Hai

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chuyện Đông Hách đi chơi cũng không hẳn là không tin tưởng được, bằng chứng là vô số những đồ lỉnh kỉnh có thể ăn được. Nam thấy bạn về, liền đứng từ trên tầng gọi xuống:

- Nay ăn gì vậy Hách?

Thế Nam dường như tin tưởng vào Hách hơn là Nhân Tuấn. Từ ngày gặp Hách, Nam gần như tin bạn trong mọi phương diện, mọi tình huống, ngày cả cái việc mà anh chưa từng thấy bạn mình làm bao giờ như việc đi chợ nấu cơm, anh cũng đặt trọn niềm tin vào Hách mà không một lời nghi vấn.

- Cầm nguyên thủy tắm nước sôi ăn cùng với nước tương Tam Thái Tử, còn thảo mộc mày muốn làm nóng bằng chất béo động vật hay cũng trần nước sôi đây.

- Thôi tắm nước sôi cho nhanh đi ông ạ.

Nghe vậy, Đông Hách cầm túi thức ăn xuống căn bếp dưới nhà. Trong khi đó, Thế Nam đi tắm. Đứng dưới vòi nước chảy, anh không ngừng suy nghĩ về cái khoản tiền nhà (giờ đã chuyển thành khoản nợ Đông Hách kia). Vấn đề cơm áo gạo tiền chưa bao giờ làm anh hết đau đầu, bố anh ở quê vì bệnh tật mà đã nghỉ làm từ sớm, cả nhà sống nương vào đồng lương giáo viên ba cọc ba đồng của mẹ anh. Anh đi làm thêm cũng chỉ đủ tiền đóng tiền nhà và học phí, lại thêm đợt này vì vài bữa nghỉ mà anh chỉ nhận được nửa tháng lương, điều này khiến anh lại càng thêm phiền não.

Nếu cuộc đời Đông Hách như một bộ phim truyền hình dài tập với những tình tiết oái oăm, sướt mướt như phim truyền hình chiếu vào mỗi 8 giờ hằng ngày, cuộc đời Nhân Tuấn là những thước phim tài liệu quay về thời thập niên không có máy tính điện thoại thì cuộc đời Thế Nam chính xác là một bộ bi hài.

Câu chuyện đi tìm việc làm của Nam là bất ổn nhất trong những thứ bất ổn. Trong một lần lướt mạng xã hội, Thế Nam nhìn thấy một bài đăng tìm người dạy kèm, anh không ngần ngại liền ứng tuyển. Trong buổi đầu đi làm, anh đã đi sớm trước giờ hẳn bốn mươi phút vì sợ không quen đường. Theo sự chỉ dẫn của Google Map và trên con xe đạp đã két gỉ của mình, anh đã đi hết một vòng 30 ki-lô-mét và dừng chân tại nơi mình bắt đầu. Hóa ra, chả phải đâu xa, học sinh của Nam chính là Chí Thành- con bà chủ trọ. Tiền lương của Nam được trả theo giờ, đi làm ngày nào tính lương ngày đấy, miễn mỗi ngày dạy đủ hai tiếng, trò học tốt thì thầy được thưởng thêm. Sau tuần đầu dạy và học diễn ra suôn sẻ thì Nam phải xin nghỉ một tuần vì nhà có đám, Nam nhẩm tính nếu nghỉ một tuần thì lương ba tuần còn lại vẫn đủ đóng tiền học lại. Nhưng Nam tính không bằng trời tính, đầu tuần lên thành phố thì nghe tin mẹ con thằng Thành đi về quê ăn đám cưới, ở lại chơi đến giữa tuần sau mới lên. Vậy là ngay tháng đầu tiên Nam đi làm được 1 tuần rưỡi, lương trừ thẳng vào tiền trọ. May thay khi công việc ổn định thì anh được nhận dạy kèm Hóa cách đó một con phố.

Phạm Chí Thành đang học lớp mười hai, là con trai một của bà Sò chủ trọ. Thằng nhóc này học đều các môn, dốt nhất Hóa nhưng vẫn đâm đầu vào khối A00 chỉ vì sợ Anh Văn. Học hành là vậy nhưng được cái hiền lành, chất phác, là nạn nhân số một trong mấy trò nghịch của "hội tầng hai" và... mấy cái cốc đầu của Lê Thế Nam. Ngày trước, mỗi lần dạy kèm, Thế Nam lại cốc đầu nhóc vài cái, thẳng nhỏ thì chỉ nghĩ đơn giản là do mình học kém nên bị anh cốc đầu. Về sau, như một thói quen, cứ đi qua Thế Nam lại gõ vào đầu nhóc một cái, hỏi tại sao thì chỉ nhận về một câu trả lời: "Nhìn mày anh thấy ngứa mắt".

Một ngày lại như mọi ngày, ăn cơm xong, Nam lóc cóc dắt chiếc xe đạp đi dạy. Chả là hôm nay bà Sò được người quen gửi lên mấy cân hải sản, gọi bọn nó sang chung cho vui. Nhân Tuấn với Đông Hách thấy thế như mở cờ trong bụng, vứt cả nồi "cầm nguyên thuỷ tắm nước sôi" cho Thế Nam. Nam ăn cơm trứng dằm tương chỉ biết tiếc hùi hụi. Anh không tiếc mấy con cá, con tôm, mà anh tiếc vì không được ăn cơm cùng "người ấy".

Đám Đông Hách hôm nay chính xác là được "một bữa no". Chả mấy khi được ăn ngon thế này, thế là máu nhậu trong người nổi lên, nó với Nhân Tuấn hai thằng ra chợ vác một thùng bia về nhà. Với khẩu hiệu "không say không về, có say cũng không về", trẻ vị thành niên duy nhất trong nhà- Chí Thành chỉ biết mím môi nhìn ba ông anh rót bia như rót nước lọc còn mình phải uống nước ngọt dưới sự giám sát của mẹ. Đang nhậu hăng say thì điện thoại Đông Hách rung lên liên hồi. Nó bực dọc bắt máy nghe, nội dung cuộc điện thoại khiến mặt nó chuyển từ đỏ lừ sang tái mét:

- A lô, anh là... Lê Hách... Dịch người nhà Lê Thế Nam phải không ạ?

Mặt Đông Hách lúc này không phải là đỏ lừ hay tái mét nữa mà là đen như đít nồi:

- Tôi là bạn Lê Thế Nam đây, nhưng là Lê Đông Hách chứ không phải Lê Hách Dịch..

- À dạ, anh Đông Hách, phiền anh đến bệnh viện Bạch Mai đóng tiền viện phí cho anh Nam với ạ.

Đông Hách nghe xong lập tức đứng hình, biểu cảm của nó thu hết vào mắt Gia Minh ngồi đối diện.

- Anh ơi, anh có nhầm không chứ thằng Nam bạn em nó khoẻ mạnh, cơ bắp vạm vỡ có bệnh tật gì đâu mà nằm viện ạ.

Nghe đến đây cả căn phòng chợt im, bà Sò ngồi bên cạnh giật luôn điện thoại Đông Hách:

- Thằng Nam nó làm sao, nằm ở viện nào.

- Anh Nam bạn anh bị tai nạn đang nằm ở Bạch Mai...

"Tút... tút... tút..." Chưa kịp để bên kia nói hết, bà Sò cúp máy.

- Mấy thằng đi lấy xe nhanh lên, Thành với Minh ở nhà trông nhà nghe chưa. Hách, Tuấn lấy xe chở bác.

- Mẹ cũng đi ơ?- Thành trố mắt ra nhìn mẹ.

- Tao phải đi chứ, mày nít nôi ở nhà rửa bát đi.

Bà vừa dứt câu thì xe máy của Tuấn đã chờ sẵn ngoài cửa:

- Bác ơi đi thôi.

-Hai đứa ở nhà rửa bát cho mẹ, đi ngủ sớm để mai đi học nghe chưa.

-Dạ!

Thế là cả ba người lên xe phóng đi mất, Chí Thành ở nhà nhìn đống bát đũa chưa dọn chỉ biết khóc ròng.


Trời đã nhá nhem tối, quán xá bật đèn sáng trưng hai bên đường, kết thúc một ngày làm việc, một Hà Nội bận bịu vào ban ngày dần chuyển mình sang một ngoại hình mới cho sự sầm uất, náo nhiệt về đêm. Ngoài quốc lộ, có hai chiếc xe máy, một già hai trẻ phóng băng băng trên đường, mặc kệ những đổi thay đôi bên đường.

Bệnh viện thì khác với Hà Nội, lúc nào cũng mang một vẻ bận rộn, không kể ngày đêm. Cũng là người ra người vào tất bật nhưng trong sự tất bật của bệnh viện là một cảm giác căng thẳng mà ai bước vào nơi đây cũng cảm nhận được. Cảm nhận đầu tiên khi bước vào bệnh viện là mùi bông băng thuốc đỏ xộc thẳng lên mũi, thật chẳng dễ chịu gì cho cam. Thế Nam nằm trong phòng bệnh nhìn một bên giò bị treo ngược của mình chỉ biết thở dài. Cái sự đen đủi của anh đến con chó mực ngoài đường đi qua cũng phải liếc mắt khinh bỉ. Vừa thầm chửi bản thân mình, anh lại chửi lây sang cả thằng bạn, cái thằng làm gì mà lâu la lề mề...

Vừa nhắc tào tháo, tào tháo đến luôn. Đông Hách xông thẳng vào phòng bệnh, không kiêng nể gì túm lấy thằng bạn mình nằm trên giường bệnh mà lật qua lật lại. Theo sau là Nhân Tuấn với bà Sò.

- Sao sao, thằng quỷ con của ông thấy thế nào rồi?

Nếu không phải đang ở bệnh viện thì Nhân Tuấn chắc hẳn đã phải đạp cho Đông Hách một phát bay sang nửa bên kia của Trái đất. Người đâu chả biết lễ nghi phép tắc gì cả, cứ tự nhiên như ruồi, ở viện mà làm như ở nhà. Thế Nam nằm kia như đã quá quen với cái nết ô dề thái quá của thằng bạn mình mà nằm im mặc kệ cho nó làm gì thì làm, thỉnh thoảng chỉ la nhẹ một tiếng vì đau.

Đông Hách sờ sờ mó mó chán chê, bắt đầu quay ra càm ràm:

- Đó, tao nói thì không có chịu nghe đâu, đầu óc thì cứ ở trên mây. Rồi mốt mà nó xảy ra chuyện gì thì ai chịu. Hôm nay không có vị ân nhân đây thì mi có mà nằm bẹp dí ở bệnh viện này rồi, cái ngữ mi á, là cứ phải một trận cho chừa cái kiểu lơ ngơ, đi đứng đầu óc để trên mây.

Thế Nam bỏ ngoài tai mấy lời lải nhải của Đông Hách, anh quay sang nói:

- Viện phí nộp hộ tao, hết bao nhiêu cuối tháng tao đưa lại.

Nhân Tuấn lúc này với lên tiếng:

- Cô Sò lo cho hết rồi, sướng nhất thằng Nam, đi học xa nhà mà vẫn có người mẹ thứ hai lo cho.

Tay đau nhưng Nam vẫn gượng người dậy tính gập người cảm ơn cô Sò:

- Con cảm ơn cô, cô ơi hết bao nhiêu con gửi.

- Ấy ấy, con cứ nằm yên không có lại động vào chân đau. Tiền nong đối với cô có đáng bao nhiêu đâu, mày cứ kèm cặp thằng Thành con cô sao cho nó đỗ đạt là được.

Nhân Tuấn nghe vậy, cơ hội liền:

- Tiền nong không đáng bao nhiêu, không mấy cô miễn tiền trọ tháng này cho tụi con đi cô.

Đúng là cao thủ không bằng tranh thủ, Đông Hách và Thế Nam thấy vậy liền hưởng ứng ngay tức thì, vỗ tay bôm bốp. Cô Sò nghe vậy không ngần ngại cốc đầu nó một cái:

- Các cậu chỉ được có thế là nhanh, tôi không thu tiền trọ các cậu thì lấy đâu ra tiền đóng học cho thầy Lê Nam đây.

Cả phòng nghe vậy thì phá lên cười giòn tan. Nhận thấy kim đồng hồ đã điểm chín giờ tối, Đông Hách liền nhắc nhở mọi người rằng giờ đã chẳng còn sớm nữa:

- Trời cũng muộn rồi, mọi người về đi, Hách ở lại trông thằng Nam cho. Tuấn đưa cô Sò về đi, cô có tuổi rồi đừng để cô ở lại muộn.

Mọi người đều gật đầu đồng ý nhưng Nhân Tuấn vẫn có chút lo cho Đông Hách:

- Hay mày cũng về đi, ở đây làm gì có chỗ ngủ, phòng bệnh nhiều người như này làm gì có chỗ mà ngủ.

Đông Hách cười cười, phẩy phẩy tay đáp:

- Thì tao nằm chung giường với thằng Nam, đằng nào giường nó cũng rộng.

- Ừ thế bọn tao về trước, có gì thì nhớ gọi tao luôn nghe chưa.

- Rồi rồi, biết rồi, về ngủ đi kẻo muộn.

Nhân Tuấn đứng lại chào hỏi mấy bác cùng phòng một chút rồi chạy theo cô Sò đi về. Thế Nam dõi theo bước chân của mọi người đầy nuối tiếc. Đông Hách như đọc được tâm tư của bạn mình mà chọc chọc:

- Tiếc vì không được gặp ai kia đúng không?

Nam nghe bạn trêu, mặt đã đỏ lựng như trái cà chua:

- Mày tầm bậy, làm gì có ai.

- Không phải giấu, tớ biết là bạn ngóng Gia Minh rồi. Này, lúc nghe mày bị tai nạn, Minh nó lo mà đánh rơi cả bát đấy.

Thế Nam dò xét với ánh mắt đầy nghi hoặc:

- Mày đừng có điêu.

- Ơ hay tao nói thật, mày không tin à. Chẳng qua là người ta phải ở nhà trông thằng Thành nên không đi cùng được thôi.

- Cái thằng Thành to tướng thế mà cần trông à! - Thế Nam xì một tiếng, lầm bầm trong họng.

- Á à, hóa ra là cũng mong người ta đến đúng không! Anh đây biết tỏng. Này, nằm dịch vào, anh với chú tâm tình với nhau vài điều.- Vừa dứt câu Đông Hách cởi dày định chui tọt vào chăn nằm. Nhưng chưa kịp ấm nệm thì đã bị Nam lấy chân còn lại đạp cho một cái ngã lăn quay xuống đất.

- Ui... da... Đau. Cái thằng này thiệt tình... Cái tên tao trong danh bạ mày tao còn chưa động đến đâu.

- Bé mồm thôi cho người khác còn ngủ.- Giường bên cạnh cáu kỉnh phàn nàn.

Đông Hách lí nhí:

- Cháu xin lỗi ạ.

- Bọn trẻ bây giờ thật là...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro