Chương 11

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


       Giữa tháng sáu âm lịch làng Tân Chung ven sông Cầu mở hội hàng tuần lễ liền, người dân hai bên bờ đổ về trẩy hội đông nghịt. Cả sông có mỗi mình Hạnh làm nghề đò đưa, cả ngày bận rộn không hết khách. Lá đò ngang của Hạnh vì thế mà chao đi chao lại trên dòng nước lớn như con thoi dệt vải, tay Hạnh chèo thoăn thoắt, khách trên đò thong thả nói chuyện, bọn trẻ con thi nhau thò tay xuống nghịch nước, để Hạnh phải luôn miệng nhắc không thì lộn cổ xuống sông.

Vẫn như mấy năm trước, Hạnh chèo chẳng ngơi tay, nên không có cả thời gian đi xem hội. Đám con gái trong làng lôi những bộ quần áo để dành mặc Tết ra diện lên người, tóc thắt bím hai bên bằng dải lụa đào, mắt lúng liếng đưa tình với bọn trai làng bên kia sông. Có đôi sóng vai nhau xem hàng xem quán, có tốp tụm năm tụm ba ăn chè hay xem hội vật. Tiếng cười nói lẫn vào nhau, rộn rã cả khúc sông quê quanh năm vắng lặng.

Hà không theo đám trai đi đá gà hay đấu cờ tướng, mà chọn cho mình một góc vắng vẻ gần bụi tre trên đê, ngồi bệt xuống, đưa mắt ngắm Hạnh. Bóng Hạnh nhỏ xíu, vẫn quần nái đen với áo nâu sồng, giữa những người bận đồ đẹp đẽ vẫn nổi bật đến lạ kỳ. Hoặc là Hạnh chỉ nổi bật trong mắt kẻ tình si đang ngẩn người dõi nhìn theo mình trên triền đê kia.

Hà chăm chú nhìn dáng gầy của người con gái dưới sông. Không nghe rõ tiếng Hạnh, dù Hà để ý miệng Hạnh vẫn đang nói. Có khi lời nói vừa thoát ra khỏi miệng đã tan ngay trong muôn vàn tiếng cười đùa xung quanh. Không biết Hạnh đã ăn gì chưa nữa. Hội toàn bắt đầu từ sáng sớm tơ mơ, khi mấy bà hàng nước với hàng bánh từ làng bên kia sang bày bán sớm, chất lỉnh kỉnh những bàn những ghế xuống đò. Sáng tỏ ra một tí thì lại là mấy cụ đi chùa lễ bái các thứ, rồi đến người già người trẻ, con gái con trai nô nức. Cả ngày chỉ mải đò đưa, lấy đâu ra thời gian mà ăn lót dạ. Hà thấy thương Hạnh quá. Có đứa nghịch ngợm rỗi hơi, chỉ thích đung đưa qua lại trên sông nên trả tiền cho Hạnh rồi ỳ ra trước mũi đò, không chịu xuống. Hà chăm chú nhìn. Có mấy cậu trai lạ hoắc đang đứng gần Hạnh, miệng cười và mặt tếu táo đùa cợt, ý chừng đang tán tỉnh Hạnh đây. Cáu quá!

Hà chạy vội xuống dốc đê, tạt nhanh vào hàng bánh gần đấy mua hai cái bánh tẻ với một cái bánh rán vàng ruộm, rồi tất tả chạy ra bến sông, cầm đùm bánh lên vẫy vẫy Hạnh. Chẳng biết làm sao mà Hạnh đã nhận ra Hà ngay được, giữa nghìn nghịt người nhưa thế. Hạnh nở nụ cười tươi rói khoe hàm răng đều như bắp ngô, gật gật ra chiều đã thấy, cái nón lá trên đầu theo nhịp mà lên xuống trông hay hay là. Tay Hạnh chèo đò vốn đã nhanh nhẹn, từ lúc Hà chạy xuống đứng bến mà càng thêm thoăn thoắt, miệng vẫn không ngừng nhắc mấy đứa trẻ con đang thò tay vục nước sông kia. Hà vui sướng đứng chờ.

Đò cập bến bên này, người người lục tục kéo nhau nhảy xuống, tay bồng tay bế dắt díu nhau đi mất. Hình như có người khôn lỏi quỵt tiền Hạnh, nhưng Hạnh chẳng cả để ý nữa, nhanh chóng buộc dây chạc vào cọc đóng trên sàn bến neo đò lại rồi nhảy xuống, chạy lại bên cạnh Hà. Ôi, cái dáng "tình trong như đã mặt ngoài còn e" lại duyên tình lộ ra rồi. Rõ lúc còn trên đò, Hạnh hớn hở như trẻ con được quà, chỉ tiếc chẳng bỏ luôn việc mà chạy đến với Hà kia, ấy thế mà đến lúc gặp nhau rồi, Hạnh lại cúi cúi đầu quay mặt đi, mắc liếc ra chỗ khác, miệng nói ngập ngừng, đáng yêu đáo để:

- Hà... không đi xem hội mà xuống đây làm gì?

Hà cười sung sướng, thỏa thích ngắm nhìn vẻ ngại ngùng duyên dáng của Hạnh, rồi dúi vào tay Hạnh đùm bánh mới mua hãy còn hơi âm ấm, miệng dịu dàng dặn:

- Hạnh chưa ăn gì phải không? Đừng có nhịn mãi, đói lả bây giờ đấy. Cầm lấy bánh mà ăn lót dạ. Thôi tôi đi đây, nhớ phải ăn đấy nhé!

Mồm nói đi mà hai tay vẫn còn dùng dằng cầm lấy ngón tay thon thon của Hạnh, mắt nhìn Hạnh đang lúng liếng đưa tình mà tim đập rộn ràng hơn trống hội. Đôi trai gái trao nhau cái bánh mà còn làm như trao nhau cả mối duyên kia làm mấy chị gái đi hội đứng bên cạnh nhìn chòng chọc mãi, luôn mồm ca thán "Đúng là thanh niên có khác!". Có ông cụ già vẻ mặt trải đời ra bộ lườm đôi trẻ, mồm vẫn còn bỏm bẻm nhai trầu, thong thả đưa câu Kiều lẫn theo tiếng cười đùa của đám hội:

"Người quốc sắc, kẻ thiên tài

Tình trong như đã mặt ngoài còn e..."

Tất nhiên Hạnh không là quốc sắc, Hà chẳng phải thiên tài, hai đứa còn chửa nghe ra câu thơ của ông cụ mà hãy còn mải đong đưa kia kìa.

Sau cùng Hạnh ngại quá, má hồng như ngồi bếp lửa, dứt tay khỏi cái nắm dịu dàng của Hà, vội vàng nhảy xuống đò, để lại một câu kiếm cớ chẳng ra làm sao:

- Tôi đi sang bờ kia đón khách đây, để người ta chờ.

Hà bật cười, bây giờ quá trưa rồi, khách đã vãn nhiều, phải đến đầu giờ chiều mới có đợt nữa cơ. Nghĩ thầm trong đầu, lòng lại dâng lên những thứ cảm xúc êm ái tựa mây bay, Hà còn ngẩn người ở bến mãi, mắt đăm đắm dõi theo bóng người con gái ấy, một lúc lâu sau vẫn chẳng nỡ quay đi.

Hết hội bao giờ cũng có một trận mưa rào, các cụ bảo đấy gọi là "mưa rửa chùa". Nhưng năm nay mùa mưa lại đến sớm hẳn, ngay sau trận mưa kia, bình thường phải đến tầm Tết Vu lan mới có. Mấy hôm nay trời mưa ngâu, dầm dề suốt hàng tuần lễ liền. Mấy người trong làng tranh thủ những lúc tạnh ráo dồn nhau đi chợ để mua đồ tích trữ, phòng lúc mưa lớn lại chả làm ăn gì được. Cũng vì thế mà chuyến đò chông chênh của Hạnh qua lại trên sông nhiều hơn. Sông mùa mưa nước lớn lắm, nhưng chẳng còn phương tiện nào khác, thế là người ta vẫn cứ bất chấp đi. Cũng còn vì tay đò của Hạnh đó giờ được khen vững, dù bấp bênh cũng cố đưa khách quá giang nhanh nhẹn nhất có thể.

Hôm nay cũng thế, trời sùi sụt mưa từ tối qua, Hạnh vẫn cố đội mưa chạy về nhà xem mẹ với em như nào rồi ngủ lại một đêm. Sáng ra trời vẫn còn rả rích, đất ướt nhoét những bùn lầm, Hạnh đoán chừng người làng chưa vội đi chợ ngay mà còn đợi cho tạnh hẳn đã, nên cũng thong thả, cố nán lại nhà giúp cái Mân chuyện củi nước. Khổ con bé, đang học lớp 10 mà phải làm đủ việc, dưới còn có thằng Hòa cấp hai trường làng nữa. Hạnh tự nhiên thấy xấu hổ. Mang tiếng con gái lớn mà chẳng mấy ngày được ở nhà đỡ mẹ đỡ em, ru rú trên đò ấy mãi. Ngồi nhóm bếp, củi ngấm nước mưa mãi không cháy, Hạnh mới thấu cái vất vả của đứa em gái ở nhà. Đành cho lợn ăn tạm rau lang sống, đi loanh quanh nhà quét tước, ra giếng lấy gầu vợi đầy bể nước, nhìn trời đã sáng bảnh và mưa cũng ngớt dần, Hạnh mới quay vào chào mẹ rồi lại tất tả đi.

-----------------------------------------------------------------

Mặc dù còn rất non tay và có niềm đam mê to lớn với tình gà bông hường phấn nhưng tớ vẫn quyết tâm tung ra một cú tát vào mặt đôi trẻ nhà tớ hihi. Sắp dồiiii

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro