thứ cảm xúc tiêu cực luôn chèn ép, đến mức mà, có những phút giây cảm tưởng rằng chúng tôi sẽ chết, muốn chết. Nhưng chẳng sao cả, mở mắt ra, chúng tôi đang sống, và sẽ vẫn phải sống đến khi nào không thể sống được nữa.

Và tôi biết, lớn thêm một chút, không phải sẽ không cảm thấy đau khổ, tủi thân, tuyệt vọng hay khó chịu. Nhưng ít nhất, chúng tôi sẽ tìm mọi cách để lãng quên, thậm chí chiến đấu với những cảm xúc tiêu cực chỉ trực chờ cắn nuốt mỗi lần tâm trạng chúng tôi xuống dốc.

Mỗi chúng tôi đều mạnh mẽ hơn chúng tôi tưởng nhiều.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro