Nhạc Nam Bộ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Dù ai đi ngược về xuôi, dù ai có định cư ở nước ngoài hay ở vùng nào đi chăng nữa thì thi thoảng bên tai vẫn nghe những khúc nhạc, câu ca quen thuộc. Ngẩn người để thưởng thức trọn vẹn bài ca khúc hát hay lẩm bẩm hát theo với tâm trạng sung sướng và thở dài :" Hồi xưa bài này má hay hát" hoặc "Hồi xưa bà nội hay bật cát sét nghe có bài này" hay xa hơn là" Hồi nhỏ ở đầu ngõ có mấy quán cà phê, loa phát thanh phát bài này hoài luôn nè". Những khúc hát như cỗ máy thời gian đưa chúng ta về thời xưa cũ, về miền kí ức nào đó mà mình đã lỡ bỏ quên giữa đời bộn bề.

Với những đứa con miền Tây thì dễ nhớ hơn, hay nhớ hơn và cũng hay khóc thút thít hơn khi nghe những khúc nhạc quê hương phát ra ở một góc nào đó của quán cà phê bên đường, phát ra từ những chiếc loa phát thanh đang dần biến mất, rơi vãi ở trên miệng những người vừa hát vừa bán kẹo kéo đang buồn tủi vì sự cô đơn lẻ loi của câu hát vô hình mấy ai để ý giữa cuộc vui rượu chè hay là trong một cuộc nhậu chỉ có ly chén làm bộ gõ cho những câu ca nối đuôi nhau tiếp niềm vui cho những câu chuyện nhuốm hơi men.

Những câu hát không chỉ len lỏi vào những ngóc ngách cuộc sống mà còn len mình cả vào trong những chuyến trở về của ta thông qua những bài ca trữ tình, bolero cất lên qua chiếc loa của những chuyến xe đò chuyên chở người ta về quê hương hay đưa những con người đi xa quê về vùng đất xa lạ mà ta còn ngơ ngác, bơ vơ. Những bài ca trên chuyến xe kia như bàn tay dang ra đón những người con trở về thế nên sao mà nghe những tình khúc ta chợ thấy mùi mẫn, ngọt ngào, đẫm mùi nhớ, mùi thương mà ai hình như ta đã được ngửi suốt một thời tuổi thơ. Đó là lòng mẹ nồng mùi thương khi vừa chở che vừa kể cho ta nghe chuyện tình Lan và Điêp, chuyện Hàn Mạc Tử, chuyện Hòn Vọng Phu,... Đó là lời cha hát vu vơ về những câu hỏi bâng khuâng mà thấy lòng quặn thắt lại héo hon về tình yêu "Yêu, là chết ở trong lòng một ít,/ Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu?, về tình mẹ "Mẹ già như chuối chín cây/ Gió lay Mẹ rụng, con thời mồ côi.", về tình vợ chồng " Ơi chim sáo mồ côi, chim trắng mình ên?/ Chim sáo mồ côi thương anh mà em đợi" và còn về nhiều tình cảm khác được cha mượn câu hát mà giãi bày. Đó còn là nỗi buồn mà bà không thể nào tâm sự bằng lời chỉ dám mượn khúc cải lương để khóc thỏa lòng mình, bà khóc với số phận bi thảm của Cô Lựu trong vở "Đời Cô Lựu", của Diệu trong vở " Lá Sầu Riêng" hay của Tô Ánh Nguyệt trong vở diễn cùng tên,.. Bà khóc cho đã với những chuyện tình lâm li qua "Bên Cầu Dệt Lụa", " Lan và Điệp" hay "Hòn Vọng Phu",... Những vở diễn để đời của những người nghệ sĩ khóc giùm, tâm sự giùm những chuyện khổ, chuyện trái với đời ở thời của bà. Thế mới thấy ai nói người Nam Bộ ruột để ngoài da chứ trong họ cũng có nhiều nỗi niềm không thể nói phải mượn khúc hát, mượn câu cải lương để giãi bày giùm, nhờ thế mà nhẹ lòng, nhờ thế mà khúc ca Nam Bộ cứ kéo dài mãi qua thời gian, sống mãi mặc kệ đã bao nền văn hóa khác bị mai một, chết dần.

Nhưng rồi khi người ta giã từ quê hương đi đến một chân trời mới, xứ sở mới. Những bài hát trên chuyến xe lại như những giọt nước mắt lìa xa, thấy não nề, sầu thảm đến thê lương. Những câu hát mà giờ đây khi ta có đủ từng trải, khi ta đang ở trong một cuộc chia ly mới thấy thấu hiểu ra bao điều, đó là những giọt nước mắt của một cuộc tình bị cắt lìa khi:

Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi,

Phút gần gũi nhau mất rồi

Tạ từ là hết người ơi!

(Nỗi Buồn Hoa Phượng)

Có thật chỉ một lời tạ từ bằng câu ca là hết thật không, là có thể gạt đi bao nhiêu nỗi buồn không hay chỉ làm lòng ta thêm nhớ, thêm đau bởi thấy chuyến xe đang lăn dài khỏi vùng đất ta yêu, bởi nhìn thấy hai bên cửa không phải ruộng, không phải cây xanh lá nữa mà thay bằng những tòa nhà xám xịt, chen chúc nhau tìm chỗ thở. Nhìn quanh quắt thấy con người ta coi sự ra đi như môt điều bình thường, họ bình thường không lưu luyến, họ dửng dưng với thứ nhạc đang tiễn họ đi bằng cách trốn vào giấc ngủ hay nghe một thứ nhạc khác tân tiến hơn, hiện đại hơn, bắt tai hơn và ồn ào hơn. Ta thử tưởng tượng nếu một ngày những thứ nhạc quê buồn não nề, sến rện đến chảy nước bị thay chân bằng một thứ nhạc xập xình hơn, nhộn nhịp hơn, bắn tai hơn nhưng cũng cạn hơn thì sao? Thì vẫn vậy, chuyến xe vẫn đưa đón người đi, người về. Nhưng với những người con yêu miền Nam Bộ thân thương thì đó như một sự mất mát lớn của cả một miền nhớ, miền thương bởi nhạc Nam Bộ nói chung không chỉ thấm ở giai điệu mà còn thấm ở câu ca, thấm ở cái tình tác giả gửi gắm, thấm ngay cả cách hát, cách lấy hơi mà các ca sĩ hát dòng nhạc này truyền tải và thấm nhất đó chính là những miền kỷ niệm với nhạc Miền Nam.

Đó là những giai điệu trữ tình, dân ca, cải lương, từng giai điệu là từng câu truyện, từng xúc cảm người viết, người hát gửi gắm. Và đễ thấm được những câu truyện lại là do mỗi người. Đó cũng là lý do vì sao mấy năm gần đây có nhiều ca sĩ trẻ trở lại với dòng nhạc trữ tình cũ, họ hát rất nhiều, họ thay áo mới cho những bản tân nhạc đã xưa, nhưng hiếm ai tìm lại được cái hồn, cái tinh túy của nhạc Nam Bộ. Chính vì họ chỉ kể được bề nổi mà chưa đào sâu được vào trong những xúc cảm mà các nhạc sĩ đã viết, cũng như chưa truyền tải được những cảm xúc mà các thế hê đi trước đã làm được.

Bởi thế mới nói nhạc Nam Bộ chỉ hay nhất khi hát trong những góc phố nhỏ, chỉ hay nhất khi hát từ miệng một cô bán cá ngoài chợ khi tập tụ cùng chị em tiểu thương, một chú công nhân xây dựng đang hứng chí trên bàn nhậu hay những sinh viên tay ôm đàn ngồi lê nói chuyện vì đó chính là bản chất của nhạc Nam Bộ, giản dị không hoa mỹ nhưng lại ăn dần, ăn dần vào máu vào tim của con người nơi đi thành một dòng chảy rất riêng tạo thành hai tiếng thân thương: "Nam Bộ" .

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro