Chương 6

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 6

"Con người ta, khi không tìm thấy được thứ gì vui vẻ ở tương lai hay hiện tại lại cố gắng bấu víu vào quá khứ". Vì ở nơi đó họ được phép lựa chọn niềm vui hay nỗi buồn. Rồi cứ thế đắm mình vào dòng sông kí ức. Để rồi tự bật cười vì một khoảng khắc nào đó, tự làm bản thân vui. Ngạn ngữ lại có câu: "Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông". Thế nên có bấu víu vào quá khứ đến mấy, có ước được trở lại những năm tháng đó đến mấy cũng đến hồi phải quay về. Chẳng phải sao?

...

Ra khỏi Café & Sách, tôi giơ cao ba ngón tay lên trời, nói chắc như đinh đóng cột.

- Em thề, em hứa, em đảm bảo, từ nay về sau không đi đâu với anh nữa.

Duy Nguyên bĩu môi, đưa tay lên chắn ngang vệt nắng nhạt buổi chiều. Nắng lì lợm xuyên qua kẽ tay, in hằn lên nước da bánh mật. Thoáng khộ ra rằng một bàn tay không thể che cả bầu trời, hắn thu tay về nhún vai đáp:

- Em thề, em hứa nhưng em không có gì đảm bảo.

Thấy mình bị khinh, tôi nhẩy dựng lên vội đáp trả:

- Ai bảo không có? Em lấy con lợn đất của em ra làm vật đảm bảo.

- Vấn đề là em không có lợn đất. Tưởng lừa được anh hả? Kiếp sau đi!

Tôi đứng nhìn Duy Nguyên chằm chằm. Hắn thấy tôi sắp sửa phun lửa thì nhún vai từ chối cho ý kiến.

- Đừng có chọc vào em nếu không muốn chết. – Tôi nói với giọng đanh thép, nghiêm nghị cảnh cáo.

- Anh chọc hoài, không chết mà!

- ...

- NGUYÊN PHÂN!

Tôi giơ nắm đấm lên, chạy đuổi theo dáng người cao gầy mới vừa rồi còn "cố tình" chọc vào tổ Ong Bò Vẽ. Được lắm, được lắm, "anh chọc hoài, không chết mà" lần này thì anh chết chắc!

Duy Nguyên chân dài, sải một bước bằng tôi chạy hai bước. Chính vì lẽ đó, dù cho ban đầu xuất phát gần như cùng lúc nhưng tôi vẫn bị hắn bỏ lại khá xa.

Duy Nguyên chạy một mạch đến nhà xe, đứng lại nghỉ mệt cũng như nhìn tôi chật vật đuổi theo phía sau. Cảm thấy tôi như vậy vẫn chưa đủ bẽ mặt, hắn giương cao giọng cổ vũ:

- Ui cha, sao mà chậm thế? Nhanh lên anh đứng đây đợi. – Nói rồi còn đưa tay lên nhiệt tình vẫy qua vẫy lại.

Tôi tức đến tím mặt, nếu ngay lúc này có một điều ước, tôi chỉ ước mình được nắm đầu Duy Nguyên chà xuống lòng đường. Không ác đâu, so với việc hắn hành xác tinh thần tôi từ bé đến lớn, nhiêu đó chưa có đáng kể gì.

Nhớ có lần tôi đang ngồi trong canteen trường tám nhảm với Lan Chi, bấy giờ Duy Nguyên đi ngang qua, như có như không một câu chê cả hai đứa: "Sông có thể cạn, núi có thể mòn. Nhưng những đứa lùn thì không bao giờ cao lên được!". Vì sao hắn lại nói vậy? Vì lúc bấy giờ tôi với Lan Chi đang nói về chủ đề chạy bộ buổi sáng và làm cách nào để cao lên.

Nếu không phải canteen đông người, nếu không phải bên cạnh hắn có mấy anh khóa trên đang cầm đồ ăn sáng đứng nhìn hai đứa tôi. Nếu không phải có cả đống lý do bày ra trước mắt. Tôi và Lan Chi đã úp tô mì tôm của hai đứa vào mặt hắn lâu rồi. Đồ thần kinh, không ai chọc vào mình mà chuyên đời thích kiếm chuyện với người khác.

Chắc chết mất, sao cái thân tôi lại khổ thế này? Trời ơi, trời ơi là trời!

- Đi về, cười cái gì mà cười? Cười suốt cả ngày. – Tôi nhảy lên yên sau xe, vừa ngồi vừa làu bàu. – Em không có lùn, là chưa phát triển hết, là chưa phát triển hết anh có hiểu không?

- Hiểu. – Duy Nguyên gật đầu thật mạnh đáp với vẻ bất lực.

Thừa biết có nói gì đi nữa hắn cũng chẳng tin thế nên tôi im lặng quay mặt sang hướng khác. Dằn lòng nuốt xuống cục tức đang ngày một dâng cao nơi cuống họng. Cố nhớ đến mấy chuyện vui trên lớp cho "Hỏa Diệm Sơn" trong tâm khảm xẹp xuống.

Lúc nào cũng vậy, mỗi phút mỗi giây bên cạnh Duy Nguyên. Tôi luôn tự nói với lòng tha thứ cho hắn tám trăm lần mới không để mình bộc lộ bản chất thật. Rằng tôi là một mụ La Sát, ghét ai là nhặt dép ném người đấy.

...

- Hai đứa bay đi gì mà nhanh thế? Làm ông đuổi theo gần chết. – Diều Hâu thở phì phò, dùng giọng điệu hụt hơi quở trách. – Đèo nhau mà còn đi nhanh thế, đi một mình không biết mày đi thế nào.

- Còn thế nào nữa? Hẳn là ngang với vận tốc ánh sáng rồi. – Đáp lại bằng giọng trào phúng, Nguyên Phân hỏi. – Đuổi theo tụi này làm gì?

- Lâu ngày không gặp nói chuyện chút đi. Tao đang rảnh, hẳn mày cũng vậy.

- Nãy giờ nói chưa đủ hay sao giờ còn nói nữa? Thôi dẹp, tao khát nước lắm.

- Ơ thằng này, tính giỡ mặt tao đấy à?

- Mặt mày có gì để giỡ?

- ...

Vòng tay trước ngực, tôi ngồi sau xe nghe hai tên "đực ngựa" đá đểu nhau. Thật tình, hết nói nổi. Duy Nguyên nhiều khi phũ phàng đến mức làm người đối diện phải nghẹn họng. Thiết nghĩ nghe hai tên này chửi nhau hoài cũng rát tai, tôi mở lời.

- Lâu rồi không lên xóm trên chơi, dạo gần đây có chuyện gì vui không? Kể nghe với.

Diều Hâu không thèm quay lại nhìn tôi lấy một cái, nhún vai đáp bâng quơ:

- Xóm trên xóm dưới gì chứ? Buồn hiu.

Này là cái tình huống máu chó gì? Chặn hai đứa tôi lại đòi nói chuyện đến hồi tôi mở lời thì lại đáp trả bằng cái giọng điệu ấy. Có điên không?

Tôi xắn tay áo, chuẩn bị chống hông rủa sả Diều Hâu một trận. Đương lúc thực hành, thằng cha ấy khẽ nghiêng đầu nhìn tôi cười cười không nói gì. Tôi ngớ người nhìn hắn quay đi, treo trên môi là nụ cười gượng gạo. Đã lâu rồi, từ rất lâu rồi tôi mới lại thấy một người cười như vậy. Tưởng như có lưỡi dao vô hình cứa vào tim, tôi chết trân tại chỗ. Tôi nhớ, nhớ như in cái ngày ấy, ngày anh nói: "Đợi anh, anh hứa anh sẽ về". Cuối cùng thì sao? Anh lại thất hứa! Thế nên tôi không tin vào lời hứa, tôi ghét phải chờ đợi.

- Có chuyện gì với mày phải không? – Giọng Duy Nguyên vang lên, như có như không kéo tôi về thực tại. – Nói đi, tao biết mày đuổi theo tụi tao không chỉ đơn giản để...

- Nói thật, tao rất ngưỡng mộ hai đứa mày. – Diều Hâu đạp ngược hai vòng xe, tự nhiên như không nhảy vào giữa họng Duy Nguyên cướp lời. – Là thật đấy, rất ngưỡng mộ hai đứa mày.

- Ngưỡng mộ ư? Tại sao? – Tôi hỏi. Tự thấy mình và Nguyên Phân hết sức bình thường, chẳng có gì đáng nể để người này người kia phải ngưỡng mộ.

- Vì rất nhiều lý do. – Diều Hâu khẽ cụp mi, khuôn mặt đượm buồn. Một khắc sau lại hứng khởi nhắc lại chuyện ngày bé. Tôi cứ ngỡ chỉ có người già mới hay hoài niệm về chuyện xưa cũ. Còn người trẻ, còn thanh niên thế hệ mới như chúng tôi nên sống cho tương lai, cho những ngày tháng phía trước. Nào ngờ vẫn có trường hợp hi hữu. Đã vậy hắn còn ở ngay bên, hễ mở miệng ra là lải nhải ngày xưa thế này, ngày xưa thế nọ.

Nào là tôi với Nguyên Phân như nước với lửa, hễ mở miệng ra là chửi nhau, hơi một tí là đánh nhau. Lúc sau thì sao? Không biết bằng cách nào đó, hai đứa làm lành với nhau ngay tắp lự rồi loáng một cái lại quay ra đánh nhau. Diều Hâu tặc lưỡi đoạn bảo: "Chẳng tài hiểu nổi chúng tôi nghĩ gì". Chuyện đó dễ hiểu thôi, cũng rất bình thường. Con nít chơi với nhau ai mà chẳng vậy?

Diều Hâu lại bảo nhớ có lần tôi và Nguyên Phân cãi nhau, hắn ném mớ hình xuống đất giận dữ quát: "Đứa nào nhặt nó lên đứa đó là cháu đứa kia!". Một hồi sau Nguyên Phân cắm cúi nhặt từng tấm hình lên đưa cho tôi, đoạn bảo: "Bà ơi, cháu sai rồi, bà đừng giận nữa!"

Tôi trau mày nghĩ nghĩ, thật lòng mà nói chuyện ngày bé tôi đã quên gần hết rồi, tôi chỉ nhớ một vài thứ hay ho mà thôi. Ví như chơi gụ ăn hình, đại loại là vậy.

Duy Nguyên im lặng nãy giờ bỗng lên tiếng:

- Nãy mày nói ngưỡng mộ hai đứa tao... là vì chuyện này sao?

Diều Hâu "ừm" nhẹ một tiếng, khẽ bảo:

- Tao luôn tự hỏi tại sao bọn mày có thể chửi nhau, đánh nhau đến như thế mà vẫn làm lành được trong khi có những người luôn miệng nói người này người kia là bạn tốt, là tri kỉ. Nhưng thực tâm họ không cách nào coi người ta là bạn của mình.

Tôi day day huyệt thái dương, chẳng biết làm thế nào để đáp lại. Tôi không giỏi trong việc an ủi người khác và Duy Nguyên cũng vậy. Thế nên chỉ biết lắng tai nghe tiếp câu chuyện của Diều Hâu. Vì có những người, họ lựa chọn tâm sự với ta, thực tâm họ không mong nhận được lời động viên hay vỗ về an ủi. Mà họ chỉ mong có người nào đó tình nguyện nghe họ kể lể, giải tỏa nỗi lòng.

- Nhã Trúc luôn bảo con nít chơi với nhau ai mà chẳng vậy? Nhưng mười sáu, mười bảy tuổi đầu rồi, có còn là con nít nữa đâu?

Tôi đưa mắt nhìn dòng xe cộ tấp nập, lại nhìn người con trai trước mặt. Đôi mắt đượm buồn, Diều Hâu nhìn tôi khẽ nói:

- Hôm nay gặp lại, vẫn thấy hai đứa mày cãi nhau rồi cứ thế làm lành... Con người ai cũng thay đổi, chỉ có hai đứa mày là không.

Không hẳn đâu, tôi cũng thay đổi, đã thay đổi rất nhiều. Chỉ là mã bề ngoài vẫn vậy, cách cư xử với người ngoài vẫn vậy, không nóng không lạnh nên Diều Hâu mới nhận không ra thôi. Vì tôi khó gần, không thích tâm sự kể lể nên có lẽ nó sẽ mãi mãi không biết thời gian qua tôi đã thay đổi nhiều thế nào.

- Nhã Trúc bảo xóm trên đông vui phải không? Trước đúng là vậy! Vì khi ấy, chỉ cần một đứa bị bắt nạt cả đám sẽ xúm lại đòi công bằng cho nó ngay. Trước là vậy, còn giờ chia bè chia phái chỉ vì những lý do cỏn con không đáng nói. Có những đứa hiểu chuyện, gia cảnh khá giả, có tiếng nói trong hội thì bị bố mẹ ném vào trường nội trú cho rảnh nợ. Số còn lại đứa thì bụi đời, đứa thì bỏ học, đứa có ăn có học đàng hoàng lại đối nhân xử thế chẳng ra sao.

Ban đầu tôi nghĩ mình chỉ cần ngồi nghe Diều Hâu tâm sự, như thế là đủ. Nhưng tôi đã nhầm. Nghe một câu chuyên trắc trở của người khác giống như cầm tiền của người ta, không thể nghe xong để đấy. Bởi khi đã nghe nghĩa là ta đã nhận lấy trách nhiệm. Trách nhiệm này lại quá nặng, tôi chẳng biết tự mình gánh vác ra sao. Thế nên tôi giật nhẹ góc áo Duy Nguyên ngầm ra hiệu. Hắn quay lại nhìn tôi mím môi chẳng nói gì song quay đi. Thế rồi tôi cũng mặc Diều Hâu độc thoại.

- Nhiều lúc chỉ muốn trở về làm một đứa trẻ, khóc thật to mỗi khi buồn, cười thật lớn mỗi khi vui. Chứ không như lúc này, không vui cũng chẳng buồn. Chỉ biết mắt nhắm mắt mở nhìn ngày tháng trôi qua, bản thân lại chẳng níu giữ được gì.

Cuối cùng thì tôi cũng không nhịn nổi nữa. Tôi bảo Diều Hâu, tôi từng đọc một cuốn sách, nó nói thế này: "Con người ta, khi không tìm thấy được thứ gì vui vẻ ở tương lai hay hiện tại lại cố gắng bấu víu vào quá khứ". Vì ở nơi đó họ được phép lựa chọn niềm vui hay nỗi buồn. Rồi cứ thế đắm mình vào dòng sông kí ức. Để rồi tự bật cười vì một khoẳng khắc nào đó, tự làm bản thân vui. Ngạn ngữ lại có câu: "Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông". Thế nên có bấu víu vào quá khứ đến mấy, có ước được trở lại những năm tháng đó đến mấy cũng đến hồi phải quay về. Chẳng phải sao?

Lại nói, ngày trước cuốn sách "Buồn làm sao buông" của Anh Khang từng gây sốt trên cộng đồng người yêu sách Việt. Với nội dung gần gũi, văn phong nhẹ nhàng đậm chất thơ, Buồn làm sao buông nhấn chìm người đọc vào một nỗi buồn miên mải không có hồi kết. Nhân vật "tôi" trong truyện Buồn làm sao buông cũng y như Diều Hâu, anh ta thả hồn về ngày xưa tháng cũ, một hai đằm mình trong ấy không chịu rứt ra. Rồi sao? Khi buộc phải trở về với thực tại, cái anh ta nhận lại là hụt hẫng, là cô đơn và có khi còn nhiều hơn thế nữa.

Cuốn sách ấy có một câu nói rất hay thế này: "Có những nỗi buồn ta quẩn quanh trong ấy, có những kỉ niệm dù thiết tha đến vậy hay có những người ta đắm say cách mấy. Cũng phải đến một ngày học cách buông tay."

Sau tất cả tôi chỉ muốn hỏi một câu:

- Mày nói năm tháng trôi qua, cái gì mày cũng không giữ được. Hay năm tháng trôi qua, cái gì mày cũng không muốn giữ?

Rất nhiều năm sau này khi tôi ngồi một mình chiêm nghiệm lại quãng thời gian đã qua, tôi mới biết những lời nói lúc ấy của mình với Diều Hâu tàn nhẫn đến mức nào. Vì lúc bấy giờ tôi cũng như Diều Hâu, đứng giữa dòng người đông đúc, hơi ấm quẩn quanh mà sao thấy tim mình ngày một lạnh.

Nhưng đấy là chuyện của mãi sau này. Còn hiện tại chúng tôi chia tay nhau nơi ngã ba đường – ranh giới phân chia xóm trên xóm dưới.

Mặt trời khuất bóng, nhường chỗ cho đêm đen. Cứ thế kết thúc một ngày dài.

hx

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro